(Giảng ngày 11 tháng 3 năm 2000 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 171, số hồ sơ: 19-012-0171)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời mở sách Cảm ứng thiên, đoạn thứ 101.
Sách này có tổng cộng 124 đoạn, tôi hy vọng sẽ sớm giảng giải xong trọn vẹn đầy đủ. Có quá nhiều vấn đề làm mất đi nhiều thời gian, chúng ta phải tìm thời gian khác để bù lại.
Đoạn này có bốn câu: “Đoản xích hiệp độ. Khinh xứng tiểu thăng. Dĩ ngụy tạp chân. Thái thủ gian lợi.” (Dùng thước ngắn, vật đong nhỏ. Quả cân non, thúng lường thiếu. Lấy đồ giả trộn lẫn đồ thật. Mưu lợi gian xảo.)
Phần chú giải vừa mở đầu đã nói: “Bốn câu này đều là nói việc kẻ tiểu nhân hám lợi. Các loại thước đo, thúng, cân [dùng để cân lường], nhờ đó bình ổn vật giá, đồng nhất lòng người. Người đời [mua bán] nếu dùng hai cách khác nhau, mua vào [đong thúng] lớn, bán ra [đong thúng] nhỏ, mua vào cân già, bán ra cân non, tâm ý như vậy chỉ là muốn được phần lợi cho mình mà thôi. Đâu biết được rằng, chỉ được nửa phần lợi lộc mà suy tổn hết một phần phúc đức. Huống chi vì lợi mình mà tổn hại người khác ắt phải chịu tai vạ từ trời, những nạn sấm sét, hỏa tai chưa hẳn đã không vướng phải. Hoặc có khi người làm chủ không biết, nhưng những người lo việc thu vào bán ra, chẳng hạn như con em trong nhà hoặc người làm công, lén lút mà làm như vậy, thì tội này rốt lại cũng quy về người làm chủ phải chịu trách nhiệm, không thể không xét kỹ.”
Đoạn văn này đã nói ra được ý nghĩa rất rõ ràng, sáng tỏ. Trong xã hội hiện đại này, người đời phạm vào lỗi này thật quá nhiều, hầu như không thể kể ra hết được. Đến như việc lấy những thứ đồ giả trộn lẫn làm rối loạn hàng thật thì ngày xưa cũng có, nhưng chỉ rất ít thôi. Hiện nay thì cho đến thuốc trị bệnh muốn mua được thuốc thật cũng hoàn toàn không dễ dàng.
Tôi còn nhớ có một năm tôi ở Mỹ, vào hiệu thuốc Bắc mua hai viên phiến tử hoàng, khi về xem lại thì trong đó có một viên là giả. Quý vị nói xem, thật hết cách. Khi tôi ở Hương Cảng, có rất nhiều đồng tu nói với tôi, ở Hương Cảng mua các thứ đồ, nếu không phải người sành sỏi thì không mua được đồ thật.
Thói đời đã đến nước tệ hại thế này, khiến chúng ta phải nghĩ đến câu quỷ thần nói ra: “Trên trời chẳng an toàn, dưới đất không thể yên.” Câu này thật rất có ý nghĩa. Quỷ thần đều họp nhau niệm Phật cầu sinh Tịnh độ, tương ứng với điều Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam đã nói với quý vị đồng học vào buổi chiều trước khi vãng sinh: “Thế giới này hỗn loạn, chư Phật, Bồ Tát, thần tiên xuống trần cũng không cứu nổi. Chỉ còn duy nhất một con đường sống là niệm Phật cầu sinh Tịnh độ.” Đây là lời nói ra của người thực sự có đức hạnh, có sự thành tựu, có tâm từ bi.
Trong chú giải chỗ này có đoạn nói tình đời lòng người đã thay đổi. Gần đây trên thị trường đủ các món hàng, hầu như hàng giả nhiều hơn so với hàng thật. Từ chỗ này mà xem xét thì đúng là tình đời lòng người đã thay đổi. Nói chung các thức ăn uống, thuốc men, vật dụng đều có hàng giả, hơn nữa hàng giả còn nhiều hơn hàng thật, “đành lòng hại người như vậy thật không còn gì nặng nề hơn”. “Đến như sử dụng cả bạc giả”, hiện tại là tiền giả, ngụy tạo cả giấy tờ chứng minh, “việc ác này thật sâu nặng, trời cao trừng phạt càng nhanh hơn”.
“Trời cao trừng phạt” là ý nghĩa gì? Điều này giống như người nước ngoài nói là ngày tận thế. Cho nên, chúng ta làm việc gì cũng phải suy nghĩ trước, có phù hợp với lương tâm trời đất hay không? Điều này là quan trọng thiết yếu nhất. Khi ta khởi lên một ý niệm, ý niệm đó có nên làm hay không? Có phù hợp với lương tâm trời đất hay không? Có phù hợp với đa số chúng sinh hay không? Nếu như tự mình nhận biết được đó là điều bất thiện, phải gấp rút kiềm chế, dừng ngay, tuyệt đối không thể lặp lại.
Phần cuối dẫn một bài thơ của người xưa:
Càng nhiều gian xảo càng khốn cùng,Gian xảo xưa nay trời không dung.Giàu sang nếu thật gian xảo được,Khác nào kẻ ngốc uống gió tây. Đây là một bài thơ của người xưa. Chúng ta xem như bài thơ này, người xưa nói như vậy có ứng nghiệm hay không? Ngày nay thì dường như người càng gian xảo lại càng giàu sang phú quý, cho nên rất ít người tin vào nhân quả. Họ cho rằng nói chuyện nhân quả hoàn toàn không có bằng chứng, căn cứ gì. Nhìn xem trong thế gian rất nhiều người tu thiện tích đức, ngược lại phải nghèo khổ không chịu nổi; kẻ gian xảo tội lỗi thì dường như luôn dương dương đắc chí. Hiện tượng này trong xã hội ngày nay, ở Trung quốc cũng như các nước khác đều hết sức phổ biến.
Đối với việc này, chỉ có đức Phật mới giải thích được rõ ràng sáng tỏ. Vì sao có hiện tượng [trái nghịch] như vậy? Phật dạy rằng, những kẻ gian xảo tội lỗi kia, đó là trong quá khứ có tu tích phước báo lớn, nên tuy ngày nay gian xảo nhiều, có suy tổn phước báo, nhưng suy tổn như vậy rồi cũng vẫn còn chưa hết phước, vẫn còn thừa phước báo để hưởng. Hoàn toàn không phải do gian xảo phạm tội mà được phước báo, không có lẽ nào như vậy.
Những người tu thiện tích đức hiện tại lại hết sức nghèo khổ, đó là trong quá khứ không có tu phúc. Do không có tu phúc nên đời sống của họ trong hiện tại phải hết sức khó khăn vất vả.
Chúng ta suy ngẫm lời dạy của đức Phật hết sức hữu lý. Như người đời trước tu phước nay được hưởng sự giàu sang, nếu ngày nay họ không gian xảo tội lỗi, biết giữ mình an phận thì phước báo của họ lớn vô cùng, phước báo ấy hưởng thụ không hết, đời này mãi cho đến sau khi chết cũng không hưởng hết phước. Nếu như đời này lại biết tiếp tục tu phúc thì đời đời kiếp kiếp phước báo ấy không bao giờ hưởng tận.
Chỉ tiếc là người đời hiện nay không đọc sách Phật. Không chỉ là không đọc sách Phật, cho đến sách vở thánh hiền cũng không đọc. Chẳng những không đọc sách thánh hiền, cho đến lời nói tốt cũng không chịu nghe. Nghe người khác nói những lời khuyến thiện thì họ gấp rút tránh đi, chạy cho thật xa khỏi đó. Nếu như dạy họ làm chuyện gian xảo tội lỗi thì họ vui vẻ nghe theo, gần gũi những kẻ xấu ác, xa lánh người hiền thiện. Cho nên chúng ta biết họ không hưởng phước được dài lâu, đích thực như người xưa nói là như “nháng lửa, điện chớp”.
Phước báo lớn thì hưởng được trọn đời. Phước báo không đủ lớn, đến tuổi trung niên, tuổi già liền suy sụp. Điều này trong xã hội hiện nay chúng ta nhìn thấy rất nhiều, chừng bốn, năm mươi tuổi đã suy vi, đã thất bại, công ty phá sản, trách nhiệm liên lụy, phải tìm chỗ trốn tránh. Điều này có nghĩa là gì? Là phước báo trong đời quá khứ không đủ sâu dày, lại gian xảo tội lỗi nên hưởng hết phước rất nhanh. Chúng ta cũng thấy có những người gian xảo tội lỗi nhưng đến tuổi già bảy, tám mươi tuổi phước báo vẫn còn rất lớn, đó là trong đời quá khứ tu tích phước báo rất sâu dày, dù làm đủ mọi việc ác suy tổn phước báo nhưng vẫn chưa suy tổn hết, bởi phước đức ấy quá sâu dày.
Hiểu rõ được ý nghĩa này rồi, chúng ta sẽ tự biết mình nên làm như thế nào, phải nên tu học như thế nào, dạy dỗ người khác như thế nào.
Trong xã hội ngày nay, việc khuyến thiện ngăn lỗi thật quá khó, quá khó! Quả thực không phải chuyện dễ dàng. Thế nhưng chúng ta có nên làm hay không? Nhất định phải làm. Nếu có được cơ hội ở ẩn, có được cơ hội sống trên núi cao, có được cơ hội không phải nghe đến chuyện đời, tự hoàn thiện thân mình... nếu có được những cơ hội như vậy cũng phải từ bỏ đi. Người hiền thiện ở thế gian dạy ta rằng: “Yên ổn mới có thể dời đi.” Chúng ta thân an ổn, tâm an ổn, thế nhưng xã hội không an ổn, chúng sinh không an ổn, chúng ta nên từ bỏ đời sống an ổn của mình, nên bươn chải, giúp đỡ hỗ trợ cho người khác, đó là tâm từ bi.
Bồ Tát thì lại càng “làm bạn không mời của chúng sinh”, so với Nho gia, so với bất cứ người nào cũng đều tích cực hơn. Cho nên, vì sao chư Phật, Bồ Tát thị hiện ở thế gian? Không phải để ẩn cư, không phải để sống một cuộc đời thoải mái, thanh thản. Như vậy thì có chỗ nào đáng gọi là Bồ Tát? Phải vì hết thảy chúng sinh khổ nạn mà phục vụ, đó là Bồ Tát. Bồ Tát gặp khó khăn khốn khó tuyệt đối không né tránh, dũng mãnh tìm đến đối diện, thay thế chúng sinh chịu khổ. Trong phẩm Hạnh nguyện, Bồ Tát Phổ Hiền gọi là cúng dường, “thay thế chúng sinh cúng dường chịu khổ”, cũng là chỉ đến việc này.
Chúng ta sinh đến thế gian này, mọi người đều như nhau, đều là do nghiệp lực thọ sinh. Nghiệp lực có thể chuyển biến thành nguyện lực. Chuyển thành nguyện lực thì đó là theo nguyện lực mà sinh đến [thế gian này]. Điều kiện của chúng ta có thể chuyển được không? Tu tập thành Bồ Tát mới có thể chuyển, còn chúng ta là phàm phu.
Nhưng Tông Thiên Thai nói là có thể chuyển được. Trong kinh Hoa Nghiêm cũng nói là có thể chuyển được. Tông Tịnh độ nói là chuyển được còn nhanh hơn nữa. Tông Thiên Thai giảng về “nhất tâm tam quán, nhất tâm tam đế” (một tâm ba quán, một tâm ba đế), đó cũng là nói phàm phu chúng ta có thể chuyển được.
Thuở trước, Tổ sư tông Thiên Thai là ngài Tuệ Tư, người đời Tùy, đọc kinh Pháp Hoa, đọc Trung luận, đến câu “các pháp nhân duyên sinh, ta gọi đó là không” thì giác ngộ, ngài liền chuyển được. Truyền đến ngài Trí Giả, ngài là người thiết đặt vững vàng nền tảng căn bản lý luận của tông Thiên Thai, thành một học phái Đại thừa, sao lại không thể chuyển? Một khi ngộ nhập “tam luân thể không” thì đó là đã phá được bốn tướng, không còn các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, tâm địa ngay chỗ đó liền được thanh tịnh bình đẳng, không khởi sinh phiền não, thường sinh trí tuệ.
Các ngài có thể [chuyển], chúng ta vì sao không thể? Nguyên nhân không thể là tại đâu? Vì tập khí phiền não không chịu buông bỏ. Hay nói cách khác, khởi tâm động niệm vẫn không chịu nghĩ đến vì người khác, mỗi một ý niệm đều chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình, chỗ tốt đẹp cho riêng mình, như vậy là hết cách. Các bậc tổ sư đại đức so với chúng ta khác biệt chính là ở trong thời gian một ý niệm như thế này. Nếu như trong một ý niệm chịu quay đầu hướng thiện, buông bỏ tự tư tự lợi, khởi tâm động niệm đều luôn nghĩ đến mọi chúng sinh khổ nạn, quý vị liền chuyển phàm thành thánh, quý vị liền thành Phật, thành Tổ, trí tuệ của quý vị liền khai mở, phiền não liền dứt trừ, chỉ trong khoảng thời gian một niệm.
Nếu trong một niệm không chuyển đổi được, nguyên nhân không chuyển được đó là gì? Trước đây tôi đã nói đến quá nhiều rồi, có hai nguyên nhân. Thứ nhất là phiền não quá sâu nặng, thứ hai là đọc kinh quá ít. Phiền não tập khí nặng cũng không sợ. Chỉ cần thường đọc kinh, đọc kinh nhiều, gần gũi nhiều với chư Phật, Bồ Tát. Đọc kinh chính là là gần gũi chư Phật, Bồ Tát, thường nghe chư Phật, Bồ Tát răn dạy. Do phiền não tập khí nặng, giảng qua một lần, hai lần không hiểu, giảng đến trăm lần, ngàn lần cũng không hiểu. Giảng lên đến mười ngàn, trăm ngàn, đến triệu lần rồi cũng sẽ hoát nhiên khai ngộ, hiểu được. Từ xưa đến nay có rất nhiều những trường hợp như vậy, cho nên phải thường gần gũi nhiều với các bậc thiện tri thức. Chúng ta ngày nay gần gũi bậc thiện tri thức chính là đọc kinh. Không gần gũi bậc thiện tri thức thì vĩnh viễn không có khả năng khai ngộ.
Chúng ta xem rất nhiều chúng sinh trong thế gian này, có một người nào là không thuận theo phiền não? Có một người nào là không tự tư tự lợi? Thậm chí còn có người nói: “Người không vì mình, trời tru đất diệt.” Nghe theo như câu này thì phải tự tư tự lợi. Tự tư tự lợi là chân lý. Lập luận như vậy nghe qua dường như đúng nhưng thật ra là sai lầm. Chúng ta cần phải có trí tuệ phân biệt.
Tại Singapore có nữ cư sĩ Hứa Triết, có cư sĩ Lý Mộc Nguyên là những tấm gương tốt để chúng ta noi theo. Quý vị xem biểu hiện của các vị này hoàn toàn không có lòng riêng tư, không mưu lợi riêng cho mình, hết thảy đều là vì chúng sinh. Nhu cầu đời sống [của các vị] đều đã giảm đến mức thấp nhất, công việc làm thì vượt xa người thường gấp nhiều lần. Các vị đều được thân khỏe tâm an, không có bệnh khổ.
Không chỉ là không có bệnh khổ, mà không có cả nỗi khổ già suy. Quý vị lại hỏi các vị này tương lai có khổ vì chết hay không? Họ không có khổ vì chết. Những nỗi khổ sinh, già, bệnh, chết đều đã lìa xa được. Khổ vì mong cầu không được cũng lìa xa. Khổ vì yêu thương phải ly biệt cũng không còn. Nỗi khổ vì gặp gỡ người không ưa thích cũng không còn. Nỗi khổ vì năm uẩn không hòa hợp cũng không còn. Quý vị xem các vị ấy, tám nỗi khổ thì hiện nay đều đã dứt trừ được hết.
Gương tốt này bày ra trước mắt chúng ta, chúng ta lúc nào cũng nhìn thấy, vì sao không chịu học tập? Vì sao vẫn không chịu buông bỏ thị phi, nhân ngã? Không chịu buông bỏ danh văn lợi dưỡng? Vẫn như cũ tùy tiện làm theo ý mình? Như vậy trong Phật pháp gọi là người ngu, cũng chính như trong kinh thường gọi là “nhất-xiển-đề”.
Cho nên, chúng ta phải tự mình bình tĩnh, nỗ lực phản tỉnh, xem chúng ta có phải là người trong kinh điển gọi là người ngu, là nhất-xiển-đề hay không? Ví như có là nhất-xiển-đề cũng vẫn cứu được. Kinh Pháp Hoa dạy: “Nhất-xiển-đề cũng có tánh Phật.” Vấn đề là quý vị có duyên phần gặp được Phật pháp Đại thừa hay không, gặp được Phật pháp rốt ráo liễu nghĩa hay không? Nếu như gặp được liền có cơ hội trường thời huân tu. Nhất-xiển-đề cũng có thể trong một đời này thành Phật, điều này chúng ta phải ghi nhớ.
Quyết định phải tu sửa hết toàn bộ những tập khí xấu ác, mỗi một ý niệm đều vì xã hội, mỗi một ý niệm đều vì chúng sinh. Chúng ta cũng không cầu được chỗ tốt đẹp. Không phải vì muốn được phước báo mới làm, vì lợi ích mới làm. Tâm niệm như vậy thì đã là bất thiện rồi. Chúng ta vì hết thảy chúng sinh khổ nạn mà làm, vì tâm vô duyên đại từ, đồng thể đại bi mà làm, không phải vì lợi ích riêng bản thân mình, không phải vì chỗ tốt đẹp nào cho riêng mình. Như vậy mới tương ưng với Phật pháp.