Vipassana - nghĩa là thấy sự việc đúng như thật - là một trong những phương pháp thiền cổ xưa nhất tại Ấn độ. Truyền thống thiền này được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2500 năm; và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại - một Nghệ Thuật Sống. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát.
Vipassana là con đường tự thay đổi bằng cách tự quan sát. Phương pháp thiền này chú trọng đến tương quan mật thiết giữa tâm và thân. Mối tương quan này có thể kinh nghiệm được trực tiếp bằng cách chú tâm thận trọng đến những cảm giác thực sự trên thân, những cảm giác luôn luôn đan xen và tạo ra các khuôn mẫu cho tâm. Hành trình quan sát và tự khám phá này đi vào cái gốc rễ chung của tâm và thân, từ đó xóa bỏ những bất tịnh tinh thần, mang đến một tâm quân bình tràn đầy tình thương và lòng từ bi.
Những định luật khoa học vốn chi phối ý nghĩ, cảm xúc, sự phán xét, và cảm giác của con người trở nên rõ ràng, dễ hiểu. Thông qua những trải nghiệp trực tiếp, ta hiểu được sự tiến bộ hay thụt lùi của bản thân diễn ra như thế nào, việc bản thân tạo ra những khổ đau hay việc tự giải thoát mình khỏi khổ đau diễn ra ra sao. Cuộc sống của ta gia tăng hiểu biết, không còn ảo tưởng, tràn ngập tự chủ và an lạc.
Truyền thống
Từ thời của Đức Phật, Vipasssana được lưu truyền cho tới ngày nay thông qua các thế hệ thiền sư nối tiếp nhau. Mặc dù là người Ấn độ, vị thiền sư hiện nay, ngài S.N. Goenka, sinh trưởng và lớn lên tại Miến điện. Trong thời gian sống tại đây, Thiền sư có diễm phúc được học Vipassana từ sư phụ, Sayagyi (Đại thiền sư) U Ba Khin, lúc đó là một viên chức cao cấp trong chính phủ. Sau khi tu tập với sư phụ được mười bốn năm, Thiền sư Goenka trở về cư ngụ tại Ấn độ và bắt đầu truyền dạy Vipassana vào năm 1969. Từ đó Thiền sư đã giảng dạy cho hàng chục ngàn thiền sinh thuộc mọi chủng tộc, mọi tôn giáo ở cả phương Đông và phương Tây. Năm 1982, Thiền sư bắt đầu bổ nhiệm các thiền sư phụ tá, nhằm giúp ngài phục vụ nhu cầu ngày càng gia tăng đối với các khóa Vipassana.
Khóa thiền
Phương pháp thiền được giảng dạy trong những khóa thiền nội trú mười ngày, trong đó, người tham dự tuân theo Nội Quy của Khóa Thiền, học hỏi những căn bản của phương pháp này, và thực tập nghiêm chỉnh để đạt được kết quả hữu ích.
Khóa thiền đòi hỏi sự thực tập chuyên cần, nghiêm túc. Sự thực tập gồm có ba bước. Bước thứ nhất, trong suốt khóa thiền, tránh không giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối, hay dùng chất gây say, gây nghiện. Điều lệ giản dị về đạo đức này giúp tâm được an bình. Ngược lại, tâm sẽ dao động và không thể thực hiện nhiệm vụ tự quan sát. Giai đoạn kế tiếp là phát triển việc làm chủ được tâm bằng cách tập trung sự chú ý vào một thực tế tự nhiên và không ngừng thay đổi. Đó chính là hơi thở vào và ra nơi cánh mũi. Vào ngày thứ tư, tâm được an tĩnh và chăm chú hơn, để có thể thực tập Vipassana một cách dễ dàng hơn. Lúc này, ta tập quan sát cảm giác trên khắp cơ thể, hiểu được bản chất của cảm giác, và phát triển được sự quân bình bằng cách học để không phản ứng lại cảm giác. Sau hết, trong suốt ngày cuối cùng, thiền sinh học phương pháp thiền từ tâm và thiện ý với mọi người, nhờ đó sự thanh tịnh phát triển trong suốt khóa thiền được san sẻ tới mọi chúng sinh.
Toàn bộ phương pháp thực ra là một sự rèn luyện tinh thần. Cũng giống như tập thể dục để trau dồi thể lực, Vipassana có thể dùng để phát triển một tâm hồn lành mạnh.
Bởi vì phương pháp này được công nhận là mang lại lợi lạc thực sự, nên việc gìn giữ phương pháp theo đúng đường lối đích thực và nguyên bản rất được chú trọng. Nó không được giảng dạy theo hướng thương mại, mà hoàn toàn miễn phí. Không một ai tham gia vào việc giảng dạy nhận bất cứ thù lao vật chất nào. Khóa thiền hoàn toàn miễn phí – ngay cả với chi phí về thực phẩm và chỗ ở. Mọi phí tổn đều đến từ sự đóng góp của những người đã tham dự một khóa thiền và hưởng được những lợi lạc từ Vipassana, muốn cho những người khác cũng có cơ hội hưởng được lợi lạc tương tự.
Dĩ nhiên, thành quả đến từ từ qua việc thực tập liên tục. Kì vọng mọi vấn đề được giải quyết trong mười ngày là điều không thực tế. Tuy nhiên, khoảng thời gian này giúp ta học được nhưng điều căn bản của Vipassana để rồi có thể áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. Càng thực tập phương pháp này, ta càng được giải thoát khỏi bất hạnh và tới gần hơn đích cuối cùng của việc hoàn toàn giải thoát. Thậm chí mười ngày cũng đủ tạo ra những kết quả cụ thể và lợi lạc rõ rệt trong cuộc sống hàng ngày.
Bất kỳ ai chân thành đều được chấp thuận để tham dự một khóa Vipassana, để tự mình thấy được phương pháp thiền này hoạt động ra sao và có lợi lạc như thế nào. bất kỳ ai thử qua đều sẽ nhận thấy Vipassana là một công cụ vô giá giúp ta đạt được và chia sẻ hạnh phúc thực sự với người khác.
SƠ LƯỢC LỊCH SỬ
Vipassana là một trong những phương pháp thiền cổ xưa nhất tại Ấn Độ. Vipassana được Đức Phật Gotama tái phát hiện 2500 năm trước đây, và là tinh túy của những gì Ngài thực hành và giảng dạy trong suốt bốn mươi lăm năm. Vào thời của Đức Phật, rất nhiều người thuộc mọi giai cấp trong xã hội Ấn Độ đã thoát khỏi khổ đau nhờ thực tập Vipassana, giúp họ đạt được thành quả lớn lao trên mọi phương diện của cuộc sống. Sau một thời gian phương pháp này được truyền sang những quốc gia lân cận như Miến Điện, Sri Lanka, Thái Lan và những nước khác. Tại đó, Vipassana cũng gặt hái được những thành quả tốt đẹp tương tự.
Năm thế kỷ sau thời của Đức Phật, truyền thống cao quý của Vipassana biến mất khỏi Ấn Độ. Tinh túy của phương pháp này cũng biến mất tại những nơi khác. Tuy nhiên tại Miến Điện, Vipassana được gìn giữ bởi nhiều thế hệ thiền sư đầy thành tâm. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong hơn 2500 năm, dòng truyền thừa những thiền sư này đã gìn giữ phương pháp thiền tinh khiết như thuở ban sơ. Viên ngọc vô giá Vipassana, từ lâu được gìn giữ trọn vẹn tại Miến Điện, bây giờ đang được thực tập trên khắp thế giới. Ngày nay, càng ngày càng nhiều người có cơ hội được học nghệ thuật sống này.
THIỀN SƯ S. N. GOENKA
Ngày nay, Vipassana được Thiền Sư S.N. Goenka giới thiệu trở lại. Ông được Sayagyi U Ba Khin, một thiền sư nổi tiếng tại Miến Điện, cho phép giảng dạy Vipassana. Trước khi qua đời vào năm 1971, Thiền Sư U Ba Khin đã có cơ hội thấy một trong những ước mơ ấp ủ của mình trở thành hiện thực. Ông có một ước vọng là Vipassana sẽ trở lại Ấn Độ, nơi nó sanh trưởng, để giúp quốc gia này thoát khỏi rất nhiều khó khăn. Ông cảm thấy chắc chắn sau đó, từ Ấn Độ, Vipassana sẽ lan rộng khắp thế giới, đem đến lợi ích cho toàn thể nhân loại.
Thiền Sư S. N. Goenka bắt đầu dạy những khóa thiền Vipassana tại Ấn Độ vào năm 1969. Mười năm sau Ông bắt đầu giảng dạy tại những nước khác. Trong hơn bốn thập niên từ khi bắt đầu, Vipassana ngày nay (tính đến năm 2012) được giảng dạy tại hơn 140 trung tâm chính thức trên thế giới (kể cả các trung tâm tại Bắc Mỹ) bằng 25 ngôn ngữ khác nhau. Thiền sư S. N. Goenka cũng đã đào tạo được hơn 1400 Thiền sư Phụ tá để giảng dạy hàng ngàn khóa thiền tại hơn 90 quốc gia gồm các nước như Cộng hòa nhân dân Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Đài Loan, Mông Cổ, Secbia, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất, Campuchia, Philippin, Cuba và tất cả những nước tại Nam Mỹ. Con số thiền sinh tham dự là hơn 100.000 người với trên 1500 khóa thiền trên thế giới mỗi năm.
Thiền Sư Goenka là khách mời diễn thuyết tại những diễn đàn nổi tiếng như Hội Nghị Thượng Đỉnh Thiên Niên Kỷ Thế Giới Về Hòa Bình tại Liên Hiệp Quốc và tại Hội Nghị Kinh Tế Thế Giới tại Davos, Thụy Sĩ. Ông giảng dạy và truyền bá một thông điệp duy nhất, đó là, hạnh phúc lâu dài chỉ đạt được bằng cách thanh lọc tâm.
THỰC TẬP
Muốn học thiền Vipassana, điều cần thiết là phải tham dự một khóa thiền nội trú 10 ngày dưới sự hướng dẫn của một thiền sư có kinh nghiệm. Mười ngày thực tập liên tục được thừa nhận là thời gian tối thiểu để học được những điều chính yếu của phương pháp để có thể áp dụng Vipassana vào đời sống hằng ngày. Trong suốt thời gian của khóa thiền, thiền sinh sống trong phạm vi của trung tâm, không liên lạc với thế giới bên ngoài. Thiền sinh tránh không đọc hoặc viết, tạm ngưng những lễ nghi tôn giáo hoặc các phương pháp thiền khác. Hằng ngày thiền sinh tuân theo một thời khóa biểu nghiêm túc gồm 10 giờ ngồi thiền xen lẫn với những giờ nghỉ. Thiền sinh cũng giữ im lặng và không liên lạc với những người đồng tu. Tuy nhiên, thiền sinh có thể hỏi Thiền Sư khi nào thấy cần hoặc có thể liên lạc với ban tổ chức về những nhu cầu liên quan đến thức ăn, sức khoẻ, …
Sự tập luyện gồm có ba phần. Đầu tiên thiền sinh tập tránh những hành động có hại. Trong khóa thiền, thiền sinh cam kết giữ năm giới, không giết hại sinh vật, không trộm cắp, không nói sai sự thật, không sinh hoạt tình dục và không dùng những chất gây say/nghiện. Quy chế đạo đức đơn giản này, cùng với việc giữ im lặng giúp cho tâm trí được tĩnh lặng, nếu không, nó sẽ quá dao động và không thể thực hiện công việc tự quan sát được.
Bước thứ hai là tạo được một tâm trí vững vàng và chuyên chú hơn bằng cách tập giữ sự chú tâm của mình vào một thực tại tự nhiên đó là hơi thở luôn luôn thay đổi khi chúng đi vào và đi ra khỏi lỗ mũi. Vào ngày thứ tư, đầu óc trở nên tĩnh lặng hơn, chuyên chú hơn để dễ dàng thực hành phần thứ ba là thực tập Vipassana, là quan sát cảm giác trên khắp cơ thể, hiểu được bản chất luôn luôn thay đổi của cảm giác bằng thực nghiệm và giữ được sự bình tâm bằng cách không phản ứng lại các cảm giác. Ta thể nghiệm được chân lý phổ quát của vô thường, khổ và vô ngã. Sự nhận biết chân lý qua thực nghiệm này là phương cách thanh lọc tâm.
Toàn thể sự thực tập thật ra chỉ là một sự rèn luyện tinh thần. Cũng như tập thể dục để trau dồi sức khỏe về thể xác, Vipassana có thể dùng để phát triển một tinh thần minh mẫn.
Thiền sinh được hướng dẫn kỹ thuật hành thiền vài lần trong một ngày, một cách có hệ thống, và sự tiến bộ mỗi ngày được giảng giải trong buổi pháp thoại vào buổi tối bằng video của Thiền sư Goenka. Thiền sinh giữ im lặng hoàn toàn trong chín ngày đầu. Vào ngày thứ mười, thiền sinh học cách thực hành Metta (thiền tâm từ) và được nói chuyện trở lại. Đây là thời gian chuyển tiếp để trở lại cuộc sống bình thường. Khóa thiền chấm dứt vào buổi sáng ngày thứ mười một.
TÀI CHÁNH CHO KHÓA THIỀN
Tất cả các khóa thiền hoạt động hoàn toàn do sự đóng góp tự nguyện. Không phải trả tiền để tham dự khóa thiền, ngay cả chi phí ăn ở. Tất cả mọi phí tổn đều do sự hiến tặng của những thiền sinh, sau khi đã hoàn tất một khóa thiền và thâu lượm được những lợi ích từ Vipassana, muốn giúp những người khác có được cơ hội tương tự. Cả Thiền sư Goenka lẫn các Thiền sư Phụ tá đều không nhận thù lao: họ và những người phục vụ khóa thiền cống hiến thời gian của mình. Như thế Vipassana được truyền dạy mà không bị thương mại hoá.
PHƯƠNG PHÁP KHÔNG TÔNG PHÁI
Mặc dù được lưu truyền trong truyền thống Phật giáo, nhưng Vipassana có thể được mọi người thuộc mọi thành phần chấp nhận và thực hành. Chính Đức Phật giảng dạy Dhamma (phương pháp, chân lý, con đường giải thoát). Phương pháp dựa trên căn bản là mọi người đều có những khó khăn giống nhau, và phương pháp thiết thực có thể diệt trừ được những khó khăn này có thể được mọi người áp dụng. Hơn nữa, Vipassana không tạo ra sự lệ thuộc vào người giảng dạy. Vipassana dạy cho những người thực tập phải độc lập. Khóa thiền mở rộng cho bất cứ ai thành tâm muốn học phương pháp thiền, không phân biệt màu da, tín ngưỡng hay xứ sở. Những người theo Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, Ấn Độ giáo, Jains, Hồi giáo, Sikhs, Phật giáo và những tôn giáo khác – nam tu sĩ, linh mục, nữ tu sĩ cũng như các cư sĩ tại gia – đều đã thực tập Vipassana thành công.
Căn bệnh là căn bệnh chung, do đó thuốc chữa phải là thuốc chữa chung. Ví dụ, khi chúng ta nóng giận, sự nóng giận này không phải là sự nóng giận của người theo Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo, sự nóng giận của người Trung Hoa hay người Mỹ. Tương tự, sự thương yêu và lòng từ bi không dành riêng cho bất cứ một sắc dân hoặc một nhóm người nào. Chúng là phẩm chất chung của con người đạt được nhờ sự trong sạch hóa tâm hồn. Nhiều người thuộc mọi thành phần xã hội hiện đang thực hành thiền Vipassana nhận thấy rằng họ đang trở thành con người tốt đẹp hơn.
NHỮNG KHÓ KHĂN TRÊN THẾ GIỚI
Những sự phát triển trong các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, giao thông, truyền thông, nông nghiệp và y khoa đã cách mạng hóa cuộc sống con người về mặt vật chất. Nhưng sự tiến bộ này chỉ ở bề ngoài, trong thâm tâm, con người trong thời đại này sống trong một trạng thái tinh thần và tình cảm đầy căng thẳng ngay cả tại những nước tiên tiến và giàu có.
Dân chúng tại mọi quốc gia đều vô cùng khổ sở vì những thành kiến về màu da, chủng tộc, tông phái và giai cấp. Sự nghèo đói, chiến tranh, vũ khí hủy diệt hàng loạt, bệnh tật, nghiện ngập, sự đe dọa của nạn khủng bố, ô nhiễm môi trường và sự suy thoái về giá trị đạo đức – tất cả đều đưa đến bóng tối bao trùm tương lai của nền văn minh. Người ta chỉ cần liếc qua trang đầu của một tờ báo hằng ngày là biết ngay sự khổ sở triền miên và sự tuyệt vọng sâu xa đang hành hạ con người trên khắp trái đất. Có lối thoát nào cho những khó khăn hầu như tuyệt vọng này không?
Câu trả lời, dĩ nhiên là có. Nhiều người ở khắp nơi đang sốt sắng tìm cách để đạt được sự an vui và hòa hợp, phương cách có thể mang lại niềm tin về phẩm chất tốt đẹp sẵn có của con người và tạo nên một môi trường tự do và an toàn không còn bị lợi dụng về xã hội, tôn giáo, và kinh tế. Vipassana chính là phương pháp đó.
VIPASSANA VÀ SỰ THAY ĐỔI TRONG XÃ HỘI
Vipassana là con đường đưa đến sự giải thoát khỏi mọi đau khổ: diệt trừ ham muốn, ghét bỏ và vô minh (tham, sân, si) vốn là căn nguyên của mọi khổ đau của chúng ta. Những người thực tập Vipassana trút bỏ từ từ những căn nguyên gốc rễ của đau khổ và thoát khỏi những căng thẳng cố hữu để sống một cuộc sống an lạc, lành mạnh và có ích.
Chương trình Vipassana 10 ngày cho tù nhân và ban quản trị được đưa vào nhiều nơi tại Ấn Độ cũng như tại Mỹ, Anh, New Zealand, Đài Loan và Nepal. Có hai trung tâm thường xuyên tại những nhà tù tại Ấn Độ, nơi có hơn 10.000 tù nhân đã tham dự những khóa thiền. Khởi nguồn của ý tưởng độc đáo này nảy sinh đầu tiên vào năm 1975 – 1977 từ những khóa thiền Vipassana trong trại tù trung ương Jaipur và trường cảnh sát Jaipur. Hai thập niên sau, các hạt giống đó trở thành một khóa thiền đông đảo với hơn 1.000 tù nhân tại nhà tù lớn nhất Ấn Độ, trại tù trung ương Tibar tại New Delhi. Sự kiện độc đáo
này được thu hình trong cuốn phim đoạt giải thưởng là “Hành Thiền Vipassana trong lúc ở tù” (Doing time, Doing Vipassana).
Chính phủ Ấn Độ đề nghị đưa Vipassana thành một biện pháp cải tạo cho mọi nhà tù. Thêm vào đó, cũng nằm trong chương trình huấn luyện, hàng ngàn viên chức cảnh sát đã hoàn tất những khóa thiền tại trường cảnh sát tại Delhi như một phần trong chương trình huấn luyện.
Tại Mỹ, Vipassana được đưa vào chương trình cải tạo tại Trung Tâm Phục Hồi Bắc Mỹ (NRF) tại Seattle từ năm 1977 và chấm dứt năm 2002 khi nhà tù đóng cửa. Nhờ những thành quả đáng khích lệ trong các khóa thiền 10 ngày tại NRF, vào năm 2002, Viện Y Tế Quốc Gia đã cấp cho trường đại học Washington một khoản trợ cấp ba năm để nghiên cứu về tác dụng trị liệu lâu dài của thiền Vipassana đối với những tù nhân nghiện ngập. Hai khóa thiền Vipassana cũng đã được tổ chức tại nhà tù San Francisco.
Cuộc đời công chức của Sayagyi U Ba Khin, thầy của Thiền Sư Goenka, là một ví dụ đáng chú ý. Là bộ trưởng của nhiều bộ tại Liên Bang Miến Điện, Sayagyi đặt nặng vấn đề trách nhiệm, kỷ luật và đạo đức cho người dưới quyền bằng cách dạy Vipassana cho họ. Năng suất làm việc gia tăng gấp bội và tham nhũng hầu như biến mất.
Bộ Gia Cư thuộc chính phủ Rajasthan cũng thay đổi một cách tương tự. Maharashtra, một bang có nền công nghiệp phát triển nhất tại Ấn Độ, vào năm 1996, bắt đầu cho nhân viên, cứ ba năm một lần, được nghỉ có lương để thực tập Vipassana để giúp họ đối phó với những căng thẳng.
Hàng chục ngàn học sinh tại Ấn Độ được dạy phương pháp thiền quan sát hơi thở là bước đầu của Vipassana. Cả phụ huynh lẫn giáo chức đều báo cáo sự gia tăng việc tập trung tư tưởng và giảm thiểu vấn đề kỷ luật trong số những học sinh tham dự. Khóa thiền Vipassana cũng được tổ chức cho những người bị khuyết tật gồm cả người khiếm thị và bệnh phong cùi. Những chương trình khác nhắm vào những người nghiện ma túy, trẻ em không nhà, sinh viên và các giám đốc doanh nghiệp.
Những thử nghiệm này cho thấy việc thay đổi xã hội phải bắt đầu từ từng cá nhân. Thay đổi xã hội không thể hoàn toàn dựa vào sự thuyết giảng và giáo lý. Kỷ luật và hành vi đạo đức không thể được áp đặt vào học sinh chỉ qua sách vở. Người phạm tội không thể trở thành công dân tốt vì sợ bị trừng phạt. Những xung đột giữa các sắc dân và giáo phái không thể được giải quyết bằng các biện pháp trừng phạt. Lịch sử đã chứng minh sự thất bại của những giải pháp này.
Cá nhân là chìa khóa để giải quyết vấn đề. Mỗi người phải được đối xử bằng tình thương và tâm từ ái. Mỗi người phải được huấn luyện để tự cải thiện – không phải bằng cách hô hào phải tuân theo giới luật đạo đức mà bằng cách phát sinh lòng mong muốn thay đổi một cách chân thành. Con người phải được hướng dẫn cách tìm hiểu bản chất thật sự của mình, để bắt đầu một tiến trình có thể mang lại thay đổi và đưa đến việc trong sạch hóa tâm hồn. Đây là sự thay đổi duy nhất sẽ tồn tại lâu dài.
Vipassana có khả năng thay đổi tâm tính con người. Dịp may đang chờ đón những ai thật lòng muốn cố gắng thực tập.