Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Để sống hạnh phúc bạn cần rất ít, và tất cả đều sẵn có trong chính bạn, trong phương cách suy nghĩ của bạn. (Very little is needed to make a happy life; it is all within yourself, in your way of thinking.)Marcus Aurelius
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)H. Jackson Brown, Jr.
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Bạn có biết là những người thành đạt hơn bạn vẫn đang cố gắng nhiều hơn cả bạn?Sưu tầm

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tùy bút »» Một bài học trong đời tôi »»

Tùy bút
»» Một bài học trong đời tôi

Donate

(Lượt xem: 6.953)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Một bài học trong đời tôi

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Kính tặng hương hồn bố mẹ và thầy Fuyuo Ohta người thầy đã uốn nắn con người tôi.

***

Ngày xưa, lúc tôi còn sống và làm việc ở Việt Nam, với sự xô bồ của xã hội và cuộc đời khá cực nhọc và đầy rẫy những thách đố đôi khi rất nguy hiểm đã uốn nắn tôi thành một con người có chút đa năng, nhưng thành thật mà nói vẫn có cái gì đó của sự khôn ngoan pha lẫn ít nhiều xảo trá của một người lớn lên trong những khu ổ chuột của thành phố Sàigòn xô bồ. Nhưng nghĩ cho cùng thì cũng bình thường mà thôi, ở một xã hội chiến tranh triền miên, sinh ra trong tiếng bom đạn và chết chóc, lớn lên trong loạn ly nghèo túng và hoàn cảnh gia đình nghèo hèn... Những cái đó đã mang đến cho tôi cái văn hoá tạp nhạp của các khu lao động, bùn lầy nước đọng mà gia đình tôi miễn cưỡng là cư dân, nó phải là lẽ đương nhiên mà thôi.

Rồi với những cố gắng vươn lên một phần lớn do sự hy sinh cùng tận của bố mẹ, thêm vào đó, thời ấu thơ đã từng thấm thía nỗi nhục nhã từ những câu chửi bới, thái độ khinh rẻ của những kẻ giàu có, quyền hành mà họ đã lấy chính tôi cũng như bố mẹ tôi làm những đối tượng để trút đổ những bực bội hay để tỏ lộ uy quyền mà họ may mắn có trong tay. Với những nỗi đau thấm con tim, cay đôi mắt đó đã làm cho tôi hiểu được rằng chỉ có cố gắng và khôn ngoan mới có thể thoát khỏi được những nỗi bất hạnh của chính mình và gia đình mà thôi. Tôi đã ngạo mạn đi ra khỏi niềm bất hạnh của đời mình bằng con đường đó. Nhưng dù với lời biện hộ thế nào thì tôi cũng chẳng phủ nhận được một sự thật là tôi đã thu đạt được khá nhiều điều mà những người yêu quí tôi họ gọi là khôn ngoan, tháo vát, xứng đáng để cho tôi thành công! Ngược lại với những người thù ghét hay ganh tỵ với tôi, họ sẽ nói đó chỉ là kết quả của lưu manh, khôn lỏi... chẳng có gì gọi là tốt đẹp cả.

Ðúng hay sai? Tôi là người tốt hay kẻ xấu, đáng khinh? Có lẽ đến ngày nay vẫn chưa thể nói rõ được, cho dù thời gian đã quá dài kể từ năm 1975, cái điểm mốc đã đem đến cho đời tôi một sự đổi dời đáng nhớ. Từ đổi dời này đã dẫn tôi đến một đời sống mới, ở một xã hội mới mà tôi chắc chắn những điều tôi tích lũy được trong quá khứ, ngày còn sống và làm việc ở Việt Nam, những điều mà dân gian gọi là kinh nghiệm sống (life experiences), có lẽ theo tôi nó cần phải loại bỏ, tìm quên, dĩ nhiên không phải tất cả nhưng ít ra cũng là rất nhiều. Những sự tính toán, lợi dụng người khác nhỏ nhoi, những tánh nói xạo, nói bốc quá lố nhắm vào mục đích chẳng đáng mấy đồng xu, những lời xoi mói người khác hai ba nghĩa đầy ích kỷ hay ganh tỵ với những người tài giỏi hơn mình, những cảnh không muốn làm, không đóng góp nhưng lại đứng ngoài phê phán, chửi bới lung tung... Tất cả những tánh xấu đó đầy rẫy trong tôi ngày xưa và hình như cũng chẳng ít gì ở những người Việt Nam khác cũng sinh ra và lớn lên như tôi trong tình trạng chiến tranh quá dài của đất nước.

Ðầu năm 1974, hơn một năm trước ngày cuộc chiến chấm dứt, tôi đến Nhật Bản tu nghiệp với biết bao nhiêu may mắn ngỡ ngàng của tất cả mọi người trong gia đình tôi. Ðến Nhật Bản mang tiếng là để học chuyên môn về kỹ thuật, nhưng thật ra tôi học ở Nhật Bản không nhiều lắm về chuyên môn, mà tôi học rất nhiều điều khác rất hữu ích cho tôi hơn từ xã hội Nhật, từ bạn bè Nhật, và nhất là từ những vị thầy học, những vị lãnh đạo trong hãng xưởng mà tôi đã làm việc.

Nhờ những người tốt này, tôi đã đổi thay khá nhiều con người của mình, tôi đã cố quên những gì không còn cần thiết (nếu nói nôm na dễ hiểu là những cái khôn lỏi pha tính láu cá gian manh) mà tôi đã tích lũy qua nhiều năm sống, làm việc, từng trải ở Việt Nam... Đúng như vậy, nhờ xã hội, con người Nhật, tôi đã khác, khác rất nhiều vì những động lực, cơ duyên tốt hay xấu, vui vẻ hay đau buồn, ngượng ngùng hay hân hạnh mà tôi đã có tại Nhật Bản.... Tất cả đã mang đến những đổi thay của con người tôi. Ðến nay, ở tuổi xế chiều tôi vẫn còn nhớ rất nhiều những bài học đã in rất sâu vào trí não, chẳng bao giờ quên. Tôi chỉ viết ra đây một cơ duyên trong hàng trăm điều khác đã làm cá tính tôi đổi thay rất nhiều, từ một con người cẩu thả, thiếu kiên nhẫn, tay chân khá hậu đậu, làm gì cũng dễ vỡ đổ của tôi ngày xưa thời còn sống tại Viêt Nam, tôi đã ít nhiều được chuyển đổi thành một người tạm gọi là khéo tay, biết chậm rãi, quyết chí làm cho xong việc mới thôi.

Viết về cơ nguyên đổi thay này, ngoài mục đích nói về mình đôi chút còn là để vinh danh và cám ơn vị thầy học của tôi ở Nhật Bản. Nhờ ông mà tôi đã có được sự thăng hoa trong cá tính và thận trọng trong hành động.

&&&

Khi từ Osaka xuống Ðại học Kagoshima để tu nghiệp tôi vào làm việc trong một phòng thí nhiệm của phân khoa về thực phẩm mà vị thầy đỡ đầu tôi là khoa trưởng. Nơi đây tôi đã được nhìn và thấm thía khá nhiều về bản tính chậm rãi, chắc chắn và thận trọng của người Nhật qua mấy vị thầy học, bạn bè Nhật Bản cùng phòng khảo cứu. Nhưng nhìn thấy cái đúng của họ, nhận thấy cái sai của mình, cảm phục đối tượng, có lẽ cũng mới chỉ là điều kiện đầu tiên mà thôi, vẫn chưa đủ để nói đến chữ hiểu biết đúng nghĩa trong thực hành. Nhất là với dạng người khá luộm thuộm và nhiều cá tánh hiếu động như tôi ngày đó, con người với quá nhiều khuyết điểm, làm sao tôi có thể tiếp thu dễ dàng được? Chính vì vậy tôi đã phải chịu đựng nhục nhã vì những lỗi lầm của mình để rồi sau này có được những đổi thay mà tôi nghĩ đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống tha phương.

Một lần thầy bảo tôi xây lắp một hệ thống luân chuyển chất lỏng với nhiều dụng cụ khá tinh vi bằng thủy tinh để nối kết với một dàn máy quang phổ (Spectrophotometer) trong việc phân tích chất acid nucleotides... Tôi đã được một người bạn của thầy tôi từ phòng khảo cứu của một hãng nào đó ở Tokyo xuống chỉ bảo, mọi việc đều thông suốt, tôi chỉ việc cho máy chạy hằng ngày, thu kết quả và thay đổi dụng cụ cũng như sửa chữa nếu máy bị trục trặc.

Một lần tôi thay đổi một bộ phận trong hệ thống với những ống bằng thủy tinh rất mong manh, những cái nút rất yếu ớt, tôi đã vặn quá mạnh, làm gãy chiếc ốc rất nhỏ bằng thủy tinh trong giàn máy! Buồn quá tôi đến gặp ông thầy để xin đặt mua cái khác, tôi phải chờ đến 2 ngày chờ đợi cho việc đặt hàng. Tôi ngỏ lời xin lỗi vì bất cẩn gây ra tổn phí. Thầy tôi cười, vỗ vai tôi tỏ vẻ an ủi và nói:

- Có gì đâu mà xin lỗi! Người ta có làm mới có lỗi chứ, không làm thì làm sao có lỗi được?

Hai ngày sau dụng cụ được người cung cấp mang lại, nhờ họ giúp đỡ lắp ráp, máy lại chạy tốt. Nhưng sau đó không lâu lại trục trặc và tôi lại sửa chữa, lại một tiếng ''cắc'' khô khan, làm tôi tái mặt! Biết làm sao hơn, tôi ngượng ngùng đến gặp ông thầy để xin lỗi và xin ông đặt mua đồ thay thế. Ông Thầy nhìn tôi có vẻ không vui lắm nhưng vẫn không đến nỗi quá bực mình với câu nói:

- Thôi đành vậy chứ sao, nhớ lần sau thận trọng nhé!

Rồi người cung cấp lại đến sau 2 ngày chờ đợi, máy lại chạy bình thường, nhưng cũng chẳng lâu lại có vấn đề và tôi lại sửa. Lần này dù rất thận trọng những cũng lại vặn quá tay để cái núm thủy tinh mong manh cũng gãy. Ngẩn ngơ nhìn chiếc núm thủy tinh đã gãy, mồ hôi trên trán tôi chảy nhễ nhại xuống mờ mặt kính trắng... Tôi đứng lịm người buông những tiếng thở dài chán nản vì cảm giác xấu hổ với tánh hậu đậu, thiếu thận trọng của mình. Tôi không còn can đảm báo tin cho ông thầy nữa, ý tưởng bỏ học, rời xa nghề nghiệp chợt đến với tôi!

Hình như ông giảng nghiệm viên cùng làm việc trong phòng đã nhìn thấy sắc mặt đổi khác của tôi, ông đến gần, nhìn rõ vấn đề khổ sở của tôi. Ông lắc đầu nhìn tôi với vẻ thương hại, chính ông cũng chẳng biết khuyên tôi ra sao, nói tôi vào báo tin cho thầy biết thì cũng không phải dễ vì đây là lần thứ ba tôi phạm lỗi rồi! Suy nghĩ một lúc, tôi nói nhỏ với ông là muốn nhờ ông liên hệ với người cung cấp vật liệu để mua riêng, không cho ông thầy biết. Ông giảng nghiệm viên nhìn tôi với tí chút ngập ngừng không vui rồi lắc đầu cho tôi biết, hãng cung cấp ở tỉnh Fukuoka cách xa Kagoshima khoảng 400km, vì vậy cần 2 ngày hàng mới đến được, nhưng mỗi ngày tôi phải đưa kết quả cho thầy kiểm tra thì làm sao mà giấu được? Ngoài ra, ở Nhật bản không có chuyện tư nhân đặt mua những hàng dùng cho thí nghiệm, dù không phải là hóa chất nguy hiểm. Việc đặt hàng cho đại học đã theo một qui định trả bằng ngân quỹ đại học, không có chuyện trả tiền theo lối riêng tư. Đã thế, khi người cung cấp mang đến đại học lắp ráp cả nửa buổi, chắc chắn không thể giấu thầy được!... Tóm lại chẳng còn đường nào hơn là phải tôi phải nói thật với thầy mà thôi !

Cuối cùng tôi đã nhờ ông giảng nghiệm viên cùng vào phòng làm việc của thầy để giúp tôi can đảm nói sự thật. Có lẽ lần đó là một trong vài lần xấu hổ nhục nhã nhất trong đời tôi. Ông thầy nhìn tôi, chẳng nói gì hơn là lắc đầu với tiếng thở dài bực bội. Cuối cùng ông quay sang người giảng nghiệm viên nhờ ông ta đặt hàng cho tôi rồi quay sang tôi ông nói rất chậm và thẳng thắn:

- Lần này tôi hy vọng anh không phạm lỗi nữa, bất cứ khi nào bị vấn đề anh không được sửa chữa mà phải gọi tôi ra, hiểu chưa? Nếu không có tôi thì dừng lại không làm việc nữa chờ tôi về tính sau!

Lần thứ ba, máy lại được sửa chữa trong ngượng ngùng của tôi với người cung cấp dụng cụ và ông giảng nghiệm viên cũng như với hơn 10 người sinh viên thực tập trong phân khoa. Tôi tự nói với mình là nếu lần này lộn xộn nữa chắc tôi không còn gì để nhìn mặt ông thầy và mọi người trong phòng thí nghiệm nữa.

Nhưng mấy ngày sau, máy lại hư và đúng như ông thầy dặn, tôi tắt máy, sang báo tin cho ông biết. Ông chẳng nói gì cả, thủng thẳng đứng dậy và đi với tôi ra xem xét giàn máy. Ông quan sát rất kỹ lưỡng, hỏi kỹ tôi về cách vận hành và sửa chữa... Chắc chắn hơn nữa ông điện thoại đến hãng sản xuất nói chuyện trực tiếp với người cung cấp hàng. Tóm lại ông hỏi kỹ lưỡng để chắc chắn sự hiểu biết của tôi chính xác sau đó mới để tôi sửa chữa và ông cũng không quên nhắc nhở tôi rất thận trọng và đừng làm hư nữa. Rồi ông đứng ngay bên cạnh để quan sát tôi làm việc! Tôi làm cũng rất thận trọng vì biết rằng ngoài ông thầy đứng bên cạnh còn có thêm ông giảng nghiệm viên cùng với vài người sinh viên khác cũng đang đứng xa xa theo dõi việc làm của tôi. Công việc tưởng là đâu vào đó, nhưng đến khi vặn những cái ốc bằng thủy tinh, điều khốn khổ lại đến với tôi! Lại một tiếng ''cắc'' rất nhẹ nhưng âm thanh dội vào tai tôi như tiếng nổ của một trái bom cho tôi cái cảm giác như bị ngộp thở! Tiếng gãy dù nhỏ nhưng cũng đập vào tai thầy tôi. Tôi xanh mặt và xấu hổ muốn độn thổ còn ông thầy giận run lên, ông giơ tay lên tát vào tay tôi một cái, thêm cái thứ hai vào khuôn mặt tái xanh như tàu lá của tôi rồi ông nói với tôi như hét lên:

- Ðem chặt cái tay của mày đi! Dân Việt Nam của mày tất cả như vậy hay sao? Mày phải biết cái ốc nó mong manh, nhỏ bé như vậy mà mày mang cái sức lực của bắp thịt giết trâu bò của mày để vặn hết cỡ thì làm sao nó không gãy? Thằng cà chớn!

Sau khi tát tôi 2 cái và chửi như hét vào mặt tôi, ông giận run lên, bỏ đi thẳng vào phòng làm việc, không một lần ngoái lại. Còn tôi thì đứng như trời trồng, đưa mắt nhìn ra ngoài khung cửa sổ rộng lớn của phòng thí nghiệm. Bầu trời xanh thoáng đãng, những áng mây trắng nhè nhẹ lững lờ trôi như muốn nói với tôi rằng, thiên nhiên chẳng có gì khác lạ vì nỗi chán chường, đau đớn của tôi cả... Tôi chẳng còn cảm giác gì để xấu hổ nữa bởi vì nó đã xấu, đã ngượng đến mức tối đa, làm tôi đứng lặng ngẩn ngơ như cái xác không hồn rồi ! Tôi tự nghĩ phải lìa xa nơi đây, sẽ rời bỏ nghề nghiệp với hóa chất trong phòng thí nghiệm, cái nghề mà tôi đã từng ước mơ và định hướng cho tương lại suốt đời mình từ ngày còn ở Việt Nam.

Tôi cũng đã nhiều tuổi khi rời nước ra đi tu nghiệp, ở quê hương dù chẳng có gì là danh vọng cao sang nhưng tôi cũng đã có chút khẳng định để không ai phủ nhận được tôi đã là một người chín chắn có chức vị. Tôi không thể nham nhở vì những lỗi lầm ấu trĩ như vậy được nữa.

Hình ảnh người lao công đào đất, khuân vác trong công ty xây cất, bóng dáng ông già đẩy xe đổ rác, thu gom những thùng carton trong khu kỹ nghệ mà hằng ngày tôi nhìn thấy trên đường đi từ nhà trọ đến đại học hiển hiện trong trí nhớ của tôi. Trong sự mường tượng đó, tôi thấy những người lao động đó là tôi, họ rất giống tôi, cái tôi của hậu đậu, cái tôi thiếu thận trọng và đáng xấu hổ!

Cũng lúc đó, hình ảnh bố tôi, một ông già ít học đang hầu hạ kẻ giàu sang mà tôi đã từng chứng kiến khi tôi còn bé nhỏ! Mẹ tôi, người mẹ ốm gầy đang ngồi bên lề đường Tô Hiến Thành bán buôn với mấy chục nải chuối vàng đen, kiếm từng đồng tiền cắc... Bố mẹ tôi đã chấp nhận nhục nhã cả đời để tìm ra những đồng tiền cáu bẩn mồ hôi, đất cát, bụi đường nhưng lại là những đồng tiền thấm đẫm tình thương con, chứa đựng đầy ắp ước mơ và chỉ mong đánh đổi những gì nặng nhọc, nhục nhã của mình để lấy được cái nhàn nhã xác thân cho 7 anh em chúng tôi! Hình ảnh khốn cùng nhọc nhằn của bố mẹ tôi đã hiện ra lộ lộ trong ký ức cùng với nỗi buồn đau, ân hận mang đến cho tôi cái cảm giác tôi đã phản bội tình thương, sự hy sinh của cha mẹ. Cảm giác đó phủ trùm lấy tôi với tất cả sự đay nghiến! Tôi nghĩ tôi không còn đủ điều kiện để sống nữa, tôi đã phản bội tất cả, tôi đã làm mất lòng tin quá nhiều người thân thương của tôi! Tôi phải ra đi khỏi nơi đây để chết hay để chui vào một thân phận thấp hèn nào đó của nhân gian vì nó hợp với con người đầy khiếm khuyết của tôi!

Tôi đứng mãi như vậy trong cái không gian im lặng của phòng thí nhiệm, đối diện là cánh cửa im lìm của căn phòng làm việc của thầy tôi. Tôi chẳng biết ông đang làm gì, tôi không thể tưởng tượng ra được nét mặt và dáng dấp của ông lúc này ra sao? Buổi trưa hôm đó tôi cũng chẳng muốn ra mensa ăn cơm. Tôi buồn bã ngồi trong phòng thí nghiệm đưa mắt nhìn ra cửa sổ suy tư về con người mình với đầy dẫy lầm lỗi và khiếm khuyết. Tôi dự định buổi chiều, vào khoảng sau 5 giờ, là giờ thầy tôi sắp sửa rời phòng làm việc về nhà, tôi sẽ gặp ông để báo tin từ giã ông và sẽ rời xa thành phố Kagoshima đi nơi khác để tìm một hướng đi nghề nghiệp phù hợp với bản chất thiếu cẩn trọng và bàn tay quá hậu đậu của tôi hơn. Tôi sẽ cám ơn những gì mà ông đã giúp đỡ và đặc biệt về những giấy tờ hành chánh cần thiết ông đã cấp cho tôi để hợp lệ cho hồ sơ tu nghiệp của tôi sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi mà chính quyền Việt Nam Cộng Hòa không còn đại diện ở Nhật Bản nữa.

Vài sinh viên trong phòng thí nghiệm và cả ông giảng nghiệm viên hình như nhìn rõ sự đau khổ và khó xử của tôi, họ cũng im lặng làm việc, không một tiếng động quá to, không có những tiếng cười đùa pha trò như thường lệ... Tất cả đều lặng thinh như để chia buồn hay dành cho tôi cái không gian rộng rãi thả mình vào suy tư khả dĩ tìm ra một lối thoát mà họ cũng chẳng biết nó sẽ ra sao?

Buổi chiều hôm đó, khoảng gần 5 giờ khi mà phần lớn sinh viên đã về nhà, tôi cũng vẫn ngồi im lặng bên chiếc bàn viết, vẫn để mắt ra ngoài bầu trời suy nghĩ lung tung... Thình lình một sinh viên với tí rụt rè đến nói nhẹ với tôi:

- Ruan san(1), khoảng 5:30, trước khi về, anh vào phòng thầy Ohta, thầy muốn nói chuyện với anh.

Tôi gật đầu cám ơn người sinh viên và tự nói với mình, thế cũng xong! Cũng là một cách giải quyết rất hợp lý thôi. Thay vì tôi tự ý đến gặp ông để xin bỏ ngang việc học, rời xa ông thì ông đã sai người gọi tôi đến gặp để nói cho tôi biết khả năng và con người tôi có quá nhiều khuyết điểm không xứng đáng để học hành và làm việc trong phân khoa của ông nữa. Với cách thức nào thì tôi cũng phải buồn bã, hợp lý, không oan ức để ra đi mà thôi. Nghĩ như vậy, tôi bình thản hơn bởi vì ít ra tôi cũng đã nhìn thấy trước một giải quyết rõ ràng cho đời tôi rồi, mặc dù sự giải quyết đó có những đau xót pha lẫn với sự ngượng ngùng xấu hổ.

Trong khoảng nửa tiếng chờ đợi, tôi chẳng mang cảm giác oán hận hay thù ghét nào khi nghĩ rằng ông muốn gặp tôi chỉ để nói với tôi lời chấm dứt bởi vì nó quá hợp lý! Tôi cũng chẳng mang trí tưởng tượng để hình dung ra khuôn mặt ngượng ngùng của chính tôi ra sao khi vào phòng đối mặt với ông. Tôi cũng không muốn dự đoán mức độ nóng giận của ông còn bao nhiêu sau 4, 5 tiếng đồng hồ đủ cho ông suy nghĩ, tìm ra vài lời nói lịch sự với tôi hay chúc cho tôi có chút may mắn để ra đi, tìm cho mình một hướng đi thích hợp với bản chất, khả năng con người tôi hơn. Nét mặt ông ra sao? Giọng nói ông lạnh lùng và cương quyết thế nào khi đưa ra những câu nói quyết định số phận của tôi?... Tất cả đã được tôi dẹp qua một bên, tôi nghĩ rằng đó chỉ là những điểm rất phụ, không quan trọng lắm cho tôi lúc này, khi mà tôi phải ra đi không mang một cảm giác gì dù rất nhỏ là mình oan ức! Ðiều tôi suy nghĩ và lo lắng nhiều nhất là chiều nay phải điện thoại cấp tốc cho bà chủ nhà để trả căn gác trọ vào tuần tới. Nếu chậm trễ tôi sẽ phải trả bù thêm một tháng nữa, trong khi vấn đề tài chánh của tôi đang eo hẹp! Thêm vào đó tôi đang cố tìm trong trí nhớ mình một vài người bạn Việt Nam quen biết ở các thành phố lớn, ai có thể giúp đỡ, cho tôi tạm trú vài ba tuần lễ đầu tiên trong khi tìm việc làm kiếm tiền sinh sống.

Ðúng 5 giờ 30, tôi uể oải đứng dậy, lúc đứng trước cánh cửa đóng im lìm của căn phòng làm việc của thầy, dù trước đó tôi không hề hình dung ra nét mặt dáng điệu của ông, nhưng thật sự trong lòng tôi lúc đó bỗng dấy lên cảm giác run run nhè nhẹ và hình ảnh thầy với vẻ mặt lạnh lùng, đôi mắt soi mói tức giận nhìn tôi, đưa bàn tay chỉ vào chiếc ghế của bộ sa lông với những câu nói nhát gừng vô cảm. Rồi tiếp theo, có lẽ cũng chỉ cần 5 hay 10 phút đồng hồ đủ để tôi hiểu rõ quyết định của ông, để từ giã ông với cái cúi đầu kính cẩn của lối chào Nhật Bản mà tôi vẫn dành cho ông mỗi buổi sáng khi ông đến trường Đại học trong khoảng gần 1 năm vừa qua!

Khi tôi vừa ngần ngừ gõ nhẹ vào cánh cửa mấy tiếng, có lẽ ông đã đoán biết là tôi, đã chờ đợi tôi thì phải, ông nói vọng ra:

- Ruan kun (2) đó hả? Vào đi!

Tôi mở cánh cửa ra, hiện trạng không như tôi tưởng tượng. Thầy tôi đẩy chiếc ghế, đứng dậy với dáng điệu vội vã đi ra khỏi chiếc bàn, đến bên tôi với nụ cười dễ dãi trên môi. Ông nắm nhẹ lấy vai tôi rất thân thiện, kéo tôi ngồi xuống ghế rồi ông ngồi ngay bên cạnh tôi, đưa mắt nhìn tôi, đôi mắt không còn tí gì của sự nóng giận, bực bội nữa mà dấy lên sự hiền hoà, hơi khác lạ của cảm giác ăn năn! Ông vỗ vai tôi, xuống giọng rất nhỏ nhẹ hỏi tôi:

- Ruan kun, xin anh tha lỗi cho tôi. Tôi đã quá nóng giận và đã có hành động không tốt, bạo lực, đã nói những câu thiếu suy nghĩ, sai lầm đáng trách! Tôi chân thành xin anh bỏ qua cho tôi.

Tôi gần như chết lịm người khi nghe ông nói, vì tất cả sự kiện đã đảo ngược một cách ngỡ ngàng, không như tôi nghĩ. Tôi không tin vào thính giác của mình, giương mắt nhìn ông, tôi chẳng biết nói gì hơn với vài tiếng “Thầy ! Thầy!”... lắp bắp trên môi!

Qua một khoảnh khắc, khi tôi đã lấy lại cân bằng nhờ những câu phân trần của ông, tôi mới hiểu là ông đã ân hận suốt cả ngày sau khi tát tôi 2 cái và nhất là ông đã lỡ lầm nói đến dân tộc tôi trong câu chửi nóng giận! Ông cho biết, nhiều lần ông định ra gặp tôi ở phòng thí nhiệm, nói với tôi vài lời cảm thông nhưng lại ngại ngần không tiện trước mặt người khác cho nên đã nhờ người sinh viên mời tôi vào phòng riêng.

Tôi nghe ông trình bày, vẻ ngẩn ngơ vì cảm động hiện rõ trên nét mặt của tôi, nước mắt tôi trào ra, không phải sung sướng vì ông đã tha lỗi cho tôi, cũng không phải vì biết mình sẽ không bị mất chỗ học hành và đời tôi sẽ không bị vướng vào gió bão khi phải rời xa ông nữa, nhưng vì tôi không ngờ được một vị giáo sư đại học với danh vọng rất xa tầm tay của tôi như ông, lớn hơn bố tôi 5, 6 tuổi, đã dám hạ mình xuống ân cần xin lỗi tôi với một lỗi lầm quá nhỏ bé, nhỏ bé đến nỗi tôi chẳng cảm thấy gì gọi là đụng chạm tự ái như ông đã nghĩ! Còn nhìn về lỗi lầm của chính mình, tôi hình dung ra nếu ở Việt Nam, có lẽ chỉ cần lặp lại 2 lần với bất cứ vị thầy nào trong đại học, tôi cũng quá đủ để ra đi, huống chi tôi đã sai phạm đến 4 lần chỉ vì cái tánh cẩu thả cố hữu của mình.

Trong sự cảm động vô cùng đó tôi đã nói rất nhiều với thầy về bản chất cẩu thả, thiếu thận trọng của mình và tôi chẳng có gì để ân hận hay giận dỗi khi ông tát tôi hay chửi mắng tôi, bởi vì tôi thấy rõ những lỗi lầm khó tha thứ của mình. Ông nghe tôi phân trần, hình như cũng có tỏ ra đôi chút ngạc nhiên với lối suy nghĩ rất chân thành của tôi. Ông hoà hoãn và rất từ tốn khuyên răn tôi, giải thích những nguyên tắc làm việc, dạy tôi phải nhìn vào công việc để dự đoán nỗ lực của mình và nhất là không bao giờ làm cố lấy được. Ông đưa ra cho tôi những thí dụ rất thực tế bằng những công việc hằng ngày để tôi hiểu rõ hơn. Ông nói sự chậm rãi không có nghĩa là chậm trễ mà nó còn bao gồm sự thận trọng và chắc chắn nữa...

Ðó là một trong nhiều bài học mà tôi đã thâu nhận được trong cuộc sống tha phương, đã giúp tôi rất nhiều trong sự cố gắng sửa sai tánh cẩu thả, vội vàng trong công việc. Dần dần, với bài học đó tôi đã khéo tay hơn, tôi đã làm được những điều mà ngày xưa tôi nghĩ phải dành cho những người thợ chuyên môn như đóng bàn ghế, sửa chữa nhà cửa, cả đến những công việc cần đến sự tỉ mỉ khéo tay...

Ngày nay mỗi khi tôi cầm một cái kềm vặn một cái ốc hay làm một việc gì nhỏ bé cần sự thận trọng, lời chỉ dạy và cái tát tai nhớ đời của ông thầy học lại hiện lên trong trí nhớ khiến tôi thận trọng và xác định ngay giá trị của sức mạnh của mình trước khi đưa vào công việc!

Gần 6 năm làm việc, học hỏi ở Nhật Bản, nhìn và sống cũng như chơi đùa với bạn bè Nhật Bản đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về bản thân, về mọi khía cạnh trong cuộc sống của tôi trong quá khứ. Kiến thức chuyên môn mà tôi thu thập được ở Nhật có lẽ không đủ cho tôi mạnh miệng nói mình là một chuyên viên đúng nghĩa nếu tôi không có những may mắn tiếp theo khi sang Thụy Sĩ định cư, nơi mà tôi học hỏi rất nhiều, cho tôi lòng tự tin với nghề nghiệp kiếm sống của đời tôi. Nhưng nếu nói về bản chất con người, làm việc với tinh thần tự trọng và tín cẩn là những điều mà tôi đã học hỏi rất nhiều từ xã hội Nhật. Tôi không muốn mang tiếng tôn sùng người Nhật hay xã hội Nhật Bản bởi vì tôi cũng như bất cứ ai sống lâu năm, đi làm kiếm sống ở Nhật đều nhìn thấy rất rõ những cái đáng ghét đầy dẫy ở xã hội Nhật. Nhưng theo tôi nghĩ, nếu ai biết lựa chọn và phân biệt với một chút khách quan kèm theo sự phục thiện, muốn học hỏi, sửa sai những lỗi lầm của mình, thì xã hội và con người Nhật Bản có rất nhiều điều mà chúng ta nên thâu nhận và suy ngẫm.

_____________

Chú thích:

(1) San: giống như tiếng Mrs, Mr... Trong Anh ngữ

(2) Kun: tiếng gọi người trên dành cho kẻ dưới có tính thân tình.

Switzerland, July 2004 Lưu An




    « Xem chương trước «      « Sách này có 1496 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chuyện Vãng Sanh - Tập 3


Người chết đi về đâu


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Hạ


Hương lúa chùa quê - Phần 1: Hồi ký của Hòa thượng Thích Bảo Lạc

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.97.235 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...