(Giảng ngày 16 tháng 11 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 131, số hồ sơ: 19-012-0131)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Mời xem đoạn thứ 62 trong Cảm ứng thiên: “Nguyện nhân hữu thất. Hủy nhân thành công.” (Mong người khác thất bại. Phá hoại sự thành công của người.)
Từ đây trở về sau tám đoạn đều nói về những việc “nhu ác” (điều ác ẩn giấu trong lòng), trong hai nhóm điều ác là “cương” và “nhu”. Trong phần chú giải nói rõ, “nhân chi hữu thất” (người gặp thất bại) là một sự không may. Chữ “thất” ở đây có thể chỉ sự lầm lỗi sơ sót, hoặc cũng có thể là gặp sự tổn thất, mất mát. Con người khi gặp phải tình trạng không may như thế, những bậc hiền nhân quân tử nhìn thấy, nghe biết thì hết thảy đều khởi tâm lân mẫn thương xót, nhất định không hề có thái độ mừng vui khi người khác gặp tai họa. Tâm thái như vậy là bất thiện, chỗ này Thái Thượng bảo cho ta biết rằng đó cũng là điều ác, tuy không thể hiện ra hành vi nhưng khởi tâm động niệm như vậy đã là xấu ác rồi.
Người sống ở đời, không thể nào tránh được tai họa. Đó là do nguyên nhân gì? Do từ vô lượng kiếp đến nay, chúng sinh trong sáu đường luân hồi, khởi tâm động niệm, nói năng hành động, nhất định đều là ác nhiều thiện ít. Trong kinh điển Phật giáo, tôi thường đọc nhất là bộ Bách pháp minh môn. Trong bộ luận này dạy chúng ta rằng, tâm của chúng sinh còn phiền não có 26 loại, trong đó chỉ có 11 loại tâm thiện. Như vậy có thể thấy là đối với chúng sinh còn phiền não thì số lượng tâm xấu ác vượt hơn rất nhiều so với tâm hiền thiện.
Huống chi, tập khí xấu ác lại mạnh mẽ hơn tập khí hiền thiện. Cho nên, nếu không nhận được sự giáo dục tốt đẹp hiền thiện, không có công phu tu trì thì “cử chỉ động niệm vô bất thị tội” (suy nghĩ hành động, điều gì cũng là tội lỗi). Kinh Địa Tạng nói như vậy là hoàn toàn chân thật. Không chỉ riêng Phật pháp nói như vậy mà các tôn giáo khác họ cũng nói như vậy, cũng có cách nhìn như vậy.
Cho nên, tâm lý mừng vui khi thấy người khác gặp tai họa là một tập khí hết sức không tốt. [Những kẻ này khi] nhìn thấy người khác gặp tai nạn khó khăn, nhìn thấy người khác gặp sự không may thì vỗ tay cười lớn. Tập khí như vậy ngay từ thuở nhỏ đã có thể thấy được. Đối với những thành tựu, những việc làm hiền thiện của người khác, rất ít người ngợi khen tán thán. Nhìn thấy người khác gặp việc không may lại khởi tâm [vui mừng] như vậy thì rất nhiều.
Chúng ta tự mình suy ngẫm lại chính bản thân mình thuở nhỏ, lúc còn đi học, thường có tâm trạng như vậy hay không? Trong lúc ta đang gặp chuyện không may, người khác nhìn thấy khởi tâm mừng vui như vậy thì ta cảm nhận thế nào? Có thể nghĩ được như vậy rồi mới biết tâm xấu ác rất mạnh mẽ trong lòng người, gây tổn hại cho tinh thần, chúng ta thật không nên có.
Trong câu “Hủy nhân thành công”, chữ “hủy” có hai ý nghĩa, một là phá hoại, hủy hoại, hai là chê bai, hủy báng. Thành công ở đây không kể là lớn hay nhỏ. Đối với người đang sắp xếp tổ chức công việc, hết thảy đều mong cho họ được thành tựu, đặc biệt là với những công việc vì xã hội, vì chúng sinh. Tất nhiên, các nhân duyên trong việc này cũng hết sức phức tạp. Mỗi người khi mưu tính công việc, sự nghiệp, có ai lại không mong muốn được thành tựu? Nếu chúng ta muốn hủy hoại [công việc của họ], đó là tạo nghiệp. Việc thành tựu sự nghiệp đều do đã có gieo nhân từ đời trước, việc muốn hủy hoại [trong hiện tại] chỉ là tăng thượng duyên. Nói thật ra, đối với người mưu tính sắp xếp công việc sự nghiệp thì rốt lại nào có gây hại được bao nhiêu? Chỉ là quấy nhiễu thôi, còn muốn phá hoại thì trong Phật pháp nói rằng không thể làm được. Quý vị chỉ có thể làm trì trệ, chậm lại sự thành tựu của người khác, còn thực sự ngăn trở thì không thể được, vì như vậy là trái ngược với định luật nhân quả.
Cho nên, người thực sự thông đạt ý nghĩa báo ứng nhân quả cùng chân tướng sự thật thì trong tâm tự nhiên bình lặng. Người kia quá khứ đã trồng nhân lành, trong đời này nhất định được quả báo lành. Hiện tại nếu quả báo ấy bị người khác ngăn trở thì sau năm năm, mười năm, quả báo lành ấy nhất định cũng sẽ đến thôi. Ý nghĩa này cần phải hiểu rõ.
Nếu chúng ta dùng thiện hạnh thành tựu việc hiền thiện, thành tựu việc tốt đẹp cho người khác, đó là chúng ta tự mình tu tập đức hạnh. Việc gì phải tạo nghiệp, phải giúp người làm việc xấu ác? Đó là tạo nghiệp. Gây chướng ngại cho người làm việc tốt, hỗ trợ người khác làm việc xấu, như vậy đều là tạo nghiệp. Nếu như việc làm của người khác là tạo phúc cho xã hội, là hữu ích cho chúng sinh, như vậy thì quý vị còn phải xem ảnh hưởng đó lớn hay nhỏ, thời gian dài hay ngắn. Nếu ảnh hưởng đó rộng lớn, thời gian lâu dài, thì [việc gây trở ngại] là tội rất nặng nề.
Muôn ngàn lần cũng không được cho rằng, chúng ta chỉ vô ý tạo nghiệp như vậy nên không có gì nghiêm trọng. Như vậy là chúng ta đã tự mình nghĩ tưởng sai lầm. Nghĩ tưởng sai lầm thường dẫn đến việc làm sai lầm. Đến khi nhận lãnh quả báo hiện tiền thì hối hận không còn kịp nữa.
Cho nên, con người nhất định phải có tâm từ bi, phải có tâm đồng tình, cảm thông. “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân.” (Điều mình không muốn thì đừng làm với người khác.” Mỗi lúc khởi tâm động niệm phải thường biết tự cảnh tỉnh, quán xét, chúng ta có nên khởi ý niệm này hay không? Có nên nói ra lời này hay không? Có nên làm việc này hay không?
Câu tiếp theo [trong Cảm ứng thiên] là: “Nguy nhân tự an. Giảm nhân tự ích.” (Khiến người nguy hiểm để mình được an ổn. Giảm bớt của người để thêm cho mình.) Ý nghĩa trong hai câu này đã quá rõ ràng, không có gì khó hiểu, hơn nữa chính là những điều chúng ta rất thường phạm vào. Khi gặp phải tình trạng nguy hiểm, lúc nào cũng đẩy người khác vào. Gặp việc lợi ích, lúc nào cũng mong muốn tự mình chiếm lấy phần thuận lợi.
“Giảm bớt của người để thêm cho mình”, đó là hại người lợi mình, hoàn toàn là quan niệm sai lầm. Câu đầu tiên trong phần chú giải nói rất rõ: “Muôn ngàn kinh điển chỉ bàn một chữ tâm.” Điều này không chỉ riêng trong Phật giáo, vì nói thật ra thì hết thảy các tôn giáo đều chỉ bàn mỗi một chữ tâm.
Các tôn giáo có thể sống chung hòa thuận vui vẻ hay không? Các chủng tộc có thể cùng nhau đoàn kết hay không? Theo Phật pháp mà nói, quyết định là có khả năng đó. Chỉ cần mọi người đều giác ngộ, chỉ cần mọi người đều hiểu rõ được chân tướng của nhân sinh vũ trụ.
Chúng ta có thể nói, trong thế gian có nhiều sự bất đồng tôn giáo, bất đồng về học thuật, chính là giống như chúng ta đứng từ các vị trí, góc độ khác nhau nhìn về cùng một sự vật. Sự vật ấy vốn chỉ là duy nhất, vị trí nhìn của chúng ta khác biệt nhau, cho nên mọi người đều nhìn thấy khác nhau. Kỳ thật vẫn chỉ là một sự việc ấy. Lại cũng giống như cái chén uống trà, tôi cầm lấy đưa lên ở đây, quý vị từ hai bên nhìn vào. Người bên này nhìn thấy hơi nhô lên, người bên kia nhìn thấy hơi lõm xuống, hai bên cãi cọ, tranh luận nhau, mãi mãi không ai nghe ai, bởi vì [mỗi người chỉ nhìn được một bên,] không thấy được toàn diện. Nếu như đổi chỗ cho nhau [để nhìn], chẳng phải vấn đề của mọi người liền được giải quyết rồi sao?
Trong mỗi một tôn giáo nhìn vị thần của mình, thượng đế của mình [thấy khác với những tôn giáo khác] cũng là như vậy. Kỳ thật chỉ có một mà thôi.
Phật pháp giảng giải việc này rất trọn vẹn, thấu triệt. Đức Phật dạy chúng ta đến chỗ rốt ráo nhất là: “Ba đời mười phương Phật đều cùng một pháp thân.” Một tâm thức, một trí tuệ. Cho nên, đức Phật dạy ta chân tướng sự thật rằng, hết thảy chúng sinh trong các pháp giới cùng khắp hư không chính là bản thân mình. Đó chẳng phải là đã bao quát được toàn bộ rồi sao? Điều này là chân thật, kinh Hoa Nghiêm có dạy rằng, hết thảy chúng sinh trong các pháp giới cùng khắp hư không đều là “do tâm hiển hiện, do thức biến hóa”. Tâm đó là tâm của chính ta, thức là thức của chính ta, lìa ngoài tâm thức thì không một pháp nào có thể nắm bắt được.
Cho nên, Phật pháp giảng đến Chân đế đều nói là tự tính. Tam bảo thì nói là tự tính Tam bảo, người niệm Phật thì nói là tự tính Di-đà, tự tính Tịnh độ. Quý vị phải hiểu rõ ý nghĩa lời dạy đó, thế giới này của chúng ta há chẳng phải cũng là tự tính Ta-bà, tự tính Thích-ca? Suy rộng ra đến các tôn giáo khác, quý vị cũng hiểu rõ được tự tính Thượng đế, tự tính Cơ đốc, quý vị liền hốt nhiên đại ngộ, hết thảy vọng tưởng, phân biệt, bám chấp liền buông bỏ hết.
Vọng tưởng, phân biệt, bám chấp từ đâu mà có? Là do chỉ thấy được từng phần, không thấy được được trọn vẹn đầy đủ, do đó mà phát sinh. [Chỗ thấy của] chúng ta hiện nay là sai lầm, trong Phật pháp gọi là thiên kiến, không nhìn thấy được trọn vẹn, đầy đủ.
Cho nên, nền giáo dục Phật giáo là trọn vẹn đầy đủ, không phải nghiêng về một bên. Như vậy mới có thể giải quyết được hết thảy mọi vấn đề. Phật pháp dạy tu hành chứng quả, chứng đạo. Quả và đạo đó chính là chân tướng sự thật. Hiểu rõ được chân tướng rồi thì vọng tưởng, phân biệt, bám chấp đều dứt sạch.
Thế nhưng làm sao để hiểu rõ được sự thật chân tướng? Cần phải phá trừ được vọng tưởng, phân biệt, bám chấp. Hay nói cách khác, phải buông xả được vọng tưởng, phân biệt, bám chấp, càng giảm nhẹ đi thì sự hiểu biết về sự thật chân tướng của quý vị càng nhiều hơn, càng thể nhập được sâu hơn.
Sự bám chấp kiên cố, sự phân biệt nghiêm trọng làm chướng ngại trí tuệ của chúng ta. Trí tuệ là vốn có, không phải từ bên ngoài mang đến. Trí tuệ là [chủ thể] năng chứng, pháp giới (cũng là chân tướng sự thật) là [đối tượng] sở chứng. Năng sở là một, chẳng phải hai. Cảnh giới như vậy là cảnh giới nơi quả địa của chư Phật Như Lai.
Đức Phật vì chúng ta nói ra chính là điều ngài đã chứng đắc, khuyên bảo khích lệ chúng ta tự mình cũng phải chứng đắc, như vậy thì mới đạt được lợi ích chân thật, mới thực sự được lợi lạc. Từ chỗ này chúng ta mới thực sự thể hội được, chư Phật Như Lai các ngài vì sao phải giúp đỡ hỗ trợ chúng sinh, hơn nữa lại là giúp đỡ hỗ trợ chúng sinh một cách hoàn toàn vô tư, vô điều kiện. Điều này phàm phu chúng ta không cách gì lý giải được.
Các ngài vì sao phải làm như vậy? Vì các ngài biết rằng [chúng sinh trong] các pháp giới khắp hư không là cùng một tự thể, kinh Đại thừa gọi là pháp thân, cùng một pháp thân. Cũng giống như thân thể của chúng ta, trong thân thể có một bộ phận đau ngứa, tê dại, những bộ phận khác có hỗ trợ giúp đỡ hay không? Tay trái chúng ta bị tê dại, tay phải tự nhiên phải hỗ trợ, còn phải bàn đến điều kiện sao? Còn phải đòi hỏi ra giá sao? Đức Phật biết rằng chúng sinh trong các pháp giới cùng khắp hư không chính là tự thể nên phải giúp đỡ, hỗ trợ chúng sinh, mới nói rằng lợi ích của chúng sinh là lợi ích chân thật của chính mình.
Thế nhưng hết thảy chúng sinh từ vô lượng kiếp đến nay đọa lạc trong vọng tưởng, phân biệt, bám chấp, không hiểu rõ được chân tướng sự thật, không biết rằng pháp giới là một thể thống nhất, cho nên nhìn thấy tay trái đau đớn khổ sở mà tay phải không hề trợ giúp. Muốn hỗ trợ giúp đỡ phải có điều kiện, phải nêu giá cả, phải hỏi rằng vì sao tôi phải giúp đỡ hỗ trợ quý vị? Không biết rằng tất cả đều cùng một tính thể.
Nhà Phật nói “vô thượng Bồ-đề, cứu cánh viên mãn”, đó là thực sự hiểu rõ triệt để rằng, hết thảy chúng sinh trong các pháp giới cùng khắp hư không đều cùng một tính thể. “Ba đời mười phương Phật, đều cùng một pháp thân, một tâm, một trí tuệ.” [Hiểu được như vậy thì] những lỗi lầm như trên đều tự nhiên không còn nữa. Không hiểu được chân tướng sự thật nên mới sản sinh ra những lỗi lầm như vậy.
Cho nên, đức Phật dạy chúng ta phải nhận thức được chân tướng sự thật thì mới biết phải tự giúp mình như thế nào, biết làm thế nào để tự thân mình được lợi ích chân thật. Không gì khác hơn, chính là phải hết lòng hết sức giúp đỡ hỗ trợ xã hội, giúp đỡ hỗ trợ hết thảy chúng sinh.
Đích thực là có những chúng sinh mê muội quên mất tự tính, không hiểu rõ được chân tướng sự thật, nên chư Phật, Bồ Tát trong hết thảy những sự giúp đỡ hỗ trợ, quan trọng thiết yếu nhất vẫn là giúp cho chúng sinh hiểu rõ được sự thật chân tướng. Điều này chúng ta thường đọc thấy trong kinh điển, quả là từ bi chân thật, là từ bi vô tận. Bản thân chúng ta tu học, tu dưỡng, cũng là lấy ý nghĩa này làm trung tâm. Phương hướng mục tiêu như vậy là chính xác, một đời này mới có khả năng đạt được thành tựu. Phương hướng mục tiêu nếu sai lầm, không tương ưng với Phật pháp Đại thừa, thì sự thành tựu không phải Phật pháp mà là pháp thế gian. Phật pháp là giác ngộ, pháp thế gian là mê lầm, sự khác biệt chính ở chỗ này.