(Giảng ngày 2 tháng 4 năm 2000 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 184, số hồ sơ: 19-012-0184)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời mở sách Cảm ứng thiên, đoạn thứ 112: “Việt đán việt táo. Khiêu thực khiêu nhân.” (Nhảy qua giếng, nhảy qua ông táo. Lựa chọn thức ăn, khinh thường người khác.) Những điều này, trong đời sống hằng ngày vẫn thường nhìn thấy.
Chữ “việt” là bước qua, nhảy ngang qua. Chữ “đán” là cái giếng. Giếng hiện nay so với giếng thời xưa không giống nhau. Giếng hiện nay đa phần đều là giếng nước sâu, dùng động cơ điện để đưa nước lên, nên không có hiện tượng nhảy qua giếng. Giếng thời xưa cạn hơn, chúng ta dùng thùng múc nước lên. Khi gặp giếng, nước giếng đó là lợi ích chúng sinh, người dân Trung quốc cũng dùng nước đó để cúng kính quỷ thần, cúng dường chư Phật, Bồ Tát. Nói cách khác, đó là chỗ thụ dụng lợi ích của chúng sinh, chúng ta đối với giếng nước phải có lòng tôn trọng. Cho nên không được nhảy ngang qua, bước qua giếng nước. Gặp nơi có giếng nước thì đi đường vòng qua, không được bước qua. Bước qua là bất kính.
“Táo” là bếp lò, bếp hiện nay so với trước đây cũng không giống. Trước đây dùng củi đốt, dùng cỏ khô, có khả năng hiện nay ở những vùng thôn quê nơi Trung quốc đại lục vẫn còn thấy được. Bước qua bếp lò, chuyện này so ra ít hơn nhưng không phải không có. Có những bếp lò nhỏ, thực sự là người ta cũng có khi bước ngang qua phía trên. Như vậy là bất kính. Chúng ta biết rằng, cung kính là đức của tự tánh. Cho nên, các bậc thánh hiền thế gian cũng như xuất thế gian đều lấy đây làm môn học đầu tiên. Do đó có thể biết được tính quan trọng thiết yếu của tâm cung kính.
Quý vị xem trong nền giáo dục của Nho gia, vừa mở sách Lễ ký ra thì câu đầu tiên là: “Khúc lễ viết, vô bất kính.” (Khúc lễ nói: Không được bất kính.) Cho nên, học vấn của thế gian và xuất thế gian từ chỗ nào bắt đầu? Chính là từ sự cung kính mà bắt đầu làm. Quý vị không có tâm cung kính, dù quý vị làm gì cũng không thể thành tựu. Cho nên tôi thường nói, đối với người phải cung kính, đối với sự việc phải cung kính, đối với muôn vật cũng phải cung kính. Đó là đối với sự vật [còn phải cung kính]. Con người nếu xem thường bỏ mất tâm cung kính, không chỉ là đạo nghiệp không có triển vọng gì, cho đến sự nghiệp ở đời cũng không việc gì thành tựu.
Quý vị nhìn xem, những người có thành tựu, không cần phải nói đến những người tu hành trong Phật pháp, chỉ trong pháp thế gian thôi, những người có sự nghiệp thành tựu thì đều biết cung kính. Họ có thể cung kính người khác, người khác mới vì họ tận trung, mới vì họ gánh vác công việc. Nếu như cứ thường một mực ngồi trên chức vị cao, đối với những kẻ bên dưới luôn dùng mệnh lệnh quát tháo, người như vậy phước báo quyết định không lâu dài. Vì sao vậy? Khi quý vị đang có quyền thế, mọi người đều sợ sệt, không thể không phục tùng, vì muốn giữ lấy sự sống. Một khi quyền thế của quý vị suy vi, sẽ không còn ai lưu tâm đến quý vị nữa. Đặc biệt là trong xã hội hiện đại, không có đạo nghĩa, đó là tự chuốc lấy thất bại.
Giữa người với người, kết hợp với nhau là nhờ ân nghĩa. Cho nên, chúng ta thường thấy có những người khi làm việc thì to tiếng phô bày oai đức của mình, chỉ dẫn người khác, ra mệnh lệnh cho người khác làm việc, chúng ta vừa xem qua liền biết người như vậy phước mỏng, không có phước báo. Người có phước báo sâu nặng không phải vậy. Có việc thì tự mình làm, tự thân người ấy làm. Khi sai khiến thuộc hạ làm thì cử chỉ hết sức ôn hòa, cũng hết sức khiêm nhường. Những người già chúng tôi đều từng thấy các vị trưởng quan đối đãi với thuộc cấp, khi đưa văn thư xuống giao cho cấp dưới thay mình làm, luôn viết trong đó “nhờ quý anh làm”. Đối với thuộc cấp của mình vẫn gọi bằng “anh”. Cha tôi là một nhân viên công vụ, chức vị không cao, vị trưởng quan mỗi khi giao công việc cho ông làm thay vẫn luôn viết là “xin nhờ anh của tôi”, tôn trọng biết bao! Cho nên những người làm việc cảm ân, nhất định phải tận trung với trách nhiệm, thực hiện công việc thật tốt. Nếu mỗi khi có việc [quý vị] đều dùng đến quyền thế để ép buộc người khác, trong lòng họ không phục thì việc làm chỉ chiếu lệ, không dốc lòng, gây sự hỗn loạn, quý vị phải chịu trách nhiệm, họ không chịu trách nhiệm.
Các bậc hiền thánh dạy người là dạy những gì? Chính là dạy quý vị cách xử thế, cách đối đãi với người khác. Quý vị có thể quan hệ giao tế tốt đẹp với người khác thì các pháp thế gian hay xuất thế gian cũng đều thành tựu. Cho nên, đối với người khác, đối với sự việc, đối với muôn vật đều không thể vô lễ.
“Khiêu thực, khiêu nhân” (Lựa chọn thức ăn, khinh thường người khác), đều là những điều tội lỗi. Quý vị đọc sách Lễ ký, thời xưa nói lễ, thời nay không nói lễ. Theo tập quán của người Trung quốc, trong bữa ăn ngồi chung một chỗ, khác với người phương Tây. Người phương Tây tự lấy thức ăn rồi chia nhau ra đi ăn, có chỗ tốt. Tại Trung quốc mọi người cùng ngồi ăn một chỗ, thức ăn bày trên bàn ăn, quý vị nếu hiểu lễ nghĩa thì đều biết, người ăn lấy những thức ăn nào? Chỉ lấy những thức ăn ở gần chỗ mình ngồi, thức ăn đặt ở xa nhất định không lấy. Đó là lễ tiết. Ăn thức ăn không lựa chọn, người lựa chọn thức ăn là tham ăn, cũng là ăn nhiều. Đặc biệt trong một bàn thức ăn, quyết định không lấy [thức ăn] từ nơi giữa bàn. Như vậy là hết sức vô lễ, bất kính. Phải lấy từ bên ngoài vào, quý vị ngồi ở bên nào thì lấy thức ăn gần bên đó, tuyệt đối không lấy thức ăn ở giữa. Hiện tại, những lễ tiết nhỏ nhặt này đã không còn ai nói đến, cũng không có người biết.
“Khiêu nhân” là đối với người khác có ý khinh thường, cao ngạo. Trong Phật pháp, hết thảy chúng sinh đều bình đẳng. Chư Phật, Bồ Tát nhìn hết thảy chúng sinh đều là Phật Như Lai. Cho nên, các vị Bồ Tát quả vị cao, các ngài tu theo hạnh Phổ Hiền. Hạnh Phổ Hiền không có sự phân biệt, bám chấp. Hạnh Phổ Hiền là hạnh bình đẳng. Các vị Bồ Tát thuộc Quyền giáo, các vị Thanh văn, Duyên giác cũng tu bình đẳng, thế nhưng còn chưa đạt đến sự bình đẳng chân thật. Vì sao vậy? Vì chưa dứt trừ hết vọng tưởng nên chưa thể đạt đến sự bình đẳng chân thật. Khi dứt trừ hết vọng tưởng, tâm bình đẳng mới hiển lộ. Cho nên, chúng ta hiện nay tu học, vọng tưởng chưa dứt trừ, vẫn học, nỗ lực hết sức học, hướng đến gần sự bình đẳng, như vậy là tốt rồi. Không thể không học, có học thì ít nhiều cũng có sự tiến bộ.
Trong câu này nói đến bốn sự việc: [nhảy qua giếng, nhảy qua ông táo, lựa chọn thức ăn, khinh thường người khác], nói tóm lại là những điều chúng ta gọi là bất kính. Quý vị đánh mất đi “tâm cung kính, ý cung kính, đức cung kính”. Không nên cho đây là chuyện nhỏ, bất kính chuyện nhỏ liền phải gặp ngay tai nạn lớn. Cho nên, các bậc thánh hiền đều từ nơi những chuyện hết sức nhỏ nhặt vi tế, chú tâm cẩn thận, từ chỗ này mà bắt đầu tu tập.
Chúng ta xem tiếp theo, đoạn thứ 113: “Tổn tử đọa thai, hành đa ẩn tích.” (Phá thai hại con, việc làm nhiều ám muội.) Phá thai là giết người. Không phải giết người ngoài, là giết con mình. Con cái là tình chí thân, tội này hết sức nặng. Người đời hiện nay thường xem nhẹ bỏ qua. Sự việc này oan oan tương báo, thật hết sức nghiêm trọng!
Con cái tái sinh vào nhà quý vị, trong Phật pháp giảng rất rõ ràng, là do một trong bốn loại duyên mà tìm đến. Đó là: báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Nếu đứa con vì báo ân mà đến, quý vị giết chết đi, hóa thành mối oán thù, trong tương lai sẽ lấy oán báo ân. Nếu đứa con vì báo oán mà đến, mối oán thù đó càng thêm sâu nặng hơn, sự độc hại về sau thật không cách gì tưởng tượng ra được. Nếu đứa con đến vì trả nợ, quý vị giết chết nó đi, từ việc trả nợ lại kết thành oán cừu. Nếu đứa con đến vì đòi nợ, quý vị giết nó đi, trong chỗ oán hận lại tăng thêm mối thù hại mạng, càng nghiêm trọng. Hậu quả thật không dám nghĩ đến.
Người đời không nhìn thấy được, không biết là nhân quả tương thông trong cả ba đời [quá khứ, hiện tại và tương lai], không biết là những nghiệp tội nhất thời tạo ra sẽ chiêu cảm mối họa về sau đời đời kiếp kiếp. Những việc như vậy sao có thể làm được?
“Hành đa ẩn tích.” (Việc làm nhiều ám muội.) Phạm vi bao quát của câu này hết sức rộng lớn. “Ẩn tích” là gì? Là những gì quý vị nói năng, hành động đều là những chuyện không thể cho người khác biết. Thế nhưng người học Phật chúng ta đều biết, những người tin Phật đều biết, đó là “ngẩng đầu ba thước có thần minh”. Quý vị có thể che giấu lừa dối người ngu ở đời, nhưng ở đời còn có những người có đức hạnh, có trí tuệ, quý vị không có cách gì che giấu lừa dối được họ. Huống chi đối với quỷ thần trong trời đất?
Cho dù quý vị khéo che giấu, có thể trong một đời này không bị bại lộ, không một người nào biết được, cũng phải biết rằng quý vị không trốn thoát được sự trừng phạt của trời. Kết quả gieo nhân ác gặp quả báo ác, quý vị không có cách gì né tránh được. Quý vị nhất định phải nhận lãnh. Gieo nhân lành được quả lành, gieo nhân ác nhận quả báo ác.
Cho nên đức Phật dạy người phát lộ sám hối. Phát lộ sám hối là gì? Là tuyệt đối không che giấu, lừa dối. Làm việc sai trái thì hướng về đại chúng mà sám hối, hướng về đại chúng mà xin lỗi. Vì thế, trước đây mấy năm chúng ta thấy báo chí đăng tin Giáo hoàng La Mã công khai sám hối trước nhân loại khắp thế giới, cầu xin Thượng đế tha thứ cho những tội lỗi mà tín đồ Thiên chúa giáo đã mắc phải, đặc biệt là những lỗi lầm đối với các tôn giáo khác. Điều này thật rất khó làm.
Ở Trung quốc, người xưa có câu: “Nhân phi thánh hiền, thục năng vô quá? Quá nhi năng cải, thiện mạc đại yên.” (Người chưa thành bậc thánh hiền, sao có thể không phạm lỗi? Nhưng phạm lỗi biết sửa thì không gì tốt hơn.) Hành vi [sửa lỗi] như vậy là vô lượng vô biên công đức, dạy người không sợ việc làm sai trái, chỉ sợ làm sai rồi không biết sám hối, không dám đối mặt với đại chúng sám hối. Lỗi lầm như vậy càng nặng hơn.
Cho nên, trong tôn giáo dạy người tu hành, nếu phải quy nạp lại thành một cương lĩnh chung thì đó là hai chữ “sám hối”. Trong mười nguyện Phổ Hiền có “sám trừ nghiệp chướng”. Để sám hối lỗi lầm, quý vị có thể hướng về đại chúng nói rõ, đại chúng quở trách quý vị, đó là chịu quả báo xong. Đó gọi là tội nặng quả báo nhẹ. Nếu như làm việc xấu ác rồi che giấu lừa dối, việc ác ấy càng về sau càng sâu nặng, quả báo trong tương lai thật không dám nghĩ đến.
Ngược lại, phần trước của Cảm ứng thiên dạy chúng ta khi làm hết thảy mọi điều lành, không nên cho người khác biết. Đó gọi là tích âm đức, quả báo [tốt đẹp] của âm đức rất sâu dày. Làm việc tốt nói rộng ra cho mọi người đều biết. Người khác thấy biết được, cung kính quý vị, ngợi khen quý vị, như vậy là hưởng quả rồi. Chỉ những người ngu trong đời mới làm như vậy. Người có trí tuệ tuyệt đối không làm như vậy. Chúng ta ở đạo trường Cư Sĩ Lâm, trong số quý vị đồng tu có không ít người làm nhiều việc tốt đẹp, thực sự là làm việc tốt đẹp, tuyệt đối không nói ra, chỉ lặng lẽ mà làm, không một ai biết được. Những lúc chúng ta muốn ngợi khen tuyên dương họ thì họ không làm. Những người như vậy thật khả ái, họ hiểu rõ lý lẽ.
Cho nên, người thực sự hiểu đạo lý, thực sự tu hành thì có bao nhiêu lỗi lầm đều nói ra cho mọi người biết. Người khác có một lời quở trách, nói một tiếng tha thứ, như vậy là chịu quả báo xong. Quả báo xấu ác nên nhanh chóng nhận lấy, không nên đợi đến đời sau. Quả báo hiền thiện tốt nhất không nên nhận hưởng trong hiện tiền, lưu lại đến đời sau, con đường tương lai của quý vị tươi sáng rỡ ràng. Đó là điều người thông minh mới làm được.
Đoạn này phần chú giải rất dài, do đó có thể biết được tính nghiêm trọng của lỗi lầm này. Quý vị xem trong phần chú giải hai chữ “ẩn tích”: “Không chỉ là một việc, như những chuyện thuộc loại gian dối, trộm cắp, tà dâm... nói chung đều là không thể cho trời biết, không thể nói ra với người khác. Hết thảy như vậy đều thuộc về lỗi này.” Những việc như thế này có rất nhiều, rất nhiều. Nói cách khác, hết thảy đều là những việc hại người lợi mình.
“Hại mình lợi người” là chúng ta tùy thuận theo người đời mà nói, không đúng thật như vậy. [Phải nói,] đã hại người thì nhất định không thể lợi mình, như vậy mới đúng sự thật. Tổn hại cho người là hại mình, hại chính mình đọa vào ba đường ác, hại chính mình đọa vào địa ngục, có chỗ nào là lợi mình? Trước mắt được những lợi ích gì? Đó gọi là “chút lợi nhỏ như đầu ruồi”, như “giọt mật trên lưỡi dao” [liếm vào đứt lưỡi]. Trong kinh Phật thường nêu những ví dụ này, ý nói tai họa tổn hại vô cùng.
Điều này ai biết được? Chỉ có đức Phật rõ biết. Đức Phật từ bi vì chúng ta nói ra, khuyên bảo khuyến khích ta nhất định không được phạm vào những lỗi lầm này. Đã lỡ phạm vào thì phải sám hối, phải sửa lỗi. Chưa phạm vào thì quyết định không thể phạm vào. Phải biết rằng việc này là hết sức nghiêm trọng. Trước mắt bất kể thấy bày ra những lợi ích gì cũng đều không thể làm. Phải biết rằng những họa hoạn [về sau] so với lợi ích trước mắt này không chỉ là gấp muôn ức lần, sao có thể mưu cầu chút lợi ích nhỏ mà làm những chuyện suy tổn phước đức như thế này, làm chuyện xấu ác như thế này?
Đoạn này chúng ta giảng đến đây xong. Đoạn tiếp theo bắt đầu nói về những lỗi lầm bất kính với thần minh trong trời đất.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.