(Giảng ngày 10 tháng 9 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 94, số hồ sơ: 19-012-0094)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Hôm qua đã giảng đến câu thứ 39 trong Cảm ứng thiên: “Nhẫn tác tàn hại.” (Nhẫn tâm làm những việc tàn ác tổn hại.) Những người tạo các nghiệp ác như thế này thường là do tập khí xấu ác tích lũy qua nhiều đời, không tự mình hay biết, tuy cũng có lúc nhận biết được đó là những việc không nên làm, nhưng rồi trong thực tế cũng vẫn luôn tạo nghiệp [xấu ác]. Từ điểm này chúng ta có thể quan sát thấy được tính chất nghiêm trọng của những tập khí xấu ác.
Người đời trong những dịp vui mừng, chúc thọ, hoặc trong nhiều dịp đáng mừng vui chúc tụng, rất nhiều người làm việc giết hại vật mạng để cúng tế quỷ thần, tạo ra vô số tội nghiệp xấu ác nhưng tự bản thân họ lại không hề hay biết. Những việc như thế chúng ta đã thấy rất nhiều. Trong kinh điển đức Phật dạy rất rõ ràng, ngày vui của bản thân mình cũng nên tạ ơn quỷ thần [che chở hộ trì]. Nhưng tạ ơn quỷ thần tuyệt đối không được giết hại vật mạng cúng tế. Nói thật ra, giết hại vật mạng cúng tế thì tất cả thiện thần, thiện quỷ đều tránh xa, không muốn gánh lấy những tội lỗi ấy. Quý vị vì họ mà giết hại nên [nếu dự vào thì] tội lỗi ấy họ phải gánh chịu. [Cho nên,] duy nhất chỉ có những hung thần ác quỷ mới không hề sợ sệt tránh né, đến thọ nhận những máu thịt chúng sinh dâng cúng cho họ. Do việc này mà cả người dâng cúng lẫn quỷ thần tiếp nhận đều phải đọa lạc. Đang mang thân người mà tạo nghiệp ác thì đời sau phải đọa vào địa ngục. Quỷ thần tạo nghiệp ác, đời sau cũng đọa vào địa ngục. Cứ như thế mà luân chuyển trong sáu đường.
Cho nên, trong hết thảy những ngày vui mừng chúc tụng, nhất định không được giết hại vật mạng. Vị biên nói đến điều này, trong đó có một đoạn ngắn gọn mà rất hay: “Bình đẳng vi Phật, chính trực vi thần.” ([Tâm] bình đẳng là Phật, chính trực là thần.) Câu này rất hay! Trong kinh điển, đức Phật thường dạy rằng Phật có tâm bình đẳng, Bồ Tát có tâm [thực hành] sáu ba-la-mật, các vị Duyên giác có tâm [quán chiếu] nhân duyên, các vị Thanh văn có tâm [tu tập] Tứ diệu đế. Trong tâm thường có những pháp như thế mới có thể vượt thoát sáu đường luân hồi.
Lại nói: “Nhất định không có lẽ nào [quỷ thần] lại do việc nhận hối lộ mà ban phúc lành.” Chúng ta giết hại vật mạng cúng tế thần linh, lại cũng có thể giết hại vật mạng để cúng tế chư Phật, Bồ Tát. Quả thật đã từng có chuyện như thế. Ngày trước tôi ở Đài Loan, lúc đã xuất gia rồi, tại vùng Đại Khê có chùa Hương Vân, khi đó tôi ở chùa này. Dân chúng trong vùng quanh đó vào những ngày rằm, mồng một đều mang những đầu heo, gà vịt, thịt cá lên chùa lễ Phật, cúng Phật. Quý vị nói xem, thế là thế nào? Biến Phật, Bồ Tát thành những thần linh rồi lễ bái, cúng kiếng. Đem những thứ đầu heo, gà vịt, thịt cá ấy mà cúng tế quỷ thần, cúng tế chư Phật, Bồ Tát, đó chính là hối lộ. Họ đối với chư Phật, Bồ Tát, đối với quỷ thần làm việc hối lộ, mong rằng Phật, Bồ Tát, quỷ thần sẽ [vì nhận hối lộ] mà ban phúc lành cho họ. Có lẽ nào như vậy được?
Do đó có thể biết rằng, những người như thế đối với Phật pháp không biết một chút gì, chỉ hoàn toàn là mê tín. Ở Đài Loan còn tồn tại sự mê tín ấy, tôi tin rằng trên thế giới này những kiểu mê tín tương tự như vậy hẳn là không ít. Truy đến tận cùng những nhân tố [mê tín] này, đệ tử học Phật chúng ta, đặc biệt là những đệ tử xuất gia, cũng phải có trách nhiệm, nhất định không thể đùn đẩy [cho người khác]. Người xuất gia chúng ta không làm tròn trách nhiệm giáo hóa chúng sinh, không đem Phật pháp giảng giải rõ ràng được cho đại chúng trong xã hội, để đến nỗi vẫn còn có những người mê tín như vậy. Thậm chí [trong] chúng ta còn có người làm những việc dẫn dắt đại chúng sai lầm đi vào đường mê tín, tội lỗi đó quả thật là vô lượng vô biên. Chính là vì những việc như thế này mà người xưa nói: “Trước cửa địa ngục nhiều thầy tăng.”
Chúng ta dẫn dắt hết thảy chúng sinh làm chuyện mê tín, thật là tội lỗi không gì nặng nề hơn. Thậm chí ngày nay chúng ta nói rằng Phật giáo là tôn giáo, như vậy là đã dẫn dắt chúng sinh sai lầm đi vào mê tín. Chúng ta ngày nay phải hiểu thật rõ ràng, thật sáng tỏ rằng Phật giáo không phải một tôn giáo, Phật giáo là những lời răn dạy đầy trí tuệ của đức Phật, không có quan hệ gì với tôn giáo cả. Vì thế, ngày nay chúng ta xem Phật giáo như một tôn giáo, đó là sai lầm dẫn dắt đại chúng đi vào mê tín, thật là tội lỗi vô lượng vô biên.
Cho nên ở chỗ này [trong Vị biên] có một đoạn văn rất hay. Trong xã hội có rất nhiều người đối trước Phật, Bồ Tát, đối trước quỷ thần mà hứa nguyện, tự mình có chỗ mong cầu liền hứa nguyện, khi nào đạt được sự mong cầu ấy sẽ giết hại vật mạng cúng tế [tạ ơn]. Nguyện như thế chính là ác nguyện. Chỗ này giải thích thật hay: “Ví như có được toại nguyện”, chỗ mong cầu của quý vị [như nói trên] nếu thực sự đạt được, như quý vị muốn thăng quan, quả nhiên được thăng quan, muốn phát tài quả nhiên được phát tài v.v... Trong thực tế, đó không phải Phật, Bồ Tát [nhận lời rồi] giúp quý vị được mãn nguyện, hay quỷ thần giúp quý vị được mãn nguyện. Không phải vậy. Đó là trong mạng số [nhân duyên quả báo] của quý vị đã sẵn định như vậy, căn bản là đối với chư Phật, Bồ Tát hay quỷ thần chẳng có liên quan gì. Nhưng lời hứa nguyện của quý vị là ác nghiệp, quý vị tạo nghiệp ác [giết hại vật mạng], quả báo nhất định sẽ theo sau, nếu không phải ngay trong đời này thì ắt là đời sau. Ngay trong đời này là nói vào những năm tháng sau này của quý vị, sẽ gặp phải quả báo xấu ác. Nhân duyên quả báo không một mảy may sai chạy.
Trong Cảm ứng thiên nói rất rõ ràng, nhưng chỉ nói về lý nên không nhiều. Phần chú giải trong Vị biên bổ sung vào, cho nên nói là có đủ lý luận trọn vẹn đầy đủ. Nhưng phần sự tướng được nói rất nhiều. Phần sự tướng này chính là những chứng cứ chân thật, những chứng cứ của việc gieo nhân lành được hưởng quả lành, tạo nhân ác phải nhận quả báo xấu ác. Rất nhiều chứng cứ như vậy.
Chúng ta đọc sách này, xem thấy những nghiệp nhân quả báo như vậy trong quá khứ, sau đó mới quay lại quan sát kỹ trong xã hội hiện nay của chúng ta. Người thời nay tạo tác [như thế nào], lại xem thấy người thời nay nhận lãnh quả báo [như thế nào], đem so với những điều được ghi chép trong sách lại càng thấy rõ ràng hơn, chúng ta sao có thể không tin? Sao có thể không thực sự nỗ lực học tập?
Quý vị đồng học nêu lên hai vấn đề, so với những gì tôi đang giảng đây cũng không khác biệt. Xã hội hiện tại do việc gia tăng dân số nên có nhiều quốc gia, nhiều địa phương tìm đến biện pháp kế hoạch hóa gia đình, tiết giảm việc sinh sản. Dân tộc Trung quốc từ xưa nay vốn trọng nam khinh nữ, nếu sinh con trai thì từ nhỏ đã được chiều chuộng nâng niu. Quý vị đâu biết được đứa trẻ ấy sinh vào nhà mình để báo ân hay báo oán? Là sinh ra để đòi nợ hay trả nợ? Cho nên, vấn đề của xã hội ngày nay nếu không thấu hiểu sâu xa Phật pháp thì không thể giải quyết.
Dựa vào những quan niệm, cách nghĩ, cách nhìn của bản thân chúng ta thì chỉ thấy được những điều trước mắt, không thấy được hậu quả về sau. Trước mắt thấy phương pháp đó, cách làm đó là không sai, nhưng kết quả về sau như thế nào thì hoàn toàn không biết, khả năng sản sinh tai họa về sau là rất lớn. Người bình thường suy ngẫm khảo xét thường chỉ khảo xét những điều nhìn thấy trước mắt, cho nên thời đại ngày nay kém rất xa so với thời xưa.
Trung quốc vào thời xưa, đặc biệt là những bậc nhân sĩ điều hành đất nước, điều hành chính phủ, những suy nghĩ, khảo xét của họ hướng đến thời gian rất lâu dài. Chỗ suy xét của những bậc đế vương thời xưa là hướng đến ngàn năm muôn đời, mong cho vương quyền của họ được mãi mãi củng cố, con cháu của họ đời đời truyền nối không dứt mất. Người làm Tể tướng thì [vạch ra chính sách] ít nhất cũng phải suy nghĩ đến ảnh hưởng năm mươi năm, trăm năm về sau. Những người trí thức, có học, ví như không làm quan, chỉ làm một người dân thường, họ cũng vì con cháu đời sau mà suy nghĩ, vì sứ mạng lịch sử mà suy nghĩ, cho nên suy nghĩ [hướng đến] rất dài lâu.
Nhà Phật nói về thiện ác rất đầy đủ, trọn vẹn. Những việc hiện nay là thiện, kết quả cho đời sau bất thiện thì đó không phải việc thiện chân thật. Có những việc hiện nay tuy là bất thiện, nhưng kết quả đời sau rất tốt. Việc như thế rất đáng làm. Hiện nay rất ít người có trí tuệ như thế, cho nên không có năng lực phân biệt thiện ác. Rất nhiều sự việc trước mắt dường như đúng đắn mà thực tế là sai trái, bản thân chúng ta thường làm sai là vì không có trí tuệ, không có mắt nhìn. Nguyên nhân vì đâu? Là do lỗi không đọc sách thánh hiền, sách thánh hiền giúp chúng ta tăng trưởng trí tuệ; không đọc sách lịch sử, nhất là lịch sử Trung quốc.
Lịch sử Trung quốc ghi chép những gì? Chính là ghi chép [những trường hợp] thiện ác báo ứng. Hai mươi lăm bộ sử đều là nói về nghiệp nhân quả báo, giúp chúng ta tăng thêm kiến thức, giúp chúng ta có năng lực phân biệt thị phi, thiện ác. Cho nên, người xưa xem đọc sách là điểm quan trọng trong giáo dục.
Kinh điển và sử học, một bên là trí tuệ học vấn, một bên là kiến thức. Lịch sử là một tấm gương soi, trong việc đối đãi với người, ứng xử với sự việc, tiếp xúc với muôn vật, nếu thường đọc sách thánh hiền có thể tránh được nhiều sai lầm. Mỗi một sai lầm, nếu dùng con mắt Phật mà xem xét thì họa hại về sau thật lớn lao vô cùng. Điều này người thế gian không thể lý giải được.
Có vị đồng tu nói với tôi, ở Trung quốc đại lục, những nơi chùa chiền, đạo trường của Phật giáo, thường có người mang các bé gái sơ sinh đến bỏ. Người trong các chùa ấy, trên căn bản từ bi của nhà Phật nên nhặt lấy các em bé này về, biết làm sao khác được? Nghe nói có chùa mỗi năm nhặt về đến mười mấy, hai mươi đứa trẻ.
Quý vị nên biết, hiện nay cũng như trước đây đều có, cách đây nửa thế kỷ, lúc tôi mười mấy tuổi, thường thấy trong thành thị có các Dục anh đường là nơi nuôi trẻ. Vì sao gọi là Dục anh đường? Đó là nơi người ta nuôi dưỡng những trẻ em bị bỏ rơi. Cha mẹ không cần đến chúng, mang vất bỏ, người ta nhặt được mang về đó nuôi dưỡng. Cho nên, các đạo trường Phật giáo ở Trung quốc nên xây dựng những Dục anh đường như thế. Lời tôi nói là chân thật, đây là việc tốt nên làm.
Cẩn thận nuôi dạy tốt những trẻ em này, nuôi dưỡng chúng lớn lên thành người, thận trọng trong việc dạy dỗ chúng, từ nhỏ đã áp dụng nền giáo dục của thánh hiền để dạy dỗ chúng. Những đứa trẻ này rất dễ dạy. Vì sao vậy? Vì không có ai can thiệp vào. Những trẻ khác có cha mẹ chúng làm chủ, còn đối với những trẻ này ta có thể làm chủ [trong việc dạy dỗ], không cần phải đưa chúng đến trường lớp nào. Trong Dục anh đường của chúng ta tự có chương trình giáo dục riêng, có thầy cô giáo riêng, dạy cho trẻ về luân thường, đạo đức, về nhân quả báo ứng, cùng với những ý nghĩa lớn lao mà các bậc thánh hiền giảng giải về tâm tánh.
Những đứa trẻ này được dạy dỗ nuôi dưỡng, tương lai lớn lên có thể đi theo hai đường. Một là lập gia đình. Vì chúng đều là con gái nên sẽ là những người vợ hiền, những bà mẹ tốt, sẽ vì đất nước mà nuôi dạy bồi dưỡng một thế hệ nhân tài tiếp theo. Nếu theo đường xuất gia, đây sẽ là những vị ni sư tốt.
Cho nên, chúng ta phải biết tùy nơi tình thế mà dẫn dắt theo hướng lợi lạc, phải làm cho thật tốt việc này. Làm việc này là vô lượng công đức. Nhà Phật thường nói: “Cứu một mạng người hơn xây tòa tháp bảy tầng.” Huống chi quý vị không chỉ cứu sống các em, quý vị còn nuôi dưỡng, giáo dục chúng. Chúng ta làm việc này cũng là vì quốc gia, vì xã hội, vì Phật pháp, vì chúng sinh bồi dưỡng nhân tài. Đó chính là thực hành đạo Bồ Tát.
Cho nên, toàn bộ vấn đề xã hội quy kết lại chính là vấn đề giáo dục. Phật giáo là giáo dục, là giáo dục xã hội, hơn nữa còn là nền giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Chúng ta hiểu rõ được điều này, hiện nay đã chọn đi theo con đường giáo dục này thì phải thực sự nỗ lực học tập cho thật tốt, phải làm cho thật tốt. Như vậy thì chúng ta mới xứng đáng với chư Phật, Bồ Tát, mới xứng đáng với xã hội; chúng ta tiếp nhận sự cúng dường của bốn chúng đồng học mới thực sự có thể “trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường”, tiếp nối kế thừa sự nghiệp của chư Phật, Bồ Tát, hoàn thành sứ mạng mà chư Phật, Bồ Tát giao phó cho chúng ta.