Nơi đây, chúng ta nói chuyện thế kỷ 13, đó là một thời nước lớn phía Bắc không thôi kinh ngạc khi nghĩ tới nước nhỏ Đại Việt phía Nam, cả về quân sự và Phật pháp. Về quân sự, đó là thời phá Tống bình Chiêm; về Phật pháp, đó là thời có một số nhà sư Trung Quốc sang Việt Nam du học. Hiện tượng các nhà sư quốc tế sang Việt Nam du hoc, xin học thiền từ thiền sư Việt Nam không phải chỉ trong thời này, mà đã có từ thời rất xưa. Nói “sư quốc tế” nơi đây là nói chuyện “sư Trung Quốc.” Kể lại chuyện này để cả nước bình tâm trong thời ai cũng lo sợ bị sáp nhập vào phía Bắc: chỉ cần dân tộc sống thuận theo Phật pháp, ra sức học ngũ minh, tất nhiên có đủ phước đức và trí tuệ để đất nước độc lập, tự cường.
Thiền Tông Việt Nam đã từng có thời kỳ được nhiều vị sư Trung Quốc ngưỡng mộ, tìm sang Việt Nam du học. Lúc đó, nước Đại Việt đã có ít nhất là ba Phật học viện, với nhiều ngàn tăng, ni, cư sĩ theo học. Hãy hình dung rằng vào thời rất xa xưa, của thế kỷ thứ 13, khi chưa có phi cơ, xe hơi hay xe lửa, bất kể khoảng cách nhiều ngàn dặm xa giữa Việt Nam và Trung Quốc, phương tiện đi lại chủ yếu là thuyền, ngựa và đi bộ, một số nhà sư Trung Quốc tìm sang Việt Nam để học Thiền Tông thời nhà Trần.
Chúng ta không có con số chính xác bao nhiêu vị sư Trung Quốc sang Việt Nam để học Thiền, vì không phải chuyện ngoài đời lúc nào cũng được ghi vào sử sách. May mắn, tác phẩm Thiền Tông Bản Hạnh viết bằng chữ Nôm của Thiền Sư Tuệ Đăng Chân Nguyên (1647-1726) đã kể lại, rằng có hai nhà sư Trung Quốc tìm sang Việt Nam vì nghe rằng Thiền Tông nhà Trần siêu xuất: một vị sang để khảo sát, một vị sang để xin học.
Theo Thiền Tông Bản Hạnh, vị Thiền sư Việt Nam nổi tiếng quốc tế vào thế kỷ thứ 13 là ngài Trần Thái Tông (1218-1277), vị hoàng đế đầu tiên của nhà Trần nước Đại Việt. Ngài Trần Thái Tông trong khi làm vua, vẫn thường xuyên tới tham học với các thiền sư Viên Chứng, Tức Lự, Ứng Thuận. Vua Trần Thái Tông nổi tếng văn võ song toàn, ở ngôi từ năm 1225 tới năm 1258, sau đó làm Thái thượng hoàng cho đến khi qua đời.
Ngài Trần Thái Tông nổi tiếng quốc tế về hai phương diện: chỉ huy quân đội Đại Việt trong những cuộc chiến lớn đối với nước ngoài, và là bậc thầy truyền dạy Thiền Tông.
Ngài có tài quân sự, thường được sử gia đời sau gọi là phá Tống bình Chiêm. Theo Wikipedia, vào năm 1252, Trần Thái Tông thân chinh đánh Chiêm Thành, từ đó Chiêm Thành phải chính thức thần phục nhà Trần; sử Việt và thư từ ngoại giao giữa vua Trần với vua Mông Cổ đều xác định từ năm 1252 đến năm 1285, Chiêm Thành đã nhiều lần sai sứ sang triều cống.
Vào năm 1257, Tướng Mông Cổ Uriyangqatai dẫn gần 3 vạn quân tiến vào Đại Việt. Ngày 17 tháng 1 năm 1258, quân Mông Cô đến Bình Lệ Nguyên (nay là huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc), Trần Thái Tông đích thân đem sáu quân đi đánh, giao tranh thế yếu nên thu quân đến bến Lãnh Mỹ, sau đó xuống thuyền đi về Phù Lỗ, bị Tướng Mông Cổ Cacakdu truy sát. Hôm sau, ngày 18 tháng 1 năm 1258, vua Trần Thái Tông dàn quân chặn địch bên sông Cà Lồ ở Phù Lỗ. Quân Mông Cổ vượt sang sông Cà Lồ và đánh bại quân Đại Việt. Vua Trần lại chủ động rút quân về phía Thăng Long, rồi lui về sông Thiên Mạc (nay thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), ban lệnh khởi động cuộc chiến toàn dân.
Quân Mông Cổ chiếm được kinh thành Thăng Long, song gặp nhiều khó khăn do thiếu lương thực trầm trọng. Mông Cổ phải chia quân đi cướp bóc ở vùng ngoại vi và phụ cận, nhưng bị dân chúng chặn đánh quyết liệt. Ngày 28 tháng 1 năm 1258, vua Trần Thái Tông thúc quân phản kích vào bến Đông Bộ Đầu, đánh tan quân Mông Cổ. Uriyangqatai phải rút quân khỏi Thăng Long và tháo chạy về Vân Nam.
Trần Thái Tông biết trước ngày viên tịch, để lại nhiều tác phẩm về Thiền Tông, trong đó nổi tiếng là: Khóa Hư Lục, Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi, Kim Cương Tam Muội Chú Giải, Bình Đẳng Lễ Sám Văn…
Về chuyện các nhà sư nhà Tống sang Việt Nam tìm hiểu Thiền Tông sẽ dựa vào tác phẩm Thiền Tông Bản Hạnh của ngài Chân Nguyên, bản dịch từ Nôm sang chữ quốc ngữ của Hoàng Xuân Hãn, và được hiệu đính và giảng giải bởi Thiền sư Thích Thanh Từ. Bài viết nơi đây, sẽ dựa vào sách Thiền Tông Bản Hạnh Giảng Giải (TTBHGG) của Thầy Thích Thanh Từ hiện lưu hành trên cả dạng sách giấy (NXB Thành Phố HCM, 1998), và có thể đọc trên mạng. (1)
Các dòng thơ từ 326 tới 408 kể Trần Thái Tông được hai nhà sư Trung Quốc tìm tới để vấn Thiền. Chúng ta đoán rằng, có thể các trao đổi là qua chữ viết, vì không rõ có phải quý ngài hai nước nói với nhau trực tiếp qua một tiếng nói hay không.
Trong đó Thiên Phong là một Thiền sư Trung Hoa nổi tiếng, muốn biết thực hư có đúng rằng Thiền Tông đang rực rỡ hoằng pháp ở Đại Việt hay không, nên sang khảo sát. Sau khi vấn Thiền, Thiên Phong khâm phục, đã ca ngợi Trần Nhân Tông là: Sư trưởng là đại nhân duyên... (câu thơ 334).
Các câu thơ từ 326 tới 335 trong TTBHGG kể chuyện Thiền sư Thiên Phong sang VN khảo sát, như sau:
Thiên Phong là thầy nước người,
Trí tuệ cao tài, kinh lịch chư bang.
Tiếng đồn Việt quốc Đế Vương,
Có Vua tu Đạo, người thường xảy qua.
330. Xưng rằng : “Lâm Tế tông xưa,
Pháp phái diễn thừa, vân thủy A Nam.
Hội thiện tri thức lại tham,
Ích minh tôn chỉ càng thâm lòng Thiền.
Sư trưởng là đại nhân duyên,
335. Thiện hữu trợ giáo hộ quyền Nam Mô.”
.
Sách TTBHGG cũng kể rằng, lúc đó ngài Trần Nhân Tông đã mở ba trường dạy Thiền Tông.
Các câu thơ từ 336 tới 341 kể về tình hình ba Phật học viện do Trần Thái Tông mở ra, như sau:
Thái Tông mở Phật trường đồ,
Quỳnh Lâm, Tư phúc cùng chùa Hoa Yên.
Trai Tăng ngũ bách dư viên,
Thế phát thụ giáo thiên thiên vàn vàn.
Thành thị cho đến lâm san,
Tùy căn tu chứng, thanh nhàn yên cư.
Sách này, các dòng thơ từ 342 tới 345, kể rằng nhà sư Trung Hoa tìm sang xin học Thiền nhà Trần là Đức Thành, như sau:
Thuở ấy ngoại quốc tông sư,
Lại nghe Nam Việt có Vua tu hành.
Tên người là Tống Đức Thành,
345. Trèo non lặn suối một mình tìm sang.
Trước tiên là ngờ vực. Các dòng thơ từ 346 tới 356 kể chuyện sư Đức Thành chất vấn Trần Thái Tông, rằng tại sao các Thiền sư cổ đức nói rằng Đức Phật đã độ được chúng sanh ngay từ khi chưa hạ sanh đã dạy pháp giải thoát rồi (vị xuất mẫu thai, độ nhân dĩ tất). Câu hỏi như thế là về pháp vô sanh, rằng khi trời đất chưa sanh, khi danh-sắc chưa hiện ra, khi niệm chưa khởi… Ngài Trần Thái Tông trả lời rằng, “Ngàn sông có nước thì ngàn sông có mặt trăng, muôn dặm không mây thì có muôn dặm trời.” Bản gốc Thiền Tông Bản Hạnh ghi đoạn đối thoại đó bằng chữ Hán, và sách TTBHGG của Thầy Thanh Từ diễn ra chữ Nôm.
Có thể hiểu rằng chỉ một mặt trăng (pháp tánh) nhưng hiện ra cả ngàn mặt trăng khi có duyên là ngàn sông (cứ ngỡ thế giới đầy sai biệt), và khi bầu trời vắng mây (xa lìa tham sân si) thì tất cả sai biệt chỉ là một hư không vắng lặng (muôn dặm trời). Các câu 346 tới 356 như sau:
Vào chầu bái tạ thiên nhan,
Thiền gia làm lễ, dám tham lời rằng:
Đức Thành vấn viết:
“Tích Thích Ca Thế Tôn
350. Vị ly Đâu Suất,
Dĩ giáng Vương cung,
Vị xuất mẫu thai,
Độ nhân dĩ tất. Thì như hà?”
Thái Tông Hoàng Đế đáp vân:
355. Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt,
Vạn lý vô vân vạn lý thiên.”
Sư Đức Thành hỏi thêm rằng, vừa hỏi là nhờ Trần Thái Tông dạy về khi Đức Phật chưa hạ sanh, bây giờ hỏi khi Đức Phật đã ra đời, thì là thế nào. Trần Thái Tông dạy rằng, mây sanh trên đỉnh núi và hoa lau trên núi hòa vào một màu trắng, nước khi tới sông Tiêu và sông Tương chỉ có một màu trong. Nghĩa là, Đức Phật ra đời, dạy rằng “sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc; sắc tức là không, không tức là sắc…” Các câu thơ 357 tới 362 viết như sau:
Đức Thành hựu vấn:
“Vị ly vị xuất mông khai thị,
Dĩ ly dĩ xuất sự nhược hà?”
360. Thái Tông đáp vân:
“Vân sinh nhạc đỉnh đô lô bạch,
Thủy đáo Tiêu Tương nhất dạng thanh.”
Rồi Trần Thái Tông dạy tiếp rằng từ trong cái Pháp thân vắng lặng tròn đầy (pháp vô sanh) mới có thể độ cho tất cả khổ ách (các pháp đã sinh khởi). Chữ nguồn Tào là nói rằng Thiền Tông từ Huệ Năng (Tào Khê). Khi đã ngộ ra pháp này (bản tâm vốn rỗng không và tịch lặng) sẽ thấy các niệm tham sân si đều tan vào biển Như Thị (tùy hình ứng vật tự như). Tiếp theo, Trần Thái Tông rầy sư Đức Thành, rằng sao không hiểu nghĩa Như Lai của Đức Phật. Các câu thơ 368 tới 374 như sau:
“Mây lên núi bạc bằng lau,
Nước xuống nguồn Tào vặc vặc lặng thanh.
370. Pháp thân trạm tịch viên minh,
Tự tại tung hoành phổ mãn thái hư.
Tùy hình ứng vật tự như,
Hóa thiên bách ức độ chư mọi loài.
Ứng hiện dưới đất trên trời,
370. Khắp hòa thế giới mọi nơi trong ngoài.
Đã đặt hiệu là Như Lai,
Sao còn hỏi xuất mẫu thai làm gì?
Nguyệt luân biến chiếu quang huy,
Thiên giang hữu thủy cũng thì bóng in.”
Rồi Đức Thành thắc mắc, do đâu Trần Thái Tông ngộ đạo. Trần Thái Tông trả lời rằng đó là ngộ từ Bát Nhã, rằng chư Phật ba đời đều từ Bát Nhã, rằng cả sư (Đức Thành) và ta (vua Trần Thái Tông) đều có sẵn một hạt minh châu, ngộ được thì sẽ thấy viên dung pháp giới không gần, không xa.
Lời dạy này gợi nhớ tới Kinh SN 35.23 - Sabba Sutta: The All (2), khi Đức Phật dạy rằng thế giới vũ trụ thực ra chỉ là sáu nội xứ (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và sáu ngoại xứ (cái được thấy, cái được nghe, cái được ngửi, cái được nếm, cái được xúc chậm, cái được suy nghĩ tư lường). Thấy như thế, tức khắc xa lìa tham sân si. Các câu thơ 375 tới 408 viết như sau:
375. Đức Thành lại hỏi căn nguyên:
“Đế vương ngộ đạo nhân duyên như hà?”
Này lời Thái Tông thưa ra:
“Lưỡng mộc đồng hỏa, đôi ta khác gì.
Đương cơ đối đáp thị thùy,
380. Thật tính thi dụng cùng thì nhất ban.
Phóng ra bọc hết càn khôn,
Thu lại hoàn nhất mao đoan những là.
Ma Ha Bát Nhã Ba La,
Tam thế Chư Phật chứng đà nên công.
385. Thiên giang vạn thủy triều đông,
Ngộ đáo giá lý thật cùng tày nhau.
Phật tiền, Phật hậu trước sau,
Bát Nhã huyền chỉ đạo mầu truyền cho.
Ai ai đạt giả đồng đồ,
390. Mỗi người mỗi có minh chu (châu) trong nhà.
Mùa xuân vạn thụ khai hoa,
Cành cao cành thấp vậy hòa chứng nên.
Vi nhất đại sự nhân duyên,
Xuất hiện vu thế Tam Thiên Ta Bà.
395. Ngai rồng trút để bước ra,
Thế phát ở già, niệm Bụt tụng kinh.
Khác nào dược xuất kim bình,
Há đi tu hành, cứu được vạn dân.
Bản lai thanh tĩnh Pháp thân,
400. Viên dung pháp giới, đâu gần đâu xa.
Có chữ Đầu Phật Xuất Gia,
Vì vậy Trẫm phải bước chân ra ngoài.”
Đức Thành tôn phục mọi lời,
Thật quyền Hoàng Giác ra đời độ nhân!
405. Đức Thành bái tạ Thánh Quân,
Thượng hoằng Phật đạo, hạ cần Vương gia.
Đức Thành lễ bái trở ra,
Tống quốc khiêm nhượng nước ta Thánh Hiền.
.
Chỉ có thể nói ngắn gọn rằng Thiền Tông Việt Nam tuyệt vời. Các sư Thiên Phong và Đức Thành hiển nhiên đã ca ngợi như thế.
GHI CHÚ:(1) Thiền Tông Bản Hạnh Giảng Giải: https://thuvienhoasen.org/images/file/mMKHpp1G0QgQALNr/thientongbanhanh.pdf
(2) Kinh SN 35.23: https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sn/sn35/sn35.023.than.html