(Giảng ngày 30 tháng 1 năm 2000 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 152, số hồ sơ: 19-012-0152)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời xem đến đoạn thứ 86 trong Cảm ứng thiên. Đoạn này chỉ có hai câu: “Cưỡng thủ cưỡng cầu. Háo xâm háo đoạt.” (Cưỡng ép giành lấy. Tham muốn xâm đoạt.) Trong phần chú giải, hai đoạn đầu tiên rất quan trọng thiết yếu, rất có ý nghĩa.
Thế nào gọi là “cưỡng ép giành lấy”? “Phần mình không đáng có nhưng lại quyết lòng muốn có, đó gọi là cưỡng ép.” “Phần mình” là nói phần vốn có, phần của riêng mình. Phần riêng của quý vị không đáng có được. Phạm vi điều này hết sức rộng lớn, bao quát hết thảy những danh văn lợi dưỡng, năm món dục trong sáu trần cảnh. Quý vị không đáng được giàu có, quý vị nhất định vẫn phải đạt được. Quý vị không đáng được địa vị, quý vị vẫn nhất định chiếm đoạt cho bằng được. Những điều ấy đều gọi là cưỡng ép, đều thuộc về phạm vi của lỗi này.
Như thế có phù hợp với nhân quả hay không? Nhất định là không. Nếu quả thật vận mạng [nhân quả] vốn không hề có mà ta cứ nhất định phải đạt được, ví như thực sự đạt được thì định luật nhân quả phải bị thay đổi mất rồi. Không chỉ riêng Phật pháp dạy chúng ta, mà các bậc hiền thánh thế gian cũng như xuất thế gian, các vị thần thánh trong hết thảy các tôn giáo, không một vị nào không xiển dương chân lý về nhân quả.
Nói cách khác, phần riêng của quý vị không đáng có được, hiện tại quý vị lại miễn cưỡng, nhất định phải đạt được. Ví như quý vị thực sự đạt được, thì đó vẫn là do trong vận mạng [nhân quả] đã sẵn có. Nói khác đi, tuy nói “phần mình không đáng có”, nhưng đó là hiện ngay lúc này. Nói cách khác, chẳng hạn như về chuyện giàu sang, sự giàu sang đã sẵn có trong vận mạng [nhân quả], không phải do trong hiện tại mà quý vị có thể đạt được. Đó là nói nhân duyên thời tiết còn chưa thành thục, quý vị lại ngày ngày cố sức tranh giành, [cuối cùng] quý vị đạt được. Sự giàu sang mà quý vị đạt được, có khả năng là mười năm sau, hai mươi năm sau, ba mươi năm sau rồi quý vị sẽ đạt được. Trong hiện tại, bất quá chỉ là quý vị đang cố truy cầu sớm hơn mà thôi, vẫn là trong vận mạng [nhân quả] đã sẵn có.
Trong thế gian này từ xưa đến nay, ở khắp mọi nơi, những kẻ cưỡng cầu như thế rất nhiều, rất nhiều. Nếu như trăm người cưỡng cầu như thế, cả trăm người đều đạt được, thì việc này dường như cũng có ý nghĩa. Thế nhưng trong trăm người cưỡng cầu, thực sự đạt được chỉ một, hai người mà thôi. Có thể thấy rằng việc này không hề chân thật.
Chúng ta từ chỗ này hết sức tỉnh táo quan sát, trong sách Liễu Phàm tứ huấn giảng giải với ta hết sức rõ ràng, đối với ý nghĩa nhân quả, đối với chân tướng sự thật nhân quả báo ứng đều nói rất thấu triệt, nêu lên rất nhiều trường hợp ví dụ điển hình, chúng ta cần phải tham khảo thấu đáo, sau đó thì ý niệm mong cầu sẽ tự nhiên dứt bỏ không còn nữa. Đó là ý nghĩa của sự cưỡng ép, miễn cưỡng mong cầu.
Phần dưới lại nói: “Người khác cho mình gọi là thủ, mình cầu xin nơi người khác để có gọi là cầu.” Người khác cúng dường, biếu tặng, [mình nhận lấy] đó là thủ. Mình cầu xin người khác để có được, đó là cầu. Cả hai việc này đều không nên cưỡng ép. Phật pháp dạy chúng ta phải tùy theo duyên phần, như vậy mới thực sự là người hiểu rõ lý lẽ.
Lại nói: “Dùng mưu ma chước quỷ lén lút lấy của người khác gọi là xâm, dùng thế lực công khai cướp lấy gọi là đoạt. Bằng những cách như vậy mà có được rồi, tự mình cũng rất khó mà được hưởng, lại chỉ khiến cho những thứ vốn có của mình bị mất đi mà thôi.” Câu này nói hoàn toàn đúng thật không sai. Quý vị dùng âm mưu quỷ quyệt dối trá, lường gạt mà chiếm được, đó gọi là “xâm”, xâm phạm, chiếm lấy của người khác. Dùng thế lực, quyền lực của quý vị, dựa vào địa vị của quý vị để công khai cưỡng chiếm không chút e dè, [gọi là đoạt].
Chuyện như vậy từ xưa đến nay, ở khắp mọi nơi, đặc biệt là trong xã hội hiện đại, hầu như đã phổ biến thành thói tật thông thường. Có thể cưỡng ép giành lấy, có thể lừa gạt chiếm lấy của người khác, chiếm đoạt của người khác, xã hội lại tôn xưng là bậc anh hùng hảo hán, mọi người đều thán phục vì người ấy làm được, có cách để làm được. Không hề nghĩ đến việc quý vị chiếm đoạt được đó chỉ là nhất thời, quý vị có thể hưởng thụ được bao nhiêu ngày? Họa hoạn sẽ theo liền sau. Chúng ta chỉ thấy được tai họa theo sau đó là khi quý vị phạm tội, quý vị sẽ bị [pháp luật] phán xử. Trong Phật pháp nói rằng đó chỉ là hiện báo, sau đó vẫn còn có quả báo. Trong Phật pháp cũng gọi hiện báo là hoa báo, tỷ dụ giống như cây ra hoa. Ra hoa rồi sau đó kết quả, đó là quả báo. Những người như thế khi chịu hoa báo, chúng ta nhìn thấy đã hết sức không tốt, thế nhưng người đời vẫn không biết cảnh giác lo sợ, quả báo [về sau] đều là phải đi vào ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nói thật ra, con người do mê hoặc điên đảo nên mới không biết rằng nhân quả rất đáng sợ.
Tiếp theo phần này nêu ra nhiều câu chuyện minh họa, một số người trong chúng ta gọi là chuyện xưa. Câu đầu tiên là: “Trịnh Tuyên nói: Ta thấy tiền bạc là thứ mọi người đều ưa thích, người đời ắt phải tranh giành nhau.” Thật là họa hoạn vô cùng! Điều này không cần phải có học vấn thật cao thâm, cũng không cần phải có kiến thức rất sâu rộng, chỉ cần chúng ta tỉnh táo quan sát thì đều thấy rõ ngay trước mắt.
Người Trung quốc chế tác chữ viết, người xưa tạo thành văn tự đều hàm chứa trí tuệ cao siêu. Quý vị xem như chữ tiền (錢), đây là loại chữ hội ý. Trong “lục thư” (sáu phép chế tác chữ viết) thì chữ này thuộc loại chữ hội ý. Quý vị xem kỹ, chữ này có ý nghĩa gì? Một bên là chữ kim (金), là kim tiền, tiền vàng, một bên là chữ qua (戈), qua là ngọn giáo, là một loại vũ khí. Không phải một ngọn giáo, mà là hai ngọn giáo tranh nhau. Như vậy thành chữ tiền (錢). Nói cách khác, hàm ý trong chữ tiền là vì tiền bạc giàu có mà phải đấu tranh. Quý vị nói xem, những điều như thế đáng sợ biết bao.
Cho nên, người xưa tạo thành chữ như thế là để chúng ta nhìn vào hiểu được, phải nhanh chóng xa lìa, tránh né, đó là tai họa. Không phải là điều tốt đẹp gì. Một số đồng tu trong cửa Phật chúng ta, cũng có những người tuy đã học Phật vẫn còn chưa buông bỏ danh lợi, anh em, chị em vẫn còn vì tài sản mà tranh nhau ra trước tòa, thân thích không cần biết đến, chỉ biết có tiền. Trong thực tế, những người ấy không hề thực sự nhận hiểu được về tiền bạc. Nếu họ thực sự nhận hiểu được, họ sẽ không còn tranh giành nhau, họ sẽ buông bỏ, bởi vì nghĩ đến những điều ấy mới thấy thật đáng sợ.
Tổ tông người Trung quốc từ thời cổ đại thật có trí tuệ, có học vấn, lưu truyền lại cho con cháu đời sau tài sản chân thật là trí tuệ, là kinh nghiệm, là sự dạy bảo, biểu hiện qua các ký hiệu trong chữ viết, để quý vị nhìn vào có thể giác ngộ, có thể nhận hiểu, rồi quý vị có thể hiểu được phải sống như thế nào, phải xử sự, đối đãi với người, tiếp xúc muôn vật như thế nào mới có thể đạt được hạnh phúc chân thật.
Đại sư Ấn Quang quan sát thấy người đời hiện nay khuyết thiếu trí tuệ. Trí tuệ ấy bày ra trước mắt trong ký hiệu chữ viết mà họ vẫn không nhận được ý tứ, cho nên vẫn cứ mê hoặc điên đảo như cũ. Suy nghĩ sai lầm, làm việc sai lầm, kết quả là bất thiện, kết quả là bi ai. Cho nên Đại sư cực lực đề xướng việc giáo dục nhân quả. Ngài dùng ba bộ sách Liễu Phàm tứ huấn, Cảm ứng thiên và An Sĩ toàn thư làm giáo trình dạy dỗ, dẫn dắt người mới học.
Liễu Phàm tứ huấn dạy chúng ta nhận biết ý nghĩa nhân quả cũng như sự thật chân tướng. Cảm ứng thiên giúp chúng ta phân biệt đúng sai, tà chánh, giúp ta có được một tiêu chuẩn noi theo để dứt ác tu thiện, trước hết dạy ta đứng vững được trong hai cõi trời người, không đến nỗi bị đọa vào trong ba đường ác. Đó là những lời răn dạy chân thật từ bi của chư Phật, Bồ Tát đối với hết thảy chúng sinh. Sau đó mới tiến thêm một bước, giúp đỡ hỗ trợ chúng ta phá mê khai ngộ, [thông qua bộ sách] An Sĩ toàn thư. Người thế gian mê đắm trong sự giết hại, tham dâm háo sắc, lòng tham muốn miếng ăn ngon không thể khắc phục, tham ăn máu thịt chúng sinh, chiêu cảm [quả báo là] đao binh kiếp ở thế gian, chúng ta ngày nay gọi là chiến tranh, nhân họa. [Những điều này] do đâu mà có? Là do việc ăn thịt chúng sinh mà có. Cho nên đức Phật khuyên người đời không ăn thịt chúng sinh.
Nếu như quý vị cho rằng không ăn thịt làm cơ thể con người không đủ dinh dưỡng, thì ngày hôm qua quý vị đã gặp nữ cư sĩ Hứa Triết, bà ấy vừa quy y ngày hôm qua. Bà ấy đã một trăm lẻ một tuổi, suốt đời ăn chay. Từ thời trung niên đến nay bà sống ngày càng đơn giản hơn. Hôm qua chúng tôi được nghe chính bà nói ra, mỗi ngày bà chỉ ăn một bữa, toàn là ăn rau sống. Rau sống đem luộc luộc, xào xào chẳng tốt sao? Chỉ là phiền phức lắm, lãng phí rất nhiều thời gian. Cho nên, đời sống càng đơn giản càng tốt.
Ngày xưa tôi sống với Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Lý lão cư sĩ hơn ba mươi tuổi mới bắt đầu học Phật. Thầy học Phật không lâu thì ăn chay, hơn nữa cũng ăn mỗi ngày một bữa. Thầy so với nữ cư sĩ họ Hứa không giống nhau, thầy không ăn rau sống mà ăn rau luộc chín. Thầy sống hết sức đơn giản, có một cái nồi mang theo. Một cái nồi, một cái bát thôi, vì sao vậy? Để giảm bớt phiền toái, khi cần rửa, rửa qua một lần là xong, nồi, bát đều sạch sẽ. Thầy là người Sơn Đông, rất thích ăn mỳ, cho nên đặt rau xanh bên dưới lớp mỳ, làm bữa cơm chỉ mất mười phút là xong, không lãng phí thời gian.
Khi tôi ở Đài Trung nhìn thấy nếp sống của thầy, tôi liền học theo được. Tôi ở Đài Trung mười năm, trong đó có năm năm tôi học theo nếp sống của Lý Lão sư, chỉ ăn mỗi ngày một bữa. Tôi cũng mua một cái nồi nhỏ mang theo. Tôi nấu một bữa cơm mất bao nhiêu thời gian? Trong khoảng năm phút thì nhóm lửa đun nước xong. Chúng tôi đều rất thích ăn món mỳ, Trung quốc đại lục gọi là mỳ lọn, Đài Loan gọi là mỳ sợi, rất nhỏ, giàu dinh dưỡng. Đợi nước sôi qua một lượt, sau đó thì tắt lửa. Rau không cần phải cắt, chỉ ngắt khúc rồi cho vào nồi. Đậy kín nắp vung lại, trong vòng năm phút vẫn còn đủ nóng để hầm chín, cho nên dùng rất ít chất đốt. Nấu một bữa cơm chỉ trong mười phút là xong.
Chúng ta thấy vị nữ cư sĩ Hứa Triết này, so với chúng tôi bà ấy còn đơn giản hơn nữa. Bà chỉ hoàn toàn ăn rau sống. Chúng tôi quan sát kỹ, trong nhà bà ấy có nhà bếp hay không? Có, trong nhà bếp hết sức gọn gàng sạch sẽ, không chút bụi bặm. Qua đó có thể biết đại khái là nhà bếp của bà chỉ dùng nấu nước thôi. Bà sống đến một trăm lẻ một tuổi, thân thể giống như người còn trẻ tuổi. Cho nên khi giới thiệu với người khác, bà ấy nói “tôi là người trẻ trung đã một trăm lẻ một tuổi”. Hôm qua có thỉnh bà ấy biểu diễn thế ngồi, quý vị thấy ngồi xếp bằng xuống động tác rất nhanh, tư thế ngồi rất đúng chuẩn mực. Vì trên giảng đường không được thuận tiện nên đã không yêu cầu bà ấy biểu diễn nhào lộn cho mọi người xem.
Quý vị xem, bà ấy tai mắt còn tỏ tường, khi đọc báo, xem cả những chữ nhỏ cũng không cần mang kính mắt. Bà rất thích đọc sách, thường thường đọc sách đến vài ba giờ, quên cả giờ ngủ. Bà ngủ rất ít. Khối lượng công việc bà làm không thua kém bất kỳ một người trẻ tuổi nào, mỗi ngày vẫn còn bôn ba đi đến đó đây, quan tâm chăm sóc bệnh nhân, những người nghèo khổ, giúp đỡ hỗ trợ họ. Người ta muốn gặp bà đều phải hẹn trước. Không hẹn trước thời gian thì không thể biết được bà đi lo công việc ở nơi nào.
Do đó có thể biết rằng, chúng ta bình thường nói khỏe mạnh nhờ các vitamin, đối với bà ấy điều này hoàn toàn không đúng. Bà không có khái niệm như vậy. Bà mỗi ngày ăn rau sống, các thứ dầu, muối, tương, giấm đều không có, bà không dùng đến, đường cũng không ăn, suốt mấy mươi năm đều đặn như vậy. Người thường chúng ta thân thể thiếu thốn món này, món kia liền sinh bệnh tật. Bà ấy món gì cũng không cần đến, vậy mà thân thể khỏe mạnh vô cùng. Chúng ta nếu không ăn muối, không ăn dầu, ngay lập tức sẽ phát sinh bất ổn. Bà ấy có thể không cần thiết đến [những thứ ấy], như vậy là ý nghĩa gì?
Trong Phật pháp có căn cứ giải thích, đó là “tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”. Trong tâm quý vị suy nghĩ: “Mình không ăn muối, chỉ sợ là thân thể sẽ yếu ớt.” Vậy là thân thể sẽ yếu ớt, không chịu được. Từ tâm tưởng sinh, tâm địa bà ấy thanh tịnh, không nghĩ tưởng bất cứ điều gì, cho nên thân thể bà hoàn toàn quay lại [hòa hợp] với môi trường tự nhiên.
Chúng ta không ăn dầu, không ăn muối, không ăn đường, dưỡng chất cho cơ thể thiếu đi rất nhiều, vậy là có bệnh, thân thể không khỏe mạnh. Quý vị quan sát kỹ trâu, bò, dê, ngày ngày ăn cỏ xanh, chúng nào có ăn dầu? Chúng cũng không ăn đường, cũng không ăn muối, nhưng thân thể chúng hết sức khỏe mạnh.
Từ chỗ đó chứng minh được lời dạy của Phật: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh” đích thực là chính xác. Chúng ta từ sáng đến tối nghĩ ngợi lung tung, cho nên làm hư hoại đi thân thể này. Thời gian suy tưởng đã quá lâu, tập thành thói quen, biến thành tập khí, chỉ cần thiếu thốn một chút thôi, thân thể này một khi xem lại liền phát sinh bệnh.
Thế nhưng vẫn có thể quay đầu hướng thiện, chỉ cần quý vị có quyết tâm, dần dần thay đổi tập quán, nếp sống của bản thân mình, sửa đổi sự nhận biết sai lầm của mình, khôi phục lại đến mức như tự nhiên, thân thể liền tự nhiên được khỏe mạnh, sống lâu.
Cho nên, tôi nhìn thấy bà ấy rồi thì đối với ý nghĩa nhà Phật nói về hai chữ “phú quý” liền hiểu rõ, thâm nhập sâu hơn, thấu triệt hơn. Rất nhiều người đối với hai chữ “phú quý” nhận hiểu không rõ ràng, nhận hiểu theo nghĩa hẹp hòi, cho nên khi nói đến ý nghĩa phú quý trong nhà Phật thì mọi người đều lắc đầu. Thế nhưng hiện nay nói đến sự phú quý trong nhà Phật, mọi người vẫn có thể tin nhận. Vì sao vậy? Người xuất gia tất cả đều giàu có, sống trong phòng ốc cung điện so với người bình thường tốt đẹp hơn nhiều.
Thế nhưng vào thời của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, sự phú quý ấy từ đâu mà có? Đó là ba tấm y, một bình bát, mỗi ngày ăn một bữa, dưới một gốc cây chỉ ngủ một đêm, ngày ngày đều ôm bát đi khất thực. Sự phú quý như vậy, chúng ta phải nói thế nào? Nhìn vào nữ cư sĩ Hứa Triết thì chúng ta liền hiểu rõ. “Phú” nghĩa là vật chất trong đời sống của quý vị không bị thiếu thốn. Mỗi ngày ăn một bữa là đủ, không thiếu thốn thì đó là giàu có, nên giàu có chính là biết đủ. “Quý” nghĩa là được mọi người trong xã hội tôn kính, không nhất định phải có địa vị, không nhất định phải có quyền thế. Mọi người đều tôn trọng quý vị, đó là quý. Không chỉ là đại chúng tôn kính, cho đến ngàn năm muôn đời, chỉ cần nhắc đến cá nhân quý vị thì người người đều tôn kính. Đó là thực sự phú quý, các bậc đế vương cũng không sánh kịp, không cách gì so sánh được với quý vị. Đó là ý nghĩa lớn lao của nhân sinh vũ trụ, chúng ta phải tham cứu kỹ lưỡng, tinh tế, rõ ràng, phải thực sự nỗ lực học tập, hóa giải đi ý niệm đua đòi cạnh tranh, tham muốn dục vọng không chỉ là giảm xuống mà còn được chuyển hóa, không còn nữa.
Hôm qua gặp nữ cư sĩ Hứa Triết, [chúng ta thấy] dục vọng của bà ấy không còn nữa. Hôm qua chúng ta giảng bốn mươi tám nguyện, giảng đến “nguyện không tham kể thân này”, hết sức tương ứng phù hợp, là chấp ngã buông bỏ. Chấp ngã buông bỏ rồi, mức độ thấp nhất là chứng quả Tu-đà-hoàn. Tu-đà-hoàn là địa vị không thối chuyển, nhất định không còn thối lui trở lại địa vị phàm phu. Trong ba pháp bất thối, bà ấy đạt được Vị bất thối, địa vị không còn thối chuyển. Cho nên bà ấy tin tưởng là trời bảo vệ, giúp đỡ bà, bà có niềm tin như vậy. Chúng ta nếu có niềm tin, chư Phật, Bồ Tát sẽ bảo vệ, giúp đỡ chúng ta.
Nếu như sự chấp ngã của quý vị còn chưa buông bỏ, chư Phật, Bồ Tát dù muốn bảo vệ, giúp đỡ quý vị cũng không thể làm được. Vì sao vậy? Vì không tương ưng phù hợp. Phải tu tập phá trừ chấp ngã, cùng với chư Phật, Bồ Tát một đường tương thông, như vậy mới có thể có sự cảm ứng. Ý nghĩa này cần phải hiểu rõ.
Thân thể này là gì? Hôm qua tôi đã giảng rất rõ ràng, thân này là công cụ, không phải ngã, chỉ là một công cụ để chúng ta vì hết thảy chúng sinh phụng sự, phải xem nó là công cụ, không được xem đó là tự ngã. Vậy ngã là gì? Hư không pháp giới là ngã, hết thảy chúng sinh là ngã, ta dùng công cụ [thân này] để thành tựu ngã, để phụng sự ngã, như vậy mới được.