(Giảng ngày 18 tháng 10 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 113, số hồ sơ: 19-012-0113)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời xem đến đoạn thứ 49 trong Cảm ứng thiên: “Thưởng cập phi nghĩa, hình cập vô cô.” (Ban thưởng phi nghĩa, xử phạt vô tội.) Hai câu này có nghĩa là thưởng phạt không công minh, đảo lộn đúng sai.
Trong chú giải nói rất hay, chúng ta phải thường tụng đọc, phải thường ghi nhớ: “Việc ban thưởng là để quý chuộng nết tốt, báo đáp công lao, là chủ trương lớn của triều đình để kích thích, khuyến khích lòng người. Không đáng thưởng mà thưởng, đó gọi là phi nghĩa.”
“Không đáng” có nghĩa là không nên, không nên thưởng mà ban thưởng cho, đó gọi là phi nghĩa, vì nghĩa là việc nên làm. Như vậy là không rõ biết đúng sai, phải quấy, là không tôn trọng pháp luật. Hành vi như vậy nhất định làm tăng thêm lợi ích riêng tư. Trong xã hội từ xưa đến nay, chúng ta nhìn thấy rất nhiều người kết thành bè phái để mưu lợi riêng. Phá hoại thể chế quốc gia, làm nhiễu loạn xã hội, gây tổn hại cho người dân lương thiện, đó đều là những việc do hạng người này làm ra.
Hai câu cuối [của đoạn này] nói rất hay: “Giúp kẻ tà vạy, hại người chính trực, khiến lòng trời nổi giận.” Câu này là lời chân thật, thế nhưng người đời nghe qua đều cho là mê tín. Các bậc thánh nhân thời xưa đối với việc này không thường nói đến: “Khổng tử không nói những chuyện quỷ thần siêu nhiên.” Đối với đạo trời, đức Khổng tử không nói đến nhiều, nhưng không phải là không nói.
Người Trung quốc đối với những lập luận và sự thật về trời đất quỷ thần, nhân quả báo ứng hiểu biết rất nhiều. Chúng ta xem trong các bản văn xưa, hầu như ở khắp nơi đều thấy được. Thế nhưng, thánh nhân đối với việc này không đề cao. Việc không đề cao cũng có ý nghĩa trong đó, là mong muốn chúng ta nâng cao hơn mức độ nhận biết bằng trí tuệ của chính mình.
Chuyện trời đất quỷ thần, người đời chỉ biết được về hiện tượng mà không biết được nguyên nhân. Đức Phật trong kinh luận giảng nói ý nghĩa nguyên nhân này rất rõ ràng, sáng tỏ và thấu triệt. Những kinh Phật này không thể không đọc. Chỉ khi nào thấu hiểu được vấn đề một cách rõ ràng, triệt để thì quý vị mới có sự chuyển biến lớn lao ngay nơi ý niệm của mình.
Phật pháp dạy người từ lúc bắt đầu phát tâm cho đến khi thành tựu quả Phật Như Lai, cương lĩnh chung, nguyên tắc chung cho sự tu học chính là như trong kinh Kim Cang đã nói: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” (Từ nơi không bám víu mà khởi sinh tâm.) Đại sư Lục tổ Huệ Năng của Thiền tông được khai ngộ nhờ một câu này. Câu kinh này so với lời Phật dạy: “Ly nhất thiết tướng, tu nhất thiết thiện” (Lìa hết thảy các tướng, tu hết thảy các điều thiện) là cùng một ý nghĩa. “Từ nơi không bám víu” chính là “lìa hết thảy các tướng”, “mà khởi sinh tâm” chính là “tu hết thảy các điều thiện”. Cũng có thể nói hai câu sau là giải thích cho hai câu trước.
Khác biệt giữa chư Phật, Bồ Tát với phàm phu là ở chỗ phàm phu bám chấp vào hình tướng để tu thiện, cho nên quả báo có giới hạn, tuyệt đối không thể vượt ra khỏi chỗ bám chấp của quý vị. Trong chín pháp giới đều gọi là chúng sinh. Chúng sinh trong chín pháp giới phân biệt bám chấp có sự rộng hẹp, sâu cạn khác biệt nhau. Sự bám chấp quá hẹp hòi, bám chấp quá sâu nặng thì phước báo hết sức nhỏ nhoi, dù tu tập việc thiện hết sức lớn lao, chỗ phước đức đạt được cũng hết sức nhỏ nhoi. Vì sao vậy? Sự bám chấp của quý vị đã vạch ra một giới hạn, quý vị không thể nào vượt ra khỏi giới hạn đó.
[Chúng sinh] trong chín pháp giới, càng lên cao thì ý niệm phân biệt bám chấp càng giảm nhẹ, cho nên tâm lượng càng rộng mở hơn, việc tu thiện được quả báo phước đức cũng lớn hơn, hoàn toàn tỷ lệ thuận với sự rộng mở tâm. Chứng đắc quả vị Như Lai rồi thì vọng tưởng phân biệt bám chấp đều buông xả hết sạch, cho nên dù một mảy may việc thiện cũng đạt được phước báo tròn đầy trọn vẹn, trùm khắp các pháp giới cùng tận hư không.
Đức Phật dạy chúng ta những điều này, đều là sự thật chân tướng, chúng ta vì sao không chịu học theo? Lại còn so đo tính toán chi ly, mỗi một ý niệm đều không chịu buông xả. Không chỉ là buông xả danh lợi, buông xả ái dục, buông xả sự ưa thích, mà chúng ta vẫn thường nghe trong nhà Phật nói: “Thân tâm, thế giới, hết thảy đều buông xả.”
Buông xả rồi cũng chưa phải hết chuyện. Sau khi buông xả rồi còn phải vì hết thảy chúng sinh mà phụng sự, tu tập hết thảy các điều thiện, làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh. Lợi ích phải nhắm đến chỗ rốt ráo, nhiêu ích, theo cách nói hiện nay là lợi ích lớn nhất, lợi ích trọn vẹn đầy đủ nhất, lợi ích rốt ráo nhất, như vậy mới gọi là nhiêu ích. Khởi tâm động niệm, nói năng hành động, hết thảy đều vì quảng đại chúng sinh, vì hết thảy chúng sinh, tuyệt đối không một ý niệm nào vì riêng bản thân mình.
Vì riêng bản thân mình, chưa buông xả được tự thân, đó là chỗ khác biệt giữa chúng sinh và Phật. Chúng ta phát tâm học Phật phải mong cầu làm Phật. Muốn làm Phật phải phá trừ bốn tướng. Bốn tướng là: “ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng”. [Cả bốn tướng này] các bậc tổ sư đại đức cũng thường gọi chung là thân tâm, thế giới.
Ngã tướng là chỉ thân tâm của chính mình. Thân thể do bốn đại hòa hợp mà thành, đó là ngã tướng. Khởi tâm động niệm, phân biệt bám chấp, đó là ý thức khởi tác dụng chi phối, phàm phu lấy đó làm tướng của tâm, trong Phật pháp dạy đó là vọng tâm, chẳng phải chân tâm. [Ngã tướng] đó gọi là thân tâm.
Bên ngoài thân tâm là thế giới. Trong thế giới đó, từ giữa không gian thấy có nhân tướng. Hết thảy những gì đối lập với bản thân mình đều là nhân tướng. Trừ nhân tướng ra thì hết thảy những gì còn lại là chúng sinh tướng. Chúng sinh tướng bao quát hết những gì ngày nay gọi là thực vật, khoáng vật, cho đến tất cả các hiện tượng tự nhiên. Hết thảy hiện tượng do các duyên hòa hợp mà sinh khởi đều gọi là chúng sinh tướng.
Do đó có thể biết rằng, trong y báo của chúng ta, nhân tướng là những chúng sinh hữu tình, chúng sinh tướng là những chúng sinh vô tình, ngày nay gọi là thực vật, khoáng vật, các hiện tượng tự nhiên.
Cuối cùng, thọ giả tướng là nói thời gian, gồm quá khứ, hiện tại, vị lai. Hết thảy những thứ đó đều từ trong vọng tưởng phân biệt bám chấp biến hiện ra, không phải chân thật. Cho nên, đức Phật dạy rằng: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng.” (Hết thảy những gì có hình tướng đều là hư vọng.) Hình tướng đó cũng chính là bốn tướng. Bốn tướng này bao quát hết thảy mọi hiện tượng trong các pháp giới cùng khắp hư không. Nói hết thảy tướng cũng là chỉ những tướng này. Hết thảy đều là hư vọng, không có gì là chân thật. Khi nào quý vị có thể thấy được rõ ràng, sáng tỏ sự thật này, đó là đại học vấn. Khi quý vị buông xả được hết bốn tướng này, không còn quay lại bám chấp nữa, đó là công phu chân chính. Phải từ chỗ đó mà khởi sinh tâm.
Khởi sinh tâm gì? Khởi sinh tâm trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh. Khởi sinh tâm như vậy. Đó là thực hành tất cả điều thiện, đó là tâm thiện chân chính, trong đó không có mảy may tà ác. Thế nào là tà? Trái ngược với chân tướng sự thật, đó gọi là tà. Nói cách khác, tà là quý vị vẫn còn ý niệm về bốn tướng. Ý niệm đó là tà niệm. Hành vi được sinh ra từ tà niệm là hành vi ác. Đó là xấu ác.
Việc này chỉ Phật mới có khả năng nói ra được, người đời, chư thiên, thậm chí cho đến các vị Thanh văn, Bồ Tát trong mười pháp giới đều không nói ra được. Vì sao vậy? Vì chưa buông xả hết bốn tướng. Dù vậy, chúng sinh trong bốn thánh pháp giới so với chúng ta [ở cõi người] thì các vị đã buông xả được quá nhiều hơn. Chỉ có điều là chưa rốt ráo, chưa triệt để. Trong kinh Phật thường gọi là: “Ngã chấp tuy vong, pháp chấp do tồn.” (Chấp ngã tuy đã mất nhưng chấp pháp vẫn còn.) Đó là buông xả chưa được triệt để. Theo cách nói của chúng ta ngày nay là bám chấp không còn, đã hoàn toàn buông xả hết, nhưng phân biệt vẫn còn, vọng tưởng chưa hết. Cho nên các vị này cũng có phạm vi giới hạn là mười pháp giới. Các vị tu tập điều thiện tuyệt đối không vượt ra khỏi được mười pháp giới.
Phàm phu trong sáu đường tu tập hết thảy các điều thiện cũng quyết định không thể ra khỏi sáu đường. Trong sáu đường còn có ba cõi, chúng ta cần phải nhớ. Lòng dục chưa dứt hết, tức là còn dục vọng, đối với danh văn lợi dưỡng, tham muốn năm món dục trong sáu trần cảnh. Tâm tham muốn như vậy chưa dứt trừ thì không thể thoát ra khỏi Dục giới. Vậy quý vị tu tập hết thảy các pháp thiện, sẽ được hưởng phước ở đâu? Là ở trong Dục giới mà hưởng phước.
Nếu như quý vị đã dứt trừ được hết ái dục, tham muốn ưa thích, tu hết thảy điều thiện nhưng vẫn còn bám chấp hình tướng như trước, quả báo đó có khả năng là ở cõi trời Sắc giới, hoặc cõi trời Vô sắc giới. Không thể ra ngoài ba cõi, không thể thoát được luân hồi. Điều này nói lên hết sức rõ ràng, quý vị dù tu tập việc thiện lớn lao, phước báo đạt được cũng vẫn có giới hạn. Cho nên, các vị đồng tu học Phật phải hiểu rõ được ý nghĩa này, phải ghi nhớ lời Phật răn dạy, phải thực sự nỗ lực học tập.
Đại thừa đích thực là cửa vào phương tiện. Người xưa nói không sai: “Từ bi vi bản, phương tiện vi môn.” (Từ bi là gốc, phương tiện là cửa vào.) Không giống như Tiểu thừa, Tiểu thừa thì nhất định phải phá trừ ngã chấp của bản thân, thật không dễ dàng, thật hết sức khó khăn. Đại thừa dùng phương tiện khéo léo tuyệt vời, làm thay đổi ý niệm, chuyển hóa ý niệm. Khi mê thì mỗi một ý niệm đều vì bản thân mình, giác ngộ rồi thì mỗi một ý niệm đều vì chúng sinh, tự bản thân mình không có thân, không có mạng. Vậy thân là của ai? Thân này là hết thảy chúng sinh, mạng cũng là hết thảy chúng sinh, chỉ có một ý niệm, vì hết thảy chúng sinh phụng sự. Trong việc phụng sự thì nội dung trọng yếu nhất là giúp đỡ hỗ trợ chúng sinh giác ngộ.
Trong kinh Bát-nhã chúng ta thấy được điều đó, nhưng thật ra bất kỳ kinh điển Đại thừa nào khác cũng không ngoại lệ, chỉ có điều là kinh Bát-nhã nói được rất rõ ràng, rất sáng tỏ.
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni khi còn tại thế, quý vị xem trong đời sống của ngài, cho đến hết thảy mỗi việc nhỏ nhặt cũng đều là giúp đỡ hỗ trợ chúng sinh giác ngộ. Từ việc mặc áo, ăn cơm, như trong kinh Kim Cang mọi người đều đã tụng đọc quá quen thuộc, đức Phật mỗi ngày đều đắp y ôm bát vào thành lớn Xá-vệ khất thực. Điều đó có nghĩa là gì? Là Phật pháp rốt ráo trọn vẹn đầy đủ, nhưng chúng ta phàm phu tâm ý thô tháo không thể nhìn ra được. Tôn giả Tu-bồ-đề có thể nhìn ra được. Ngài thấy rõ ràng, hết thảy chư Phật mười phương ba đời vì chúng sinh thuyết giảng tất cả Phật pháp, thảy đều ở nơi những việc mặc áo, ăn cơm [mỗi ngày] biểu hiện trọn vẹn, hoàn toàn đầy đủ. Đương nhiên chỉ những ai nhìn thấy được mới chịu học, những người ấy cũng có khả năng học được.
Chúng ta nếu muốn học, nhìn vào không thấy được, vậy phải học ở đâu? Chỗ này chúng ta có thể thắc mắc, ngài Tu-bồ-đề rốt cùng đã thấy được những dấu hiệu gì? Ngài Tu-bồ-đề thấy ra được, là thấy được chỗ “vô trụ sinh tâm” (sinh tâm không vướng chấp) cho nên không ngừng ngợi khen xưng tán: “Hy hữu Thế Tôn.” (Đức Thế Tôn thật là hiếm có!) Khởi sinh tâm là điều bình thường trong cuộc sống, so với mọi người là hoàn toàn giống, không có gì khác. Nhưng chúng sinh khởi tâm rồi trụ tâm. Thế nào là trụ tâm? Vọng tưởng là trụ, phân biệt là trụ, bám chấp là trụ, trụ đến mức cứng chắc, bền bỉ. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni vì chúng ta biểu hiện là “không trụ”. Đó là điều hy hữu.
Chúng ta từ chỗ này thể hội được, quý vị cũng học được, quý vị biết được phải sống như thế nào, làm người như thế nào. Như vậy là đại viên mãn, là đại tự tại, là hạnh phúc chân chính.
Không có trí tuệ trọn vẹn đầy đủ thì quý vị không thể phân biệt được những điều đúng sai, lợi hại. Quý vị nắm giữ pháp luật, thưởng phạt không công bằng, tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp. Hiểu biết sáng tỏ rồi, bất luận là quý vị giữ cương vị gì, đều là hành đạo Bồ Tát, đều là tu tích vô lượng vô biên công đức, ngài Tu-bồ-đề sau khi thấy được cũng sẽ ngợi khen tán thán là hy hữu. Chỗ này đang nói về Tể quan thì sẽ tán thán là “Hy hữu Tể quan!”, so với việc tán thán Thế Tôn cũng không khác biệt. Điều này chúng ta phải thể hội được, phải học tập theo.