(Giảng ngày 4 tháng 11 năm 1999 tại Hương Cảng, file thứ 123, số hồ sơ: 19-012-0123)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Chúng ta đã giảng đến đoạn thứ 57 trong Cảm ứng thiên: “Tri quá bất cải. Tri thiện bất vi.” (Biết lỗi không sửa. Biết thiện không làm.)
Hai câu này ý tứ cực kỳ thâm sâu. Phần chú giải trong sách Vị biên cũng rất hay, đặc biệt là đoạn khai thị của thiền sư Thiên Như, rất đáng để chúng ta lưu tâm cảnh tỉnh. Tổng kết ý nghĩa của đoạn khai thị này là điều mà Bồ Tát Phổ Hiền đã dạy chúng ta: “Hằng thuận chúng sinh, tùy hỷ công đức.” (Thường tùy thuận chúng sinh, vui theo công đức [người khác].”
Người sống ở đời, mạng sống vô cùng ngắn ngủi, tạm bợ. Thế nhưng cơ hội [được làm người] là vô cùng quý báu. Trong thời gian sống ngắn ngủi tạm bợ này, nếu tu thiện sẽ được phước báo vô cùng, nếu tạo ác cũng phải lãnh chịu tai họa không cùng tận. Cho nên, chúng ta phải biết quý tiếc thời gian [được sống] ngắn ngủi tạm bợ này. Đây là then chốt cốt yếu trong việc quyết định những điều lành dữ, tốt xấu của đời sau, có quan hệ vô cùng lớn lao quan trọng.
Cho nên, chư Phật, Bồ Tát không một vị nào không ứng thân hóa hiện đến thế gian này, giúp đỡ hỗ trợ chúng sinh dứt ác tu thiện, giúp đỡ hỗ trợ chúng sinh phá mê khai ngộ. Chúng sinh [được giúp đỡ] có thể vĩnh viễn thoát khỏi biển khổ trầm luân, thành Phật thành thánh, nên đây cũng là một cơ duyên hết sức tốt đẹp. Nếu thực sự hiểu rõ được ý nghĩa lớn lao trong lời Phật dạy, một niệm quay đầu hướng thiện, liền tức khắc vượt thoát mười pháp giới. Vì thế, cơ duyên này thật rất đáng quý.
Phần cuối đoạn chú giải [trong sách Vị biên] dẫn một câu chuyện xưa. Đời nhà Chu, Tề Hoàn công đi qua vùng phế tích của nước Quách, trong lòng hết sức cảm thán, liền hỏi một cụ già nơi ấy: “Nước Quách vì sao đến nỗi diệt vong?”
Cụ già đáp: “[Vì vua nước Quách] ưa điều thiện mà ghét điều ác.”
Tề Hoàn công hỏi: “Ưa điều thiện, ghét điều ác, sao lại đến nỗi bại vong thế này?”
Cụ già giải thích: “Vì ưa điều thiện nhưng không làm được, ghét điều ác nhưng không trừ bỏ được.”
Hai câu này chúng ta phải ghi nhớ. Ưa thích điều thiện, đó là đã biết được điều thiện, tiếp đến phải thực hành điều thiện. Biết điều thiện, lẽ ra phải làm điều thiện, [nhưng vua nước Quách] không chịu làm, đó là sai lầm. Biết điều ác, lẽ ra phải sửa đổi điều ác, [nhưng vua nước Quách] không chịu sửa đổi. Do đó mà đất nước diệt vong.
Nhưng chỉ vậy thôi thì cũng không xem là chuyện lớn, vì chẳng qua chỉ là một đời. Nếu có trí tuệ Phật, đem cách nhìn của Phật mà xét việc này, vấn đề mới nghiêm trọng. Đánh mất đi một cơ duyên tốt đẹp, trong một đời tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp lớn nhỏ, [dẫn đến] tai họa, hoạn nạn không cùng tận, quý vị sẽ chiêu cảm những điều không vừa ý trong nhiều đời sau nữa.
Con người vì sao không chịu nhẫn nhịn trong nhất thời? Một đời này chỉ là nhất thời, thời gian mấy mươi năm có là bao, chớp mắt đã là quá khứ. Tôi có người bạn học, hơn nữa lúc đi học còn ngồi chung một bàn học, nay là hiệu trưởng ở Nam Kinh. Hồi ấy chưa đến hai mươi tuổi, ngày nay gặp lại cùng ngồi bên nhau đã qua hơn năm mươi năm rồi. Nhớ lại những việc ngày trước, cảm giác hệt như vừa mới hôm qua thôi. Quý vị nói xem, mạng sống này ngắn ngủi tạm bợ biết bao!
Phật dạy: “Thế gian vô thường, cõi nước này mong manh dễ mất.” Cụ già kia nói: “Ưa điều thiện mà ghét điều ác.” Đó đều là những danh ngôn chí lý, chúng ta phải luôn ghi nhớ trong lòng.
Chư Phật, Bồ Tát khác biệt với phàm phu ở chỗ nào? Khởi tâm động niệm đều vì bản thân mình, trong lòng tràn ngập tham sân si mạn, đó là phàm phu. Khởi tâm động niệm đều vì hết thảy chúng sinh, trong tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, đầy khắp hư không, phổ biến khắp pháp giới, người như vậy là Phật, là Bồ Tát.
Phàm phu với Phật chỉ [thay đổi] trong khoảng thời gian một ý niệm. Một niệm chuyển hóa thay đổi được, hành vi liền chuyển đổi theo. Hành vi của chư Phật, Bồ Tát, khi tôi giảng kinh vẫn thường nói, từng giây từng phút luôn nhắc nhở quý vị đồng tu, [đó là] khởi tâm động niệm, nói năng hành động luôn vì người đời nêu gương mẫu mực.
Những điều biểu hiện của chúng ta, có thiện, có ác, mọi người đều thấy rõ. Mọi người thấy là thiện thì ta phải duy trì, không để thiện hạnh đó mất đi. Mọi người thấy là xấu ác thì ta phải mau mau phản tỉnh, [xem lại] điều này có thực sự xấu ác hay không? Nếu quả là xấu ác, phải gấp rút, nhanh chóng sửa đổi. Nếu không thực sự là điều xấu ác thì hẳn là người làm việc ấy có dụng ý khác. Dụng ý đó, trước mắt mọi người nhìn vào rất giống như việc bất thiện, nhưng qua mấy năm rồi thì quý vị sẽ hiểu rõ đó vốn thật là điều thiện.
Mọi điều khởi tâm động niệm của chúng ta, nói năng hành động, phải dựa theo trí tuệ, không dựa theo tình thức. Giúp đỡ chúng sinh phá mê khai ngộ, quyết định không vướng nhiễm vào danh văn lợi dưỡng, quyết định không vướng nhiễm vào năm món dục trong sáu trần cảnh. Đem những lời răn dạy của Phật-đà, những lời răn dạy của thánh hiền, cẩn trọng thiết thực vận dụng vào thực tế để mọi người trong xã hội đều nhìn vào noi theo. Chúng ta giảng nói, người khác không dễ dàng nghe rồi làm theo, chúng ta phải tự mình làm [khuôn mẫu] cho họ nhìn vào noi theo.
Người đời tham cầu danh lợi, tham cầu tiền bạc của cải, chúng ta phải làm [điều đúng đắn] để họ nhìn vào noi theo. Tiền bạc của cải từ đâu mà có? Từ nơi nhân lành bố thí, bố thí càng nhiều càng có được nhiều hơn. Thông minh trí tuệ từ đâu mà có? Từ nơi nhân lành thí pháp mà có. Sẵn lòng giúp đỡ người khác, sẵn lòng giáo hóa người khác, trí tuệ sẽ ngày càng tăng trưởng. Khỏe mạnh, sống lâu do đâu mà được? Chúng ta phải tự mình làm để người khác nhìn vào noi theo.
Đức Phật giáo hóa chúng sinh cũng dùng phương pháp này. Trước tiên nói cho quý vị biết nên làm những gì. Tiếp theo là khuyên bảo, chỉ dạy cho quý vị, khuyến khích quý vị nên làm. Cuối cùng là tự thân ngài làm một sự chứng minh, quý vị nhìn vào cách làm của ngài liền hiểu được thấu đáo.
Nhu cầu vật chất của đời sống nói thật ra quá đơn giản. Mỗi ngày ba bữa cơm ăn vừa đủ no, y phục vừa đủ ấm, nhà cửa phòng ốc không cần rộng lớn, chỉ cần ngăn nắp sạch sẽ, bụi trần không vướng nhiễm, như vậy là thảnh thơi thanh thản. Đó là phước báo. Tiền bạc tài sản chỉ cần đủ dùng là đủ, đâu cần phải tích chứa nhiều. Phải biết mang ra bố thí, đem tiền bạc của cải cất giữ nơi phước báo của hết thảy chúng sinh thì vĩnh viễn không thể mất đi. Gửi vào ngân hàng, gửi vào những nơi khác đều không thể tin chắc được, một khi có tai nạn xảy ra liền mất sạch.
Trong kinh Phật dạy: “Tiền bạc tài sản có năm nhà cùng giữ.” Đó là dạy cho chúng ta biết rằng, tiền bạc tài sản thật chẳng phải của riêng mình. Năm nhà ấy, thứ nhất là nước lũ. Một khi có nạn lũ lụt, mọi thứ mà quý vị sở hữu đều sẽ chìm mất, trôi mất. Thứ hai là lửa cháy, hỏa hoạn cũng thiêu cháy hết tài sản. Thứ ba là quan quyền, vào thời xưa, một khi quý vị phạm pháp, phạm tội thì gia tài của quý vị bị tịch thu, bị sung công. Thứ tư là trộm cướp, chúng luôn rình rập trộm lấy, cướp lấy tài sản của quý vị. Thứ năm là con cái hư hỏng. Vậy có gì là của riêng mình đâu?
Tài sản quý báu của riêng mình, muốn học theo chư Phật, Bồ Tát thì phải bỏ vào đâu? Bỏ vào trong phước báo của hết thảy chúng sinh, cho nên Phật dạy chúng ta phải bố thí, cúng dường, phải tu phúc.
Ruộng phước có ba loại, cả ba loại này đều sinh phúc, sinh ra vô lượng vô biên phước báo. Thứ nhất là phụng dưỡng cha mẹ, đó là ruộng ơn đức. Cha mẹ đối với ta có ơn đức, phải biết hiếu dưỡng. Thứ hai là thầy dạy. Tam bảo là thầy dạy của ta, đối với thầy dạy phải cung kính, gọi là ruộng cung kính. Thứ ba là hết thảy chúng sinh đang khổ nạn, là ruộng bi mẫn. Cho nên, có tiền bạc của cải đem bố thí, cúng dường vào ba loại ruộng phước như vậy, thì phước báo của quý vị đời đời kiếp kiếp được thụ hưởng mãi mãi không hết. Đó là nơi cất giữ tiền bạc tài sản tốt nhất, không thể mất đi. Cho dù thế giới này có hủy diệt, phước báo của quý vị cũng không bị hủy diệt. Nếu tiền bạc tài sản của quý vị không được cất giữ ở ba nơi này, thì khi thế giới hủy diệt, tài sản của quý vị cũng theo đó bị hủy diệt, không phải là sở hữu của quý vị.
Cho nên, trí tuệ, phước báo của chư Phật, Bồ Tát vượt xa người phàm, không chỉ là trong hai cõi trời, người, cho đến phước báo của Thiên vương Đại Phạm, Thiên vương Ma-hê-thủ-la cũng không thể sánh được với chư Phật, Bồ Tát. Ý nghĩa này trong kinh điển đức Phật thường giảng, chúng ta phải tin nhận, chúng ta phải làm theo.
Đoạn này chúng ta giới thiệu đến đây thôi. Tiếp theo là đoạn thứ 58: “Tự tội dẫn tha. Ủng tắc phương thuật.” (Tự mình phạm tội làm liên lụy người khác. Che giấu, cản trở người khác sử dụng phương thuật.) Đây là lỗi lầm rất lớn. “Tự tội” là tự mình phạm tội, lại làm liên lụy đến người khác, đó gọi là lôi kéo người khác vào chuyện sai lầm. Tội này hết sức nghiêm trọng.
Trong phần tiểu chú nói: “Kỷ quá chung bất khả yểm, tha nhân chung bất khả vu.” (Tuyệt đối không thể che giấu lỗi mình, tuyệt đối không thể vu oan người khác.) Vu cáo hãm hại người khác là tội rất nặng. Tự mình có lỗi lầm, ví như quý vị có lừa dối tránh được sự chế tài của luật pháp thế gian, quý vị cũng không lừa dối được nhân quả, quý vị cũng không lừa dối được quỷ thần. Việc báo ứng của quỷ thần là có thật, trong xã hội hiện nay rất nhiều.
Vì thế, những lời răn dạy của thánh hiền, đặc biệt là những lời răn dạy của chư Phật, Bồ Tát, đều dạy chúng ta làm sao đạt được phước báo chân thật, đời sống được vui sướng, hạnh phúc mỹ mãn.
Thứ nhất, phải ứng xử tốt trong hoàn cảnh giao tiếp với người. Chư Phật, Bồ Tát, Nho gia, Đạo gia đều dạy người trước hết là luân lý đạo đức. Người với người cư xử với nhau phải đạt được sự hòa hợp vui vẻ.
Thứ hai, phải làm sao tạo mối quan hệ tốt đẹp với môi trường tự nhiên. Đó là môi trường vật chất, người hiểu rõ được không nhiều. Đối với môi trường nhỏ như căn phòng ta ở, bên trong có rất nhiều vật dụng, những thứ dùng trang trí, ta sắp xếp thật ngăn nắp ngay ngắn. Chúng ta ở trong phòng ấy, mắt nhìn tai nghe, tiếp xúc chung quanh sẽ có cảm giác hết sức thư thái, thoải mái. Người đời hiện nay đều biết rõ điều này. Nhưng đối với môi trường lớn chúng ta lại thờ ơ không quan tâm. Cho nên, hiện nay người ta nói rằng địa cầu đã sinh bệnh. Môi trường sinh thái của địa cầu bị phá hủy, người Trung quốc thì nói là phong thủy bị phá hủy.
Đài Loan có lần xảy ra đại địa chấn, tâm chấn ở vùng Trung Bộ, tại Bộ Lý (Puli). Cách đây năm mươi năm tôi từng ở Bộ Lý. Vùng đất này rất đẹp, là nơi có phong thủy tốt đẹp nhất Đài Loan. Vì là nơi đẹp nhất, nên mọi người đều cố sống cố chết kéo nhau đến đó, khiến cho cảnh quan tự nhiên hoàn toàn bị phá hoại. Mỗi người đều mưu cầu lợi riêng cho mình, không ai nhường nhịn ai, mạnh ai nấy làm, phải gặp nạn thôi. Tôi nghĩ, đạo tràng bên đó cũng gần như bị hủy hoại rồi.
Kinh Địa Tạng có nói đến thần đất. Quý vị đắc tội với thần đất, thần đất trừng phạt quý vị. Điều này là có thật, không phải mê tín. Cho nên, chúng ta phải ứng xử tốt với môi trường tự nhiên, phải yêu thương bảo vệ môi trường. Nơi có cây xanh, nếu không phải là chuyện bất đắc dĩ thì tuyệt đối không đốn cây. Nếu cần mở đường, ta có thể đi vòng một chút để tránh. Tôi có lập một đạo trường nhỏ ở Australia, muốn mở một con đường nhỏ trong đó. Họ bảo tôi nếu làm đường thì phải chặt cây. Tôi nói, thôi không cần làm đường, tuyệt đối không được chặt cây, tôi không làm nữa.
Phải quý tiếc môi trường tự nhiên, mỗi một khóm cỏ gốc cây, mỗi một viên gạch hòn đá, chúng ta đều phải dành cho chúng sự thương yêu. Ta yêu chúng thì chúng sẽ yêu ta.
Thứ ba, phải quan hệ ứng xử tốt với quỷ thần trong trời đất, điều này hết sức quan trọng thiết yếu.
Ứng xử tốt trong ba mối quan hệ nói trên, quý vị nhất định được vui sướng, hạnh phúc mỹ mãn. Nền giáo dục của các bậc hiền thánh xưa là dạy những điều này. Nền giáo dục của chư Phật, Bồ Tát cũng là dạy những điều này. Quý vị sao có thể nói rằng những cách giáo dục như thế là không đúng? Sao có thể nói rằng những cách giáo dục như thế là sai lầm?
Người đời hiện nay đối với những việc này lại cho là mê tín, thật vô cùng bất hạnh, thật ngu si cùng cực. Đối với nền giáo dục chí thiện, mỹ mãn, chúng ta lại đem vất bỏ đi, như vậy làm sao không phải chịu tội? Làm sao không gặp kiếp nạn? Ngày nay, người mê hoặc rất nhiều, người giác ngộ rất ít. Người giác ngộ ở trong hoàn cảnh đó, buông xuôi tùy thuận tập khí phiền não cũng rất nhiều, thực sự chịu quay đầu hướng thiện đã ít lại càng ít hơn.
Nếu nói theo cách của các tôn giáo khác thì một người quay đầu là một người được cứu rỗi, hai người quay đầu là hai người được cứu rỗi. Chỉ cần chúng ta tự mình hiểu rõ, chịu quay đầu hướng thiện, không trở lại mưu cầu lợi ích riêng, đó mới là chân chính vì tự thân mình, lợi ích chúng sinh là lợi ích chân thật cho chính mình. Cho nên phải giác ngộ, phải quay đầu hướng thiện.
Tự mình làm, tự mình nhất định phải nhận chịu trách nhiệm, tuyệt đối không liên lụy đến người khác. Có phúc, xin nguyện cùng đại chúng chung hưởng. Có tội, nhất định phải phát tâm tự mình một mình gánh chịu. Đó là tinh thần của Bồ Tát. Cho nên, quyết định không thể vu cáo hãm hại người khác. Những lời đồn đại không căn cứ quyết định không thể tin theo.
Những câu này trong Cảm ứng thiên, [phần chú giải nói] “túng đào vương pháp, nan miễn thiên tru” (ví như lọt lưới pháp luật, cũng không thoát trời trách phạt). Câu này trong sách Vị biên lặp lại rất nhiều lần. Trời trách phạt là nói quỷ thần trong trời đất trừng phạt, quý vị trốn không thoát được.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.