Đừng làm một tù nhân của quá khứ, hãy trở thành người kiến tạo tương lai. (Stop being a prisoner of your past. Become the architect of your future. )Robin Sharma
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Nếu bạn muốn những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, hãy cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất. (If you want the best the world has to offer, offer the world your best.)Neale Donald Walsch
Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Điều quan trọng không phải vị trí ta đang đứng mà là ở hướng ta đang đi.Sưu tầm
Điều người khác nghĩ về bạn là bất ổn của họ, đừng nhận lấy về mình. (The opinion which other people have of you is their problem, not yours. )Elisabeth Kubler-Ross
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Điều quan trọng nhất bạn cần biết trong cuộc đời này là bất cứ điều gì cũng có thể học hỏi được.Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Tên bất thiện »»

Tu học Phật pháp
»» Tên bất thiện

Donate

(Lượt xem: 7.687)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Tên bất thiện

Font chữ:

Phật giáo lấy “hiếu” làm gốc, những bộ kinh Đại thừa nêu rõ điều này rất nhiều; rõ ràng nhất là kinh Phật Báo Ân, kinh Địa Tạng, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, kinh Phạm Võng và kinh Vu Lan. Hiểu theo ý nghĩa hạn hẹp thì “hiếu” là thờ kính, phụng dưỡng cha mẹ. Hiểu theo ý nghĩa rộng lớn là phàm những gì chẳng trái nghịch với lý và tâm thì đều gọi là hiếu. Nếu không thuận với lý và tâm thì đều là bất hiếu. Hễ là người bất hiếu thì ắt cũng phải là người bất thiện, vì sao? Bởi vì hiếu kính đứng đầu trong tất cả các việc thiện và cũng là nguồn côi sanh ta các điều thiện khác. Cõi nước Cực Lạc không có cả cái tên bất thiện huống gì là có người bất thiện. Tất cả chúng dân trong cõi ấy đều là đại thượng thiện nhân, đều là những người chân thành, cung kính, mẫu mực. Vì vậy, người học Phật phải huân tu đạo hiếu hạn hẹp lẫn rộng rãi thì mới có thể gọi là tận hiếu hay thượng thiện xứng hợp với cảnh giới của Tây Phượng Cực Lạc.

“Bất thiện” ám chỉ cái danh của tị hiềm và cái tên của những ác đạo. Cõi Cực Lạc không có danh từ ác khổ, không có nỗi sợ ác đạo, không có người nữ cho đến chẳng có ác tri thức và các đường ác huống là thật có sự bất thiện và cái tên bất thiện. Trong kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Không còn nghe đến tên của ba đường ác não khổ nạn, không có giả thiết, huống chi thật khổ. Chỉ có âm thanh vui vẻ tự nhiên, nên cõi nước kia gọi là Cực Lạc.”

Vì nhân dân ở cõi Cực Lạc, tai chỉ nghe vạn đức hồng danh của chư Phật, các thứ danh hiệu tốt lành của Bồ-tát, Thanh văn, chư thiên và thượng nhân, tai của chư vị chưa từng nghe qua các danh từ của tị hiềm nên kinh bảo là “không có tên bất thiện.” Hơn nữa, kinh A Di Ðà cũng nói: “Cõi nước Phật ấy còn không có cái tên ác đạo, huống là thật có! Các loài chim ấy đều do A Di Ðà Phật vì muốn khiến cho pháp âm được tuyên lưu nên biến hiện ra.” Kinh A Di Đà đã giải thích rõ rằng, các loài chim như bạch hạc, khổng tước, anh vũ, xá lợi, ca lăng tần già, cộng mạng v.v... chẳng phải là tên của súc sanh trong ác đạo. Do các loài chim này đều là do A Di Đà Phật biến hóa ra để thuyết pháp, nên chẳng những chúng không phải là tội báo súc sanh mà mỗi mỗi danh hiệu của chúng đều là mỹ hiệu diễn bày công đức thắng diệu của Như Lai, không có danh tự nào chẳng phải là tiếng tôn xưng tánh đức của Như Lai. Quán kinh bảo: “Như ý châu vương tỏa ra quang minh kim sắc vi diệu, quang minh ấy hóa ra chim có màu như trăm thứ báu.” Đấy đã nêu rõ, y báo, chánh báo trong cõi Cực Lạc đều được trang nghiêm bởi quả giác của Như lai, các loài chim ấy đều do Phật Di Ðà biến hóa ra. Cõi ấy mỗi sắc, mỗi hương, mỗi hạt bụi, mỗi danh từ không thứ nào chẳng phải là Trung đạo, đều là toàn thể đại công dụng của pháp giới chẳng thể nghĩ bàn. Vì mỗi một danh từ trong cõi nước ấy đều thể hiện tánh đức của Như Lai nên tên của chúng tuy là giả danh, nhưng cũng là tiếng tôn xưng tánh đức, chớ nào chẳng phải là ác danh trong ác đạo.

Khi chúng ta nhập đạo thì phải nên xem xét túc nhân của mình như thế nào? Không riêng gì kẻ si độn khó thể giáo hóa, mà ngay cả người đại thông minh, đại học vấn nhưng lắm khi không bằng kẻ si độn. Vì sao? Bởi vì kẻ si độn còn gieo được chút ít thiện căn, chẳng sanh lòng ngã mạn hủy báng Phật pháp! Còn người tự cho mình thông minh thì lại thường hay mắc vào cái nạn thế trí biện thông, bày bác kinh Phật, khiến cho người khác chỉ tin vào lời nói của mình, mục đích là để lập dị, xưng hùng trong thiên hạ. Những người thông minh như thế chính là kẻ đại bất thiện. Vì sao? Bởi vì họ đã phá hủy phước điền của chúng sanh. Sau khi Phật nhập Niết-bàn, phước điền mà Phật để lại cho chúng sanh chẳng có gì khác ngoài kinh điển của Phật. Thế mà họ lại dùng cái “thế trí biện thông” của họ phá hỏng kinh Phật, khiến chúng sanh muôn kiếp trầm luân trong biển khổ, hỏi sao họ không bị đọa địa ngục chứ!

Phật đã huyền ký cho chúng ta biết rõ: “Gặp người nghe đến kinh này mà tin ưa thọ trì là khó trong tất cả các điều khó, chẳng có gì khó hơn.” Do vậy, tuy chúng ta có lòng mong muốn tất cả mọi người đều tu học kinh Vô Lượng Thọ, tức là được thừa hưởng phước điền của Phật, nhưng tuyệt đối khó tìm thấy nhân duyên tốt đẹp như vậy trong thế gian. Ngày nay, ngay cả những vị có danh tiếng lớn trong Phật giáo mà lại bác bỏ việc thọ trì đọc tụng Đại kinh này, làm cho nhiều người niệm Phật chẳng có cơ duyên thâm nhập trí tuệ tạng của Như Lai. Cho nên, những Phật tử tầm thường chúng ta chỉ biết tùy theo thân phận của mình mà giới thiệu Đại kinh này với người hữu duyên, không dám mong cầu sẽ có nhiều người tin nhận kinh này.

Giới là căn bản của hết thảy thiện pháp, những kinh văn nói về giới luật thì khá nhiều, e rằng chúng ta khó thể đọc tường tận, nhớ cặn kẽ được! Chỉ cần trong tâm thường giữ tấm lòng “đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện” thì ắt sẽ không phạm giới luật của nhà Phật. Phàm khi chúng ta khởi tâm động niệm đều chẳng để cho một ý niệm bất thiện nẩy mầm, như thế thì các giới đều được giữ một cách trọn vẹn. Nếu chỉ lo tốn công tìm tòi, suy xét trên mặt sự tướng của giới luật thì dù nơi thân hành chúng ta chẳng phạm một giới nào, nhưng vẫn chưa thể gọi là người trì tịnh giới được. Vì sao? Bởi vì chúng ta còn khởi tâm động niệm đối trước trần cảnh, tức là còn có tướng phạm giới nơi tâm. Tu tịnh nghiệp thật sự là khó khăn như thế đó! Có nhiều người chẳng hiểu lý này, nên tốn công hao sức bàn soạn chuyện phạm giới của người khác, khiến cho tâm mình càng trở thành bất thiện; vậy thì việc tu tịnh nghiệp đúng ở chỗ nào? Thật ra, chẳng những khởi tâm động niệm đối với những điều bất thiện là sai, mà khởi động niệm với các điều thiện cũng sai luôn. Chỉ khi nào tâm mình không còn khởi ý niệm đối với hết thảy trần cảnh thì lúc đó tịnh nghiệp mới viên thành.

Lúc chúng ta hai mươi tuổi, nhìn lại quản đời ở quá khứ mà nhận thấy rằng, tất cả những gì chúng ta hiểu và làm trong suốt mười chín năm trước đều là sai trái hết cả. Đến lúc chúng ta sáu mươi tuổi lại nhận thấy những gì chúng ta hiểu và làm trong năm mươi chín năm trước cũng đều sai trật. Nếu tâm mình cứ mãi luôn nghĩ nhớ đến lỗi lầm củ như vậy thì làm sao có được tịnh tâm. Trong Đại Thừa Phật pháp, chấp niệm chính là phạm ý giới. Chúng ta phải biết, tâm không tịnh chính là tâm đang tạo lỗi lầm. Do vậy, nếu muốn tránh gây thêm lỗi lầm nơi tâm thì phải thường luôn vâng giữ lời dạy bảo của Bồ-tát Đại Thế Chí: “Nhiếp thủ sáu căn, tịnh niệm tiếp nối câu Phật hiệu không gián đoạn.” Còn nếu như muốn không tạo thêm lỗi lầm nơi thân thì “đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện.” Chúng ta chỉ cần chân thành cung kính thực hành các pháp đơn giản như vậy mà đã bao hàm hết thảy các thiện pháp trọng yếu trong tất cả Giới kinh của Phật. Người độn căn hay lợi căn đều chỉ cần dốc sức tu hành như vậy thì tự nhiên khế lý khế cơ.

Chúng ta phải nên biết, tâm thiện lành nhất chẳng gì so sánh nổi với Tâm Bồ-đề, tức là tâm tự lợi, lợi tha. Thiện nhân tu tịnh nghiệp nguyện sanh Tây Phương đều phải lấy tâm Bồ-đề làm gốc thì mới mong cao đăng thượng phẩm. Nếu chỉ có tâm nguyện cầu sanh Cực Lạc mà không có tâm Bồ-đề cứu độ chúng sanh đồng vãng sanh Cực Lạc thì với công đức hèn nhỏ ấy, khó hòng lên được thượng phẩm vãng sanh. Vì sao? Vì người chỉ biết cầu tự lợi mà chẳng cầu lợi tha, e rằng dễ dàng mắc phải lưới ma mà trở thành kẻ bất thiện, nên khó hòng được vãng sanh. Chính vì lẽ đó, tiếp theo lời nguyện “Nước không có tên bất thiện,” Tỳ-kheo Pháp Tạng phát nguyện: “Tất cả chúng sanh, sanh về cõi con đều đồng Nhất Tâm trụ Chánh Định Tụ.” Nguyện “Trụ Chánh Định Tụ” chính là kết quả của nguyện “Thân không sai biệt.” Vì sao? Vì tâm của hết thảy chúng dân trong cõi nước ấy giống hệt như nhau nên hình mạo của họ cũng không khác nhau. Tâm của chúng dân ở cõi Cực Lạc đã đồng nhất, chỗ trụ của tâm đồng nhất này được gôm tụ lại thành một nhóm, nhóm ấy gọi là Chánh Ðịnh Tụ.

Tuy căn tánh của hết thảy chúng sanh có muôn phần sai khác, nhưng nếu đem ra phân loại thì chẳng ngoài ba thứ: Chánh Định Tụ, Tà Định Tụ và Bất Định Tụ; gọi chung là Tam Tụ.

· Chánh Định Tụ còn gọi là Bất Thoái Chuyển, A-Bệ-Bạt-Trí hay A-duy-việt-trí. Đây là nói đến những người tu hành tinh tấn và rốt ráo với đầy đủ các lực dụng Tín, Giải, Hành và Chứng. Những người này, nhất định chứng ngộ quả Bồ-đề.

· Tà Định Tụ là nói đến những người hoàn toàn chẳng tin Phật, chẳng học Phật và cũng chẳng chịu thực hành theo lời Phật dạy, nên chẳng thể chứng ngộ. Những chúng sanh này ắt hẳn là sẽ bị đọa trong sáu đường thống khổ.

· Bất Định Tụ là nhóm chúng sanh ở giữa hai hạng Chánh Định Tụ và Tà Định Tụ. Hạng chúng sanh trụ trong Bất Định Tụ tuy cũng tu theo đạo Phật, cũng biết chút ít về Phật pháp, nhưng không hoàn toàn hiểu rõ nghĩa lý sâu xa của lời kinh Phật dạy. Những chúng sanh này thông thường chỉ mong cầu quả nhỏ phước báu nhân thiên, chẳng dám phát đại thệ nguyện rộng sâu thành tựu trí huệ Phật, nên sự tu hành của họ thăng trầm tùy duyên. Lại nữa, do những chúng sanh này thường tu cầu may, không thường thọ trì, đọc tụng và nghe giảng giải kinh Phật, nên tâm của họ không thể lưu nhập trong trí tuệ tạng của Phật mà phát khởi lòng tin hiểu sâu xa lời dạy của Phật. Cho nên, lúc họ nghe được chánh pháp của Phật thì việc tu hành được thăng tiến, nhưng khi họ rời kinh Phật để nghe những pháp khác của ngoại đạo thì tâm liền bị dao động, thối thất. Vì lẽ đó, nếu hữu duyên thì họ chứng ngộ, nếu vô duyên thì họ chẳng chứng ngộ.

Tóm lại, từ phàm phu cho đến các hạng chưa đạt Thập-tín, chẳng tin hiểu về nhân quả đều là Tà Định Tụ. Hàng Thập-tín vẫn còn là Bất Định Tánh. Phải từ Thập-trụ trở lên mới là Chánh Định Tụ. Vậy, phàm phu chúng ta chưa đạt được Thập-tín thì tất nhiên là vẫn còn chưa ra khỏi Tà Định Tụ, huống chi là đạt được Chánh Định Tụ. Do đó, chúng ta phải biết. người niệm Phật mà không có trí huệ vô tướng và sức chánh định, tức là còn chấp niệm, thì câu niệm Phật chẳng khác gì câu niệm vọng, nên dù họ niệm Phật rất chuyên, nhưng chỉ đạt được lợi ích nhỏ nhoi, khó bảo đảm được sự vãng sanh trong đời này. Vì thế, trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật khuyên bảo mọi người: “Phải nên hiếu thuận, trung tín hết lòng, tin kinh Phật nói nghĩa lý thâm sâu, tin nơi đạo lý làm lành đặng phước, phụng trì tất cả, các pháp như thế, không được thiếu sót, nghĩ suy chín chắn. Muốn đặng độ thoát, ngày đêm thường niệm, muốn nguyện vãng sinh, cõi nước thanh tịnh của Phật Di Ðà, mười ngày mười đêm cho đến một ngày, một đêm nối nhau, không hề gián đoạn, mạng chung đều đặng, vãng sinh Cực Lạc, hành Bồ Tát đạo.” Thích Ca Mâu Ni Phật khuyên chúng ta phải nên đọc tụng kinh Vô Lượng Thọ và nghe giảng giải về pháp môn Tịnh độ của Phật A Di Đà nhằm phát sanh chánh trí, tâm tâm thường luôn lưu nhập trong Chánh Định Tụ mà có được sự hiểu biết rõ ràng, niềm tin kiên cố chẳng thể lay chuyển nổi, chẳng còn thoái chuyển nữa; nhờ đó mà công phu niệm Phật mới đắc lực.

Lại nữa, người niệm Phật dùng ba nhân duyên: Tin Phật, Nguyện sanh Tịnh độ và Niệm danh hiệu Phật để khởi tâm lập đức, tu các hạnh nghiệp. Do nhờ vào Phật nguyện lực gia hộ, che chở và gìn giữ nên họ được nhập vào trong Ðại Thừa Chánh Định Tụ. Lại cũng do nhờ vào Phật nguyện lực gia trì nên lúc lâm chung người niệm Phật liền vãng sanh Cực Lạc, đắc Đại Niết-bàn. Nếu không có Phật nguyện lực gia trì thì đối với công phu tự lực nhỏ nhoi của một phàm phu đầy dẫy tội nghiệp thì không có cách chi thoát ra khỏi tam giới. Do đó, Thiện Ðạo Đại sư mới nói: “Chẳng đoạn phiền não mà đắc Niết-bàn, điều này thể hiện tánh đức tự nhiên của cõi An Lạc vậy.” Ngài Thiện Ðạo còn căn cứ vào lời nguyện “Trụ Chánh Định Tụ” của Phật A Di Đà và bản Ðường dịch mà bảo rằng: “Nguyện này còn ẩn tàng mật nghĩa, đó là do nương vào Bi Nguyện của A Di Đà Phật mà ngay trong hiện đời hành nhân cũng có thể chứng được địa vị Bất Thoái, chớ chẳng phải chờ đến lúc vãng sanh rồi mới đắc Bất Thoái Chuyển. Bởi vì kinh nói ‘sẽ sinh’ là chỉ cho những người đang cầu vãng sanh cũng được nhập Chánh Định Tụ.”

Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam bảo: “Hiện nay người niệm Phật như trứng cá, nhưng người thật sự được vãng sanh rất khó tìm thấy.” Tại sao người tu tịnh nghiệp mà chẳng thể vãng sanh? Vì Phật pháp hiện nay suy bại đến mức trầm trọng, người tu tịnh nghiệp chẳng hiểu rõ kinh giáo của Phật, vẫn cứ trụ trong tà định mà niệm Phật, nên chẳng thể phát nổi Thuận lý Bồ-đề Tâm, tức là cái tâm cầu vãng sanh Cực Lạc của họ phát xuất từ vọng tâm, từ hư tình giả ý, chớ chẳng phải là từ chân tâm nên chẳng xứng hợp với Bi Nguyện của Phật A Di Đà. Vì thế, chư cổ đức mới nói: “Niệm Phật đọa địa ngục” chính là nói đến hạng người này, càng tu càng tiến sâu vào trong địa ngục A-tỳ. Do vấn nạn này nên Ấn Quang Tổ sư khuyên bảo chúng ta: “Trong thời thế hiện nay, dẫu là bậc cổ Phật đã thành Chánh Giác thị hiện, chắc chắn cũng chẳng đề xướng gì khác ngoài chuyện giữ vẹn luân thường, tận hết bổn phận và chú trọng nơi pháp môn Tịnh độ! Dẫu cho Đạt ma Đại sư thị hiện trong lúc này, cũng sẽ dùng pháp môn cậy vào Phật lực để dạy dỗ. Thời tiết, nhân duyên thật sự là căn bản. Trái nghịch thời tiết, nhân duyên cũng giống như mùa Đông mặc áo vải mỏng, mùa Hạ mặc áo cừu, đói uống, khát ăn, không chỉ vô ích mà lại còn thành hại!”

Chúng sanh thời nay căn tánh thấp hèn, lại chẳng chịu chuyên tâm học Phật để thấu hiểu Phật pháp mà lại còn thường hay chấp tướng, hư vọng phân biệt đối với giáo pháp của Phật, nên Ấn Quang Tổ sư dạy người niệm Phật ngày nay phải nên tận lực vâng giữ bổn phận, đừng học theo thói ham cao chuộng xa, mong cầu khai ngộ, chứng đắc trong đời này. Lời dạy của Ấn tổ hàm chứa dụng ý sâu xa, giúp người độn căn nếu chẳng rõ bản thể của vạn pháp là vô tướng, cũng có thể từ nơi sự tướng mà dần dần nhập vào trong thật tướng. Đấy chính là Ấn tổ tùy thuận căn cơ mà nói ra cái pháp thích hợp cho phần lớn chúng sanh trong thời nay. Ấn tổ nói, chọn lựa một pháp tu cho chính mình cũng giống như việc mặc áo, ăn cơm. Ví như khi chúng ta mặc áo thì phải căn cứ theo kích cỡ của thân thể cao thấp, mập ốm và thời tiết xuân, hạ, thu, đông để chọn lựa cái áo mặc cho thích hợp với thời tiết. Mùa hạ thì phải nên mặc áo mỏng cho mát, mùa đông thì phải nên mặc áo lông cừu cho ấm. Khi chúng ta ăn cơm cũng đều phải căn cứ vào sức ăn của mình và sự cần thiết của cơ thể. Khát thì uống, đói thì ăn thì thân tâm mới được dinh dưỡng theo đúng với sự cần thiết của nó. Làm sái cách thì thân lẫn tâm đều bị thương tổn. Thật ra, ăn uống nhiều hay ít, ngon hay dở. mặc áo vải mỏng hay áo lông cừu chẳng có cái nào là tốt hay xấu cả; tốt xấu đều là do con người có biết khéo dùng nó đúng với sự cần thiết cho chính mình hay không? Phật pháp là Phật pháp của chính mình, chớ chẳng phải là Phật pháp của người khác; cho nên, chính mình phải tiếp nhận Phật pháp sao cho thích hợp với bản thân mình thì mới có sự thụ dụng chân thật; ngoài tâm mình mà đi tìm cái pháp nào khác ở bên ngoài, liền bị lọt vào lưới ma, làm con cháu của ma.

Bất luận là người với căn cơ nào, con người sống trong hoàn cảnh môi trường nào, đều phải luôn giữ lòng chân thành cung kính, lại phải nên chuyên chú tu hành cho đúng nơi pháp môn Tịnh độ; bởi vì cậy vào Phật từ lực thì dễ dàng hơn so với ỷ vào tự lực của mình. Có rất nhiều người chỉ trích người niệm Phật là hủ bại, không thực tế, đang sống trong thế gian này mà cứ đợi chờ cái chết để sanh vào cõi khác. Chúng ta chẳng nên vì những lời nói ấy mà bị mê hoặc, rơi vào tà kiến, làm thoái chuyển tâm Bồ-đề của mình. Phải nên biết, người niệm Phật phải có chí nguyện vô thượng, tức là họ đều nguyện mau chóng được vãng sanh thành Phật với mục đích là để cứu độ chúng sanh, chớ nào phải đâu là họ tiêu cực, thấp hèn, chán đời, muốn chết sớm như những người không có chánh kiến tưởng lầm. Chánh nghĩa của Phật giáo là vô ngã. Đạo Phật dạy con người phải nên tùy thuận vào bốn thứ Lý, Cơ, Thời, Xứ mà học hành Phật pháp; tức là Phật pháp phải thường luôn biến đổi để có thể hoàn toàn khế hợp với luân thường đạo lý trong mỗi chỗ, mỗi thời. Ngày nay, sức tu trì và trí huệ của con người rất yếu kém, chẳng thể tu nổi các pháp môn kiên cố của các bậc Bồ-tát đại hạnh, nên Ấn Quang Tổ sư chỉ dạy con người phải nên dốc sức tu nơi nhân hạnh của mình, tức là tận sức gìn giữ luân thường đạo đức và pháp môn Tịnh độ để trong tương lai có thể nương vào Phật lực gia trì mà gặp được cội nguồn của Phật pháp. Cội nguồn của Phật pháp chính là trí tuệ tạng ẩn chứa trong Đại kinh Vô Lượng Thọ này đây!

Có nhiều người cho rằng Ấn tổ bảo người ta không cần học Phật, chỉ nên lão thật niệm Phật. Nhưng thật ra, ý của Ấn Tổ không phải là như vậy. Ý của Ngài là nếu chúng sanh chưa có đủ trí huệ để thâm nhập kinh điển Đại thừa mà bỏ đi những pháp thiện lành của thế gian và tha lực gia trì của Phật trong pháp môn Tịnh độ, lại coi các pháp của ngoại đạo như luyện đan, vận khí, khai mở luân xa v.v… là nguồn cội của Phật pháp thì họ sẽ trở thành vĩnh viễn mê mất nguồn cội chân thật, đi mãi trong nẻo tà. Vì vậy, nếu có người phát lòng tin ưa, trường kỳ huân tu pháp môn Tịnh độ theo sự hướng dẫn của Phật trong kinh Vô Lượng Thọ thì phải biết, người này ở trong đời trước đã từng hành Phật đạo nên đời này mới có nhân duyên thù thắng như vậy, thì đây cũng chính là người mà Ấn tổ nói đến, người này đã gặp được cội nguồn của Phật pháp.

Kinh Vô Lượng Thọ chính là cội nguồn của Phật pháp mà Đức Thích Tôn canh cánh trong lòng suốt bốn mươi chín năm mới có đủ nhân duyên nói ra. Chứng cớ là trong Phẩm Duyên Khởi Đại Giáo, Đức Phật nói ra hết tâm huyết của mình cho Ngài A Nan nghe: “Này ông A Nan! Như Lai đem lòng Ðại Bi vô tận, thương xót ba cõi, thị hiện ra đời, mở sáng Ðạo Giáo, muốn cứu quần sinh, ban lợi chân thật, khó gặp khó thấy như hoa Ưu Đàm hy hữu xuất hiện, nay lời ông hỏi, đặng nhiều lợi ích.” Cái lợi chân thật nhất trong suốt bốn mươi chín năm thuyết pháp mà Thích Ca Mâu Ni Phật ban cho chúng sanh, chính là kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ này đây! Bởi vì đó chính là cội nguồn của Phật pháp mà chỉ có chúng sanh nào có đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên mới có thể phát lòng tin ưa, thọ trì được. Vì thế, Ấn Tổ vô cùng nhẫn nại dạy cho chúng sanh tu các pháp thiện lành thế gian, kết hợp với công phu niệm Phật để sanh ra cái quả báo tốt lành nhất; đó chính là gặp được kinh này, cũng tức là gặp được cội nguồn của Phật pháp mà phát lòng tin ưa, thọ trì, quyết định hết đời này vãng sanh Cực Lạc. Đây mới chính là cái lợi chân thật nhất trong các thứ chân thật mà Đức Thích Ca Mâu Ni Phật từ kim khẩu của Ngài thốt ra. Chúng ta phải nên biết, dù cho người tu hành thời nay có thiện căn sâu dày đến mấy; nhưng nếu chưa biết đến kinh Vô Lượng Thọ, tức là vẫn chưa biết đến cội nguồn của Phật pháp, nên cũng chẳng có được cái lợi ích lớn lao, chân thật và hiếm có như hoa Ưu Đàm hy hữu xuất hiện trong đời. Do vậy, lão Hòa thượng Tịnh Không mới bảo: “Người gặp kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ mà chẳng chịu tiếp nhận thì khác chi người đói gặp cổ vua mà chẳng chịu ăn.”

Thời nay có nhiều người nhận lầm là mình có nội lực thâm hậu, lo tu các pháp luyện đan, vận khí, khai mở luân xa v.v.. đến nỗi phải bị tẩu hỏa nhập ma. Những chuyện này xảy ra rất nhiều. Thậm chí có nhiều người niệm Phật, chẳng chịu bắt đầu tu từ các pháp thiện lành thế gian mà ngày đêm cứ khởi vọng tưởng, mong cầu chứng đắc thánh quả quá sớm, đến mức phải bị ma dựa. Họ chẳng biết, “tâm chân thành cung kính” là pháp vi diệu nhất, “tâm bình thường” là đạo cao siêu nhất. Vì sao nói vậy? Vì “tâm chân thành cung kính” và “tâm bình thường” chính là Chân tâm Phật tánh vốn sẵn có trong mỗi chúng sanh. Hễ ai sớm quay về với cái tâm này thì người ấy sẽ sớm nương vào câu Phật hiệu mà vãng sanh Cực Lạc, thoát ly tam giới, dứt hẵn sanh tử trong sáu đường thống khổ. Đây mới là mục tiêu chánh đáng của người tu theo đạo Phật.

Chúng ta phải biết, con người chúng ta tuy vốn sẵn có trí tuệ rất sáng suốt và tánh đức từ bi cực kỳ cao quý, nhưng chỉ vì tâm của chúng ta cứ thường theo thói quen, tập khí củ, luôn phát khởi vọng tưởng, nên trí tuệ sáng suốt ấy chẳng thể hiển lộ, đâm ra tối tăm, hèn kém. Lại do chúng ta thường hay khởi lòng tham lam, sân giận và ganh tỵ nên quên mất tánh đức từ bi, thanh tịnh và bình đẳng của mình. Nếu chúng ta chịu thường luôn kiểm điểm hết thảy những khởi tâm động niệm của chính mình và khuất phục chúng bằng câu niệm Phật, thì một ngày nào đó chúng ta sẽ khôi phục gốc, trở về nguồn tâm rỗng lặng tự nhiên; tức là trở về với cái tâm “chân thành cung kính và bình thường” của mình. Lúc ấy đích thân mình sẽ được thụ dụng các đức năng sẵn có của mình. Do vậy, phàm phu chúng ta không thể nào không tận lực chuyên chú giữ vẹn luân thường, niệm Phật và phụng trì kinh giới được chỉ dạy cặn kẻ trong kinh Phật. Nếu lúc bình thường, chúng ta không khéo giữ gìn chánh niệm, luân thường đạo lý, cũng chẳng miên mật niệm Phật để sớm chuẩn bị cho lúc lâm chung, thì chắc chắn khi cái chết đến gần kề, tay chân sẽ cuống quít lên, chẳng biết phải đối phó với cái chết và oan gia trái chủ làm sao đây để cho cái tâm của mình được an nhiên niệm Phật vãng sanh.

Hiện nay, có rất nhiều người coi chuyện luyện đan, vận khí, mở luân xa, cầu thành tiên, sanh lên trời để hưởng phước báo v.v… là chuyện tột bậc. Thậm chí có người nói là họ có nội công chửa trị các bệnh nan y, có thể kêu mưa, gọi gió, thu hút năng lượng từ vũ trụ vào trong thân thể v.v... Nhưng trên thật tế, họ đang lâm vào mê hoặc, vọng tưởng, điên đảo đến mức chẳng thể nhận ra bản thân mình là ai. Chúng ta cứ quán sát thần sắc của họ xem thì biết ngay, họ trông chẳng bình thường chút nào; ngay cả những việc nói năng, đi, đứng, nằm, ngồi của họ cũng chẳng bình thường thì làm sao có thần thông, nội lực thâm hậu chứ! Chúng ta đã quy y Tam Bảo thì chớ nên vì si mê tham đắm mà kiêm tu những pháp môn không đúng với chánh pháp mà Đức Phật đã dạy. Chúng ta chỉ phải nên chuyên tâm trì tụng kinh Phật để có trí tuệ phân biệt chánh tà, biết được cách dụng tâm của chư Phật, Bồ-tát trong các sự đối vật tiếp người hằng ngày. Chúng ta phải nên biết, hễ đem chánh pháp xen lẫn với tà pháp thì chánh pháp cũng trở thành tà pháp. Cũng giống như nếu chúng ta đem chút mực đen bỏ vào nước trong, thì nước trong liền biến thành màu đen như mực; hoặc nếu chúng ta đem cái bát dính chất độc để đựng thức ăn ngon bổ thì thức ăn ấy cũng trở thành độc dược. Cho nên, chúng ta chẳng nên có ý nghĩ là xen lẫn một chút tà pháp vào việc tu đạo giải thoát sanh tử của mình cũng chẳng sao.

Ngày nay thiên hạ loạn lạc, nguyên nhân đều là do con người chẳng màn đến sự giáo dục của Phật, chẳng tin lý nhân quả báo ứng, chẳng giữ luân thường đạo đức, cũng chẳng tận hết bổn phận, nên mới ươm thành mối họa to lớn như thế này. Chiến tranh, thiên tai, động loạn, trộm cướp, bệnh dịch v.v... xảy ra ở khắp mọi nơi đều là do lỗi lầm lớn ở mỗi con người trong chúng ta. Chúng ta phải tự mình lãnh chịu trách nhiệm nhân quả này vậy! Nếu ai nấy đều tùy thuận Như Lai, tuân tu theo lời Phật giảng dạy trong kinh Vô lượng Thọ, tức là ngoài chánh hạnh niệm Phật ra, phải tu phước. Tu phước ở đây chính là giữ vẹn luân thường đạo đức, tận hết bổn phận, dứt lòng tà vạy, giữ lòng thành thật, không làm các điều ác, vâng làm các điều lành, lấy nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi làm nhiệm vụ trọng yếu để vun trồng căn lành của mình, rồi lại khuyên người khác cùng nhau thực hành những điều ấy thì tự nhiên thiên hạ sẽ được thái bình.

Phẩm Như Nghèo Đặng Của Báu của kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Ở chỗ Phật hành, nước thành tụ lạc, đều được giáo hóa. Thiên hạ hòa thuận, trời trăng trong sáng, mưa gió thuận thời, tai dịch chẳng khởi, nước thạnh dân an, binh đao chẳng động, trọng sùng nhân đức, chuyên hành lễ giáo, nước không trộm cắp, không có oan uổng, mạnh không hiếp yếu, người người đắc ý.” Câu kinh văn này đã nói rõ, nền giáo dục của Phật-đà thật sự có thể hóa giải thiên tai động loạn trên thế giới nếu mọi người thật sự cải tà quy chánh, đoạn ác tu thiện, đoan tâm chánh niệm. Nền giáo dục của các tôn giáo khác cũng phải nên cùng nhau thực hiện ba điều “cải tà quy chánh, đoạn ác tu thiện, đoan tâm chánh niệm.” Dù họ không phải là Phật tử, nhưng nếu họ làm đúng theo lời Phật dạy: “Ở chỗ Phật hành, nước thành tụ lạc,” thì tình hình loạn động trên thế giới sẽ được hóa giải, thiên hạ sẽ thật sự được thái bình.

Thiện Đạo Đại sư bảo: “Hết thảy chư Phật Như Lai thị hiện trong nhân gian thuyết pháp, chỉ nhằm giới thiệu công đức lợi ích của Tây Phương Cực Lạc Thế Giới cho mọi người.” Ngài còn dạy: “Đọc kinh và niệm Phật mỗi ngày không gián đoạn là duyên giúp một phàm phu có thể vãng sanh thượng phẩm.” Vì sao Ngài dạy như vậy? Bởi vì nếu mọi người đều lấy kinh Vô Lượng Thọ để học và hành thì sẽ phá trừ được thiên kiến hẹp hòi, câu nệ sanh ra các thứ tội chướng nặng nề bậc nhất như là hủy báng kinh Phật, bày bác, cản trở việc học kinh Phật của người khác. Những người thường hay bày bác việc hoằng truyền kinh giáo của Phật với mục đích bất thiện, phải chăng chỉ vì họ muốn tự mình lập dị, xưng hùng nên sợ người khác học Phật sẽ giỏi hơn mình? Ắt hẳn người ấy thường ôm lòng tà kiến và mục đích không chân chánh nên bèn ra sức bài xích việc hoằng truyền kinh giáo của Phật, hoặc lợi dụng đạo Phật để truyền bá các tà pháp khác, nhằm cắt đứt dòng tuệ mạng của Như Lai, hòng ngăn lấp hàng hậu học khiến họ chẳng biết gì đến Phật pháp. Những việc làm này chỉ là tự hại lấy mình, rồi hại đến người khác và muôn thế hệ mai sau. Cũng vì lẽ đó, trong kinh này Đức Phật cảnh báo những kẻ bất thiện đó rằng: “Kiêu ác giải đãi cùng tà kiến, khó tin pháp vi diệu Như Lai. Như người mù hằng đi trong tối, không thể mở đường cho kẻ khác.”

Thế nhưng, dù họ có cố tình ngăn trở việc hoằng truyền kinh Vô Lượng Thọ, nhưng cũng khó hòng phá hoại chánh kiến của những người đã sẵn có thiện căn, phước đức, nhân duyên đối với kinh này, nên trong phẩm Chỉ Lưu Lại Một Kinh Này của kinh Vô Lượng Thọ, Đức Thế Tôn đã nói rõ: “Như có chúng sanh đặng nghe tiếng Phật, từ tâm thanh tịnh, hớn hở vui mừng, tóc không dựng đứng, hoặc chảy nước mắt, đều do đời trước, từng hành Phật đạo, chẳng phải người phàm. Nếu nghe hiệu Phật, trong lòng hồ nghi, lời kinh Phật dạy, thảy chẳng lòng tin, đều do ở trong đường dữ mà tới, tai ương đời trước, chưa được dứt tận, chưa được độ thoát, nên tâm hồ nghi, chẳng hướng tin vậy.” Đức Phật lại nói: “Có chúng sanh nào được gặp kinh này, tùy theo ý nguyện đều đặng độ thoát.” Nếu trong những kiếp xưa, chúng ta chẳng nơi vô lượng chư Phật gieo trồng căn lành, thì đời này làm sao gặp được kinh này và nghe được danh hiệu của Phật A Di Đà? Nếu nay đã gặp được kinh này, nghe được danh hiệu Phật A Di Đà mà chẳng tích cực tu trì theo kinh này, thì khác chi kẻ lên núi báu trở về tay không, cô phụ từ ân của Phật và tánh linh của chính mình quá mức! Đã tự khinh miệt tánh linh của mình lại còn khinh miệt tánh linh của hết thảy chúng sanh và trí tuệ của Phật, vậy có phải là việc quá đáng lắm không?

Có những người chưa nghe kinh này, hoặc nghe rồi mà chẳng hiểu nên sanh lòng nghi ngờ lời kinh Phật dạy đến nỗi phát khởi lên cái tâm điên đảo, vọng tưởng, tà kiến, rồi dùng các mánh khóe để bày xích kinh Phật. Những lời nói và hành động ấy chỉ có thể ảnh hưởng những người căn tánh trung hạ, khiến cho họ không có cách nào đích thân được gội nhuần pháp trạch của chư Phật, không được thấm nhuần nước cam lồ của Đức Như Lai. Những người làm nghịch lại lời Phật dạy như thế chính là kẻ bất thiện bậc nhất, Phật gọi họ là Nhất-xiển-đề. Nhất-xiển-đề, Phạn ngữ Icchantika, là một khái niệm nói về một hạng người “đặc biệt nguy hiểm” trong đạo Phật, mà hạng người này cũng tồn tại trong các tôn giáo khác. Theo dịch nghĩa chữ Hán, nhất-xiển-đề là bất tín hay tín bất cụ, nghĩa là không có lòng tin, không đủ lòng tin. Lòng tin ở đây được hiểu là tin vào Tam bảo, lý nhân quả, duyên sinh, và nghiệp báo.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1503 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chớ quên mình là nước


Bát-nhã Tâm kinh Khảo luận


Chắp tay lạy người


Báo đáp công ơn cha mẹ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.1.100 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...