Các sinh vật đang sống trên địa cầu này, dù là người hay vật, là để cống hiến theo cách riêng của mình, cho cái đẹp và sự thịnh vượng của thế giới.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Những chướng ngại không thể làm cho bạn dừng lại. Nếu gặp phải một bức tường, đừng quay lại và bỏ cuộc, hãy tìm cách trèo lên, vượt qua hoặc đi vòng qua nó. (Obstacles don’t have to stop you. If you run into a wall, don’t turn around and give up. Figure out how to climb it, go through it, or work around it. )Michael Jordon
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu quyết tâm đạt đến thành công đủ mạnh, thất bại sẽ không bao giờ đánh gục được tôi. (Failure will never overtake me if my determination to succeed is strong enough.)Og Mandino
Bạn có biết là những người thành đạt hơn bạn vẫn đang cố gắng nhiều hơn cả bạn?Sưu tầm
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Hãy sống như thể bạn chỉ còn một ngày để sống và học hỏi như thể bạn sẽ không bao giờ chết. (Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever. )Mahatma Gandhi
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2 »» Bài giảng thứ 142 »»

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2
»» Bài giảng thứ 142

Donate

(Lượt xem: 1.610)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2 - Bài giảng thứ 142

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

(Giảng ngày 12 tháng 12 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 143, số hồ sơ: 19-012-0143)

Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.

Mời xem Cảm ứng thiên, đoạn thứ 78. Đoạn này có bốn câu: “Phá nhân chi gia, thủ kỳ tài bảo. Quyết thủy phóng hỏa, dĩ hại dân cư.” (Phá hoại nhà người chiếm tài sản quý. Gây lụt, đốt lửa làm hại dân cư.) Trong phần phân chia đoạn này chúng tôi đặt tiêu đề là “hiển hoành chi ác” (các việc ác rõ rệt ngang ngược). Hiển là rõ ràng, dễ thấy. Hoành là hoành hành, ngang ngược, ỷ sức mạnh ức hiếp người khác.

Trong phần chú giải nói rất rõ ràng, nếu việc làm là vô tình, chỉ do ngẫu nhiên, tình cờ mà thành phá hoại, tuy hại người nhưng cũng chẳng lợi gì cho mình, như vậy cũng đã là sai trái. Nếu lại vì muốn chiếm đoạt tài sản, vật báu của người khác mà làm cho người ấy phải tan nhà nát cửa, tổn hại nhân mạng, tội này thật hết sức nặng nề.

Trong chú giải cũng nói rõ, hoặc công khai cậy thế bức hiếp người, hoặc ngấm ngầm dùng mưu ma chước quỷ, cho dù có trốn tránh được sự chế tài của pháp luật nhưng cũng không trốn thoát được sự trừng phạt của quỷ thần, cũng không thể tránh được sự oán thù vay trả qua lại nhiều đời.

Các nạn lũ lụt, hỏa hoạn đều do nước, lửa vô tình. Trong những năm qua chúng ta thường xem tin tức thấy có nhiều địa phương bị nạn lũ lụt, hỏa hoạn. Có những nơi chỉ do bất cẩn mà tạo thành hỏa hoạn, như vậy đã là vô cùng bất hạnh. Nếu như có người thực sự cố ý khơi nguồn nước gây lũ lụt, chẳng hạn như phá hoại bờ đê dọc sông lớn, hoặc cố ý phóng hỏa đốt nơi cư trú của người khác. Tội lỗi như vậy phàm phu chúng ta không biết được, nhưng trong kinh Địa Tạng có giảng rõ hết sức tường tận. Kinh Địa Tạng nói, phóng hỏa đốt rừng núi là việc tổn đức nghiêm trọng nhất.

Quý vị suy ngẫm xem, trong chốn núi rừng là nơi cư trú của biết bao nhiêu loài vật hoang dã, chim thú, côn trùng... Một khi nổi lửa, quý vị đã thiêu chết biết bao nhiêu là sinh mạng, tội lỗi ấy thật không chấp nhận được! So với việc phát động chiến tranh, giết chết mấy muôn ngàn người thì tội này còn nghiêm trọng hơn. Người đời không hiểu được, không thấy rõ được ý nghĩa này nên chỉ vì đôi chút lợi ích rất nhỏ nhoi mà ra tay nổi lửa đốt rừng núi. Những người ấy ví như trước mắt có được chút lợi nhỏ, nhưng sau khi chết không thể không đọa vào ba đường ác. Chịu tội trong ba đường ác rồi, lại còn phải trải qua oán thù vay trả nhiều đời [với những chúng sinh bị hại]. Trong Phật pháp giảng rõ, nợ mạng phải đền mạng, nợ tiền phải trả tiền, [tội này] biết đến bao giờ mới trả xong hết nợ?

Chúng ta học Phật, những lời răn dạy của chư Phật, Bồ Tát, của các bậc thánh hiền xưa, đối với nội dung này đã được nghe qua rất nhiều lần. Hết thảy đều phải ghi nhớ, trong từng giây phút đều phải suy ngẫm, đối với ý nghĩa này phải thông suốt, đối với sự thật nhân duyên quả báo phải quan sát rõ ràng, sau đó thì dù có lợi nhuận to lớn ngay trước mắt quý vị cũng không dám làm việc này. Đó là quý vị đã có tâm cảnh giác e sợ.

Con người sống ở đời, chỉ cần quý vị lưu tâm quan sát kỹ sẽ thấy, biết bao nhiêu chúng sinh, mỗi người đều có hoàn cảnh gặp gỡ khác biệt nhau, nghiệp báo không giống nhau. Có người suốt đời sống rất hạnh phúc, gia đình sự nghiệp đều tốt đẹp thỏa mãn. Lại có người suốt đời luôn không được như ý, tai họa nối tiếp xảy đến không ngừng, suốt đời khốn khổ không chịu nổi. Cũng đều là con người, vì sao gặp phải những hoàn cảnh không giống nhau?

Chư Phật, Bồ Tát dạy chúng ta rằng, đó là do mỗi người tạo nghiệp không giống nhau. Sự khác biệt không đồng đều đó không phải do con người tạo ra. Ví như có gặp những người đến gây chướng ngại cho ta, đó là duyên, không phải nghiệp nhân. Tuy thuộc ngoại duyên, nhưng nhất định cũng là nghiệp của chính mình tạo ra.

Cho nên, con người vì sao sinh đến thế gian này? Đức Phật dạy chỉ trong bốn chữ: “Nhân sinh thù nghiệp.” (Đời người là đền trả nghiệp.) Quý vị đến thế gian này để làm việc gì? Là đến để nhận chịu quả báo. Trong đời quá khứ quý vị tạo nghiệp lành, một đời này quý vị được quả báo lành. Trong đời quá khứ quý vị tạo nghiệp xấu ác, một đời này quý vị phải nhận chịu quả báo xấu ác. Con người sinh đến thế gian này chỉ để nhận lãnh quả báo như vậy.

Thế nhưng con người điên đảo mê hoặc, trong khi nhận chịu quả báo lại vẫn tiếp tục tạo nghiệp, cho nên vòng nhân quả kéo dài không dứt. Trong một đời này của chúng ta, khi chưa giác ngộ triệt để thì nghiệp ác nhiều, nghiệp lành ít. Chỉ sau khi đã giác ngộ triệt để mới có thể dứt trừ nghiệp ác, thực sự nỗ lực tu thiện. Phải giác ngộ triệt để, thực sự giác ngộ thì mới có thể chuyển hóa được.

Trong đời sống gặp phải những điều bất hạnh thì từ xưa đến nay, ở khắp mọi nơi đều có. Chúng ta nhìn thấy như vậy lại không hề có cảm xúc gì, thực sự là vô cảm không hiểu biết, ngu si đến mức cùng cực. Người thông minh, căn tánh nhanh nhạy, vừa nhìn thấy những việc ấy liền giác ngộ. Vì sao hết thảy chúng sinh có nhiều chủng loại không giống nhau, hình dạng không giống nhau, hoàn cảnh không giống nhau? Người có căn tánh nhanh nhạy một khi quan sát thấy [như vậy] liền giác ngộ, liền hiểu rõ. Người ngu si, căn tánh ám độn thì không hiểu được.

Người thông minh, căn tánh nhanh nhạy, thấy biết được rồi liền quay đầu hướng thiện, đặc biệt là khi có cơ duyên nghe được những lời răn dạy của thánh hiền. Thế nào gọi là thánh hiền? Thế nào gọi là thần minh? Thế nào gọi là Thượng đế? Thế nào gọi là Phật, Bồ Tát? Danh xưng mặc dù không giống nhau nhưng cảnh giới [của các vị] hoàn toàn giống nhau. Các vị này đối với chân tướng vũ trụ nhân sinh, đối với sự thật nhân duyên quả báo, đều thông đạt rõ ràng, quán sát đến chỗ huyền vi, nên chúng ta xưng tán các ngài là thánh hiền. Chúng ta không sáng tỏ, các ngài đã rõ biết sáng tỏ, những gì các ngài dạy chúng ta đều là chân tướng sự thật.

Chúng ta là người điên đảo mê hoặc, đem chỗ thấy biết phàm phu của mình để đo lường kiến giải của bậc thánh hiền. Đối với những lời răn dạy từ bi, chân thành của các ngài mà ta còn mang ra phê phán, không thể tiếp nhận, dám xem các ngài là kẻ lừa dối. Trong khi các ngài dùng đủ mọi phương tiện đều không ngoài việc khuyên người làm thiện mà thôi. Chúng ta dùng tâm thái như vậy với các bậc thánh hiền, đó là tội lỗi hết sức lớn lao. Người như vậy là không có phước báo. Người thực sự có phúc đức sâu dày, được tiếp xúc với những lời răn dạy của thánh hiền quyết định không có sự hoài nghi, lại có thể khởi sinh lòng tôn kính, y theo lời dạy vâng làm.

Hiểu rõ được việc xấu ác này rồi, chúng ta phải tự mình nỗ lực phản tỉnh, chúng ta có phạm vào hay không? Nói chung, ở mức độ nghiêm trọng lớn lao thì ta không phạm vào, nhưng với những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi vô tình hoặc cố ý gây chướng ngại cho người khác, lừa dối người khác thì thật khó tránh khỏi. Không chỉ là lừa dối người khác, chúng ta còn có khi lừa dối cha mẹ, lừa dối bậc sư trưởng, lừa dối chư Phật, Bồ Tát, thường phạm vào những lỗi như vậy.

Chúng ta mong cầu mỗi ngày đều có thể tích lũy công đức, nhưng nếu những lỗi nhỏ này không thể ngăn ngừa, không thể chấm dứt, thì việc tích lũy công đức của chúng ta chỉ là lời nói suông, quyết định không thể thành hiện thực. Người đời từ xưa đến nay ở khắp mọi nơi, có ai lại không mong cầu phước báo? Có ai lại không mong né tránh tai họa? Nhưng trong thực tế thì phúc đức cầu không được, tai họa lại thường gặp. Điều này rốt lại là do nguyên nhân gì? Là do không có sự nỗ lực suy ngẫm. Sự mong cầu như thế, có thể nói là bất kể chủng tộc, bất kể tôn giáo, thậm chí là bất kể tộc loại, vì súc sinh cũng mong cầu như vậy, quỷ thần cũng có mong cầu như vậy. Nhưng muốn cho hết thảy những mong cầu ấy được mãn nguyện mà không nghe theo lời răn dạy của thánh hiền thì quyết định không thể làm được.

Cho nên, đức Phật dạy chúng ta mỗi khi khởi tâm động niệm, trong mọi hành vi hằng ngày, lúc nào cũng phải nghĩ đến lợi ích cho hết thảy chúng sinh, quyết định không làm những việc phá hoại thất đức.

Trong cửa Phật, đặc biệt chúng ta nhìn thấy những người xuất gia, có những người hành trì không đúng chánh pháp, chúng ta có thể phê bình họ hay không? Nhất định không thể. Họ làm việc phá hoại, xấu ác, tương lai họ phải tự nhận lấy quả báo. Chúng ta phê bình họ thì tội lỗi của chúng ta cũng không biết được là nặng đến mức nào. Nguyên nhân vì sao? Nói thật ra điều này rất ít người hiểu được.

Hình tượng một người xuất gia, mặc y phục của người xuất gia, quý vị nghĩ xem, chỉ cần ra bên ngoài đi một vòng, có biết bao nhiêu người nhìn thấy, trong thức a-lại-da của họ có những chủng tử Phật đã được gieo cấy từ lâu, một khi nhìn thấy [hình tượng xuất gia], đó là Phật, ý niệm về Phật của họ liền khởi lên. Hết thảy những việc xấu ác người xuất gia ấy đã làm, chúng ta không bàn đến, chỉ riêng hình tượng ấy [của họ] đã giúp cho biết bao nhiêu chúng sinh được gieo trồng căn lành. Ví như họ có hành vi xấu ác, chúng ta nếu đến chỗ họ công khai ra, khiến cho đại chúng trong xã hội đều thấy rằng người xuất gia ấy không phải là người tốt, thì chính việc ấy đã tạo nghiệp hủy báng, tội lỗi ấy ta phải gánh lấy. Cho nên, chúng ta thường thường tạo những nhân xấu ác như vậy mà tự thân lại hoàn toàn không biết, tự mình cho đó là chuyện rất nhỏ nhặt, không hề nghĩ đến ảnh hưởng của nó lớn lao như thế nào.

Bất kỳ là việc thiện hay ác, chúng ta nhất định phải quan sát thấu đáo, thể hội thấu đáo, ảnh hưởng của việc ấy lớn đến mức nào, sâu rộng đến mức nào, lâu dài đến mức nào. Khi quý vị suy ngẫm như thế thì tự nhiên có thể kiềm chế được. Chúng ta chỉ làm những việc có ảnh hưởng hiền thiện, việc có ảnh hưởng bất thiện nhất định không dám làm.

Nhất là trong xã hội ngày nay, trong hoàn cảnh sống hiện nay của chúng ta, những sự báo ứng thiện ác thật hết sức nhanh chóng, hết sức rõ ràng. Một niệm hiền thiện, một hành vi thiện, quả báo hiền thiện lập tức hiện tiền. Một niệm xấu ác, một hành vi ác, tai họa lập tức đến ngay. Sao có thể không cẩn thận, sao có thể không lưu tâm? Đặc biệt là càng phải thận trọng hơn những khi ở một mình [nơi vắng vẻ].

Tôi thường khuyến khích quý đồng học, chúng ta thân là đệ tử Phật, sống ở thế gian một ngày phải một ngày lo hết phận sự, trách nhiệm. Phận sự, trách nhiệm của người đệ tử Phật là gì? Là gia nghiệp đức Như Lai để lại. Gia nghiệp của Như Lai, ở mức độ thấp nhất là đối với quảng đại quần chúng trong xã hội phải răn tránh điều lỗi, khuyến khích điều thiện. Đó là phận sự, trách nhiệm của chúng ta. Không những chúng ta thường khuyên bảo dẫn dắt mọi người, mà tự thân mình cũng phải nêu gương tốt cho mọi người noi theo. Ít nhất chúng ta cũng phải là một tấm gương cho người khác noi theo, trọn đời không nói đến lỗi lầm của người khác, tự mình nêu gương. Nhìn trong xã hội, khi mọi người tụ tập cùng nhau thì đều là những chuyện thị phi, hay dở. Xã hội ngày nay vì sao hỗn loạn đến thế? Mọi sự bất an đều xuất phát từ miệng lưỡi [con người]. Chúng ta nhìn rõ khuyết điểm ấy rồi thì mới có thể phản tỉnh, mới có thể tự kiểm điểm rồi quay đầu hướng thiện, sửa đổi từ bản thân mình, đó chính là khuyên bảo dẫn dắt đại chúng trong xã hội.

Còn sống một ngày, cố gắng làm một ngày, trong thế gian này nhất định không để một ngày nào luống qua vô ích. Một ngày luống qua vô ích chính là một ngày chúng ta tạo tội nghiệp. Đức Phật dạy ta sống trong thế gian này, hết thảy mọi việc đều tùy duyên nhưng không chạy đuổi theo duyên. Đại sư Chương Gia từng nói rằng, người chân chính phát tâm học Phật thì suốt một đời đã được chư Phật, Bồ Tát an bày, tự thân không cần phải nhọc tâm lo nghĩ chút nào.

Vì thế, quý vị đạt được tâm thanh tịnh, tâm an định, thường sinh trí tuệ, không sinh phiền não thì tuyệt đối không làm những việc lợi mình hại người, luôn hy sinh bản thân mình để thành tựu cho người khác. Việc chúng ta làm là như vậy. Chúng ta sinh đến thế gian này là để giúp đỡ hỗ trợ chúng sinh, để làm lợi ích cho xã hội, hoàn toàn không mưu cầu lợi riêng cho mình. Đó là lời răn dạy của chư Phật, Bồ Tát, của các bậc hiền thánh xưa dành cho chúng ta.

Cho nên, trong Cảm ứng thiên nói đến đủ mọi loại hành vi xấu ác, chúng ta phải luôn ghi nhớ, quyết định không được phạm vào.

Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 103 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Truyện cổ Phật giáo


Có và Không


Báo đáp công ơn cha mẹ


Sống thiền

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.135.247.17 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...