Ít lâu sau khi chúng tôi đến định cư tại ngôi nhà ở đường Girgaum, một
giai thoại xảy ra và về sau bà Blavatsky đã viết lại thành một chuyện
rất ly kỳ trong quyển “Động thẳm rừng già của Ấn Độ”.
Tôi chỉ trình bày ở đây một cách đơn giản, ngắn gọn những sự việc đã xảy
ra, và độc giả sẽ thấy bằng cách nào bộ óc tưởng tượng dồi dào phong phú
của bà đã biến đổi chúng hoàn toàn khác hẳn, từ một chuyện rất thông
thường bà đã tạo thành một chuyện phiêu lưu kỳ diệu đầy tính chất rùng
rợn quái đản.
Một buổi chiều nọ, chúng tôi đang ngồi trong nhà thì nghe có tiếng trống
nhỏ vang dội bên tai làm cho tôi chú ý. Tiếng trống vẫn tiếp tục kéo dài
lặp mãi một kiểu độc âm, buồn tẻ, nhàm chán chứ không theo một nhạc điệu
nào. Chúng tôi sai một người giúp việc đi thăm dò, và khi trở về anh ta
cho biết rằng đó là tiếng trống ở một nhà láng giềng, báo hiệu rằng một
“bà bóng”, vốn là cốt của một vị “nữ thánh”, sắp sửa lên đồng và trả lời
những câu hỏi về những vấn đề họa phước của các tín chủ.
Ý muốn chứng kiến một màn lên đồng hấp dẫn lạ kỳ đã thúc đẩy chúng tôi
tìm đến nơi để xem việc gì xảy ra. Thế là chúng tôi đến nhà bà bóng.
Trong một gian nhà tranh vách đất nhỏ hẹp, chúng tôi thấy độ ba, bốn
mươi người bản xứ thuộc giai cấp nghèo hèn đang đứng vòng quanh, có vài
ngọn đèn dầu dừa để kê sát vách, và ngồi xếp bằng ngay chính giữa nền
đất là một người đàn bà trông có vẻ man dại, đầu bỏ tóc xõa, thân mình
lắc lư từ bên nọ qua bên kia, và xoay đầu đảo vòng tròn làm cho bộ tóc
dài cũng cuốn xoay vòng quanh mình.
Độ một lát, có một trẻ từ cửa sau bước vào, cầm một cái đĩa bàn tròn
trên có vài miếng long não đang cháy, vài nhúm bột son đỏ và mấy lá cây
xanh. Đứa trẻ đưa cái đĩa lại gần mặt bà bóng, bà này cúi mặt xuống chất
long não bốc khói, vừa hít vào từng hơi dài vừa thốt ra những tiếng rên
khoái trá.
Sau đó một lúc, bà nhảy dựng người lên, giật lấy cái đĩa bàn, cầm đưa
qua bên mặt, bên trái, đầu lại xoay tròn như trước, và với bàn chân
nhúnnhảy theo nhịp trống, bà đi quanh khắp phòng và nhìn thẳng vào gương
mặt khiếp sợ của những người chung quanh.
Sau khi đã đi quanh khắp phòng như vậy nhiều lần, thình lình bà bóng lao
mình vút đến trước mặt một phụ nữ trong đám đông, phóng cái đĩa bàn về
phía người ấy, và nói với cô ta vài câu bằng tiếng thổ ngữ Marathi, mà
lẽ tất nhiên là chúng tôi không hiểu, nhưng dường như có liên quan đến
việc riêng của bà kia. Dù đó là việc gì, ảnh hưởng của câu nói ấy đã
hiển hiện ngay tức khắc, vì người phụ nữ ấy bật ngửa người và thụt lui
lại một bước, gương mặt lộ vẻ kinh hoàng, và đưa hai tay nắm chặt về
phía bà bóng, dường như trong cơn xúc động sâu xa.
Cũng một sự việc tương tự được tái diễn với nhiều người khác trong số cử
tọa. Sau đó nhà nữ linh thị đi xoay vòng vào giữa gian phòng, vẫn tiếp
tục xoay vòng sang bên nọ bên kia trong một lúc, thốt lên vài âm thanh
nghe dường như một câu thần chú, rồi chạy thoát ra khỏi phòng qua cửa
sau.
Sau vài phút bà ấy trở lại, với bộ tóc ướt sũng nhỏ giọt, lại để rơi
mình xuống đất, đầu lại đảo quay mòng mòng như trước, lại nhận cái khay
đựng long não đốt cháy, và tái diễn cảnh lao vút mình vào người đứng xem
để nói với họ những gì họ muốn biết. Nhưng lần này, giọng nói của nhà
tiên tri hơi khác một chút và những động tác của bà có vẻ nhẹ nhàng hơn.
Chúng tôi được cho biết rằng đó là vì đã có một nữ thánh khác nhập vào
khi bà bóng ngâm đầu vào một chậu nước đặt sẵn ở ngoài cửa.
Tính cách mới lạ của sự việc này không bao lâu đã trở thành nhàm chán
đối với chúng tôi, và chúng tôi quay bước trở về nhà.
Câu chuyện chỉ có thế thôi, không hơn không kém. Đó là những sự kiện đơn
giản, và không có gì khác lạ hơn nữa. Thế nhưng, nếu độc giả mở cuốn
“Động thẳm rừng già của Ấn Độ”, ở chương “Một động phù thủy”, thì sẽ
thấy bà Blavatsky làm cho nó biến chất như thế nào. Thay vì câu chuyện
xảy ra trong một căn nhà lá tồi tàn ở một xóm bình dân lao động của
thành phố Bombay, với một số khán giả gồm toàn những người lao công lam
lũ bần hàn, chúng tôi lại được bà mô tả là ngồi trên lưng voi, đi trên
con đường mòn dưới ánh đuốc bập bùng mờ ảo, xuyên qua một khu rừng rậm,
ở độ cao hơn 600 mét trên dãy núi Vindhya. Bà viết:
“Giữa cơn im lặng thâm trầm, chỉ nghe có tiếng chân voi bước đều đặn và
nghiền nát sỏi đá trên đường núi gập ghềnh; thỉnh thoảng, chợt nghe có
những tiếng thì thầm quái đản và những âm thanh lạ lùng huyền bí. Đến
một chỗ nọ, chúng tôi cho voi quỳ xuống để chúng tôi xuống đất và đi bộ
xuyên qua những bụi cây xương rồng rậm rạp, gai đâm đau nhói!
“Chúng tôi gồm một đoàn ba mươi người, kể cả những phu cầm đuốc. Ông Đại
tá (tức là tôi) ra lệnh cho tất cả những khẩu súng trường và súng ngắn
đều phải lắp đạn sẵn sàng để sửa soạn vượt qua truông núi.
“Sau khi đã bỏ lại phần lớn y phục trên những cành gai nhọn của bụi cây
lê rừng, trèo lên một ngọn đồi, và vượt qua một khe núi khác nữa, chúng
tôi đến nơi động phủ của một vị nữ phù thủy mệnh danh là “Bà cốt của Ấn
Độ”. Bà sống một cuộc đời chân tu thánh thiện và là một nhà tiên tri
xuất sắc. Động phủ của bà nằm trong hang núi, trong một ngôi đền cổ
hoang tàn xây bằng đá ong đã loang lổ nhiều nơi, nơi cư trú của bà ở
trong một đường hầm. Tại đây, người ta tin rằng bà đã sống đến ba trăm
tuổi!
“Khoảnh đất vuông vức phía trước mặt ngôi đền được soi sáng bằng một
ngọn lửa trại khổng lồ; ở giữa sân có một đám thổ dân miền núi trần
truồng nước da đen sậm giống như những thể tinh đang nhảy múa một vũ
khúc ếm quỷ theo nhịp trống cổ và trống cơm.
“Lúc đó, một vị lão trượng có chòm râu bạc nhảy ra và xoay tít thân mình
đi theo vòng tròn chung quanh sân, hai cánh tay duỗi thẳng như hai cánh
và nhe ra hàm răng nhọn như răng chó sói. Thân mình ông cứ xoay tít mãi
cho đến khi ngã quị xuống đất, bất tỉnh nhân sự.
“Thình lình, vị nữ phù thủy xuất hiện, từ đâu và bằng cách nào cũng
không ai biết. Bà có thân hình cao lêu khêu, gầy đét như bộ xương. Nơi
bờ vai xương xẩu của bà có treo lủng lẳng một cái xương sọ nhỏ bé của
trẻ con đã chết. Đôi mắt sâu hoắm, phóng ra những tia lửa đỏ từ cái liếc
nhìn sắc như dao đâm xuyên vào mắt bạn, làm cho bạn phải sởn ốc cùng
mình. Bạn bắt đầu cảm thấy óc mình tê liệt, tinh thần bấn loạn không còn
suy tư sáng suốt và máu bạn đông đặc lại trong huyết quản!
“Bà phù thủy đứng yên không cử động trong giây lát, một tay cầm cái đĩa
đựng long não đốt cháy, tay kia cầm một nắm gạo. Bà giống như một pho
tượng tạc trên đá, cái cổ nhăn nheo đeo ba vòng tiền vàng cổ xưa, đầu
quấn một con rắn bằng vàng khoanh tròn. Thân hình dị dạng của bà bao phủ
bằng một lớp áo vải mịn màu vàng nghệ...”
Tiếp theo đó là sự mô tả cơn nhập đồng của bà phù thủy, với những cử chỉ
giống như người bị chứng động kinh, phong giật; một màn nhảy múa xoay
tít thân mình như một chiếc lá vàng trong cơn gió lốc; cái nhìn rùng rợn
của đôi mắt sắc như dao; những cơn múa may quay cuồng, những bước nhảy
dựng chồm người lên; và những động tác man dại rừng rú khác. Rồi đến
những màn thay đổi các “giá đàn”: thần thánh luân phiên xuất nhập xác bà
bóng, tất cả là bảy vị; những màn phát ngôn tiên tri họa phước; một vũ
điệu kỳ quái với cái bóng của chính bà phù thủy; những màn đập đầu lên
những bực đá tam cấp phát ra tiếng động nghe đến rợn người, vân vân và
vân vân...
Sự diễn tả cảnh tượng động phù thủy chiếm trọn hai mươi trang giấy với
một bút pháp điêu luyện làm cho người đọc say mê thích thú, cơ hồ như
chính họ được đưa vào tận chốn rừng thiêng bí ẩn để chứng kiến bao nhiêu
sự việc quái đản, dị kỳ.
Một trí óc có thể làm được việc kỳ diệu như vậy, hẳn phải là một khối óc
đầy tài năng. Hơn nữa, điều mà bà đã làm trong câu chuyện này, bà cũng
đã làm trong toàn bộ cuốn sách: một số sự việc giản dị, tối thiểu trong
mỗi trường hợp cũng đủ để cho bà chế biến thành một chuyện ly kỳ huyền
bí chứa đựng nhiều chi tiết hấp dẫn đến độ độc đáo, thần tình.
(Những chuyện phiêu lưu du ký của bà Blavatsky viết ở Ấn Độ, trước hết
được viết bằng tiếng Nga để gửi đăng từng kỳ hạn hằng tuần trên tạp chí
“Russky Vyestnick”, tờ tạp chí lớn nhất ở Moskowa; về sau mới được dịch
sang Anh ngữ và sưu tập lại để in thành sách nhan đề “Caves and jungles
of Hindustan” (Động thẳm rừng già của Ấn Độ).