(Giảng ngày 1 tháng 4 năm 2000 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 183, số hồ sơ: 19-012-0183)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời mở sách Cảm ứng thiên, đoạn thứ 111: “Tự chú chú tha. Thiên tắng thiên ái.” (Thề thốt nguyền rủa mình, nguyền rủa người khác. Yêu ghét thiên lệch.) Những điều như vậy đều là hành vi xấu ác.
Trong phần chú giải nói rất rõ, tôi sẽ đọc qua một lần. Chú giải nói: “Câu này là nói việc thề thốt những điều không đáng cầu.” Điều này từ xưa đến nay, ở khắp mọi nơi vẫn thường có. Tự mình có chuyện oan khuất không cách gì biện biệt liền thề thốt, nguyền rủa. “Nói chung khi giận dữ mà tự thề thốt nguyền rủa mình, lại nguyền rủa người khác, đó là rơi vào điều này.” Hiện tượng này chúng ta vẫn thường nhìn thấy. Hành vi này quyết định là hành vi không tốt. Trong kinh luận, Phật dạy chúng ta: “Hết thảy các pháp từ tâm tưởng sinh.” Tâm tưởng như vậy không tốt, làm sao chiêu cảm được quả báo tốt?
Người thực sự có học vấn, có đức hạnh, có tu trì thì hiểu biết sáng tỏ, trong ý niệm phải thanh tịnh, phải thiện lương, lời nói, tâm trạng đều phải nhu hòa, như vậy cảm ứng được quả báo hiền thiện. Tại Singapore, tôi thường nhắc đến nữ tu sĩ Hứa Triết. Bà là tấm gương tốt nhất đối với người tu hành. Hiện nay bà vẫn đang còn sống. Bà suốt một đời luôn giữ được tâm bình khí hòa, cho nên bà được khỏe mạnh sống lâu. Khỏe mạnh sống lâu không phải từ nơi khác đến, là do chính ta giữ gìn mà được.
Vì sao tâm chúng ta thường không bình lặng? Tâm không bình, nguồn gốc từ đâu? Là từ những vọng tưởng, phân biệt, bám chấp sinh ra, toàn là giả tạo. Con người phải thực sự hiểu rõ lời Phật dạy: “Hết thảy hình tướng đều là hư vọng”, như vậy thì tâm liền được bình lặng; “Hết thảy các pháp hữu vi đều như mộng ảo, như bọt nước”, như vậy thì tâm liền được bình lặng. Quý vị kính trọng, ngợi khen tôi, chỉ mỉm cười niệm A-di-đà Phật, [khen đó] chỉ là giả thôi. Quý vị hủy báng, làm nhục tôi, hãm hại tôi, cũng niệm A-di-đà Phật, [chê đó] cũng chỉ là giả thôi. “Hết thảy hình tướng đều là hư vọng”, quý vị cần gì phải bám chấp? Cần gì phải phân biệt? Chư Phật, Bồ Tát dạy chúng ta như vậy.
Chúng ta xem lại như nữ cư sĩ Hứa Triết, bà làm sao trong cuộc đời trăm tuổi của mình luôn giữ được tâm bình khí hòa? Không có gì khác, chỉ là bà hiểu rõ được đó là giả tạm. Quý vị làm nhục tôi, mắng chửi tôi. Quý vị làm nhục người khác, mắng chửi người khác, vì sao tôi không sinh lòng tức giận? Vì không liên can đến tôi, đó là mắng chửi người khác. Vì sao khi mắng chửi tôi, tôi tức giận? Vì bám chấp có một cái “ngã”. Như vậy là sai lầm. Phân biệt có ngã, bám chấp có ngã, đâu biết rằng phân biệt, bám chấp, hết thảy đều là vọng tưởng.
Chúng ta học Phật phải từ chỗ này mà giác ngộ, sáng tỏ, liền được hiệu quả, lợi ích lớn, những ý niệm được mất đều buông bỏ hết. Không có tâm được mất thì không phạm vào lỗi lầm này. Lỗi lầm này đều là do được mất, phân biệt, bám chấp mà có.
Con người sống qua một đời trong thế gian này, vì sao không thường vui khoái? Vì sao không thể tự mình vượt qua chính mình? Nói thật ra, đích thực là tự mình không vượt qua chính mình. Người khác không tìm quý vị, là quý vị không tự mình vượt qua chính mình.
Chúng ta cùng sống trong xã hội này, đặc biệt là trong quá khứ, khi quốc gia Singapore mới thành lập được ba mươi năm. Khi chưa lập quốc, tại đây người Hoa phải chịu sự kỳ thị. Quý vị nghe vị nữ lão tu kể lại, tại đây [vào lúc ấy] đi làm công, mỗi tháng tiền công được bao nhiêu? Được hai đồng tiền. Bà ấy kể rất rõ, không phải mỗi tuần được nghỉ một ngày, là một năm mới được nghỉ một ngày, xem như không có nghỉ. Hơn nữa, hai đồng tiền công ấy cũng không được dùng đến, còn phải gửi về Trung quốc để giúp đỡ hỗ trợ những anh em, chị em còn nghèo cùng khốn khó hơn. Đó là những điều trong quá khứ bà đã tự thân trải qua.
Trong xã hội không có địa vị, đương nhiên là phải có lòng oán hận bất bình. Nhưng bà ấy có thể làm cho tâm bất bình ấy thành bình lặng, đó là chỗ học vấn gì? Là công phu gì? Bà kể với chúng ta, bà không có văn hóa, bà chưa từng đọc sách. Đó là sự thật. Vào thời ấy, phụ nữ được đi học dường như là chuyện không hề có. Cách đây trăm năm, chuyện như vậy là rất hiếm, rất hiếm có, trừ phi là nhà giàu sang phú quý lớn mới mời thầy về nhà để dạy cho con. Cách đây trăm năm cũng không có trường học, bà ấy từ nơi đâu học được? Bà ấy không phải trời sinh ra đã biết, phải là học mới biết. Bà là người ham học, thường thưa hỏi người khác để học. Sau khi nghe được rồi, bà có thể thực hành hiệu quả, có thể ghi nhớ. Ưu điểm lớn nhất trong đời bà ấy là chỉ nghe điều lành, không nghe điều ác, chỉ nhớ điều lành, không nhớ điều ác. Đó chính là chỗ thành công trong một đời của bà. Cho nên bà có thể giữ được suốt đời, trong lòng không có những ý niệm xấu ác. Chỉ có ý niệm hiền thiện, không có ý niệm xấu ác. Chúng ta phải hiểu rõ được ý nghĩa này, phải khéo léo nỗ lực học tập, đó là tự mình được phước báo, tự mình được lợi ích.
“Thiên” là có lòng thiên lệch; “tắng” là sân hận, không hài lòng, ghét bỏ. Do đâu mà có? Là do cách nhìn thiên lệch. Khi hài lòng với một người, ghét bỏ một người, tâm địa của quý vị không công bằng, cho nên có sự thiên lệch riêng tư. Trong chú giải nói: “Yêu ghét thiên lệch, phạm vi nói đến rất rộng.” Tiếp theo nêu ra nhiều ví dụ điển hình: “Nói chung vua đối với bề tôi, cha đối với con, chồng đối với thê thiếp.” Chủ nhân đối với người làm công cũng có như vậy. Đây là sự thật, từ xưa đến nay ở khắp mọi nơi chúng ta vẫn thường nhìn thấy, vẫn thường nghe thấy. Đến như người học Phật chúng ta, trong một đạo trường, đệ tử của Lão Hòa thượng rất nhiều, tín đồ rất nhiều, cũng có sự “yêu ghét thiên lệch”. Như vậy có thể thấy loại tập khí phiền não này nặng nề biết bao.
Quý vị có thể hỏi, vì sao sinh ra hiện tượng này? Vì thiếu công bằng, không có tâm bình đẳng, cho nên mới có hiện tượng này. Nếu như quý vị dụng tâm bình đẳng, sẽ không có hiện tượng này. Quý vị xem, gần đây nhất có nhiều đoàn khách thăm viếng đến từ Trung quốc. Đoàn Phúc Châu hơn ba mươi người, hôm nay quay về. Đoàn Bắc Kinh hơn năm mươi người, vẫn còn ở lại một tuần lễ nữa. Ngày mai là ngày 2 [tháng 4], có một đoàn từ Liêu Ninh sẽ đến. Còn có đoàn đến từ Đài Loan nữa. Các vị đồng tu ấy đến đạo trường Cư Sĩ Lâm thăm viếng rồi, cảm xúc rất sâu xa. Cư Sĩ Lâm là một đoàn thể lớn biết bao, mỗi ngày kẻ vào người ra có đến cả ngàn người. Cảm xúc của những người đến thăm là vì thấy mọi người ở đây đoàn kết hòa hợp, không thấy sự kỳ thị phân biệt. Người lãnh đạo là cư sĩ Lý Mộc Nguyên hoàn toàn không có sự yêu ghét thiên lệch. Điều này khiến người viếng thăm trong lòng hết sức bội phục. Những người trong đạo trường không hề có ý kiến xáo trộn, không có ai không hòa hợp với người khác, không có cãi cọ, không gây sự, mọi người đều đoàn kết hòa hợp.
Cư sĩ Lý Mộc Nguyên không có lòng riêng, quý vị đến đây cúng dường, tu công đức, đó là quý vị vì Tam bảo, quý vị không phải vì tôi. Cho nên đối với đạo trường Cư Sĩ Lâm, cho dù cúng dường rất nhiều, rất lớn, quyết định cũng không có sự đối đãi đặc biệt. Quý vị không cúng dường một xu nào, cũng tuyệt đối không có sự khinh thị quý vị. Hết thảy đều được đối xử bình đẳng như nhau, điều này thật không dễ dàng.
Cư Sĩ Lâm có rất nhiều vị đại hộ pháp, quý vị nhìn xem vào lúc ăn cơm, họ chỉ tự mình đến lấy một ít rau rồi ngồi ăn ở khuất nơi góc tường, Lý cư sĩ không chỉ ra cho thì chúng ta không biết được. Những vị hộ pháp thực sự có khả năng đều không tranh ra đứng trước, họ đều lui lại phía sau, họ đều biết khiêm nhường. Đó đều là theo lời răn dạy của thánh hiền.
Cho nên, quý vị đồng tu ở Trung quốc phải đặc biệt học tập theo. Đồng tu ở Trung quốc chỉ biết chen đến trước, tuyệt đối không chịu nhường người khác. Cho nên, họ muốn mời thỉnh tôi về nước, tôi nói quý vị có thể học theo được đức khiêm nhượng của [đồng tu ở] Singapore thì tôi sẽ về. Mỗi người đều chen đến trước đứng, giao thông phải trở ngại, đường không thông suốt. Tôi nói, không phải tôi không muốn về nước, thật lòng hết sức muốn về, đã muốn về từ mấy chục năm nay nhưng không dám về. Vì sao không dám về? Nhiệt tình của quý vị tôi hết sức cảm kích, nhưng nhiệt tình ấy có phần thái quá, mỗi người đều muốn tranh nhau đến phía trước để gặp tôi, tôi không chịu được. Như vậy tạo ra điều gì? Là làm hỗn loạn trật tự, gây ra vấn đề cho công an, như vậy làm sao chấp nhận được? Nếu được như quý vị đồng tu ở Cư Sĩ Lâm, mỗi người đều biết nhẫn nhượng, mỗi người đều muốn lui về phía sau, không mong chen đến đứng trước, như vậy thì tôi đã sớm quay về nước. Như vậy là thành tựu đức hạnh chân thật của bản thân mình.
Quý vị xem, các bậc thánh hiền thế gian và xuất thế gian đều dạy chúng ta tích đức, tích âm đức. Âm đức là gì? Là âm thầm làm điều tốt không cho người khác biết. Không cần phải tạo thành địa vị đặc thù riêng của bản thân mình, không cần tạo thành mục tiêu rõ ràng của bản thân mình, để mọi người nhìn thấy quý vị, cung kính quý vị, tôn trọng quý vị. Như vậy thì công đức tu tích của quý vị được báo đáp hết rồi. Cho nên, người lui về phía sau thì công đức tu tích vẫn còn nguyên, họ chưa nhận báo đáp, phước báo về sau không thể nghĩ bàn. Như vậy mới gọi là công đức chân thật, lợi ích chân thật.
Cho nên, chúng ta ở thế gian này, trong việc xử sự, đối đãi với người, tiếp xúc với vật, tâm phải bình lặng, tâm phải công bằng, khi tiếp xúc với hết thảy người hay sự vật đều phải vì việc công, không có lòng riêng, như vậy mới có thể thành tựu đức hạnh. Quyết định không được có tâm thiên lệch. Tâm thiên lệch thì cho dù có được phước báo lớn, thành tựu đó cũng không phải chân thật. Đó chính là phát lên rất nhanh rồi suy bại cũng rất nhanh.
Nói chung, khi có tâm thiên lệch tiếp xúc với một người nào, nghiêng về yêu thích một người nào, người đó đều là vì lợi ích mà đến với ta. Cho họ lợi ích thì họ đến, không có lợi ích thì họ liền đi mất, tuyệt đối không phải giao tình đạo nghĩa. Thực sự có đạo nghĩa thì khi quý vị suy bại họ vẫn tìm đến, quan tâm chăm sóc quý vị, vẫn tìm gặp quý vị. Quý vị xem qua truyện Hồng Lâu Mộng, trong đó có một người có đạo nghĩa là người vú già họ Lưu. Quý vị xem, vào lúc nhà họ Giả suy vi thất bại, những người trước đây chạy theo nương dựa thế lực không còn thấy một người nào nữa. Những người bình thường vẫn đến bợ đỡ nịnh nọt giờ không còn thấy ai, dù một người cũng không nhìn thấy. Chỉ duy nhất có vú già họ Lưu vẫn còn mang đến chút đỉnh y phục, dè dặt tiết kiệm để mang đến một chút tiền mà chăm sóc [họ Giả]. Đó là gì? Chính là có đạo nghĩa. Con người này, theo như hiện nay nói là không có nền tảng văn hóa, không có đọc sách, là người quê mùa, người chân chất nhưng hiểu rõ được đạo nghĩa. Bà đến dinh quan lớn thăm viếng bà con, tuyệt không xu thần dựa thế, chỉ là có chút quan hệ thân thích, có chút liên hệ nên tìm đến thăm.
Chúng ta phải nhận thức rõ ràng, đặc biệt là quý vị tương lai có danh tiếng trong xã hội, có địa vị, có chút đức vọng, quý vị phải biết loại người [xu phụ] này có rất nhiều. Nếu như tâm quý vị không bình đẳng, không công bằng, những người chung quanh quý vị sẽ là nguyên nhân gây thất bại cho quý vị trong tương lai. Chúng ta nhất định phải hiểu rõ, nhất định phải sáng tỏ điều này. Quý vị thất bại, thất bại ở chỗ nào? Thất bại ở ngay từ những người gần gũi mình nhất. Điều này từ xưa đến nay ở khắp mọi nơi đều không tránh khỏi, chỉ người thực sự có trí tuệ, thực sự có học vấn mới có thể nhìn ra được. Đức Phật dạy chúng ta trong tám nỗi khổ có [nỗi khổ vì phải] “gặp gỡ kẻ oán ghét”. Cho nên, nói chung đối với những người thân cận gần gũi, phải hiểu rõ lời Phật dạy về “gặp gỡ kẻ oán ghét”. Họ đều là những oan gia đối đầu của ta, đều đang chờ đợi cơ hội để báo thù.
Dùng phương pháp nào để giải trừ việc gặp gỡ kẻ oán ghét? Phải công chính, bình đẳng, liêm minh, liêm khiết. Những phẩm tính này đều là có trí tuệ, dùng trí tuệ để quan sát, dùng trí tuệ để xử lý vấn đề. Phải đặc biệt đề cao cảnh giác, tức là đối với những người thường gần gũi tiếp cận phải đặc biệt đề cao cảnh giác. Đối với những người thường gần gũi, phải vô tư vô cầu, tâm của chúng ta mới không thiên lệch. Bất kể là những người ấy có địa vị cao đến đâu, giàu có đến đâu, chúng ta đối với họ đều vô tư vô cầu, như vậy thì tâm của quý vị mới được bình lặng. Quý vị nếu theo thói thường, muốn dựa vào họ để hộ trì, dựa vào họ để hộ pháp, như vậy là xong rồi. Trước mắt tuy thấy có một chút lợi ích, rốt cùng về sau suy tổn rất lớn. Những trường hợp điển hình như vậy có quá nhiều, quá nhiều. Trong phần chú giải cũng nêu ra một số trường hợp, chúng ta không ngại xem qua nhiều để biết sự lợi hại.
Chư Phật, Bồ Tát sở dĩ có thể thành tựu đạo nghiệp, căn bản đều là ở chỗ vô tư, vô ngã. Trong kinh Kim Cang nói “vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sinh tướng, vô thọ giả tướng”. Căn bản thành tựu đạo nghiệp chính là ở chỗ này. Trong pháp thế gian, nếu như xây dựng đức hạnh, kiến lập công nghiệp bất hủ cũng lấy đây làm nền tảng cơ sở. Nếu có mảy may tâm niệm vì riêng mình, thành tựu của quý vị không phải chân thật. Vì sao vậy? Điều này rất dễ hiểu. Đó là dối mình, dối người. Dối mình, dối người thì phải bị lật tẩy, phơi bày. Ví như trong một đời này của quý vị, che giấu rất khéo, không bị ai lật tẩy, phơi bày, thì sau khi chết rồi cũng sẽ bị người khác phơi bày ra. Sau khi bị người lật tẩy, phơi bày rồi thì không còn chút giá trị gì nữa cả.
Cho nên, công đức, sự nghiệp chân thật phải dùng tâm chân thành mà làm, quyết định không thể dùng tâm hư ngụy. Tâm hư dối không thành tựu được đức chân thật, công đức chân thật quyết định không thể thành tựu.
Vì thế, chúng ta đọc qua hai câu này [trong phần này], cảm xúc rất sâu xa. Trong phần chú giải, quý vị có thể tự mình đọc qua, tự mình phản tỉnh, đặc biệt là quan sát thật kỹ trong xã hội hiện thực này. Những sự việc như vậy luôn có ở quanh ta, không khó phát hiện. Đã làm người, bất kể là người hiền, kẻ ác, đều không thể không tiếp xúc.
Học theo chư Phật, Bồ Tát, học theo các bậc thánh hiền thì đối với người hiền, đối với kẻ ác, hết thảy đều phải dùng một tâm chân thành, bình đẳng, quyết định không có sự “yêu ghét thiên lệch”. Như vậy mới được.