Về đường con cái, có người chỉ biết là do mình tạo ra mà không biết rằng sự quyết định là do mệnh trời; lại có người chỉ biết rằng sự quyết định do mệnh trời mà không biết rằng cũng do chính mình tạo ra.
Thế nào là sự quyết định do nơi mệnh trời? Ở đời có những người thê thiếp đầy nhà mà không con, lại có những người chỉ duy nhất một vợ nhưng con cái đầy nhà, rất thường thấy như vậy. Lại [trong số những người không con], có người tìm cầu đủ mọi phương thuốc nhưng đều vô hiệu, lại có người chưa dùng hết một thang thuốc đã sớm có con; có người thử qua trăm phương ngàn cách cũng không tác dụng gì, nhưng có người chỉ tạm chung chăn gối lại sinh con. Những trường hợp như thế đều do trời quyết định, chẳng phải do ý người.
Thế nào là do chính mình tạo ra? Nói chung, nếu phải chịu cảnh không con nối dõi, đó thường không phải do nghiệp vừa tạo ra trong đời này, mà là nghiệp quả chiêu cảm từ đời trước. Trời cao sáng suốt, có lẽ nào chỉ riêng ghét bỏ một mình ta? Ấy chỉ là chuyện làm ác ắt phải gặp ác, làm lành tất nhiên được hưởng quả lành đó thôi. Ví như đeo chuông vào cổ cọp, ai buộc vào được ắt phải chính người ấy mới có khả năng gỡ ra được. Lại cũng như trong đầm lạnh chứa nước, nước ấy có thể đông lại thành băng, băng ấy có thể tan ra thành nước. Đó gọi là [thiện ác tốt xấu đều] do chính mình tạo ra, không phải do trời.
Người khéo biết cách cầu con, thường là trong chỗ không cầu mà được, trong chỗ thường làm phương tiện giúp người mà được, trong chỗ tu tập lòng từ bi, bình đẳng đối với tất cả chúng sinh mà được. Hiện nay đã thấy người xưa đạt được những kết quả như thế, sao không noi theo đó mà làm?
Cận Du
Vùng Trấn Giang có người tên Cận Du, đã năm mươi tuổi mà chưa có con. Ông đi dạy học ở Kim Đàn, người vợ ở nhà liền bỏ tiền mua một cô gái ở gần nhà về làm thiếp cho ông. Khi ông về nhà, bà sắp đặt tiệc rượu trong phòng, đưa cô gái vào hầu rượu rồi mới nói cho ông biết. Ông vừa nghe thì đỏ mặt, bà nghĩ là vì có mặt mình ở đó, nên liền ra khỏi phòng rồi đóng cửa, cài then lại. Ông liền theo cửa sổ leo ra ngoài, nói với bà: “Tâm ý bà rất tốt, nhưng cô gái này thuở còn bé tôi từng bồng bế, vẫn mong sau này cô ấy có được tấm chồng nương thân. Nay tôi đã già lại nhiều bệnh, không thể bắt cô ấy phải chịu đựng tôi.” Liền đưa cô gái ấy trả về gia đình.
Năm sau, bà liền sinh được con trai, [sau này] là Văn Hy Công, mới mười bảy tuổi đã đỗ Giải nguyên, cuối cùng làm đến chức quan Tể tướng.
Lời bàn
Vì không con nên xếp đặt chuyện cưới thiếp. Nhờ trả thiếp về nhà hóa ra lại sinh được con. Ví như không trả cô thiếp ấy về nhà, chưa hẳn đã sinh được con. Người đời nay, không có con liền nghĩ ngay đến việc cưới thiếp, không biết rằng lửa dục càng mạnh thì phước đức càng mỏng đi, chẳng khác nào khát nước lại uống nước muối, càng uống càng thêm khát. Chỉ tiếc thay cho người đời không hiểu ra được điều ấy.
Mã Phong ông
Mã Phong ông trước đây đến tuổi trung niên vẫn chưa có con, cưới được một người thiếp hết sức xinh đẹp. Mỗi khi chải tóc, nhìn thấy ông liền tránh mặt đi. Ông gạn hỏi, cô nói: “Cha tôi chết trong lúc đang làm quan, hài cốt vẫn chưa đưa về quê được, chính vì thế gia đình mới phải bán tôi làm thiếp cho ngài [để có tiền đưa hài cốt cha về quê]. Tôi vẫn chưa hết thời gian khóc tang cha, dùng lụa trắng búi tóc. Vì thế mỗi khi [chải tóc] thấy ngài thì tránh đi, [không muốn cho ngài biết].”
Ông nghe chuyện như thế hết sức cảm động, liền ngay trong ngày ấy đưa cô gái trở về với người mẹ, chẳng những không đòi lại số tiền trước đây mà còn giúp thêm lộ phí cho họ đi đường. Hai mẹ con cùng khóc mà từ biệt ông.
Đêm ấy, Mã Phong ông nằm mộng thấy một vị thần đến bảo ông rằng: “Trời ban cho ông một đứa con trai, phúc lành từ nay thường đến, như dòng nước chảy mãi không dứt.”
Qua năm sau, quả nhiên ông sinh được một đứa con trai, [nhớ lại điềm mộng cũ,] liền đặt tên con là Mã Quyên, [vì chữ quyên (涓) có nghĩa là dòng nước]. Về sau, Mã Quyên thi đỗ Trạng nguyên.
Lời bàn
Ở Nhạc Châu, người cha của Phùng Trạng nguyên trước đây cũng vì không con nên bỏ tiền cưới thiếp, gặp người thiếp là con nhà đang lúc hoạn nạn khốn cùng, liền trả cho về nhà. Không bao lâu vợ ông liền có thai. Người trong làng khi ấy có nhiều người đều nằm mộng nghe thấy tiếng trống nhạc đưa đón Trạng nguyên.
So với câu chuyện của Mã Phong ông cũng tương đồng.
Cao Phong ông
Có người họ Cao ở Dương Châu, trước đây vốn không có con. Một lần đến kinh thành ngụ lại buôn bán, ông [ở trong phòng trọ] nghe thoảng mùi hương thơm cánh kiến trắng. Một hôm bỗng thấy chỗ gần vách tường mọc nhú ra một mầm cây ấy, ông bước lại kế bên quan sát, chợt thoáng thấy bên kia vách tường có người con gái đang ngồi một mình. Nhân đó liền hỏi thăm chủ nhà, hóa ra đó là con gái ông chủ. Ông liền hỏi: “Sao chưa gả chồng cho cô ấy?” Chủ nhà đáp: “Kén rể còn khó quá!”
Mấy hôm sau, ông Cao dò tìm ở vùng quanh đó được một người thích hợp, giới thiệu với người chủ nhà trọ. Ông ta đồng ý nhưng chê nhà ấy quá nghèo, e không tiền cưới vợ. Ông Cao liền nói: “Tôi có thể giúp tiền cho họ.” Nói rồi ngay trong ngày ấy nhận làm mai mối cho nhà trai, lại đưa tặng mấy chục lượng bạc [để lo việc cưới xin].
Lúc ông Cao quay về nhà, liền nằm mộng thấy một vị thần đến nói: “Nhà ngươi lẽ ra không có con, nhưng nay ban cho ngươi một đứa, có thể đặt tên là Thuyên.”
Qua một năm, quả nhiên sinh được người con, về sau đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Thượng thư.
Lời bàn
[Nhìn thấy nữ sắc] không khởi lòng tà, đã là rất khó. Vì người khác kén rể thích hợp, lại càng khó hơn.
Kén rể giúp người đã là rất khó, bỏ tiền giúp cho sự sống của người lại càng khó hơn.
Người có đức nhân từ, mỗi khi khởi tâm ắt phải giống như thế.
Trưởng giả họ Tiền
Ở Tỳ Lăng có người họ Tiền, giàu có nhất trong quận, thường làm việc thiện nhưng chưa có con. Trong làng có một nhà họ Dụ, bị kẻ quyền thế bức bách đến nước đường cùng, khẩn khoản nhờ ông Tiền giúp đỡ. Ông Tiền chẳng cần viết giấy nợ, cứ y theo số tiền họ Dụ đang cần mà đưa cho đủ số. Nhà ông Dụ nhờ đó mà được bình an thoát nạn, ông liền dắt cả vợ con đến nhà ông Tiền cảm tạ. Tiền phu nhân thấy con gái ông Dụ xinh đẹp, ý muốn ông Tiền cưới về làm thiếp, nhà họ Dụ nghe vậy mừng lắm. Ông Tiền nói: “Nhân lúc người ta có việc nguy khốn mà giúp để được việc mình, đó là bất nhân. Mình vốn muốn làm thiện, lại để chuyện ái dục xen vào, đó là bất trí.” Nói rồi lập tức trả cô gái về với gia đình.
Đêm hôm ấy, Tiền phu nhân nằm mộng thấy một vị thần đến bảo: “Chồng bà đức độ sâu dày lắm, nay sẽ ban quý tử cho gia đình bà.”
Qua một năm sau quả nhiên sinh được con trai, đặt tên là Thiên Tích, vừa mười tám tuổi đã đỗ kỳ thi Hương, năm sau đỗ tiếp kỳ thi Hội.
Lời bàn
Trong kinh dạy rằng: “Những kẻ tà dâm với vợ người khác, phải chịu quả báo không con nối dõi.” Theo đó mà xét điều ngược lại thì hiểu được lý lẽ trong chuyện này.
Chuyện phú ông
Tỉnh Phúc Kiến có một phú ông nọ, không con, tuy nhiều vợ nhưng không người nào sinh con cả.
Bấy giờ, có vị quan trên đường đi nhậm chức ngang qua đó thì vợ chết, tiền đi đường cũng đã cạn hết. Đứa con gái khóc nói: “Thi thể mẹ con sắp hư hoại cả rồi, chi bằng cha bán con đi lấy tiền an táng mẹ, còn lại dùng làm lộ phí đi đường. Khi nào cha xong việc quan, có thể đến chuộc con về.”
Người cha nói: “Cha chỉ có mỗi mình con, nỡ lòng nào làm như thế được?” Đứa con gái đáp: “Không làm thế thì chẳng còn cách nào khác cả.” Người cha đành gạt lệ đưa con đến bán cho phú ông kia, được ba trăm ngàn đồng tiền.
Phú ông tuy bỏ tiền mua nhưng chẳng biết gì hoàn cảnh nhà ấy cả. Đến khi thấy cô gái này đoan trang hiền thục, cử chỉ hành vi đều khác hẳn những cô gái thông thường, tuy cũng trang điểm búi tóc nhưng không che giấu được vẻ buồn đau rười rượi. Phú ông gạn hỏi không nói, liền tìm hỏi người trung gian giới thiệu mới biết rõ sự tình.
Phú ông lập tức đưa cô gái trở về với người cha. Người cha lo lắng không có tiền trả lại, ông nói: “Không cần phải trả lại.” Lại còn giúp thêm cho hai trăm ngàn tiền làm lộ phí đi đường.
Không bao lâu sau, người vợ chính của ông [liên tiếp] sinh được hai con trai, đều đỗ tiến sĩ từ khi còn trẻ.
Lời bàn
Người thiếp mà Mã Phong ông bỏ tiền mua là bán thân lấy tiền an táng hài cốt của cha. Người thiếp mà phú ông này bỏ tiền mua là bán thân lấy tiền mai táng mẹ. Nếu không gặp được những người hiền thiện [như Mã Phong ông với phú ông] này, thì thật chẳng lấy gì để khuyến khích những người con gái có hiếu với cha mẹ. Nếu các vị ấy lại không sinh được quý tử, thì chẳng lấy gì để khuyến khích những bậc trượng nghĩa.