(Giảng ngày 20 tháng 12 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 145, số hồ sơ: 19-012-0145)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Mời xem Cảm ứng thiên, đoạn thứ 80. Đoạn này có bốn câu: “Kiến tha vinh quý, nguyện tha lưu biếm. Kiến tha phú hữu, nguyện tha phá tán.” (Thấy người vinh hoa phú quý, mong cho người lưu lạc tù đày. Thấy người giàu có, mong cho người tan nhà nát cửa.) Từ đây về sau là nói về những điều xấu ác ngấm ngầm không nhìn thấy bên ngoài.
Trong phần chú giải có một đoạn hết sức rõ ràng: “Nói chung người được vinh hoa phú quý đều không phải do ngẫu nhiên mà được, thảy đều là nhờ trước có gieo duyên lành, trồng sâu cội đức, lại thêm tổ tông tích đức nên mới được như vậy. Người khác nhìn thấy như vậy nên khởi tâm ngưỡng mộ. Không phải ngưỡng mộ vinh hoa phú quý, mà thật ra là ngưỡng mộ sự tu tập trước đây của họ.”
Chúng ta xem qua một đoạn này. Tâm ý tình chấp xấu ác này, xưa nay ở đâu cũng có. Không chỉ trong cõi người, cho đến trong các cõi súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục cũng đều có. Đó là sự mê chấp quá nặng nề. Người đời có ai không tham muốn tiền tài? Nếu người không tham tiền tài thì đó không phải người phàm, đó là thánh nhân.
Người đời khởi tâm động niệm đều bị phiền não che lấp. Những gì là phiền não? Đó là tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn. Phàm phu sống trong tham sân si mạn, làm sao không khổ được?
Tâm niệm tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn, có thể đạt được vinh hoa phú quý hay chăng? Xin nói cùng quý vị, quyết định không thể nào đạt được. Trong phần chú giải nói rất rõ, chư Phật, Bồ Tát dạy như thế. Chúng ta xem lại trong mỗi một tôn giáo, các vị thượng đế, thần thánh của họ cũng đều dạy như vậy. Phú quý vinh hoa không phải ngẫu nhiên có được, hết thảy đều do sự bồi đắp vun trồng từ trong quá khứ.
Nhà Phật nói rất rõ: “Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thụ giả thị.” (Muốn biết nhân đời trước, xem quả nhận đời này.) Câu này hàm ý nói rằng, quý vị nếu muốn biết đời trước tu tập những nhân gì, [hãy xem] những gì quý vị đạt được trong đời này, những gì quý vị được thọ nhận, hưởng dụng chính là quả báo. Đó gọi là: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu.” Đời trước quý vị gieo trồng những gì, một đời này quý vị được thọ nhận, một đời này được hưởng thụ, một đời này gặp được thời vận tốt, thảy đều do nhân đã tạo từ đời trước.
Đức Phật cũng dạy: “Dục tri lai thế quả, kim sinh tác giả thị” (Muốn biết quả đời sau, xem việc làm đời này.) Quý vị muốn biết đời sau của mình sẽ như thế nào, đời sau được tốt đẹp hay không, hãy nhìn vào những gì tạo tác trong đời này. Quý vị trọn đời gieo trồng nhân lành, đời sau quý vị nhất định được quả lành. Một đời này nếu tâm ý, hành vi của quý vị đều bất thiện, sang đời sau có lý nào lại được quả lành? Ý nghĩa quan trọng này chúng ta phải hiểu rõ.
Đức Phật dạy chúng ta về sự giàu có. Quý vị được phát tài trong đời này, bất kể quý vị dùng phương thức gì, buôn bán cũng tốt, làm công cũng tốt, làm quan chức chính quyền cũng tốt. Ngày nay chúng ta đều biết, ở nhiều địa phương có các quan chức chính phủ nhận hối lộ. Nhận hối lộ cũng là dựa theo vận mạng. Vận mạng không có được, vừa nhận một chút tiền liền lập tức xảy chuyện, bị khép tội theo pháp luật, phải chịu sự phán xét, chế tài của pháp luật. Người nhận hối lộ rất nhiều mà cả đời chẳng bị gì, đó là trong vận mạng đã có. Người ấy không nhận hối lộ, vận mạng cũng vẫn được giàu có như vậy, nhưng chẳng qua là thế nào? Là đến muộn hơn một chút mà thôi, chỉ là vấn đề đến sớm hay đến muộn. Trong vận mạng sẵn có, dù muốn vất bỏ đi cũng không bỏ được. Vận mạng không sẵn có, dù mong cầu cũng không cầu được. Chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa này.
Tự mình chú tâm suy ngẫm kỹ, ta có giống như có vận mạng phú quý hay không? Lại suy ngẫm kỹ hơn, liệu ta có xứng đáng được giàu sang phú quý hay không? Mọi người đã đọc qua sách Liễu Phàm tứ huấn, quý vị xem, tiên sinh Liễu Phàm có thể phản tỉnh, đó là người thông minh, đó là người có trí tuệ.
Phật dạy chúng ta, giàu sang là nhờ tu tập thế nào mà được? Giàu sang là nhờ tu tập bố thí mà được. Phật khuyên chúng ta gieo trồng phước đức. Thế gian có ba loại ruộng phước, là những nơi để ta gieo trồng phước đức. Ruộng phước thứ nhất là cha mẹ. Cha mẹ là ruộng báo ơn, người hiếu dưỡng cha mẹ được phước đức. Ruộng phước thứ hai là Tam bảo. Tam bảo là ruộng cung kính.
Nhưng Tam bảo phải trọng thực chất, không trọng hình thức. Ý nghĩa này có mấy người hiểu được? Chỉ người sáng tỏ lý lẽ mới hiểu được. Khi giảng giải tôi từng nói với quý vị rất nhiều lần, tôi rất khâm phục Tổng thống Nathan hiện nay của Singapore. Ông ấy bảo tôi là ông rất tôn trọng Phật giáo, vì “Phật giáo trọng thực chất, không trọng hình thức”. Câu này là nói công hạnh bên trong. Cửa Phật chúng ta có bao nhiêu người xuất gia đều không nói ra được. Cho nên, Tam bảo phải trọng thực chất, không trọng hình tượng.
Lần này Đài Loan gặp cơn đại địa chấn, một vùng Puli thuộc quận Nantou có rất nhiều chùa, miếu bị phá hủy, ngay trong cơn địa chấn bị phá hủy. Có người hỏi rằng, ở đó có biết bao người tu hành, vì sao vẫn phải gặp tai nạn như vậy? Thật ra điều này rất đơn giản. Phật pháp trọng thực chất, không trọng hình thức. Nói cách khác, quan trọng ở sự tu hành chân chánh, không quan trọng vẻ ngoài. Vẻ ngoài dù khoác bất kỳ hình thức nào cũng đều không quan trọng. Pháp sư Sám Vân cũng ở trong vùng Nantou xảy ra địa chấn, đạo tràng của ngài vì sao hoàn toàn vô sự? Ngài là một bậc tu hành chân chánh nên tự nhiên có chư Phật hộ niệm, có các vị trời rồng, thiện thần đều theo bảo vệ. Đó là bậc chân tu.
Cách đây mấy năm, tôi có nghe việc các kho hàng chung quanh xưởng in Thế Hoa gặp hỏa hoạn. Các kho hàng nằm quanh bốn phía đều bị ngọn lửa thiêu rụi hết, chỉ riêng kho chứa của Thế Hoa bình yên vô sự. Bên trong kho chứa lúc đó là bộ Đại Tạng Kinh. Họ vừa in xong bộ Đại Tạng Kinh còn cất chứa trong đó. Ấy là có trời rồng, thiện thần theo bảo vệ. Chúng ta tin chắc sâu vững rằng loạt kinh điển này của họ in ra quyết định sẽ có tác dụng quan trọng lớn lao, tất nhiên trong tương lai cúng dường đến các bậc chân tu, tổ sư, đại đức, nên mới được các vị thiện thần theo bảo vệ. Kinh điển số lượng rất nhiều, phân chia khắp bốn phương, không biết được ở địa phương nào có người tu hành chân chánh.
Cho nên, nhìn thấy một nơi chùa, miếu, có người mặc y phục xuất gia nhưng tâm niệm, hành vi đều không theo giống như chư Phật, Bồ Tát, như vậy chẳng có ích gì. Trước đây lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam từng nói: “Đáng phải sống chết như thế nào vẫn là sống chết như thế ấy. Đáng phải gặp nạn như thế nào vẫn là gặp nạn như thế ấy.” Vì thế, phải thực tiễn tu hành chân chánh.
Vậy thử hỏi, chúng ta có tâm niệm hiếu dưỡng cha mẹ hay không? Có hành vi hiếu dưỡng cha mẹ hay không? Quý vị có làm được hay không? Có thực sự cung kính Tam bảo hay không? Cung kính Tam bảo, nếu mỗi ngày đều hương hoa trà quả cúng dường, mỗi ngày khấu đầu lễ lạy đến ba ngàn lượt, trong tâm vẫn còn nguyên vẹn tham sân si mạn, thật không ích gì. Chỉ là giả dối.
Chúng ta mang những gì đến cúng dường Tam bảo? Phải mang đến sự tu tập hành trì chân chánh. Trong kinh điển đức Phật dạy ta thực hành, ta đã làm được hay chưa? Lời Phật giảng dạy rất nhiều, chúng ta chọn lựa sắp xếp thành năm mục. “Tịnh nghiệp tam phúc” (ba điều phúc lành tạo nghiệp thanh tịnh) đã làm được chưa? “Lục hòa kính” (sáu pháp hòa kính) đã làm được chưa? “Tam học” (ba môn học giới, định, tuệ), “lục độ” (sáu pháp ba-la-mật) đã làm được chưa? “Phổ Hiền thập nguyện” (mười đại nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền) đã làm được chưa? Còn những điều khác không nói đến, chỉ nói riêng năm mục này, tất cả chúng ta đều có khả năng làm được. Như vậy là phụng sự sư trưởng, là chân chánh quy y Tam bảo, là gieo trồng phước đức trong ruộng tôn kính. Phước đức này rất lớn.
Ruộng phước thứ ba là ruộng bi mẫn. Ruộng bi mẫn là cứu giúp hết thảy chúng sinh đang khổ nạn, đó là gieo trồng phước đức. Cho nên quý vị mới bố thí được giàu có. Bố thí còn bám chấp nơi hình tướng thì được phước đức. Bố thí lìa bỏ hình tướng thì được công đức. Bố thí pháp được thông minh trí tuệ. Bố thí vô úy được khỏe mạnh sống lâu. Đó là quả báo. Quý vị không chịu tu nhân, sao có được quả báo? Quý vị muốn được quả báo, nhất định phải biết tu nhân.
Cho nên, tiền tài càng bố thí càng được nhiều hơn. Bố thí là tu nhân, quý vị tu nhân nhiều, đương nhiên quả nhận được nhiều. Bố thí pháp nhiều thì thông minh trí tuệ tăng trưởng. Bố thí vô úy nhiều, đó là chân chính dùng tâm từ bi thương yêu, quan tâm đến hết thảy những ai cần quan tâm. Người già yếu, tàn tật cần được quan tâm, cần được giúp đỡ, quý vị thật có tâm [bố thí] này, khi gặp liền sẵn lòng giúp đỡ, quả báo của quý vị là được khỏe mạnh sống lâu.
Gieo nhân lành nhất định được quả lành. Chư Phật, Bồ Tát răn dạy chúng ta, các vị thần minh của tôn giáo khác cũng đều dạy chúng ta, đối với tiền của bất nghĩa nhất định không được giữ lấy. Thế nào là bất nghĩa? Là không xứng đáng nhận được. Tiền của bất nghĩa mà quý vị muốn nhận lấy, thường thì sẽ gặp phải những tai nạn rất khó tưởng tượng. Những trường hợp như vậy từ xưa đến nay ở khắp nơi đều có, xảy ra rất nhiều.
Ngày hôm kia chúng ta đọc thấy trên báo đưa tin chính phủ Australia chuẩn bị ra luật cấm cờ bạc. Hiện tại, Australia phát hiện trên mạng internet phát triển cờ bạc, nhiều người vì tham gia cờ bạc mà nhà tan cửa nát, tiêu tan gia sản, dẫn đến ly hôn, tự sát, tạo ra những tổn thất nghiêm trọng cho xã hội, nên chính phủ Australia cần phải chế định pháp luật cấm hẳn. Đó là một chính phủ có trách nhiệm, đó là một việc làm chân chánh bảo vệ người dân.
Chúng ta từ trong sách Liễu Phàm tứ huấn thấy rõ được, khi Viên Liễu Phàm làm Huyện trưởng, phát khởi thiện tâm, miễn giảm cho người làm ruộng trong toàn huyện, tức là giảm thuế ruộng. Giảm thuế như vậy có mấy trăm ngàn người được lợi ích. Nghĩa cử của ông ấy cũng bằng như làm được mười ngàn việc thiện. Các quan chức chính phủ Australia hiểu rõ được ý nghĩa này, thiết lập điều luật [cấm cờ bạc để] đưa ra thực hiện, chỉ một ý niệm đó cũng là tích chứa được muôn điều thiện. Không chỉ muôn điều thiện, vì có biết bao nhiêu người được lợi ích. Không một tôn giáo nào không cấm cờ bạc.
Các bậc hiền thánh xưa của Trung quốc cũng từ bi khó nhọc khuyên bảo mọi người phải biết an phận thủ thường, tích đức tu thiện, như vậy thì con đường tương lai của quý vị mới sáng tỏ rỡ ràng. Nào có ai giàu có nhờ cờ bạc mà xây dựng gia nghiệp? Nào có ai giàu có nhờ trộm cắp mà xây dựng gia nghiệp? Từ xưa đến nay, ở khắp mọi nơi đều không tìm thấy. Chúng ta phải hiểu rõ được ý nghĩa này, phải biết được chân tướng sự thật này.
Chư Phật, Bồ Tát thường dạy chúng ta sống yên phận nghèo, vui cùng lẽ đạo, biết đủ thường vui. Trong kinh sách của các tôn giáo khác chúng ta cũng thấy như vậy. Đó gọi là “thần bần”. “Bần” là nói đời sống vật chất không sung túc dư dả, “thần” là nói đời sống tinh thần đầy đủ sung túc. Đức Khổng tử của Nho gia tại Trung quốc thường khen ngợi Nhan Hồi. Đời sống vật chất của Nhan Hồi rất nghèo túng, chỉ “một giỏ cơm, một bầu nước”. Ăn cơm không có bát, phải dùng tre đan thành giỏ đựng cơm, uống nước cũng không có ly, phải dùng quả bầu khoét rỗng ruột thành hồ lô đựng nước. Nghèo khốn đến mức như vậy, thật là nghèo. Thế nhưng niềm vui của Nhan Hồi thì không một ai có thể sánh bằng. Ông vui những gì? Niềm vui đó chính là đạo, sống nghèo vui đạo. Đó là niềm vui của bậc thánh hiền. Phiền não tham sân si mạn hết thảy đều dứt sạch. Niềm vui của các ngài, phàm phu chúng ta không biết được. Cảnh giới tâm thức của các ngài cùng với hư không pháp giới hợp thành một thể. Cảnh giới này ai có thể nghĩ tưởng đến? Ai có thể nhận hiểu được? Đó là công phu học tập tu dưỡng của các ngài, là sự viên mãn trí tuệ.
Đọc sách, học Phật, không gì khác hơn là để nâng cao cảnh giới như thế, giúp chúng ta ngay trong cảnh giới ấy đạt được niềm vui chân thật. Sự hưởng thụ vật chất là cái vui giả tạm. Trong khi giảng kinh tôi đã từng giảng qua biết bao nhiêu lần. Cái vui [vật chất] ấy cũng giống như ma túy, như chất kích thích của người thế gian, là cái vui không bình thường. Niềm vui bình thường là giác ngộ, là sáng tỏ lý lẽ, là hiểu rõ được chân tướng sự thật. Đó là niềm vui chân thật. Quyết định không phải do nơi đời sống vật chất dư dả hay thiếu thốn, mà do nơi tự tâm chúng ta thanh tịnh sáng suốt, tỏa chiếu khắp pháp giới, biểu hiện ra bên ngoài. Nhà Phật gọi là một tấm lòng từ bi. Cơ đốc giáo, Thiên chúa giáo thì nói là thiên thần yêu thương người đời, Thượng đế yêu thương người đời. Biểu hiện bên ngoài của họ là tình thương rộng lớn, thương yêu bảo vệ hết thảy chúng sinh, lo lắng cho hết thảy chúng sinh, quan tâm đến hết thảy chúng sinh, hết lòng hết sức giúp đỡ hỗ trợ cho tất cả chúng sinh.
Các vị thần thánh giúp đỡ hỗ trợ chúng sinh thì trước hết là chú trọng ở việc giúp chúng sinh lìa khổ được vui. Muốn lìa khổ được vui phải từ nơi căn bản mà giúp đỡ hỗ trợ. Căn bản là gì? Căn bản là phá mê khai ngộ. Khổ từ đâu mà có? Khổ từ nơi mê hoặc sinh ra. Vui từ đâu mà có? Vui từ chỗ giác ngộ mà được.
Chư Phật, Bồ Tát, thần minh đều có thần thông. Các ngài nếu cờ bạc ắt kiếm được tiền. Vì sao không dùng thủ đoạn ấy, kiếm được nhiều tiền một chút để mang ra bố thí, làm việc tốt? Đó là thủ đoạn không bình thường, là thủ đoạn gây tội ác. Cho nên chư Phật, Bồ Tát, thần minh tuyệt đối không dùng đến thủ đoạn như vậy. Chư Phật, Bồ Tát dạy người phải từ khía cạnh chân chính, không từ khía cạnh tiêu cực. Cách làm như vậy có sự lạm dụng, có hại cho người, chư Phật, Bồ Tát quyết định không làm. Chúng ta học Phật, Bồ Tát, phải từ chỗ này mà học.
Nhất định phải tu tập theo chánh pháp, trong chỗ chân chánh làm việc chân chánh. Trong chỗ chân chánh làm việc lệch lạc, ấy là trừ phi hết sức bất đắc dĩ phải dùng đến thủ đoạn, không thì quyết định không dùng đến. Cho nên, chư Phật, Bồ Tát có thần thông, năng lực thần thông rất lớn lao, nhưng [các ngài] quyết định không dùng đến thần thông, chỉ dùng sự giáo dục, dùng sự nêu gương. Vì sao vậy? Vì trong đó không có sự lạm dụng.
Nếu như sử dụng thần thông, chúng ta biết rằng yêu ma quỷ quái cũng có thần thông. Dùng phương thức này để tiếp dẫn chúng sinh thì chúng sinh có thể bị mê hoặc, không phân biệt được giữa chánh với tà, giữa ma với Phật, như vậy là sinh phiền toái lớn. Năng lực ma có được, Phật cũng có; năng lực mà Phật có, ma không có. Tâm hiền thiện, làm việc hiền thiện, lấy bản thân mình làm khuôn mẫu [cho người khác noi theo], việc này ma không làm được. Dùng chánh pháp khuyến cáo đại chúng, ma cũng không làm được. Sự phân biệt giữa Phật với ma, chúng ta nhất định phải hiểu rõ, phải sáng tỏ. Chúng ta học theo Phật, quyết định không thể đi theo cùng ma.
Sự giàu sang, trí tuệ, sống lâu khỏe mạnh, nhất định phải tuân theo lời răn dạy của Phật thì quyết định có thể đạt được. Trái lời răn dạy của Phật, dùng những thủ đoạn phi pháp để đạt được, ví như có đạt được rồi thì tai nạn cũng sẽ theo sau. Quý vị không thể giữ gìn được, không thể thụ hưởng lâu dài.
Cho nên chúng ta đọc qua mấy lời răn dạy này, cảm khái vô cùng sâu sắc. Chúng ta trọn đời tuyệt đối không làm những chuyện phi pháp, trái với lời răn dạy của Phật. Làm như vậy là có lỗi với Tam bảo, có lỗi với cha mẹ, cũng là có lỗi với hết thảy chúng sinh.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.