(Giảng ngày 21 tháng 3 năm 2000 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 180, số hồ sơ: 19-012-0180)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời mở sách Cảm ứng thiên, đoạn thứ 109: “Khinh mạn tiên linh. Vi nghịch thượng mệnh.” (Khinh thường tổ tiên. Trái lệnh bề trên.) Lần trước đã giảng với quý vị về việc khinh thường tổ tiên. Người đời hiện nay, vì không có ai dạy bảo, cũng không có ai giảng giải, cho nên đối với việc này xem nhẹ, bỏ qua. Theo trong văn hóa Trung quốc mà nói, đây là điều đại bất hiếu. Vấn đề thật hết sức nghiêm trọng, nhưng người nhận biết được quả thật là rất ít.
Rốt cùng là thật có tổ tiên hay không? Người học Phật, người tu đạo, cả Phật giáo và Đạo giáo ở Trung quốc đều tin nhận việc này, tin là thật có. Các tôn giáo ở Ấn Độ, tất cả đều có tu định, trong khi nhập định có thể giao thông với sáu đường luân hồi, có thể qua lại trong sáu đường. Chúng ta trong thời cận đại thấy có chuyện của tiên sinh Chương Thái Diễm. Con rể của ông là lão cư sĩ Chu Kính Trụ rất thân với tôi. Khi tôi mới học Phật, lão cư sĩ giúp đỡ hỗ trợ tôi rất nhiều. Hồi đó tôi hai mươi sáu tuổi, lão cư sĩ cũng vào khoảng bảy mươi tuổi, xem tôi như một người bạn nhỏ, hết sức thương yêu bảo bọc. Ông kể cho tôi nghe, lúc tiên sinh Chương Thái Diễm còn tại thế, đã từng làm đến chức Phán quan của Đông Nhạc Đại đế. Khi ấy gọi là Phán quan, cũng giống như hiện nay là chức Bí thư trưởng, địa vị rất cao. Theo cách nói ngày nay là Bí thư trưởng của Đông Nhạc Đại đế. Khi ở cõi âm, ông từng gặp được những người từ thời Tùy, Đường. Ông là một người đọc sách, văn chương của người xưa ông đọc qua rất nhiều. Ông nói, những người như Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên... ông đều đã từng gặp, hiện tại vẫn còn ở trong cảnh giới của quỷ. Tuổi thọ của quỷ rất dài, điều này trong kinh Phật có nói, tiên sinh Chương Thái Diễm đã chứng thật với chúng ta.
Một ngày trong cảnh giới quỷ bằng một tháng ở cõi người. Tuổi thọ của quỷ, có người nói khoảng một ngàn năm. Dựa theo chỗ này mà tính toán thì những người chết từ đời Tùy, Đường đến nay hơn ngàn năm, sinh vào trong cảnh giới quỷ hóa ra vẫn còn đó, tiên sinh Chương Thái Diễm đã nhìn thấy.
Chúng ta nếu muốn thấy [quỷ] có khó chăng? Thật không khó. Đi lại trong cảnh giới của quỷ là chuyện rất dễ dàng. Quý vị chỉ cần tu hành cho tốt, buông bỏ hết vọng niệm, tâm được thanh tịnh đôi chút, tần số tương hợp liền mở ra, quý vị có thể qua lại với [cảnh giới của] quỷ.
Trước đây tôi có một người bạn đồng học là Pháp sư Minh Diễn, cũng là bạn đồng tham. Năm trước ông ở Đại Khê thuộc Đào Viên, tại đó theo học Mật giáo với Khuất thượng sư trong khoảng chừng mười tháng. Ông tu hành hết sức nỗ lực, sau thời gian mười tháng thì đi lại được trong cảnh giới quỷ. Ông ấy nói với tôi, đương nhiên là sự thật, không phải giả dối, vì ông là người hết sức thành thật, là một người rất tốt. Ông nói, vào thời điểm hoàng hôn, lúc sẩm tối, khoảng năm, sáu giờ chiều, trên đường phố đã có quỷ xuất hiện, nhưng rất ít. Như vậy là vì sao? Là vì lúc ấy mới vừa tảng sáng của quỷ. Ông nói, vào buổi tối khoảng sau mười giờ trở đi, quỷ đi lại đầy đường, người và quỷ cùng xen lẫn nhau. Cho nên, muốn giao tiếp với cảnh giới của quỷ không cần đến công phu thượng thừa, dần dần có đôi chút công phu cũng thấy được. Điều ông ấy nói là có thật, không phải giả dối.
Con cháu bất hiếu, hương linh chư vị tổ tiên trong lòng hết sức không thoải mái, hết sức khó chịu. Nếu là những trường hợp đại nghịch, đánh mất đạo lý, tôi nghĩ là tổ tiên đối với cháu chắt đời sau nhất định cũng sẽ có sự ra tay trừng phạt. Cho nên, Trung quốc thời xưa đối với việc cúng tế tổ tiên xem là hàng đầu, là việc trước tiên. Chúng ta đọc các sách Nghi lễ, Lễ ký, chương đầu tiên là nói việc tế lễ. Tế lễ cũng gọi là “cát lễ”, với chữ cát là tốt lành, như trong cát tường. Đó là đạo hiếu, là căn bản trong giềng mối của đạo làm người. Nếu như con người đối với tổ tiên quên mất đi, dùng tâm khinh thường ngạo mạn [đối với tổ tiên] thì xã hội đó thật đã có vấn đề, hơn nữa còn là vấn đề nghiêm trọng.
Ngày nay, người ta chỉ biết là xã hội động loạn, tai nạn xảy ra nhiều, nhưng không biết những điều ấy do đâu mà có, con cái vì sao không nghe lời cha mẹ, học trò vì sao không nghe lời thầy dạy. Căn nguyên của những điều này chính là vì “khinh thường ngạo mạn với tổ tiên”.
Câu thứ hai là “trái lệnh bề trên”, theo cách nói ngày nay là không phục tùng cấp lãnh đạo. Trong một xã hội mà cấp dưới không phục tùng cấp lãnh đạo, con cái không phục tùng cha mẹ, học trò không phục tùng bậc sư trưởng, nhân viên không phục tùng ông chủ, vậy xã hội ấy sẽ ra sao? Người xưa nói đó là “loạn thần tặc tử” (bề tôi làm loạn, con cái hư hỏng). “Loạn thần tặc tử” do đâu mà có? Cũng là từ chỗ này mà ra. Vì sao kẻ dưới không thể phục tùng người trên? Ngạn ngữ Trung quốc có câu: “Xà trên không ngay, xà dưới lệch.” Người ở địa vị trên có đạo lý của người trên, quý vị có thể làm sáng tỏ đạo lý, thực hành đức hạnh, đâu có lẽ nào kẻ dưới lại không phục tùng? Đó gọi là: “Dĩ đức phục nhân.” (Dùng đức hạnh thu phục người.)
Thế nhưng hiện tại không ai giảng về đạo, cũng không ai thực hành đức, thiên hạ đại loạn rồi. Chúng ta phải biết được nguyên do từ đâu mà ngày nay cả xã hội này động loạn? Nói thật ra là “cha chẳng ra cha, con chẳng ra con, nhà không ra nhà; nước không ra nước”. Chúng ta ngày nay sống trong một xã hội như thế.
Nếu người trên có thể làm theo đạo lý thì kẻ dưới nhất định sẽ kính trọng theo đúng lễ. Thế nhưng ngày nay sáng được đạo, thực hành được nghĩa không phải chuyện dễ dàng. Người thực sự hiểu biết thông đạt cần phải có tâm hết sức nhẫn nại. Đại chúng trong cả xã hội này chưa từng được học qua những lời răn dạy của thánh hiền. Người học Phật tuy nhiều nhưng chỉ biết tụng kinh, chỉ biết cầu phước, đối với đạo lớn trong kinh luận cũng không hiểu rõ. Đối mặt với xã hội hiện nay, những sự dụ dỗ mê hoặc của danh văn lợi dưỡng, của năm món dục trong sáu trần cảnh, những dụ dỗ mê hoặc đó so với trong quá khứ đã mạnh mẽ hơn gấp trăm ngàn lần và cũng không dừng ở đó.
Những người nào có thể không bị dụ dỗ mê hoặc? Thật rất hiếm hoi ít có! Ngày nay mọi người đều thấy được tấm gương tốt nhất là nữ cư sĩ Hứa Triết, không bị dụ dỗ mê hoặc. Thế nhưng trong xã hội ngày nay những người như vậy thật quá hiếm hoi ít có. Vào thời xưa, tỷ lệ người như vậy chiếm đa số, trong mười người cũng có được một, hai người. Cho nên thiên hạ thái bình, quốc gia hoàn toàn an định.
Trong kinh luận, đức Phật thường khuyên bốn chúng đồng học phát tâm Bồ-đề. Thế nào gọi là tâm Bồ-đề? Không chịu sự dụ dỗ mê hoặc của năm món dục trong sáu trần cảnh, không chịu sự dụ dỗ mê hoặc của danh văn lợi dưỡng, tâm như vậy là tâm Bồ-đề. “Phát tâm Bồ-đề, một lòng chuyên niệm [Phật]”, chúng ta mới có thể vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi.
Thế gian này không phải nơi ở được, rất nhiều quý đồng học gần gũi với tôi đều biết, tôi thật rất muốn ẩn cư, thật rất muốn sớm ngày vãng sinh Tịnh độ, tôi không muốn ở lại thế gian này thêm một ngày nào nữa. Nhưng vì sao vẫn chưa ra đi? Vì thấy vẫn còn có những người thực tâm muốn học, tôi không thể không giúp đỡ, hỗ trợ cho họ. Cho nên, còn ở lại thế gian này ngày nào đều phải nỗ lực hết sức cho công việc [giúp đỡ hỗ trợ] này.
Pháp sư Khai Tâm ở Đài Nam, Hàn Quán trưởng hy vọng tôi có thể giảng trọn vẹn đầy đủ bộ kinh Hoa Nghiêm, Pháp sư Khai Tâm vì chúng ta giảng mười mấy lần, tôi rất cảm động. Tôi hy vọng ở đây các vị pháp sư còn trẻ tuổi nỗ lực học tập. Kỹ thuật giảng kinh không khó học, nhưng quan trọng thiết yếu nhất là đức hạnh. Không có đức hạnh thì tự mình không thể thành tựu. Trước hết chúng ta phải có năng lực phân biệt được lợi hại, phân biệt thiện ác, phân biệt tà chính, phân biệt thị phi. Quý vị phải có năng lực như thế rồi, quý vị mới có thể tự cứu lấy mình, quý vị mới có thể giúp đỡ hỗ trợ người khác.
Trong thực tế, nếu chúng ta không có những năng lực ấy, quý vị có thể trọn đời thọ trì kinh A-di-đà, Cảm ứng thiên như vậy là đủ. Nhà Phật nói trì giới, niệm Phật, như vậy là đủ. Nhưng hoàn toàn không phải là cứ mỗi ngày đem hai bản kinh sách này ra tụng đọc qua mấy lần. Như vậy không ích gì. Phải hiểu rõ được ý nghĩa, trong đó nói về đạo lý, phương pháp, cảnh giới đều phải hiểu biết rõ ràng, phải thực hành theo. Phải đem những lời răn dạy của Phật-đà, cùng với bản văn Cảm ứng thiên hơn một ngàn bảy trăm chữ này, mỗi câu mỗi chữ đều vận dụng vào thực tiễn đời sống của chúng ta, phải làm được hết những điều ấy.
Chúng ta đối đãi chân thành với người khác, họ đối với ta lừa lọc dối trá, chúng ta nói năng hành động đều thực sự vì lợi ích chúng sinh, chúng sinh đối với ta luôn hoài nghi, đối với ta không có lòng tin, chúng ta vẫn phải nỗ lực mà làm, tuyệt đối không bị ngoại cảnh làm dao động. Như thế gọi là thiền định. Hết thảy cảnh giới đều minh bạch rõ ràng, nhận biết sáng tỏ, đó là trí tuệ. Định và tuệ cùng học như nhau.
Trong một đời này độ không được chúng sinh cũng gieo cấy được chủng tử kim cương trong thức a-lại-da. Đời này duyên của họ chưa thành thục, tập khí nghiệp chướng còn quá sâu nặng. Trong số đồng học của chúng ta, tôi thấy rất rõ ràng, có những người nghe tôi giảng kinh rất nhiều, có những người thông minh, tôi vừa giảng phần trước thì họ đã biết phần sau phải giảng những câu nào, thế nhưng tập khí, tật xấu đều không sửa được. Nguyên nhân là vì đâu? Vì tập khí quá nặng. Đó gọi là: “Thiểu thành nhược thiên tính, tập quán thành tự nhiên.” (Tập quen từ nhỏ giống như bẩm tính trời sinh, thói quen lâu ngày thành tự nhiên.) Hai câu này là do người xưa nói ra.
Chúng ta học tập tốt nhất là từ thời niên thiếu. Thế nhưng thời thiếu niên, thanh niên tôi đều để luống qua, không có duyên phần tiếp xúc với Chánh pháp. Từ tuổi trung niên về sau mới gặp được. Năm tôi hai mươi sáu tuổi gặp được Phật pháp. Tôi hết sức bùi ngùi cảm khái vì gặp được Phật pháp quá muộn màng. Nếu tôi được nghe pháp sớm hơn mười năm thì thành tựu ngày nay của tôi hẳn không chỉ thế này. Hiện tại chúng ta đều đã đến tuổi trung niên, chỉ có thể nói là “mất bò mới lo làm chuồng”, phải tự mình biết quý tiếc thời gian còn lại về sau, liệu chúng ta còn được bao nhiêu ngày? Phải khéo léo hết sức tận dụng, thành tựu đạo nghiệp của bản thân mình, tránh không phải đọa vào ba đường ác. Có thể vâng làm theo Cảm ứng thiên, quý vị quyết định không đọa vào ba đường ác. Trong sách này, quý vị cũng có thể xét thấy hết sức rõ ràng, pháp thế gian cũng như Phật pháp đều được xây dựng trên căn bản “hiếu với cha mẹ, tôn kính thầy”. Nhưng hiếu với cha mẹ thì trong thực tế không thể quên ơn đức của tổ tiên, làm sao dám khinh thường ngạo mạn với tổ tiên?
Không quên lời răn dạy của thầy, đó là báo ơn thầy. Nếu như quý vị trong việc tu học dần dần có chút công phu hiệu quả, phải từ đâu thấy được? Chính là từ chỗ này thấy được. Nếu như tâm niệm, hành vi của quý vị có đủ tám chữ “khinh thường tổ tiên, trái lệnh bề trên” thì bất kể là quý vị dụng công học tập như thế nào, hết thảy đều vô nghĩa, đều là hư giả, không phải chân thật. Pháp thế gian cũng như Phật pháp, thực sự trong học vấn có chút tâm đắc chính là biểu hiện ra ở việc “hiếu với cha mẹ, tôn kính thầy”.
Quý vị hãy suy ngẫm thật kỹ lời nói này của tôi, hãy chú tâm thể hội ý nghĩa tất nhiên trong đó. Không hiểu được hiếu với cha mẹ, không hiểu được tôn kính thầy, đó là người không có học, đọc sách uổng công không hiểu, cầu học uổng công không học được gì. Quý vị muốn hỏi vì sao như vậy? Ý nghĩa đọc sách là ở chỗ nào? Là hiểu rõ lý lẽ, thực sự sáng tỏ được đạo lý, lẽ nào lại có đạo lý không vận dụng vào thực tế? Không vận dụng vào thực tế, không thể vận dụng, đó là vô nghĩa. Cho nên, pháp thế gian cũng như Phật pháp, lý lẽ muốn thực sự sáng tỏ nhất định phải vận dụng trong thực tế.
Muốn xem học vấn của người khác đến tầng bậc nào, thì mức độ thấp nhất là hiểu rõ lễ nghi. Những lời răn dạy của các bậc hiền thánh xưa, người này có thể làm được, thế nhưng bám chấp nơi hình tướng. Lễ nghi là bám chấp hình tướng. Lễ vẫn còn chuyện đến đi. Ở mức độ cao hơn một chút là “làm theo nghĩa”. Làm theo nghĩa là nghĩa vụ, chúng ta vì chúng sinh phục vụ, chỉ làm hết nghĩa vụ, không hưởng thụ quyền lợi, đó là “làm theo nghĩa”. Không đòi hỏi, mình đối tốt với người khác, không đòi hỏi người khác cũng phải đối tốt giống như vậy với mình. Đó là làm theo nghĩa, so với lễ cao hơn một bậc. Lại nâng cao hơn một bậc nữa là “thực hành nhân ái”. Nhân ái là thực sự có lòng thương yêu, thực sự có lòng cung kính, có thương yêu. Lại nâng cao hơn bậc nữa là “đức”, cao nhất là “thực hành đạo”.
Nói theo trong Phật pháp thì có thể thực hành đạo là bậc Pháp thân Đại sĩ. Bậc Pháp thân Đại sĩ hành đạo, bốn thánh pháp giới thực hành đức, Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, chư Phật trong mười pháp giới, đều là thực hành đức, không thể nói đến hành đạo. Chư thiên cõi trời thực hành nhân ái. Quý vị xem chư thiên cõi trời, trong kinh Phật dạy chúng ta rằng tâm của chư thiên là “từ bi hỷ xả”. Từ bi là nhân ái, các vị thực hành nhân ái. Trong cõi người này của chúng ta, có thể thực hành được đến nghĩa, đến lễ, thì thiên hạ thái bình, xã hội an định, nhân dân mới có thể sống đời hạnh phúc mỹ mãn, chúng ta không thể không hiểu rõ.
Chư Phật, Bồ Tát, các bậc đại thánh đại hiền thị hiện ở thế gian, bên trong các ngài thi hành đại đạo, bên ngoài biểu hiện là nhân, nghĩa, lễ. Quý vị xem sự thị hiện của chư Phật, Bồ Tát, các bậc thánh nhân thế gian, xuất thế gian, có phải là vì chúng ta biểu hiện như thế hay không? Có phải là dạy bảo chúng ta như thế hay không? Như vậy thì chúng ta liền hiểu biết sáng tỏ, liền thông đạt rõ ràng.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.