(Giảng ngày 9 tháng 1 năm 2000 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 149, số hồ sơ: 19-012-0149)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Mời xem Cảm ứng thiên, đoạn thứ 83: “Kiến tha thất tiện, tiện thuyết tha quá. Kiến tha thể tướng bất cụ nhi tiếu chi. Kiến tha tài năng khả xưng nhi ức chi.” (Thấy người sa cơ thất thế liền nói lỗi người. Thấy người thân thể khuyết tật mà cười cợt. Thấy người có tài năng đáng ngợi khen lại chèn ép.)
Đoạn này trong phần chú giải nói rất rõ ràng, ý nghĩa đoạn này là như sau. “Thất tiện”, theo cách nói ngày nay là mắc lỗi, hoặc gặp phải lúc thất bại, rơi vào cảnh khốn cùng. Người đời vào những lúc ấy rất thường nêu ra đủ mọi sai lầm của họ. Những sai lầm ấy đôi khi cũng thật có, nhưng đa số đều là từ chỗ không có mà dựng chuyện, là do đoán mò, do suy tưởng, hoàn toàn không có căn cứ sự thật. Đó là chuyện không có mà tưởng tượng ra, rất dễ dàng oan uổng cho người khác.
Trong phần chú giải có mấy câu nói lên sự thật: “Chuyện trong thiên hạ, từ xưa nay đều dễ thất bại mà khó thành công.” Cho nên nói, việc tốt nhiều chướng ngại, thành tựu được hết sức không dễ dàng. Chúng ta quan sát kỹ trong xã hội này, thậm chí tự mình chú tâm suy ngẫm những điều mình gặp phải trong đời này, những việc có thể thành tựu, việc tốt, việc lợi ích xã hội, lợi ích chúng sinh, những việc quyết định không phải vì lợi ích riêng cho bản thân mình, những việc tốt đẹp như vậy có thể thành tựu được hay không? Cũng chưa hẳn đã luôn thành tựu.
Chúng ta biết vì sao như vậy, điều này tùy thuộc phước báo của chúng sinh. Chúng ta tự mình phát tâm vì chúng sinh phục vụ, vì chúng sinh làm một chút việc tốt, nhưng chúng sinh có phước báo hay không? Nếu chúng sinh không có phước báo thì sự phát tâm của ta, hành vi của ta rất dễ bị người khác phá hoại. Hiện nay là như vậy, trong quá khứ cũng là như vậy. Chúng ta xem lịch sử, trường hợp điển hình rõ ràng nhất trong lịch sử Trung quốc là Nhạc Phi đời Nam Tống. Ông tận trung với nước, đích thực là vì đất nước, vì dân tộc, vì muôn người, nhưng vẫn gặp nạn Tần Cối hãm hại, vua Cao Tông ra lệnh giết ông. Thế nhưng trong lịch sử, người đời sau vĩnh viễn nhớ đến ông. Đương thời ông không được hoàn thành ý nguyện. Đó là điển hình rõ rệt nhất cho thấy việc tốt nhiều chướng ngại.
Do đó có thể biết rằng, chúng ta muốn phát tâm, muốn vì xã hội, vì chúng sinh làm một chút việc tốt, nếu mong cho không gặp chướng ngại thì đó là điều không thể được. Chướng ngại từ đâu mà có? Nếu không vì nghiệp chướng của chính bản thân ta thì đó là vì chúng sinh không có phước báo lớn. Họ đang lúc phải gặp nạn, phải chịu tội, dù chư Phật, Bồ Tát thị hiện cũng không cứu được họ.
Những sự việc tương tự, giống như vậy, từ xưa đến nay ở khắp mọi nơi đều xảy ra rất nhiều, rất nhiều. Bậc chí sĩ nhân đức, có thể nói vào bất kỳ thời đại nào, bất kỳ địa phương nào cũng đều có. Thường thì đa số các vị ấy đều không được thành tựu chí nguyện. Những người không thành tựu chí nguyện như vậy đều vào núi rừng sống ẩn dật. Trong lịch sử Trung quốc, quý vị xem qua 25 bộ chính sử, mỗi bộ đều có phần Ẩn dật chí. Trong phần này ghi chép về những bậc ẩn cư có đạo đức, có tài năng như vậy. Các vị này không phải không muốn ra vì xã hội, vì đất nước làm việc, nhưng họ không có cơ hội. Họ vừa ra đời liền bị người khác áp bức, gặp quá nhiều chướng duyên, bất đắc dĩ mới phải lui về rừng núi. Thậm chí có người xuất gia, có người tu đạo.
Tại Trung quốc, người đời thường nói rằng trong cửa Phật, trong các đạo quán là những nơi “ngọa hổ tàng long” (có nhiều bậc tài năng ẩn mình). Điều này là đúng thật, không sai. Thế nhưng các vị ấy đều là những người thực sự có học vấn, có đạo đức. Một khi chí nguyện không thành, các ngài cũng có thể giữ mình an phận, các ngài rõ biết việc tu tâm dưỡng tánh, trong đời sống tinh thần của bản thân mình không ngừng hướng thượng vươn lên, các ngài không chịu làm những việc sai trái xấu xa. Vì sao vậy? Các ngài không vì bản thân mình, các ngài đều vì chúng sinh. Hội đủ nhân duyên thì làm điều tốt đẹp cho cả thiên hạ, không có nhân duyên thì tự lo hoàn thiện riêng bản thân mình. Đó là điều chúng ta quan sát thấy.
Như trong cuộc đời tôi, năm mươi năm qua đã từng gặp phải, đã từng kinh nghiệm, đâu phải là không đúng như vậy? Sống cùng tôi lâu một chút thì quý vị đồng tu đều biết rõ, nếu tôi không gặp được Hàn quán trưởng, một đời này của tôi hẳn là chuyện gì cũng không thể nói được, cũng phải ẩn cư, tự lo tu thân mình, đối với xã hội, đối với Phật pháp cũng không thể có sự cống hiến, vì chướng duyên quá nhiều. Cho nên, nhờ gặp được một vị hộ pháp đắc lực. Sau khi Hàn quán trưởng vãng sinh, những chướng ngại của tôi lại đến. Nếu như không tiếp tục gặp được cư sĩ Lý Mộc Nguyên hộ trì, hẳn tôi cũng không thể làm được gì nữa.
Cho nên tôi thường nói, trong Phật pháp hết thảy những công việc tôi làm được cho xã hội, có phải công lao của bản thân tôi hay không? Không phải vậy. Là công lao của ai? Là của các bậc hộ pháp. Điều này tôi thường nói, công đức hộ pháp vượt hơn công đức hoằng pháp không biết bao nhiêu lần. Các bậc long tượng hoằng pháp, tôi tin là có rất nhiều. Chỉ có điều là những vị ấy không gặp được người có sức hộ trì, cho nên đức hạnh, năng lực của họ cũng không làm được gì, không thể phát huy. Tôi tin chắc rằng rất nhiều người có năng lực hơn tôi, có trí tuệ hơn tôi. Chỉ đáng tiếc là họ không gặp được người có sức hộ trì.
Cho nên tôi đi đến nơi nào cũng đều khuyến khích bốn chúng đồng tu phải hiểu rõ việc hộ pháp. Phật pháp có thể tồn tại ở thế gian này hay không, có thể làm lợi ích rộng rãi cho chúng sinh hay không, hoàn toàn nhờ nơi sự hộ pháp. Người hoằng pháp cho dù có năng lực, có đức hạnh, có học vấn, có trí tuệ, nhưng không có được một người hộ pháp đắc lực, người ấy cũng chỉ là một người hết sức bình thường, lặng lẽ im lìm không ai biết đến.
Người đời không buông xả tự tư tự lợi, một khi thấy điều gì có lúc gây tổn hại đến lợi ích riêng tư của mình thì nhất định phản kháng, nhất định gây chướng ngại. Đó là chuyện thường tình của người đời, từ xưa đến nay ở khắp mọi nơi, không nơi nào tránh được. Cho nên tôi thường khuyên bảo khuyến khích các vị đồng tu, quý vị phát tâm hoằng pháp, quý vị nhất định phải tôn trọng người hộ pháp, phải kết mối pháp duyên. Nếu luôn tự cho mình là đúng, cống cao ngã mạn, dưới mắt không người, pháp duyên của quý vị dứt mất, quý vị không có người hộ trì, cho dù quý vị có năng lực cũng không có cách gì phát huy.
Vì thế, tôi thường đưa ra ví dụ, giống như trong một trường học, người hộ pháp cũng như vị hiệu trưởng, là người lãnh đạo nhân viên về mặt hành chánh. Những người hoằng pháp cũng như các giáo viên. Người hộ pháp phải có tuệ nhãn, phải nhận biết được vị giáo sư giỏi, tìm đến thỉnh mời giúp mình làm công việc hoằng pháp lợi sinh. Công đức hoằng pháp lợi sinh là của vị hiệu trưởng, không phải của các giáo viên. Những gì ngày nay chúng ta làm tại Singapore này, hết thảy mọi thành tựu là thuộc về cư sĩ Lý Mộc Nguyên, thuộc về đạo tràng Cư Sĩ Lâm của Phật giáo Singapore, thuộc về Tịnh Tông Học Hội, không thuộc về [người giảng pháp] chúng ta. Nhất định phải có nhận thức như thế.
Bốn chúng đệ tử Phật đồng tu đều có nhận thức như thế, đều biết như thế, có thể hỗ trợ hợp tác với nhau, tôn trọng lẫn nhau, chánh pháp có thể trụ lâu dài ở thế gian, có thể tiêu trừ hết mọi thứ thiên tai, nhân họa. Việc này rất khó, khó là vì những phiền não của chúng ta từ vô thủy kiếp đến nay không dễ dàng buông bỏ. Tuy là có học Phật, đã xuất gia, đã thọ đại giới, hoặc cũng đã giảng kinh thuyết pháp dạy người, hoặc làm trụ trì, giám viện, quản lý đạo tràng này, nhưng nếu vẫn còn có lòng riêng tư thì sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh cũng sẽ gặp chướng ngại, chướng ngại rất nghiêm trọng. Điều này chúng ta phải luôn tự phản tỉnh.
Gây chướng ngại cho người khác, người gây chướng ngại trước mắt có thể tạm thời hả hê vui mừng, thế nhưng quả báo trong tương lai thật khổ sở không thể nói hết. Trong kinh Phát khởi Bồ Tát thù thắng chí lạc giảng giải rất rõ ràng, rất sáng tỏ. Bộ kinh này tôi đã từng giảng qua ba lần, tôi cho rằng đây là bộ kinh cứu mạng chúng ta trong đời mạt pháp. Biết bao sai trái lỗi lầm mà chúng ta phạm vào nhưng tự mình không hề hay biết. Đức Thế Tôn đại từ đại bi, hết thảy những điều ấy đều vì chúng ta giảng giải rõ ràng. Một bộ kinh này, người thực sự có tâm, ít nhất mỗi nửa tháng phải tụng một lần. Kinh văn không dài, nên lấy đó ghi nhớ làm giới luật, thường thường phản tỉnh, bản thân ta có phạm vào những lỗi lầm đó hay không, có ý niệm xấu ác đó hay không, có những hành vi xấu ác đó hay không? Nếu như có, hiện tại phải gấp rút sửa đổi quay đầu còn kịp.
Sửa lỗi nhất định phải thực tế, trong quá khứ ta gây chướng ngại cho người khác, đó là sai lầm, làm sao sửa lỗi? Hiện tại giác ngộ rồi, ta phải giúp đỡ hỗ trợ hết thảy những người hoằng pháp lợi sinh. Trong quá khứ thấy người khác có tài năng đáng khen ngợi, lúc nào cũng hết sức đè nén ức chế họ. Hiện tại đổi ngược lại, ngợi khen, xưng tán họ. Không chỉ ngợi khen xưng tán, hơn nữa còn thỉnh chuyển pháp luân, thỉnh Phật trụ thế, hết lòng hết sức ủng hộ. Đó gọi là chân thật sám hối, đó là thực sự quay đầu hướng thiện.
“Thấy người thân thể khuyết tật mà cười cợt.” Những người này, trong xã hội ngày nay gọi là người khuyết tật. Họ đã hết sức bất hạnh rồi, chúng ta gặp họ, thấy họ hành vi cử động khó khăn bất tiện, cần phải giúp đỡ hỗ trợ, cần phải trợ giúp. Chẳng những đã không giúp đỡ, trợ giúp, lại còn đứng bên cười nhạo, tội ấy thật rất nặng nề. Quý vị cười nhạo những người ấy, tương lai quý vị nhất định phải chịu quả báo này. Quý vị liệu có giữ được thân thể mình trong suốt một đời này không chịu sự tổn thương hủy hoại hay không? Nghiệp nhân quả báo mảy may không sai lệch, chúng ta nhất định phải hiểu rõ được ý nghĩa này. Quý vị tạo nghiệp nhân như thế nào, chắc chắn cũng đều có quả báo. Nghiệp nhân từ đâu tạo ra? Khởi tâm động niệm là đã tạo [nghiệp nhân] rồi. Một niệm thiện liền có quả báo lành. Một niệm ác, nhất định có quả báo xấu ác. Ý niệm thiện ác biểu hiện ra thành hành vi thì quả báo càng rõ rệt hơn, càng nhanh chóng hơn. Người không học Phật, hoặc là người không thâm nhập kinh tạng, chúng ta có thể nói là vô tâm chai lỳ, không biết phản tỉnh, không biết sám hối, không biết sửa đổi, tự làm thanh tịnh, khi quả báo đến rồi thì hối hận không còn kịp nữa. Cho nên chúng ta luôn phải ghi nhớ, từ xưa đến nay, hết thảy những việc tốt đẹp đều dễ thất bại mà khó thành tựu, nghịch chướng nhiều mà thuận lợi ít. Chúng ta nếu có những lỗi lầm như vậy, những ý niệm xấu ác như vậy thì đã là không hợp tình người rồi. Nói ra thì khó nghe nhưng không hợp tình người thì người ấy cũng không phải là người. Đã không phải người thì đời sau sinh về đâu? Sinh vào ba đường ác. Nói đến ba đường ác thì ai ai cũng không muốn nghe, thậm chí còn có người cho rằng đó là mê tín, là nói chuyện không căn cứ. Tôi cho rằng những người như vậy là vô tâm chai lỳ, vì sao vậy? Những chuyện nghiệp nhân quả báo không chỉ là trong các sách xưa ghi chép rất nhiều, mà hiện tại cũng có, ngay trước mắt thôi, nơi đạo tràng Cư Sĩ Lâm nhỏ bé này mà dường như mỗi tháng đều có, mỗi tuần đều có, chỉ cần quý vị tĩnh tâm quan sát [là thấy ngay]. Những chuyện này không phải ghi chép trong sách, không phải truyền thuyết, ngáy trước mắt quý vị, chính mắt quý vị nhìn thấy, nếu quý vị vẫn không chịu tin nhận, chẳng đáng gọi là vô tâm chai lỳ hay sao? Đặc biệt là những chuyện quỷ thần, thật có, chẳng phải giả dối. Đức Thái Thượng vì chúng ta nói: “Ngẩng đầu ba thước có thần minh.” Thần minh đang giám sát, chúng ta không thể không minh bạch, không thể không rõ biết. Làm thế nào tự lo cho mình, hết thảy đều là trong một đời này của chúng ta. Thực sự giác ngộ, thực sự hồi đầu, vất bỏ thành kiến của bản thân mình, thuạn theo lời răn dạy của Phật-đà, người như vậy mới là thực sự có trí tuệ, có phúc đức, con đường tương lai sáng tỏ rỡ ràng. Nếu như cứ mê muội thuận theo thành kiến của bản thân mình thì con đường phía trước thật tối tăm u ám.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.