(Giảng ngày 15 tháng 4 năm 2000 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 190, số hồ sơ: 19-012-0190)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời mở sách Cảm ứng thiên, đoạn thứ 120: “Hựu uổng sát nhân giả, thị dịch đao binh nhi tương sát dã.” (Lại như kẻ giết oan người khác, đó là đổi binh khí mà giết lẫn nhau.)
Phần trước đã nói “hoạnh thủ nhân tài” (ngang ngược cướp lấy tiền tài người khác), đó là thuộc về tội trộm cướp. Trộm cướp quyết định là vay nợ, vay nợ đương nhiên phải trả lại. Đức Phật đã giảng với chúng ta hết sức rõ ràng. Những lời Phật thuyết đều là sự thật. Nhân quả tương thông cả ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai, cho nên thiếu nợ là phải trả.
Đoạn này nói về giết hại sinh mạng. Giết hại sinh mạng là nợ mạng. Nợ mạng sống quyết định phải đền trả bằng mạng sống. Do đó có thể biết rằng, giết hại với trộm cướp thực ra chính là tự hại mình, quyết định chỗ này không giành được lợi lộc gì, không đạt được ích lợi gì. Nếu chúng ta hiểu rõ được ý nghĩa này, rõ biết được chân tướng sự thật thì quyết định sẽ không làm những việc như vậy.
Ngược lại, người không trộm cướp sẽ được giàu có, người không giết hại sinh mạng sẽ được sống lâu. Quý vị suy ngẫm xem, giàu sang, khỏe mạnh, sống lâu là những điều người ta mong cầu, vì sao lại tạo những nghiệp ác kia làm tổn hại đến tiền tài, mạng sống của chính mình? Đó thật là ngu si hết mức.
Phần chú giải nói hết sức rõ ràng. Tuy không chú giải nhiều, nhưng quả thật đủ để cảnh tỉnh chúng ta đối với sự thật này phải xem trọng. Trong phần tiểu chú nói: “Trước đã nói chuyện ngang ngược cướp lấy tiền tài người khác.” Nhắc lại phần trước đã nói về việc cướp lấy tiền tài người khác. “Lại đem việc giết oan nói tiếp theo.” Phần tiếp theo là nói chuyện giết người oan uổng. “Việc giết oan người khác, thường là do tham tiếc tiền của mà làm.” Từ xưa đến nay, ở khắp mọi nơi, việc này chúng ta nghe nói đến quá nhiều, nhìn thấy cũng quá nhiều. Đặc biệt là gần đây, trên tin tức báo chí hầu như ngày nào cũng nhìn thấy. “So với lời Mạnh tử nói rằng ‘chẳng phải tự mình giết một cách gián tiếp rồi sao’, ý nghĩa câu chữ thật tương đồng, hết sức thẳng thắn, trực tiếp. Việc giết oan người khác, lược kể nguyên nhân có bảy điều.” Ở đây nêu ra bảy trường hợp giết người oan uổng.
Trong kinh Phật dạy rằng, mạng người có thân mạng, có tuệ mạng. Trong việc giết người, người thường chỉ biết đến việc đoạn dứt thân mạng, không biết đến trường hợp làm chướng ngại hoặc đoạn dứt tuệ mạng của người khác. Tội lỗi này so ra còn nghiêm trọng hơn cả việc giết người. Ý nghĩa và sự thật này, quả thật nếu không phải bậc đại thánh đại hiền thì không thể nói ra được. Giết thân mạng người khác, có những người thế tục thông thường nói rằng, sau bốn mươi chín ngày họ sẽ đầu thai. Họ bị người giết oan uổng, nếu như phước lộc của họ vẫn còn chưa hết, họ sẽ đầu thai trở lại làm người. Đó gọi là: “Hai mươi năm sau lại làm một trang hảo hán.” Đây là nói hiện tượng luân hồi nhân quả tuần hoàn, là sự thật, người bị giết oan sẽ quay lại báo thù.
Trong lúc báo thù như vậy, bậc thánh hiền khuyên chúng ta: “Oan gia nên cởi mở, không nên buộc thêm vào.” Việc gì phải kết oán thù cùng người khác? Phải hết sức nỗ lực hóa giải oán thù, mọi người cùng sống chung hòa bình, hợp tác hỗ trợ, như vậy tốt đẹp biết bao! Việc gì phải đòi nợ, trả nợ, phải báo oán qua lại với nhau? Ân oán kéo dài đời đời kiếp kiếp chính là nhân tố hàng đầu trong quả báo luân hồi.
Những chuyện này nói tóm lại đều khởi sinh từ tham lam, sân hận và si mê. Cho nên, đức Phật dạy rằng tham sân si là ba món phiền não độc hại. Ba độc nếu không tiêu trừ, không chỉ là phải luân hồi không dứt mà ba đường ác cũng đều không thể xa lìa được. Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện nói rất rõ ràng, chúng ta thường tụng đọc, phải ghi nhớ. Bồ Tát từ bi ở trong đường ác cứu độ chúng sinh, chỉ cần quý vị thực sự sinh khởi một chút căn lành, Bồ Tát liền giúp đỡ hỗ trợ quý vị. Thế nhưng giúp cho quý vị được siêu thoát, được lại thân người rồi, chẳng bao lâu quý vị cũng sẽ quay trở vào ba đường ác. Hiện tượng này, nhân quả này, chúng ta nhìn thấy rất rõ ràng. Chỉ cần quý vị tỉnh táo một chút thì có thể thấy được ngay trước mắt, ngay ở chung quanh chúng ta. Chúng ta có thể không cảnh tỉnh được sao? Nếu không cảnh tỉnh, đó là ngu si. Vẫn thuận theo phiền não, vẫn thuận theo tập khí, chính như trong kinh điển nói là “người rất đáng thương”, là kẻ “nhất-xiển-đề”. Nói nhất-xiển-đề hay người rất đáng thương, đó không phải nói đến người khác, trong kinh điển mỗi câu mỗi chữ đều là nói với chính bản thân ta, cần phải cảnh giác, cần phải giác ngộ.
Chỗ này, trong sách nêu lên với bảy trường hợp điển hình. Thứ nhất là xử án, tức là trường hợp quan tòa xử án nhận tiền hối lộ, xử oan cho người khác, giết oan người khác. Đây là hình thức giết người oan uổng thứ nhất, từ xưa đến nay ở khắp mọi nơi đều có.
Trường hợp thứ hai là “hành sư”. Hành sư là ý nghĩa gì? Chữ sư ở đây nghĩa là quân đội. [Hành sư là nói] lúc hành quân, tác chiến, buông thả cho quân lính thuộc hạ cướp bóc tài sản của người dân, vô cớ giết hại, mạo nhận lấy công lao. Những chuyện như vậy là thật có. Trong lịch sử cũng có rất nhiều. Cho nên, chúng ta xem trong lịch sử, từ xưa đến nay, những người làm tướng soái quân đội mà có thể có con cái tốt đẹp, có con cháu tốt đẹp là hết sức hiếm hoi. Nguyên nhân là gì? Là vì vô cớ lạm sát người dân. Chỉ có những vị tướng soái hiểu rõ lý lẽ, có đọc sách thánh hiền, thương yêu che chở người dân thường là có được con cháu nối dòng tốt đẹp. Những người như vậy rất hiếm. Trong lịch sử Trung quốc nổi danh nhất có Quách Tử Nghi, một tướng soái nho nhã, có con cháu đời sau rất tốt đẹp.
Cho nên chúng ta quan sát kỹ trong lịch sử, nói chung những người không biết quý tiếc mạng người, những tướng soái như vậy thì con cháu nối dòng hết sức thê thảm, thậm chí chính tự thân họ cũng không giữ được. Những chuyện như vậy có rất nhiều.
Trường hợp thứ ba là dùng thuốc, đó là nói những người làm thầy thuốc. Hiện nay những thầy thuốc như thế này rất nhiều. Bệnh của quý vị hết sức đơn giản, hết sức dễ dàng điều trị, nhưng vì họ muốn kiếm tiền nên cố ý không điều trị tốt cho quý vị. Vì sao vậy? Để mỗi ngày quý vị đều phải tìm đến họ, mỗi ngày đều phải trả tiền khám bệnh. Tâm ý như vậy hết sức xấu xa, cũng đồng như việc giết người. Kéo dài bệnh tật của người khác, khiến bệnh nhẹ trở thành bệnh nặng, rốt cùng thành không thể trị được nữa. Cho nên đó là cố ý giết người. So với những việc khác, dùng y thuật mà giết người là tội nặng hơn hết, nhưng mục đích bất quá cũng chỉ để kiếm tiền mà thôi.
Trường hợp thứ tư là phá thai, người hiện nay thường nói là làm cho hư thai. Phá thai là giết người, tội hết sức nặng. Người đời hiện nay không hiểu ý nghĩa này. Quý vị xem trong lời Phật dạy, một đứa trẻ tái sinh vào nhà quý vị là cùng với quý vị có bốn loại duyên. Có duyên đến để trả ơn. Nếu là để trả ơn, quý vị lại giết đi, ơn trả oán đền, ơn lại kết thành oán thù. Quý vị nói xem có phiền toái hay không? Nếu là duyên đến để báo thù, báo oán, một khi bị giết thì oán chồng thêm oán, thù oán càng nặng nề hơn. Cho nên chuyện này quyết định không được làm, là nghiệp tội cực kỳ nặng nề. Đọc qua kinh Phật rồi mới hiểu được loại nghiệp nhân quả báo này hết sức đáng sợ.
Người đời vì sao hiện nay làm việc [phá thai] này hết sức phổ biến? Chúng ta thường khi ra bên ngoài đi trên xe [buýt], thấy trên thành xe có các tấm quảng cáo: “Phá thai - một ngàn hai trăm đồng”. Các thầy thuốc làm quảng cáo như vậy, chuyên môn giúp người phá thai. Những thầy thuốc như vậy, nói một lời khó nghe, chính là những kẻ đao phủ giết người, chuyên môn giết người. Họ giết một người được bao nhiêu tiền? Bất quá chỉ được một ngàn hai trăm đồng, mà tội lỗi thật không thể chấp nhận! Một đời họ thiếu nợ bao nhiêu mạng người, lợi ích có được là bao nhiêu? Lại đi làm chuyện quá ngu mê như vậy. Thế gian có rất nhiều nghề nghiệp để mưu sinh, họ không làm, lại đi làm chuyện như vậy. Đó chính là giết người.
Giết hại loài vật thì càng không cần phải nói, còn nhiều hơn nữa. Loài vật cũng là mạng sống. Nếu quý vị giết chết một mạng, trong tương lai nhất định phải đền lại một mạng. Trong thế gian vì sao có chiến tranh? Vì sao có đổ máu? Không gì khác hơn là quả báo của nghiệp giết hại. Đức Phật dạy rất rõ ràng, nếu muốn thế gian này vĩnh viễn không có kiếp nạn đao binh, kiếp nạn đao binh là chiến tranh, muốn vĩnh viễn tránh được chiến tranh, Phật nói chỉ một câu: “Trừ phi chúng sinh không ăn thịt.” Nếu chúng sinh hoàn toàn chấm dứt việc ăn thịt thì thế gian này không có chiến tranh, thực sự là tránh được. Nói cách khác, nếu quý vị muốn ăn thịt chúng sinh thì quý vị không thể nào tránh được họa hại chiến tranh.
Chúng ta học Phật, đặc biệt là người niệm Phật, mong cầu trong một đời này vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, vãng sinh về thế giới Cực Lạc ở phương tây, quý vị suy ngẫm xem có thể ăn thịt được hay chăng? Tuy rằng trong kinh Phật không nói đến chuyện này, nhưng chúng ta tự mình phải suy ngẫm đến. Nếu vẫn còn ăn thịt thì quyết định là không đúng chánh pháp. Nói cách khác, quý vị nếu bỏ ăn thịt thì việc vãng sinh về thế giới Cực Lạc phương tây có thể nắm chắc được. Còn như không thể bỏ, còn miễn cưỡng nói “tôi ăn ba loại thịt sạch” thì việc vãng sinh đích thực là không thể nắm chắc được. Việc này lý với sự đều phải hiểu rõ, đều phải sáng tỏ.
Trường hợp thứ năm là tham quan sâu mọt, tham tiền hãm hại, ác độc ngang ngược. Việc này ở Trung quốc từ xưa đến nay đều có. Trong thời gian kháng chiến, tôi đi học ở Quý Châu, vùng Tương Tây, Vân Quý có những người thuộc dân tộc ít người nuôi vật độc, thả độc hại người, đa phần đều vì tham tiền mà làm chuyện hại mạng người, làm những chuyện như vậy.
Trường hợp thứ sáu là phong thủy, dời mộ hại người, dứt mạch gây họa. Đây là nói các thầy xem phong thủy, thường vì tham tiền mà phá hoại phong thủy của người khác. Tâm địa như vậy là bất thiện. Nhà Phật đối với việc này, trong kinh A-nan vấn Phật cát hung nói rất rõ ràng, rất sáng tỏ. Trong kinh điển Phật cũng nói về những sự việc này, giảng giải lý lẽ tất nhiên của sự việc. Phong thủy, theo cách nói hiện đại là môi trường cư ngụ. Chúng ta có môi trường cư ngụ, quỷ thần cũng có môi trường cư ngụ. Chúng ta phá hoại môi trường cư ngụ của quỷ thần là chuốc lấy tai họa.
Trong Giới kinh, Phật dạy chúng ta, cây cối cao hơn thân người đều có thần cây. Thần cây là gì? Là một loài linh quỷ nương dựa vào cây cỏ. Họ nương dựa vào đó xem như nhà của họ, họ cư ngụ ở đó. Không phải cây thành tinh, thành thần, mà là có quỷ thần cư ngụ ở chỗ đó. Cho nên Phật dạy các vị tỳ-kheo, trước đây ở trên núi lập am tranh, khởi công xây dựng am tranh đương nhiên phải chặt cây cối. Khi chặt cây thì nhất định trước đó ba ngày phải cúng tế, tụng kinh, chú nguyện, thỉnh các vị ấy dời nhà đi, trước hết có sự trình bày, phải mượn lấy chỗ ở của các vị để dựng am tranh tu hành. Quan hệ giữa người với người phải ứng xử tốt, quan hệ giữa người với quỷ thần cũng phải ứng xử thật tốt. Mời thỉnh họ đi nơi khác, không phải tùy tiện có thể chặt phá.
Cho nên, ngày nay thiên tai, nhân họa quá nhiều như vậy, rốt lại do đâu phát sinh, không ai biết được. Con người thời nay chỉ nói chuyện khoa học, nhưng khoa học chưa đạt đến trình độ này.
[Trường hợp đang nói đây] cũng là thuộc về tội giết người.
Trường hợp thứ bảy là thầy dạy không có kiến thức. Đây là giết chết tuệ mạng của người khác. Thầy dạy này mê hoặc con em người khác, làm mê hoặc suốt đời, làm hại con em người khác. Điều này khác với kẻ giết người, một bên là giết thân mạng người, một bên là giết tuệ mạng người, đều là tội ác.
Phần sau kết luận rằng: “Không gặp tai họa do người cũng phải chịu hình phạt của trời, tuy nói là giết người, kết quả cuối cùng là tự giết mình.” Đặc biệt là giết chết tuệ mạng của người khác, theo trong kinh Phật thì nghiệp tội đó so với kẻ giết chết thân mạng người khác thật không biết nặng nề hơn biết bao nhiêu.
Về chuyện này, trước đây tôi từng giảng kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Lạc, mọi người đọc qua kinh này thì hiểu rõ, thì biết được việc gây chướng ngại sự học Phật của người khác tội lỗi nặng nề đến mức nào. Bản kinh vừa mở đầu, đức Phật đã nêu lên một ví dụ điển hình, có hai vị tỳ-kheo giảng kinh thuyết pháp. Có người vì ganh ghét tìm đến phá hoại, đặt điều sinh sự, khiến cho người nghe pháp mất niềm tin đối với pháp sư. Đạo trường giảng kinh đó bị phá hoại. Người tạo thành nghiệp tội đó, chúng ta xem trong kinh thấy được, trong kinh nói là dùng thời gian cõi người của chúng ta, [người ấy phải chịu] mười tám triệu năm đọa địa ngục. Thời gian ở cõi người của chúng ta mười tám triệu năm, thời gian ở địa ngục so ra khác biệt, khác biệt rất lớn, nên trong địa ngục cảm nhận là vô lượng kiếp. Đó gọi là: “Ngày dài như một năm.” Việc gì phải tạo nghiệp tội như thế?
Ý niệm một khi chuyển đổi được, tùy hỷ công đức [thay vì ganh ghét], phước đức của quý vị là vô lượng vô biên. Tùy hỷ thì quyết định không có sự ganh ghét, không có sự phá hoại, chỉ hoan hỷ ngợi khen tán thán, khuyên bảo người khác nỗ lực tu học, công đức của quý vị so với công đức của người giảng kinh thuyết pháp thật không khác biệt, quả báo thù thắng không thể nghĩ bàn.
Quý vị xem, chuyện họa hay phúc tục ngữ nói rất hay, đều chỉ trong khoảng thời gian của một ý niệm. Một ý niệm giác ngộ sáng suốt, chúng ta trong một đời này tu được vô lượng vô biên phước báo. Một ý niệm mê muội liền tạo ra vô lượng vô biên nghiệp tội. Chư Phật, Bồ Tát đối với chúng ta có ân đức như thế nào, có ân đức lớn lao biết mấy, quý vị từ chỗ này có thể nhận hiểu được. Đây là đức Phật thực sự cứu độ chúng ta, chúng ta phải biết ơn. Dùng phương pháp nào để đền ơn? Đó là phải y theo lời dạy vâng làm, nghe hiểu rõ ràng, hết lòng tin nhận, thực sự nỗ lực làm theo. Đó là đền ơn Phật.