3 giờ chiều đoàn về nghỉ chân tại Thị trấn Đồng Văn - Hà Giang. Không như những ngày qua, về đến khách sạn đã hơn 9 giờ tối, ăn uống, tắm rửa vội vã để ngả lưng lấy sức cho hôm sau tiếp tục. Hôm nay, đoàn được thoải mái hơn.
Cô Chung luôn nhanh nhẹn sốt sắng, tác phong của người từng được quân đội rèn luyện. Sau khi nhận phòng, cô là người xuống sớm nhất để tìm tiệm ăn, mượn chỗ nấu chay, nhanh và gọn, chẳng phải chờ lâu, món rau rừng luộc, rau muống xào tỏi, nước rau luộc, cà pháo dầm muối, đậu phụ chiên, luộc cho bữa ăn tối... đã dọn lên bàn kịp lúc gia đình BS Minh Duy có mặt. Hình như mấy ngày qua, hôm nay có bữa cơm ngon và đầy đủ nhất; bên kia bàn là Thông, Cún, cô Hoa và cô Hằng thoải mái chọn thực phẩm địa phương. Thông ăn rất ít, có những ngày nhịn từ sáng đến chiều mà tay lái vẫn nhuyễn, cà phê luôn đồng hành với "bác tài trẻ" có tánh hài hước. Ngồi ngang với Thông là cô Chung và cô Hoa, nhờ thế mà cuộc "tếu" luôn góp phần sinh động suốt núi đồi không mệt mỏi.
Qua một đêm mưa rả rích, một loại mưa núi có một cảm giác lạ lùng; tuy trong phòng khách sạn mà vẻ u uẩn cứ lẩn khuất đâu đây, tạo cảm giác bồng bềnh xa cách với thế giới hiện thực. Hà Giang vẫn còn mang vóc dáng trầm lặng, uy nghi của những dãy núi đá mõm nhọn. Trong sương mờ, phố phường âm thầm lặng lẽ mà ai đó không đủ can đảm làm tan vỡ không gian u tịch. Những gánh hàng rong, chiếc xe ba bánh đẩy hàng ra chợ sớm, xe máy nổ dè chừng, khiêm tốn băng qua thị trấn một cách ngại ngùng. Nước từ núi cao, hòa lẫn nước cư dân thải ra, róc rách lách qua từng khối đá, chui qua gầm cầu mang vẻ giận dữ trước khi xuôi về vùng thấp. Những loại khách như đoàn từ thiện cần dậy sớm, có lẽ khách du lịch vẫn còn đắm chìm trong giấc mộng được phủ bởi chăn êm nệm ấm, trong khi dân lao động địa phương phủ người bằng tấm ni lông hoặc áo đi mưa mỏng lủi thủi cất bước.
****
8 giờ sáng, đoàn đến cột cờ Lũng Cú. Lũng Cú là một xã trong huyện Đồng Văn, nơi mà hyền thoại về cuộc dừng chân của đoàn quân vua Quang Trung trước khi Bắc tiến và sau khi đuổi quân xâm lược, Hoàng đế Quang Trung chọn Lũng Cú là điểm phân chia ranh giới. Một trong bốn điểm cực Bắc của đất nước, nơi đây, vua Quang Trung cho đặt một trống đồng dùng báo lệnh nơi vùng tiền tiêu lúc bấy giờ, nhờ thế mà người dân nơi đây đã thành thạo sử dụng trống đồng Đông Sơn. Từ Đồng Văn đến Lũng Cú 40km, cách tỉnh Hà Giang 200km; trên độ cao 1800m so với mực nước biển; đứng từ cột cờ nhìn thấy biên giới Trung quốc cách một đỉnh núi không xa theo đường chim bay; tuy màu xanh bạt ngàn, nhưng thực ra toàn đá với đá, được mệnh danh cao nguyên đá Đồng văn; đá chiếm 3/4 diện tích. Cột cờ nằm trên đỉnh núi rồng (Long sơn). Nét phù điêu "trống đồng" Đông Sơn; đỉnh cột cờ màu đỏ hình sao năm cánh phản chiếu xuống mặt hồ Lô Lô xanh ngọc.
Xã Lũng Cú có tổng diện tích tự nhiên là 3.460 ha với chín thôn, bản, đó là: Lô Lô Chải, Séo Lủng, Tả Giá Khâu, Cẳn Tằng, Thèn Ván, Thèn Pả, Sì Mần Khan, Sán Chồ, Sán Sà Phìn và có đường biên giới tiếp giáp với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hơn 16 km. Thôn Séo Lủng thuộc phần đất thượng cùng cực bắc với bên trái là thung lũng Thèn Ván sâu thăm thẳm, bên phải là dòng sông Nho Quế, dòng sông bắt nguồn từ Mù Cảng, Vân Nam, Trung Quốc đổ về Ðồng Văn, Mèo Vạc, Hà Giang. (wikipedia).
Đoạn đường xe lên cột cờ, đang nhóm chợ nên đoàn phải vòng qua khuôn viên trường, từ đó, xe ôm đưa lên và về 30.000 mỗi đầu người; nhờ khách du lịch, đã tạo công ăn việc làm cho cư dân địa phương. Băng qua khu đất không rộng lắm, đường lên cột cờ bằng nhũng bậc thang cấp có tay vịn bằng inox. Trên cao nhìn xuống, núi rừng trùng trùng điệp điệp, hồ nước quanh năm soi bóng mây trời và cột cờ, xa tít là những hình cong cớn uốn lượn theo sườn núi uyển chuyển của ruộng bậc thang. Gió phần phật lá cờ như xác định sự hiện diện mảnh đất thiêng của tổ quốc thi gan cùng tuế nguyệt.
Dưới chân núi cách cột cờ chưa tới trăm mét, công trường đục đá ngổn ngang những tảng đá để chà láng cung ứng cho công nghệ sản xuất đá phong thủy. Đây là việc làm vô tình hay cố ý đe dọa đến sự tồn vong của cột cờ lịch sử biểu hiện cho linh hồn một dân tộc anh dũng đối diện với tham vọng từ phương Bắc? Chính quyền địa phương có thấy sự đe dọa trong tương lai không xa lắm, chỉ cần mươi trận mưa cuồng phong thì cột cờ sẽ đổ ngã. Nếu ai đó có dã tâm triệt hạ cột cờ, chỉ cần bỏ tiền thuê người xẻ núi lấy đá thọc sâu vào chân cột cờ, kẻ xâm lược không cần ra tay triệt hạ bằng vũ lực. Hiện tượng được báo động chưa muộn lắm, cần kêu gọi chính quyền địa phương có ý thức ngăn chận. Dĩ nhiên không một công ty khai thác đá nào tự ý hành động mà không thông qua chính quyền địa phương. Du khách rất quan tâm khi hãnh diện biểu tượng tuyến đầu tổ quốc đang còn hiện diện.
****
21 giờ cùng ngày, đoàn đến huyện Xín Mần, thị trấn Cốc Pài, thuộc huyện Hoàng Su Phì; từ huyện này đến huyện kia trên dưới 300km đường núi, dốc quanh co hiểm trở. Hầu hết đèo dốc miền núi, đối diện vách đá là hố sâu thăm thẳm. Xe chạy vòng quanh chân núi lên dần đến đỉnh, rồi uốn lượn xuống sườn để chuyển qua đỉnh núi khác. Tay lái lụa cứ thao tác như vũ điệu "ba lê", điều khiển bốn bánh bám sát từng cung đường núi đá. Đồng Văn - Mèo Vạc - Xín Mần là ba điểm khó khăn, nguy hiểm nhất của tỉnh Hà Giang.
Xín Mần ở phía Tây Bắc tỉnh Hà Giang. Phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà và Bảo Yên của tỉnh Lào Cai, phía Đông giáp Hoàng Su Phì, phía Nam giáp Bắc Quang của Hà Giang. Xín Mần hiện là nơi sinh sống của các dân tộc như Nùng, H’Mông, Tày, Dao, Kinh, La Chí, Phù Lá, Hoa, Cao Lan . (wikipedia)
22/7/2017 (CÒN TIẾP)