(Giảng ngày 19 tháng 10 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 114, số hồ sơ: 19-012-0114)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời xem đến đoạn thứ 50 trong Cảm ứng thiên: “Sát nhân thủ tài, khuynh nhân thủ vị.” (Giết người cướp tài sản, hại người chiếm địa vị.) Đây là điều ác thứ sáu trong các điều ác của những kẻ làm quan chức, viên chức hành chánh.
Trong phần chú giải của Cảm ứng thiên nói rất nhiều, cũng nêu ra rất nhiều trường hợp nhân quả báo ứng. Nói thật ra thì nêu lên nhiều trường hợp như vậy cũng không thể nói hết, vì có quá nhiều. Chỉ vì người phàm chúng ta tâm ý thô tháo, nếu có sự lưu tâm chú ý nhìn kỹ một chút thì có thể thấy ra ngay những chuyện nhân quả báo ứng, hết thảy đều sẵn có quanh ta. Trong sách ghi chép là những chuyện ngày xưa, còn chúng ta tiếp xúc là những việc hiện tiền ở ngay trước mắt.
Chúng ta cần phải biết rõ rằng, pháp luật nhất định không thể tuyệt đối hoàn thiện Có nghĩa là pháp luật thường phải có kẽ hở. Những kẻ khôn lanh có thể lợi dụng kẽ hở của pháp luật để làm điều sai trái, gian dối. Người đời cho rằng như vậy là thông minh, nhưng trong Phật pháp thấy rằng những kẻ như vậy là ngu si nhất. Vì sao vậy? Tầm nhìn của người đời rất cạn cợt, ngắn ngủi, chỉ thấy được cái lợi nhỏ nhoi ngay trước mắt, đánh mất đi lợi ích lớn lao trong tương lai. Như vậy chẳng phải ngu si thì là gì? Vì thế, ngược lại không bằng những người chơn chất thật thà. Người thật thà tuy hiện tại thấy có chút thiệt thòi, cứ nhận lấy, nhưng lợi lạc ở tương lai. Nếu như tích chứa đức hạnh, không để chuyện được mất vướng bận trong lòng, về sau liền được lợi ích lớn lao. Nhà Phật nói rằng những quả báo ấy là thuộc về hoa báo, là quả báo ở đời sau.
Chỗ phước báo lợi ích thù thắng đạt được trong tương lai thật nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Cho nên, đức Phật dạy người phải tích lũy công đức, nhất định không được làm những điều gây tổn hại đến xã hội, tổn hại đến người khác. Những điều như vậy nhất định cũng sẽ gây tổn hại lớn lao cho chính bản thân mình.
Chúng ta nghe qua những lời ấy tuy có thể tin nhận, nhưng niềm tin không đủ sâu vững. Trong lòng tin xen lẫn sự hoài nghi, cho nên mới thường thối tâm. Ý nghĩa là ở chỗ này.
Điều này là do chúng ta không lý luận thấu triệt, không quan sát hiện tượng thật rõ ràng, cho nên mới có sự hoài nghi không quyết định. Nghe được lời răn dạy của chư Phật, Bồ Tát, của các bậc thánh hiền mà vẫn nửa tin nửa ngờ, không thể thành tựu được công đức chân thật của bản thân mình.
Chư Phật, Bồ Tát thường khuyên người phát tâm niệm Phật. Hai chữ “phát tâm” đó ý nghĩa rất sâu xa. Phát tâm là nói phát tâm Bồ-đề, tâm Bồ-đề là tâm giác ngộ chân chính. Mấy ai có thể phát được tâm này? Giác ngộ chân chính thì hết thảy mọi việc đều nghĩ đến vì người khác. Theo lẽ nhân quả, chúng ta thường nghĩ đến vì người khác thì người khác cũng thường nghĩ đến vì chúng ta. Nếu chỉ nghĩ đến riêng mình, không nghĩ vì người khác thì cũng theo lẽ ấy, người khác sẽ không nghĩ đến quý vị. Lý lẽ này chúng ta phải hiểu thật rõ ràng.
Việc làm của các bậc thánh hiền thế gian cũng như xuất thế gian, chúng ta quan sát kỹ, tuy ở nhiều nơi khác nhau nhưng đều có một điểm tương đồng. Đó là các bậc đại thánh đại hiền, anh hùng hào kiệt, đều thường lo khắp mười phương, thường nghĩ đến chúng sinh, nhất là những chúng sinh đang gặp khổ nạn. Mỗi một niệm đều không quên bỏ, mỗi một niệm đều nghĩ đến sự giúp đỡ hỗ trợ chúng sinh, nhất định không có chuyện gây tổn hại, nhất định không lý nào có chuyện giết hại.
“Giết người cướp tài sản, hại người chiếm địa vị”, cưỡng chiếm địa vị của người khác, hãm hại người khác, những chuyện như thế này từ xưa đến nay, ở khắp mọi nơi, chúng ta nhìn thấy rất nhiều, trong xã hội hiện nay cũng không ít. Những kẻ như vậy có thể trốn thoát được sự chế tài của pháp luật, có thể thoát khỏi được tai mắt của người đời, nhưng nhất định không thể trốn thoát được nhân quả, nhất định không thể trốn tránh được quả báo xấu ác.
Cho nên, chúng ta cần phải thường tĩnh tâm suy ngẫm kỹ, cả về Phật pháp cũng như pháp thế gian. Quý vị thường đọc sách Liễu Phàm tứ huấn, phải ghi sâu nhớ kỹ, phải thấu hiểu sáng tỏ: “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định.” (Mỗi một miếng cơm ngụm nước đều đã định trước.) Thấu hiểu được ý nghĩa này thì trong lòng tự nhiên an ổn, biết hài lòng với hiện tại của mình, đó gọi là “đạt lý tâm an”. Lý lẽ không thấu suốt, không thông đạt, trong lòng không thể được an ổn. Tâm không an ổn thì suy nghĩ lung tung bậy bạ, tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp, thế nhưng vẫn tự cho mình là thông minh, tự lấy làm đắc ý. Thật là sai lầm.
Bậc hiền nhân xưa có nói: “Thương yêu người thường được người thương yêu.” Chúng ta muốn cưỡng đoạt của người khác, dù đoạt lấy được cũng không giữ được, rồi cũng bị người khác đoạt lấy mất. Chúng ta lừa gạt được, rốt cuộc cũng sẽ bị người khác lừa gạt lại. Cuối cùng rồi mới biết là nhân duyên quả báo không mảy may sai lệch.
Trong kinh điển đức Phật đặc biệt nói rõ: “Tài sắc danh thực thùy, địa ngục ngũ điều căn.” (Tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, tham ăn, mê ngủ là năm điều căn bản dẫn đến địa ngục.) Như vậy, sao có thể trốn thoát được quả báo địa ngục?
Những lời răn dạy như thế này, trong kinh luận Đại thừa, Tiểu thừa đều có rất nhiều, chúng ta phải suy ngẫm sâu xa, phải tỉnh ngộ. Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta ở trong sáu đường luân hồi, có cõi nào chưa từng trải qua? Chẳng những đã từng trải qua, mà theo như những lời dạy chân thật của đức Phật thì thời gian chúng ta ở trong ba đường ác rất lâu, rất dài, mà thời gian ở trong ba đường lành rất ngắn ngủi. Đó là ý nghĩa nhất định [chắc chắn] như vậy. Từ nơi chỗ chúng ta khởi tâm động niệm, xử sự đối đãi với người, tiếp xúc muôn vật mà tỉnh táo suy xét, phản tỉnh thì có thể thấy biết được như vậy.
Trong kinh tuy có nói đến địa vị bất thối chuyển, nhưng nói ra đâu phải dễ dàng như vậy? Phải là người thấu hiểu sâu xa, sáng tỏ lý lẽ mới được bất thối chuyển. Phải hiểu sâu, phải thấu rõ!
Trong Tứ hoằng thệ nguyện, vì sao hết sức nhấn mạnh việc đoạn phiền não? “Phiền não vô tận thề nguyện đoạn.” Đồng học chúng ta đều biết, tâm tánh của ta, đức năng, trí tuệ của ta so với chư Phật ở quả địa Như Lai vốn không sai khác. Vậy thì hiện nay vì sao rơi vào tình trạng như thế này? Thật hết sức đáng thương, hết sức thê thảm như thế này? Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Thảy đều do vọng tưởng bám chấp nên không thể chứng đắc.” Vọng tưởng là phiền não vô minh, là phiền não trần sa, bám chấp là phiền não kiến tư. Cho nên mới nói: “Phiền não vô tận thề nguyện đoạn.” Phiền não đoạn hết rồi thì quý vị chứng đắc pháp thân. Tự tính là pháp thân, học pháp môn là thành tựu báo thân, độ chúng sinh là thành tựu ứng [hóa] thân.
Chư Phật có ba thân, chúng ta mỗi người cũng đều có đủ ba thân. Ba thân của chúng ta trong hiện tại không thể hiện ra. Thân tướng hiện tại này của ta là thân nghiệp báo. Tạo nghiệp lành thì được phước báo trong hai cõi trời, người. Tạo nghiệp ác thì đi vào ba đường ác thọ lãnh quả báo xấu ác. Cõi a-tu-la không tính là đường lành. Vì sao vậy? Phước báo ở cõi a-tu-la tuy lớn lao, nhưng trong lúc hưởng phước càng tạo thêm nghiệp ác lớn hơn. Phước báo hưởng tận rồi thì quả báo ác ngay trước mắt, thời gian [chịu quả báo] kéo dài chúng ta không cách nào tưởng tượng ra nổi. Vì thời gian tạo nghiệp của họ tuy không lâu dài nhưng là tạo nghiệp hết sức sức nặng nề.
Câu tiếp theo bên dưới là: “Tru hàng lục phục, biếm chính bài hiền.” (Giết kẻ quy hàng, diệt người chịu tội; ép người chân chính, loại kẻ hiền lương.) Chúng ta xem Thái Thượng nói ra đoạn này, nếu nhìn từ góc độ Phật pháp thì đó là ác nghiệp của a-tu-la, ác nghiệp của la-sát. Tuy mang thân người nhưng những kẻ tạo nghiệp ác thuộc loại này so với a-tu-la thật không khác biệt.
Cho nên, theo lễ nghi xưa kia, hai bên đánh nhau lúc chiến thắng thì dùng lễ tang làm chính. Kẻ thắng trong chiến tranh chẳng phải điều vui mừng, vì hiểu được rằng trong lúc chiến tranh, quân lính đôi bên đều tử vong biết bao người, cho nên phải dùng tâm từ bi thương xót mà xử trí những việc sau chiến tranh. Đến như những kẻ đã quy hàng, càng phải dùng tâm từ bi thương xót vỗ về an ủi, giúp đỡ họ được sống yên ổn. Nếu như khởi tâm kiêu căng ngạo mạn, ngược đãi những kẻ quy hàng, mặc tình giết hại, đó là tạo nghiệp rất lớn. Vì sao vậy? Vì những người ấy không còn sức kháng cự mà quý vị còn muốn giết hại họ.
Không chỉ với con người [mới là tội ác lớn], đối với loài vật cũng thế. Thế gian vì sao có chiến tranh? Vì sao có kiếp nạn đao binh? Đó chính là nhân quả báo ứng. Trong kinh điển đức Phật nói rất rõ ràng, nếu muốn cho thế gian này vĩnh viễn không có chiến tranh, không có những tai nạn đao binh, Phật dạy chỉ một câu, [đó là] “trừ phi chúng sinh không còn ăn thịt”, như vậy thì những oán kết này mới có thể cởi mở ra được.
Quý vị ăn thịt loài vật, chúng không cam tâm. Hiện tại chúng không có sức kháng cự, thế nhưng một khi chúng tái sinh vào đời khác, đó gọi là “người chết làm dê, dê chết làm người”, một khi đã tái sinh chuyển kiếp, đến lúc có được sức mạnh chúng sẽ báo thù. Báo thù chẳng phải chỉ vừa đúng mức, mà thường là phải quá hơn một phần. Mỗi lần [báo thù qua lại] đều quá hơn một phần, thật vô cùng đáng sợ!
Cho nên chúng ta xem trong lịch sử, như lịch sử thời gần đây, trong khoảng trăm năm gần đây nhất, lần thứ nhất xảy ra thế chiến, rồi thế chiến thứ hai, trước mắt có thể thấy rồi sẽ đến thế chiến thứ ba, cứ mỗi lần lại thêm tàn khốc hơn. Chúng ta ngẫm nghĩ xem nguyên nhân từ đâu? Chính là nghiệp giết hại. Vì sao dẫn đến sự thật tàn khốc như thế? Truy cứu đến nguyên nhân nguồn cội chính là sự thất bại của giáo dục, không có người dạy dỗ. Những lời răn dạy của các bậc hiền thánh xưa, những lời dạy dỗ của chư Phật, Bồ Tát, chẳng ai tin nhận cả. Mọi người đều cho những điều ấy là mê tín. Không chỉ xem là mê tín, mà còn phản đối, chống lại, vất bỏ đi, hoàn toàn buông thả, thuận theo tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn; hoàn toàn tuân theo quy luật “mạnh được yếu thua”, “cá lớn nuốt cá bé”. Người nước ngoài đề xuất thuyết “tiến hóa” [theo cách ấy] là không hiểu rõ luật nhân quả, không biết được sự thật báo ứng.
Cho nên, thế giới ngày nay đã tiến gần đến bờ vực diệt vong. Ai có thể cứu được? Những tín đồ tôn giáo khác đều kỳ vọng Thượng đế có thể cứu vớt họ. Thượng đế nổi cơn thịnh nộ, Thượng đế giận dữ, muốn trừng phạt người đời. Thượng đế không phải như Phật, Bồ Tát. Phật, Bồ Tát từ bi thương xót người đời, cho nên phải dạy dỗ. Ngày nay chỉ duy nhất có một con đường, chúng ta phải thuận theo chư Phật, Bồ Tát, thuận theo lời răn dạy của các bậc hiền thánh xưa.
Đại sư Ấn Quang vì chúng ta chọn lựa bản văn Cảm ứng thiên này, dạy chúng ta học tập theo. Người người đều có thể học tập y theo Cảm ứng thiên thì kiếp nạn này có thể cứu vãn. Một người tu tập, một người được cứu độ, mọi người cùng học tập, mọi người đều được cứu độ.
Bản văn này không dài, chỉ hơn một ngàn ba trăm chữ, cần phải đọc kỹ. Chẳng những là đọc, mà còn phải nỗ lực phản tỉnh, kiểm điểm tự thân, sửa lỗi hoàn thiện chính mình, đó là con đường để tiêu trừ tai nạn.
Tai nạn do chính mình tạo ra, việc hóa giải cũng phải dựa vào chính mình. Tự mình không chịu quay đầu hướng thiện, cầu thần, cầu Phật, Bồ Tát cũng đều vô ích. Tự mình làm tự mình chịu, cho nên vấn đề cũng phải do tự mình hóa giải.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.