(Giảng ngày 3 tháng 12 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 140, số hồ sơ: 19-012-0140)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Mời xem Cảm ứng thiên đoạn thứ 75 gồm hai câu: “Thừa uy bách hiếp. Túng bạo sát thương.” (Dựa vào quyền uy bức hiếp người. Buông thả lòng hung bạo giết hại người.) Điều này chúng ta thường nói chung là “cậy thế hiếp người”, cũng là điều người thường rất dễ phạm vào, không biết rằng như vậy là kết mối thù sâu hận lớn với chúng sinh, khiến cho đối phương khởi tâm mạnh mẽ muốn báo thù. Sự báo thù đó trải qua đời đời kiếp kiếp không khi nào dứt được.
Cho nên, các bậc hiền thánh xưa dạy rằng, trong lúc quý vị đang có quyền lực, đang có địa vị cao, có uy thế, cần phải biết tu phúc, cần phải biết tích đức, không được dựa vào uy thế mà ức hiếp, lấn lướt người khác. Quý vị xem, là họa hay phúc chỉ trong khoảng thời gian của một ý niệm. Chúng ta đọc sách Liễu Phàm tứ huấn, thấy khi tiên sinh Liễu Phàm làm tri huyện Bảo Để, lúc ấy thật có địa vị, có quyền lực. Ông dùng quyền lực ấy để làm việc tốt, giảm thuế ruộng cho dân. Chỉ một việc ấy thôi, ông vốn phát tâm làm mười ngàn việc thiện, nhưng chỉ một việc giảm thuế này thì người chịu ơn không chỉ mười ngàn người mà nông dân trong toàn huyện hết thảy đều nhận được ơn huệ. Nếu như không hiểu được ý nghĩa này, [trong lúc có uy quyền lại] tùy tiện thưởng phạt, ức hiếp dân lành, tạo nghiệp như vậy là quả báo phải vào địa ngục.
Chúng ta từ trường hợp điển hình sáng tỏ rõ rệt này, cần phải tỉnh giác sâu xa, suy ngẫm sâu xa, mọi việc tốt xấu lành dữ quả thật [được quyết định] chỉ trong thời gian một ý niệm. Chúng ta cũng thấy ở phương Tây có thuyết nói rằng, đời người từ lúc sinh ra trở về sau đều hoàn toàn tuân theo vận mạng, suốt một đời không thể thay đổi được gì. Trong những lời tiên tri thời xưa chúng ta cũng thấy quan niệm cho rằng đời người giống như một vở kịch diễn ra theo kịch bản sẵn có.
Nhưng ta phải hỏi lại rằng, kịch bản đó do ai viết ra? Có phải do Thượng đế viết ra hay không? Hay do quỷ thần sắp đặt an bày? Nếu như đó là sự thật thì đời sống con người còn có ý nghĩa gì, hoàn toàn chỉ do người khác sắp xếp, nghe theo người khác bỡn cợt. Cách nói này thật không ổn.
Cho nên, có người đến hỏi tôi, cách nói như vậy của người phương Tây là căn cứ vào điều gì? Tôi nói, quan niệm của họ hoàn toàn giống với Khổng tiên sinh trong Liễu Phàm tứ huấn. Khổng tiên sinh đoán trước vận mạng trong suốt một đời của Viên Liễu Phàm. Tiên sinh Liễu Phàm sau đó đối chiếu với đời sống thực tế của bản thân thì quả nhiên không sai lệch. Mỗi năm đến kỳ dự thi, thi đạt những kết quả danh hiệu nào, so với những điều đoán định trong vận mạng đều tương đồng. Mỗi năm được bao nhiêu bổng lộc, so với sự đoán trước trong vận mạng cũng đều tương đồng, không một điểm nào sai lệch. Đó là thuyết Túc mạng.
Vậy con người có vận mạng hay không? Quả thật có, nhưng là với những người mê hoặc, chỉ biết y theo kịch bản sẵn có của bản thân mình mà biểu diễn. Tiên sinh Liễu Phàm trước khi gặp thiền sư Vân Cốc thì cũng là người [mê hoặc] như vậy. Sau khi gặp thiền sư Vân Cốc rồi, được thiền sư giảng giải rõ ràng ý nghĩa, kịch bản [của đời người] là do ai viết ra? Là do chính mình viết ra, qua những việc đã làm trong đời trước [tạo thành].
Cho nên nhà Phật nói: “Nghiệp lực dẫn dắt.” Đó là chân lý. Lẽ nhân quả báo ứng Phật dạy rất rõ ràng: “Muốn biết nhân đời trước, xem kết quả đời này.” Quý vị nếu muốn biết đời trước mình đã tạo những nghiệp gì, đó chính là những gì trong đời này mình đang nhận chịu, là quả báo đang nhận lãnh trong đời này. “Muốn biết quả đời sau, xem việc làm hiện tại.” Quý vị muốn biết đời sau của mình như thế nào? Đó là những điều khởi tâm động niệm, nói năng hành động, xử sự, đối đãi với người, tiếp xúc muôn vật, là quý vị đang tạo nhân. Nhân tốt đẹp thì quả đương nhiên sẽ tốt đẹp.
Cho nên chúng ta biết được rằng, quá khứ của mình mê hoặc điên đảo vì không được bậc thiện tri thức răn dạy, đã sai lầm. Đời này rất may mắn gặp được Phật pháp, gặp được kinh điển, dần dần nhận hiểu rõ ràng, được giác ngộ, hết lòng sửa chữa lỗi lầm xưa. Khi còn mê hoặc chúng ta không biết được tốt xấu, cho rằng ai ai cũng là người xấu, người người đều là đối địch với ta, suốt ngày từ sáng đến tối lúc nào cũng phải chú tâm đề phòng. Sau khi giác ngộ mới biết được đó là tự mình sai lầm. Ngày ngày đều là ngày tốt, người người đều là người tốt.
Vậy có người nào là không tốt? Là bản thân ta không tốt, ta đối với người khác hoài nghi, ta đối với người khác ngờ vực, đối với sự việc do dự không quyết đoán, đối với lý lẽ mê hoặc, là bản thân ta không tốt. Con người sao có thể không tốt. Một khi đã hồi đầu, đó là học Phật. Học Phật là học giác ngộ, học Phật là học làm người tốt. Lúc còn mê hoặc, khởi tâm động niệm đều là bức hiếp lấn áp người khác, đều làm thương tổn người khác. Sau khi giác ngộ rồi chúng ta mới thực sự sám hối, từ nay về sau dù ở đâu cũng luôn nhẫn nhịn nhún nhường, lễ độ nhân nhượng.
Trong Cảm ứng thiên, đến chỗ này là hết một đoạn. Phần tiếp theo nói về việc không biết quý tiếc tài vật, công sức. Theo cách nói ngày nay là lãng phí tài nguyên. Phần này giảng với ta những lỗi lầm thuộc loại này.
Đoạn trước nói về đối đãi với người, đoạn sau nói về đối với sự vật. Cho nên, quý vị quan sát thật kỹ, các bậc thánh hiền thế gian cũng như xuất thế gian dạy bảo chúng ta, nếu quy kết hết thảy lại thì không ngoài việc dạy ta cách thức làm người. Giữa người với người phải sống với nhau như thế nào? Đoạn tiếp theo bên dưới lại dạy chúng ta, con người phải sống như thế nào cùng với đại tự nhiên, với vạn vật? Con người phải sống như thế nào với trời đất quỷ thần?
Trời đất quỷ thần nhất định không phải là chuyện mê tín, cho dù mắt thường của chúng ta không thấy được, nhưng hiện nay chúng ta biết rõ, không gian có nhiều chiều kích không giống nhau. Chúng ta hiện sống trong không gian ba chiều, quỷ thần có khả năng là đang sống trong các không gian bốn chiều, năm chiều, sáu chiều, hoặc không gian có nhiều chiều cao hơn nữa. Chúng ta không thấy được họ. Ở tầng không gian nhiều chiều cao hơn, họ có thể nhìn thấy chúng ta, cũng như [chúng sinh] ở tầng không gian thấp hơn không thể nhìn thấy chúng ta. Cho nên, người xưa thường nói: “Ngẩng đầu ba thước có thần minh.”
Nhưng [quỷ thần là] chúng sinh sống trong chiều không gian khác biệt như vậy, chúng ta làm sao chung sống cùng họ? Chúng ta nhìn không thấy, nghe không được, tiếp xúc không được, thế nhưng biết rằng họ có tồn tại. Chúng ta dùng tâm chân thành, tâm cung kính để kính lễ họ, lễ kính một cách bình đẳng. Không chỉ lễ kính mà còn ngợi khen xưng tán. Chúng sinh sống trong không gian nhiều chiều cao hơn có trí tuệ, phúc đức cao hơn chúng ta, đáng để chúng ta ngợi khen xưng tán, đáng để chúng ta học tập. Cho nên, trong pháp “lục niệm” đức Phật có dạy ta “niệm thiên”. “Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng” là niệm Tam bảo. [Ba niệm còn lại là] niệm thiên, niệm giới, niệm thí.
Chư thiên tu tập thượng phẩm trong “thập thiện nghiệp đạo”, tu tập từ bi hỷ xả. [Cho nên,] niệm thiên là niệm thượng phẩm thập thiện, là niệm từ bi hỷ xả. Trong lúc niệm phải có sự noi theo, làm theo, phải hướng theo chư thiên mà học tập. Đó là thực sự tôn kính, lễ kính, ngợi khen xưng tán, đem công đức tu tập của ta hồi hướng cúng dường. Chúng ta lấy gì để cúng dường? Chúng ta phải tự mình tu tập thật tốt, đó là đối với chư thiên cúng dường. Bồ Tát Phổ Hiền dạy: “Tu hành đúng như lời dạy”, đó là cúng dường.
Thấu hiểu thật rõ ràng, thật sáng tỏ về ba mối quan hệ [giữa con người với con người, với môi trường tự nhiên và với trời đất quỷ thần], thực hiện được trọn vẹn đầy đủ [ba mối quan hệ này thì] thiên hạ được thái bình, thân tâm được an vui, phiền não tự nhiên không còn sinh khởi, trí tuệ tự nhiên tăng trưởng. Vui thích như thế sao không làm? Vì sao lại phải tạo nghiệp xấu ác?
Đối đãi với bất kỳ người nào cũng đều đội ơn cảm đức. Người khác có ơn với ta, dù là ơn đức một bữa cơm hay tiếp đãi trong một ngày đều suốt đời không quên, lúc nào cũng nuôi lòng báo đáp, như vậy là tốt.
Người khác làm nhục ta, hãm hại ta, quyết định không để trong lòng, những chuyện như thế đều quên sạch hết đi.
Chúng ta thực sự thể hội được rồi thì người người đều là người tốt, người người đều là Phật, Bồ Tát. Các bậc thánh hiền thế gian cũng như xuất thế gian dạy chúng ta như vậy.
Lúc nào cũng phải giữ lòng nhẫn nhịn nhún nhường, quyết định không được vô tình hay cố ý gây tổn hại đến người khác, gây tổn hại đến muôn vật. Không chỉ với con người mới không gây tổn hại, cho đến cây cối hoa cỏ cũng không được làm tổn hại. Đó là chư Phật, Bồ Tát, các bậc hiền thánh dạy ta đạo làm người như vậy.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.