Có phải vì áp lực Trung Quốc, Bộ Ngoại Giao Mỹ từ chối cấp chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ cho một nhóm nữ vận đông viên Tây Tạng lưu vong?
Một đội túc cầu nữ từ cộng đồng Tây Tạng lưu vong được mời tham dự trận đấu túc cầu giao hữu tại Hoa Kỳ đã bị từ chối visa nhập cảnh.
Do vậy, hôm Thứ Bảy 25/2/2017, nhóm thiếu nữ Tây Tạng trong bộ trang phục nữ túc cầu đã tới trước Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở New Delhi, Ấn Độ, để bày tỏ thất vọng. Và video biểu tình này đã phóng lên Facebook.
Điều hành đội nữ túc cầu này là bà Cassie Childers, một giám đốc người Mỹ cũng là một cựu nữ cầu thủ bóng đá Hoa Kỳ, đã bày tỏ thất vọng khi visa bị từ chối mà không có giải thích chính đáng nào từ tòa đại sứ, bất kể tất cả giấy tờ đòi hỏi đều cung cấp đủ, theo đúng hướng dẫn từ quy chế cấp visa của Mỹ.
Bà Childers chia thời giờ ra làm việc, vừa mưu sinh bằng nghề địa ốc và vừa là Giám đốc Điều hành Đội Nữ Túc Cầu Tây Tạng, đã lên trang Facebook của bà để viết:
“Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ĐÃ BÁC ĐƠN xin visa du lịch 10 ngày đối với đội túc cầu nữ đầu tiên của Tây Tạng khi xin tham dự Giải Dallas Cup với tư cách khách mời VIP. Tất cả giấy tờ nộp đầy đủ. Tất cả thư mời đều ngay ngán. Các điều kiện tuyệt hảo. Giải thích duy nhất đưa ra: ‘QUÝ VỊ KHÔNG CÓ LÝ DO TỐT NÀO ĐỀ VÀO HOA KỲ.”
Nghĩa là, toàn là lý do xấu? Nhưng Bộ Ngoại Giao Mỹ không giải thích cụ thể.
.
Đội túc cầu nữ Tây Tạng được mời bởi cầu thủ và là nhà quản lý túc cầu nổi tiếng: Gordon Harold Jago. Lời mời tham dự giải Dallas Cup, một trong những cuộc đá thân hữu với giới trẻ nổi tiếng toàn cầu, trong đó có những cầu thủ trở thành nổi tiếng quốc tế, như David Beckham và Wayne Rooney.
Trên nguyên tắc, chuyến đi 10 ngày của các cô sẽ là cơ hội vàng: đội túc cầu nữ sẽ mang cờ Tây Tạng lưu vong diễn hành trong sân vận động Cotton Bowl, mang vinh dự đội thể thao đầu tiên đại diện cho Tây Tạng lưu vong trên đất Hoa Kỳ, theo lời bà Cassie. Đội này cũng sẽ được huấn luyện với một đội túc cầu của các nữ sinh viên đại học ở Texas trong chuyến đi.
.
Bà Childers than thở rằng bà đã sắp xếp kế hoạch từ nhiều tháng với ban tổ chức giải ở Hoa Kỳ, cũng như đã đóng lệ phí visa cho toàn đội, lên tới 5,000 USD và rồi công sức và tiền đều vào hư vô.
Bà Childers than thở:
“Vâng, có nhiều thảm kịch tệ hại hơn trong đời, và các thiếu nữ này đã trải qua hầu hết các thảm kịch đó. Bị bứt rời khỏi quê hương của họ, khỏi gia đình của họ, và được gửi tới sống trong điều kiện gay go ở nơi xa lạ… là tệ hại hơn nhiều. Đi bộ trong 28 ngày với đôi giảy tennis dỏm của Trung Quốc trên dãy núi Hy Mã Lạp Sơn trong hầu hết là bóng đêm, khi mới 8 tuổi, là gian nan hơn nhiều. Chuyến đi Mỹ này sẽ là tốt đẹp vô cùng nếu các cô được đi. Có 10 ngày vui đùa, làm một vài điều có ý nghĩa cho dân tộc của họ và cho gia đình của họ còn ở Tây Tạng, và được đối xử tốt hệt như luôn luôn xứng đáng được đối xử -- đó là điểm chính. Hoa Kỳ đã có một cơ hội để mở tay ra đón một trong những nhóm thiếu nữ tuyệt vời nhất trên hành tinh hôm nay. Hoa Kỳ đã thảm bại hôm nay. Thảm bại toàn bộ.”
.
Đội bóng từ đó đã xin chính phủ Mỹ đổi ý, nhưng chưa thấy lạc quan gì.
Bộ Ngoại Giao Mỹ lạnh cẳng? Hay cụ thể, có phải Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ đã lạnh cẳng, không dám mở cửa cho đội nữ túc cầu Tây Tạng lưu vong vào Mỹ dự giải bóng tròn cho giới trẻ? Không dám cho các cô phất cờ Tây Tạng lưu vong trên sân vận động Cotton Bowl?
Về chính sách visa dưới chính phủ Trump, thực ra các cô không nằm trong các công dân trong nhóm 7 quốc gia bị từ chối tạm visa. Các thiếu nữ Tây Tạng này đang tỵ nạn ở Ấn Độ, và danh sách cấm visa không hề nói gì về người Tây Tạng và người Ấn Độ.
Bà Cassie Childers nói rằng bà đã cùng với nhóm 15 nữ cầu thủ này (có bản tin ghi là 16 nữ cầu thủ) tới phỏng vấn xin visa ở tòa Đại sứ Mỹ ở Ấn Độ ngày 24/2/2017.
.
Báo Tibet Sun viết rằng các cô được huấn luyện trực tiếp bởi Cassie Childers, nữ cầu thủ bóng đá Hoa Kỳ từ New Jersey, đội này ra đấu trận đầu tiên ở trong giải Gyalum Chemo Memorial Gold Cup năm 2012, và trận đầu đã thắng tỷ số 2-0.
Từ đó, đội bóng đã đi đá trong nhiều giải khắp Ấn Độ, cũng như đã dự giải túc cầu Discover Football tại Đức quốc năm 2015.
Hầu hết các nữ cầu thủ này là từ 18 tới 20 tuổi, theo lời Cassie Childers. Bà nói, Ấn Độ không công nhận các nữ cầu thủ này là tỵ nạn từ Tây Tạng, mà chỉ công nhận là thường trú nhân hợp pháp ơ Ấn Độ, và 4 nữ cầu thủ là công dân Nepal.
Rốt cuộc, câu hỏi vẫn để ngỏ: có phải Bộ Ngoại Giao Mỹ lạnh cẳng, không dám chọc giận Trung Quốc?
.
Chuyến đi này đặc biệt, cực kỳ quan trọng với các cô, vì chiến dịch đập phá 2 Học viện Phật giáo lớn ở Tây Tạng khởi sự từ giữa năm 2016 và bây giờ vẫn đang diễn tiến.
Bản tin từ Tổ Chức Các Dân Tộc và Các Quốc Gia Không Được Lên Tiếng (Unrepresented Nations And Peoples Organization) và báo New York Times mới hôm 27/2/2017 cho biết 6 chuyên gia và báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc bày tỏ quan ngại nghiêm trọng vì nhà nước Trung Quốc vi phạm quyền tự do tôn giáo tại 2 Học viện PG lớn -- Larung Gar và Yachen Gar. Nhiều ngàn tăng và ni bị trục xuất ra khỏi 2 Học viện PG này, trong khi chính phủ phá hủy 20,000 căn nhà trọ của các học tăng, học ni.
.
Trận đá bóng của các cô, nếu thực hiện được, cũng không cứu nổi quê nhà Tây Tạng. Nhưng ít nhất, cũng làm thế giới nhìn thấy rằng, đã có những nữ cầu thủ như thế, từ năm 8 tuổi được ba mẹ cho rời nhà, gửi theo các chuyến vượt biên đường bộ qua dãy núi Hy Mã Lạp Sơn đi suốt 4 tuần lễ để tìm tới các khu tỵ nạn người Tây Tạng ở Nepal và Ấn Độ, nơi các cô sẽ ra sức học để giữ gìn văn hóa dân tộc, để tu học theo Phật giáo Tây Tạng bằng tiếng Tây Tạng, một ngôn ngữ đang bị xóa dần ở quê nhà, nơi sắc tộc các cô đang bị đồng hóa với Hán tộc.
Đây cũng là một bài học cho Việt Nam để cẩn trọng. Một khi mất đi, không gì để cứu vãn.