Câu chuyện sau đây xảy ra tại Thanh Hồ, một địa hạt thuộc quyền cai trị của Trung Hoa, giáp biên giới Tây Tạng, lúc xứ này chưa bị ngập lụt dưới làn sóng đỏ, lúc quyền tự do tín ngưỡng còn được tôn trọng. Thanh Hồ tuy thuộc địa phận Trung Quốc, nhưng khí hậu mùa đông lạnh căm căm, nếu không hấp dẫn người Hoa thì lại rất thích hợp với người Tây Tạng vốn đã quá quen thuộc với thời tiết nghiệt ngã của xứ họ. Do đó, ngoài một ít gia đình gốc Hoa lẻ tẻ, dân cư phần đông đều là người du mục Tây Tạng.
Trong số người Trung Hoa ở đấy có ông bà Trương vừa mới dọn đến. So với các gia đình Trung Hoa khác, nhà này tương đối ít người: ông bà Trương, hai cậu con trai cùng vợ con của hai người này, thế thôi. Một gia đình quê mùa, đơn giản tầm thường như trăm triệu gia đình khác.
Một hôm, bà Trương từ buổi họp chợ về, hớt hải bảo chồng:
- Ban nãy tôi đi ngang qua đền của bọn họ, thấy vị thần họ thờ sao mà khủng khiếp quá! Chắc dân này cũng phải độc địa lắm mới không chết giấc trước một ông thần như thế!
- Ông thần ấy ra sao mà trông mặt bà như người vừa mới gặp quỷ thế?
- Giời ơi! Ông mà thấy ông cũng phải chết khiếp huống chi tôi! Thần gì mà toàn những đầu với tay, lại cầm giáo cầm mác trông kinh hồn quá đi thôi!
Dĩ nhiên chưa ai giải thích cho người đàn bà chất phác ấy hiểu là dân tộc láng giềng của bà cũng là những tín đồ Phật giáo, và vị thần mà bà cho là khủng khiếp, lắm đầu lắm tay kia không ai xa lạ mà chính là đức Avalokiteshvara, tức là Quán Tự Tại Thiên Thủ Thiên Nhãn vẫn hay đến cứu độ chúng sinh khi nghe tiếng kêu cầu. Nhưng trách bà Trương cũng tội, làm sao bà không kinh ngạc được khi ở Trung Hoa, vị Bồ Tát từ bi này chỉ được thấy dưới hình thức một tiên nữ dịu dàng, hiền từ và xinh đẹp?
Suy nghĩ một lúc, bà Trương nói tiếp:
- Tôi nghĩ dân này cũng không tử tế gì đâu. Một sáng thức dậy, thấy họ đến cắt cổ chúng ta thì đừng trách sao tôi không bảo trước. Nếu họ chưa làm, là vì họ còn chờ ông thần của họ ra lệnh đấy thôi.
Nghe đến đây ông Trương phá lên cười:
- Bà bảo con Miêu nhà mình ra lệnh thì tôi còn đồng ý, chứ một bức tượng vô tri vô giác thế kia thì làm quái gì mà biết ra lệnh?
- Ấy chết! Ông nói khẽ nào! Chọc giận vị thần ấy thì khốn cả lũ đấy nhé!
- Thì tôi cũng chống mắt lên xem ông thần lắm đầu lắm tay của bà làm gì được tôi nào!
Nói xong ông bỏ ra vườn, tiếng cười chế giễu còn chưa dứt. Bà Trương cuống cuồng lên vì sợ hãi. Ông Thổ địa hiền từ thế kia mà trêu đến cũng có khi mang vạ vào thân, huống chi ông thần nghiêm khắc nọ. Làm sao để tránh tai ương đây? A phải rồi! Phải đem lễ vật đến cúng, một là xin ông thần kia tha lỗi, hai là xin ông ta che chở cho luôn để ông đừng ra lệnh cho tín đồ của ông ta đến nhiễu hại nhà mình. Thế là một công mà được những hai việc. Giải pháp này làm cho bà Trương yên chí, nhẹ nhõm, rất hài lòng chính mình.
Sáng hôm sau gà chưa gáy, bà đã trở dậy thực hiện ý định trên. Bà xuống bếp lui cui nướng một chiếc đùi heo thật lớn, mùi thơm bốc lên lừng lựng. Bà không quên kèm theo hai con gà quay vàng óng ánh và một hũ rượu Tứ Xuyên đặc biệt, chỉ để dùng vào những dịp lễ lộc lớn mới đem ra cho ông Trương nhấp vài chén chứ ngày thường không dám uống. Mặt trời vừa lú, bà cùng cô con dâu trưởng đem lễ vật đến ngôi đền vị thần nọ.
Dọn xong mấy món ăn còn bốc khói lên bàn thờ và đốt trầm hương xong, nhìn lên vị thần bà vẫn còn thấy khiếp đảm. Bà bảo con dâu quỳ xuống, rồi vừa lạy bà vừa cầu xin xá tội cho chồng.
Đúng lúc ấy, có ba vị tăng sĩ Tây Tạng bước vào điện. Nhìn cảnh tượng trên, họ không dám tin vào mắt mình. Không thể tưởng tượng rằng có người dám cả gan đem thức ăn thức uống bất tịnh đến dâng cho Bồ Tát Avalokitesvara, đấng đại từ đại bi của họ. Người tăng sĩ trẻ tuổi nhất vội quát bảo hai người đàn bà phải lập tức dọn những món dơ uế ra khỏi bàn thờ và đi ra khỏi điện ngay. Nhưng bức tường ngôn ngữ không cho phép bà Trương hiểu lý do sự tức giận của những vị tăng sĩ này.
Lúc đứng ngoài đền với những món lễ vật trên tay sau một trận xô xát hơi nặng nề, bà Trương tức giận bảo con dâu:
- Mày hiểu tại sao tao bảo có ngày họ sẽ đến cứa cổ mình chưa? Tao đã bảo mấy người này không khá mà! Mà có hiểu tại sao họ nổi giận không? Tại vì họ sợ mình được lòng ông thần kia và được ông ta che chở… Nhưng không sao, thua keo này ta bày keo khác.
Hôm sau, không biết bà Trương bày keo khác thế nào mà trên đường về nhà, bà cứ tủm tỉm cười mãi. Bao nhiêu người thế kia mà còn bị bà qua mặt, không vui sao được? Bà vui vẻ bảo con dâu:
- Đến lúc họ khám phá ra được thì ông thần đã thọ hưởng lễ vật của mình rồi! Họ có đem vứt đi thì cũng muộn rồi! Bởi vì ông thần đã ăn hết phần thịt, còn lại phần xương, họ có vứt đi thì cũng chỉ là vứt xương mà thôi!
Dĩ nhiên là bà không có mặt ở đấy để chứng kiến trận lôi đình của người Tây Tạng khi những người này tìm thấy đĩa thịt heo và thịt gà nguội trên bàn thờ, giấu kín đáo dưới tà áo của Ngài Quán Tự Tại rũ xuống bàn.
Một đêm không trăng cách đó không lâu, một toán người bịt mặt đến nhà ông bà Trương kéo họ ra ngoài, xong nổi lửa đốt sạch cả ngôi nhà, không chừa lại một thứ gì.
Hôm sau, ông bà Trương và các con lếch thếch đến cửa quan xin che chở và can thiệp, trình bày tự sự. Vị quan này biết mình hoàn toàn cô thế, toán quân trấn đồn gần nhất cũng ở cả trăm cây số ngoài cửa thành, lại chưa chắc đã dẹp loạn nổi nếu người Tây Tạng dấy lên. Ông không có cách nào hơn là làm cho người đàn bà ngu dốt kia rút đơn bãi nại. Vuốt râu, ông đập bàn khiển trách bà Trương:
- Tiên trách kỷ, hậu trách bỉ! Nếu cơ sự có xảy ra như thế thì cũng hoàn toàn lỗi tại bà! Có ai ở trên thế gian này lại dám nghĩ đến chuyện đem thịt heo, thịt gà ra cúng Quán Thế Âm Bồ Tát chưa, huống chi lại thân thành làm cử chỉ ấy như bà đã làm? Bà còn trách ai được nữa?
Nghe đến đây, bà Trương vật mình than khóc:
- Ông thần khủng… à không, uy nghi kia lại là Quán Thế Âm Bồ Tát sao? Trời ơi, thế thì tội lỗi của tôi ngập đầu! Đời đời kiếp kiếp tôi sẽ phải bị đọa dưới địa ngục A Tỳ mới đền được tội này!
Hy vọng rằng mọi người có thể khuyên giải bà Trương, giảng cho bà hiểu rằng là một đấng đại từ đại bi, đức Quán Âm không bao giờ trách phạt những người đã lầm lỗi vì dại dột, lại còn thành tâm sám hối sau đó. Kết thúc của chuyện ông bà Trương ra sao không ai rõ vì đây là một câu chuyện Tây Tạng. Nhưng biết tinh thần đoàn kết của người Trung Hoa, ta không phải lo sợ cho họ.
Trong khi ấy Quán Tự Tại Bồ Tát không bằng lòng thật. Nhưng nếu khiển trách, thì kẻ bị Ngài khiển trách không phải là bà Trương.
Mùa đông năm ấy, trời lạnh một cách bất thường, lạnh gấp bội phần mọi năm. Người Tây Tạng ở Thanh Hồ phải làm việc đầu tắt mặt tối mới có đủ ăn. Họ không có phương tiện nào để cúng dường chư tăng như trước nữa. Những người đi lễ bái thưa dần rồi bặt hẳn. Tu viện không sưởi ấm được, tất cả đều trở nên băng giá. Không còn sống được, ba vị tăng sĩ đành dứt ruột mà ra đi. Phần lạnh, phần đói vì mấy ngày không có gì ăn uống, họ lang thang thất thểu trong mưa tuyết, không biết ngày mai số phận sẽ ra sao. Thế rồi mệt lả, không bước nổi nữa, họ ngồi xuống niệm Phật, tin rằng giờ cuối cùng của mình đã điểm. Trong giây phút tuyệt vọng ấy, may sao có một người du mục đi ngang, thấy tình trạng các Thầy như thế, bèn thỉnh về lều của mình. Có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, người này cúng dường các Thầy cho đến khi chính mình kiệt quệ không còn gì để ăn nữa. Thấy mình trở thành gánh nặng, ba vị tăng sĩ đành phải rời bỏ căn lều nhỏ bé, tuy nghèo nàn nhưng muôn phần êm ấm so với cảnh tượng ảm đạm, thê lương bên ngoài. Cứ thế trong ba tháng mùa đông, ba vị tăng sĩ Tây Tạng kia đã phải sống lây lất từ nơi này sang chốn khác, bữa no bữa đói, vất vả khôn cùng. Mọi người cư xử không bao giờ kém phần cung kính, nhưng phần cúng dường hậu hĩ thì không còn nữa!
⁂
Mùa Xuân ló dạng, vạn vật như chuyển mình. Lúc tia mặt trời ấm áp thứ nhất vừa chiếu xuống làm tan băng tuyết, ba vị tăng sĩ vội trở về tu viện quét dọn, sửa soạn cho buổi lễ cầu nguyện đầu năm. Tu viện vừa bớt vẻ hoang lạnh tiêu điều, vị tăng sĩ lớn tuổi nhất bèn ra lệnh cử hành một buổi đại sám hối, biết rằng nghiệp quả nặng nề vừa qua không phải tự nhiên mà đến.
Trong các lễ nghi Tây Tạng, phần quán tưởng chiếm phần quan trọng nhất. Họ quán tưởng (visualize) tội lỗi của mình dưới hình thức một dòng nước đen ngòm, cuồn cuộn từ người họ tuôn thẳng xuống miệng một đoàn quân ma quái đang chực sẵn. Sau đó họ cảm thấy thanh tịnh hẳn, người lâng lâng, nhẹ nhàng. Tiếng tụng kinh khe khẽ kéo dài cho đến quá nửa đêm.
Bỗng như có một sự kiện gì kỳ lạ làm ba người ngẩng đầu lên đồng loạt nhìn nhau. Tất cả các cửa đền đều đã đóng kín, mà sao như có một luồng gió nhẹ thổi vào làm cho tà áo Ngài Quan Âm phất phới bay. Đồng thời một làn hương ngọt ngào tỏa ra thơm cả điện. Và những vật cụ từ ngàn cánh tay Ngài Quán Âm như khua vào nhau, phát ra một âm thanh kim khí rất êm tai. Ánh hào quang từ người Ngài phát ra nhè nhẹ sáng, rồi sáng dần, sáng dần cho đến lúc chói lòa, mắt trần không nhìn được. Ngực áo của Ngài lên xuống theo nhịp thở đều đặn, trầm tĩnh.
Không ai bảo ai, ba vị sư vội vàng sụp xuống lạy. Dĩ nhiên, lòng ái kính của họ đối với Ngài Quán Tự Tại vô bờ bến, nhưng kính thương Ngài là một chuyện, mà được thực sự chứng kiến Ngài giáng thế lại là một chuyện khác, làm cho họ sợ lạnh toát cả người hơn là vui mừng! Một giọng nói thánh thót vang lên, như tiếng chuông bạc:
- Hình phạt của ta đến hôm nay là chấm dứt. Dĩ nhiên ta đã nương tay và hình phạt ấy còn rất nhẹ đối với tội lỗi của các ông, nhưng ta hy vọng rằng các ông sẽ không quên.
Ba vị tăng tiếp tục lạy, lòng kinh hãi. Mãi một lúc sau, vị tăng lớn tuổi nhất mới run run bạch:
- Bạch Quán Thế Âm Bồ Tát, xin Ngài thương xót chỉ dạy cho chúng con đã làm nên tội lỗi gì, chúng con hãy còn mê muội nên chưa được rõ. Chúng con nghiệm thấy rằng chưa bao giờ dám sai quấy hay thiếu sót trong việc tế lễ Ngài…
Giọng kim ngân lại nổi lên, dịu dàng nhưng nghiêm nghị:
- Ta nào có phạt các ông vì các ông đã thiếu sót trong việc tế lễ? Nhưng các ông đã quên lời nguyện rồi ư? Đã tu đạo Từ Bi thì phải lấy từ bi làm gốc. Các ông đã nguyện thương yêu mọi loài chúng sinh như con ruột rồi mà? Nhưng vì các ông mà một gia đình dân quê Trung Hoa đã phải lưu lạc không nhà không cửa trong mùa đông vừa qua. Mà họ đã làm nên tội lỗi gì? Họ chỉ làm những gì mà họ cho là phải, là đúng, chứ có làm với ý định xúc phạm đến ta đâu?
- Bạch Quán Thế Âm Bồ Tát, chúng con đã khiển trách nặng nề những tội phạm…
- Nhưng theo ý các ông, tại sao mấy người ấy lại có những hành vi độc ác đến thế? Ai là người đã loan tin ra ngoài rằng người đàn bà nọ đã xúc phạm đến ta? Muôn sự đều do các ông, các ông là những nhà lãnh đạo tôn giáo, các ông phải có trách nhiệm hướng dẫn người dân chứ, phải thế không? Các ông đừng quên lời ta dặn, đã tu đạo từ bi thì phải lấy từ bi làm gốc cho mọi hành động, lời nói và ý nghĩ của mình.
Ánh hào quang mờ dần. Tiếng kim khí cũng tắt dần. Bầu không khí tịch lặng trở lại bao phủ lấy tu viện. Ba vĩ tăng vẫn tiếp tục lạy không dám ngừng nghỉ. Nhưng nỗi kinh hoàng ban nãy đã thay vào đó là một nỗi mừng vui vô biên.
Từ đấy về sau, ba vị tăng sĩ ở ngôi đền vùng Thanh Hồ nổi tiếng khắp nơi vì lòng từ bi lân mẫn và phong độ siêu thoát của họ.
Trích từ cuốn Compassionate Yoga, the mysterious cult of Guan Yin của John Blofeld.Giao Trinh dịch.