Nếu bạn không thích một sự việc, hãy thay đổi nó; nếu không thể thay đổi sự việc, hãy thay đổi cách nghĩ của bạn về nó. (If you don’t like something change it; if you can’t change it, change the way you think about it. )Mary Engelbreit
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Khó khăn thách thức làm cho cuộc sống trở nên thú vị và chính sự vượt qua thách thức mới làm cho cuộc sống có ý nghĩa. (Challenges are what make life interesting and overcoming them is what makes life meaningful. )Joshua J. Marine
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại. (Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Sử Dụng Thất Giác Chi (Thất Bồ Đề Phần) Trong Công Phu Môn Niệm Phật »» Sử Dụng Thất Giác Chi (Thất Bồ Đề Phần) Trong Công Phu Môn Niệm Phật »»

Sử Dụng Thất Giác Chi (Thất Bồ Đề Phần) Trong Công Phu Môn Niệm Phật
»» Sử Dụng Thất Giác Chi (Thất Bồ Đề Phần) Trong Công Phu Môn Niệm Phật

Donate

(Lượt xem: 10.523)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Sử Dụng Thất Giác Chi (Thất Bồ Đề Phần) Trong Công Phu Môn Niệm Phật

Font chữ:

Thất Giác Chi còn được gọi là Thất Giác Phần hay Thất Bồ Đề Phần. “Bồ Đề” là tiếng Phạn, dịch nghĩa là Giác. “Phần” hay “Chi” nghĩa là chia thành nhánh. Bảy nhánh ấy đều là nói tới “Huệ Lực” và tác dụng của trí huệ, nên gọi là Thất Giác hay Thất Bồ Đề. Do vậy, có thể biết: Nếu chẳng có Căn và Lực, thì Thất Bồ Đề Phần tuyệt đối chẳng thể dùng được. Tự thể của Thất Giác chính là Niệm, Trạch pháp (còn gọi là Huệ), Tinh Tấn, Trừ (Khinh An), Hỷ, Ðịnh, Xả. Bảy điều ấy đều là Dụng, nhằm đoạn các tà kiến, chướng ngại kiến đạo, nên chúng đều là thuộc về “Huệ Lực”. Nói cách khác, Thất Giác là bảy thứ “Huệ Lực” khiến hành nhân kiến đạo, nhập vào các địa vị Thánh, nên kinh gọi là “Thất Giác Thánh Đạo.”

Hành nhân có thể dùng mỗi điều trong Thất Bồ Đề Phần một cách riêng lẻ, hoặc kết hợp các điều ấy lẫn nhau để dùng, tùy thuộc chính mình đang ở trong tình huống nào, cần dùng điều nào bèn dùng điều ấy, nhằm mục đích giúp chúng ta kiến đạo, đoạn Hoặc, chứng Chân. Vì Thất Giác Chi là một phần để đạt đến Bồ Ðề, nên trong Phẩm Bồ Tát Tu Trì của kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật dạy chúng ta lúc tu đạo xuất thế hay ngay lúc định tâm niệm Phật thì phải nên áp dụng bảy thứ giác pháp này. Bảy thứ giác pháp này được sử dụng như thế nào ?

1) Niệm giác chi: Khi chúng ta tu đạo xuất thế, có thể khéo giác ngộ, hiểu rõ, thường khiến cho Định và Huệ quân bình; đó là Niệm. Vậy, “Niệm” có nghĩa là giữ cho Định và Huệ cân bằng, bình đẳng với nhau. Mục đích của niệm Phật cũng chẳng ngoại lệ, cũng là để quân bình Định, Huệ.

Nếu Định và Huệ bất bình đẳng sẽ mắc khuyết điểm gì ? Nếu trong Định không có Huệ, tâm sẽ bị chìm đắm, hôn trầm, chẳng thể phấn chấn nổi, muốn dụng công nhưng cứ ngủ gà ngủ gật không gượng lên nổi. Lúc tâm bị chìm đắm, chúng ta hãy sử dụng ba giác chi “Trạch Pháp, Tinh Tấn và Hỷ” để soi xét, khiến cho cái tâm mình phấn chấn trở lại. Trong Phật Thất, điều này dễ thấy nhất, lúc chúng ta nghe tiếng niệm Phật du dương, êm dịu quá, hạng nhất là tiếng niệm Phật kéo dài nhừa nhựa, rất dễ bị hôn trầm hay ngủ gục. Thông thường, chúng ta công phu chẳng thể đắc lực là do hai căn bệnh lớn: Một là vọng niệm rất nhiều; Hai là tuy chẳng có nhiều vọng niệm, nhưng lúc công phu, trong lòng cảm thấy quá nhẹ nhàng, sảng khoái nên đăm ra ngủ gục, chìm đắm trong hôn trầm. Có người vừa đi kinh hành vừa ngủ gật đến nổi muốn té xuống đất. Thậm chí có người khi lạy Phật, họ cũng ngủ gật, lúc lạy xuống, chẳng đứng lên được, người ấy đang ngủ lúc lạy Phật, ngủ một chốc, bừng tỉnh mới lồm cồm bò dậy. Hôn trầm là một chứng bệnh. Nếu chúng ta mắc phải chứng bệnh này lúc công phu, thì nên dùng Trạch Pháp để tuyển chọn một phương pháp niệm Phật khác. Ví dụ, khi chúng ta ngồi một chỗ bị hôn trầm, ta liền đứng dậy hoặc lễ Phật, hoặc kinh hành. Nếu kinh hành chầm chậm vẫn không được, thì phải đi nhanh để tinh thần trở nên phấn chấn hơn.

Kèm theo Trạch Pháp, chúng ta phải kiểm điểm lại tinh thần của mình, tức là coi mình có Tấn và Hỷ lúc công phu không ? Tấn là tiến lên, chẳng lùi. Hỷ là pháp hỷ sung mãn, hễ có pháp hỷ, bèn có thể lên tinh thần mà tiến lên. Nếu chẳng có pháp hỷ, tinh thần chẳng thể nào phấn khởi được; vì thế, chúng ta có thể kết hợp ba phương pháp Trạch Pháp, Tinh Tấn và Hỷ để xóa sạch hôn trầm.

Hiện nay, người ta sáng tạo rất nhiều Trạch Pháp để đối trị căn bệnh hôn trầm lúc công phu niệm Phật, chúng ta thấy pháp nào trị được chứng bệnh hôn trầm của mình thì liền ngay lập tức chọn lấy pháp ấy, chẳng cần phải chấp trước nơi phương tiện pháp. Thật ra mà nói, chẳng có phương tiện pháp nào là thật cả, chúng đều là giả pháp, như trong Phật pháp thường nói “tùy bệnh kê thuốc”. Thuốc ví cho Sắc Pháp. Nếu chúng ta có thể xả bỏ chấp trước đối với Sắc Pháp, bèn có thể tự tại sử dụng Sắc Pháp để phục vụ cho công phu tu hành của mình. Có người chấp pháp rất nặng, cho là đi kinh hành niệm Phật mới đúng với cách thức của Tịnh Tông Học Hội, có người lại nói ngồi niệm Phật tâm mới có Định v.v… Đấy đều là chấp pháp. Pháp vốn chẳng có đúng sai, cao thấp, trước sau... Hễ pháp nào thích hợp thì ta liền sử dụng nó, mà trong tâm chẳng giữ ấn tượng về nó, thì đó mới là Định-Huệ bình đẳng, là “Niệm Giác.”

Do vậy, lúc chúng ta cùng nhau cộng tu, dùng nghi thức cộng tu rất khó khăn, vì sao ? Vì mỗi cá nhân đều mắc mỗi chứng bệnh khác nhau, hoặc là tri kiến khác nhau, hoặc là sở thích khác nhau, hoặc là tuổi tác khác nhau, hoặc là tình trạng thân thể, sức khỏe khác nhau v.v… Tỷ dụ: Người có huệ thì thích đọc kinh, nghe pháp, người không có huệ, nghe kinh chẳng hiểu nên chẳng thích làm điều này. Lạy Phật thì người trẻ tuổi có thể lực tốt, thích lạy mau, lạy nhiều; người lớn tuổi lạy một lạy phải mất một lúc lâu, làm sao có thể theo kịp được ? Vì thế, lúc chúng ta cùng nhau cộng tu, thì phải biết uyển chuyển với nghi thức sao cho tuy chúng ta cùng nhau cộng tu, nhưng mỗi cá nhân cũng có thể ở trong đó mà tu riêng rẽ, cách này cũng rất là tự tại. Ai có thể lạy, có thể đi kinh hành, hoặc có thể niệm to tiếng… thì cứ theo đó mà tu, còn ai không làm nổi những gì người khác làm, thì tự chọn một chỗ nào đó ngồi niệm Phật, có thể niệm to tiếng, niệm khe khẻ hay niệm thầm thầm trong tâm, chẳng cần phải bó buộc mọi người cùng tuân theo một nghi thức nhất định.

Trong một đạo tràng hoan hỷ tự tại, lạy Phật cũng không cần gõ mõ dẫn khánh, mọi người cũng chẳng cần lạy chung với nhau, mỗi người tự lạy. Ai thích lạy mau thì lạy mau, ai thích lạy chậm thì lạy chậm, thảy đều hoan hỷ. Khi cùng nhau lạy theo tiếng dẫn khánh, người lạy mau sẽ hiềm quá chậm, người lạy chậm sẽ ngại quá nhanh, trong tâm bèn dấy lên phiền não. Do đó, nếu mọi người trong một đạo tràng đã đồng nhất một nghi thức, thì quá tốt, không có gì cần thay đổi. Nhưng nếu có người hiềm khích đối với nghi thức cộng tu, thì chúng ta có thể đề xướng cách cộng tu tự do này. Thế nhưng, mỗi người phải cùng nhau xướng một thứ thanh điệu để niệm Phật, nếu không như vậy, thì sự công tu sẽ trở thành tạp loạn. Phương pháp tu hành này chẳng dùng pháp khí, pháp khí không thích hợp với phương pháp cộng tu tự do này. Do đó, mỗi cá nhân đều hoan hỷ, vui vẻ, chẳng bị bó buộc.

Nếu người nào có quá nhiều vọng niệm, tâm lúc nào cũng chao động. Lúc không niệm Phật, chẳng có nhiều vọng niệm, nhưng lúc càng niệm Phật, vọng niệm càng nhiều hơn. Đó là chuyện vô cùng phiền toái. Nếu chúng ta tu hành rơi vào tình trạng này, thì phải dùng ba giác chi “Trừ, Xả, và Định” để nhiếp thụ căn bệnh này.

Phân biệt là huệ, chẳng phân biệt là Định ! Định và Huệ phải cân bằng, phải bình đẳng thì công phu mới đúng, mới nề nếp, lệch về bên nào đều không thể được. Nếu Định ít mà Huệ nhiều, thì Huệ ấy là vọng niệm, chớ chẳng phải chân thật Huệ. Huệ càng nhiều hơn Định thì càng dấy lên nhiều vọng tưởng. Nếu Định nhiều hơn Huệ bèn hôn trầm, buồn ngủ, tinh thần không thể phấn chấn nổi. Đây là hai căn bệnh thông thường mà phần đông đồng tu chúng ta đều mắc phải. Mắc phải cũng đừng sợ, vấn đề là bản thân chúng ta có phản tỉnh và có biết cách điều hòa cái tâm của mình hay không ! Tỷ dụ, trong khi đang công phu, chúng ta có cảm giác hôn trầm, buồn ngủ, liền phải biết thay đổi phương pháp luyện công. Kinh hành, lạy Phật, lớn tiếng niệm Phật, niệm Phật với tốc độ nhanh hơn, hoặc niệm câu Phật hiệu liên tục, không gián đoạn, câu này nối tiếp câu kia không có chỗ hở đều là những phương pháp có thể dùng để đối trị chứng bệnh hôn trầm. Đối với các phương pháp này, chúng ta có thể thí nghiệm qua một phen, phương pháp nào hữu hiệu, liền vận dụng phương pháp đó, nếu không có kết quả tốt thì cũng chẳng nên miễn cưỡng; đấy gọi là tự tại trong các pháp.

Niệm kinh, niệm Phật đều là phương pháp để điều chỉnh công phu tu học chính mình sao cho Định và Huệ cân bằng, bình đẳng với nhau, chẳng lệch vào một bên nào. Chúng ta có thể chọn lựa một trong bảy loại trong Thất Bồ Đề Phần (Niệm, Trạch pháp, Tinh Tấn, Trừ, Hỷ, Ðịnh, Xả), hoặc có thể kết hợp 2 loại, 3 loại cho đến 7 loại với nhau để rèn luyện tâm mình, miễn sao tâm mình được thanh tịnh bình đẳng, Định-Huệ cân bằng, chẳng chênh lệch, thì đó là đều là biết Trạch Pháp.

Phẩm 16 – Nhà Cửa Lầu Gác trong Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ ghi : “Trong đó có chỗ: trên đất giảng kinh, tụng kinh, thọ kinh, nghe kinh, kinh hành, quán chiếu, tọa thiền; trên không giảng tụng, thọ nghe, kinh hành, quán chiếu, tọa thiền.” Đây là kinh nói đến Trạch Pháp ! Đại chúng nơi cõi Cực Lạc tuy là cùng nhau cộng tu giống như chúng ta ở trong một đạo tràng, nhưng mỗi cá nhân đều có thể tự chọn lựa một phương pháp riêng rẻ để tu, cho nên, mỗi người đều có thể tự tại, hoan hỷ “niệm đạo, nói đạo, hành đạo.”

Đức Phật đã nêu ra rất nhiều nguyên tắc tu hành để cho chúng ta tham khảo, khiến cho chúng ta trong lúc dụng công có thể uyển chuyển, chọn ra phương pháp thích hợp có tác dụng hữu hiệu đối với chính mình, chẳng cần thiết phải miễn cưỡng vướng mắc vào một pháp nào, cho đó là phương pháp cố định. Chúng ta phải nên biết hết thảy các pháp hữu vi đều là giả, đều là như mộng huyễn bọt bóng, chẳng thật. Khi nào chúng ta cần đến chúng, thì có thể tự tại sử dụng, khi không cần thì liền xả bỏ mà trong tâm chẳng sanh khởi ý tưởng lưu luyến, buồn chán, vui mừng, tham cầu, tưởng cầu. Nếu chúng ta có con mắt trạch pháp như vậy, ắt sẽ mau chóng đạt được Tánh Định chân thật, chẳng đến nỗi phải bị chìm đắm trong các Thiền Định của thế gian, hoặc bị hôn trầm, trạo cử (trạng thái không yên ổn) lúc dụng công tu hành.

Thế nhưng chúng ta phải biết, những phương pháp này rất khó áp dụng trong đạo tràng hiện nay, vì sao ? Vì tập khí phiền não của chúng ta rất nặng, nên thường hay tạo các nghiệp bất tịnh nơi thân, ngữ, ý. Do đó, nếu chúng ta thật sự muốn phá trừ tập khí ấy, thì cũng phải nên thiết lập một nghi thức chung, có thể nói là “gần như thích hợp với mọi người.” Như vậy, chúng ta mới có thể phá được tập khí giải đãi, hay tự do phóng túng một cách thái quá. Cộng tu chẳng phải là chuyện dễ dàng, vì sao ? Vì mỗi người đều có tật xấu khác nhau, sở thích khác nhau, kiến giải khác nhau v.v….; đó đều là những chướng ngại lớn nhất của việc cộng tu.

2) Trạch pháp giác chi (Huệ giác chi): Hành nhân dùng trí huệ phân biệt nhận định pháp mình tu là chân thật hay hư ngụy. Do chẳng chọn lầm các pháp hư ngụy nên gọi là “Trạch pháp giác.” Thế nhưng, nếu chẳng có trí huệ thì làm sao chúng ta có thể chọn lựa pháp môn cho được ? Chọn lựa pháp môn cũng phải cậy vào trí huệ. Trí huệ có lớn, nhỏ, cạn, sâu, thiên, viên khác nhau, nên mỗi người quyết trạch (chọn lựa, quyết định) pháp môn cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, bất cứ pháp môn nào chúng ta chọn lựa để tu cũng đều là nằm trong biển cả Phật pháp, như kinh này nói : “Hiển minh không trên dưới, thông suốt ngằn mé.”

Địa vị Kiến Đạo của Tiểu Thừa là quả Tu Đà Hoàn, địa vị Kiến Đạo của Đại Thừa là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo. Cảnh giới trong kinh Kim Cang là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo. Cảnh giới trong Đại Thừa Khởi Tín Luận cũng là Sơ Trụ trong Viên Giáo. Vậy, cảnh giới trong Phẩm Bồ Tát Trì của Kinh này là gì ? Kinh này nói: “Tất cả Bồ Tát, thiền định trí huệ, thần thông oai đức, thảy đều viên mãn, bí tạng chư Phật, thông đạt rốt ráo, điều phục các căn, thân tâm nhu nhuyến, sâu vào chánh huệ, tàng dư tập khí, chẳng còn dấy khởi, theo chỗ Phật hành, Thất giác, Thánh đạo, tu hành ngũ nhãn, chiếu chơn đạt tục, Nhục nhãn giản trạch, Thiên nhãn thông suốt, Pháp nhãn thanh tịnh, Huệ nhãn thấy chơn, Phật nhãn đầy đủ, rõ biết Pháp tánh, biện tài tổng trì, tự tại vô ngại, khéo giải thế gian, phương tiện vô biên, chỗ nói chân thật, vào sâu nghĩa vị.” Đây là chính cảnh giới của các bậc Sơ Trụ Bồ tát trong Viên Giáo trở lên, nhất định chẳng phải là cảnh giới của hàng Nhị Thừa.

Luận Du Già chép: “Những người đã chứng nhập chánh vị, giác huệ như thật.” Chánh vị có nghĩa là “Chánh Huệ” được nói trong đoạn kinh văn trên. Do các Căn và Lực có thể phá hết thảy kiến chấp, chẳng đọa trong Đoạn hay Thường, nên đắc Giác Pháp Chánh Tánh. Giác Pháp Chánh Tánh là tánh như thật của Tứ Đế, còn được gọi tắc là Chánh Huệ, Chánh tánh hay Chánh vị. Các vị Bồ tát trong cõi Cực Lạc đều đắc Chánh Huệ rất sâu, nên tàng dư tập khí mới chẳng còn dấy khởi.

Đại Kinh này gọi Chánh Huệ ấy là ngũ nhãn, kinh chép : “Nhục nhãn giản trạch, Thiên nhãn thông suốt, Pháp nhãn thanh tịnh, Huệ nhãn thấy chơn, Phật nhãn đầy đủ.” Do có Chánh Huệ như thật nên “rõ biết Pháp tánh, biện tài tổng trì, tự tại vô ngại, khéo giải thế gian, phương tiện vô biên, chỗ nói chân thật, vào sâu nghĩa vị.”

Bồ tát trong viên giáo tu hành ngũ nhãn, chiếu chân đạt tục, chứng nhập chánh huệ, giác ngộ chánh tánh của các pháp, nên có thể phá trừ hết thảy chấp trước nơi kiến giải, chẳng chấp trước Thường Kiến lẫn Đoạn Kiến; đấy là “giác huệ như thật.” Như vậy, Chánh tánh chính là tánh như thật của Tứ Đế. Pháp Tứ Đế là Khổ, Tập, Diệt, Đạo, là hai tầng nhân quả thế gian và xuất thế gian. Khổ và Tập là nhân quả thế gian. Diệt và Đạo là nhân quả xuất thế gian. Nếu chúng ta thật sự thông đạt, hiểu rõ điều này, sẽ chẳng còn chấp trước Đoạn Kiến, cũng chẳng còn chấp trước Thường Kiến/

Đoạn Kiến là gì ? Người có kiến giải là: Con người chỉ có một đời này, sau khi chết thì hết thảy đều hết chuyện, chẳng có đời sau, chẳng có luân hồi. Vì thế, họ bất chấp thủ đoạn, không e ngại tạo bất cứ lỗi lầm gì, cốt sao có được sự hưởng thụ cho chính mình trong một đời này, chẳng tin có nghiệp báo trong đời sau. Đó gọi là Đoạn Kiến.

Thường Kiến là gì ? Người có kiến giải là : Con người sau khi đã chết sẽ đầu thai vào đời sau vẫn là con người. Con chó sau khi đã chết, đời sau vẫn làm chó, vĩnh viễn chẳng biến đổi. Đó là Thường Kiến.

Vì đức Phật muốn cho chúng ta biết hai thứ kiến giải ấy đều là sai lầm, nên Ngài giảng pháp Tứ Đế. Khổ và Tập là nguyên lý luân hồi trong lục đạo khắp ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Người đã chết có đời sau, đời sau chẳng nhất định làm người; chó đã chết cũng có đời sau, đời sau không nhất định là chó. Con chó sau khi chết, cũng có thể đầu thai thành người, cũng có thể sanh lên trời, thậm chí nó cũng có thể vãng sanh Cực Lạc thành Phật. Do đó, nếu Tiểu Thừa tu Tứ Diệu Đế mà chẳng tin có chuyện vãng sanh thành Phật, tức là chưa giác ngộ chánh tánh của Tứ Diệu Đế, vẫn là còn bị đọa trong Thường Kiến.

Con người đã chết cũng có thể vãng sanh thành Phật, thành Bồ tát, cũng có thể sanh lên trời, hoặc bị đọa trong ba ác đạo. Vậy, ai làm chúa tể của luân hồi trong lục đạo ? Chính mình là chúa tể của chính mình. Không chỉ chính mính là chúa tể của chính mình trong lục đạo, mà còn là chủ thể tạo ra những chuyện lành dữ, họa phước trong đời này, đời sau. Do vì chính mình là chúa tể của chính mình, nên chính mình mới có thể sửa đổi vận mạng của chính mình, không ai có thể thay thế mình để sửa đổi vận mạng cho mình được. Dẫu Phật, Bồ Tát có thần thông rộng lớn cỡ nào, có trí huệ viên mãn đến mấy đi nữa, vẫn chẳng thể thay đổi vận mạng của chúng ta. Thế nhưng, do vì Phật, Bồ tát Huệ Lực viên mãn nên các Ngài có thể chỉ dạy chúng ta những phương pháp để cải sửa vận mạng, thay đổi cảnh giới và các Ngài cũng có thể giúp đỡ chúng ta, làm tăng thượng duyên cho chúng ta trong quá trình tu tập để cải sửa thân tâm và thế giới của chính mình.

Chúng ta thấy trái đấy này xảy ra quá nhiều biến cố, tai nạn dồn dập, Phật, Bồ Tát cũng chẳng làm sao được nếu chúng ta không tin Phật, không nghe Pháp và không y giáo phụng hành. Nếu ngay trong thế gian này, chúng ta thảy đều tin Phật, trọng Pháp, tiếp nhận sự giáo hóa của Phật thì thế giới này sẽ tốt đẹp biết mấy, như Kinh này đã nói : “Ở chỗ Phật hành, nước thành tụ lạc, đều được giáo hóa. Thiên hạ hòa thuận, trời trăng trong sáng, mưa gió thuận thời, tai dịch chẳng khởi, nước thạnh dân an, binh đao chẳng động, trọng sùng nhân đức, chuyên hành lễ giáo, nước không trộm cắp, không có oan uổng, mạnh không hiếp yếu, người người đắc ý.” Trong thế giới như nào mà mọi người đều đắc ý, chuyện gì cũng xứng ý vừa lòng với mọi người ? Tất nhiên, thế giới ấy chỉ phải là Tịnh độ, chớ phải đâu là Uếu độ.

Ngày hôm qua, xảy ra một trận động đất kinh khủng, mấy ngàn người chết thê thảm. Phật, Bồ Tát có thấy hay không ? Ngày hôm kia, bên Trung Đông, xảy ra vụ nổ bôm vào các trường học giết chết biết bao là trẻ con vô tội. Phật, Bồ Tát có thấy hay không ? Tất nhiên, các Ngài cũng đều trông thấy rất rõ ràng. Nhưng các Ngài thấy rồi thì sao ? Chẳng thể ngăn cản nổi, vì sao ? Chư Phật, Bồ tát cũng chẳng có cách nào sửa đổi vận mạng của chúng ta. Chúng ta tạo vô lượng vô biên ác nghiệp, nghiệp lực của chúng sanh lớn mạnh đến mức chẳng thể tính kể nổi, nên chư Phật, Bồ tát chẳng thể giúp nổi. Tuy chư Phật, Bộ tát không thể trực tiếp thay đổi vận mạng của chúng ta, nhưng các Ngài có đầy đủ vô lượng vô biên phương pháp thiện xảo có thể giúp đỡ chúng ta tự mình sửa đổi vận mạng của chính mình.

Thế nhưng, dù phương pháp của Phật, Bồ tát xảo diệu đến dường nào, nếu chúng ta không thật lòng lấy sức mạnh của chính mình để thực hành, thì cũng chẳng thể nào sửa đổi nổi. Sức mạnh ấy phát xuất từ đâu ? Trong Kinh này, đức Phật dạy chúng ta phải lấy sức mạnh từ sự quán chiếu và tu tập, đó là : “Chỗ làm nếu phạm, phải tự hối lỗi, bỏ ác làm thiện, sáng nghe chiều sửa, phụng kinh trì giới, cũng giống như kẻ nghèo đặng của báu, chuyển trước sửa sau, tẩy sạch tâm nhơ, cải sửa hành vi”. Nếu chúng ta thật lòng, quyết chí, dốc hết sức lực và tánh mạng để làm những điều như vậy, thì như đức Phật đã báo trước cho chúng ta biết, cái quả của nó sẽ là “tự nhiên cảm nhận, nguyện ước thành đạt.” Nếu có nguyện muốn thành Phật cũng sẽ được thành Phật, huống chi là các nguyện nhỏ nhoi khác !

Người niệm Phật phải lập nguyện như thế nào mới là chân chánh ? Nguyện chuyển đổi vận mạng, nguyện cải sửa cảnh giới, biến Uếu độ của chính mình thành Tịnh độ. Chúng ta ai nấy đều có sức mạnh làm được điều này, chỉ e là có thật sự muốn là hay không mà thôi. Cho nên, nếu chúng không thật sự kiên cố, dốc hết sức lực và tánh mạng của chính mình để tu học Phật pháp thì không có cách chi có thể cải đổi vận mạng, ngay vận mạng trong lục đạo cũng không chuyển nổi, thì làm sao có thể chuyển phàm thành Thánh ? Một con chó chuyển biến thành một con người đã là quá khó, thì lẽ tất nhiên, một con người chuyển biến thành một vị Thánh lại càng khó hơn rất nhiều. Đấy đều là do không có trí huệ ! Đấy đều là do không có Huệ Lực !

Trong kinh, Phật dạy chúng ta lý luận, vạch ra chân tướng sự thật, chỉ ra phương pháp tu hành hết sức tỉ mỉ và chu đáo. Đó là gì ? Đó chẳng phải là trí huệ ư ? Chẳng có thứ nào chẳng phải là trí huệ ! Lý luận cũng là từ trí huệ sanh ra, chân tướng sự thật cũng là do trí huệ nhận biết, phương pháp tu hành cũng là do từ trí huệ kiến lập, chẳng có pháp nào chẳng nằm trong biển trí huệ của Như Lai. Có rất nhiều người nương theo lý luận và phương pháp do đức Phật giảng dạy, mỗi ngày từ sáng tới tối họ đều sống trong biển trí huệ của Như Lai, nên họ có thể sửa đổi vận mạng một cách mau chóng và thần kỳ. Ông Viên Liễu Phàm là một trong số những người đó, ông ta đem câu chuyện của chính mình viết thành một cuốn sách nhỏ lưu thông, mọi người đều biết đến. Còn có rất nhiều, rất nhiều người chẳng viết, cũng chẳng tuyên bố với mọi người thành tích tu hành của mình, nên chúng ta chẳng biết tới !

Vì lẽ đó, chúng ta phải thật sự tin tưởng (Tín Lực) cho đến phải thật sự hiểu rõ chân lý và sự lý thực tại của Tứ Đế (Huệ Lực) để có thể tùy thời, tùy hoàn cảnh áp dụng Phật pháp một cách thích hợp và tự tại; có như thế mới mau chứng đạo, chuyển phàm thành Thánh.

Tánh như thật của Tứ Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) là gì ? “Tánh” là tánh chất. “Khổ” là thân tâm lúc nào cũng bức bách, bất an, chẳng tự tại. “Tập” là mê hoặc tạo nghiệp, chính mình lúc nào cũng khởi tâm động niệm, chiêu cảm khổ báo. “Như thật” là bốn thứ Sanh Diệt, Vô Sanh, Vô Lượng, Vô Tác. “Sanh Diệt, Vô Sanh, Vô Lượng, Vô Tác” là bốn loại Tứ Đế, bao gồm toàn thể Phật pháp. Trong bốn điều này, mỗi điều đều có Thể là lý của một giáo pháp tương ứng, nên gọi là “như thật”.

Tứ Niệm Xứ trong Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm chỉ võn vẹn có bốn câu “quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã”; thế mà nó lại bao trùm cả bốn giáo Tạng, Thông, Biệt, Viên. Chỉ có bốn câu nói này, mà Thiên Thai Trí Giả đại sư phải viết ra thành bốn quyển sách dầy cộm để giải thích tỏ tường : Tạng Giáo giảng Sanh Diệt, Thông Giáo giảng Vô Sanh, Biệt Giáo giảng Vô Lượng, Viên Giáo giảng Vô Tác. Kinh Vô Lượng Thọ là kinh Viên Giáo giảng về Vô Tác, thế mà vẫn chẳng bỏ Tứ Niệm Xứ; thế mới biết nhân viên, thì pháp nào nói ra cũng viên. Do đó mới biết, hết thảy các pháp như là Tứ Niệm Xứ, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Chánh Đạo, Lục Độ, Vạn Hạnh v.v… cũng đều thông cả bốn giáo; thế mới đúng như trong Đại Kinh này đã nói : “Hiển minh không trên dưới, thông suốt ngằn mé”.

Người có căn tánh viên đốn, biết tất cả pháp đều chỉ là một pháp, thì pháp nào họ nói ra cũng đều viên thông, không những chỉ thông tứ giáo của Đại Thừa (Tạng, Thông, Biệt, Viên), mà còn thông hết thảy các pháp thế gian, chẳng có pháp nào không thông. Điều này mầu nhiệm không thể nghĩ bàn, nên Phật gọi Kinh Vô Lượng Thọ này là pháp Như Như, tức là chỉ cần trụ trong một “diệu pháp như thật” này mà có thể thông đạt hết thảy các pháp trên từ Viên Giáo xuống tới thế gian pháp, chẳng có pháp nào chẳng thông. Nhìn từ chỗ này, “Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Chánh Đạo” trong Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm xuyên suốt hết thảy các pháp thế gian lẫn xuất thế gian, há có thể coi nó là pháp Tiểu Thừa ư ? Cho nên, chúng ta thấy ngay trong Phẩm Bồ Tát Tu Trì của kinh này, chư Bồ tát trong Viên Giáo từ Sơ trụ trở lên, nơi cõi Cực Lạc đều “Theo chỗ Phật hành Thất Giác Thánh Đạo”

Những vị Bồ tát ấy đã chứng nhập “chánh vị” (chánh tánh) trong bốn giáo, bất luận chứng địa vị nào, đều có thể ứng dụng “Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Chánh Đạo” của Tiểu Thừa vào giáo pháp Nhất Thừa mà các Ngài đang học, quyết định tương ứng với lý luận, chẳng hề mâu thuẩn, trái nghịch. Người có căn tánh Tiểu Thừa áp dụng pháp ấy sẽ tương ứng với Tạng Giáo. Đại Thừa Thông Giáo Bồ Tát áp dụng pháp ấy sẽ tương ứng với lý luận của Thông Giáo. Biệt Giáo Bồ Tát áp dụng pháp ấy sẽ tương ứng với lý luận của Biệt Giáo. Viên Giáo Bồ Tát áp dụng pháp ấy sẽ tương ứng với lý luận của Viên Giáo. Tuyệt đối chẳng chẳng có pháp nào chẳng tương ứng; đấy mới đúng thật là “hiển minh không trên dưới, thông suốt ngằn mé” ! Thế mới biết, một khi Căn và Lực đã kiên cố, bèn có Giác huệ như thật, bèn tự biết sử dụng pháp môn một cách thích hợp và tương ứng. Nói cách khác, trong vô lượng pháp môn, người ấy có thể chọn lựa chắc chắn một pháp môn nào đó, nhất định thành tựu pháp môn đó đến mức viên mãn.

Người có Căn-Lực kiên cố, có thể tự chọn lựa phương hướng, có thể tự chọn lựa mục tiêu, có thể tính ra khi nào sẽ đạt tới mục tiêu. Trong khi, người mới học Phật, chưa có Căn-Lực kiên cố, thì đối với pháp môn nhiều ngần ấy, càng thêm mờ mịt, chẳng biết phải học pháp nào mới nên ? Chẳng biết phải tu pháp nào mới tốt ? Vẫn là tu đến già, đến sắp chết mà vẫn chưa thể quyết trạch pháp môn, điều này vô cùng khổ sở ! Giống như có người ngồi thuyền trong biển cả, chẳng biết phương hướng, chẳng có mục tiêu, lênh đênh trong biển cả, đó là chuyện vô cùng khổ sở.

Tông Hoa Nghiêm và Tông Thiên Thai lấy lấy Trạch Pháp làm tự thể, các phần khác sẽ từ đó mà phát phát sinh. Vì sao ? Vì trong khi hành nhân quán các pháp, có thể khéo giác liễu, phân biệt cái gì là chân, cái gì là ngụy, cái gì là chánh, cái gì là trợ, cái gì thích hợp, cái gì chẳng thích hợp, từ đó có thể chọn lựa những phương pháp tu hành phù hợp với pháp môn chính mình đang tu. Do vậy, chúng ta có thể biết, phạm vi của Trạch Pháp rất rộng lớn, chẳng phải chỉ giới hạn trong pháp môn mình đang tu.

Trong cuộc sống hằng ngày, trong tất cả các sự ăn, mặc, ở, đi, đứng, nằm, ngồi trong xã hội, chúng ta chọn lựa một nghề nghiệp. Sau khi đã chọn một nghề nghiệp vững chắc rồi, lại còn phải biết dùng phương pháp gì để lo liệu ? Đấy đều là Trạch Pháp, chớ chẳng phải đã chọn ra được một ngành nghề rồi thì gọi đó là Trạch Pháp. Cũng giống như vậy, không phải chỉ là việc chọn lựa một pháp môn nào đó trong 8 vạn 4 ngàn pháp môn để tu hành mới gọi là Trạch Pháp. Đương nhiên, đó cũng là Trạch Pháp, nhưng chẳng thể nói các pháp trợ hạnh khác nhằm giúp cho pháp môn mình đang tu phát triển chẳng phải là Trạch Pháp. Tỷ dụ: Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh nêu ra các pháp trợ đạo trong Tịnh Nghiệp Tam Phước để làm tăng thượng duyên cho pháp môn niệm Phật cầu sanh Cực Lạc; chọn lựa các pháp trợ đạo ấy cũng đều là Trạch Pháp.

Chúng ta phải biết, sau khi học Phật pháp đến mức hữu dụng, thì bèn có thể dùng Phật pháp được ngay trong tất cả sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày, ăn, mặc, ở, đi, đứng, nằm, ngồi trong xã hội. Nếu học mà chẳng thể áp dụng trong cuộc sống, thì sở học ấy đều là vô dụng, đều là uổng công, phí sức; vậy, học những thứ ấy để làm gì ? Học rồi lập tức sử dụng được, điều này mới có giá trị, mới có ý nghĩa.

Mục tiêu gần của Tịnh Độ Tông là đạt được tâm địa thanh tịnh ngay trong cuộc sống hiện tại, mục tiêu xa là cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Mục tiêu gần và mục tiêu xa đều phải tương ứng lẫn nhau, vì sao ? Vì tâm tịnh, thì cõi nước mới tịnh ! Nếu tâm chẳng thanh tịnh ngay trong cuộc sống hằng ngày, thì làm sao lúc lâm chung có thể vãng sanh Cực Lạc ? Do đó, các pháp trợ đạo nào có giúp cuộc sống sinh hoạt hằng ngày (ăn, mặc, ở, đi, đứng, nằm, ngồi v.v..) của chúng ta tương ứng với tâm thanh tịnh, tương ứng với Tín-Nguyện-Hạnh, thì chúng ta liền chọn các pháp ấy; đó là sự chọn lựa chẳng sai.

Bất luận trong cuộc sống, trong sự nghiệp, trong xử thế, tiếp vật, đãi người, chúng ta phải tự mình biết chọn lấy các pháp trợ hạnh nhằn đạt được tâm thanh tịnh, thì đó đều gọi là Trạch Pháp. Cuộc sống hằng ngày của chúng ta thường luôn biến đổi, chẳng có nhất định, nên phạm vi của Trạch Pháp cũng theo đó mà biến đổi vô cùng rộng lớn, chẳng có giới hạn. Do đó, Trạch Pháp phải được thực hiện ngay trong cuộc sống hằng ngày, chớ chẳng thể nói tôi đã chọn được một pháp môn “Trì Danh Hiệu Phật” thù thắng bậc nhất rồi, chẳng cần Trạch Pháp nữa.

Đương nhiên quan trọng nhất, căn bản nhất vẫn là “quyết trạch” một pháp môn Tịnh Độ trong 8 vạn 4 ngàn pháp môn. Đã gọi là “quyết trạch” thì chẳng bao giờ thay đổi, các pháp trợ đạo khác thì có thể thay đổi, có thể tu, có thể không tu, hoặc có thể tùy duyên thay đổi; nhưng pháp “Trì Danh Niệm Phật” một khi đã quyết trạch thì vĩnh viễn chẳng thảy đổi. Chúng ta biết dùng các pháp trợ đạo để giúp cuộc sống hằng ngày của chúng ta tương ứng với pháp “Trì Danh Niệm Phật”, để làm Tăng Thượng Duyên cho tịnh nghiệp của chính mình, thì đó là “biết trạch pháp”.

Trong hết thảy các pháp trong thế gian lẫn xuất thế, đương nhiên chúng ta đặc biệt nói tới, khuất phục tham, sân, si, mạn, phiền não, vọng tưởng, tri kiến. Chẳng thể nói tôi một dạ chuyên niệm Phật cầu đới nghiệp vãng sanh, một câu Phật hiệu có chuyển phàm thành thánh rồi, chẳng cần tu các pháp đó. Trong phương diện cuộc sống, vừa đúng mức bèn thôi, biết đủ là thường vui, biết đủ mới có thể giữ gìn tâm địa thanh tịnh. Nếu không biết đủ, tham dục tăng trưởng, làm sao có thể thanh tịnh cho được ? Cho nên trong tất cả các pháp thế gian lẫn xuất thế gian, quyết định chớ nên để cho tham, sân, si, mạn tăng trưởng.

Những vị đại đức thời cổ, xuất gia lẫn tại gia đã nêu gương rất nhiều. Cuộc sống của họ rất giàu có, sung sướng và hạnh phúc, nhưng vì sao họ lại bỏ sạch ? Chính Thích Ca Mâu Ni Phật đã nêu tấm gương ấy cho chúng ta thấy, Ngài là vương tử, từ bỏ phú quý, chẳng cần của cải, chẳng cần địa vị, ngôi vua, tìm đến Tuyết Sơn, chỗ không người lui tới để tu hạnh “biết đủ thường vui”. Đó là gương mẫu, khuôn phép cho chúng ta thấy. Trong hàng cư sĩ tại gia cũng có nhiều vị đem của cải của chính mình quyên tặng hết để làm chuyện từ thiện, chính mình suốt đời sống cuộc đời “biết đủ thường vui.” Tham là phiền não căn bản bậc nhất; chẳng tham sẽ chẳng có tâm sân khuể. Do tham không được nên mới sanh tâm sân khuể. Vì thế, các bậc thánh nhân ấy nghiêm túc giữ tâm địa thanh tịnh, vứt bỏ những ngoại duyên ấy. Vô tham, vô sân, vô si là ba thiện căn; hết thảy thiện pháp thế gian và xuất thế gian đều phát sanh từ ba thiện căn ấy.

Các bậc thánh nhân ấy có thể nhường hết phước báo cho chúng sanh hưởng, chẳng giữ lấy cho riêng mình hưởng, nên tâm địa của họ mới thanh tịnh, mới phát sanh niềm vui sướng trong sạch. Nếu người chẳng có Giác Phần (Bồ Đề Phần), tức là chẳng có trí huệ chân thật, thì chẳng thể làm nổi điều này ! Kẻ chẳng có trí huệ, khăng khăng giữ lấy phước báo cho riêng mình hưởng, chẳng chia sẻ với người khác. Chỉ có người thật sự giác ngộ, thật sự có trí huệ, mới có thể nhường hết phước báo cho chúng sanh chung hưởng, chính mình chẳng hưởng, vì sao ? Vì họ đã thật sự giác ngộ Tự và Tha như một, để cho chúng sanh hưởng mới là chính mình thật sự hưởng thụ. Đương nhiên đây là trí huệ cao cấp, trí huệ rất sâu của hàng Bồ tát trong Viên Giáo, ngay cả Bồ tát trong Biệt Giáo vẫn chưa thể làm được điều này !

Nói theo công phu đoạn hoặc, chứng chân, tức là phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân. Tuy công phu đoạn hoặc, chứng chân của Sơ Địa Bồ Tát trong Biệt Giáo và Sợ Trụ Bồ tát trong Viên Giáo giống nhau, nhưng trí huệ khác nhau. Trí huệ của Biệt Giáo Sơ Địa Bồ Tát kém thua Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát rất xa, do nguyên nhân nào ? Người căn tánh Viên Giáo tâm khai ý giải, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, có thể coi vạn vật trong trời đất và chính mình là một, nên phẩm đức, phẩm hạnh của các Ngài to tát hơn, tốt đẹp rạng rỡ hơn, khiến cho chúng sanh trong khắp cửu giới đều được cảm. Như Phẩm Bồ Tát Tu Trì của Đại kinh này ghi: “Bởi các Bồ Tát, đối với chúng sinh, đem Từ Bi lớn, lợi ích quần sinh, xả ly chấp trước, thành tựu vô lượng, vô biên công đức.” Đấy chính là phẩm hạnh của Bồ Tát trong Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát, chớ chẳng phải là các Bồ Tát trong các giáo khác. Cho nên, chúng ta phải biết, Bồ Tát nơi cõi Cực Lạc đều Viên Giáo Bồ Tát ! Tối thiểu cũng phải là Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát. Chúng ta học tập theo kinh Vô Lượng Thọ chính là học tập theo cách hành đạo của Viên Giáo Bồ Tát vậy !

Biệt Giáo Sơ Địa Bồ Tát ít nhiều vẫn còn có chút dấu vết, chẳng thể trừ sạch. Trong Phật môn gọi đó là “tập khí chưa đoạn”, kinh này gọi đó là “tàng dư tập khí vẫn còn dấy khởi”. Tuy Biệt Giáo Sơ Địa Bồ Tát đã phá sạch “tứ tướng” (ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng và thọ giả tướng) và “tứ kiến”, nhưng vẫn còn có tập khí chưa đoạn sạch. Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát, tập khí, tứ tướng và tứ kiến đều chẳng có, nên kinh này mới nói các Ngài đã “điều phục các căn, thân tâm nhu nhuyến, sâu vào chánh huệ, tàng dư tập khí, chẳng còn dấy khởi.”

Phàm phu chúng ta mê mất tự tánh, tập khí, tứ tướng và tứ kiến đều có đủ, chẳng thiếu sót thứ nào, nên mới chấp trước, nên mới vạch ra giới hạn giữa chính mình và người khác, chẳng biết tự và tha chẳng hai, chẳng biết vạn pháp như một. Do vậy, có thể biết, căn tánh viên đốn thật là đáng quý ! Nếu căn tánh viên đốn, thì thấy pháp nào cũng viên, nếu căn tánh chẳng viên đốn, thì pháp nào cũng chẳng viên. Đương nhiên điều này có được, nhất định là phải có liên quan đến sự tu trì trong nhiều đời nhiều kiếp của chính mình, mới có cái Nhân viên đốn như vậy !

Trong một đời này, mà có thể thường xuyên tiếp nhận kinh điển Đại Thừa, huân tập kinh điển Viên Giáo, thì mối quan hệ này phải là rất lớn. Đó gọi là Duyên. Nhân đã viên, Duyên cũng đã viên, thì tất nhiên cái Quả cuối cùng cũng phải viên ! Trong hết thảy kinh điển của Viên Giáo, Kinh Vô Lượng Thọ này là viên nhất trong các pháp viên, đốn nhất trong các pháp đốn. Cho nên, người thọ trì kinh điển này, nhất định sau khi vãng sanh Tây Phương Cực Lạc sẽ chứng cái Quả Tối Cực Viên Mãn. Tối thiểu cũng phải chứng được một phần pháp thân, trở thành một vị Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát, có đầy đủ phẩm đức, phẩm hạnh cao quý bậc nhất, có thể khiến cho hết thảy chúng sanh trong cửu giới có thể nương nhờ đó mà được cảm hóa. Vì thế, ngay chỗ mở đầu của Phẩm Bồ Tát Tu Trì, đức Phật liền nêu rõ điều này : “Trong cõi nước đó, tất cả Bồ Tát, thiền định trí huệ, thần thông oai đức, thảy đều viên mãn, bí tạng chư Phật, thông đạt rốt ráo, điều phục các căn, thân tâm nhu nhuyến, sâu vào chánh huệ, tàng dư tập khí, chẳng còn dấy khởi.”

Phẩm Kinh này nói rất rõ ràng, “tất cả Bồ tát” trong cõi Cực Lạc đều đắc những phẩm đức, phẩm hạnh đó, chớ chẳng nói riêng một nhóm Bồ tát nào cả, nên chúng ta phải biết, một khi chúng ta vãng sanh về đó, tối thiểu cũng là một Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo. Đây là điều rất khó tin, khó có, mà chúng ta nhất định phải hiểu rõ; đấy mới gọi là “quyết trạch pháp môn Tịnh độ vãng sanh Cực Lạc” !

Do niệm bộ Đại Kinh này, mà chúng ta có thể thấu rõ, giảng trạch chỗ vi diệu đến mức cùng cực của pháp môn Niệm Phật Vãng Sanh, thử hỏi chúng ta có thể tạm thời bỏ quên Đại Kinh này ư ? Người có căn cơ viên đốn, người có trọn đủ các Căn, các Lực nhất định sẽ chỉ nương vào một bộ kinh này để quyết trạch pháp môn niệm Phật mình đang tu, để có thể tương ứng với phẩm đức, phẩm hạnh của Pháp Tạng Bồ Tát; đó là “hạnh nguyện thù thắng, cùng sức niệm huệ, tăng thượng tâm kia, vững chắc bất động, tu hành tinh tấn, khó ai sánh kịp.” Đấy mới đáng gọi là “quyết trạch pháp môn” mình đang tu.

Chúng ta thấy trong sách Chú Giải Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã trích dẫn sự phán giáo của cổ đại đức đối với kinh này. Cổ đức nói: “Nếu so sánh giữa hết thảy các pháp do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong bốn mươi chín năm, chỉ có Hoa Nghiêm là chân thật nhất, những kinh khác chẳng chân thật bằng Hoa Nghiêm. So sánh kinh Hoa Nghiêm và kinh Vô Lượng Thọ, kinh Vô Lượng Thọ chân thật nhất, kinh Hoa Nghiêm kém hơn. Lại so sánh trong kinh Vô Lượng Thọ, bốn mươi tám nguyện là chân thật nhất. Nếu so sánh mỗi điều trong bốn mươi tám nguyện, nguyện thứ mười tám chân thật nhất”.

Cổ nhân đã so đi tính lại, so sánh đến mức cuối cùng, bèn nói : Nguyện Thứ 18 – “Mười Niệm Tất Vãng Sanh” là chân thật nhất trong các thứ chân thật. Vì sao ? Vì đây chính là Viên Giáo trong Viên Giáo, Đại Thừa trong Đại Thừa, Nhất Thừa giữa Nhất Thừa, thật sự này chẳng dễ gì gặp gỡ ! Bọn phàm phu lè sát đất như chúng ta, tội chướng vô cùng sâu nặng; thế mà chỉ cần “Mười Niệm Tất Vãng Sanh”. Sau khi vãng sanh rồi, thì tối thiểu là đoạn được một phẩm sanh tướng vô minh, chứng một phần pháp thân, thành một vị Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, thì có pháp viên đốn nào bằng pháp viên đốn này chứ ?

Một khi đã là một Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, thì liền có thể giống như Quán Thế Âm Bồ Tát, Phổ Môn thị hiện giáo hóa chúng sanh trong cùng khắp pháp giới. Ai đáng được thân nào, bèn hiện thân đó ra để hóa độ họ; thậm chí, nếu ai đáng được gặp thân Phật, họ bèn hiện thân Phật vì người đó mà nói pháp, khiến người đó tâm khai ý giải, trí huệ được mở sáng thì đã đủ chứng minh sự vi diệu đến mức cùng cực, chẳng thể nào có thể dùng ba tất lưỡi này mà nói ra cho hết.

Chúng ta phải biết : Niệm một bộ kinh Vô Lượng Thọ này, tức là niệm toàn bộ hết thảy những kinh do Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng trong suốt 49 năm, chẳng sót một bộ nào, vì sao ? Vì hết thảy các kinh đều quy nạp đến cuối cùng chỉ là một bộ kinh này, như kinh này ghi “hiển minh không trên dưới, thông suốt ngằn mé.” Thật thà mà nói, niệm một bộ kinh này không những chỉ là niệm tất cả các kinh từ trên xuống dưới, do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong 49 năm, mà là niệm tất cả các kinh do 10 phương 3 đời hết thảy chư Phật đã từng nói. Nói cách khác, chúng học hết tất cả các kinh do hết thảy chư trong 10 phương 3 đời đã từng nói trong một bộ kinh này, đúng như kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Một tức là hết thảy”.

Bọn phàm phu chúng ta trong đời này quá mức khổ sở, có thế nói là khổ hơn bất cứ chúng sanh nào trong các thời đại trước. Thế nhưng, chúng sanh càng khổ bao nhiêu, thì Phật, Bồ Tát đại từ đại bi lại càng đặc biệt chiếu cố bấy nhiêu, có thế mới có thể khiến cho chúng ta có thể nghe được vô thượng bảo điển viên mãn rốt ráo này. Nếu không như vậy, thì làm sao chúng ta có thể gặp gỡ pháp môn này và kinh điển này trong thời Mạt Kiếp này chứ ? Người gặp được Kinh này, liền phát tâm thọ trì, đọc tụng, biên chép chú giải, y giáo tu hành, vì người diễn nói thì coi như là Nhân đã viên, Duyên cũng đã viên, đến lúc cuối cùng thì cái Quả họ đạt được nhất định cũng phải viên. Đấy đúng thật là “nhân viên, quả mãn” !

Lão cư sĩ Hạ Liên Cư, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, lão Hòa Thượng Tịnh Không đều là Phật, Bồ Tát tái lai. Nếu các Ngài chẳng thị hiện trong thế gian này để hội tập bản kinh này, chú giải bản kinh này và vì người diễn nói bản kinh này, thì thật thà mà nói, bọn phàm phu chúng ta chẳng có cách nào gặp gỡ và lãnh hội nổi những sự vi diệu trong Kinh này. Do vậy, chúng ta hãy suy nghĩ cẩn thận, hãy chọn lựa cẩn thận mà quyết trạch pháp môn mình tu, quyết trạch phương pháp tu hành cho thật là đúng đắn để chẳng phụ lòng chư Phật, Bồ tát đã quá sức khổ tâm vì chúng ta !

Hơn một ngàn năm trước, người ta chẳng gặp được kinh này, hoặc gặp nhưng chẳng ưa chuộng đọc kinh này. Nay, Bồ tát Hạ Liên Cư biên soạn trở lại bộ kinh này khiến cho kinh Vô Lượng Thọ từ nay trở đi có thể lưu thông không trở ngại, để chúng sanh khổ nạn trong thời kỳ Mạt Pháp có thể đạt được lợi ích chân thật nơi Phật pháp. Tiếp theo đó, Bồ tát Hoàng Niệm Tổ, Bồ tát Tịnh Không liên tục tiếp nối phát triển sự nghiệp ấy không hề gián đoạn. Nay, chúng ta có một di sản vô cùng phong phú, vô cùng hy hữu, khó gặp, khó thấy nhất trong đời, chúng ta lại có duyên gặp gỡ thiện trí thức, có thể cùng nhau nghiên cứu tu học, phước báo ấy không chỉ cổ nhân hâm mộ, mà thậm chí mười phương chúng sanh đều hâm mộ, họ cầu còn không được ! Chúng ta hãy nên thật sự quý trọng nhân duyên hy hữu này, nghiêm túc tu học pháp môn này, lấy Kinh Vô Lượng Thọ này làm con mắt để Trạch Pháp.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 1503 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Hạ


Người chết đi về đâu


Bát-nhã Tâm kinh Khảo luận


Sống và chết theo quan niệm Phật giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.142.197.111 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...