Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Hành động thiếu tri thức là nguy hiểm, tri thức mà không hành động là vô ích. (Action without knowledge is dangerous, knowledge without action is useless. )Walter Evert Myer
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Kẻ ngốc nghếch truy tìm hạnh phúc ở xa xôi, người khôn ngoan gieo trồng hạnh phúc ngay dưới chân mình. (The foolish man seeks happiness in the distance, the wise grows it under his feet. )James Oppenheim
Sống trong đời cũng giống như việc đi xe đạp. Để giữ được thăng bằng bạn phải luôn đi tới. (Life is like riding a bicycle. To keep your balance you must keep moving. )Albert Einstein
Con người chỉ mất ba năm để biết nói nhưng phải mất sáu mươi năm hoặc nhiều hơn để biết im lặng.Rộng Mở Tâm Hồn
Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Luận bàn Phật pháp »» Sống, chết, tái sinh, trung ấm và cúng vong »»

Luận bàn Phật pháp
»» Sống, chết, tái sinh, trung ấm và cúng vong

Donate

(Lượt xem: 7.292)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Sống, chết, tái sinh, trung ấm và cúng vong

Font chữ:

Sinh và tử, tái sinh và trung ấm, cách nào để cúng vong… đó là các quan tâm lớn của nhiều Phật tử. Bài viết này sẽ dựa vào Kinh để khảo sát những vấn đề đang được Phật tử quan tâm và thảo luận.

Trước tiên, cần nêu rõ rằng, những chữ như tái sinh, hay trung ấm thân (thời gian sau khi chết trong đời này mà chưa thọ thân của đời sau) có thể gây nhầm lẫn là có một “cái tôi” nào đang luân hồi; thực sự vốn không hề có “cái tôi” nào hết. Nên nhìn rằng chúng ta như một chùm bọt sóng (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) đang trôi trên dòng sông tham ái, liên tục biến đổi trên dòng sông đó. Không nên nhìn như có cái gì gọi là “cái đang là” mà nên nhìn như chỉ có “cái đang hình thành”; chỉ như thế mới không bị vướng vào chấp trước rằng các thủ uẩn là ngã hay có gì như là thực. Dòng sông vô thường trên thân tâm chúng ta vẫn đang chảy xiết; Đức Phật có khi gọi tượng hình là trận lũ, và thúc giục mọi người hãy vượt trận lũ, tức là vượt tham ái, để qua bờ giải thoát.

Khi trí thức phương Tây (Hoa Kỳ và Châu Âu) tin theo Phật giáo, nhiều người chọn thái độ xem Phật giáo đa dạng như bàn tiệc, tùy ý lựa chọn. Thậm chí, nhiều vị tự nhận lập trường thế tục (secular), xem Phật giáo chỉ như triết lý sống, gạt bỏ cả chuyện tái sinh, bất kể Đức Phật nói trong kinh rất nhiều về luân hồi và thúc giục học nhân phải tu học khẩn cấp như lửa cháy trên đầu để giải thoát. Trong khi đó, một số trí thức phương Tây chỉ chọn Thiền tập bổ sung vào đức tin tôn giáo đã có của họ.

Thực sự, chính ngay trong các tôn túc tăng ni cũng tự có lựa chọn tùy ý kiểu Phật giáo Bàn Tiệc; thí dụ, nhiều vị tăng ni không tin hoặc không quan tâm về năng lực thần chú như các vị theo Mật Tông, tuy rằng trong Trường Bộ, có Kinh DN 32 ghi bài thần chú khuyên là tứ chúng nên học thuộc để được hộ trì, trích bản dịch Hòa Thượng Thích Minh Châu (sẽ viết tắt: bản TMC):

“…Tôn giả, Hộ Kinh Āṭānāṭiya này che chở, hộ trì, ngăn không cho ai làm hại các vị Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, Nam cư sĩ, Nữ cư sĩ và khiến các vị này sống an lạc. Khi một vị Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, Nam cư sĩ, Nữ cư sĩ nào sẽ học Hộ Kinh Āṭānāṭiya này một cách chín chắn, rõ ràng, nếu có loài phi nhân nào… [quấy nhiễu thì]… các hàng phi nhân sẽ dìm đầu vị ấy xuống. Này Tôn giả, các hàng phi nhân sẽ chẻ đầu vị ấy ra làm bảy mảnh.” (1)

Bài viết này sẽ dẫn kinh, kèm với các nối kết (link) để dễ tham khảo, thứ tự chỉ là đọc tới đâu, viết tới đó, vì vốn học của người viết không nhiều để nhìn toàn diện. Người viết xin thành kính sám hối trước Tam Bảo về tất cả những bất toàn.

.. o ..

Câu hỏi: Có nên cúng tế, làm các nghi lễ bố thí cho người chết hay không?

Đức Phật trả lời câu hỏi này trong Kinh AN 10.177, trích bản TMC:

“Thưa Tôn giả Gotama, bố thí có lợi ích gì cho các bà con huyết thống đã chết không? Các bà con huyết thống đã chết có được thọ hưởng bố thí ấy hay không?

—Này Bà-la-môn, nếu có tương ưng xứ, thời có lợi ích, không có lợi ích nếu không có tương ưng xứ…

(…)—Thưa Tôn giả Gotama, nếu bà con huyết thống đã chết, không sanh vào chỗ ấy, và các bà con huyết thống khác cũng không sanh vào chỗ ấy, thời ai hưởng bố thí ấy?

—Không có trường hợp ấy, không có cơ hội ấy, này Bà-la-môn, rằng chỗ ấy có thể trống không trong một thời gian dài, không có người bà con huyết thống đã chết. Nhưng này Bà-la-môn, người bố thí không phải không có hưởng quả.” (2)

.. o ..

Câu hỏi: Cúng tế người chết có phải vô ích?

Ngay cả không tương ưng xứ, cũng vẫn sinh ra ruộng phước (dẫn tới ruộng phước gọi là đạt-thẩn). Trong Tạp A Hàm, Kinh 1041, bản dịch của hai thầy Tuệ Sỹ & Thích Đức Thắng, trích:

“Bà-la-môn bạch Phật: Thưa Cù-đàm, nếu con vì tín tâm bố thí cho người thân tộc, nhưng họ không sanh vào trong chốn Nhập xứ ngạ quỷ và cũng không có các thân tộc quen biết khác sanh vào chốn Nhập xứ ngạ quỷ, thì thức ăn do lòng tin bố thí đó ai sẽ hưởng?

Phật bảo Bà-la-môn: Giả sử ông vì những thân tộc quen biết mà bố thí, nhưng họ không sanh vào trong chốn Nhập xứ ngạ quỷ và lại cũng không có những người quen biết khác sanh vào chốn ngạ quỷ, thì việc bố thí do lòng tin, tự mình sẽ được phước. Của bố thí do lòng tin của người thí chủ đó, sẽ không mất đạt-thẩn.” (3)

.. o ..

Câu hỏi: Có bao giờ gặp lại người đã chết như khi họ còn sống?

Không gặp lại được. Do vậy, Đức Phật luôn luôn hối thúc tu hành khẩn cấp và chớ nên giữ nỗi buồn xa lìa người thân, Kinh Snp 3.8, trích dịch:

“Khi thấy một thi thể, nên biết rằng, ‘Người này sẽ không gặp mình nữa đâu.’ Y hệt như lửa trong ngôi nhà cháy bị nước dập tắt, một người trí tuệ, học nhiều và nhạy cảm nên nhanh chóng xua đuổi nỗi buồn khởi dậy, y hệt gió thổi bạt đi một mảnh bông gòn.” (4)

.. o ..

Câu hỏi: Khi đã chết, không ai làm hồi sinh được?

Đúng vậy. Do vậy, Đức Phật dạy rằng thân người là quý, và quan tâm lớn nhất là phải tu giải thoát. Trong Kinh Pháp Cú, Bài Kệ 114 viết: “Sống 100 năm trong đời mà không nhận ra Niết Bàn, không bằng một ngày trong đời của người nhận ra Niết Bàn.”

Phần Tích truyện cho bài kệ này kể về cuộc đời Ni trưởng Kisagotami. Nguyên là vợ của một trưởng giả thành Savatthi, khi đứa con trai duy nhất chết, bà tuyệt vọng, đi hỏi xem có ai có thể giúp con bà sống lại. Nỗi buồn lớn tới nổi làm bà mất trí. Một người nói với bà rằng hãy tới gặp Đức Phật. Đức Phật nói rằng ngài có thể làm đứa bé sống lại, nếu bà tìm được các hạt cải (mustard) trắng từ một gia đình chưa từng có ai qua đời. Bà ôm đứa con trước ngực, đi gõ cửa nhà này sang nhà kia, tuyệt vọng vì không thể tìm ra nhà ai chưa từng có người thân chết. Bà nhận ra rằng không có nhà nào thoát khỏi nỗi buồn người thân từ trần. Bà đưa xác con vào rừng, trở về trình với Đức Phật, và Đức Phật nói rằng cái chết tới với tất cả chúng sinh và trước khi lòng tham người ta thỏa mãn, cái chết tới mang họ đi. Bà nghe như thế, tức khắc đắc quả Dự Lưu, xin xuất gia. Và rồi một thời gian sau, bà đắc quả A La Hán.

Câu chuyện trên chỉ có trong Luận thư, phần chú giải Pháp Cú, không có trong kinh nào khác, và do vậy có học giả nêu nghi vấn là chuyện kể được thêm vào, vì Tích truyện trong Luận thư xuất hiện sau Kinh Pháp Cú khoảng 700 năm. Thêm nữa, người ta khó hình dung rằng Đức Phật khuyên một bà mẹ đang ôm xác con hãy tới gõ cửa các nhà trong thành phố để hỏi xin hạt cải trắng… một công việc đòi rất nhiều thể lực.

Trong khi đó, Kinh SN 5.3 có nói về Ni trưởng Kisagotami trong khi ngồi thiền dưới một gốc cây thì bị Ác Ma xuất hiện, quậy phá, nhắc rằng bà từng khóc sướt mướt khi đứa con trai chết. Ni trưởng Kisagotami trả lời Ác Ma rằng bà đã chinh phục đạo binh Tử Thần rồi, không còn nỗi buồn nào nữa hết. (5)

.. o ..

Câu hỏi: Có phải ái dục làm cho tâm xao động để chúng sanh luân hồi theo nghiệp?

Trong Kinh SN 1.57, bản dịch TMC:

“—Cái gì sanh thành người? Cái gì luôn dong ruỗi? Cái gì chịu luân hồi? Cái gì người nương tựa?

—Ái dục sanh thành người, Chính tâm luôn dong ruỗi, Chúng sanh chịu luân hồi, Chính nghiệp, người nương tựa.” (6)

.. o ..

Câu hỏi: Làm sao để tái sinh vào cõi chư thiên?

Trong Kinh AN 8.36, bản dịch TMC:

“Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người căn bản làm phước do bố thí trên một quy mô to lớn, căn bản làm phước do giới đức trên một quy mô to lớn, nhưng không đạt được căn bản làm phước do tu tập. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên ở Tam thập Tam thiên. Tại đây, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do bố thí, sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do giới đức, vượt qua Bốn thiên vương trên mười điểm: tuổi thọ chư Thiên, dung sắc chư Thiên, an lạc chư Thiên, danh tiếng chư Thiên, Tăng thượng lực chư Thiên, thiên sắc, thiên hương, thiên vị, thiên xúc.” (7)

.. o ..

Câu hỏi: Có phải cách bố thí tốt hơn phẩm vật bố thí?

Biết cách bố thí sẽ được tái sinh vào cõi trời. Kinh DN 23 kể về cách bố thí, bản dịch TMC:

“Rồi Tôn giả Gavampati đi vào trong thế giới loài Người và nói như sau: “Hãy bố thí một cách hoàn bị. Hãy bố thí với tự tay mình làm. Hãy bố thí một cách có suy tư. Hãy bố thí các đồ không phế thải. Tôn chủ Pāyāsi, vì bố thí không hoàn bị, vì bố thí không tự tay mình làm, vì bố thí không có suy tư, vì bố thí đồ phế thải, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh nhập chúng với Bốn Ðại Thiên vương, trong cung điện trống không của Serisaka. Còn thanh niên Uttara, bị bỏ qua trong một cuộc bố thí này, vì đã bố thí một cách có hoàn bị, vì đã bố thí với tự tay mình làm, vì đã bố thí một cách suy tư, vì đã bố thí với các đồ không phế thải, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, nhập chúng với chư Thiên ở Tam thập tam thiên”…” (8)

.. o ..

Câu hỏi: Có thể đoán được người này hay người kia sẽ tái sanh về đâu?

Đúng vậy. Muốn biết người này, người kia tái sanh vào cõi dữ hay lành, chỉ cần nhìn về thân khẩu ý của họ mà đoán. Kinh SN 6.57 ghi về hai đường tái sinh lành dữ, theo bản dịch TMC:

“Người ấy do làm ác hạnh về thân, về lời, về ý, sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục... Người ấy do làm thiện hạnh về thân, về lời, về ý, sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi lành, Thiên giới, thế giới này...” (9)

.. o ..

Câu hỏi: Ai tái sanh?

Câu hỏi không thích nghi. Không nên nhìn như có ai, có tôi, hay có người đang sanh diệt, vì thực sự không có cái gì là ai, là tôi, hay là người. Chỉ nên nhìn là có mắt thấy và có nhãn thức đang sanh diệt… tương tự với tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân chạm xúc, ý tư lường đang sanh diệt theo luật duyên khởi. Kinh SN 35.33 viết, trích bản TMC:

“—Này các Tỷ-kheo, tất cả phải bị sanh. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tất cả phải bị sanh?

Mắt, này các Tỷ-kheo, phải bị sanh. Các sắc phải bị sanh. Nhãn thức phải bị sanh. Nhãn xúc phải bị sanh. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy phải bị sanh … Tai … Mũi … … Lưỡi … Thân … Ý phải bị sanh. Các pháp phải bị sanh. Ý thức phải bị sanh. Ý xúc phải bị sanh. Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy phải bị sanh.

Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt … ” … không còn trở lui trạng thái này nữa”. (10)

.. o ..

Câu hỏi: Vì sao tái sanh?

Chỉ vì tham ái, vì ưa thích, vì vui với cái được thấy (được nghe, được ngửi…) do vậy khởi tâm có cái tôi ưa thích và dính mắc vào cái được tôi ưa thích (ngã, ngã sở), từ đó hình thành nên căn nhà (thân/tâm) của chúng sanh. Kinh SN 23.2, trích bản TMC:

“Tôn giả Rādha bạch Thế Tôn: “Chúng sanh, chúng sanh”, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là chúng sanh?

—Này Rādha, dục nào (chanda), tham nào, hỷ nào, khát ái nào đối với sắc, triền phược ở đấy, triền miên ở đấy, do vậy gọi là chúng sanh (sattà)… thọ … tưởng … các hành … Dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào đối với thức, triền phược ở đấy, triền miên ở đấy, do vậy gọi là chúng sanh.

Ví như, này Rādha, các đứa con trai hay các đứa con gái chơi với cái nhà bằng đất. Cho đến khi đối với những nhà bằng đất ấy, lòng tham chưa thoát ly, lòng dục chưa thoát ly, lòng ái chưa thoát ly, lòng khát chưa thoát ly, lòng nhiệt tình chưa thoát ly, lòng khát ái chưa thoát ly, thời chúng còn tham dính vào, thích chơi, chất chứa, và đắm trước những nhà bằng đất ấy.” (11)

.. o ..

Câu hỏi: Cái gì nuôi dưỡng chúng sanh?

Đó là bốn loại thức ăn: thứ nhất, thực phẩm nuôi thân mạng (edible food); thứ nhì, xúc thực, tức là thế giới trong tâm hình thành từ tiếp cận căn-cảnh-thức (sense-impressions); thứ ba, tư niệm thực hay là hành (volitions); thứ tư, là thức thực (consciousness). Nhưng tất cả đều do ái mà ra. Kinh SN 12.11, bản dịch TMC viết, trích:

“Này các Tỷ-kheo, có bốn loại đồ ăn này khiến cho các loại sanh vật hay các loại chúng sanh được tồn tại hay khiến cho các loại sắp sanh thành được thọ sanh. Thế nào là bốn? Một là đoàn thực hoặc thô hoặc tế, hai là xúc thực, ba là tư niệm thực, bốn là thức thực. Này các Tỷ-kheo, bốn loại đồ ăn này khiến cho các loại sanh vật hay khiến cho các loại chúng sanh được tồn tại hay khiến cho các loại sắp sanh thành được thọ sanh.

Và này các Tỷ-kheo, bốn loại đồ ăn này do cái gì làm nhân, do cái gì tập khởi, do cái gì tác sanh, do cái gì làm cho hiện hữu? Bốn loại đồ ăn này do ái làm nhân, do ái tập khởi, do ái tác sanh, do ái làm hiện hữu.”(12)

.. o ..

Câu hỏi: Có thể tiếp cận thế giới mà không đắm nhiễm, tức là vô sanh, hay không?

Có thể, đó là khi thế giới căn-cảnh-thức dựng lập, mà không xem đó là thức ăn. Chữ “sắc” trong kinh dẫn sau là thế giới của “sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp” (cái được thấy, cái được nghe, cái được ngửi, cái được nếm, cái được chạm xúc, cái được tư lường suy nghĩ) – nếu không say đắm vị ngọt của sắc (những cái thấy nghe hay biết…) thì không bị đắm chìm. Tương tự với thọ, tưởng, hành, thức.

Kinh SA 13, bản dịch của hai thầy Tuệ Sỹ & Thích Đức Thắng, trích:

“Nếu chúng sanh nào không nếm vị ngọt của sắc thì sẽ không nhiễm đắm sắc. Vì chúng sanh nếm vị ngọt của sắc cho nên bị đắm trước.

“Cũng vậy, chúng sanh nào không nếm vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức thì chúng sanh ấy không bị đắm nhiễm thức. Vì chúng sanh nếm vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức cho nên chúng sanh ấy bị nhiễm trước vào thức.” (13)

.. o ..

Câu hỏi: Thế giới này sanh diệt thế nào, tức là tập khởi thế nào và đoạn diệt thế nào?

Kinh SN 12.44, bản dịch TMC viết:

“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thế giới tập khởi?

Do duyên con mắt và các sắc, nhãn thức khởi lên. Do ba cái tụ họp, nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do duyên ái nên có thủ. Do duyên thủ nên có hữu. Do duyên hữu nên có sanh. Do duyên sanh, nên có già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Ðây là thế giới tập khởi.

Do duyên lỗ tai và các tiếng… Do duyên lỗ mũi và các hương… Do duyên lưỡi và các vị… Do duyên thân và các xúc… Do duyên ý với các pháp, ý thức khởi lên. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ… Do duyên sanh nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, sanh khởi. Này các Tỷ-kheo, đây là sự tập khởi của thế giới.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thế giới đoạn diệt?

Do duyên con mắt và các sắc, nhãn thức khởi lên. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do sự ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt… Ðây là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này. Ðây là thế giới đoạn diệt.

Do duyên lỗ tai và các tiếng… Do duyên lỗ mũi và các hương… Do duyên lưỡi và các vị… Do duyên thân và các xúc…” (14)

.. o ..

Câu hỏi: Có một thức bất biến đã và đang luân chuyển kiếp này sang kiếp kia trong cuộc tái sanh?

Không, không hề có thức bất biến nào như thế. Trong Kinh MN 38, bản dịch TMC, trích:

“Tỷ-kheo tên là Sati khởi tà kiến: thức này dong ruổi, luân chuyển nhưng không đổi khác.

Chư Tỷ-kheo, Ta đã dùng nhiều pháp môn nói thức do duyên khởi. Không có duyên, thức không hiện khởi. Nhưng Tỷ-kheo Sati, con của người đánh cá, không những xuyên tạc Ta vì đã tự chấp thủ sai lạc, còn tự phá hoại mình và tạo nên nhiều tổn đức, và như vậy sẽ đưa đến bất hạnh và đau khổ lâu dài cho kẻ mê mờ ấy...

...Này các Tỷ-kheo, có ba sự hòa hợp mà một bào thai thành hình: ở đây, cha mẹ có giao hợp và người mẹ không trong thời [điểm] có thể thụ thai, và hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. Ở đây, cha và mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời [điểm] có thể thụ thai, nhưng hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. Và này các Tỷ-kheo, khi nào cha mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời [điểm] có thể thụ thai, và hương ấm có hiện tiền; có ba sự hòa hợp như vậy, thì bào thai mới thành hình.” (15)

.. o ..

Câu hỏi: Có trung ấm (giữa đời này và đời sau) không, và cách nào để vượt dòng sanh tử?

Có trung ấm, tức khoảng giữa đời này và đời sau, nhưng Kinh không nói thời lượng trung ấm. Cách vượt thoát sanh tử là lìa chấp trước, không dính mắc. Trong Trung Bộ, Kinh MN 144, bản dịch TMC viết:

“Tôn giả Mahācunda nói với Tôn giả Channa:

—Do vậy, này Hiền giả Channa, lời dạy này của Thế Tôn phải được thường trực tác ý: “Ai có chấp trước là có dao động. Ai không chấp trước là không có dao động. Không có dao động, thời có khinh an; có khinh an thời không có hy cầu (nati); không có hy cầu thời không có khứ lai; không có khứ lai thời không có tử sanh; không có tử sanh thời không có đời này, không có đời sau, không có giữa hai đời. Như vậy là sự đoạn tận đau khổ”. (16)

.. o ..

Câu hỏi: Cái gì làm nhiên liệu cho tái sanh? Khi thân này đoạn tận trong khi chưa thọ thân khác, cái gì làm nhiên liệu cho trung ấm?

Sanh là do chấp thủ, nhưng tham ái vẫn luôn luôn là nhiên liệu. Trong Kinh SN 44.9, bản dịch TMC viết, trích:

“Ví như, này Vaccha, một ngọn lửa cháy đỏ khi nào có nhiên liệu (saupàdàna), không phải không có nhiên liệu. Cũng vậy, này Vaccha, Ta tuyên bố về sanh khởi đối với người có chấp thủ (sanh y), không phải với người không có chấp thủ.

—Thưa Tôn giả Gotama, trong khi có gió thổi ngọn lửa đi thật xa, thời Tôn giả Gotama tuyên bố cái gì làm nhiên liệu cho ngọn lửa này?

—Này Vaccha, trong khi có gió thổi ngọn lửa đi thật xa, thời Ta nói chính gió là nhiên liệu. Trong khi ấy, này Vaccha, chính gió là nhiên liệu (upàdàna).

—Thưa Tôn giả Gotama, trong khi một loài hữu tình quăng bỏ thân này để sanh vào một thân khác, thời Tôn giả Gotama tuyên bố cái gì làm nhiên liệu cho thân này?

—Này Vaccha, trong khi một loài hữu tình quăng bỏ thân này và sanh vào một thân khác, này Vaccha, Ta tuyên bố rằng trong khi ấy chính ái (tanhà) là nhiên liệu (upàdànam).” (17)

Bản Anh dịch của Bhikkhu Bodhi, dùng chữ cụ thể hơn, rằng khi đã từ trần mà chưa tái sanh:

“When, Vaccha, a being has laid down this body but has not yet been reborn in another body, I declare that it is fuelled by craving. For on that occasion craving is its fuel.” (Dịch: Vaccha, khi một chúng sanh đã nằm thân này xuống rồi, mà chưa tái sanh trong một thân khác, ta nói rằng…) (17)

Ghi chú #382 nơi trang 1456 của Bhikkhu Bodhi trong bản sách giấy Tương Ưng Bộ cho Kinh SN 44.9, nói rằng lời dạy của Đức Phật cho thấy có một khoảng trống trung ấm giữa thời điểm chết của thân này và thời điểm nhập thai cho thân sau, và Kinh này trái với kiểu lý luận “tái sanh tức khắc” của Theravada. (17)

Bản Anh dịch của Bhikkhu Sujato cũng tương tự:

“When someone who is attached has laid down this body, Vaccha, and has not been reborn in one of the realms, I say they’re fueled by craving. For craving is their fuel then.” (17)

.. o ..

Câu hỏi: Có phải chúng sanh trong cõi trung ấm lang thang vất vơ như văn học dân gian thường nói?

Trả lời rằng không nhất thiết, bởi vì tất cả đều từ hành nghiệp. Trong Kinh DN 2, Đức Phật sử dụng hình ảnh ngôi nhà dụ cho thân người, khi chết đi là rời nhà này để vào nhà kia, nhưng vẫn có những chúng sanh chưa vào nhà mới được, vẫn còn (nơi trung ấm) đang “đi qua lại trên đường, ngồi ở giữa ngã tư hay trên đài thượng.” Người trên đài thượng là bậc thánh được giải thoát trong nơi trung ấm, gọi là Trung gian Niết-bàn (Bhikkhu Sujato: They’re extinguished in-between one life and the next).

Kinh DN 2, bản dịch TMC viết, trích:

“Như vậy vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hành nghiệp của chúng.

Này Ðại vương, ví như một tòa lầu có thượng đài, giữa ngã tư đường, một người có mắt đứng trên ấy, sẽ thấy những người đi vào nhà, đi từ nhà ra, đi qua lại trên đường, ngồi ở giữa ngã tư hay trên đài thượng. Người ấy nghĩ: “Những người này đi vào nhà, những người này đi từ nhà ra, những người này đi qua lại trên đường, những người này ngồi giữa ngã tư, trên đài thượng”. Cũng vậy, này Ðại vương, với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh.” (18)

.. o ..

Câu hỏi: Có phương pháp nhanh chóng nào để giải thoát, không còn vướng gì nữa trong đời này, đời sau và đời chặng giữa (trung ấm)?

Câu trả lời là có Thiền pháp như thế. Đức Phật nói trong Kinh Bahiya (Ud 1.10), ngôn ngữ rất minh bạch về đời chặng giữa, bản TMC:

“- Vậy này Bàhiya, Ông cần phải học tập như sau: "Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là các thức tri ". Như vậy, nàyBàhiya, Ông cần phải học tập. Vì rằng, này Bàhiya, nếu với Ông, trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bàhiva, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.” (19)

Lời Đức Phật rất minh bạch rằng có một đời chặng giữa -- chúng ta quen gọi là trung ấm. Cuối bài sẽ dẫn thêm ba bản tiếng Anh của Kinh Bahiya.

.. o ..

Câu hỏi: Khi Tôn giả Màlukyaputta nói rằng tự thấy mình già rồi, nên xin Đức Phật thuyết pháp vắn tắt để tự thân khẩn cấp tu giải thoát, Đức Phật dạy pháp nào?

Tương tự như Kinh trên, Kinh Màlukyaputta Sutta trích như sau, cũng nói về cõi trung ấm:

“—Bạch Thế Tôn, dầu cho con già yếu, niên cao, đại lão, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đến cuối cuộc đời, mong Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho con! Mong Thiện Thệ hãy thuyết pháp vắn tắt cho con! Chắc chắn con sẽ hiểu ý nghĩa lời Thế Tôn giảng. Chắc chắn con sẽ trở thành người thừa tự pháp của Thế Tôn...

…này Màlukyaputta, đối với các pháp được thấy, được nghe, được cảm nhận, được biết đến, Ông sẽ chỉ thấy được với những vật thấy được, chỉ nghe được với những vật nghe được, chỉ cảm nhận được đối với những vật cảm nhận được, chỉ nhận biết được đối với những vật nhận biết được. Cho nên, này Màlukyaputta, Ông không có vì cái ấy. Do vì, này Màlukyaputta, Ông không có vì cái ấy, nên Ông không có: “Ở nơi đây”. Do vì, này Màlukyaputta, Ông không có: “Ở nơi đây”, do vậy, này Màlukyaputta, Ông sẽ không có đời này, đời sau, và giữa hai đời ấy. Ðây là sự chấm dứt khổ đau.” (20)

.. o ..

Câu hỏi: Thường nghe nhiều thầy nói về pháp tu vô sở trụ (không chấp trước – không trụ vào sắc thanh hương vị xúc pháp), xin hỏi pháp này có vượt sinh tử cả đời này, đời sau, và đời chặng giữa hay không?

Đó cũng là pháp đoạn tận khổ đau ngay ở đây và bây giờ, chủ đề của Kinh Kim Cang. Kinh MN 144 cũng nhắc về đời này, đời sau, và đời chặng giữa, bản TMC trích:

“Tôn giả Mahācunda nói với Tôn giả Channa:

—Do vậy, này Hiền giả Channa, lời dạy này của Thế Tôn phải được thường trực tác ý: “Ai có chấp trước là có dao động. Ai không chấp trước là không có dao động. Không có dao động, thời có khinh an; có khinh an thời không có hy cầu (nati); không có hy cầu thời không có khứ lai; không có khứ lai thời không có tử sanh; không có tử sanh thời không có đời này, không có đời sau, không có giữa hai đời. Như vậy là sự đoạn tận đau khổ”. (21)

.. o ..

Câu hỏi: Có thể giải thoát nơi trung ấm hay không?

Rất là hy hữu. Một số vị vào được Niết Bàn nơi trung ấm thân, khi chết là vào Thánh vị A Na Hàm và từ đây vào Trung gian Niết bàn. Kinh AN 7.55, bản dịch TMC viết, trích:

“Tỷ-kheo trong khi thực hành như vậy suy nghĩ như sau: “Nếu cái này không có, cái này có thể không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta. Cái gì có, cái gì được thành, ta đều từ bỏ”. Vị ấy có được xả. Vị ấy không tham đắm sanh hữu, không tham đắm tích tụ của hữu; với chánh trí tuệ, vị ấy thấy có con đường vô thượng tịch tịnh. Vị ấy chưa chứng ngộ trọn vẹn hoàn toàn con đường ấy. Vị ấy chưa đoạn tận trọn vẹn hoàn toàn mạn tùy miên. Vị ấy chưa đoạn tận trọn vẹn hoàn toàn hữu tham tùy miên. Vị ấy chưa đoạn tận trọn vẹn hoàn toàn vô minh tùy miên. Do diệt tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy chứng được Trung gian Niết-bàn. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái bát bằng sắt được đốt cháy cả ngày và được đập đánh, một miếng vụn có thể văng ra và trở thành nguội lạnh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi thực hành, suy nghĩ như sau: “Nếu cái này không có, cái này có thể không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta. Cái gì có, cái gì được thành, ta đều từ bỏ”. Vị ấy có được xả, vị ấy không tham đắm hữu, không tham đắm hậu hữu; với chánh trí tuệ, vị ấy thấy có con đường vô thượng tịch tịnh. Và vị ấy chưa chứng ngộ trọn vẹn hoàn toàn con đường ấy. Vị ấy chưa đoạn tận trọn vẹn hoàn toàn mạn tùy miên. Vị ấy chưa đoạn tận trọn vẹn hoàn toàn hữu tham tùy miên. Vị ấy chưa đoạn tận trọn vẹn hoàn toàn vô minh tùy miên. Do diệt tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy chứng được Trung gian Niết-bàn.”(22)

Bản tiếng Anh của Bhikkhu Sujato nói rõ hơn: With the ending of the five lower fetters they’re extinguished in-between one life and the next. (Dịch: Do diệt tận năm hạ phần kiết sử, các vị này vào Niết bàn nơi thân trung ấm khoảng giữa đời này và đời sau.) (22)

.. o ..

Câu hỏi: Chúng ta nên làm gì để giúp tất cả các chúng sanh, trong đó có cha mẹ nhiều đời của chúng ta, trong thân trung ấm, vì họ có thể đang “đi từ nhà cũ ra mà chưa tìm được nhà mới, đang đi qua lại trên đường, hay đang ngồi ở giữa ngã tư” với nghiệp thức bất định?

Xin mạn phép trả lời rằng nên hàng ngày tụng Kinh Từ Bi (Metta Sutta). Bản kinh ngắn này cũng có thể dùng cho pháp Thiền Tâm Từ, trong đó Đức Phật dạy là hãy nguyện bình an cho tất cả mọi loài, kể cả những loài sắp sinh (hiểu là trong thân trung ấm). Đây cũng là một trong những bản kinh xưa nhất, khi chư tăng còn phải sống nơi góc rừng, chân núi – ký số Kinh Từ Bi trong nhóm Kinh Tập ghi là Sutta Nipata I.8.

Trích Kinh Từ Bi, bản dịch của Thầy Thích Nhất Hạnh:

“Và đây là điều họ luôn luôn tâm niệm:

Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.

Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.

Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.

Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài…” (23)

Trong các bản tiếng Anh cũng chỉ mang một nghĩa cụ thể là thân trung ấm:

Andy Olendzki dịch là: Whether born already or not yet born (dù đã sanh hay chưa sanh);

Amaravati Sangha dịch: Those born and to-be-born (những ai đã sanh và sắp sanh);

Ven. Khantipalo dịch: those that are here, those seeking to exist (những chúng sanh nơi đây, và những chúng sanh đang tìm nơi sanh).

Có 19 bản dịch tiếng Anh Kinh Metta Sutta cũng ghi nối kết ở (23).

Thêm nữa, Kinh Từ Bi nên tụng hằng ngày, Thiền Tâm Từ nên tập hằng ngày, không chỉ để cầu nguyện cho cha mẹ nhiều đời trong thân trung ấm và tất cả các chúng sanh ba cõi, mà còn vì lời Đức Phật dạy rằng cúng dường Đức Phật và hàng trăm bậc Thánh, rằng xây chùa và dâng cúng Tam Bảo cũng không có phước đức bằng “có ai dầu chỉ trong một khoảnh khắc vắt sữa bò, tu tập từ tâm… và có ai dầu chỉ trong một khoảnh khắc búng ngón tay, tu tập tưởng vô thường.” (Kinh AN 9.20) (24)

Do vậy, hằng ngày tụng Kinh Từ Bi, tu Thiền Tâm Từ cũng là một cách cúng vong tuyệt vời nhất vậy.

GHI CHÚ:

(1) Kinh DN 32, bản Việt: https://suttacentral.net/dn32/vi/minh_chau - bản Anh (Bhikkhu Sujato): https://suttacentral.net/dn32/en/sujato

(2) Kinh AN 10.177: https://suttacentral.net/an10.177/vi/minh_chau

(3) Kinh SA 1041: https://suttacentral.net/sa1041/vi/tue_sy-thang

(4) Kinh Snp 3.8: https://suttacentral.net/snp3.8/en/mills

(5) Kinh SN 5.3: https://suttacentral.net/sn5.3/vi/minh_chau

(6) Kinh SN 1.57: https://suttacentral.net/sn1.57/vi/minh_chau

(7) Kinh AN 8.36: https://suttacentral.net/an8.36/vi/minh_chau

(8) Kinh DN 23: https://suttacentral.net/dn23/vi/minh_chau

(9) Kinh AN 6.57: https://suttacentral.net/an6.57/vi/minh_chau

(10) Kinh SN 35.33: https://suttacentral.net/sn35.33-42/vi/minh_chau

(11) Kinh SN 23.2: https://suttacentral.net/sn23.2/vi/minh_chau

(12) Kinh SN 12.11: https://suttacentral.net/sn12.11/vi/minh_chau

(13) Kinh SA 13: https://suttacentral.net/sa13/vi/tue_sy-thang

(14) Kinh SN 12.44: https://suttacentral.net/sn12.44/vi/minh_chau

(15) Kinh MN 38: https://suttacentral.net/mn38/vi/minh_chau

(16) Kinh MN 144: https://suttacentral.net/mn144/vi/minh_chau

(17) Kinh SN 44.9, bản của HT Thích Minh Châu: https://suttacentral.net/sn44.9/vi/minh_chau

bản Bhikkhu Bodhi: https://suttacentral.net/sn44.9/en/bodhi

Note #382 của Bhikkhu Bodhi: “Tam ahaṃ taṇhūpādānaṃ vadāmi. The Buddha’s statement seems to imply that a temporal gap can intervene between the death moment and reconception. Since this contradicts Theravāda orthodoxy, Spk contends that at the death moment itself the being is said to be “not yet reborn” because the rebirth-consciousness has not yet arisen.” (The Connected Discourses of the Buddha: A New Translation of the Samyutta Nikaya)

bản Bhikkhu Sujato: https://suttacentral.net/sn44.9/en/sujato

(18) Kinh DN 2: https://suttacentral.net/dn2/vi/minh_chau

(19) Kinh Bahiya: https://thuvienhoasen.org/a25130/kinh-bahiya

Bản của Bhikkhu Anandajoti: Bāhiya, you will not be here or hereafter or in between the two—just this is the end of suffering.” https://suttacentral.net/ud1.10/en/anandajoti

Bản của Ireland: then, Bahiya, you will be neither here nor beyond nor in between the two. Just this is the end of suffering." https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/ud/ud.1.10.irel.html

Bản của Thanissaro Bhikkhu: When there is no you there, you are neither here nor yonder nor between the two. https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/ud/ud.1.10.than.html

(20) Kinh Màlukyaputta Sutta: https://suttacentral.net/sn35.93/vi/minh_chau

(21) Kinh MN 144: https://suttacentral.net/mn144/vi/minh_chau

(22) Kinh AN 7.55, bản HT Thích Minh Châu: https://suttacentral.net/an7.55/vi/minh_chau

Bản Bhikkhu Sujato: https://suttacentral.net/an7.55/en/sujato

(23) Kinh Từ Bi, bản dịch HT Nhất Hạnh: https://thuvienhoasen.org/a10456/kinh-tu-bi-metta-sutta

Nhóm 19 bản Anh dịch Metta Sutta: http://www.leighb.com/mettasuttas.htm

(24) Kinh AN 9.20: https://suttacentral.net/an9.20/vi/minh_chau

.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 1507 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.157.220 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (38 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...