(Giảng ngày 17 tháng 1 năm 2000 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 151, số hồ sơ: 19-012-0151)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời mở sách Cảm ứng thiên, đoạn thứ 85: “Khuể nộ sư phó. Để xúc phụ huynh.” (Nổi giận với thầy dạy. Xúc phạm bậc cha anh.)
Hai câu này, trong phần chú giải giảng rất rõ ràng: “Điều này so với lỗi ‘mạn kỳ tiên sinh’ (khinh thường thầy dạy) có khác biệt.” Mạn là khinh mạn, khinh thường, có người gọi là “xem thầy dạy không ra gì”. Cho nên, khinh thường đó là vô cớ mà khinh thường. Chỗ này nói “khuể nộ sư phó” (nổi giận với thầy), đó là: “[Do thầy] dạy dỗ quở trách mà nổi giận.” Thầy dạy dỗ học trò, học trò không phục, trong lòng giận tức. “Khuể” là giận tức trong lòng, “nộ” là biểu lộ ra bên ngoài.
“Người xưa giữ đạo thờ thầy, không xúc phạm, không che giấu.” Câu này nói lên thái độ của học sinh thời xưa đối với thầy dạy. “Nói chung khi thầy có lời răn dạy, phải bình tâm tĩnh trí tiếp nhận, sao có thể bực tức nổi giận được? Bực tức nổi giận, đó là người đức mỏng, không có phước.”
Đoạn văn này chúng ta phải ghi nhớ. Hiện nay, phong hóa ngày càng suy đồi, đạo thầy trò đã không còn nữa. Không chỉ là không còn đạo thầy trò, mà nói thật ra thì đạo hiếu cũng không còn. Cho nên, trong xã hội ngày nay chúng ta nhìn thấy, nghe thấy phổ biến khắp nơi, con cái bất hiếu với cha mẹ, học trò ngỗ nghịch, bất kính với thầy dạy, [những điều này] đã thành ra thói tục thông thường.
Chúng ta sống trong xã hội này, nên làm như thế nào, điều đó phải thường tự hỏi mình xem có muốn thành tựu đạo nghiệp hay không. Nếu muốn thành tựu đạo nghiệp thì vẫn phải tuân theo những lời răn dạy của các bậc cổ đức. Nếu thật không muốn thành tựu đạo nghiệp thì có thể tùy thuận theo khuynh hướng thế tục. Cho nên, việc này chúng ta phải tự mình quyết đoán, [phải biết] tự mình nên đi theo con đường nào.
Thầy quở trách răn dạy, nếu ta biết được rằng thầy có chỗ sai, người xưa có sự tu tập hàm dưỡng nên [trong trường hợp này vẫn] “không xúc phạm, không che giấu”. Chúng ta không đủ công phu hàm dưỡng [để làm như vậy] thì có thể trực tiếp thưa hỏi thầy. Thầy quở trách ta phạm lỗi, bảo ta sai lầm, nhưng ta tự thấy không có gì sai trái, vậy thầy nói ta sai ở điểm nào, có thể thỉnh cầu thầy nói ra rõ ràng, minh bạch. Dù sao thì thầy dạy so với ta tuổi tác cao hơn, học thức cũng từng trải phong phú hơn, nhìn nhận vấn đề so với ta phải sâu sắc hơn, nhìn xa trông rộng hơn, đó là thực tế. Có khi ta tự thấy mình là đúng, đó chỉ là nhìn việc trước mắt, nếu nhìn sâu xa mới thấy được có lỗi lầm. Thường là vì thế nên chúng ta tự mình không hiểu được, sinh ra oán hận thầy.
Quý vị nên biết, quý vị sinh lòng oán hận thì thầy có dạy bảo quý vị hay không? Chắc chắn là không. Thầy dạy đối với quý vị rất giữ phép tắc, sẽ không tiếp tục dạy cho quý vị nữa. Đó là vì sao? Vì thấy lòng dạ quý vị quá nhỏ hẹp không thể dung nạp được gì, cho nên thầy không dạy nữa.
Khi tôi còn trẻ, được gần gũi Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Học sinh theo học với thầy rất nhiều. Thầy đối với học sinh đều có cách dạy bảo khác nhau. Với người có thể tiếp nhận, khi bị quở trách có thể thực sự “không xúc phạm, không che giấu” thì thầy đặc biệt rầy la, dạy bảo nhiều hơn, hầu như thường xuyên gặp mặt, thường xuyên được nghe lời thầy dạy bảo, quở trách. [Đối với học sinh] có một, hai lần biểu lộ sự bất mãn, không sẵn sàng tiếp thu, thầy nhìn thấy như vậy rồi thì từ đó về sau không nói nữa, dù có lỗi lầm, sai trái cũng không nói đến. Vì sao vậy? Vì không muốn kết thành oán cừu với những người ấy. Quý vị nói xem, họ không thể tiếp nhận, hơn nữa còn có lòng oán hận, như vậy chẳng phải kết thành oán cừu rồi sao?
Cho nên, vị thầy thông minh thì không kết oán cừu, quý vị có thể tiếp nhận thì mới dạy cho quý vị. Đại sư Ấn Quang nói rằng, quý vị có một phần thành kính thì dạy cho quý vị một phần, hai phần thành kính thì dạy cho hai phần. Không có lòng thành kính thì không dạy. Quý vị có thể đến lớp, nghe giảng cũng tốt, nhưng tuyệt đối không xem quý vị là đối tượng dạy dỗ. Do đó có thể biết rằng, [nếu oán hận thầy thì] tổn hại mất mát thuộc về ai? Chính là bản thân ta phải chịu tổn hại mất mát.
Câu tiếp theo nói: “Xúc phạm bậc cha anh.”
Hai câu tám chữ [của đoạn thứ 85] này, trong Phật pháp gọi là căn bản Phật pháp. Nền giáo dục Phật pháp chính là khởi đầu từ sự hiếu kính. Quý vị xem trong ba điều phúc lành tạo nghiệp thanh tịnh (Tịnh nghiệp tam phúc), quý vị đều biết, điều thứ nhất là: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự bậc sư trưởng.” Phật pháp khởi đầu từ đâu? Chính là khởi đầu từ chỗ này. Phật pháp đến chỗ nào thì trọn vẹn rốt ráo? Là đến lúc thành Phật. Thành Phật là thế nào? Là hiếu dưỡng cha mẹ, tôn kính sư trưởng đều đạt đến mức rốt ráo trọn vẹn, đó là thành Phật. Cho nên, Phật giáo lấy đây làm điểm khởi đầu, cũng xem đây là chỗ hoàn tất trọn vẹn. Nếu có người hỏi Phật giáo là gì? Chỉ là đạo hiếu kính mà thôi. Điều này người học Phật chúng ta nhất định phải hiểu rõ.
Học Phật là học những gì? Chính là học đạo hiếu kính. Người bất hiếu, bất kính, cho dù tu tập bất kỳ pháp môn nào cũng đều không thể thành tựu. Điều này chúng ta nhất định phải hiểu rõ. Muôn ngàn lần cũng không được cho rằng bốn câu của điều đầu tiên trong Tịnh nghiệp tam phúc là quá cạn cợt, thậm chí không đáng nói đến. Nghĩ như vậy là quý vị sai lầm rồi. Hết thảy chư Phật Như Lai chứng đắc quả vị đều là từ nơi bốn câu này: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự bậc sư trưởng, giữ tâm từ không giết hại, tu mười nghiệp lành.”
Mọi người thường nhìn thấy những tranh tượng của đức Phật, trên đầu có một vầng hào quang tròn sáng, bên trên hào quang thường viết ba chữ Phạn, hoặc dùng chữ Tây Tạng, cũng có khi dùng chữ Hán, đó là ba chữ “án, a, hồng”, biểu thị sự viên mãn. Những gì viên mãn? “Án” là thân nghiệp viên mãn, không trộm cướp, không giết hại, không dâm dục, như vậy là viên mãn. “A” là khẩu nghiệp viên mãn, không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời ác độc, không nói thêu dệt. “Hồng” là ý nghiệp viên mãn, không tham lam, không sân hận, không si mê. Quý vị phải hiểu rằng, ba chữ đó [biểu thị] mười nghiệp lành viên mãn. Người đã viên mãn mười nghiệp lành gọi là Phật. Chúng ta làm sao có thể xem đó là chuyện nhỏ nhặt?
Thậm chí có một số người cho rằng đây chỉ là những điều giới hết sức nhỏ nhặt, không đáng kể, thật không biết rằng những giới nhỏ này là sự viên mãn của Phật-đà, là nền tảng căn bản.
Ngày nay đạo hiếu, đạo thầy trò đều suy vi. Chúng ta nếu thực sự phát tâm Bồ-đề, thực sự muốn làm việc lợi mình lợi người, phải bắt đầu làm từ đâu? Chính là phải bắt đầu từ sự hiếu kính mà khởi làm, làm một tấm gương tốt cho mọi người trong xã hội noi theo. Như vậy thì quý vị là Bồ Tát, là quý vị hoằng pháp lợi sinh.
Khi tôi đến thăm vị nữ tu Hứa Triết, là một lão bà đã trăm lẻ một tuổi, sống giản dị. Chúng tôi đến xem trong căn phòng của bà, gọn gàng sạch sẽ, không bài trí trang hoàng bất cứ vật gì, chỉ thấy trên bàn có một bức ảnh, đầu giường nằm cũng có một bức ảnh, đều là ảnh người mẹ của bà. Chúng ta [qua đó] biết được bà là một người con hiếu thảo, bản thân bà đã trăm lẻ một tuổi mà trên bàn, trên đầu giường vẫn còn [đặt hình ảnh], không quên mẹ mình. Có hiếu với cha mẹ thì nhất định biết tôn kính bậc sư trưởng. Người như vậy nhất định có thể thương yêu hết thảy chúng sinh. Đó là Bồ Tát. Là Bồ Tát chân thật, không phải hư dối. Cho nên tôi nói rằng, đối với [những pháp như] Tịnh nghiệp tam phúc, Tam quy, Ngũ giới, Thập thiện, nếu hiện nay chúng ta phải đưa ra đánh giá thì bà ấy quả là trọn vẹn, bà ấy đã làm được trăm phần trăm. Bà ấy chưa từng thọ Tam quy, chưa từng được truyền Ngũ giới, nhưng bà ấy hoàn toàn làm được, cho nên chư Phật, Bồ Tát, các vị thần minh đều theo bảo vệ, giúp đỡ bà ấy. Đó là sự thật.
Ngày nay tôi làm hết thảy mọi việc đều là hoằng pháp lợi sinh. Trong phòng học nhỏ này của tôi, vì sao treo hình [Lý] lão sư, cũng treo hình của Hàn quán trưởng? Đó là biết ơn, báo ơn, không lúc nào quên. Tôi có thể nhận thức được Phật pháp, có thể hiểu được Phật pháp, có thể tu học Phật pháp, đó là nhờ đâu? Chính là nhờ Lý lão sư chỉ dạy, dẫn dắt. Tôi ngày nay có được một chút thành tựu, là nhờ Hàn quán trưởng trong ba mươi năm giúp đỡ tôi có môi trường tu học. Lý lão sư ví như cha mẹ sinh ra tôi, người hộ pháp như cha mẹ nuôi dưỡng tôi. Lão sư có thể sinh ra, nhưng nếu không có người hộ trì, không có môi trường tu tập thì cũng thành uổng phí, rốt lại không thành tựu được gì.
Xã hội ngày nay, những gì mọi người nhìn thấy đều là quên ơn phụ nghĩa. Chúng ta muốn cứu vãn xã hội này thì nhất định phải tùy bệnh cho thuốc. Người khác quên ơn phụ nghĩa, chúng ta phải đề xướng việc biết ơn, báo ơn. Người khác xem thường, nổi giận với thầy dạy, chúng ta phải đối với thầy dạy hết sức cung kính. Người khác bất hiếu với cha mẹ, xúc phạm cha mẹ, chúng ta phải đặc biệt thực hành hiếu thuận để người đời noi theo. Điều này đức Thế Tôn trong kinh điển vẫn thường dặn dò chúng ta, đó là “thọ trì đọc tụng, vì người diễn thuyết”. “Diễn” là biểu diễn, “thuyết” là giải thích, chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa này, phải nhìn xem người xưa tu học thành tựu như thế nào, đó là những tấm gương tốt để ta noi theo, là những điển hình của chúng ta. Trong nền giáo dục của đức Thế Tôn, các ngài chính là vì chúng ta chứng minh sự thật, khiến cho ta khi được nghe thấy, nhìn thấy liền có thể dứt bỏ lòng nghi, khởi sinh niềm tin, có thể tinh tấn tu tập không lười nhác, nhờ đó mà con đường học vấn, con đường tu tập đều tự nhiên được thành tựu.
Người xưa nói rằng: “[Quan hệ với] cha anh là hàng đầu trong ngũ luân, hiếu đễ là điều trước tiên trong đạo làm người.” Ví như cha mẹ hoặc thầy dạy thiếu sự công bằng, có thiên vị, yêu thương không đồng, chúng ta cũng nhất định phải giữ thái độ vui vẻ đón nhận, lắng nghe lời dạy, đó là lợi ích cho bản thân mình. Đúng như Đại sư Ấn Quang từng nói: “Một phần thành kính thì được một phần lợi ích.” Cho nên, bất kể là pháp thế gian hay xuất thế gian, quý vị khi cầu học được lợi ích nhiều hay ít hoàn toàn đều do nơi sự tôn kính của quý vị đối với thầy dạy, quyết định thành mức độ lợi ích của quý vị. Tuyệt đối không thể nào có người bất hiếu với cha mẹ, bất kính với bậc sư trưởng mà được thành tựu. Quý vị cứ mở lịch sử ra mà xem, dù chỉ một người như vậy cũng không tìm thấy.
Thời nay chúng ta phải tự mình phản tỉnh thật sâu sắc. Trong phần chú giải nêu ra không ít những câu chuyện xưa. Những chuyện này đều hết sức cảm động lòng người. Quý vị không được xem đây như những câu chuyện thần thoại xa xưa, như vậy là sai lầm. Câu chuyện đầu tiên trong số này kể về Uông Hội Đạo vào đời nhà Minh. Tôi sẽ đọc qua một lần đoạn văn này:
“Uông Hội Đạo, tính dĩnh ngộ”, nghĩa là người hết sức thông minh. “Lướt mắt đọc qua sách liền có thể ghi nhớ đọc lại”, là nói đọc sách qua một lần đã có thể ghi nhớ tụng đọc lại, trời phú cho tài năng như vậy. “Tám tuổi có thể làm văn”, có thể làm văn nghĩa là viết ra được những áng văn chương, tám tuổi đã có thể viết thành văn chương rồi. “Nhưng đối với thầy dạy cực kỳ ngạo mạn, chỉ hơi trái ý liền giận dữ mắng chửi sau lưng thầy”, mắng chửi thầy ở sau lưng, nghĩa là nhân lúc vắng mặt thầy, chửi lén. “Một hôm đang ngồi trong phòng học, bỗng ngáp một cái, rồi từ trong miệng vọt ra một con quỷ.” Ngay khi vừa há miệng ngáp, từ trong miệng liền có một con quỷ vọt ra. Con quỷ ấy chỉ mặt anh ta mà nói: “Mày vốn dĩ sẽ chiếm đại khôi trong thiên hạ”, đại khôi thiên hạ, vào thời xưa tức là thi đỗ trạng nguyên, trạng nguyên được gọi là đại khôi thiên hạ. “Vì mày nổi giận với thầy, Thượng đế đã tước lộc, gạch tên, nay tao cũng vì chuyện này mà bỏ đi.” Nhân vì bực tức nổi giận với thầy mà bị Thượng đế gạch tên, con quỷ kia cũng bỏ đi. Sau khi quỷ bỏ đi rồi, “tìm xem lại những sách cũ, mù tịt không đọc được chữ nào”. Lúc mở sách trước đây ra xem lại, chẳng những không thể ghi nhớ, mà cho đến một chữ cũng không đọc hiểu được.
Mọi người đọc qua đoạn này, nếu xem đây như chuyện thần thoại cũng có được, nhưng chúng ta phải từ chỗ này tự phản tỉnh sâu sắc. Đây là chuyện nói về mặt xấu, phần sau hãy còn nhiều chuyện nói về những gương tốt đẹp, tích cực. Ví như thầy giáo nhiều lần quở trách răn dạy mà vẫn có thể vui vẻ tiếp nhận, người như vậy về sau nhất định sẽ có sự thành tựu.
Phật pháp là đạo thầy trò, đạo thầy trò được xây dựng trên nền tảng là đạo hiếu. Cho nên, người nào không thể hiếu thuận với cha mẹ thì tuyệt đối không thể tôn kính bậc sư trưởng, con đường học vấn, con đường tu tập đương nhiên sẽ rất khó thành tựu. Điều này từ xưa đến nay ở khắp mọi nơi, quý vị chỉ cần lưu tâm quan sát kỹ là có thể thấy biết nhận hiểu rõ ràng ngay, sau đó mới biết rằng những lời răn dạy của bậc thánh nhân là đúng thật không sai, chúng ta phải mở lòng ra học tập.