(Giảng ngày 4 tháng 4 năm 2000 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 185, số hồ sơ: 19-012-0185)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời mở sách Cảm ứng thiên, đoạn thứ 114: “Hối lạp ca vũ. Sóc đán hiệu nộ. Đối bắc thế thóa cập nịch. Đối táo ngâm vịnh cập khốc.” (Ca múa vào những ngày cuối tháng, cuối năm. Khóc lóc quát giận sáng sớm ngày đầu tháng. Quay về hướng bắc hỉ mũi, khạc nhổ, tiểu tiện. Ngâm vịnh, khóc lóc trước bếp lò.)
Những đoạn từ đây về sau, từ đoạn 114 đến đoạn 118 là nói về những điều xấu ác “bất kính với thiên thần”, cả thảy bốn đoạn từ 114 đến 117, riêng đoạn thứ 118 là tổng kết.
Trong đời hiện đại, nói đến quỷ thần trong trời đất người ta đều không tin, đều cho đó là mê tín. Thế nhưng thực tế trong xã hội cũng có rất nhiều hiện tượng mâu thuẫn, quý vị nói là không có, nhưng rất giống như có, ví như luân hồi chuyển thế, như những chuyện kỳ quái không thể nghĩ bàn, vượt hẳn bên ngoài kiến thức thông thường của người đời, nhưng vẫn thường có. Chúng ta xem trên báo chí, xem tin tức vẫn thường thấy được, rốt cùng là có thật hay không? [Những sự việc ấy] là tồn tại hay không tồn tại? Những người có học thức thời xưa không đưa ra kết luận, vẫn để tồn nghi. Những sự việc này không hề rõ ràng, phải tiếp tục quan sát không ngừng, phải nghiên cứu, không thể đưa ra luận điểm nhất định. Thế nhưng người đời ngày nay họ khẳng định những điều này là mê tín, là hư dối không có thật.
Các nhà khoa học chân chính, khi tôi ở phương Tây [được biết], hầu như phương Tây có rất nhiều nhà khoa học lớn, hết thảy đều tin sâu vào tôn giáo. Họ tin có thượng đế, tin có thần linh. Trung quốc, Ấn Độ, Ai Cập, là những quốc gia [có từ] thời thượng cổ của thế giới, có lịch sử văn hóa lâu đời, có thể nói là đã tích lũy nhiều ngàn năm kinh nghiệm, nhiều ngàn năm học thuật, cho chúng ta biết rằng những việc này là có thật. Cách nói của các nhà khoa học hiện đại cùng với lời dạy của các bậc hiền thánh xưa, đích thực là không hề toan tính mà tự nhiên có chỗ phù hợp nhau. Các nhà khoa học không gọi là quỷ thần mà gọi là sinh vật trong các chiều không gian khác. Khoa học đích thực đã chứng minh được là không gian có nhiều chiều khác biệt. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ trong phần cuối bản chú giải kinh Vô Lượng Thọ có đưa vào phụ lục một bản văn. Ông là một nhà khoa học, cũng có dạy một môn khoa học tại trường Đại học Thiên Tân. Trong bản văn phụ lục này nói rõ, các nhà khoa học phương Tây đã chứng thực được sự tồn tại của mười một chiều không gian khác nhau. Chúng ta thường nói không gian ba chiều, bốn chiều, năm chiều... cho đến không gian mười một chiều là các nhà khoa học đã chứng minh được, quả thật tồn tại.
Theo lý luận mà nói, các chiều không gian là vô tận. Theo lý luận nói là vô tận, trong thực tế đã chứng minh thật có mười một chiều không gian khác biệt. Cũng giống như cái tivi của chúng ta, khi chứng minh được có mười một tần số khác biệt, tần số khác biệt thì [băng tần] này không biết đến [băng tần] kia, hai bên không thể nhìn thấy nhau.
Nói chung, những sinh vật ở các chiều không gian cao hơn có trí tuệ cao hơn, có thể biết được các chiều không gian thấp hơn. [Sinh vật trong] các chiều không gian thấp hơn quyết định không thể biết được [sinh vật ở] các chiều không gian cao hơn. Cũng giống như động vật, các loài rất thấp kém như sâu, bọ, trùng, kiến, vi sinh vật... đời sống của chúng là trong không gian hai chiều. Tức là trong cảm giác nhận biết của chúng chỉ có chiều dài và chiều rộng, hoàn toàn không có chiều cao. Cho nên, con kiến bò lên đến tận nóc nhà của chúng ta, chúng ta không biết làm sao nó lên cao được như vậy? Vì nó không có cảm giác nhận biết về độ cao. Chúng ta có cảm giác, nhận biết về độ cao, đó là sinh vật thuộc không gian ba chiều. Cho nên chúng ta có thể biết đến các loài sâu, bọ, trùng, kiến... mà chúng không biết đến ta. Vì vậy, chúng ta từ chỗ này phải liên tưởng, suy lường, so sánh các sinh vật ở các chiều không gian cao hơn với ta cũng giống như chúng ta nhìn loài kiến. Họ có thể nhìn thấy chúng ta, ta không có cách gì biết được sự tồn tại của họ. Điều này đem so với quỷ thần được nói trong truyền thuyết xa xưa hoàn toàn phù hợp, hết sức gần gũi, chỉ là tên gọi khác nhau thôi, thực sự là chính xác hoàn toàn như nhau.
Nếu chúng ta miễn cưỡng dùng Phật pháp để so sánh tương thông, quý vị phải nghe kỹ, đây chỉ là miễn cưỡng so sánh thôi, các nhà khoa học nói có mười một chiều không gian khác biệt, trong Phật pháp chúng ta nói có mười pháp giới, mỗi một pháp giới không gian thời gian đều không giống nhau. Thế nhưng nói như vậy thì cần phải chứng minh, cần phải chứng thực. Các nhà khoa học có thực sự hiểu được là có sự tồn tại của mười pháp giới hay không? Nhưng trong Phật pháp đối với mười pháp giới giảng giải hết sức thấu triệt, so ra rõ ràng sáng tỏ hơn bất kỳ tôn giáo nào khác.
Trước đây khi tôi ở tại Đài Loan, gần nhà của Hàn Quán trưởng có một nhà thờ Thiên chúa giáo. Vị linh mục ở nhà thờ đó cũng là một học giả, tên Phương Hào, ở Đài Loan rất nhiều người biết tiếng. Ông là Viện trưởng của Viện Đại Văn Học. Tôi quen biết rất thân. Tôi đưa cho ông ấy mượn [kinh điển trong] Đại Tạng Kinh để xem. Sau khi xem, ông bảo tôi: “[Đạo Phật của] quý vị, đối với việc ghi chép về thiên đường, trong quyển kinh này ghi chép tường tận, chi tiết hơn so với Thánh kinh của chúng tôi, giống như đã từng đến đó rồi.”
Tôi đáp: “Không sai. Quý vị chưa từng đến thiên đường, chỉ nghe nói thôi nên nói lại không được tường tận chi tiết. Chúng tôi thực sự đã đến đó rồi, cho nên ngay cả những trạng huống đời sống trên cõi trời cũng đều nói rất rõ ràng.”
Điều này chứng minh quỷ thần trong trời đất đích thực có tồn tại. Chúng ta đối với những chúng sinh trong các chiều không gian khác phải tôn kính.
Trong mấy đoạn văn này đều là nói về sự bất kính, con người đối với quỷ thần trong trời đất không tôn kính. Quỷ thần trong trời đất là chúng sinh, không phải Phật, Bồ Tát. Họ cũng có sự mừng, giận, thương yêu, vui thích. Nói cách khác, họ vui mừng hoan hỷ thì khen ngợi quý vị, giúp đỡ hỗ trợ quý vị. Họ không hoan hỷ thì sẽ lìa xa quý vị, không hỗ trợ giúp đỡ quý vị.
Con người khẩn cầu quỷ thần trong trời đất che chở, bảo vệ, giúp đỡ, cũng là có điều kiện, không phải vô điều kiện. Vô điều kiện thì chỉ có trong Phật pháp Đại thừa, chư Phật, Bồ Tát hỗ trợ giúp đỡ người là không có điều kiện. Nói cho quý vị biết, quỷ thần trong trời đất giúp đỡ hỗ trợ người ta là có điều kiện. Vì sao vậy? Vì chưa ra khỏi sáu đường [luân hồi], chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa này. Phần chú giải của đoạn này, hy vọng quý vị sẽ chú tâm xem qua một lượt.
“Hối” là kết thúc một tháng, “lạp” là kết thúc một năm. Ngày cuối cùng của một tháng không có ánh trăng, “lạp” là ngày cuối cùng của một năm. Về ngày này, trong phần chú giải nói theo Đạo giáo: “Đây là ngày Tư mệnh Táo quân tâu lên [Ngọc Hoàng] những điều có công hay có tội của người đời.”
Hiện tại chuyện này không còn nữa. Khi tôi còn nhỏ, đây là tập tục của người Trung quốc, bất kể là thành thị hay thôn quê, mỗi nhà đều có bếp riêng. Bếp lò thời đó đốt bằng củi, cho nên có những người tiều phu lên núi đốn củi, gánh về thành thị để bán. Chúng ta đọc Đàn Kinh của Lục tổ, thấy ngài Huệ Năng là một tiều phu, đốn củi mang đến thành thị bán.
Tôi vẫn còn nhớ lúc tôi được mười ba, mười bốn tuổi, ở Kiến Âu thuộc Phúc Kiến. Trong thành thị này không có nước tự nhiên, nước cũng phải mua, có người gánh nước, gánh củi đi trên đường để bán. Cho nên, vào thời ấy bếp lò đều đốt bằng củi. Về sau, tôi đến Đài Loan. Đài Loan so ra tiến bộ hơn, đốt bằng than đá, so với đốt bằng củi thì tiến bộ hơn nhiều. Cho nên, ở các bếp lò đều có chỗ để thờ cúng Táo thần. Khi làm bếp lò, nói chung đều có một khối đất nung lớn, rỗng ruột, dùng như một khám thờ nhỏ trong đó thờ cúng Táo thần. Hai bên Táo thần có một đôi liễn, hai câu đối ghi trên liễn thường giống nhau, nói chung phổ biến khắp Trung quốc, đó là hai câu: “Lên trời tâu việc tốt, xuống đất giữ bình an.” Cho nên, ngày trước Trung quốc đối với Táo thần hết sức cung kính. Hiện nay những điều này đều không còn nữa.
Vì vậy có người hỏi tôi, hiện tại không thờ cúng Táo thần nữa, vậy Táo thần có còn hay không? Đối với việc này, không thể nói rằng quý vị có thờ cúng thì mới có, không thờ cúng thì không có. Nếu nói như vậy là đúng thì việc này thật quá dễ dàng rồi. Chúng ta đối với quỷ thần trong trời đất hết thảy không thờ cúng, như vậy họ trở thành không có hay chăng? Dù không thờ cúng, họ vẫn có đó, không phải là không có. Xem trong các sách của Đạo gia, xem trong các truyền thuyết của Trung quốc thời xưa, nơi cửa có thần cửa, cũng là cư ngụ cùng một nơi. Nếu thừa nhận các vị thần ấy thì cũng giống như một nhà chúng ta có rất nhiều người, mọi người cùng sống chung một nhà, người với quỷ thần cùng sống chung. Tuy với con người không cùng tần số, nhưng không thể nói là không có quan hệ. Đích thực là có mối quan hệ vi diệu tồn tại trong đó. Do vậy mà các bậc hiền thánh xưa dạy ta phải cung kính.
Chữ “lạp”, nói theo tập tục có năm loại, chỗ này có ghi chép lại: “Ngày mồng một tháng giêng gọi là ‘thiên lạp’, ngày mồng năm tháng năm gọi là ‘địa lạp’, ngày mồng bảy tháng bảy gọi là ‘đạo đức lạp’, ngày mồng một tháng mười gọi là ‘tuế lạp’, ngày mồng tám tháng mười hai gọi là ‘hầu vương lạp’.” Đó là “ngũ lạp” của Trung quốc. Hiện tại cách nói như vậy rất ít người biết, cũng không có người giảng nói. Tôi nghĩ, trừ ra những người đoán mệnh, xem tướng, xem phong thủy vẫn còn nói đến, ngoài ra những trường hợp khác đã không còn ai nói đến nữa.
Chúng ta ngày nay đọc qua một đoạn này, nhận hiểu được đại ý trong đó. Nho gia dạy chúng ta, quý vị xem sách Lễ ký, Lễ ký tinh hoa lục, mọi người ở đây đều có. Quý vị xem ngay chương đầu tiên, hàng đầu tiên đã có một câu: “Khúc lễ nói: Không được bất kính.” Trong Phật pháp, Phật dạy chúng ta “đối với người, đối với sự, đối với vật”. Phạm vi của vật bao quát cả quỷ thần trong trời đất. Phạm vi của vật rất lớn, trong đó bao quát cả mười pháp giới. Phạm vi của người chỉ khái quát trong một pháp giới, cõi người. Đối với người, đối với sự, đối với vật đều phải cung kính.
Đạo giáo dạy người cung kính quỷ thần trong trời đất, mục đích là để gần điều lành, xa điều dữ, mong cầu quỷ thần trong trời đất ban phúc, che chở giúp đỡ. Trong Phật pháp Đại thừa dạy chúng ta hết thảy đều cung kính. Trong nghi lễ sám hối chúng ta thường niệm “nhất tâm đảnh lễ, nhất thiết cung kính”, ý nghĩa này từ đâu mà có? Là từ nguyện thứ nhất trong mười nguyện Phổ Hiền: “Lễ kính chư Phật.”
Ý nghĩa này trong Phật pháp giảng rất sâu xa, giảng rất thấu triệt, muôn hình vạn tượng trong hư không, cho đến hết thảy chúng sinh đều là sự lưu xuất hiển lộ từ đức của tự tánh, cung kính là sự mở rộng đức của tự tánh. Chúng ta học Phật, mục tiêu cuối cùng là phải “minh tâm kiến tánh” (sáng rõ tâm ý, thấy được tự tánh), quý vị nếu không từ chỗ này nỗ lực tu học thì việc minh tâm kiến tánh thật rất khó khăn.
Mười nguyện Phổ Hiền là mười phương pháp, là điều kiện cơ bản nhất của việc minh tâm kiến tánh. Đến giai đoạn Phổ Hiền, mục đích là thấy tánh thành Phật. Giai đoạn trong Đại thừa là chỉ các địa vị của hàng Bồ Tát, mục tiêu còn chưa xác định nơi quả Phật viên mãn. Mong cầu của người tu tập Đại thừa là quả vị Đăng địa, cũng là địa vị thứ mười một của hàng Bồ Tát. Đạt đến quả vị đó không phải là quả Phật rốt ráo viên mãn. Thế nhưng mục tiêu của [hạnh nguyện] Phổ Hiền là quả Phật rốt ráo viên mãn. Nói cách khác, phải dùng tánh đức rốt ráo viên mãn thì mới có thể làm sáng tỏ quả Phật rốt ráo viên mãn. Ý nghĩa là ở chỗ này.
Hai chữ “sóc đán”, sóc là ngày mồng một, đán là lúc sáng sớm, lúc mặt trời vừa mới nhô lên khỏi núi. Đây là nói sự cung kính đối với các vị thần trăng, sao, mặt trời. Phương bắc là phía trên, chúng ta ở Bắc bán cầu thì phía trên là phương bắc, ở nam bán cầu thì phía trên là phương nam. Chỗ này chúng ta thấy được địa cầu tự xoay chung quanh trục giữa. Ban đêm những lúc trời trong sáng, quan sát các vì sao trên trời, quý vị thấy hết thảy các vì sao đều xoay chuyển, chỉ riêng sao Bắc cực không di chuyển. Phương không chuyển động đó được gọi là phương trên. Đối với bề trên phải cung kính, ý muốn nói là như vậy. Hỉ mũi, nhổ nước bọt đều là những hành vi bất kính.
Táo thần là vị thần chủ tư mệnh. Con người lấy việc ăn uống là quan trọng nhất, nuôi dưỡng sinh mạng thì quan trọng thiết yếu nhất là việc ăn uống. Đây tức là đối với việc ăn uống phải tôn trọng, không thể phóng túng bừa bãi, không thể khinh chê xem thường, phải bồi dưỡng đức tánh cung kính của mình. Có thể tôn kính muôn vật trong trời đất, đối với muôn vật trong trời đất quý vị có thể tôn kính, đương nhiên đối với con người quý vị cũng tôn kính. Đối với con người quý vị tôn kính thì đối với các bậc cha mẹ, trưởng bối, đương nhiên quý vị biết tôn kính, quý vị hiểu được tôn chỉ, ý nghĩa giáo dục của các bậc hiền thánh xưa là ở chỗ nào. Sự giáo dục đó là tốt đẹp, không thể xem đó là mê tín. Ví như đó là mê tín thì hiệu quả cũng là hết sức thù thắng tốt đẹp. Huống chi trí tuệ của chúng ta, kinh nghiệm, hiểu biết thường thức của chúng ta đều chưa đạt được. Sau khi đạt được rồi mới hiểu được chân tướng sự thật, những lời dạy của thánh hiền là có ý nghĩa, không phải là không có ý nghĩa. Ý nghĩa này rất sâu xa, ý nghĩa này rất rộng, nếu chúng ta chú tâm thể hội, vận dụng vào thực tế, đối với sự tu trì của bản thân, chúng ta gọi là công phu đắc lực, tự nhiên liền có hiệu quả.
Ngày nay chúng ta tu hành công phu không đắc lực, nguyên nhân tại đâu? Điều này nhìn qua có thể hiểu được. Cho nên tôi thường nói, chúng ta đều thuận theo cảm tình, thuận theo tình chấp, không thể thuận theo những lời răn dạy của chư Phật, Bồ Tát. Lỗi lầm của chúng ta chính là ở chỗ này.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.