Danh y Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, được sinh ra tại làng Nghĩa Lư, huyện Dạ Cẩm, Hồng Châu (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Ông còn có biệt hiệu là Tráng Tử Vô Dật, và Hồng Nghĩa. Về năm sinh của ông, sách vở ghi lại chỉ nói vào thời vua Trần Dụ Tông (thế kỷ 14, tức vào khoảng năm 1330), vì ông vốn là con nhà nông ở miền thôn dã, nên việc ghi nhớ ngày tháng năm sinh rất khó khăn.
Lúc mới lên 6 tuổi, ông đã phải mang thân phận mồ côi cha mẹ.Thời may, hoà thượng chùa Hải Triều ở Yên Trang (sau này gọi là chùa Nghiêm Quang, tức chùa Giám ở xã Tân Sơn, huyện Cẩm Bình) mang ông về chùa để nuôi dạy. Đến năm lên 10, ông được sư cụ chùa Giao Thuỷ ở Sơn Nam (Nam Định) đưa về cho học với các sư tăng chùa Dũng Nhuệ, chùa Keo (Thái Bình). Tại đây, ông được đặt pháp danh là Tiểu Huệ, biệt danh là Huệ Tĩnh, bắt đầu chuyên chú vào việc học chữ và học cả nghề thuốc để giúp việc chữa bệnh cho dân nghèo trong vùng.
Năm 22 tuổi, ông đi thi Hương và chiếm ngôi đầu trên kim bảng (Thái Học Sinh), nhưng ông không ra làm quan mà vẫn ở lại trong chùa để tiếp tục việc chữa bệnh, lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh từ đó. Chừng 8 năm sau, ông quay về lại chùa Yên Trang (chùa Giám) để nhận chức trụ trì, bắt tay vào công việc hoằng pháp độ sanh, tu bổ lại chùa và nhiều chùa khác trong vùng. Đặc biệt là ông đã dành rất nhiều thời gian để chuyên tâm nghiên cứu y học, nghiền ngẫm giáo lý, lấy vườn chùa làm nơi ươm trồng những cây thuốc chữa bệnh.
Trong suốt những năm tu học Chánh Pháp và tìm tòi thuốc hay chữa bệnh cứu người, lấy Từ Bi Hỷ Xả của Đạo để đem hoà vào Đời, ông đã dốc tâm dốc sức với tâm nguyện “dẫu xây chín bậc phù đồ; không bằng làm phúc cứu cho một người”, nên trở thành một vị lương y nổi tiếng, đạo hạnh sáng ngời, tiếng thơm tiếng lành vang xa…
Danh y Tuệ Tĩnh là người xây dựng nền móng của Y Học Dân Tộc bằng cách chữa bệnh bằng thuốc Nam, gầy dựng phong trào trồng cây thuốc trong từng hộ gia đình để tự chữa bệnh trong nhất thời, và cũng tạo ra được những trang viên có cây cảnh đẹp mắt. Chính nhờ những vườn thuốc tự trồng lấy trong vườn, trong sân nhà theo sự hướng dẫn của bậc danh y xuất thân từ cửa Thiền, mà đông đảo dân chúng đã được thoát khỏi bệnh sốt rét hoành hành vào năm 1533, cũng như bệnh dịch tả tại tỉnh Thái Nguyên vào năm 1574. Trong sự nghiệp y học, danh y Tuệ Tĩnh đã soạn được rất nhiều cuốn sách quý, nhưng vì do cuối thế kỷ 14 quân Minh sang xâm chiếm nước ta, chúng đã phá huỷ nhiều thư tịch lớn, những bản nguyên tác của các cuốn Dược Tính Chỉ Nam và Thập Tam Phương Gia Giảm đều không còn nguyên vẹn. Người đời sau ghi chép lại các cuốn sách về y dược học của Tuệ Tĩnh theo truyền khẩu dân gian, còn lưu được các cuốn:
- Nam Dược Thần Hiệu: do hoà thượng Bản Lai chùa Hồng Phúc (Hàng Than, Hà Nội) biên tập, bổ sung vào năm 1761.
- Nam Dược Chính Bản: do triều đình Lê Dụ Tông biên tập , sau đổi tên sách thành Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư, in vào năm 1717 gồm hai quyển thượng và hạ.Quyển thượng gồm 590 tên vị thuốc Nam, và đặc tính của 220 vị thuốc Nam. Quyển hạ là cuốn sách viết về các lý luận âm dương ngũ hành sinh hoá vào con người trong tiết khí bốn mùa, sự ảnh hưởng và bệnh tật, cách điều trị lâm sàng.
- Thập Tam Phương Gia Giảm, Bố Âm Đơn, và Dược Tính Phú được viết bằng chữ Hán, là các cuốn sách hướng dẫn gia-giảm khi dùng thuốc chữa bệnh. Về sau, danh y Hải Thượng Lãn Ông đã kế thừa 496 bài phú dùng thuốc của Tuệ Tĩnh để đưa vào các bộ sách y dược như Lĩnh Nam Bản Thảo, Hành Giản Trân Nhu, Vệ Sinh Yếu Huyệt…
Không chỉ là tác giả các cuốn sách chuyên về y dược, danh y Tuệ Tĩnh còn để lại cho đời cuốn sách về Phật học rất giá trị là Thiền Tông Khoá Hư Lục (diễn Nôm).
Năm 55 tuổi, ông bị bắt đi sứ sang Trung Quốc, được vua nhà Minh cảm tài mà phong hiệu là Đại Y Thiền Sư, giữ ông lại ở Kim Lăng, làm việc ở Viện Thái Y. Ở xứ lạ quê người một thời gian, ông qua đời tại tỉnh Giang Nam (không rõ ngày mất). Tương truyền rằng vào thế kỷ XVII, Nguyễn Danh Nho đi sứ sang Trung Quốc khi đọc mộ chí của danh y Tuệ Tĩnh thấy có ghi mặt sau bia câu văn: “Về sau có ai bên nước nhà sang, nhớ cho hài cốt tôi về với!”.
Vùng Cẩm Bình ngày nay còn một số di tích về danh y Tuệ Tĩnh như đền Xưa, đền Bia, và nhất là ở chùa Giám, đều có đặt tượng thờ ông. Rất nhiều chùa chiền tự viện trong nước có khám chữa bệnh từ thiện cho dân nghèo đều lấy tên “Tuệ Tĩnh Đường” đặt cho phòng khám “cứu nhân độ thế”. Vào ngày Rằm tháng Hai âm lịch hằng năm, nhân dân địa phương vẫn mở hội tưởng niệm nhớ ơn bậc danh y có công xây dựng nền Y Học Cổ Truyền Dân Tộc từ buổi ban đầu.
Thật là:
Thiên thu danh bất hư truyền
Cõi trần lưu bóng, cõi Thiền vọng âm
Lặng thầm hoằng pháp độ sanh
Đạo cùng y dược cứu nhân giúp Đời…