(Giảng ngày 29 tháng 10 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 118, số hồ sơ: 19-012-0118)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Mời xem đến đoạn thứ 55 trong Cảm ứng thiên: “Nhập khinh vi trọng.” (Tội nhẹ xem nặng.) Đoạn thứ 56: “Kiến sát gia nộ” (Thấy [người đã bị] giết còn thêm giận dữ).
Từ chỗ này tính ngược về trước [đến đoạn thứ 45: “Thị phi bất đương, hướng bội quai nghi.” (Đúng sai không thích đáng, chánh tà đều trái lẽ.)] tổng cộng có mười hai câu. Mười hai câu này tuy là nêu những điều ác của giới quan chức, viên chức hành chánh, nhưng nói thật ra thì trong xã hội hiện nay hầu như mỗi người đều thường phạm vào, chỉ là nặng nhẹ không giống nhau mà thôi.
Chúng ta biết rằng thời điểm bản văn này hoàn thành đã rất lâu rồi, xã hội thời ấy so với xã hội ngày nay hoàn toàn không giống nhau. Vào thời xưa, tuy rằng việc giáo dục không có sự phổ cập như hiện đại, nhưng trong thực tế thì hiệu quả của nền giáo dục thời gần đây kém xa so với ngày ấy. Thời xưa, gia đình có giáo dục, cha mẹ, những người lớn nói chung đều có một khái niệm về giáo dục, đều tự mình nêu gương tốt cho con em, cho những người trẻ tuổi noi theo. Mọi người đều có khái niệm giáo dục như thế.
Về cơ hội giáo dục thì đặc biệt là những người lãnh đạo đất nước ở mọi cấp bậc đều tôn trọng, hết sức đề cao, biểu hiện trong các ngành kịch nghệ, ca múa, âm nhạc, mỹ thuật, mỗi một phương diện đều hàm chứa ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc. Quan điểm “ngụ giáo ư nhạc” (đưa giáo dục vào trong âm nhạc) [cho rằng] âm nhạc không chỉ có mục đích giúp vui, mà trong chỗ vui thích còn phải đạt được mục đích giáo dục.
Xã hội hiện đại không giống như vậy, đề cao dân chủ, tự do, khoa học kỹ thuật, còn nền giáo dục của thánh hiền xưa thì hoàn toàn vất bỏ, do đó mới hình thành nguy cơ trong xã hội.
Chúng ta đều biết, chỗ khác biệt căn bản giữa nền giáo dục Đông phương với nền giáo dục Tây phương là Đông phương chú trọng nơi đạo nghĩa, còn Tây phương chú trọng vào lợi ích công việc. Xã hội của chúng ta hiện nay vất bỏ đạo nghĩa, bắt chước theo người phương Tây, người người đều đua nhau tham công cầu lợi. Mọi người trong xã hội hiện nay đều có chung một quan niệm cạnh tranh, không cạnh tranh thì không có cách gì sống được. Kết quả cuối cùng của cạnh tranh là gì? Là toàn thế giới này cùng đi đến chỗ chấm dứt. Tranh nhau đến rốt cùng thì đánh nhau. Chiến tranh hạt nhân phát sinh như thế nào? Đó là kết quả cuối cùng của sự cạnh tranh.
So với tư tưởng đạo nghĩa của Đông phương thật khác biệt. Tư tưởng đạo nghĩa là đôi bên giữ lễ, nhường nhịn lẫn nhau, làm gì có chuyện cạnh tranh? Các bậc hiền thánh xưa của Trung quốc trong mấy ngàn năm chỉ dạy người nhẫn nhục, giữ lễ, nhường nhịn lẫn nhau, xưa nay chưa từng nghe nói đến chữ “tranh”. Chỉ một chữ tranh đó là xong hết cả rồi! Đây là chỗ khác biệt cơ bản giữa nền giáo dục Đông phương với Tây phương, chúng ta phải nhận thức thật rõ ràng.
Nhân nghĩa đạo đức có thể gìn giữ xã hội được an trị dài lâu. Tham công cầu lợi chỉ là chuyện lợi ích nhất thời, về sau không được gì nữa. Nhất định phải nhận hiểu việc này rõ ràng. Cho nên, mười hai câu ở phần này nêu ra đủ mọi loại hành vi xấu ác mà trong xã hội hiện nay khắp nơi người bình thường trong xã hội đều phạm vào.
“Nhập khinh vi trọng” (Tội nhẹ xem nặng) là ý nghĩa gì? Phần chú giải rất hay: “Kinh Thư nói rằng: ‘Tội nghi duy khinh.’” (Có tội chỉ nên nghĩ là nhẹ.) Một người mắc phải sai lầm, đã phạm tội rồi, chúng ta nên có suy nghĩ thế nào [về họ]? Không nên nghĩ rằng người ấy đã phạm tội quá nặng, tội thuộc loại không thể tha thứ. Người nghĩ như thế là trong lòng hoàn toàn không có chút từ bi nào, chúng ta thường nói là bụng dạ độc ác, không phải người nhân từ. Người nhân từ, thấy kẻ phạm tội rất nặng cũng phải nghĩ rằng lỗi lầm ấy không quá nghiêm trọng, mọi mặt đều thường nghĩ đến chỗ nhẹ tội. Vị quan tòa nhân từ khi phán xử một vụ án, về mọi mặt đều hy vọng có thể xử trắng án cho tội nhân, không phải thấy người phạm tội rồi tội nhẹ phán thành tội nặng.
Thế nhưng hiện nay chúng ta những người bình thường đối đãi với nhau, bản thân phạm lỗi nặng nề thì tự mình có thể khoan thứ cho mình, người khác có chút lỗi lầm nhỏ nhặt thì muốn đem lỗi ấy làm cho nặng hơn nhiều lần. Vì sao lại có tâm lý ấy? Vì sao lại có hiện tượng ấy? Nguyên nhân căn bản, nói thật ra là do vất bỏ đi truyền thống văn hóa giáo dục của chính mình, nhận chịu ảnh hưởng của người nước ngoài. Người nước ngoài, như những năm đầu tiên tôi vừa đến Mỹ, có một vị đồng tu nói với tôi, chính phủ Mỹ, cơ quan hải quan Mỹ, đối với bất cứ người nào cũng đều hoài nghi, cho rằng quý vị là tội phạm, rằng quý vị là người có hành vi không đúng đắn. Quý vị phải dùng đủ mọi phương pháp để chứng minh rằng quý vị không hề phạm tội, chứng minh rằng quý vị là người tốt. Bởi vì họ quan niệm rằng quý vị không phải người tốt, cho nên quý vị phải đưa ra đủ mọi chứng cứ để chứng minh rằng quý vị là người tốt, chứng minh rằng quý vị không hề phạm tội.
Điều này so với người Trung quốc rất khác biệt. Người Trung quốc xem bất kỳ người nào cũng đều là người tốt, họ xem bất kỳ người nào cũng đều là người xấu. Cho nên, con người sinh ra ở thế gian này, sinh ra trong xã hội này, còn có ý nghĩa gì? Bởi vậy, chúng ta nghĩ đến chỗ này, thấy được chân tướng sự thật này, chúng ta không thể không tôn kính chư Phật, Bồ Tát.
Chư Phật, Bồ Tát trong xã hội như thế này vẫn hiện thân, vẫn một lòng từ bi cứu giúp bảo bọc. Chư Phật, Bồ Tát đem lòng thuần thiện, không chút ác ý, giúp đỡ hỗ trợ mọi người. Mọi người đối với chư Phật, Bồ Tát lại đem lòng xấu ác hủy báng, hãm hại, nhiễu loạn, hết lần này đến lần khác, cứ vậy không ngừng. Chư Phật, Bồ Tát nếu có thái độ như chúng ta [hẳn phải nghĩ]: “Xong rồi, đi thôi! Việc gì phải ở đây lâu?” Nhưng chư Phật, Bồ Tát không phải như vậy. Dù hủy nhục các ngài thế nào đi chăng nữa, các ngài vẫn nhận chịu. Đem thiện tâm, thiện ý, thiện hạnh giáo hóa hết thảy chúng sinh, lại phải chịu sự hủy nhục của chúng sinh. Chúng ta đối với chư Phật Bồ Tát như vậy không thể không tôn kính, không thể không ngợi khen xưng tán.
Đích thực như trong kinh Phật có dạy, các ngài không phải phàm phu, chỗ thấy biết không giống như phàm phu. Đó là điều chúng ta phải học tập, chúng ta phải noi theo. Trong kinh Vô Lượng Thọ nói rất hay, Phật dạy rằng hết thảy chúng sinh “tiên nhân bất thiện” (người trước không tốt). Người trước là thế hệ trước đó, là cha mẹ, là ông bà, là các vị trưởng bối, là thầy dạy. [Những người ấy] không biết đến đạo đức, đều bị văn minh Tây phương mê hoặc, bị chủ nghĩa vị lợi mê hoặc, bị hình thái ý thức tham công cầu lợi mê hoặc trong lòng, nên khởi tâm động niệm đều chỉ toàn tự tư tự lợi, mưu cầu lợi riêng.
Trung quốc từ xưa nay, quý vị xem lại hết những sách vở xưa, không hề có ba chữ “quyền riêng tư”. Tư Mã Quang nói với mọi người rằng, một đời ông “không có chuyện gì không thể nói với mọi người”. Đó là trong sáng, là công khai, không có bất kỳ chuyện gì không thể nói với người khác, là quang minh chính đại.
Pháp luật của người nước ngoài có “quyền riêng tư”, đó là chỗ bất đồng, chỗ khác biệt về văn hóa. Một người suốt đời chuyện gì cũng phải che giấu người khác, tất cả đều không cho người khác biết, quý vị nói xem, trong lòng phiền muộn đau khổ biết bao! Sống như vậy thật rất đáng thương. Không dám nói với người khác, không thể nói cùng người khác, đương nhiên là chuyện không tốt. Chuyện tốt thì có lý nào lại không thể cho người khác biết? Hết thảy đều là những chuyện xấu hổ, ám muội. Cho nên, chúng ta phải quan sát kỹ lưỡng, phải khéo léo học Phật.
Tối hôm qua tôi với pháp sư của Niệm Phật Đường, cùng nhóm người hộ pháp tụ họp, nhân tiện cùng nhau bàn luận về việc niệm Phật như thế nào? Niệm Phật cũng không được vì bản thân mình. Niệm Phật Đường của chúng ta thiết lập, dẫn dắt đại chúng tại đây huân tu, là vì hết thảy chúng sinh đang chịu khổ nạn.
Niệm Phật phải có cảm ứng. Cảm ứng là từ nơi tâm chân thành mà có. Miệng niệm mà tâm không thành, sao có được cảm ứng? Miệng niệm danh hiệu Phật, trong lòng phải nghĩ tưởng đến Phật. Bồ Tát Đại Thế Chí dạy chúng ta: “Nhớ Phật niệm Phật, hiện tại hoặc tương lai nhất định gặp Phật.” Nhớ Phật, nghĩa là trong lòng nghĩ tưởng đến, trong lòng thường có Phật, công phu niệm Phật mới có hiệu quả. Cho nên, niệm Phật nhất định phải nghe kinh, nhất định phải hiểu rõ ràng ý nghĩa. Ý niệm mưu cầu lợi riêng không buông bỏ thì dù niệm Phật hiệu rất nhiều lần cũng không thể vãng sinh.
Tối hôm qua tôi gặp Lý Hội trưởng, ông bảo tôi hồi cuối tháng trước ông có dẫn một đoàn đi Trung quốc đại lục hành hương, thăm viếng. Đoàn có hơn trăm người, đều là những người niệm Phật, đều tu tập niệm Phật khá tốt. Kết quả trên đường hành hương, ông thấy các đồng tu này thảy đều có lòng mưu cầu lợi riêng. Ông nói, lúc ăn cơm nơi bàn tròn, có người lựa chọn chỗ ngồi. Hội trưởng hỏi: “Vì sao ông phải ngồi ở chỗ đó.”
Người kia đáp: “Ngồi chỗ này an toàn.”
Ông hỏi: “An toàn thế nào?”
Người kia đáp: “Bên ấy có người bưng thức ăn, canh rau dọn lên, nếu không chú ý sẽ bị vấy bẩn quần áo. Ngồi bên này không bị như vậy. Hội trưởng, ông cũng nên sang bên này ngồi.”
Hội trưởng nói: “Ông quyết định không thể vãng sinh.”
Vì sao vậy? Từ chuyện này mà xét, đó là tự tư tự lợi, mưu cầu lợi riêng. Bồ Tát phải đem chỗ tốt đẹp nhường cho người khác, khổ nạn tự mình nhận lấy. Người như thế quyết định sẽ được vãng sinh. [Ngược lại,] việc gì cũng muốn chiếm lấy chút thuận lợi nhỏ nhặt, người như vậy dù niệm Phật rất nhiều, Lý Hội trưởng nói: “Khẳng định ông không được vãng sinh.”
Tôi thường giảng, khởi tâm động niệm đều vì bản thân mình, đó là phàm phu; khởi tâm động niệm thảy đều vì người khác, đó là Bồ Tát. Mê ngộ cũng từ chỗ này mà xét.
Bước lên xe buýt, vừa lên trước liền chiếm ngay chỗ ngồi tốt, từ chỗ đó mà xét, người này hoàn toàn không biết quan tâm đến những người già yếu lớn tuổi. Quý vị xem như Lý cư sĩ, ông lúc nào cũng đi sau mọi người, ông không chen lên trước người. Cái ông đạt được là quảng đại quần chúng đối với ông đều tôn kính, vì việc gì ông cũng vì người khác. Mọi việc đều nghĩ đến bản thân mình, chiếm được địa vị có lợi, xô đẩy người khác xuống, không sai, quý vị quả thật có thể được chút lợi ích nhất thời, nhưng rồi quý vị đi vào sống trong luân hồi, đi vào sống trong ba đường ác.
Trong một đời này, nếu có thể mọi chuyện đều nhường nhịn người khác, mọi chuyện đều chấp nhận ở sau người khác, trước mắt thấy dường như thiệt thòi, tương lai quyết định được sinh về cõi Phật. Chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa này, phải hiểu rõ sự thật này, phải thường bao dung tha thứ lỗi lầm của hết thảy mọi người, không nên chê trách người khác không hoàn thiện.
Nói thật ra, chúng ta không có tư cách chê trách người khác không hoàn thiện. Vì sao vậy? Vì bản thân chúng ta cũng có lỗi lầm. Bản thân mình không có lỗi lầm thì mới có thể chê trách người khác không hoàn thiện. Ai là người không có lỗi lầm? Chư Phật không có lỗi lầm. Cho nên, Bồ Tát gặp người khác lúc nào cũng khiêm tốn nhún nhường. Vì sao vậy? Bồ Tát Đẳng giác cũng vẫn còn một phẩm vô minh sinh tướng chưa phá trừ, các ngài vẫn giữ tâm tàm quý. Chỉ khi đạt đến quả vị Như Lai mới hoàn toàn không còn lỗi lầm. Cho nên, chư Phật Như Lai quở trách người đều là hết sức từ bi. Chúng ta học Phật phải từ chỗ này mà học.
Câu cuối cùng là: “Kiến sát gia nộ.” (Thấy [người đã bị] giết còn thêm giận dữ.) Đó là nói người phạm tội đã bị kết án tử hình, vào lúc thi hành án tử hình không khởi tâm thương xót đối với họ, ngược lại còn khởi tâm sân hận. Tâm như vậy là không tốt. Thời xưa, những người chấp pháp, khi đến nơi thi hành việc chém tử tù, thảy đều rơi nước mắt. Tuy người ấy có tội đáng chết, nhưng nói chung vẫn không thể nhẫn tâm nhìn người chịu chết. Đặc biệt đối với những người vô tội, oan uổng, càng phải khiến người ta đau lòng hơn, tìm trăm phương ngàn kế cứu giúp, sao có thể còn thêm giận dữ? Còn khởi tâm sân hận? Tâm địa như vậy thật hết sức tàn khốc, quả báo chúng ta có thể nghĩ tưởng biết được.
Cho nên, thấy người gặp nạn nên có lòng thương xót, nên có lòng đồng cảm, nên sinh lòng cứu giúp, đó là lòng nhân từ. Tham, sân, si là tâm đi vào ba đường ác. Tâm Bồ Tát hết sức nhân từ. Tâm Phật chân thành, bình đẳng. Chúng ta phải nhận biết rõ ràng, phải biết học tập như thế nào.
Đoạn văn này tôi giới thiệu đến đây, đoạn tiếp theo bên dưới nói về những việc ác của người bình dân phạm vào. Tốt rồi, hôm nay giảng đến đây thôi.