Hôm nay, thứ Bảy 19-10-2019, tại Thư Viện Tully thành phố San Jose, California, nhóm Phật tử trẻ do Huynh trưởng Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ đến từ Sacramento, phối hợp cùng một số Huynh trưởng, Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam trong vùng Bắc Cali tổ chức một “Hội Chợ Sách” (Book Fair). Đây là một sinh hoạt tương đối hiếm hoi trong sinh hoạt Văn hoá Phật giáo Việt Nam ở Hải Ngoại với ba thế hệ chung một con đường: Thế hệ Đàn Anh – Đàn Chị (Lão niên), thế hệ Bắc Cầu (Trung niên), thế hệ Đàn Em (Thanh thiếu niên). Kể từ khi đạo Phật Việt Nam cùng với làn sóng người Việt di dân tỵ nạn ra nước ngoài sau năm 1975, các sinh hoạt Phật sự như xây chùa, dựng tượng, lễ hội, văn nghệ, tiệc gây quỹ... bừng lên và phát triển ngày một rầm rộ trong các cộng đồng người Việt nước ngoài nhưng những sinh hoạt mang tính văn hoá tôn giáo thì ngày càng vắng bóng. Nguyên nhân thì có nhiều mặt, nhưng trực tiếp thì vẫn là do giá trị thực dụng ngắn hạn và lợi nhuận kinh tế làm chủ. Hội Sách Phật Học “Có Mặt Cho Nhau” lần thứ hai nầy giới thiệu trực tiếp cũng như gián tiếp tác phẩm và tác giả Phật giáo Việt Nam thời cận đại và hiện đại trong vòng 50 qua. Những tác giả thuộc thế hệ đàn anh như Thích Nhất Hạnh, Thích Thanh Từ, Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, Thích Mãn Giác, Nghiêm Xuân Hồng, Phạm Công Thiện… Những tác giả viết về Phật giáo thuộc thế hệ “Bắc cầu” cỡ trung niên – lên lão như Thích Như Điển, Thích Tự Lực, Thích Nguyên Tạng, Thích Thiện Long, Đào Văn Bình, Vĩnh Hảo, Trần Trung Đạo, Trần Việt Long, Huỳnh Kim Quang, Nguyên giác Phan Tấn Hải, Nguyễn Minh Tiến, Nguyễn Hoàng Lãng Du, Ngô Viết Trọng, Trần Kiêm Đoàn… và các tác giả thuộc thế hệ trẻ như Bạch Xuân Khỏe, Nguyễn Hồng Dũng, Phan Mẫn…
Đa số các nhà xuất bản chuyên đề hay có in ấn các tác phẩm Phật học cũng được giới thiệu ra mắt sách như các nhà xuất bản Lá Bối, Vạn Hạnh, Quảng Đức, Lotus Media Inc, Hương Tích Phật Việt, Việt Ananda Foundation, Liên Phật Hội (United Buddhist Publisher)…
Mặc dầu hình thức sách báo giấy đã bị sách báo mạng online lấn chiếm đến 50 - 60% nhưng văn hóa đọc vẫn còn là phương tiện tri thức và tiêu khiển chuyển tải những thông tin văn chương, xã hội đến khoa học, nghệ thuật của toàn thế giới. Theo thăm dò của Worldatlas và Văn Hóa Á Châu (Asian Culture Foundation -ACF) về Văn Hóa Đọc (Reading Culture) thì những quốc gia chiếm hàng đầu về thời gian đọc sách làm cho người ta ngạc nhiên. Trung bình số giờ một người dân đọc sách báo mỗi tuần là: Ấn Độ (10 giờ 42 phút), Thái Lan (9 giờ 24 phút), Trung Quốc (8:00 giờ); trong khi Pháp (6:54), Mỹ (4:42), Nhật (4:06), Hàn Quốc (3:06) và Việt Nam (1.2)…
Bên cạnh sinh hoạt giới thiệu tác phẩm và tác giả, buổi sinh hoạt "Có Mặt Cho Nhau 2" cũng tạo cơ hội sinh hoạt chung, để chia sẻ và “truyền lửa cho nhau” thông qua hình thức tâm tình của tác giả và thảo luận một số đề tài văn học nghệ thuật, những thao thức và kinh nghiệm hoằng pháp Phật giáo.
Nội dung buổi sinh hoạt sách “Book fair” chuyển dần từ thoáng ưu tư “Sách vở ích gì cho buổi ấy. Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già…” của kẻ sĩ từ thời Nguyễn Khuyến (1835-1909) trên quê hương đến hôm nay trên đất khách tại các nước Âu Mỹ, vai trò phát huy văn hóa, phục vụ xã hội và tiêu khiển cho đời của sách báo.
Sự quan hệ giữa việc đọc sách báo tiếng Việt và hiện trạng tổ chức, Gia Đình Phật Tử có một sự tương tác qua lại và ai cũng thấy được điều đó. Ngày xưa, tuổi trẻ Phật tử lớn lên và đượm nhuần tình Đạo trên quê hương qua những tác phẩm văn chương trong vắt của các huynh trưởng như Ánh Đạo Vàng, Thử Hoà Điệu Sống, Mùa Gặt Ác… của anh Võ Đình Cường; Phật Pháp căn bản của quý thầy Thích Chân Trí, Thích Thiện Hoa… Nhưng càng ngày sách báo Phật giáo càng vượt cao quá tầm tay với của tuổi trẻ. Và 50 năm qua, nhất là tại các nước Âu Mỹ thì sách báo và chữ nghĩa tiếng Việt đã thành “Ngoại Ngữ” đối với thế hệ sinh ra và lớn lên tại các nước ngoài. Chín mươi phần trăm đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam sinh hoạt với nhau bằng tiếng nước ngoài. Sách báo, thuyết pháp, băng giảng, phim ảnh… về đạo Phật hầu hết nhắm vào đối tượng phụ huynh và ít còn quan tâm tới con em. Như tuần này, kẻ đang viết những dòng này dẫn hai cháu Ái Linh và Tấn Lực đi sinh hoạt tại GĐPT Kim Quang ở địa phương. Khi hỏi các cháu là có thuộc bài tụng “Đệ tử kính lạy, đức Phật Thích Ca…” không? Thì hai cháu đều thuộc. Nhưng khi hỏi nghĩa tiếng Việt thì các cháu đều không trả lời được và nói là “Chẳng hiểu gì cả!” Hai cháu cũng cho biết là hát các bài hát nhưng chẳng hiểu nghĩa là gì, mặc dầu mỗi buổi sáng sinh hoạt vào thứ Bảy hằng tuần các cháu đều phải học 2 giờ tiếng Việt. Tấn Lực là đoàn sinh Thiếu Nam và Ái Linh là Đội trưởng đội Thiếu nữ. Hai cháu Linh, Lực đều đã sinh hoạt GĐPT 7 năm rưỡi. Chiều nay hỏi các bạn GĐPT của Linh, Lực thì cũng nghe trả lời là “Chẳng hiểu gì cả” như thế!
Lỗi tại ai?
Thưa chư quý nhân! Đã đến lúc chúng ta cần chấm dứt thói quen tiêu cực là chỉ tay vào nhau mà đổ lỗi cho người vì không ai có lỗi cả. Từ các bậc Tôn Đức đến hàng phụ huynh và Phật tử ai cũng tha thiết muốn cho các mầm non GĐPT và Phật tử tuổi trẻ đều hiểu Đạo và sống Đạo bình thường. Nhưng nguyên nhân và hệ quả ở đây nằm ở Người thì ít mà nằm ở chỗ Phương Pháp Giáo Dục và phương tiện truyền đạt là chủ yếu.
Thế hệ đàn anh – mà nhất là những nhân vật viết lách và thuyết giảng cao vời lý nhà Phật – hầu như quên bẵng các em, các con, cháu quanh mình nên viết toàn những chuyện cao xa vời vợi; thuyết pháp những điều thâm uyên, trong khi tuổi trẻ đang cần những Ánh Đạo Vàng, những Bông Hồng Cào Áo… Hiện tượng áo thụng vái nhau và nhân danh “Phật sự đa đoan” để mãi nghĩ đến cây cành đại thụ, cảnh giới mười phương mà quên mất những chồi non đang nhú dưới cánh tay mình, đang làm cho tuổi trẻ xa dần môi trường Phật đạo!
Khi có quý Sư Cô từ miền Nam California nêu lên câu hỏi làm sao tìm ra giải pháp cho vấn đề là các đoàn sinh GĐPT ngày một thưa dần vì các con, cháu không muốn đến chùa. Trong lúc các vị diễn giả và hội thảo viên còn hăng say trao đổi trong vòng hội luận thì có một vị “phát biểu ngoài luồng” từ dãy ghế sau cùng: “Cả trăm, cả ngàn cuốn sách tiếng Việt hay ho bày trên bàn, trên giá, trên kệ mà có cuốn nào tui mua được tặng cho cháu tui đọc đâu nào. Buồn quá hà!”
Cuộc hội luận còn đi xa hơn khi vấn đề được nêu lên là tại sao chùa to tượng lớn mọc lên nhiều đến thế nhưng không có những mô thức nhà giữ trẻ kiểu “Vườn Trẻ Kiều Đàm” hay trường học kiểu “Tư Thục Bồ Đề” của Phật giáo miền Nam Việt Nam trước 1975 để đưa mầm non hướng về đạo Phật?
Có chăng một cuộc Hội Luận và Hội Sách lần tới đặt trọng tâm vào tuổi trẻ hướng Phật?
Đã đến lúc người Phật tử Việt Nam, nhất là tại Hoa Kỳ, cần xem lại lịch sử người Tàu và Phật giáo của họ trên đất Mỹ gần 200 năm trước, khi người Tàu ồ ạt vào Mỹ làm thuê trong những cơn sốt tìm vàng (Gold Rush) vào những năm1800 - 1850. Họ mang Phật giáo Trung Hoa theo và con số chùa chiền cùng tăng đoàn, giáo hội tăng lên theo đời sống kinh tế và dân số sinh sản nhân lên nhanh chóng. Vì không có sự đầu tư cho tuổi trẻ Phật tử gần như chúng ta bây giờ nên khi thế hệ đàn anh đàn chị di dân đầu tiên khuất bóng, thế hệ sinh ra và lớn lên ở Mỹ không còn quan tâm hỗ trợ việc chùa chiền nên vô số chùa viện phải bán đi và những hội Phật giáo giải tán vì vừa thiếu kinh tế hỗ trợ, vừa vắng bóng tín đồ.
Phật giáo Tích Lan, Tây Tạng, Nhật Bản, Trung Hoa ở Mỹ đã chuyển hướng. Thay vì xây dựng chùa viện quá nhiều về số lượng, họ tập trung về chất lượng. Tây Tạng, Trung Hoa xây dựng những ngôi chùa đồ sộ với kinh phí hàng chục triệu đô la, thu hút ồ ạt khách hành hương bốn phương cũng như nội địa.
Nói về tình hình Phật giáo Việt Nam hiện nay, từ tầng lớp Phật tử sơ cơ cho đến bậc tôn túc, hàng giáo phẩm… đều thấy rõ sự thoái trào nghiêm trọng đang diễn ra trước mắt: Trong nước thì bị toàn trị - công cụ hóa; ngoài nước thì phân tranh cùng cực, hoàn toàn vắng bóng lãnh đạo. Nhà cháy, lửa bốc cao thì ai cũng thấy. Nhưng chúng ta đang cần phương tiện cứu hỏa thích ứng và phương pháp sử dụng phương tiện ấy đúng đắn và hữu hiệu. Lửa cháy! Nếu cứ chỉ tay nhau, đổ lỗi cho nhau, cãi nhau tranh thắng hay la làng la xóm thì có ích gì?!
Cuộc Hội Sách “Có Mặt Cho Nhau 2” mới chỉ là một biểu tượng “mềm” của tinh thần thống nhất văn hóa Phật Giáo trên phương diện nhân văn. Văn hóa Phật giáo là một tập đại thành của của văn hóa đọc, văn hóa ứng xử và văn hóa tu hành.
Cám ơn “Có Mặt Cho Nhau 2”. Mong “Có Mặt Cho Nhau 3” sẽ bàn về văn hóa ứng xử để cùng nhau cố gắng lấp cạn dần và thu hẹp lại những hầm hố chia rẽ là vấn đề trước mắt của chúng ta hôm nay.
San Jose – Sacramento 19-10-19