(Giảng ngày 21 tháng 11 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 133, số hồ sơ: 19-012-0133)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Mời xem Cảm ứng thiên, đoạn thứ 66: “Hình nhân chi xú, yết nhân chi tư.” (Phô bày chuyện xấu, bới móc chuyện riêng tư của người khác.)
Trong phần chú giải của sách Vị biên, đoạn đầu tiên nói rất rõ: “Việc xấu của người khác, đó là những việc nói ra thì nhục nhã, không thể nghe từ người khác. Cho nên [nếu mình] phô bày ra ắt là tổn thương lòng nhân hậu, mà âm đức cũng theo đó bị mất đi.”
Đoạn văn này giảng rõ cho chúng ta về những chuyện xấu ác. Người xưa thường nói: “Nhân phi thánh hiền, thục năng vô quá?” (Người chưa thành bậc thánh hiền, sao có thể không phạm lỗi?) Thử hỏi, hết thảy người đời, không chỉ nói riêng ở thế gian này, cho đến hết thảy chúng sinh trong sáu đường, bao quát cả cõi trời, tất cả đều vẫn còn là phàm phu, chưa dứt trừ “kiến tư phiền não” (phiền não khởi sinh từ thấy biết và suy nghĩ), có người nào lại không mắc phải lỗi lầm? Có người nào lại không có chuyện riêng tư cần che giấu? Cho nên, phô bày những chuyện xấu của người khác, chuyện riêng tư của người khác, đó là việc hết sức trái đạo đức. Nhìn chung thì đây là việc làm tổn thương tình cảm nhất, làm mất đi lòng nhân hậu của chính mình, làm mất đi âm đức của chính mình, lại kết thành oán thù sâu nặng với người khác. Điều này chúng ta phải rõ biết.
Dùng lời nói gây tổn hại người khác, thường là do trong lúc vô tình không hay biết, tạo thành mối thù sâu hận lớn, oán thù vay trả, trả vay mãi mãi không dứt. Những người có học ngày trước đều rõ biết, thường lưu tâm thận trọng giữ gìn.
Bậc cổ đức dạy rằng, điều tối kỵ của người tu hành là nói ra những chuyện tốt xấu của người khác, thậm chí “hết thảy chuyện thế tục” đều không liên can gì đến tự thân mình, cho nên “miệng không được nói, lòng không được nghĩ đến. Miệng vừa nói, lòng vừa nghĩ thì tự thân liền bị mê mờ che lấp”. Đó là mê mờ che lấp lương tâm của chính mình.
Phần sau nói rất hay: “Nếu chuyên cần luyện tâm, phải thường truy tìm lỗi lầm của tự thân mình, lẽ nào còn bỏ công lo đến chuyện trong nhà người khác?” Đây chính là ý nghĩa như Đại sư Huệ Năng từng dạy: “Người chân chính tu hành không nhìn thấy lỗi lầm của thế gian.” Không phải là không có mắt, không phải là nhìn không thấy, nhưng tự mình mang bao tội nghiệp, tội lỗi đầy người, tự sửa lỗi, tự làm trong sạch còn chưa kịp, làm sao còn có thời gian quan tâm đến chuyện người khác?
Cho nên, người tu hành trong một đời này có thành tựu hay không, mấu chốt chính là ở điểm này. Người ưa thích nói lỗi người khác, ưa thích tọc mạch tìm tòi lỗi lầm của người khác, nhất định không phải là người tu hành, nhất định đó là người đi vào ba đường ác. Vì thế, bản thân chúng ta ở trong sáu nẻo luân hồi, con đường tương lai như thế nào, tự trong lòng mình có thể so sánh thấy rõ, có thể thấy biết sáng tỏ.
Ngày trước có người hỏi tôi: “Bạch thầy, con có phải đọa vào địa ngục hay không?” Tôi đáp: “Câu ấy ông không cần hỏi tôi, chỉ tự mình quay lại kiểm điểm chính mình thì biết rõ ngay.” Trong kinh Phát khởi Bồ Tát thù thắng chí lạc nói rõ với chúng ta rằng, hủy báng Tam bảo, hủy báng người tu hành, những tội hủy báng ấy đều phải đọa vào địa ngục A-tỳ. Chúng ta phải tin nhận điều này. Phá hoại sự hòa hợp của Tăng-già, phá hoại đạo trường, nhất là đối với những đạo trường tu tập chánh pháp, nếu quý vị khởi lên ý niệm tán thán ngợi khen thì được phước báo vô lượng vô biên, nhưng một niệm xấu ác hủy báng, ganh ghét, gây chướng ngại sẽ tạo thành tội nghiệp đọa vào địa ngục A-tỳ.
Họa hay phúc thảy đều do trong một ý niệm nhưng người ta vẫn cứ ngu si đến thế [không chịu nhận biết]. Chúng ta suy ngẫm xem tự mình có tạo tội nghiệp như thế hay chăng? Bản thân mình chẳng phải thánh hiền, nhất định phải có tạo tác, chỉ là nặng nhẹ khác nhau mà thôi. Những người học Phật, thậm chí là người xuất gia, mà oán trách đức Phật Thích-ca Mâu-ni, chê bai chư vị đại đức xưa, đa phần là rơi vào tội này.
Chúng ta vẫn thường nhìn thấy nhiều trường hợp chê bai kinh điển giáo pháp, chê bai những lời dạy, những bộ luận giải của các bậc đại đức xưa. Thế nhưng [những người chê bai ấy] không hề suy xét sâu xa, không cần phải nói đến Kinh điển của Phật, chỉ xét trong những ngữ lục của các bậc cổ đức, các ngài nói ra những lời như thế là vì sao mà nói? Các ngài nói ra với những đối tượng nào? Các ngài nói với dụng ý gì? Chúng ta không chịu khắc ghi suy xét để hiểu rõ, lại tùy tiện theo ý riêng chê bai, tạo thành tội nghiệp. Chúng ta không hiểu được dụng ý của các ngài, không hiểu được bối cảnh của sự thuyết giảng.
Khi thuyết pháp, đức Phật thường dạy: “Phật không pháp nào có thể thuyết dạy.” Chư vị tổ sư đại đức cũng không một pháp nào có thể thuyết dạy. Vậy vì sao lại thuyết pháp? Đó là vì chúng sinh mà trị bệnh. Cho nên, khi các ngài thuyết pháp, nhất định phải có đối tượng cụ thể, tùy theo đối tượng ấy có khiếm khuyết, có tật xấu gì. Ví như đối tượng là kẻ chấp không, Phật, Bồ Tát liền nói có. Đối tượng là người chấp có, Phật, Bồ Tát liền nói không. Như thế, thuyết pháp không gì khác hơn ngoài việc đối trị các khiếm khuyết, tật xấu, chỉ là trừ diệt cho hết những vọng tưởng, chấp trước của đối tượng mà thôi. Thế nhưng hậu học chúng ta lại hết sức cao ngạo, đem những điều thuyết pháp của Phật dạy ra mà thẩm xét phê phán, dám cho rằng ngài nói sai.
Không chỉ riêng ta phạm lỗi tày trời ấy, mà ngay lúc khởi sinh vọng tưởng, phân biệt, bám chấp như vậy còn khiến cho nhiều người khác phụ họa, hùa theo, khiến cho nhiều người cũng khởi sinh vọng tưởng, phân biệt, bám chấp. Quý vị nói xem, tội lỗi như vậy có nặng nề hay không?
Chúng ta ngày nay học Phật, dần dần sáng tỏ được một chút ý nghĩa. Chư Phật tùy loại chúng sinh mà hóa thân, không hề có thân tướng nhất định, tùy căn cơ mà thuyết pháp, nhưng nói thật ra thì không một pháp nào có thể thuyết. Cho nên, trong kinh Bát-nhã Phật dạy rằng, nếu có người cho rằng Phật thuyết pháp, đó là hủy báng Phật, huống chi là nói những chuyện khác.
Quý vị nếu cho rằng Phật có thuyết pháp thì đã là hủy báng Phật. Ý nghĩa này hết sức sâu xa. Rất nhiều người đọc kinh Bát-nhã, nhưng hết thảy đều không nghĩ đến lời dạy này của Phật. Đức Phật vì tất cả chúng ta mà nói ra rõ ràng [ý nghĩa như vậy].
Lời nói, việc làm của người thế gian, chúng ta không thể chê bai bình phẩm, tốt nhất là không chê bai. Cho nên các bậc cổ đức, Nho gia đều dạy người “chuyện không đúng lễ thì không nhìn, không nghe, không nói”. Nhà Nho dạy rằng, những chuyện không phù hợp lễ nghi thì không nhìn, không nghe, không nói.
Trong đạo Thiên Chúa, tôi xem qua các kinh [trong Kinh thánh] của họ cũng thấy nói như vậy. Trong kinh Cảm tạ của họ có những câu rất hay như: “Thiên chúa giúp đỡ cứu vớt chúng con.” Chúng ta rất dễ dàng bị hết thảy [các nhân tố như] con người, sự vật, sự việc mê hoặc, đánh mất lý trí, phải cầu Thượng đế cứu giúp. Đã biết thống thiết hối cải lỗi lầm rồi thì phải “một lòng nhớ Chúa”. Chúng ta niệm Phật, họ niệm Thượng đế. Niệm phải một lòng chuyên chú. Một lòng chuyên chú liền phát sinh hiệu quả. Nói “trong lòng con đã đủ”, đó là biết đủ. “Không mưu cầu bên ngoài” là đối với hết thảy mọi người mọi vật mọi việc đều có thể buông xả. “Chúa nguồn dạy con”, là căn bản dạy chúng ta “không nghe những lời dâm dật, không nhìn những cảnh tà dâm, không nói những lời trái lễ, không lấy những vật phi nghĩa, không đến những nơi trái lễ, tâm không nghĩ bậy, ý không càn quấy”.
Quý vị xem, những lời họ giảng đó, chỉ vì chúng ta ít tiếp xúc với tôn giáo khác [nên không hiểu], sau khi tiếp xúc rồi, chúng ta mới hết lòng nể phục. Tín đồ của họ nếu có thể vâng làm đúng theo lời dạy thì đó chính là các bậc đại thánh đại hiền trong chốn thế gian.
Trong đạo Thiên Chúa, tôi đọc thấy rất nhiều câu dạy tín đồ phải nêu gương tốt trong xã hội, so với đề xuất của chúng ta là “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm” (Học để làm thầy người khác, hành động để nêu gương cho đời), thật hoàn toàn tương đồng.
Trong Tịnh độ tông của chúng ta nói “tín, nguyện, hạnh”, họ cũng nói tín, nguyện, hạnh. Họ có ba đức là “tín đức, vọng đức, ái đức”. Vọng là mong cầu, tín là đức tin. “Vọng đức” chính là nguyện; “ái đức” là yêu thương Thiên chúa; thương người như thương mình, đó là hạnh. Cho nên họ cũng có đủ tín, nguyện, hạnh.
Chúng ta nói sáu ba-la-mật, họ nói bốn điều, là bốn loại đức hạnh căn bản: “trí, nghĩa, tiết, dũng”. Trí là trí tuệ, nghĩa là bố thí, không mong cầu báo đáp, tiết là nhẫn nhục, dũng là trì giới. Họ cũng có cả đức tính dũng mãnh sửa lỗi, tự làm trong sạch bản thân.
Kinh cầu nguyện hòa bình của họ cũng đặc biệt thù thắng, hết sức cảm động lòng người. Họ có thể trở thành một tôn giáo lớn trên thế giới, quy tụ được đông người tin theo đến như vậy, điều đó cũng là có ý nghĩa.
Chúng ta ngày nay nói rằng học Phật, nhưng thực tế mà nói, đem so với họ thật còn thua kém rất xa. Họ quyết định sẽ được lên cõi trời, còn ta thì đọa vào địa ngục A-tỳ. Điều này chúng ta phải suy ngẫm sâu xa, tự mình phản tỉnh, kiểm điểm. Họ cầu nguyện ngày hai lần sáng tối, hai lần sáng tối công phu, cầu nguyện, lúc nào cũng tỉnh táo soát xét lỗi lầm của bản thân mình, nỗ lực nhiều hơn so với chúng ta.
Tuy đức Phật có những lời răn dạy hết sức thù thắng, thế nhưng trong thời mạt pháp này, đa phần chỉ giữ được hình thức mà thôi, cho nên bốn chữ “tín, giải, hành, chứng” trở thành “hữu danh vô thật” (chỉ có tên gọi mà không có thực chất).
Vì thế, tôi thường nhắc nhở cảnh tỉnh quý vị đồng học, chúng ta sau khi chết rồi biết đi về đâu? Không thể nói rằng bản thân mình hãy còn rất trẻ tuổi, vì “đường xuống suối vàng không phân già trẻ”. Đặc biệt là hiện nay thế gian rất nhiều tai nạn. Quý vị xem, gần đây nhất là trận động đất ở Đài Loan, chỉ trong mấy giây đồng hồ thôi mà có những gia đình cả nhà đều chết hết. Chúng ta nhìn thấy như vậy không kinh sợ, cảnh tỉnh hay sao? Cho nên, Tổ sư Ấn Quang dạy rằng, người học Phật phải đem một chữ “chết” dán ngay trên trán, thường thường tự hỏi bản thân mình phải làm thế nào? Phải thực sự nỗ lực mà làm.
Chúng ta nói thật ra cũng rất muốn nỗ lực làm, nhưng vì sao những khiếm khuyết, tật xấu vẫn không sửa đổi được? Không phải là không muốn sửa, thực sự là rất muốn sửa. Chúng ta đối với kinh điển Đại thừa tụng niệm rất nhiều, suy ngẫm kỹ lại thì việc sửa lỗi không được chính là do nghe kinh quá ít. Chúng ta nghe giảng giáo pháp thời gian quá ít. Cư sĩ Trần Quang Biệt, Lâm trưởng của đạo tràng Cư Sĩ Lâm, trong bốn năm cuối đời nghe giảng kinh qua băng ghi hình, mỗi ngày nghe đủ tám giờ, suốt bốn năm không hề gián đoạn. Mỗi một bộ kinh đều nghe lại rất nhiều lần. Điều này đúng như trong nhà Phật nói: “Vào sâu một pháp, huân tu lâu dài.” Ông ấy đã thành công, đã nắm được cơ hội, thâm nhập kinh tạng, học được một bộ kinh. Một bộ kinh, cốt yếu phải thâm nhập, phải thấu triệt, hiểu rõ được ý nghĩa trong kinh thì tín tâm, nguyện tâm của chúng ta mới có thể sinh khởi, sau đó mới có thể đem vọng tưởng, tập khí từ trong quá khứ mà sửa đổi cho chân chính. Đó gọi là chân tu.
Thời gian cũng không kể là quá dài. Trong bốn năm, mỗi ngày tám giờ, đó cũng là thị hiện cho chúng ta thấy, một ông già hơn tám mươi tuổi mới bắt đầu dụng công vẫn còn kịp thời. Ông ấy vốn trước đó hai năm đã cầu được vãng sinh, nhưng vì muốn hộ trì đạo tràng Cư Sĩ Lâm nên ở đời thêm hai năm nữa. Do đó có thể biết rằng, công phu nghe pháp huân tập này có thể thành tựu sau hai năm. Cũng do đó có thể biết rằng, chỗ khiếm khuyết ngày nay của chúng ta là không chịu nỗ lực thực sự. Lỗi lầm chính là ở điểm này. Chúng ta không vất bỏ hết đi những ý niệm tự tư tự lợi, không vất bỏ hết được tham sân si mạn, đối với những lời răn dạy của đức Phật thì lúc nhớ lúc quên. Những lúc tụng đọc thì dường như nhớ kỹ, cảnh giới hiện tiền có thể buông bỏ hết sạch, nhưng rồi [sau đó] hết thảy vẫn là thuận theo phiền não, vẫn là thuận theo tập khí.
Cho nên, trong buổi công phu tối chúng ta phải nỗ lực suy ngẫm, phải phản tỉnh, xem lại trong một ngày ấy có bao nhiêu lầm lỗi, những lúc khởi tâm động niệm, nói năng hành động, cũng trong ngày ấy nghĩ tưởng được bao nhiêu việc tốt, làm được bao nhiêu việc tốt. Đem hai phần [tốt xấu] so sánh với nhau liền biết được ngay mình sẽ đi về đâu [sau khi chết]. Chuyện này đâu cần phải hỏi người khác?
Vì thế, người thực sự giác ngộ thì việc tự mình sửa lỗi, tự làm trong sạch chính mình là chuyện khẩn thiết nhất. Nếu như mỗi lúc khởi tâm động niệm vẫn muốn biết lỗi lầm của người khác, thì đó là tội lỗi nặng nhất của chính mình, không còn tội nào nặng nề hơn nữa. Tâm nhơ nhớp xấu ác đến như vậy là cùng cực.
Xã hội ngày nay vì sao bại hoại đến mức này? Đó là vì hết thảy mọi người trong xã hội ai ai cũng đều học theo cách chê bai người khác, khinh thường người khác, nên mới chiêu cảm sự báo ứng như vậy. Chúng ta xem qua cõi tịnh độ của chư Phật, như lời đức Thế Tôn chỉ dạy chúng ta, thấy biết môi trường xã hội ở những cõi ấy như thế nào? Đó là người người ngợi khen xưng tán lẫn nhau, không hề có sự công kích, bới móc lỗi lầm người khác. Chúng ta lại xem qua Kinh Thánh của đạo Cơ Đốc, đạo Thiên Chúa, trong đó hình dung thiên đường của họ cũng chỉ toàn những lời tốt đẹp ngợi khen xưng tán, không có những lời hủy báng, không có công kích, bới móc nhau. Thật đáng để chúng ta suy ngẫm sâu sắc, thật đáng để chúng ta phản tỉnh.
Cho nên, hai câu “Hình nhân chi xú, yết nhân chi tư” (Phô bày chuyện xấu, bới móc chuyện riêng tư của người khác) là lời giáo huấn chúng ta phải thường ghi nhớ, quyết định không được phạm vào. Nếu như phạm vào những lỗi lầm này, niệm Phật nhất định không thể vãng sinh. Vì sao vậy? [Vì như thế thì] quý vị là người xấu ác, còn thế giới Cực Lạc là “các bậc thượng thiện nhân cùng tụ về một chỗ”. Quý vị cho dù có niệm Phật thật tốt, niệm phải thật nhiều, mỗi ngày đến mười muôn Phật hiệu, hai mươi muôn Phật hiệu, thế nhưng tâm quý vị xấu ác, hành vi của quý vị xấu ác, mà điều kiện để vãng sinh Tịnh độ là “tâm tịnh ắt cõi Phật tịnh”, nên tâm địa ô nhiễm, xấu ác thì không thể vãng sinh.