(Giảng ngày 17 tháng 9 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 99, số hồ sơ: 19-012-0099)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời xem đoạn thứ 41 trong Cảm ứng thiên: “Mạn kỳ tiên sinh, bạn kỳ sở sự.” (Khinh thường thầy dạy, không kính phụng thầy.)
Đoạn này phần trước tôi đã có giới thiệu qua, thế nhưng ý nghĩa rất sâu, rất nhiều, nói không hết được. Hai câu này, thực tế mà nói cũng chính là chỗ lỗi lầm mà chúng ta hiện nay phạm vào. Tuy phạm vào nhưng tự thân lại không có cách gì nhận biết được, luôn tự cho là mình làm đúng, làm rất tốt. Đây cũng là chỗ mà tổ phiên dịch của chúng ta có nhắc đến, trong sách Liễu Phàm tứ huấn mô tả là: “Phi nghĩa chi nghĩa, phi lễ chi lễ, phi tín chi tín, phi từ chi từ.” ([Việc làm] phi nghĩa lại giống như hợp đạo nghĩa, [việc làm] trái lễ giáo lại giống như hợp lễ, [việc làm] bất tín lại giống như giữ đúng chữ tín, [việc làm] không có lòng từ ái lại giống như từ ái.)
Nói thật ra, trí tuệ chúng ta chưa đạt đúng mức, kiến thức chưa đạt đúng mức. “Phi nghĩa” là điều không nên làm, “nghĩa” là những điều thuộc bổn phận của chúng ta, phải làm. Việc chúng ta không nên làm (phi nghĩa) nhưng trước mắt lại rất giống như việc nên làm (nghĩa). Đây là những trường hợp thuộc về “phi nghĩa chi nghĩa” (việc làm phi nghĩa lại giống như hợp đạo nghĩa).
Trước mắt nhìn thấy dường như rất đúng nhưng ảnh hưởng tạo ra trong thực tế [về sau] lại là sai lầm. Ví như ngày nay nói về khoa học kỹ thuật tiên tiến, chế tạo đầu đạn hạt nhân, chế tạo những vũ khí phòng thủ, đó là điều nên làm, nền quốc phòng của chúng ta cần phải có. Nhưng nếu quý vị nghĩ đến hậu quả [có thể] hủy diệt toàn thể nhân loại thì đó lại là việc sai lầm, không nên làm.
Người Trung quốc xưa kia có trí tuệ, vì sao Trung quốc không phát triển khoa học kỹ thuật? Nếu như muốn phát triển thì trước đây hai ngàn năm Trung quốc đã phát triển được khoa học kỹ thuật tiên tiến. Nếu hai ngàn năm trước Trung quốc phát triển khoa học kỹ thuật tiên tiến thì hiện nay có lẽ trái đất này không còn nữa. Tôi đọc thấy trong các thư tịch cổ là từ thời Vương Mãng đã có nghiên cứu việc di chuyển trong không gian. Vào thời đó, đã có người chế tạo tàu lượn [đưa người bay lượn trong không trung], quý vị nói xem, thật sớm biết bao. Những thứ như la bàn, thuốc nổ, quý vị nên biết là đều được phát minh từ thời đại Hoàng Đế. Thế nhưng Trung quốc chỉ dừng lại ở mức giải trí mua vui, không tiếp tục phát triển để làm thành vũ khí chiến tranh. Như vậy là người Trung quốc hiểu rõ những gì nên làm và những gì không nên làm. Trước mắt có lợi ích nhưng tương lai không có lợi ích, đời sau không được lợi ích, những điều ấy không nên làm. Trước mắt dường như không có lợi ích gì, nhưng quý vị nghĩ đến tương lai, đời sau sẽ được lợi ích, những điều như vậy nên làm. Việc này phải có trí tuệ chân thật mới có thể thấy rõ được.
Phần bên dưới nói “phi lễ chi lễ” (việc làm trái lễ giáo lại giống như hợp lễ), ý tứ cũng là như vậy. Lễ tiết là quy tắc trong sự giao thiệp giữa người với người. Quy tắc ấy biểu hiện sự chân thành của chúng ta, biểu hiện lòng thương yêu của chúng ta, đó là lễ tiết.
Thế nào là “phi lễ”? Đó là những việc hư ngụy giả dối, không có sự chân thành, những thủ đoạn, không có lòng thương yêu, là những điều chúng ta không nên làm. Vì lợi ích trước mắt của bản thân mà lừa dối người khác, dối trá, lừa bịp, trong lịch sử chúng ta đã nhìn thấy như trước khi nổ ra Thế chiến thứ nhất, Hội nghị quốc tế toàn là những điều dối trá, không có gì là chân thành, mỗi bên đều ôm lòng quỷ quyệt. Hội nghị kết thúc rồi thì sau đó Thế chiến bùng nổ. Giao thiệp quốc tế như vậy, giữa các nước trên phạm vi quốc tế với nhau như vậy, gọi là “phi lễ chi lễ”.
Chúng ta [giao thiệp] giữa người với người, đặc biệt là những khi cần sự giúp đỡ hỗ trợ từ người khác, lúc nào cũng quan sát vẻ mặt của họ, dùng đủ mọi thủ đoạn để lừa dối, cố đạt được mục đích của riêng mình. Thủ đoạn như thế có thực sự là đạt được mục đích hay không? Không hẳn đã hoàn toàn như thế. Việc đạt được mục đích đều là do nhân quả báo ứng. Quý vị dùng tâm chân thành, quyết định không lừa dối, một khi đạt được ý muốn thì người khác sẽ đặc biệt vui vẻ giúp đỡ, hỗ trợ quý vị. Nếu quý vị dùng thủ đoạn bất chính, biểu hiện bên ngoài thật cung kính, chu đáo thì rồi sẽ không giữ được lời hứa, về sau người ta sẽ không còn tin tưởng quý vị. Quý vị muốn lấy lại lòng tin thật không dễ dàng. Điều này chúng ta phải biết rõ.
Phía trước đặt thêm chữ “phi” đều là để [biểu đạt] sự dối trá, đều là không có thành ý, tâm từ bi cũng là giả dối. Trong thế gian có rất nhiều người làm từ thiện, nhưng trong đó có những người chân thật, có những người giả dối, chúng ta phải phân biệt rõ ràng. Ngạn ngữ có câu: “Làm từ thiện, khởi nghiệp nhà.” Đó là lời nói châm biếm những kẻ mượn việc làm từ thiện để được cả đôi đường danh lợi. Danh là được tôn xưng nhà đại từ thiện, lợi là [kiếm chác từ việc làm từ thiện đó] mà thành người giàu có lớn. Đi ra bên ngoài vận động quyên góp, quyên được một vạn đồng, làm được bao nhiêu việc tốt? Bỏ ra làm được vài, ba ngàn đồng đã là người rất có lương tâm, còn lại đến hai phần ba là [bỏ túi riêng] tự mình hưởng thụ. Như vậy mới gọi là “làm từ thiện khởi nghiệp nhà”. Đó chính là “phi từ nhi từ” (việc làm không có lòng từ ái lại giống như từ ái).
Những chuyện như vậy trong cửa Phật chúng ta cũng sinh ra rất nhiều. Trước đây khi tôi in kinh ở Đài Bắc, trang bản quyền phía sau ghi rõ mười ngàn quyển hoặc năm ngàn quyển... Người của xưởng in thường hỏi tôi: “Pháp sư, ông ghi thế này có thật không?” Tôi nói: “Lại có thể giả sao?” Người ấy nói: “Có chứ. Người ta ghi phía sau là in mười ngàn quyển nhưng thực tế chỉ in hai ngàn thôi. Họ yêu cầu tôi ghi là mười ngàn quyển, nhưng thực tế chỉ có hai ngàn quyển.” Nói cách khác, tám ngàn quyển là họ đã bỏ vào túi riêng. So với tôi thì không phải vậy. Tôi ghi ở trang bản quyền bao nhiêu quyển là in đúng bấy nhiêu, tuyệt đối không có giả dối. Người của xưởng in nói, hiện nay giả dối như vậy rất nhiều. Cho nên tôi mới biết được, Phật pháp ở Đài Loan tuy hưng thịnh nhưng vì sao vẫn phải chịu nhiều tại nạn? Là vì giả dối. Cũng như việc in kinh đó, [nói là] mười ngàn quyển mà chỉ in hai ngàn quyển, sao có thể không gặp tai nạn? Những trường hợp này chính là “phi tín chi tín, phi từ chi từ” (việc làm bất tín lại giống như giữ đúng chữ tín, việc làm không có lòng từ ái lại giống như từ ái). Quý vị in kính, trang [bản quyền] phía sau là chứng tín, chứng tín không chân thật, cũng là làm việc xấu xa gian dối. Mấy câu này ý nghĩa là như vậy.
Chúng ta ngày nay nói: “Mạn kỳ tiên sinh, bạn kỳ sở sự” (Khinh thường thầy dạy, không kính phụng thầy), chính là những việc này: khinh thường thầy, lừa dối thầy, ngoài mặt ra vẻ nghe theo, trong lòng thì trái lại.
Chúng ta trong công việc thì lừa dối cấp trên, lừa dối đồng nghiệp, lừa dối hết thảy mọi người, lại tự cho rằng mọi việc mình làm đều chính xác, đã mang lại được lợi ích cho bản thân. [Lại lập luận rằng:] “Nếu tôi không làm như thế, làm sao tôi có được lợi ích.” Hiện nay cả xã hội đều theo khuynh hướng như vậy, còn nói gì được nữa? Trong xã hội ngày nay, dường như không làm những việc dối trá thì không thể sống được. Buôn bán mà không trốn thuế, không lừa dối khách hàng thì làm sao kiếm được tiền? Dường như hết thảy những lợi ích nào mà quý vị đạt được thì đều phải dựa vào sự dối trá, phải dựa vào thủ đoạn. Người không dùng thủ đoạn sẽ là người ngu ngốc, sẽ bị thời đại này đào thải. Quý vị nói xem, nếu mỗi người đều giữ quan niệm [lừa dối] như vậy, thế giới này có thái bình được chăng? Xã hội này có bình yên ổn định được chăng? Tai nạn có thể tránh né được chăng?
Chúng ta phải hiểu rõ rằng, cần phải tin nhận lời dạy của chư Phật, Bồ Tát, phải tin nhận lời dạy của các bậc hiền thánh xưa: “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định.” (Mỗi một miếng cơm ngụm nước đều đã định trước.) Việc tích lũy công đức nhất định là điều đúng đắn, nên làm.
Đối với bậc thầy của mình phải tôn kính. Việc tôn kính thầy không chỉ giới hạn nơi biểu hiện bên ngoài, mà quan trọng nhất là phải y theo lời dạy vâng làm, đó là thực sự tôn kính. Đối với công việc của mình, nhất định phải lo tròn trách nhiệm, làm hết chức trách, hết lòng hết sức thực hiện bổn phận của mình thật tốt, đó là báo ơn [thầy]. Trong nhà Phật mỗi ngày đều niệm câu: “Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ.” (Trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường.” Báo ơn, cứu khổ đều là ở chỗ tự thân chúng ta có thể làm tốt công việc, bổn phận của mình.
Trong phần chú giải của sách Vị biên trích dẫn một số đoạn rất hay, đều là những tấm gương tốt cho chúng ta. Như chuyện Hán Minh Đế, Phật giáo truyền sang Trung quốc không thể không có công lao của ông vua này. Ông đã phái sứ giả sang Tây Vực cung thỉnh [tượng Phật và tăng sĩ Phật giáo] về. Ông chính là một người tôn sư trọng đạo. Là người tôn sư trọng đạo thì nhất định cũng là người hiếu thuận với cha mẹ. Là bậc đế vương, ông đã nêu một tấm gương sáng về hiếu thuận cha mẹ và tôn kính thầy để mọi người noi theo. Thầy của Hán Minh Đế là Hoàn Vinh. Ông đối với thầy rất thành kính, luôn giữ theo lễ nghĩa, khiến người khác nhìn vào đều cảm động.
Phần tiếp theo nhắc đến Nhạc Phi. Ông là học trò của Chu Đồng, chúng ta đọc biết trong lịch sử. Nhạc Phi theo Chu Đồng học võ nghệ. Chu Đồng mang cây cung mà ông ưa thích nhất trao tặng cho Nhạc Phi. Cây cung này sức bung rất mạnh, nặng đến ba trăm cân. Lúc giương cung lên, sức nặng đến ba trăm cân nên người bình thường không thể giương lên nổi, quý vị biết là có thể bắn mũi tên đi rất xa. Về sau khi Chu Đồng chết rồi, mỗi năm đến ngày giỗ Nhạc Phi đều nhất định phải về tảo mộ. Lúc cúng tế thầy nhất định phải dùng cây cung ấy bắn ra ba mũi tên, không lúc nào quên thầy. Trước đây thầy đã dạy cho những gì, ông đều đến trước phần mộ của thầy biểu diễn tất cả để thầy xem lại. “Thờ người chết như phụng sự người sống.” Quý vị xem, tình cảm thật sâu dày biết bao, [tưởng niệm] ân đức [thầy] sâu dày biết bao.
Không hiếu thuận cha mẹ, không tôn kính thầy thì không thể có sự thành tựu. Ví như có được thành tựu cũng không phải người hiền thiện, quả báo nhất định rơi vào ba đường ác.
Phần sau trích dẫn một đoạn lễ tiết xưa kia, quý vị có thể tự mình đọc qua.
Về đạo thờ thầy, học trò theo học với thầy phải giữ đạo “như con em đối với cha anh”. Trước kia nói vậy thì được, hiện nay thì không được. Hiện nay trong mắt người ta cha mẹ cũng không là gì cả, cho nên nói câu này không phù hợp.
Trước đây trong xã hội đều có nề nếp giáo dục gia đình. Hiện nay, đặc biệt là với các nhà giàu có, các bậc cha mẹ luôn bận rộn chuyện giao tiếp, không còn thời gian quan tâm chăm sóc con cái. Vậy giao cho ai chăm sóc con cái? Giao cho người giúp việc. Người giúp việc thay cha mẹ chăm sóc con nhỏ, mỗi tuần lễ chỉ gặp con cái một, hai lần đã là rất khó. Bản thân những người ấy trong một đời có thành tựu, nhưng thế hệ tiếp theo thì xem như xong mất rồi. Con cái với cha mẹ không một chút tình cảm thân thiết, làm sao chúng không hoài nghi, làm sao chúng không ngờ vực?
Thời xưa không phải như vậy. Thời xưa đích thực là có nề nếp giáo dục trong gia đình, cha mẹ phải là những tấm gương tốt cho con cái, để chúng từ nhỏ đã thường xuyên nhìn thấy, thường xuyên nghe thấy, ghi khắc trong lòng. Đó gọi là: “Thiểu thành nhược thiên tính, tập quán thành tự nhiên.” (Tập quen từ nhỏ giống như bẩm tính trời sinh, thói quen lâu ngày thành tự nhiên.) Con cái tự nhiên hiểu rõ phải phụng dưỡng cha mẹ như thế nào, phải tôn kính bậc huynh trưởng như thế nào. Hiện nay những sự giáo dục như thế đều hoàn toàn bỏ mất, hoàn toàn không còn nữa. Cho nên, chúng ta ngày nay đọc sách xưa, trong đó nói: “Về đạo thờ thầy, phải giữ đạo như con em đối với cha anh” thì còn ai hiểu được?
Phần tiếp theo nêu ra một vài ví dụ tiêu biểu, như “hành tùy ư hậu” (khi đi phải theo phía sau), bậc trưởng bối đi phía trước, hàng con em phải theo phía sau. Hiện nay thì con cái đi trước, cha mẹ theo sau, điên đảo cả rồi. Cho nên hiện nay có người nói “hiếu tử”, là nghĩa thế nào? Là nói hiếu thuận với con cái, cha mẹ phải hiếu thuận với con cái của mình. Thế giới đảo điên cả rồi!
“Tọa liệt ư bàng”, là nói khi người lớn đã ngồi, kẻ nhỏ mới ngồi ở vị trí một bên, [không phải chỗ giữa]. “Lộ ngộ tắc chính lập củng thủ, ngôn đàm tắc khuynh nhĩ hư tâm.” (Gặp trên đường đi thì đứng ngay ngắn chắp tay, lúc chuyện trò thì nghiêng tai mở lòng [cung kính lắng nghe].) Đó là chúng ta ngày nay đọc lại, xem qua về trạng huống xã hội thời xưa. Hiện nay những trạng huống như thế không còn thấy nữa. Chẳng những không còn nhìn thấy mà thậm chí cũng không nghe nhắc đến nữa. Chúng ta nếu không đọc sách xưa thì đâu biết được?
Chúng ta lại đọc tiếp theo đoạn văn này: “Hối lận ưu ngu nhi bất dị.” (Lúc buồn vui lo nghĩ đều không khác.) Câu này ý nói bất kể trong hoàn cảnh nào, dù thuận hay nghịch, đối với thầy cũng luôn giữ lòng cung kính vĩnh viễn không thay đổi.
“Cát hung họa phước dĩ dữ đồng.” (Lành dữ, họa phước cùng chung chịu.) Tức là có phước cùng hưởng, có họa cùng chịu, học trò luôn cùng với thầy vượt qua mọi khó khăn khổ nạn.
“Sinh tắc lễ nghiêm khuể bộ, tử tắc tâm tang tam niên.” (Khi sống giữ theo lễ nghi nghiêm cẩn từng chút, khi chết để tang trong lòng ba năm.) Khi thầy còn sống, phải đem tâm chân thành cung kính mà quan tâm chăm sóc thầy, quan tâm chăm sóc như vậy suốt đời. Đó gọi là: “Nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ.” (Một ngày làm thầy, suốt đời xem như cha.) Ân đức của thầy so với cha mẹ không khác biệt.
Cho nên, trước đây bậc làm thầy là tự nguyện, là sẵn lòng dạy dỗ học trò, học trò luôn hiểu rõ ý nghĩa đó. Học trò nhờ đâu hiểu rõ? Là do cha mẹ dạy dỗ. Cha mẹ dạy con cái đạo lý tôn kính phụng sự thầy, thầy dạy học trò phải hiếu thuận cha mẹ, đôi bên cùng hỗ trợ qua lại cho nhau trong việc giáo dục trẻ.
Các bậc làm cha mẹ không có cách gì trực tiếp nói với con cái rằng: “Chúng ta là cha, là mẹ của con, con phải hiếu thuận với chúng ta.” Không thể mở miệng nói ra như thế được. Con cái sẽ hỏi, tại sao con phải hiếu thuận với cha mẹ? Cho nên phải có một người trung gian đứng ra giảng giải, dạy dỗ. Cùng một ý nghĩa như vậy, người thầy đối với học trò không thể nói: “Ta là thầy của con, con phải tôn trọng ta.” Cũng không thể nói ra như vậy được, phải nhờ có cha mẹ dạy dỗ điều này.
Cho nên cha mẹ với thầy phối hợp với nhau rất tốt thì mới có thể dạy dỗ đứa trẻ nên người. Hai bên thiếu đi một thì không có cách gì dạy dỗ tốt được.
Trong phần này có một câu chuyện xưa, quý vị có thể tự mình xem qua. Sách kể rằng, xưa có một nhà nông dân. Người Trung quốc thời xưa giữ lòng nhân hậu, khi kể lại những chuyện xấu ác thường không nêu rõ tên họ. Đó là giữ lòng nhân hậu. Cho nên chỉ nói có một người kia, sinh được một đứa con trai, thỉnh thầy đến dạy học, tâm ý rất tha thiết nhưng đối với ông thầy hết sức đơn giản, xem thường, không có lòng cung kính. Tuy vậy, vị thầy cũng rất tốt, vẫn đem hết lòng hết sức dạy dỗ cho đứa trẻ. Nhưng rồi đứa trẻ ấy lớn lên cũng chẳng thành tựu được gì, cuối cùng vẫn quay về làm nông. Việc này chứng minh điều gì? Chứng minh rằng đây là quả báo của việc xem thường thầy giáo. Thầy giáo vẫn hết sức nỗ lực dạy dỗ, nhưng học trò không phát triển được. Đó là do quả báo. Chỗ này giảng giải rất nhiều về quả báo ấy.
Về giáo dục, người xuất gia chúng ta công việc chính là dạy dỗ, cũng là người làm công việc giáo dục trong xã hội. Chúng ta phải nhận biết rõ ràng vai trò, bổn phận của mình. So với những thầy cô giáo dạy ở trường học, trách nhiệm của chúng ta còn nặng nề hơn. Các bậc thầy của thế gian, chúng ta chỉ nói hiện nay, không nói vào thời trước kia, đều nghiêng về chú trọng các môn khoa học kỹ thuật. Giáo dục trong Phật pháp chú trọng sự khai mở trí tuệ, thực sự là [nuôi dưỡng] pháp thân tuệ mạng.
Chúng ta ngày nay đã chọn lựa công việc [giáo dục] này, biểu hiện rõ ràng là vai trò, bổn phận như vậy, nếu công việc [dạy dỗ] này không làm thật tốt, đó là khiến cho con em người ta lầm lạc, là lừa dối chúng sinh, cũng là lừa dối Phật-đà. Quý vị nói xem, tội lỗi ấy nặng nề biết bao!
Cho nên, làm người xuất gia rất khó. Thầy Lý Bỉnh Nam trước đây cả đời không dám khuyên người khác xuất gia. Khuyên người quy y, không dám khuyên người thọ giới, không dám khuyên người xuất gia. Đại sư Ấn Quang suốt đời không nhận đệ tử xuất gia, đó là ý nghĩa gì? Vì ngài biết rằng đi theo con đường này không dễ dàng chút nào. Nếu như làm không tốt, tội lỗi hết sức nặng nề, việc gì phải giúp đỡ hỗ trợ người ta trong việc tạo ra tội lỗi nặng nề như thế? Thế nhưng, nếu làm tốt được thì công đức không gì thù thắng hơn.
Vì thế, chúng ta nhất định phải tự khích lệ bản thân, ví như lúc mới xuất gia không hề nghĩ đến vấn đề có ý nghĩa nghiêm trọng như thế này, chỉ nhận hiểu một cách mơ hồ mù mờ mà xuất gia, nhưng nay đã xuất gia rồi, hiện nay đã nhận biết rồi, thì phải thực sự nỗ lực, nhất định phải làm cho thật tốt công việc giáo hóa chúng sinh, phải thật thà chơn chất mà nêu gương tốt đẹp cho đại chúng trong xã hội noi theo.