(Giảng ngày 15 tháng 10 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 110, số hồ sơ: 19-012-0110)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Người ta sống ở đời, điều quan trọng thiết yếu nhất là học tập. Người xưa nói: “Hoạt đáo lão, học đáo lão, học bất liễu.” (Còn sống còn học, học mãi không thôi.) Chuyện quan trọng thiết yếu nhất là hiểu biết sáng tỏ thực tướng của vũ trụ nhân sinh, cũng gọi là sáng tỏ lý lẽ. Lý lẽ đó, vận dụng thực tế vào sự tướng chính là vấn đề ân nghĩa. Cho nên, “chịu ơn không báo” là điều đại ác. Có người xem thường việc này, là do không học nên không biết. Khi được học qua rồi sẽ hiểu rõ ràng. Lại nếu như “nhớ oán không thôi” thì tội lỗi ấy lại càng lớn thêm nữa.
Những người nào có ơn đối với chúng ta? Trong kinh Phật giảng giải thấu triệt nhất, giảng giải rõ ràng nhất. Chúng ta mỗi ngày đều tụng đọc trong bài kệ hồi hướng, “thượng báo tứ trọng ân” (trên đền bốn ơn nặng), nhưng đều chỉ là lời ngoài cửa miệng, còn ý nghĩa thực sự [của việc báo ơn] thì không nhận hiểu, không thể hội được. Bốn ơn này đều là ơn nặng đức lớn. Chúng ta chịu ơn sâu nặng, trong lòng lại không có một mảy may cảm niệm nhớ nghĩ, cho nên tu tập đạo pháp làm sao thành tựu? Những khiếm khuyết lỗi lầm trong sự tu tập làm sao có thể sửa đổi dứt trừ?
Trong bốn ơn này, trước hết là ơn cha mẹ. Phải báo ơn cha mẹ như thế nào? Khi cha mẹ còn ở đời, phải hết sức hiếu dưỡng. Khi cha mẹ đã qua đời, như lời người xưa nói là phải làm “vinh tông diệu tổ” (rạng rỡ tổ tông). Những việc làm của chúng ta ngày nay có thực sự khiến cho mọi người trong xã hội đối với cha mẹ ta phải tôn trọng, ngợi khen xưng tán hay không? Làm cho cha mẹ được vinh dự rỡ ràng, đó chính là “vinh tông diệu tổ”. Cha mẹ không còn ở đời phải báo ơn như vậy. Vì sao mọi người trong xã hội đối với cha mẹ của quý vị ngợi khen xưng tán? Vì quý vị có đức hạnh tốt đẹp, học vấn tốt đẹp, có sự cống hiến cho mọi người trong xã hội. Việc này có mấy người nghĩ đến? Cho nên, trong bốn ơn nặng thì trước tiên là ơn cha mẹ.
Trong phần trước, khi giảng về “trung hiếu”, tôi đã nói rất nhiều. Thế nào là tận hiếu? Trong lúc còn cắp sách đến trường lại không thực sự nỗ lực học hành, đó là bất hiếu. Không kính trọng thầy dạy, đó là bất hiếu. Không hòa thuận vui vẻ với bạn đồng học, cũng là bất hiếu. Phải làm tốt mọi việc, kính thầy trọng đạo, thương yêu bạn đồng học, đó là thực hiện đạo hiếu của người học sinh.
Cho nên, chúng ta mỗi khi khởi tâm động niệm, nói năng hành động, phải thường tự suy xét xem những ý niệm này của mình, hành vi này của mình, cha mẹ nhìn thấy có hoan hỷ vui mừng hay không? Nếu xét rằng cha mẹ nhìn thấy sẽ không hoan hỷ thì chúng ta làm như vậy là bất hiếu.
Vào thời xưa, sự kỳ vọng của cha mẹ đối với con cái so với ngày nay có phần cao hơn. Người xưa thảy đều hy vọng con cái mình thành bậc thánh hiền, nên người đi học ngày xưa lập chí làm bậc thánh hiền, người học Phật nuôi chí thành Phật, Bồ Tát. Đó là biết nhớ nghĩ đến ơn cha mẹ.
Thứ hai là nhớ nghĩ đến ơn Tam bảo. Trong ơn Tam bảo cũng bao gồm cả ơn thầy dạy [đạo]. Ơn thầy dạy phải làm sao báo đáp? Trong kinh điển, Phật có dạy một câu nói lên việc báo ơn cụ thể: “Thọ trì độc tụng, vị nhân diễn thuyết.” (Thọ trì tụng đọc, vì người khác diễn nói.) Nếu không làm được điều này là quên ơn Tam bảo, quên ơn thầy dạy.
Thứ ba là ơn đất nước, quốc gia. Thời xưa gọi là ơn vua, ơn quốc chủ. Nhờ uy đức của người lãnh đạo mà chúng ta sống trên đất nước này được an cư lạc nghiệp, xã hội địa phương được phồn vinh, ổn định, bình an. Đó là ơn của người đứng đầu đất nước, ngày nay gọi là ơn đất nước, ơn quốc gia. Nếu như phải sống trong một xã hội loạn động, quý vị sẽ không cách gì sống được, cũng không cách gì tu học được.
Thứ tư là ơn chúng sinh. Hết thảy chúng sinh đối với ta đều có ơn đức lớn, ai biết được điều đó? Chúng ta mỗi ngày ăn cơm rau, cơm đó từ đâu mà có? Rau đó từ đâu mà có? Mỗi ngày đều dùng y phục? Y phục đó từ đâu mà có? Đều phải nhờ có nông dân cày bừa, công nhân vất vả, thương nhân vận chuyển, mang đến tận đạo trường này cho chúng ta. Quý vị xem, còn phải có biết bao người khác bận rộn lo toan, chúng ta mới có được cơm ăn, quần áo mặc mỗi ngày. Có ai nghĩ đến những điều như vậy? Mỗi chén nước, mỗi bát cơm đều chứa đựng trong đó những ơn đức lớn lao. Chúng ta ngày nay mặc y phục không vừa ý, ăn không ngon miệng, còn khởi tâm giận hờn bực tức, đó có phải đúng lời chư Phật, Bồ Tát răn dạy hay chăng? Cho nên, mỗi ngày đều tụng niệm bài kệ hồi hướng, nhưng nội dung bài kệ thì xưa nay lại không hề nghĩ đến. Cách tụng niệm kinh điển như thế là miệng đọc mà tâm không suy xét.
Kẻ phàm phu nhớ nghĩ đến oán thù, trong lòng oán hận. Trong lòng thường oán hận, quý vị nghĩ xem, quả báo là ở đâu? Người niệm Phật thì thành Phật, niệm chư thiên thì sinh về cõi trời, người niệm oán hận sinh về đâu? Là vào ba đường ác. Ý nghĩa này phải hiểu rõ.
Các bậc thánh hiền thế gian cũng như xuất thế gian đều dạy chúng ta phải nhớ nghĩ đến ơn đức, đều dạy chúng ta phải hóa giải, dứt trừ mọi điều oán kết. Hóa giải không phải từ bên ngoài, phải từ trong tâm mà hóa giải. Trong tâm đã giác ngộ rồi thì không có oán kết. Người mê muội mới có [oán kết], người giác ngộ thì không, vì biết rõ rằng thế gian vô thường, muôn pháp đều là không, hết thảy các pháp thế gian, xuất thế gian đều không thể nắm bắt, vậy từ đâu mà có oán kết?
Thúc đẩy nhanh sự giác ngộ của chúng ta, ơn đức lớn lao đó [của Tam bảo] vĩnh viễn không quên được. Về việc báo ơn cụ thể, quả thật lời Phật dạy [như trên] hết sức trọn vẹn đầy đủ. Đối với việc “thọ trì”, phải có đủ bốn phần “tín giải hành chứng” (tin nhận, hiểu rõ, thực hành, chứng nghiệm), đó gọi là thọ trì. Về “tụng đọc, vì người diễn nói”, đó là vận dụng cụ thể vào thực tiễn việc báo ơn, mỗi một ý niệm đều không quên lời răn dạy của Phật tổ, đọc kinh là để làm như vậy. Y theo lời dạy vâng làm là vì người diễn nói. Cần phải thực hành, phải thực sự làm để cho người khác nhìn vào noi theo.
Trong đạo trường này có các tượng Phật, Bồ Tát, các bức tranh tượng, mỗi người chúng ta đều biết được ý nghĩa biểu trưng. Thân thể này của ta đem so với các hình tượng, tranh tượng kia nào có khác gì nếu như không cử động. Để làm hình tượng cử động, phải thường xuyên thực hành [lời Phật dạy] cho mọi người nhìn vào noi theo. Đó gọi là vì người diễn nói. Chúng ta diễn những gì, nói những gì? Có thể làm khuôn mẫu tốt cho mọi người hay chăng? Có thể làm tấm gương tốt cho mọi người noi theo hay không? Nếu như hết thảy mọi người đều làm giống như ta thì có được không? Phải thường xuyên phản tỉnh, suy ngẫm như vậy, phải thường xuyên tự kiểm điểm.
Phải học theo Phật, học theo Phật mới có thể làm Phật. Trong lòng muốn làm làm Phật, nhưng “chịu ơn không báo, nhớ oán không thôi” thì có thể làm Phật được sao? Có thể vãng sinh được sao? Đời sau có thể sinh về cõi lành được sao? Việc này trong lòng mọi người đều nhận hiểu rất rõ ràng, rất sáng tỏ, chỉ có điều tâm ý và hành vi không chuyển đổi được thôi. [Lời dạy của] chư Phật, Bồ Tát đều biết, của các bậc hiền thánh xưa đều biết, vì sao không chuyển đổi được? Là vì tập khí phiền não quá nặng nề, đã huân tập từ vô lượng kiếp đến nay.
Thế nhưng, không chuyển đổi được thì nhất định sẽ bị đọa lạc. Trong kinh điển có lúc đức Phật cũng đã nói về việc này. Những người nghiệp chướng nặng nề là từ các đường ác mà thoát ra, vẫn còn mang theo tập khí trong các đường ác. Nếu như không phải trong quá khứ đã từng tu tích khá nhiều căn lành phước đức thì sau khi thoát ra khỏi các đường ác, có mấy người còn biết tu hành?
Nữ cư sĩ họ Tề kể với chúng ta chuyện trên núi Thiên Mục có một nhóm quỷ thần. Những quỷ thần này từng gá vào thân người để nói chuyện với mọi người. [Họ nói rằng] họ là những quỷ thần vừa từ địa ngục thoát ra. Từ địa ngục ra mà vẫn nghĩ chuyện tu hành, quý vị có thể biết là căn lành phước đức của họ thật sâu dày. Thế nhưng những thói xấu, tập khí của họ vẫn còn. Khi nhìn thấy những người không tu hành chân chánh, họ sinh lòng tức giận, liền trêu chọc đùa cợt những người ấy. Điều này cho thấy tập khí xấu của họ vẫn còn. Tuy họ khó đạt được giác ngộ nhưng rất nỗ lực tu hành, nhìn thấy những người tu hành chân chính họ rất hoan hỷ, tán thán, ủng hộ. Đó là căn lành phước đức huân tập từ vô lượng kiếp, chỉ do một niệm sai lầm bị đọa vào đường ác.
Điều mà những người đọa vào đường ác đã làm chính là nhớ nghĩ oán thù, sân hận. Do những nghiệp nhân ấy mà bị đọa lạc. Vì thế, trong quá trình tu học, điều trước tiên phải dứt trừ là gì? Là phải dứt trừ sân hận. Quý vị nếu như đã có một lần đọc kỹ kinh điển giáo pháp, sẽ thấy chư thiên ở các cõi trời từ Sắc giới trở lên, từ cõi trời Sơ thiền trở lên, đều hoàn toàn không có sân hận. Cho nên, tâm của chư thiên ở các cõi trời thuộc Sắc giới là bốn tâm vô lượng: từ, bi, hỷ, xả. Người tu thiền định phải có đủ từ bi hỷ xả mới có thể sinh vào Sắc giới. Nếu không có bốn tâm vô lượng, dù tu thiền định rất tốt cũng chỉ sinh trong Dục giới, không thể sinh lên Sắc giới.
Nhưng chư thiên trong cõi Dục giới cũng có sáu tầng bậc, càng lên cao thì tâm sân hận càng giảm nhẹ hơn. Do đó có thể biết, [chư thiên] cõi Tứ vương thiên so với chúng ta giảm nhẹ [sân hận] hơn rất nhiều. Phiền não nhẹ thì sinh lên cao, phiền não nặng thì sinh xuống thấp. Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay, dùng khái niệm “tình, tưởng”. Tình là phiền não, tưởng là trí tuệ. Chúng sinh trong địa ngục chỉ có tình, hoàn toàn không có tưởng. Tình là những gì? Chúng ta thường nói là dùng cảm tình để ứng xử, không có lý trí. Đó là hoàn toàn tùy thuận tập khí phiền não của chính mình, như vậy sao có thể được?
Điều quan trọng thiết yếu nhất của người học Phật là phải vượt phàm lên thánh. Điều đó dù còn quá cao xa, nhưng ít nhất chúng ta cũng phải rõ biết vượt qua được hết thảy những vọng tưởng, phân biệt bám chấp. Làm cách nào vượt qua? Buông xả hết liền vượt qua được. Chỗ xem trọng của người đời là lợi ích riêng tư, là danh tiếng, lợi dưỡng. Chúng ta phải vượt khỏi thói thường, buông xả hết thảy những thứ ấy. Tất cả tình cảm bám víu của người đời đều là sai lầm.
Trong truyện Tây Du Ký, chúng ta đều biết Tôn Ngộ Không có năng lực siêu phàm. Chúng ta cũng biết Tôn Ngộ Không có một khuyết điểm bị Bồ Tát Quán Âm nắm được, cho nên vĩnh viễn phải bị khống chế trong tay Bồ Tát Quán Âm. Đó là khuyết điểm gì? Là háo danh, ưa thích đội mão cao trên đầu. Bồ Tát Quán Âm lợi dụng nhược điểm này mới đưa được vòng kim cô lên đầu Ngộ Không. Nếu ông ấy không có nhược điểm này, Bồ Tát Quán Âm đối với ông cũng vô phương không làm gì được.
Chỉ cần có mảy may vọng tưởng, phân biệt bám chấp, quý vị không thể nào thoát ra khỏi sáu đường luân hồi, một đời này của chúng ta thành ra vô ích. Quý vị nói xem, thật vô cùng đáng tiếc. Cho nên, người học Phật phải thường xuyên suy xét, khởi tâm động niệm luôn phải tương ưng với những lời răn dạy của Phật-đà.
Kinh luận quá nhiều, không nhất thiết phải tụng đọc nhiều. Nhiều quá có khi lại làm cho bản thân mình ngược lại thành lẫn lộn khó khăn. Chỉ cần một bộ kinh, một bộ kinh Vô Lượng Thọ thôi là tốt rồi. Nếu mỗi câu mỗi chữ trong kinh Vô Lượng Thọ đều làm được thì trong một đời này quý vị sẽ viên mãn thành Phật.
Kinh điển phải đọc, phải nghe. Đặc biệt là rất gần đây, các vị quỷ thần, thật ra chính là chư Phật, Bồ Tát thị hiện, cũng yêu cầu được nghe kinh. Các vị quỷ thần đó, chúng ta xem thấy đều là chư Phật, Bồ Tát. Chư Phật, Bồ Tát thị hiện hình tướng quỷ thần cho chúng ta thấy, những vị quỷ thần này đều yêu cầu được nghe kinh, được nghe nhiều, tức là muốn thời gian nghe kinh nhiều hơn một chút. Phía đông núi Thiên Mục mỗi ngày đều mở băng giảng kinh, nhưng quỷ thần ở đó cảm thấy thời gian nghe kinh không đủ, họ yêu cầu kéo dài hơn. Chúng ta ở [đạo trường] Cư Sĩ Lâm quỷ thần cũng yêu cầu được nghe kinh, cho nên hiện nay ở lầu hai, máy truyền hình ở lầu hai được mở suốt ngày đêm, hai mươi bốn giờ, ngày đêm không gián đoạn, là để thỏa mãn nhu cầu nghe kinh của họ.
Làm người nếu không chịu phát tâm nghe kinh, như lời Đỗ cư sĩ nói là “thậm chí không bằng quỷ thần”. Đó là chư Phật, Bồ Tát vì chúng ta khai thị. Vì sao vậy? Vì chỉ có nghe kinh thật nhiều, “một pháp thâm nhập, huân tu lâu dài” thì chúng ta mới thực sự tỉnh ngộ, sau khi tỉnh ngộ ra rồi thì tập khí thói xấu mới có thể sửa đổi. Nếu không sửa đổi được, nguyên nhân thực sự chính là nghe kinh chưa đủ. Quý vị mỗi ngày đều huân tập phiền não quá nhiều, quá nặng, việc huân tập những lời răn dạy của thánh hiền lại quá yếu ớt, thời gian quá ngắn ngủi, không chống lại nổi. Ý nghĩa là ở chỗ này.
Vì thế, người học Phật, bất kể là tại gia hay xuất gia, trong giai đoạn hiện nay của chúng ta, việc đọc kinh, nghe kinh, nghiên cứu, thảo luận [ý nghĩa kinh điển] là thời khóa công phu quan trọng thiết yếu nhất. Cho nên, phải thường xuyên suy xét đến việc vì sao công phu tu học không đạt hiệu quả? Trong cuộc sống mỗi ngày, khi ứng xử với người khác, tiếp xúc với sự việc sự vật, vì sao vẫn thường sinh phiền não? Chính là vì đối với những lời của chư Phật, Bồ Tát, quý vị nghe còn quá ít, đọc còn quá ít. Thời gian tiếp nhận những lời răn dạy của chư Phật, Bồ Tát quá ít, mà thời gian buông thả theo tập khí phiền não của bản thân thì lại quá nhiều. Nếu như không ngay từ chỗ này mà sửa đổi thì chúng ta làm sao có thể thành tựu?
Thế nhưng quý vị cũng phải luôn ghi nhớ, việc nghe kinh điển, nghiên cứu giáo pháp là giúp thành tựu phần tín giải (tin nhận, hiểu biết) của chúng ta, còn phần hành chứng (thực hành, chứng nghiệm) nhất định phải được rèn luyện ngay trong đời sống thực tế. Điều này cũng có nghĩa là, những điều tin nhận, hiểu biết của chúng ta, nếu không vận dụng được vào trong thực tế đời sống, không có sự thực hành và chứng nghiệm, thì những điều ấy cũng đều vô ích.
Khi thành tựu được phần tín giải (tin nhận và hiểu biết), đời sống thường ngày của chúng ta sẽ là sự thực hành, khởi tâm động niệm, nói năng hành động, nhất định phải tương ưng với những lời răn dạy trong kinh điển, đó gọi là hành chứng.
Trái nghịch với những điều nói trong kinh điển, đó là quý vị trái nghịch với những lời răn dạy của chư Phật, Bồ Tát, vẫn đem tâm luân hồi tạo nghiệp như cũ, chư Phật, Bồ Tát cũng không làm sao cứu nổi. Điều này chúng ta phải thực sự giác ngộ, phải thực sự quay đầu hướng thiện.