Gặp quyển sách hay nên mua ngay, dù đọc được hay không, vì sớm muộn gì ta cũng sẽ cần đến nó.Winston Churchill
Người khôn ngoan học được nhiều hơn từ một câu hỏi ngốc nghếch so với những gì kẻ ngốc nghếch học được từ một câu trả lời khôn ngoan. (A wise man can learn more from a foolish question than a fool can learn from a wise answer.)Bruce Lee
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Hãy cống hiến cho cuộc đời những gì tốt nhất bạn có và điều tốt nhất sẽ đến với bạn. (Give the world the best you have, and the best will come to you. )Madeline Bridge
Hãy đặt hết tâm ý vào ngay cả những việc làm nhỏ nhặt nhất của bạn. Đó là bí quyết để thành công. (Put your heart, mind, and soul into even your smallest acts. This is the secret of success.)Swami Sivananda
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Hạnh phúc không phải là điều có sẵn. Hạnh phúc đến từ chính những hành vi của bạn. (Happiness is not something ready made. It comes from your own actions.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người duy nhất mà bạn nên cố gắng vượt qua chính là bản thân bạn của ngày hôm qua. (The only person you should try to be better than is the person you were yesterday.)Khuyết danh
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tùy bút Lưu An »» Hà Nội và hai người bạn thủa ấu thơ »»

Tùy bút Lưu An
»» Hà Nội và hai người bạn thủa ấu thơ

Donate

(Lượt xem: 6.109)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Hà Nội và hai người bạn thủa ấu thơ

Font chữ:

Vài lời dẫn truyện

Có lẽ một trong những sự may mắn của cuộc đời tôi đó là tôi có được những người bạn tâm giao rất thân thiết. Sự giao tiếp tốt đẹp không chỉ nối kéo giữa chúng tôi với nhau mà còn tạo ra những thân thiết của gia đình tôi và gia đình họ nữa. Thật vậy nhờ tình thân, lòng tin tưởng của chúng tôi đã làm cho gia đình hai bên quen biết và mến trọng nhau. Đặc biệt họ hiểu hoàn cảnh nghèo túng của tôi mà nhiều gia đình của bạn đã bao nhiêu năm tháng cưu mang, cho tôi những nơi chốn để tôi có chỗ học hành hay cung ứng cho tôi những bữa cơm hay những món ăn khi tôi đói, với tôi đó là những món ăn “vương giả”, bởi vì với hoàn cảnh nghèo túng, làm sao tôi có thể có được những món ăn đó nếu không có gia đình họ thương mến mà cho ăn?!

Tuy nhiên có một điều rất đáng ghi nhận đó là những người bạn tuyệt vời, thân thiết mà tôi có được gần như hầu hết ở trong thời kỳ gia đình tôi còn nghèo túng tại Việt Nam, thời gian trước năm 1975. Thời gian sau này, khi tôi và gia đình khấm khá hơn, nhất là thời gian khi tôi đi làm, tiếp theo là thời gian được tu nghiệp tại Nhật bản rồi sang Thuỵ sĩ định cư… cuộc sống của tôi và gia đình tôi đã có phần nào thăng hoa, khấm khá thì tôi không còn dịp hay rất hiếm có được những người bạn thân thiết, tâm giao nữa!

Đôi lần trong lúc suy tư, tưởng nhớ về những người bạn thân thiết xa xưa của mình, tôi tự hỏi, phải chăng những lúc rơi vào hoàn cảnh nghèo túng hay bấp bênh trong cuộc sống, con người ta mới tìm đến gần nhau, thương mến, giúp đỡ nhau, nhờ đó sự thân thiết của tình bạn phát triển. Nhưng khi ai ai cũng có cuộc sống dư dả, thừa thãi về vật chất, không còn những lo lắng với thiếu thốn hay chết chóc vì chiến tranh nữa… người ta quên đi những thiệt thòi, bất hạnh của thời xa xưa, để rồi mạnh ai nấy sống và dần dần trái tim trở nên khô cứng vô cảm. Cũng có thể khi đã có cuộc sống an bình người ta không muốn liên hệ với ai để phải bực bội hay chia sẻ nềm vui, an bình mà người ta đang sở hữu… Lúc đó tình bạn thân thương, chia đắng, sẻ bùi chỉ còn là loại tình cảm dư thừa, không cần thiết.

Trong bài viết này, tôi viết về 2 người bạn thời ấu thơ của tôi, thời mà gia đình tôi còn ngụp lặn với nghèo đói tại Hà Nội. Một người bạn trai, lớn hơn tôi vài tuổi, anh ta đã dẫn dắt tôi đi khắp phố phường Hà Nội, dạy cho tôi những ma mãnh của đứa trẻ lang thang kiếm sống. Nhưng dù anh ta xấu tốt thế nào tôi không muốn xét đoán (dù có muốn nhưng với lứa tuổi lên 5, lên 6, làm sao tôi có đủ trí khôn mà phân biệt tốt xấu nhỉ?), nhưng tôi biết chắc chắn anh ta là một người bạn rất tốt với tôi. Lòng tốt của anh ta đã ghi một dấu ấn của tình bạn rất đậm vào tình thân thương trong ký ức tôi về một người bạn thủa ấu thơ mà tôi không bao giờ quên.

Người bạn thứ hai, một cô gái, lớn hơn tôi một tuổi có hoàn cảnh gia đình khá giả hơn tôi rất nhiều. Chúng tôi đã quen biết, chơi đùa với nhau giống như hàng triệu đứa trẻ khác, sống gần nhau mà tình thân tự nhiên sinh ra trong thế giới trẻ thơ vô tư, không ngăn cách giàu nghèo, sang hèn. Cô đã dạy và dẫn tôi vào đức tin của đạo Công giáo trong tâm hồn rất vô tư của tuổi ngây thơ. Thời gian quen biết chơi đùa với nhau đó, cô ấy đã bao nhiêu lần cho tôi những chiếc bánh, cái kẹo… những món quà bé nhỏ nhưng với tôi ngày đó là những phẩm vật trong ước mơ. Với tôi cô cũng là một người bạn rất tốt và mãi mãi không quên của tôi, một người bạn ghi đầy dấu ấn rất sâu đậm trong tuổi ấu thơ đầy nhem nhuốc của tôi tại Hà Nội.

Bài viết này là một sản phẩm của ký ức mà tôi muốn làm một món quà tặng dành riêng cho 2 người bạn thủa ấu thơ của tôi tại Hà Nội của gần 70 năm xưa cũ, ngày mà tôi còn là đứa trẻ lên 5, lên 6 tuổi, tâm hồn còn trong trắng tuổi ấu thơ nhưng hình như vẫn nhìn họ là những người bạn mà tôi mãi mãi không muốn quên.


Vào truyện

Trận đói kinh hoàng năm Ất Dậu 1945 xảy ra tại miền Bắc VN đi qua được khoảng nửa năm thì tôi được sinh ra. Quê tôi là một làng quê nghèo dọc theo hữu ngạn sông Hồng, thuộc phủ Xuân Trường, tỉnh Nam định. Trong 4 năm tuổi đầu đời, tôi hoàn toàn không nhớ gì về những khốn khổ đã xảy ra cho gia đình tôi, khoảng thời gian nền chính trị của Việt Nam rất phức tạp đó. Nhưng qua lời kể lại từ bố mẹ đã cho tôi hình dung ra được phần nào những tang thương, đói khổ vì chiến tranh và thiên tai như bão lũ, vỡ đê… mà phần lớn người dân miền Bắc, nhất là ở những vùng thôn quê hay cao nguyên phải lãnh chịu.

Không chỉ khốn khổ với thiên nhiên tàn phá, mà dân làng của tôi còn bị đày đọa với những đoàn lính Lê Dương của quân đội Pháp, từ các xứ thuộc địa bên Phi châu sang. Lũ quân mọi rợ, tàn bạo này không có gì là chúng không dám làm, giết người cướp của, hãm hiếp đàn bà con gái trong những khu vực mà chúng đi qua.

Bố mẹ tôi cho biết, thời đó người dân dù có muốn bám lấy ruộng vườn, nơi ông cha mình đã nhiều đời sinh sống, lập nghiệp cũng không được. Nhưng bỏ làng ra đi, tìm nơi khác yên ổn hơn để kiếm kế sinh nhai cũng không phải dễ dàng nếu không có người quen, thân thích đã sống ở đó giúp đỡ. Nhất là những ngày đầu tiên còn ngờ nghệch thì chuyện định cư lâu dài được xem như không dễ!

Trong những năm tôi còn ẵm bế trên tay đó, bố mẹ tôi đã bao nhiêu lần bỏ làng đi lánh nạn, khi thì lên tỉnh thị Nam Định, lúc thì đến Hà Nội… Ăn nhờ ở đậu vài ba người họ hàng, nhưng thấy họ cũng chẳng khá gì hơn, cũng phải chui rúc vào những xó xỉnh nào đó trong thành phố. Buổi sáng khi mặt trời chưa mọc đã chia nhau đi làm đủ mọi việc ở bến cảng, nhà ga xe lửa để kiếm sống. Với tình trạng như vậy, gia đình tôi cũng chỉ dám làm phiền một vài ngày hay quá lắm một tuần lễ cho qua cơn hoạn nạn, rồi nghe ngóng tình hình, thấy có tí yên ổn lại dắt díu nhau trở về làng. Được vài ba tháng hay nửa năm, bom đạn, chém giết, thiên tai… lại đến và lại bồng bế ra đi. Cứ thế suốt khoảng 4-5 năm đầu đời của tôi toàn là chạy loạn.

Từ năm 1951, dù chỉ mới 5 tuổi nhưng ký ức tôi đã hằn sâu biết bao nhiêu cảnh tượng kinh hoàng của thời loạn ly đó. Những lần anh em chúng tôi đang chơi đùa hay đang ăn dở bữa cơm, nghe thấy tiếng máy bay hay người làng hô hoán… Bố mẹ vội vàng ôm lấy chúng tôi nhảy vội vào đường hầm chữ chi lõm bõm nước mưa tránh bom phía sau nhà. Trên trời chiếc máy bay gầm rú thả bom hay bắn phá.

Buổi tối, dưới ánh trăng mù mờ trên sân phơi thóc, hàng chục người rên la, đau đớn, thân mình cháy đen vì bom Napal. Món thuốc chữa phỏng duy nhất cho nạn nhân là mỡ bò, mỡ lợn.

Tôi còn nhớ, những lần chạy loạn, bố tôi một tay vác bao quần áo, vài dụng cụ linh tinh, tay kia nắm lấy tôi, Mẹ thì gánh hai cái thúng, mỗi thúng một đứa em, nối theo đoàn người chạy loạn trên những con đường đê hay bờ ruộng. Xa xa phía sau những cột khói đen lan toả trên bầu trời mang theo mùi cháy khét của bom đạn. Trong những cuộc tản cư, chạy loạn đó, lúc thì đi bộ, lúc thì đi xe bò kéo, lúc thì đi thuyền. Hình ảnh những xác chết vô thừa nhận ung rữa theo bờ ruộng hay bập bềnh trong giòng sông, mương rạch… mãi mãi khắc sâu vào ký ức kinh hoàng tuổi ấu thơ của tôi trong những lần chạy loạn đó.

Đến khoảng cuối năm 1951, thiên tai, loạn lạc đã làm cho cuộc sống gia đình tôi đến mức kiệt quệ, không thể nào tiếp nối những cuộc tản cư “du mục” được nữa. Cứ ra đi rồi lại trở về, rồi lại ra đi, ruộng vườn bỏ hoang, làm sao mà sống? Bố mẹ tôi và một gia đình người cùng làng quyết định lên Hà Nội, nương tựa vào nhau để sống và tìm cách định cư tại đó. Tôi còn nhớ rõ căn nhà ọp ẹp đầu tiên, gia đình tôi gồm 5 người và gia đình người đồng hương có 2 đứa con khoảng 3, 4 tuổi, cùng thuê trong một ngóc ngách nghèo nàn, nhầy nhụa rác rưởi trong khu phố Hàng Bột, Hà Nội. Căn nhà trống hoác, đúng nghĩa một chòi lá, diện tích không quá 15, 16 mét vuông dành cho 9 người sinh sống. Một tấm liếp ngăn ở giữa chia ra làm 2 phòng dành cho hai gia đình, mọi người tự vun vén mà sống với nhau. Phía sau nhà, một chái nhỏ hớ hênh dùng cho việc bếp núc và tắm rửa, vệ sinh cá nhân thì ra bãi rác gần nhà mà giải quyết.

Hằng ngày, gà chưa gáy hai bà mẹ đã thức dậy nấu nướng sơ sài bữa cơm “độn ngô khoai” cho mọi người dằn bụng trước khi bốn người lớn chia nhau đi làm kiếm sống. Công việc thì bất định, lúc thì lên chợ Đồng Xuân, khi thì đến nhà ga xe lửa… làm bất cứ việc gì miễn là kiếm được tiền chu cấp cho việc ăn uống của hai gia đình. Còn lũ trẻ con chúng tôi thì loanh quanh chơi đùa trong xóm. Đến trưa người lớn thu xếp chạy vội về nhà lo cho bữa cơm trưa đơn sơ, có gì ăn nấy rồi lại ra đi cho đến tối mịt mới trở về nhà.

Chúng tôi sống như vậy được khoảng nửa năm, đúng lúc có phong trào nhập ngũ tuyển quân để thành lập quân đội Việt Nam do Pháp và Mỹ giúp đỡ. Nhờ sự dẫn dắt của một người quen biết với một ông quan Năm (đại tá?) trong quân đội Pháp, bố tôi và vài người cùng làng gia nhập vào quân đội Việt Nam. Ông quan Năm kéo bố tôi cùng vài người lính khác về làm lính hầu cho gia đình trong một căn biệt thự to lớn tại Hà Nội. Đó là điểm mốc khởi đầu cuộc sống mới, tạm gọi là an định của gia đình tôi tại Hà Nội. Một gia đình gốc nông dân tay lấm chân bùn chỉ vì sự thúc ép của thời cuộc, phải rời xa ruộng vườn, bước vào một dạng sinh nhai mới của kiếp tôi tớ tại thành phố, nơi mà chúng tôi chẳng có gì ngoài sức lao động và sự nhẫn nhịn để vươn lên.

Gia đình tôi cùng với khoảng 5, 6 gia đình cùng khổ khác đến từ các vùng quê loạn lạc của miền Bắc chen chúc nhau trong một dãy nhà dành cho tôi tớ ở góc vườn phía sau căn biệt thự đồ sộ hai tầng của gia đình ông quan Năm. Cuộc sống tạm gọi là yên định vì có đồng lương hằng tháng của quân đội, dù bố và cả mẹ tôi cũng phải è lưng ra làm việc không kể ngày đêm trong vị trí của kẻ tôi tớ. Ngoài việc hầu hạ cho gia đình chủ nhân còn phải phục dịch cho những buổi tiệc tùng, khiêu vũ linh đình, khách mời là những ông Đốc, bà Tham, quan Tây, quan Việt… trong quân đội Pháp và Việt Nam mới thành lập.

Chúng tôi thực sự định cư tại Hà Nội từ đó! Với khoảng 4 năm trước khi di cư vào Nam (1954), dù đã bước vào tuổi đi học nhưng tôi vẫn hoàn toàn xa lạ với trường lớp. Hằng ngày tôi cũng như những đứa trẻ khác trong dãy nhà tự tìm lấy nguồn vui để chơi đùa với nhau, trong khi cha mẹ phải lo toan những công việc không có giới hạn thời gian cho chủ nhân. Trong khoảng thời gian đó tôi đã có hai người bạn đầu tiên trong đời. Cũng giống như tất cả sự quen biết, gần gũi nhau của những đứa trẻ khác, chúng tôi sống gần nhau, hằng ngày chơi đùa với nhau rồi dần dần trở nên thân thiết. Hai người bạn này đã khắc sâu vào trí nhớ tôi những dấu ấn rất đậm vì cá tính của họ cũng như những biến chuyển cuộc đời họ khi trưởng thành mà người ta gọi là định mệnh. Bài viết này như một sự hoài nhớ của tôi dành cho họ và cũng muốn nói lên một trong hàng trăm, hàng ngàn dạng thức bi thương của cuộc sống trong một nước Viêt nam đói nghèo và trầy trụa với chiến tranh ngày đó…

Hiền, người bạn thứ nhất

Hiền, tên người bạn, anh ta hơn tôi 2 tuổi, con trai lớn của ông Quế, người Hà Nam, một tỉnh nhỏ, nghèo, phía nam sát cạnh Hà Nội. Cũng vì loạn ly, gia đình ông Quế phiêu bạt lên Hà Nội từ năm 1950, rồi cũng vì thời cuộc đưa đẩy, ông Quế cùng nhập ngũ với Bố tôi, làm lính hầu cho ông quan Năm và cùng sống trong dãy nhà phía sau của căn biệt thự. Hiền có cô em gái tên Yến kém tôi 2 tuổi. Mẹ tôi cho biết trước khi lên Hà Nội bà Quế có bầu đứa con thứ 3, trong một lần chạy loạn bị tai nạn đường thủy sẩy thai và từ đó bà Quế mất khả năng sinh sản.

Trong gần 4 năm trời tại Hà Nội, tôi và Hiền rất thân thiết nhau, gần như hằng ngày tôi đều theo Hiền đi chơi. Có lẽ vì gia đình Hiền sống gần và thường lên Hà Nội kiếm sống nên Hiền biết khá nhiều về đường phố, lối sống con người của Hà Nội. Chính cũng vì theo Hiền lang thang trong suốt khoảng thời gian ở Hà Nội, trước khi di cư vào Nam, tôi đã biết một phần nào của Hà Nội. Những địa danh nổi tiếng trong khu phố cổ Hà Nội, với những căn nhà nhỏ bé chen chúc xếp cạnh nhau như tổ chim bồ câu, hồ Hoàn Kiếm, tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, Tháp Bút, chợ Đồng xuân, nhà thờ Lớn, Bưu điện v.v.. (quận Hoàn Kiếm ngày nay) là những nơi, gần như hằng ngày tôi theo Hiền lê lết tại đó như những đứa trẻ không nhà.

Không xa khu phố cổ, một khu vực thoáng mát, đường xá rộng rãi, xanh mướt với những hàng cây me, cây sấu to lớn trồng dọc lề đường, đây là khu sang trọng nhất của Hà Nội với những dinh thự to lớn dành cho những người Việt hay Pháp có danh vọng trong xã hội sinh sống (quận Ba Đình ngày nay). Nơi đây, dù không ồn ào, vui thú như khu phố cổ nhưng thỉnh thoảng Hiền cũng dẫn tôi đến đó lang thang. Nhờ vậy tôi cũng biết tí chút về chùa Một Cột, Văn Miếu Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc, một trong vài ngôi chùa cổ xưa nhất Việt Nam tọa lạc trên một khu đất nằm cạnh con đường Cổ Ngư râm mát đẹp đẽ, con đường chia cách hồ Trúc Bạch với hồ Tây…

Hiền cũng dẫn tôi đến phố Khâm Thiên, nơi chốn ăn chơi trác táng của Hà Nội, ngày đó người ta gọi là phố Cô Đầu. Tại đây có những nhà hàng khiêu vũ, cờ bạc, đĩ điếm hay hút thuốc phiện… Chung quanh của khu phố bệnh hoạn này là những khu sình lầy hay khu đổ rác của thành phố. Cư dân tại đây từ tứ xứ di cư đến Hà Nội kiếm ăn hay tỵ nạn chiến tranh. Hàng Bột, nơi gia đình tôi cư ngụ lúc mới trôi giạt lên Hà Nội, cũng thuộc vào khu khốn khổ, tối tăm này.

Trong khoảng 4 năm gần gũi, lang thang hằng ngày tại Hà Nội với người bạn đầu đời rất khôn ngoan và lanh lợi đó, tôi đã có biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn khắc sâu vào ký ức, có lẽ cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt tôi cũng không bao giờ quên được anh ta.

Nhiều lần hai chúng tôi chán câu cá dưới bóng mát của những khóm liễu rũ bên cạnh hồ Hoàn Kiếm, Hiền dẫn tôi lang thang dọc theo bờ hồ, hai đứa chỉ trỏ đếm những cặp tình nhân, Tây cũng như ta, thân thiết bên nhau đi dạo bên cạnh bờ hồ. Đôi lần, Hiền bảo tôi đứng đợi còn Hiền lăng quăng đến gần những cặp tình nhân đang ngồi hóng mát trên những ghế đá hay đang đi dạo… Nói gì đó với họ, tôi hoàn toàn không biết. Nhưng một lúc sau Hiền trở lại, mang cho tôi một vài miếng kẹo kéo hay một gói bắp rang. Có chút ngạc nhiên, tôi hỏi nhưng không bao giờ có câu trả lời rõ ràng mà Hiền chỉ cười, ra dấu giục tôi ăn đi.

Có một lần, vào ngày chủ nhật, trời đã xâm xẩm tối, chúng tôi đến phố Khâm Thiên, đúng lúc băng qua đường thì một chiếc xích lô chở một “ông Tây” đâm sầm vào, làm tôi và Hiền ngã. Trong lúc tôi đau đớn, nằm lăn trên đường nhựa, Hiền đã lồm cồm đứng bật dậy, chỉ tay vào người phu xích lô với vẻ giận dữ trách mắng ông ta, rồi quay sang ông Tây, Hiền làm ra vẻ đau đớn , khoa tay ra hiệu và nói gì đó với ông ta… Thành thật tôi chẳng biết Hiền nói cái gì và có phải là tiếng Tây hay không? Nhưng ông Tây quay nhìn người phu xích lô ra vẻ bực tức, giơ tay lên tát một cái khá mạnh vào mặt anh ta rồi vẫy tay ra vẻ xua đuổi anh ta. Người phu xích lô sợ hãi, vội vàng lên xe và đạp nhanh như trốn chạy, không dám đòi tiền xe. Ông Tây nhìn chúng tôi, đưa tay vỗ nhẹ lên đầu hai chúng tôi ra vẻ an ủi rồi móc túi đưa cho Hiền tờ giấy bạc. Không một tí lưỡng lự, rất nhanh Hiền cầm lấy tờ giấy bạc, quay ra nói câu gì đó (tôi cũng chẳng biết Hiền nói tiếng Tây hay tiếng Việt?) với ông Tây, rồi kéo tay tôi đi thẳng. Ngày hôm đó, dù trời đã tối, thay vì phải về nhà để ăn bữa tối như mọi ngày, chúng tôi đã có những món ăn vặt no nê từ những quán trên lề đường nhờ đồng bạc mà Hiền đóng kịch thành công.

Một vài lần khác cũng trong phố Khâm Thiên, Hiền dẫn tôi đến những căn nhà có cơ sở nhảy đầm. Hiền bảo tôi đứng nép vào bên cửa, rồi bỏ tôi đi đâu đó. Tôi nhìn vào bên trong, vài hàng ghế kê sát vách trong căn sảnh khá rộng có những cô vũ nữ diêm dúa ngồi chờ khách. Thỉnh thoảng vài người đàn ông tây cũng có, ta cũng có, đến gần hàng ghế, chỉ vào cô nào, cô gái đó đứng dậy và theo ông khách ra sàn nhảy. Tôi có cảm tưởng Hiền khá quen biết nơi đó, thỉnh thoảng có cô vũ nữ hay người đàn ông (chắc là người làm của vũ trường?) gọi Hiền đến gần và sai bảo làm việc gì đó cho họ v.v... ngày hôm đó tôi lại được Hiền cho ăn những món ăn đường phố.

Rồi ngày di cư, gia đình Hiền cùng với nhiều gia đình khác, kể gia đình tôi sống trong dãy nhà lính hầu được theo chủ nhân vào Nam. Tôi nhớ chính xác thời gian vài ba tháng đầu tiên gia đình Hiền cũng hội tụ với gia đình tôi trong những căn nhà cất tạm phía sau của một dinh thự rất rộng của chủ nhân ông trên đường Lê văn Duyệt (nay là đường Cách mạng tháng Tám) gần trường học công giáo Thánh Mẫu. Nhưng sau đó gia đình tôi theo chủ nhân lên Đà lạt làm rẫy, gia đình Hiền không đi và làm gì, đi đâu tôi không biết. Khoảng một năm ở Đà Lạt, gia đình tôi dọn về lại Saigon, có lẽ vì chủ nhân và nhóm thân cận bị vướng vào lao lý vì lem nhem, ăn chặn tiền cứu trợ của dân di cư. Nhưng chỉ nhóm cận thần bị ra tòa, lãnh án tù, còn chủ nhân nhanh chân trốn sang Pháp lưu vong.

Suốt nhiều năm sau đó, tôi không gặp và biết tin tức gì về gia đình của Hiền. Nhưng vào khoảng năm 1962, cả Saigon rúng động với một bản tin giết người tàn bạo xảy ra tại Gia Định. Người vợ cả đã xô người vợ hai khi bà ta đang có thai gần ngày sinh đẻ, xuống cái giếng sau nhà, người chồng trong vụ án là ông Quế, kẻ sát nhân là mẹ của Hiền. Tôi chỉ biết có vậy về gia đình Hiền qua bản tin kinh hoàng đó mà thôi.

Mãi đến năm 1966 khi vừa lên đại học, một lần tôi theo mẹ tôi lên chợ Cầu Ông Lãnh mua chuối về bán tại lề đường Tô Hiến Thành. Trong lúc tôi cùng với mẹ và người phu xe đang chăm chú chất những buồng chuối lên xe ba gác, thình lình có người vỗ vai tôi với giọng ngạc nhiên, vui mừng:

- Tê, phải không?

Tôi giật mình quay lại. Đứng trước tôi một thanh niên vóc dáng khá bậm trợn, vài hình xăm trên cánh tay, lồng ngực, đúng dáng dấp một kẻ giang hồ. Anh ta chau mày nhìn tôi kỹ hơn, trong khi tôi vẫn còn lạ lùng không biết anh ta là ai và tại sao biết cái tên “quê mùa thời ấu thơ” của tôi. Hình như biết tôi chưa nhận ra mình, anh ta vỗ mạnh hơn vào vai tôi, rất thân thiện anh ta nói:

- Hiền, ở Hà Nội ngày xưa đây! Tê, mày không nhận ra tao hả?

Lúc này thì tôi không còn một tí gì bỡ ngỡ, lạ lùng nữa thay vào đó là sự mừng vui vô cùng. Một tay nắm chặt lấy cánh tay của Hiền, tay kia vỗ liên hồi vào vai người bạn ấu thơ:

-Nhận ra rồi. Đúng là thằng Hiền, mày thay đổi quá nhiều.

Rồi cứ thế, tôi bỏ cả việc giúp mẹ chất chuối lên xe để hàn huyên với Hiền. Đại khái Hiền cho tôi biết sau khi vào Nam được vài năm, ông Quế, bố của Hiền dan díu với một cô gái trẻ, cô ta có bầu và đưa đến vụ án ghen tương tàn bạo như báo đã đăng. Bà Quế sau khoảng hơn sáu năm tù tội, ra tù, trở về nhà rồi bị bệnh liên miên và đã mất hơn một năm trước đây. Hiện nay ông Quế về sống với Yến, em gái của Hiền, bên bờ kia Rạch Bến Nghé, đối diện với chợ Cầu Ông Lãnh. Hiền không có chỗ cư trú chắc chắn, thỉnh thoảng tạt về nhà gặp bố và em gái. Dù được hoãn dịch gia cảnh vì là con trai độc nhất trong gia đình, nhưng khoảng 3 năm trước Hiền theo chúng bạn đầu quân vào binh chủng nhảy dù, nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi đào ngũ trở về đời sống dân sự. Hiện nay, Hiền cùng nhóm bạn xa xưa lo việc bảo kê cho những nhà buôn trong khu chợ Cầu Ông Lãnh cũng như cho những tàu thuyền chở hàng từ các tỉnh miền đồng bằng Cửu Long đến Saigon bằng rạch Bến Nghé.

Lúc kèm xe chuối về nhà, Mẹ tôi cho biết cũng rất ngạc nhiên khi nhận ra Hiền, một tên trùm du đãng tại chợ Cầu Ông Lãnh, dù đã gặp nhiều lần nhưng mẹ tôi hoàn toàn không biết đó là Hiền, thằng bé từng là bạn ấu thơ của tôi xa xưa. Mẹ khuyên tôi không nên đính dấp hay liên hệ với Hiền để tránh những rắc rối.

Sau đó thỉnh thoảng tôi cũng gặp lại Hiền trong những lần đi mua chuối với mẹ. Hiền rất vui mừng mỗi khi gặp tôi, lần nào cũng kéo tôi ra quán ăn ở đầu chợ, cho tôi ăn uống no nê nhưng không một lần nào Hiền để tôi trả tiền. Tôi vẫn khắc sâu trong trí nhớ, một lần ăn cơm với Hiền trong quán. Đưa ánh mắt nhìn xa xa ra vẻ suy tư với giọng buồn buồn, Hiền nói như than thở với tôi:

- Thật lòng tao rất quý mến và cảm phục mày! Một đứa bé nghèo hèn, lang thang ở Hà Nội, không biết gì đến sách vở trường học mà ngày nay mày đã vươn lên trong môi trường đại học. Còn tao và cả con em gái tao nữa, vẫn chẳng ra gì! Tương lai thì mờ mịt, việc làm kiếm sống thì chẳng giống ai.

Buông tiếng thở dài, buồn bã Hiền nói tiếp:

- Có lẽ một phần vì bố mẹ tao đã không hiền thục, hy sinh và chịu đựng như bố mẹ mày để giúp anh em chúng tao có niềm tin, động lực để vượt khó, vươn lên như mày. Nhưng nghĩ kỹ, phần lớn vẫn là do anh em tao ham chơi, buông thả theo vật chất. Đua đòi chúng bạn mà không nghĩ đến việc học hành, xây dựng tương lai! Bây giờ, tất cả đã muộn màng rồi.

Tôi im lặng, cảm thông nỗi buồn của thằng bạn thủa ấu thơ. Với chút suy nghĩ tôi chậm rãi trả lời:

-Có lẽ mày nói đúng. Anh em chúng mày đã trưởng thành, con đường trở về với sách vở, tìm đường tiến thân đã qua rồi. Nhưng theo tao, đó không phải là con đường duy nhất. Hãy tìm một con đường khác hợp với khả năng, hoàn cảnh để đi lên, nó thực tế và tốt hơn là buông xuôi, bị động theo những cái mà mình đã thấy là sai lầm.

Suy nghĩ một chút, tôi nói tiếp:

- Tại sao mày không nghĩ đến tìm cách mở một cơ sở buôn bán hay sửa chữa xe cộ, máy móc...

Hiền cười nhẹ thành tiếng, ngắt lời tôi:

- Mày tưởng bước vào thương mại, tạo một cơ ngơi kiếm sống với bàn tay trắng và hoàn toàn mù mờ về chuyên môn như tao, trong một xã hội đầy rẫy bấp bênh vì chiến tranh dễ lắm sao? Nói thật với mày, nếu tao không hư hỏng, bỏ ngang việc học, có được tấm bằng tú tài, có lẽ cuộc đời tao sẽ khác với hiện tại, một kẻ đâm thuê, chém mướn.

Dừng lại một chút, đưa bàn tay thân thiện nắm lấy cánh tay tôi, với vẻ rất chân thành Hiền nói tiếp:

- Tao mong mày học hành thành tài, tương lai làm ông này, ông kia, khi tao già, không còn gân sức nữa để làm cái việc không giống ai này, mày hãy tìm cho tao một việc làm, việc gì cũng được. Dù là tên coi nhà, đóng cổng cho mày, tao vẫn vui lòng, không một tí than van, vì ít ra tao biết mình dốt nát nên phải làm cái việc thấp hèn nhưng vẫn có niềm vui và hãnh diện vì được làm cho thằng bạn thân thiết của mình.

Thời gian trôi qua, không lâu sau đó, với sự tính toán trong chuyên môn, tôi đã tạo dựng được một cơ ngơi nho nhỏ cho gia đình ở Bà Quẹo. Mẹ tôi bỏ việc bán chuối cực nhọc, về làm việc cho gia đình. Tôi và Hiền không có dịp gặp nhau nữa. Nhưng đến năm cuối đại học, không biết vì lý do gì, bố tôi rủ tôi cùng đến thăm ông Quế, người bạn cố tri mà nhiều chục năm bố tôi không gặp.

Đứng trước căn nhà gạch 2 tầng khá khang trang, nằm trên con đường lộ chạy dọc theo rạch Bến Nghé, chúng tôi, có chút ngại ngần không dám bước vào vì đó là một quán “đèn màu”. Nhìn vào bên trong, thấp thoáng vài ba người khách đàn ông ngồi quanh những chiếc bàn thấp chân đang lơi lả với vài cô gái phấn son loè loẹt. Có lẽ vì chúng tôi đi qua đi lại nhiều lần đã làm cho người phía trong quán chú ý. Một phụ nữ trẻ, trang phục khá hở hang với thái độ không vui từ trong tiệm đi ra. Nhìn bố con chúng tôi, cô ta hỏi những câu rất xấc xược như xua đuổi. Nhưng sau khi nghe chúng tôi trả lời, cô ta giương mắt nhìn, với tí chút vui mừng, ngạc nhiên, cô ta nói:

- À, bác Tiêng, anh Tê phải không? Cháu là Yến đây.

Có lẽ đoán được mục đích của chúng tôi và đã quen thuộc với những phiền phức từ những ông bạn già luộm thuộm, nhà quê của bố. Yến chẳng cần để chúng tôi mở lời, cô ta đưa tay chỉ vào phía sau nhà, nói tiếp:

- Bác và anh Tê cứ đi thẳng xuống căn phòng gỗ cuối cùng xây trên con rạch, Bố cháu đang ở đó.

Theo chỉ dẫn của Yến, chúng tôi đi sâu vào phía sau, qua một căn phòng mịt mù khói thuốc, sát phía sau nơi bán cà phê, đang ồn ào những tiếng chửi thề. Nơi đó có khoảng 5, 6 người đang quây quần nhau trên chiếc phản gỗ đánh bạc. Bố con chúng tôi im lặng, đưa mắt nhìn nhau như đã hiểu rõ cuộc sống của gia đình ông Quế. Tiếp tục đi đến phần cuối của căn nhà. Sau vài tiếng gọi và gõ cửa của bố tôi, ông Quế hiện ra, mời chúng tôi vào. Hoàn cảnh nghèo túng của ông Quế hiện ra trước mắt chúng tôi, một chiếc giường cũ kỹ với chiếc bàn gỗ lỏng chỏng, trên đó có chiếc điếu thuốc lào nhem nhuốc cùng vài cái ly uống nước bằng sành cáu đen. Tuy nhiên, căn phòng khá mát mẻ nhờ gió thổi từ con rạch nước phía sau và xuyên qua từ những khe hở trên vách gỗ .

Ông Quế có vẻ già lọm khọm và yếu hơn bố tôi nhiều dù ông ta kém bố tôi vài ba tuổi. Sau một lúc hỏi thăm và nói chuyện, tôi đã thẫn thờ buồn bã khi ông Quế cho biết khoảng gần một năm trước, dù được hoãn dịch nhưng Hiền vẫn xung phong vào Thủy quân lục chiến và đã tử trận trong một lần hành quân tại Kiến Hòa. Hiền chết đi, ông đã mất nơi nương tựa và nguồn giúp đỡ từ thằng con trai duy nhất, thay vào đó ông phải nhận lấy nỗi cô đơn buồn tẻ. Hiện nay ông phải sống nhờ vào sự cưu mang của Yến, nhưng hình như tình bố con cũng không có gì êm thấm lắm!

Buông tiếng thở dài, nói vài âu an ủi, chia buồn với ông Quế, tôi im lặng dành riêng ít phút để nhớ đến người bạn xa xưa. Lại thêm một người bạn nữa ra đi, để lại cho tôi những suy tư buồn bã vì nhớ thương.

Nhiều người nói với tôi, trong một đất nước ngập sâu trong chiến tranh, bom đạn như Việt Nam, người ta sẽ dần dần chai sạn với những tin buồn chết chóc hay thương tật từ những người thân thương, bất hạnh của mình mang đến. Nhưng với tôi, trong nhiều năm qua, cứ vài ba tháng tôi lại nhận được những tin không vui, chết chóc từ bạn bè, người thân. Nhưng hình như nó vẫn chưa làm cho lòng tôi vô cảm, không đau buồn được. Những tin buồn đó vẫn làm tôi ngẩn ngơ, lịm người, đôi khi làm tôi chảy nước mắt khi nhớ đến những kỷ niệm mà họ đã có với tôi lúc còn sống.

Hình ảnh của Hiền trở về trong trí nhớ tôi. Một thằng bé khôn lanh đã dẫn dắt tôi lang thang nhiều năm trời trên phố phường Hà Nội. Đã láu lỉnh tìm được những đồng tiền từ những chốn ăn chơi, mua cho tôi những chiếc bánh đa, khúc kẹo kéo, túi bắp rang… Những món ăn đường phố của Hà Nội xa xưa, nơi đó tôi đã phải sống gần trọn tuổi ấu thơ đói khổ của mình. Có lẽ, nếu không có Hiền thì chẳng bao giờ tôi biết đến mùi vị của những món ăn đó vì nó quá xa bàn tay nghèo khổ của tôi ngày đó.

Trong cái cảm giác buồn thương nhớ đó, hình ảnh của lần Hiền kéo tôi vào quán ở đầu chợ Cầu Ông Lãnh lại hiện về trong trí nhớ của tôi. Trong bữa ăn, với giọng rất buồn Hiền đã bộc lộ với tôi tất cả những đau xót, chán chường khi nghĩ về mình, thân phận của một kẻ đâm thuê, chém mướn! Hiền đã nhìn vào con đường học hành tiến thân của tôi. Mong ước, chúc tụng cho tương lai của tôi trở thành ông này, ông nọ để giúp cho Hiền có một công việc kiếm sống lúc về già, dù là một tên gác cổng cho tôi. Hôm nay, lời chúc tụng và dự tính tương lai đó, tất cả chỉ còn là ảo tưởng, đùa vui khi Hiền đã ra người thiên cổ. Nhưng với tôi hình như vẫn còn cái gì đó buồn đau, ân hận vì tôi sẽ không bao giờ có dịp trả lại tình thân cho người bạn thủa ấu thơ của mình nữa!...


Mai, người bạn thứ hai

Mai hơn tôi một tuổi, là con gái lớn của ông bà Quản. Mai có 3 người em, Tuấn là em trai lớn, thua tôi một tuổi, còn lại là 2 cô em gái còn ở tuổi chập chững biết đi. Ông bà Quản là dân gốc Hà Nội, hình như tên Quản không phải là tên trong giấy tờ mà là tên gọi từ chức vụ thượng sĩ của ông trong quân đội ? (Thời đó, hạ sĩ được gọi là ông Cai, trung sĩ là ông Đội, thượng sĩ là ông Quản, sau đó là Quan một, Quan hai…).

Ông Quản điều khiển một tiểu đội lính lo việc canh gác bảo vệ ông quan Năm và gia đình. Với chức vị, đó gia đình ông được sống trong một căn nhà khá khang trang, gần mặt đường lộ dọc theo cạnh của khu vườn thuộc căn biệt thự của chủ nhân. Còn gia đình người hầu cận hay lính gác như gia đình tôi thì chia nhau, chen chúc sống trong dãy nhà ở phía sau.

Tất cả trẻ con của cư dân hầu cận và lính gác sống trong khu nhà đó không có đứa bé nào đi học, vì còn nhỏ chưa đến tuổi hay vì cha mẹ nghèo không có khả năng chi trả tiền học phí. Duy nhất Mai và Tuấn, người em trai, được đi học tại một nhà thờ công giáo trong khu vực. Gia đình Mai theo đạo Công giáo rất thuần thành, được mọi người coi là thành phần có ăn học, vì vậy Mai cũng như mọi người trong gia đình ông bà Quản sống có phần nào cách biệt với mọi người. Tuy vậy, thỉnh thoảng Mai và Tuấn, sau giờ đến trường học, về nhà cũng tham gia vào những cuộc chơi đùa với lũ trẻ con chúng tôi.

Với 4 năm trời sống tại Hà Nội trước ngày di cư vào Nam, tôi không có nhiều kỷ niệm với Mai như với Hiền. Nhưng ít hay nhiều, ở cái tuổi ấu thơ, ham vui, dễ hoà nhập trong những trò chơi trẻ con, tôi cũng giữ lại trong ký ức mình một vài dấu tích khó quên với Mai.

Nhiều lần đi học về, khi gặp lũ trẻ nghèo hèn chúng tôi, Mai thường mang những truyện trong Kinh Thánh, học từ các sơ trong trường học kể cho chúng tôi nghe. Nhiều đứa trẻ khác, nhất là Hiền thường có thái độ không tin, không chú ý, đôi khi còn nói những câu chế giễu nữa. Tôi thì ngược lại, rất thích và chăm chú nghe… Có lẽ cũng vì tính thích nghe truyện thần thoại nên tôi đã nghe Mai kể một cách say sưa, càng làm cho Mai gần gũi và muốn kể cho tôi nghe nhiều hơn. Thỉnh thoảng Mai còn cho tôi những cái bánh, cục kẹo… dạy tôi làm dấu thánh giá và học những bài kinh công giáo. Đến nay, dù thời gian đã qua hơn 65 năm, tôi vẫn còn nhớ khá tốt một vài câu kinh mà tôi đã thuộc nằm lòng nhờ cô bạn tuổi ấu thơ chỉ dạy trong thời gian tôi lưu lạc lại Hà Nội:

“ Kính mừng mẹ Maria đầy ơn phúc, Đức chúa trời ở cùng bà, bà có phước lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con bà gồm phúc lạ.

Thánh Maria, Đức mẹ chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử. Amen! “

Hay :

“Lạy Chúa con, con xin kính mến Chúa hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự vì Chúa là đấng trọn tốt, trọn lành vô cùng. Lại vì Chúa mà con thương yêu người ta như mình con vậy. Amen! “

Một kỷ niệm khác với Mai, cũng làm tôi nhớ mãi. Sự việc xảy ra trước ngày di cư vào Nam khoảng một vài tuần lễ. Ngày hôm đó, tôi, Mai, Hiền và nhiều đứa trẻ khác trong khu nhà đang ồn ào với trò chơi “bịt mắt bắt dê”. Lần đó tôi là kẻ bịt mắt, tất cả lũ trẻ khác là những con dê, chúng la hét cho tôi biết vị trí của chúng để rượt bắt mong tóm được một con dê thay thế mình! Không biết ngẫu nhiên làm sao (Chắc là vì cách cảm thần giao hay vì xác suất trong toán học?) tôi đã chụp được Mai, con dê, mà tôi rất muốn bắt được! Bởi vì nó đã từng cho tôi những chiếc bánh, chiếc kẹo và dạy tôi thuộc những bài kinh Công giáo.

Đúng lúc chụp được Mai, có lẽ quá mừng rỡ, chạy quá đà hay vì Mai có phần to lớn hơn tôi (vì hơn tuổi tác và lại là con nhà giàu đầy đủ dinh dưỡng chăng?) hay vì vướng víu tay chân mà cả hai cùng bị ngã chồng lên nhau trên bãi cỏ! Có lẽ sự việc cũng chẳng có gì rắc rối vì đó là chuyện rất thường trong trò chơi khá kích động này. Nhưng ngay lúc đó Hiền (thằng bạn ranh ma, nhanh miệng) thích thú la to:

- Thằng Tê bắt được con dê vợ nó rồi…. ha ha…!

Tiếng la của thằng Hiền làm lũ trẻ vỗ tay cười ầm lên. Mai lấy tay xô mạnh tôi ra, vùng vằng đứng dậy, giận dữ chỉ tay sát vào mặt tôi, hét lớn:

- Thằng mất dạy, tao không thèm chơi với chúng mày nữa!

Nói xong, Mai đưa tay phủi bụi trên quần áo, không thèm nói hay nhìn lại phía sau, cô bé đi thẳng vào nhà. Tôi ngơ ngác nhìn theo với một chút ngỡ ngàng, nhưng hình như tôi cũng chẳng giận hờn, buồn phiền hay tiếc rẻ gì cả (vì tôi lúc đó chỉ là thằng bé 8 tuổi đầu, có biết gì đâu những giận hờn vớ vẩn của con gái!). Đúng như vậy, sau cuộc chơi không vui đó, Mai rất hiếm ra ngoài sân và không gia nhập bất cứ cuộc chơi nào của lũ trẻ chúng tôi nữa, cho đến ngày gia đình tôi, gia đình Hiền và vài gia đình khác luộm thuộm di cư vào Nam.

*

Ngày di cư, tôi không gặp hay nghe ai nói gì về việc di cư của gia đình của Mai, nhưng khi chúng tôi vào Saigon, lúc tạm trú tại căn biệt thự tại đường Lê văn Duyệt, tôi có thoáng thấy ông Quản, bố của Mai đứng nói chuyện với vài ba người khác trong khuôn viên căn biệt thự. Có lẽ ông đến để thăm hỏi gia đình ông quan Năm. Sau đó gia đình tôi và vài gia đình tôi tớ khác lên Đà Lạt làm rẫy cho chủ nhân. Khoảng một năm sau, chúng tôi về lại Saigon, sinh sống tại xóm Tre, đường Tô Hiến Thành. Đó là lúc tôi thực sự cắp sách đến trường, khởi đầu thời gian đi học của tôi. Nhờ biết đọc biết viết, làm được 4 phép tính (nhờ ông nội tôi chỉ dạy tại nhà) và tuổi đã lớn nên tôi được vào thẳng lớp tư (lớp 2 ngày nay) trường tiểu học Chí Hoà.

Thời gian và sự cố gắng học hành đã đẩy tôi lên trung học, trường Chu Văn An. Nhưng đầu năm lớp đệ lục (lớp 7) bố tôi bị đổi lên sư đoàn 22 tại Kontum, mẹ tôi bị bệnh lê thê, gia đình tôi rơi vào khó khăn cùng cực. Tôi phải làm những việc lặt vặt cho hàng xóm, bán báo kiếm tiền giúp gia đình. Có thể nói 2 năm, đệ lục và đệ ngũ, thời gian bố tôi ở Kontum, việc học của tôi coi như ở mức thê thảm, luôn luôn xếp hạng sát gần mức đội sổ!

Hằng ngày, buổi trưa sau khi đi học về, tôi ăn vội bữa cơm èo uột dinh dưỡng “có gì ăn nấy” rồi làm bài tập hay chuẩn bị những bài học cho ngày hôm sau (việc xong hay không chỉ là chuyện thứ yếu!) Khoảng sau 3 giờ chiều, đạp vội xe lên Saigon, đến khu trung tâm phát hành báo (tôi không nhớ tên con đường ngày xưa nhưng nay là đường Lý Tự Trọng, chạy song song với đường Lê Thánh Tôn, sau chợ Saigon). Lấy báo xong rồi vội vàng đạp xe đến Ngã Sáu Sàigon (công trường Phù Đổng Thiên Vương) hay xuống Ngã Sáu Lê văn Duyệt (giao tụ với đường Yên Đổ, Hiền Vương…) để mời chào khách mua báo vào lúc giờ 5 giờ chiều, giờ tan sở. Sau đó khoảng 6 giờ, mới đạp xe đi rao bán, đồng thời bỏ báo tháng hay đổi báo mới cho những người mướn báo.

Một hôm, vào giờ tan sở, tôi đang cầm xấp báo vẫy vẫy, rao bán cho người đi làm về tại Ngã Sáu Lê văn Duyệt. Thình lình có tiếng gọi cái tên xưa cũ, nhà quê của tôi:

-Tê! Tê đó phải không?

Ngạc nhiên tôi quay lại, Mai đang đứng cùng với một người bạn gái trên lề đường. Cả hai sang trọng trong tà áo trắng đang mỉm cười nhìn tôi. Mai đã lớn hơn tôi tưởng, dáng dấp của một cô nữ sinh khôn lớn hiện ra lồ lộ, không còn chút dấu tích gì của Mai, người bạn ấu thơ xa xưa của tôi nữa. Nhìn vẻ sang giàu của Mai, tôi thoáng có chút mặc cảm thua kém khi nghĩ đến gia cảnh nghèo túng và thân phận bán báo của mình. Cũng ngay lúc đó, nhìn dáng dấp “trưởng thành” của Mai, tôi chợt nhớ ra là mình đã bước vào tuổi 15 thì Mai đã sang 16 rồi! Ở tuổi đó, người con gái vẫn chưa được gọi là người lớn nhưng chắc chắn không phải là đứa trẻ ngây ngô chưa biết gì nữa! Với cảm giác không vui, tôi quay sang nhìn Mai và nói vài câu chào hỏi vu vơ.

Hình như nhìn thấy sự ngượng ngập, thiếu thân thiện của tôi, Mai quay nhìn người bạn nói gì đó, rồi với giọng nói nhè nhẹ có chút ngần ngừ, Mai hỏi tôi về nhà cửa, gia đình bố mẹ tôi và cả việc học hành của tôi nữa. Dù không muốn, nhưng tôi vẫn trả lời tất cả những gì Mai muốn biết. Mai cũng cho tôi biết đang là học sinh trường công giáo Régina Pacis trên đường Tú Xương, gia đình Mai vẫn bình thường, đang có một cơ sở bán quần áo trẻ con trên đường Nguyễn Thông và rất mong có dịp mời bố mẹ tôi đến chơi.

Ngay lúc đó, có một người khách dừng xe sát gần tôi, ông ta muốn mua báo đã làm gián đoạn câu chuyện của chúng tôi. Có lẽ nhìn thấy tôi vội vã khi đưa báo, nhận tiền từ người khách, Mai và cô bạn nói vài câu từ giã tôi rồi quay đi. Nhưng chỉ được vài bước Mai đưa tay kéo người bạn đứng lại rồi quay lại phía sau nói rất rõ ràng:

- Tê, bán cho tôi một tờ “Saigon mới”.

Tôi nhíu mắt nhìn Mai, như muốn kiểm chứng viêc mua báo của Mai có phải là đùa giỡn hay không? Nhưng nhìn thấy tờ giấy bạc 5 đồng trên tay Mai, tôi chẳng có gì để ngần ngại, rút trong tập báo của mình đưa cho Mai tờ Sàigon Mới đồng thời nhận lấy tờ bạc 5 đồng cho vào túi áo, rồi tôi rút ra 3 đồng tiền dư đưa lại cho Mai. Nhưng hai cô gái đã lui ra xa, Mai đưa tay vẫy vẫy ra vẻ chối từ 3 đồng còn dư, rồi nói với lại phía sau :

- Thôi, thế là đủ rồi, tôi tặng Tê mua kẹo đó.

Chẳng để cho tôi trả lời hay cám ơn, hai cô gái cầm tay nhau vội vàng bước nhanh hướng đến khúc quẹo của con đường Yên Đổ. Đứng nhìn theo, hình ảnh những chiếc bánh, chiếc kẹo ngày xưa mà Mai vẫn cho tôi khi chúng tôi còn là những đứa trẻ con tại Hà Nội. Những món quà nho nhỏ đó đã cho tôi những cảm khoái với sự ngọt bùi, ngày đó với tôi nó thật sự là một niềm vui to lớn! Với một chút thẫn thờ, tôi đưa mắt nhìn theo hai tà áo trắng vừa biến mất sau góc quanh của con đường. Lắc đầu nhè nhẹ cùng với tiếng thở dài, tự nhiên tôi nói thầm như chỉ để cho chính tôi nghe: “Lại một món quà ân tình! Biết làm sao ta trả được đây?”

Tôi chỉ gặp Mai lần đó, lúc tôi còn là một thằng bé bán báo dạo, rồi bẵng đi một thời gian khoảng 6 năm, khi tôi đã lên đại học được vài năm. Một lần thằng em tôi bị chó cắn, gia đình lo lắng với bệnh dại. Bố mẹ thì bận rộn vì đi làm và buôn bán nên mỗi ngày tôi phải dẫn em tôi lên viện Pasteur để chích ngừa. Một hôm, sau khi chích ngừa xong, trên đường về nhà, anh em chúng tôi đang đi bộ trên con đường Yên Đổ. Thình lình, một cô gái mặc áo dài xanh với chiếc xe Velo Solex ép sát vào lề đường ngay trước mặt chúng tôi. Cô ta quay lại nhìn, với vẻ mừng rỡ, nói khá to:

- Đúng rồi, Tê phải không?

Chẳng cần tôi trả lời, cô ta nói tiếp:

- Tê đi đâu vậy. Bố mẹ tôi luôn luôn nhắc đến hai bác và Tê đó.

Đúng là Mai! Thời gian dĩ nhiên cũng làm tôi lớn khôn, đã là một sinh viên, quần áo chỉnh tề nhưng vẫn còn dấu tích của người chưa đi làm việc. Nhưng Mai thì thay đổi hoàn toàn, một người phụ nữ, đúng nghĩa, một phụ nữ khá xinh đẹp đã ra đời… Không còn vướng víu tí gì của một cô gái ngây thơ nữa.

Thế là chúng tôi lại hàn huyên, có lẽ lần gặp mặt này tôi nói chuyện với Mai vững chãi, tự tin hơn. Lý do rất dễ hiểu là tôi đã ra dáng một thanh niên với chút tự hào là một sinh viên đại học. Tôi không còn là một đứa bé bán báo của 6 năm về trước nữa. Mai cho tôi biết đã 2 lần không qua được văn bằng tú tài bán phần nên ông Quản đã nhờ người quen biết xin cho Mai một chân thư ký trong một công ty buôn bán mỹ phẩm tại Sàigon. Mai cũng cho biết thêm, Tuấn, em trai của Mai cũng chẳng khá hơn, kỳ thi tú tài bán phần vừa qua cũng chẳng đến đâu và đang loay hoay với vấn đề hoãn dịch. Cứ thế, chúng tôi vừa đi, vừa nói với nhau đủ chuyện. Đến lúc chia tay, với vẻ hơi buồn Mai nói với tôi:

- Tê học giỏi thật! Hoàn cảnh gia đình nghèo túng mà được như vậy, đúng là đáng nể thật. Trong khi gia đình Mai đầy đủ tất cả nhưng chẳng có đứa nào có được cái tú tài phần nhất. Cứ thi là đã thấy trượt. Chán thật!

Đưa mắt nhìn theo chiếc Velo Solex với tà áo dài xanh rẽ vào con đường Nguyễn Thông, tôi nói nho nhỏ như chỉ muốn cho chính mình tôi nghe:

- Tôi phải cố học hành, vì đó là con đường duy nhất để những người vô thân, vô thế, hoàn cảnh nghèo khó như tôi vươn lên khỏi nghịch cảnh mà thôi, Mai ạ.

Đúng như vậy, với sự cố gắng của bản thân và sự hy sinh tột cùng của bố mẹ, cuộc sống gia đình tôi càng lúc càng vững chãi, nhất là từ khi tôi tốt nghiệp đại học rồi xuống Cần Thơ làm việc.

Một lần, vào khoảng giữa năm 1973, từ Cần thơ tôi cùng với một người lao công và tài xế mang chiếc xe Jeep về Sàigon công tác. Chúng tôi ghé vào trạm xăng của chính phủ (hình như trên đường Hiền Vương hay Yên Đổ) để đổ xăng dùng cho công tác ngày mai. Trong khi tài xế và ông lao công đang lo việc đổ xăng, tôi xuống xe đứng bên lề đường nhìn người, nhìn xe qua lại. Thình lình một chiếc xe Vespa, do một thiếu úy cầm lái, chở một thiếu phụ mang bầu ngồi phía sau, chầm chậm dừng lại trước mặt tôi. Người phụ nữ chậm chạp bước khỏi xe với khuôn mặt vui mừng, rạng rỡ tiến gần phía tôi. Không một tí lạ lùng, tôi nhận ra Mai ngay, dù đã hơn 4 năm qua, sau lần gặp nhau trên đường Yên Đổ khi tôi dẫn thằng em đi chích ngừa bệnh chó dại.

Mai cho biết đã nghỉ làm việc và đã lập gia đình hơn 2 năm về trước. Chồng của Mai, anh Đức là thiếu uý đang làm việc tại Nha quân cụ ở Gò Vấp. Vợ chồng Mai tỏ ra rất ngạc nhiên và vui vẻ khi biết tôi đang làm việc tại Cần thơ, cũng là quê nhà của Đức. Hai vợ chồng nằng nặc mời tôi về nhà để cho sự quen biết giữa tôi và họ thân thiết hơn. Mai cũng cho biết ông bà Quản đã nhiều lần muốn liên hệ với bố mẹ tôi.

Không làm sao hơn, cuối cùng tôi phải nói người tài xế chạy xe theo họ đến nhà ông bà Quản. Một căn nhà đúc 3 tầng khang trang còn khá mới trên đường Nguyễn Thông, tầng trệt dành cho việc buôn bán quần áo trẻ em khá bề thế. Đây cũng là nơi mà vợ chồng Mai và toàn thể gia đình ông bà Quản cư trú. Ông Quản đã giải ngũ, ở nhà trông coi cửa hàng với vợ. Trong bốn người con, Mai được xem là khá nhất, học hành không tốt nhưng đã có gia đình và chồng cũng có chút chức vị trong quân đội. Tuấn, em trai của Mai, là con trai duy nhất của gia đình, học hành chẳng đến đâu, ăn chơi giỏi hơn làm việc! Ông bà Quản cũng rầu rĩ nhưng cũng đã lo cho con trai vào làm lính kiểng, không phải ra tác chiến, hiện đang làm việc tại Tổng tham mưu. Hai cô con gái, em của Mai, bỏ học đã lâu, theo bạn bè , đi đi, về về… vẫn sống dựa vào cha mẹ.

Trong cuộc nói chuyện với ông bà Quản và vợ chồng Mai, Mỗi khi nhắc đến những thành tựu, yên vui của gia đình tôi, ông bà Quản cũng như hầu hết bạn bè, họ hàng của bố mẹ tôi, mọi người đều dùng chữ “phúc đức” hay “may mắn” để giải thích sự thăng tiến của chúng tôi. Tôi đã phải nghe đi, nghe lại nhiều lần nhận xét đó của mọi người. Nhiều khi tôi nhớ lại những đắng cay, khổ cực trong quá khứ của mình mà mỉm cười trong lòng!

Họ không bao giờ quay nhìn lại quá khứ, những năm tháng khốn khổ, nhục nhã kéo dài hàng nhiều chục năm trời của bố mẹ tôi! Họ cũng không bao giờ thông hiểu được cái cảm gíac buồn đau của một thằng bé 14, 15 tuổi hằng ngày đạp xe đến trường hay đi bỏ báo… qua những con đường, phố xá đầy rẫy những quán ăn. Nó chỉ dám cúi đầu đi qua, nhưng lại cố mở rộng lồng ngực, mong hít được nhiều những mùi vị thơm tho, hấp dẫn từ những chiếc bàn chất đầy thức ăn đang bốc khói bay ra!

Họ cũng chưa bao giờ cảm nhận được cái lạnh lẽo từ da thịt (và cả từ con tim) của thằng bé bán báo dưới trời mưa tầm tã, bụng đói cồn cào… khi phải nhìn qua khung cửa sổ một căn phòng dưới ánh đèn ấm cúng. Những đứa trẻ cũng trạc tuổi nó đang cười vui ngồi quanh chiếc bàn ăn, trên đó chất đầy những món ăn thơm tho đang bốc khói của một gia đình hạnh phúc!…

Đúng vậy, tôi đã nghe bao nhiêu người nói về hai chữ “phúc đức” và “may mắn” mà ông trời đã dành cho gia đình tôi! Tôi im lặng chấp nhận cho họ vui, nhưng trong lòng tôi lại mỉm cười vì có cảm giác mình đang xem một bản tấu hài mà những người nghệ sĩ chính lại là họ!

Cuộc gặp gỡ đó đã khởi đầu cho sự thân tình của gia đình tôi và gia đình ông bà Quản. Bố mẹ tôi và ông bà Quản thỉnh thoảng đến tận nhà thăm nhau, nói chuyện vu vơ, nhưng chưa một lần nào vào đúng lúc tôi về Saigon nên cũng không gặp được nhau. Có một lần, vợ chồng Mai về thăm quê nội tại Cần Thơ, họ có đến nhà trọ tìm tôi, nhưng không gặp, vì tôi đang đi công tác, không có nhà!

Rồi thời gian vẫn trôi qua đều đặn, tôi chuẩn bị đi Nhật Bản tu nghiệp. Trước khi đi tôi có ý định đến gặp và chào từ giã gia đình Mai, nhưng bận rộn và căng thẳng với những giấy tờ hành chánh cho chuyến đi, nên cuối cùng ý muốn cũng không thành. Sau này nghĩ lại tôi rất ân hận vì đã lỡ mất một dịp gặp lại người bạn tuổi ấu thơ của mình để rồi mãi mãi chia ly!

Tháng 4 năm 1975 xảy đến! Gia đình tôi ở Việt Nam cũng như tất cả mọi người khác phải lăn lưng vào kiếm sống cho hợp với những đổi thay của thời thế. Tôi hoàn toàn không nghe bố mẹ, các em tôi gửi thư nhắc gì đến gia đình Mai và ông bà Quản. Sau đó tôi bỏ Nhật Bản sang định cư tại Thụỵ Sĩ. Trong một dịp đón tiếp một người bạn xưa từ Texas, Hoa kỳ sang chơi. Qua lần nói chuyện, tôi mới biết anh ta quen biết khá thân với gia đình bà Quản từ ngày còn ở Việt Nam, hiện nay anh ta và bà Quản cùng sống gần nhau tại Texas.

Tôi đã lịm người đau xót khi anh ta cho biết một tin rất buồn. Sau khoảng hơn 2 năm đi cải tạo trở về, Đức không thể hòa nhập với cuộc sống quá khắt khe, nghèo đói nên đã cùng với Mai và đứa con trai 6 tuổi đầu lòng cùng với 2 cô em gái của Mai vượt biên bằng đường biển. Chuyến đi đau thương đó không bao giờ đến đích, đúng là một bi kịch của thời thế!

Không lâu sau đó, ông Quản không chịu được nỗi đau, sinh bệnh và mất trong hoàn cảnh nghèo túng, buồn tẻ. Cuộc sống của gia đình bà Quản tại Việt Nam càng lúc càng lún sâu vào khó khăn. Tuấn, em trai còn lại duy nhất của Mai sau 2 lần tìm cách vượt biên nhưng thất bại! Tốn kém, nghèo túng càng lúc càng chồng chất lên vai bà Quản. Nhưng cuối cùng may mắn đã đến với Tuấn trong lần vượt biên thứ 3, Tuấn đã thành công đến được Mỹ, vài ba năm sau bà Quản và đứa cháu gái, con út của Mai được sang Mỹ đoàn tụ với Tuấn. Hiện nay họ đang sống cùng với gia đình Tuấn, nhưng cũng gặp khá nhiều khó khăn về kinh tế.

Tôi đã vài lần trực tiếp điện thoại sang Mỹ hỏi thăm bà Quản, nhưng lần nào cũng chỉ nghe những tiếng than khóc của bà khi nhắc lại quá khứ quá đau buồn của gia đình. Không lâu sau đó, cũng từ người bạn học, anh ta cho biết bà Quản sau một lần ốm nặng, phải đưa vào bệnh viện cứu cấp, nhưng cũng không qua khỏi! Tôi vội vàng điện thoại đến Tuấn chia buồn nhưng có lẽ quá chán nản vì hoàn cảnh của gia đình nên Tuấn chỉ nói với tôi vài câu cám ơn và cắt máy! Sau đó tôi viết thư thăm hỏi nhưng không bao giờ có hồi âm. Tất cả có lẽ đã vào quên lãng. Tình thân và kỷ niệm gắn bó tuổi ấu thơ của tôi, Mai và gia đình đã thực sự trôi vào quá khứ!

Mai đã yên nghỉ! Tôi vẫn còn hiện hữu trong tư thế của một ông lão ngoài 70 nhưng vẫn phải sống, vẫn phải làm việc, tính toán, lo âu… Nhưng đôi khi, có những lúc ngồi một mình trong cái không gian vắng lặng, cô đơn của Thuỵ Sĩ hay những lần về Việt Nam, hòa nhập vào dòng người ồn ào với hàng ngàn, hàng vạn chiếc xe đua nhau xả khói, cả những lúc trầm lặng ngồi trên những chuyến xe bus mà chính tôi cũng không biết sẽ mang tôi đi đâu, về đâu, bởi vì tôi chỉ muốn ngồi để nhìn lại những nơi nó chạy qua, mong tìm lại một vài dấu tích xa xưa nào đó còn sót lại ở Sàigon hay bất cứ nơi nào ngày xưa tôi đã có lần đi qua, để tạo ra nguồn cảm hứng cho tôi thêm một lần nữa được trở về với những hoài niệm tôi mãi mãi không quên.

Rất nhiều lần, mỗi khi có dịp đi qua những ngôi giáo đường, tôi lại nhớ đến Mai, nhớ đến những năm tháng tôi còn là thằng bé nhem nhuốc ở Hà Nội. Ngày đó Mai đã cho tôi những món quà rất đơn sơ, mẩu bánh ngọt hay miếng kẹo… dạy cho tôi những bài kinh Công giáo, kể cho tôi nghe những câu truyện thần thoại trong Kinh Thánh. Tất cả vẫn còn trong trí nhớ của tôi, dù thời gian đã lùi rất xa vào dĩ vãng với biết bao nhiêu gió bão cuộc đời, nhưng tôi vẫn còn thuộc nằm lòng những bài kinh đó cũng như còn nguyên mùi vị ngọt ngào của những chiếc bánh, chiếc kẹo... mà Mai đã cho tôi. Bao lần có dịp đi qua những ngôi thánh đường, nhớ đến Mai, tôi lại nhẩm đọc vài câu kinh như một lời chào vĩnh biệt, tưởng nhớ cho người bạn bất hạnh bé nhỏ thời thơ ấu của tôi.

Zuerich, October, 2018
(Lưu An, Vũ ngọc Ruẩn)




    « Xem chương trước «      « Sách này có 1496 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Học đạo trong đời


Kinh Kim Cang


Rộng mở tâm hồn


Đức Phật và chúng đệ tử

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.14.249.124 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...