(Giảng ngày 15 tháng 9 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 98, số hồ sơ: 19-012-0098)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời cùng mở bản văn, xem đến đoạn thứ 41, chỉ có hai câu là: “Mạn kỳ tiên sinh, bạn kỳ sở sự.” (Khinh thường thầy dạy, không kính phụng thầy.) Đây là Thái Thượng nêu lên cho chúng ta một điển hình tiêu biểu, việc xấu ác này là đại ác trong các việc ác.
“Tiên sinh”, hiện nay chúng ta gọi là thầy cô giáo. Trong phần chú giải trích dẫn những điều người xưa đã dạy, nói rằng [đó là những người] “truyền đạo, dạy nghề, giải trừ mê hoặc”. Nhà Phật thường nói, thân mạng của chúng ta có được từ cha mẹ, còn tuệ mạng có được từ thầy dạy. Chư Phật, Bồ Tát là thầy dạy của chúng ta. Thân mạng đem so với tuệ mạng thì tuệ mạng quan trọng, thiết yếu hơn nhiều. Nếu người có được tuệ mạng thì đời đời kiếp kiếp nhất định không đọa vào ba đường ác, nhất định có thể vượt thoát ra khỏi luân hồi, vượt thoát ra khỏi mười pháp giới. Do đó có thể biết rằng, tuệ mạng quan trọng hơn thân mạng, [cho nên] ân đức của chư Phật, Bồ Tát vượt hơn cha mẹ. Ý nghĩa này chúng ta phải hiểu rõ.
Thế nhưng, trong thế gian hiện nay hầu như không thấy những bậc thầy có thể thực sự giúp chúng ta đạt được tuệ mạng. Đó cũng là sự thật. Nhà Phật thường nói: “Trong cửa Phật không bỏ người nào.” [Vậy thì] sao ngày nay chúng ta phát tâm cầu được pháp thân tuệ mạng nhưng chư Phật, Bồ Tát không hiện đến giúp đỡ hỗ trợ chúng ta? Chúng ta học Phật đã lâu như thế, đối với Kinh điển giáo pháp cũng đã đi sâu được phần nào, chúng ta có thể khẳng định lời của chư Phật Bồ Tát là chân thật, nhất định không phải hư dối. Nói cách khác, [chư Phật, Bồ Tát] nhất định không bỏ chúng ta.
Vấn đề là tâm cầu đạo của chúng ta chân thật hay giả tạo. Nếu tâm cầu đạo của chúng ta không chân thật thiết tha, chư Phật, Bồ Tát sẽ không đến, vì đến cũng không có ý nghĩa gì. Nếu tâm cầu đạo của chúng ta thực sự khẩn thiết chân thành, nhất định sẽ có sự cảm ứng. Do đó có thể biết rằng, chúng ta cầu pháp tu hành, trong một đời này có thể thành tựu hay không, thành tựu sớm hay muộn, hết thảy đều do chính ta quyết định, không phải do người nào khác quyết định cho ta. Tự mình có tâm chân thành, tâm thanh tịnh, nỗ lực y theo giáo pháp thực hành, chư Phật, Bồ Tát liền hiện đến. Các ngài có những phương tiện khéo léo không thể nghĩ bàn để gia trì cho chúng ta. Nếu trong lòng có mảy may không thành thật, không chơn chất, nhất định không thể có sự cảm ứng.
Cho nên, người đời nay tâm địa cảm ứng được chỉ toàn là yêu ma quỷ quái. Vì sao lại có hiện tượng như vậy? Vì trong tâm họ toàn tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn, trong tâm có những tri thức, kiến giải tà vạy. Tà với tà cảm ứng nhau, chân với chân cảm ứng nhau. Lẽ nhất định là như vậy.
Hiện nay chúng ta tự mình không biết phải tu học như thế nào, nên tâm chân thành không thể phát khởi. Cha mẹ cũng không biết, thậm chí các bậc thầy ngày nay cũng không biết. Thực trạng này thật hết sức đáng buồn.
Khi tôi còn nhỏ, ngày đầu tiên đến trường tư thục, cũng vào khoảng chừng bảy tuổi, vẫn nhớ được hết sức rõ ràng ấn tượng vào lúc đó. Trường tư thục ấy là bên trong từ đường của một họ. Thầy giáo họ gì tôi không nhớ, vì chuyện đó nhỏ nhặt quá. Tôi chỉ nhớ được khi ấy cha tôi đi trước tôi, có chuẩn bị lễ vật để dâng biếu thầy giáo. Khi đến từ đường, vào gặp thầy giáo thì trước hết mang lễ vật dâng lên, rồi cha tôi đứng trước, tôi đứng phía sau. Nơi đó cũng có một điện thờ, bên trên ngay giữa điện thờ là bài vị “Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư”, chính là bài vị đức Khổng tử. Chúng tôi hướng về bài vị đức Khổng tử thi hành đủ lễ nghi ba lần quỳ, chín lần khấu đầu. Vẫn là cha tôi phía trước, tôi phía sau cùng làm lễ.
Lễ bái như vậy xong rồi, [cha tôi] thỉnh thầy giáo ngồi giữa, cha tôi lại đứng trước, tôi đứng sau, cùng hành lễ với thầy giáo, cũng đủ ba lần quỳ, chín lần khấu đầu. Ấn tượng của tôi khi ấy hết sức sâu sắc. Bậc phụ huynh mang con em mình đến giao phó cho thầy giáo, nhờ thầy giáo nghiêm khắc dạy dỗ, dùng đến lễ nghi hết sức long trọng như thế. Phụ huynh phải lễ lạy thầy giáo. Quý vị nghĩ xem, thầy giáo nếu không dạy dỗ thật tốt học trò thì làm sao xứng đáng với sự tôn trọng như vậy của các bậc phụ huynh?
Hiện nay không còn nữa, không còn ai hiểu được điều đó. Năm xưa, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam ở Đài Trung mở một lớp học, gọi là lớp “Nghiên cứu nội điển”. Lớp có tám học sinh, thầy dạy có sáu người, tôi là một trong số đó. Thầy Lý đích thân chịu trách nhiệm lớp học ấy. Ngày khai giảng, thầy Lý thỉnh cả sáu thầy giáo chúng tôi lên ngồi ghế trên, chúng tôi sáu người vốn đều là học trò của thầy. Thầy Lý đứng trước, tám học sinh của lớp đứng sau thầy, cùng lạy chúng tôi ba lạy. Thầy Lý nói: “Tôi đại diện cho phụ huynh của các học sinh này.” Nói chung, trong đời này tôi chỉ gặp việc như thế một lần duy nhất, không hề gặp lại. Thầy Lý đại diện cho các phụ huynh, dẫn dắt cả tám học sinh [cùng hành lễ]. Chúng tôi sáu người ngồi phía trên, nhận của thầy và tám học sinh ấy đủ ba lạy. Chúng tôi nếu không thực sự nỗ lực dạy dỗ các học sinh ấy thì sao còn có thể nhìn mặt thầy?
Hiện nay đâu ai hiểu được ý nghĩa này? Không những quý vị không nhìn thấy mà cũng không hề nghe nói đến. Cho nên, thời xưa tình thầy trò như cha con, thực sự so ra còn thân thiết hơn cả cha con. Các con của thầy với chúng tôi như anh em một nhà, suốt một đời thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Cho nên, người làm thầy dù hết sức cay đắng khó nhọc, tầng lớp trí thức [ngày xưa] hết sức nghèo khó, nhưng họ đều hết sức hài lòng. Học trò được dạy dỗ thật tốt, tương lai có thể thành người xuất sắc phi thường, con cháu của họ nhiều đời đều có người quan tâm, họ không còn phải lo lắng việc về sau.
Người thời xưa có đạo nghĩa, hiện tại không có. Hiện tại chúng ta quan sát cấu trúc của xã hội, người với người gắn bó với nhau qua điều gì? Chẳng qua là mối quan hệ lợi hại mà thôi. Có lợi thì là bè bạn, là thân thuộc; khi không có lợi thì đó là oan gia, là kẻ đối đầu. Quý vị nói xem, như thế là xã hội gì chứ?
Từ chỗ này chúng ta thể hội được sự trọng yếu của nền giáo dục thánh hiền. Đánh mất đi nền giáo dục của thánh hiền thì người với cầm thú có gì khác nhau nhau? Đó thực sự là lời đức Khổng tử. Người cũng là động vật, so với hết thảy động vật khác biệt ở chỗ nào? Chính là con người hiểu biết đạo nghĩa, có thể phân biệt sáng tỏ “đạo, đức, nhân, nghĩa, lễ”, còn những động vật khác thì không biết. Nhưng con người vì sao rõ biết được “đạo, đức, nhân, nghĩa, lễ”? Là nhờ có thầy dạy. Cho nên, đối với thầy cô giáo sao có thể khinh thường xem nhẹ?
Về việc “khinh thường thầy dạy”, nói thật ra các bậc thầy đều thuộc hàng trí thức, đều là người hiểu rõ lý lẽ, đối với danh vọng, lợi dưỡng đều hết sức xem nhẹ, cũng không cần đến sự cung kính của người khác. Học trò đối với thầy tỏ lòng cung kính, đó là cung kính điều gì? Chính là cung kính cái học của mình, ý nghĩa ở chỗ này. Thầy dạy học trò, mối quan tâm thực sự có khác biệt nhau. Đó là nguyên nhân gì? Thầy quan sát người học trò, nếu có một phần cung kính thì dạy cho một phần, hai phần cung kính thì dạy cho hai phần. Nguyên nhân vì sao? Tuyệt đối không phải do sự cung kính đối với thầy nhiều hay ít, mà bởi vì [nhận biết được] khả năng tiếp nhận của quý vị nhiều hay ít.
Tổ sư Ấn Quang trong Văn Sao giảng rằng: “Nhất phần thành kính đắc nhất phần lợi ích.” (Một phần thành kính được một phần lợi ích.) Nếu dạy cho quý vị hai phần là thừa ra một phần, như vậy là lãng phí. Khả năng dung chứa của quý vị chỉ có chừng ấy, dù có đưa nhiều vào cũng chỉ chứa được chừng ấy, đưa vào nhiều hơn thì tràn mất. Quý vị có mười phần thành kính tức là dung chứa được nhiều, phải dạy cho quý vị nhiều hơn. Chỉ một phần thành kính là khả năng dung chứa nhỏ hẹp lắm, chỉ có thể dạy một phần thôi. Ý nghĩa là ở chỗ này. Không phải thầy vui vẻ với quý vị, khi quý vị cung kính, nịnh bợ thì thầy dạy cho quý vị. Không phải vậy. Đó là xem khả năng tiếp nhận của quý vị được đến mức nào. Quý vị có mười phần thành kính, thầy dạy cho quý vị chín phần là không xứng đáng [làm thầy]. Quý vị có một phần thành kính, dạy cho quý vị hai phần là dư thừa, quý vị không tiếp nhận hết. Ý nghĩa là như vậy.
Nếu vị thầy tham muốn sự cung kính của người khác thì đó là phàm phu, đâu phải thánh nhân? Cho nên, sự thành kính đó đích thực là tâm ham học của quý vị, là tâm hoan hỷ tiếp nhận [tri thức], là tâm y theo lời dạy vâng làm, hiển lộ ra bên ngoài. Vị thầy quan sát thấy được tâm ấy thì không thể không dạy cho quý vị.
Trong quá khứ tôi học qua với ba vị thầy. Lúc ấy đời sống hết sức thanh bạch, nghèo khổ. Nói thật ra, không có lấy một xu để hiếu kính thầy. Khi tôi học với thầy Phương [Đông Mỹ], thầy đặc biệt dành thời gian đến dạy cho tôi mà tôi không hề nộp một xu tiền học phí. Đến khi học với Đại sư Chương Gia trong ba năm, tôi cũng chưa từng có một xu nào cúng dường Đại sư. Thầy biết điều này, thầy biết hoàn cảnh của tôi. Có những lúc thầy trò bàn luận rất lâu, đến quá mười hai giờ, thầy giữ tôi ở lại dùng cơm. Rồi tôi theo học với thầy Lý Bỉnh Nam trong mười năm, thầy lại thường cho tiền tôi, chăm sóc tôi, trong khi tôi không lo được gì cho thầy. Thầy có rất nhiều học sinh, tiền dâng biếu rất nhiều, thầy thường cho tôi tiền ăn uống, tiền may quần áo. Còn tôi chưa từng nộp thầy một xu tiền học phí.
Với cả ba vị thầy, tôi đều chưa từng nộp một xu tiền học phí, nhưng đều được các thầy đặc biệt quan tâm. Nguyên nhân vì sao? Chính là nhờ thái độ thành khẩn, thực sự muốn học. Quý vị nên biết, cả ba bậc thầy [tôi vừa nhắc trên] đều là những bậc đại đức danh tiếng, rất đông học trò theo học, nhưng không có học trò nào hết lòng kính lễ các thầy giống như tôi. Thật không có người nào cả. Cũng không phải là tôi được dạy dỗ [phải cung kính thầy]. Không ai dạy tôi cả. Từ nhỏ tôi đã phải trải qua rất nhiều khó khăn khổ nạn. Gặp phải giai đoạn kháng chiến, trong tám năm phải trải qua rất nhiều cay đắng khổ nhọc, ngày nào cũng phải chạy trốn, quân Nhật ở phía sau truy đuổi theo. Kháng chiến tám năm, tôi trốn chạy qua mười tỉnh, tất cả đều là chạy bộ. Cho nên đối với mười tỉnh vùng Giang Nam tôi có ấn tượng vô cùng sâu sắc, vì tôi từng chạy bộ qua đó. Thời ấy chưa có nhiều phương tiện giao thông. Phương tiện tốt nhất là đi thuyền, nhưng phải gặp những vùng có sông ngòi mới có thuyền. Những vùng không có sông ngòi thì chỉ có cách chạy bộ.
Vì phải trải qua rất nhiều khổ nạn, tôi không có cơ hội đi học, cho nên lòng tôi đối với việc học vô cùng khẩn thiết, gặp khi có được cơ hội nhất định không để mất đi. Hiện nay cuộc sống của mọi người quả thật sung túc dư dả hơn rất nhiều so với tôi ngày ấy. Cuộc sống quá tốt, tâm cầu học thành ra lạnh nhạt, dù có được học hay không cũng không quan trọng. Cho nên, khuynh hướng “tôn sư trọng đạo” của tôi hầu như phát xuất một cách tự nhiên, như là trong bẩm tính.
Phần tiểu chú có mấy câu rất hay: “Cha mẹ sinh ra thân ta, nhất định nhờ thầy thành tựu việc học.” Mấy chữ “nhất định nhờ thầy” dùng rất hay, tất yếu phải có thầy để thành tựu pháp thân tuệ mạng của chúng ta.
“Cho nên phải tôn trọng thầy cũng như bậc cha mẹ, bậc quân chủ.” Bậc quân chủ ngày trước là vua chúa. Thời xưa không có người dân nào là không tôn kính vua chúa, tôn kính người lãnh đạo đất nước. Hiện tại do nền giáo dục của thánh hiền đã bị phế bỏ, nên người đời đối với bậc lãnh đạo không còn giữ lòng tôn kính, thật đáng tiếc.
“Người thời nay mời thầy dạy con, thường thường nói ra những lời sáo rỗng.” Sách [Vị biên] này được viết ra khoảng cuối triều Thanh, đã có sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Nói thật ra, văn hóa phương Tây truyền vào Trung quốc đã phá hoại đi truyền thống văn hóa cổ xưa của Trung quốc. Cho nên đất nước, dân tộc Trung quốc trong hơn trăm năm qua, đúng hơn là gần hai trăm năm qua, phải chịu sự thống khổ hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Chúng ta cũng không thể trách người khác, chỉ tự trách mình không hiểu biết, tự trách mình mê muội đặt niềm tin, mê muội tin vào văn minh vật chất của phương Tây, đem tất cả những gì sẵn có của mình vất bỏ hết. Đây là một điểm mà chúng ta kém rất xa so với người Nhật.
Người Nhật thông minh hơn so với chúng ta. Họ biết rằng truyền thống của Trung quốc có giá trị, cho nên họ bảo lưu, gìn giữ mãi mãi, còn khoa học kỹ thuật của phương Tây thì họ học theo. Họ xem trọng cả hai [giá trị], cho nên một đất nước nhỏ như thế mà trở thành lớn mạnh được như thế. Chúng ta thì hoàn toàn đem [vốn quý] của mình quên mất hết, chỉ thấy cái hay cái tốt của người khác, cho rằng những thứ của mình là quá cũ kỹ, quá cổ xưa, không hợp thời, hoàn toàn đem vất bỏ. Vì sao người Nhật không chịu vất bỏ? Điều này chúng ta so ra không bằng người Nhật.
[Trên đây là nói] hiện tượng vào cuối đời Thanh, người đi thỉnh thầy dạy học cho con không đủ lòng chân thành. “Tiếc tiền, thiếu lễ”, là nói việc tiền bạc thù lao cho thầy hết sức ít ỏi, lễ nghi thì không có sự chân thành cung kính. “Ngay cả lời nói cũng không khiêm tốn, thiếu sự cung kính, khác nào những kẻ vô văn hóa.” Đây là nói sự khinh rẻ, xem thường thầy dạy. Các bậc thầy đều có gia cảnh thanh bần, hầu hết có cuộc sống rất nghèo khó. Chỗ này nói tâm địa của người [xem thường thầy dạy] là tầm nhìn thiển cận, so với cầm thú thật không khác biệt.
Thế nhưng đối với bậc làm thầy, nhất định không thể vì phụ huynh học sinh đối với mình không kính trọng, xem thường mà quý vị không nỗ lực dạy dỗ học sinh. Nếu vậy thì quý vị sai rồi, nếu vậy thì quý vị không phải người có học. Quý vị vẫn phải hết lòng dạy dỗ, phải làm hết trách nhiệm người thầy. Như vậy quý vị mới là một người thầy có đạo đức, mới thực sự hiểu biết lý lẽ. Nếu quả thật chỉ vì tham cầu tiền thù lao của phụ huynh học sinh, trả nhiều tiền thì nỗ lực dạy dỗ, trả ít tiền thì đối với học sinh đó không dạy dỗ tốt. Người thầy như thế không phải bậc thầy tốt. Người thầy như thế tương lai phải lãnh chịu trách nhiệm nhân quả. Mỗi người đều có nhân quả của riêng mình.
Nhân đây chúng ta phải thực sự hiểu rõ về ý nghĩa nhân quả báo ứng. Chỉ cần tự mình làm tốt bổn phận của mình, nỗ lực hết sức thực hiện bổn phận của mình cho thật hoàn hảo tốt đẹp, hết lòng hết sức mà làm, nhất định sẽ được quả báo tốt đẹp về sau. Nói về tích lũy công đức, người dạy học tức là giáo dục, trong công việc giáo dục đó tích lũy công đức.