(Giảng ngày 1 tháng 11 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 120, số hồ sơ: 19-012-0120)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Lần trước đã giảng đến câu: “Tri quá bất cải. Tri thiện bất vi.” (Biết lỗi không sửa. Biết thiện không làm.) Hai câu này đích thực là then chốt trong sự tu hành ở thế gian cũng như xuất thế gian, vấn đề là phải biết. Trong Phật pháp nói biết là giác ngộ, tức là khai ngộ, giác ngộ.
Thế nào là khai ngộ? Thế nào là giác ngộ? “Biết điều lỗi, biết điều thiện”, đó đều là giác ngộ. Sửa lỗi, làm thiện, đó là tu hành. Nếu như không giác ngộ, tu hành thật rất khó khăn, không biết được bắt đầu học từ đâu. Cho nên, [đạt đến chỗ] biết thật không dễ dàng. Đức Thế Tôn vì chúng ta thuyết pháp 49 năm, mục đích chính là dạy cho ta biết. Có thể biết được hết thảy các pháp chân vọng, tà chánh, thị phi, thiện ác, lợi hại trong thế gian và xuất thế gian, không gì khác hơn là giúp đỡ hỗ trợ chúng ta [đạt đến chỗ] biết.
Thấy tánh, đó là biết hết tất cả, là không cần phải có người dạy. Không thấy tánh là phàm phu. Trong kinh điển, quý vị có thể thấy là phàm phu chia ra có nội phàm, có ngoại phàm, cả hai đều gọi là phàm phu. Nội phàm là ở trong sáu đường. Phàm phu ở trong sáu đường gọi là nội phàm. Ngoại phàm là chỉ bốn thánh pháp giới. Nói cách khác, quý vị chưa vượt thoát mười pháp giới thì đều là phàm phu. Trong pháp giới nhất chân mới gọi là thánh nhân. Đó là đã thấy tánh. Còn chưa sáng rõ tâm ý, chưa thấy được tự tánh thì đều là phàm phu. Phàm phu đối với chân tướng sự thật nhận thức không rõ ràng, cho nên chư Phật, Bồ Tát từ bi răn dạy, giúp đỡ hỗ trợ chúng ta nhận thức [đúng thật].
Nói thật ra, mấy câu này về mặt tầng bậc mà nói thì có sự sâu cạn không giống nhau. Sâu xa nhất là phân biệt chân vọng, thấp hơn một bậc là [phân biệt] tà chánh, thị phi, thiện ác, và thô thiển nhất là [phân biệt] lợi hại. Đây là [tầng bậc] thiển cận nhất. Thế nào đối với ta có lợi, thế nào đối với ta có hại, người có khả năng phân biệt được như vậy cũng không nhiều. Do nơi [sự không biết] này, chúng ta trong cuộc sống thường ngày, đối đãi với người, tiếp xúc muôn vật, nói năng hành động mới phạm vào những lỗi lầm có hại cho chính mình. Nói năng hành động như thế nào đối với chúng ta có lợi, như thế nào đối với chúng ta có hại, người biết được như vậy cũng không nhiều.
Thế nào là có lợi? Có lợi là [những điều] người khác hoan hỷ tán thán, theo cách nói ngày nay là [người khác] đối với ta có ấn tượng tốt. Người khác đối với ta có ấn tượng tốt, ta làm việc cũng được thuận tiện dễ dàng, cũng được rất nhiều người hỗ trợ giúp đỡ.
Thế nào là có hại? Có hại là [những điều khiến] mọi người đối với ta có ấn tượng xấu, tạo ấn tượng xấu nơi người khác, tương lai làm việc tốt cũng không được người khác giúp đỡ hỗ trợ, lại cũng gặp nhiều chướng ngại. Ý nghĩa này cần phải hiểu rõ.
Cho nên, chúng ta không thể xem thường việc “biết điều lỗi, biết điều thiện”. Đây là việc rất quan trọng. Bồ Tát Đẳng Giác vẫn còn có lỗi, vẫn còn phải biết điều lỗi, vẫn phải biết điều thiện. Các ngài có lỗi gì? Chúng ta xem trong kinh thấy rằng, các ngài còn có một phẩm vô minh sinh tướng chưa phá trừ, nên các ngài vẫn còn lỗi, các ngài vẫn còn phải cầu học, cầu biết, làm thế nào để dứt trừ hết được một phẩm vô minh sinh tướng cuối cùng.
Đạt đến quả địa Như Lai mới không có lỗi, điều lỗi đã dứt hết, điều thiện đã trọn vẹn đầy đủ. Cho nên, Bồ Tát Đẳng Giác vẫn còn chưa trọn vẹn đầy đủ, vẫn còn có điều lỗi chưa trừ hết. Chúng ta phải hiểu rõ được ý nghĩa này, hiểu rõ được chân tướng sự thật này, phải giữ tâm khiêm hư cầu học.
Trong kinh Hoa Nghiêm, quý vị thấy các ngài Văn Thù, Phổ Hiền đều giữ tâm khiêm hư cầu học. Chúng ta sao có thể tự cho rằng mình đã học được tốt, tự cho rằng đã đến nơi đến chốn? Biểu hiện ra thái độ bên ngoài cống cao ngã mạn, đó là sai lầm.
Cho nên, các bậc hiền thánh xưa, Nho gia cũng như Phật gia, dạy dỗ trẻ con từ thuở vỡ lòng đã dạy đức khiêm nhượng. Trong sách Tam tự kinh chép: “Dung tứ tuế, năng nhượng lê.” ([Khổng] Dung lúc bốn tuổi đã biết nhường quả lê.) Đó là giáo dục. Đứa trẻ bốn tuổi đã biết khiêm nhượng, người anh lớn ăn quả lê lớn, đứa em nhỏ hơn, ăn quả lê nhỏ. Giáo dục hiện tại không biết điều này. Khi ở Mỹ chính tôi đã thấy, đứa con với người cha tranh nhau xem tivi. Cả hai đều muốn xem, đứa con muốn xem cái tivi lớn, người cha hỏi: “Có tivi nhỏ ở bên kia, sao con không xem?” Đứa con trả lời: “Con muốn xem tivi lớn, bố là người lớn hãy xem tivi nhỏ.” Quý vị xem đó, thật hết cách.
Không có sự dạy dỗ, không hiểu biết ý nghĩa [khiêm nhượng]. Xã hội ấy là cạnh tranh, một khi cạnh tranh là hỏng cả, xã hội vĩnh viễn loạn động, bất an. Đôi bên cạnh tranh nhau, đôi bên đều không chịu nhường nhịn, một chút lòng khiêm hư cũng không hề có, luôn tự cho mình là đúng, người khác là không bằng mình.
Chúng ta hôm nay đang làm việc gì? Chúng ta đang học Phật. Học Phật là làm những gì? Học Phật là làm việc cứu khổ cứu nạn. Khổ nạn từ đâu mà có? Khổ nạn là từ nơi tư tưởng mà có, từ nơi kiến giải mà có. Ngày nay cách nghĩ cách nhìn [của mọi người] đều sai trái, chúng ta nếu muốn giúp đỡ hỗ trợ họ thì tự mình trước hết phải nêu gương mẫu mực.
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni muốn giúp đỡ hỗ trợ chúng sinh khổ nạn trong thế giới Ta-bà, không thể không thị hiện khổ hạnh. Người học Phật nhất định phải sống khổ nhọc như vậy hay sao? Không cần thiết. Trong kinh Hoa Nghiêm nói “Lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”, lẽ nào nhất định phải sống khổ nhọc? Đức Phật vì sao nhất định phải sống khổ hạnh, đem mức sống vật chất của bản thân mình hạ xuống mức thấp nhất, là để cho người khác nhìn vào; lại đem đời sống tinh thần nâng lên đến mức cao nhất, mọi chuyện đều khiêm tốn hạ mình, lễ phép nhẫn nhượng, hết thảy việc tốt đều nhường cho người khác, tự mình lui lại ở địa vị thấp nhất.
Nếu theo cách nói của người thế gian thì đức Phật có được báo đáp hay không? Sự báo đáp đó chúng ta ai ai cũng đều thấy được. Sau mấy ngàn năm, khi nhắc đến đức Phật Thích-ca Mâu-ni, có ai không tôn kính? Những lời răn dạy của Ngài, có vị thiện tri thức nào lại không chịu vâng làm theo? Đó là sự báo đáp đối với khổ hạnh của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, ân trạch của ngài vĩnh viễn lưu truyền trong thế gian.
Làm bậc mô phạm, bậc thầy của trời, người, đó là ngài nêu gương để chúng ta noi theo. Điều quan trọng thiết yếu nhất là nêu gương để người học noi theo. Chúng ta là người học, đều có thể noi theo khuôn mẫu của đức Phật, đều có thể thực sự nỗ lực hướng theo ngài học tập, rồi chúng ta lại nêu gương cho đại chúng trong xã hội noi theo.
Phải thực sự có tấm lòng chịu sửa lỗi, có tấm lòng chịu làm điều thiện. Người như thế, trong kinh Phật gọi là thiện nam tử, thiện nữ nhân. Thiện nam tử, thiện nữ nhân là những người thực sự có lòng sửa lỗi, tu thiện. Nếu muốn sửa lỗi, tu thiện thì phải cầu học, phải ghi nhớ. Khi chưa chứng đắc rốt ráo quả Phật viên mãn thì tất cả đều còn có lỗi lầm, đều có nhu cầu tất yếu phải tu thiện.
Chúng ta xem trong kinh điển thấy rằng, cho dù đã chứng đắc quả Phật viên mãn, việc dứt ác tu thiện cũng vẫn tiếp tục làm, không hề chấm dứt. Đó là làm việc gì? Đó là làm việc giáo hóa chúng sinh. Đức Phật đã dứt hết mọi điều ác, đã trọn vẹn đầy đủ mọi điều thiện, vì sao vẫn thị hiện dứt ác tu thiện? Đó là giáo dục. Quả thật là tự thân mình không còn điều ác, vẫn thị hiện tu tập dứt ác. Tự thân mình đã trọn vẹn đầy đủ mọi điều thiện, vẫn thị hiện tu thiện. Đó là từ bi đến mức cùng cực.
Từ chỗ này chúng ta mới thể hội được ân đức của Phật vượt hơn cả cha mẹ, không gì có thể so sánh được. Ơn Phật lớn lao, chúng ta làm thế nào báo đáp? Dùng cách gì để báo ơn Phật? Muốn báo ơn, quý vị trước phải biết ơn. Không biết ơn thì không thể nói đến chuyện báo ơn. Cho nên, trước hết quý vị phải biết ơn. Không có người dạy dỗ, chúng ta làm sao biết được ơn Phật? [Làm sao biết] Phật đối với chúng ta có ơn gì? Báo ơn Phật, chỉ có một phương pháp là y theo lời Phật dạy vâng làm. Đó là chân chính báo ơn Phật.
Hai câu tám chữ [“Tri quá năng cải, tri thiện năng vi” (Biết lỗi có thể sửa, biết thiện có thể làm)] là cương lĩnh tổng quát, trong Phật pháp gọi là pháp môn thâu nhiếp tất cả. Trong Phật pháp nói “nhìn thấu, buông hết”, nhìn thấu là biết; biết điều lỗi, biết điều thiện, đó là nhìn thấu. buông hết là sửa lỗi tu thiện, đó là công phu. Cho nên, hai câu này chúng ta phải ghi nhớ bền chặt trong lòng: “Biết lỗi có thể sửa, biết thiện có thể làm.” Người như vậy chính là thánh hiền.
Phải từ đâu bắt đầu công phu? Phật dạy chúng ta bắt đầu từ mười nghiệp lành hạ thủ công phu. Đó là dạy cho tất cả đại chúng, giáo hóa hết thảy chúng sinh.
Biết lỗi, những gì là lỗi? Mười nghiệp ác là lỗi. Những gì là thiện? Mười nghiệp lành là thiện. Chúng ta đã quy y cửa Phật, phát tâm làm đệ tử Phật, Phật dạy chúng ta căn bản là Ba quy y, năm điều giới. Ba quy y là dạy chúng ta quay đầu, trong đó cũng có điều lỗi, cũng có điều thiện. Thế nào là lỗi? Mê muội, tà vạy, nhiễm ô, đó là lỗi. Thế nào là thiện? Giác ngộ, chân chính, thanh tịnh, đó là thiện. Ý nghĩa này rất sâu xa. Hết sức sâu xa!
Tập khí mê muội, tà vạy, nhiễm ô được nuôi dưỡng hình thành từ vô lượng kiếp. Trong đời này, có thể nói là từ lúc cha mẹ sinh ra cho đến hiện nay, chúng ta hết thảy đều sống tùy thuận theo mê muội, tà vạy, nhiễm ô. Thật sai lầm!
Muốn nhận biết, muốn nương theo giác ngộ, chân chính, thanh tịnh, chúng ta lại không biết về giác ngộ, chân chính, thanh tịnh. Những gì là giác ngộ, chân chính, thanh tịnh? Hết thảy những lời răn dạy của Phật trong kinh điển, đó là giác ngộ, chân chính, thanh tịnh. Cho nên, tôi thường khích lệ quý vị đồng học, kinh điển chính là tánh đức của chúng ta lưu xuất hiển lộ, chúng ta quyết định không thể xem đức Phật Thích-ca Mâu-ni như một con người bình thường. Như vậy là quý vị hoàn toàn nhìn nhận sai lầm. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni là sự lưu xuất hiển lộ của tánh đức trọn vẹn đầy đủ. Là tánh đức của ai? Là tánh đức của chính tự thân ta.
Chúng ta mở to mắt nhìn cũng thấy được muôn loài chúng sinh ở khắp nơi tạo tác tội nghiệp. Muôn loài chúng sinh đó cũng là từ nơi tự tánh của chúng ta lưu xuất hiển lộ, là nơi tự tánh mê muội, tà vạy, nhiễm ô lưu xuất hiển lộ. Mê muội, tà vạy, nhiễm ô biến thành sáu đường [luân hồi]; giác ngộ, chân chính, thanh tịnh biến thành pháp giới nhất chân, biến thành bốn thánh pháp giới. Cho nên, khắp các pháp giới cùng tận hư không đều là một tự tánh. Ý nghĩa này rất sâu xa, người thấu hiểu được không nhiều.
Thế nhưng, việc tu học Đại thừa tất yếu phải thiết lập trên cơ sở quan niệm đó thì sự tu học mới ít gặp chướng ngại, mới dễ dàng nâng cao. [Phải nhận thức được rằng] khắp các pháp giới trong cùng tận hư không đều là một tự tánh. Chư Phật, Pháp thân Đại sĩ là sự lưu xuất hiển lộ của tánh đức viên mãn. Mười pháp giới, sáu đường luân hồi là sự lưu xuất hiển lộ của mê muội, tà vạy, nhiễm ô trong tánh đức.
Chúng ta làm sao sửa đổi được mê muội, tà vạy, nhiễm ô thành chân chánh, quay về nương theo giác ngộ, chân chính, thanh tịnh, đó là quý vị đã chân chánh quy y. Nương theo tự tánh Tam bảo, chúng ta mới có thể thực sự được cứu độ, rốt ráo được cứu độ. Cho nên: “Biết lỗi có thể sửa lỗi thì không gì tốt hơn.”