(Giảng ngày 12 tháng 3 năm 2000 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 172, số hồ sơ: 19-012-0172)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời mở sách Cảm ứng thiên, đoạn thứ 102: “Áp lương vi tiện. Man mạch ngu nhân.” (Chèn ép khinh khi người lương thiện. Lừa gạt kẻ khờ khạo ngu ngốc.) Hai câu này, trong xã hội hiện đại hầu như rất thường nhìn thấy. Đây là hai câu cuối cùng của phần nói về “những việc ác do không có lòng nhân hậu khoan dung”.
Chúng ta đọc đến đoạn này trong Cảm ứng thiên, cảm xúc rất sâu sắc, nghĩ đến trong xã hội hiện nay những quả báo chiêu cảm bởi sự tạo các nghiệp ác thật đáng sợ. Vì sao những người bình thường trong xã hội hiện nay đối với việc tạo các nghiệp ác đều tập quen thành thói thường, một mảy may ý niệm cảnh giác cũng không hề có? Dường như việc tạo các nghiệp ác là việc rất bình thường, thỉnh thoảng có người làm việc thiện liền khiến cho mọi người đều cảm thấy lạ lùng kỳ quái, thấy như đó là trái với lẽ thường. Hiện tượng này quyết định không phải là tốt đẹp.
Do đó có thể biết rằng, xã hội Trung quốc hiện nay cũng giống như ở các nước khác, không có tiêu chuẩn để phân biệt thiện ác. Nói cách khác, người ta không biết những gì là thiện, những gì là ác, lấy ác cho là thiện, lấy thiện cho là ác, việc thiện chẳng thèm làm, việc ác thì đua nhau mà làm. Cho nên thế giới mới có ngày tận thế, tương lai phía trước hoàn toàn không khả quan.
Các nhà tôn giáo phương Tây nói rằng cuối thế kỷ này là ngày tận thế. Cuối thế kỷ này, quý vị đều biết không phải là năm 1999, mà là năm nay, vì thế kỷ 21 phải bắt đầu tính từ năm tới, không thể lấy năm 2000 cho là thuộc thế kỷ 21. Khi tính đếm, quý vị phải tính đến một ngàn là chẵn số, quý vị không thể chỉ tính đến 999. Năm nay, năm 2000 mới thực sự là cuối thế kỷ.
Có khả năng có tai nạn hay không? Chúng ta đem sách Cảm ứng thiên đối chiếu qua một lượt thì trong lòng có thể hiểu rõ. Vì sao tiêu chuẩn [phân biệt] thiện ác bị mất đi, trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật dạy rất rõ ràng: “Tiên nhân bất thiện, vô hữu ngứ giả, thù vô quái dã.” ([Là do] thế hệ trước không tốt, không ai dạy bảo họ, hoàn toàn không trách họ.) Đức Phật nói ra câu này thật hết sức đau xót, hết sức linh hoạt, cũng là giúp chúng ta phải đề cao cảnh giác. “Tiên nhân bất thiện” là nói trước đó một thế hệ. Người thuộc thế hệ trước chỉ toàn xem nặng việc tranh danh đoạt lợi, chuyện giáo dục đều xem thường bỏ qua. Lẽ tất nhiên khi người người đều có khuynh hướng chạy theo danh văn lợi dưỡng, khuyến khích sự cạnh tranh thì đó là trái ngược với giáo dục.
Trung quốc từ mấy ngàn năm qua, các bậc hiền thánh xưa, chư Phật, Bồ Tát đều dạy người nhẫn nhục nhường nhịn, đều dạy người nhún nhường lui bước, không hề dạy người cạnh tranh nhau. Cho nên, dạy người cạnh tranh nhau là phản giáo dục. Tranh giành là ý niệm xấu ác, hành vi xấu ác. Nói cách khác, [ngày nay] đề xướng việc giáo dục ý niệm xấu ác, hành vi xấu ác, còn nền giáo dục ý niệm hiền thiện, hành vi hiền thiện thì bị công kích, đè nén xuống. Như vậy sao có thể được?
Các bậc thánh hiền thế gian cũng như xuất thế gian đều dạy chúng ta gieo nhân lành mới được quả lành, tạo nghiệp ác nhất định phải chiêu cảm quả báo xấu ác. Xã hội ngày nay là xã hội gì? Chúng ta quay lại tự xét chính bản thân mình, xem tự mình thường nuôi dưỡng những tâm niệm gì? Có phải là ngày ngày trong xã hội này đều cạnh tranh nhau, cạnh tranh không từ bất kỳ một thủ đoạn nào? Cho nên, ngày nay không có sự giáo dục trong gia đình, giáo dục trong xã hội cũng không có, giáo dục trong trường học cũng không có. Hơn thế nữa, cả ba phương diện [gia đình, xã hội, học đường] đều là phản giáo dục. Xã hội như vậy còn có tương lai được sao?
Pháp sư Khai Tâm ở Đài Nam là người mà quý vị cũng rất kính ngưỡng, vừa mới vãng sinh. Tôi nghe các vị đồng tu bên đó kể rằng, trước khi ngài ra đi có nói: “Trên bầu trời Đài Loan có một đám mây đen bao phủ.” Đài Loan như vậy, ngày nay toàn thế giới, trọn quả địa cầu này cũng đều như vậy, đang bao phủ một vùng đen tối. Trí tuệ là ánh sáng, tham sân si là đen tối. Chúng ta suy ngẫm xem, có được mấy người thực sự dứt trừ tham sân si, siêng năng tu tập giới định tuệ? Giới định tuệ tỏa chiếu ánh sáng, tham sân si che trùm khí đen. Vấn đề này hết sức nghiêm trọng, là ở ngay trước mắt chúng ta.
Mười ba năm trước, Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam vãng sinh. Một ngày trước khi vãng sinh, thầy nói với các [học trò] đồng học: “Thế giới này hỗn loạn, chư Phật, Bồ Tát, thần tiên xuống trần cũng không cứu nổi.”
Thầy lại nói: “Chỉ còn duy nhất một con đường sống là chân thành niệm Phật cầu sinh Tịnh độ.”
Việc này cách đây đã mười mấy năm, hiện tại nhìn xem xã hội này, nhớ đến lời của Lý lão sư, thật đã hoàn toàn ứng nghiệm. Chúng ta ngoài việc niệm Phật cầu sinh Tịnh độ, còn có biện pháp nào tốt nữa? Phát tâm đại từ bi, giúp đỡ hỗ trợ xã hội này, cũng chỉ là việc cố hết sức người, còn phải đợi xem mệnh trời mà thôi. Sao có thể không buồn đau thương xót?
Đọc đến hai câu này, như câu “Chèn ép khinh khi người lương thiện”, trong phần chú giải là giảng theo nghĩa hẹp. Chúng ta quan sát hiện tượng trong xã hội hiện tiền là nghĩa rộng. “Khinh khi người lương thiện”, trong ngạn ngữ gọi là: “Ngựa hay bị người cưỡi, người tốt bị người khác khinh khi.” Như vậy thì mọi người đều không muốn làm người tốt. Người tốt bị người khác khinh chê, cô phụ. Người tốt bị xã hội xem thường.
Thế nhưng tự mình cần phải biết, nếu ta học làm việc ác, trở thành người xấu ác, cũng chiếm lấy phần lợi lộc của người khác, thì một đời này ngắn ngủi mấy mươi năm qua đi rồi, đến đời sau biết phải làm sao, đã nghĩ đến hay chưa? Đời sau chính là phải đọa vào ba đường ác, vào địa ngục.
Nếu như thấu hiểu được ý nghĩa này, rõ biết được chân tướng sự thật, trong một đời này ta làm người tốt bị người khác khinh khi xem thường. Không cần phải nói là người tốt ở đời bị người khác khinh thường, chúng ta ở trong cửa Phật, quý vị muốn làm một người tốt, dựa theo lương tâm mà tu hành, cũng phải chịu chèn ép bức bách, cũng phải chịu hủy nhục, cũng có người khinh khi xem thường quý vị. Tục ngữ có câu: “Đi cùng đường ghen ghét nhau.” Chướng ngại rất nhiều, chúng ta chỉ biết khẩn cầu chư Phật, Bồ Tát che chở, giúp đỡ. Nói thật ra, làm được một ngày biết một ngày, cũng không biết được ngày mai sẽ ra sao. Có cơ hội thì làm việc tốt, không có cơ hội thì chân thành niệm Phật. Chỉ có thể làm được đến như vậy thôi.
Câu tiếp theo là “Lừa gạt kẻ khờ khạo ngu ngốc.” Đó là dựa vào chút thông minh, trí tuệ nhỏ nhoi của mình, nhà Phật gọi là “thế trí biện thông”, mà dùng âm mưu, dùng xảo kế để lừa gạt chúng sinh, khiến cho những kẻ ngu khờ không hề hay biết, đều bị quý vị lừa bịp, đều bị quý vị lợi dụng. Trong phần chú giải có mấy câu nói rất hay. Người ngu không phải chỉ là không đọc sách, không biết chữ. Trong những người không đọc sách, không biết chữ cũng vẫn có rất nhiều người trí tuệ cao minh.
Với những người ngu chúng ta nhìn thấy hiện nay thì thế nào gọi là ngu? Là không có năng lực phân biệt những điều chân vọng, tà chính, thiện ác, thị phi. Họ tốt nghiệp đại học, có học vị bác sĩ, cũng vẫn là người ngu. Rất nhiều, rất nhiều!
Thế gian này có rất nhiều tà giáo. Quý vị xem những người tin theo tà giáo đều là như trong câu này nói đến. Các thầy truyền giáo của tà giáo dùng phương pháp nào đó để lừa gạt họ, họ không có năng lực phân biệt, lấy tà làm chính, tưởng như đúng mà sai, những người kia cùng với họ hủy báng chánh pháp, khinh khi, chèn ép, hủy nhục những người chân chánh tu hành. Bọn tà sư này không phải chánh thần, không phải Phật, Bồ Tát. Yêu ma quỷ quái kết hợp chung cùng với bọn họ, thường thường chúng ta xem thấy quy tụ rất đông người. Người hiện nay gọi là tài lực hùng hậu, khí thế rất lớn, tín đồ rất đông, đặt chi nhánh trên khắp thế giới. Đây chính là như bậc cổ đức đã nói, thời đại này là “pháp nhược ma cường” (chánh pháp suy yếu, tà ma mạnh mẽ). Khí thế mạnh mẽ của tà ma cao ngất, đệ tử Phật thật đáng thương, người tu hành chân chánh thật đáng thương.
Những người [theo tà đạo] này khinh chê chèn ép người lương thiện, tội lỗi của họ thật hết sức nặng nề. Người làm như vậy nhất định phải chịu quả báo xấu ác. Người bị khinh chê lừa bịp vì ngu muội không biết. Họ không biết mình bị lừa, cũng không biết mình thiệt thòi, đương nhiên càng không có khả năng trốn thoát khỏi bàn tay của tà ma. Thế nhưng đám yêu ma quỷ quái nhất định rồi cũng phải chịu nhân quả báo ứng.
Chúng ta hiểu rõ được ý nghĩa này, nhìn thấu chân tướng sự thật, tự mình mới thấy được là hết sức may mắn, đời này được sinh ra làm người, được nghe chánh pháp, thật không dễ dàng chút nào. Người xưa nói là “trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được”. Đúng là như vậy.
Sau khi được nghe Phật pháp rồi, làm sao để có thể trong một đời này thành tựu, đó là hoàn toàn dựa vào lòng tin của chính ta, niềm tin chân thật. Còn phải tùy duyên tùy phận cầu nhận hiểu. Lý lẽ nhà Phật rất sâu xa, phải thấu hiểu sáng tỏ, phải thông đạt. Hiểu lý rõ ràng rồi thì lòng tin của quý vị, tâm nguyện của quý vị mới kiên cố không còn thối chuyển.
Vì sao nghe theo lời vô căn cứ của người khác? Yêu ma quỷ quái ngày ngày truyền rộng những lời vô căn cứ, quý vị vì sao lại chịu nghe theo? Đó là quý vị đối với ý nghĩa của kinh luận nhận hiểu được quá ít, quý vị không chống lại được sự dẫn dụ mê hoặc. Nguyên nhân là ở chỗ này. Cho nên, quý vị thấy trong kinh điển đức Phật thường dạy chúng ta “học rộng nghe nhiều”, “hiểu sâu ý nghĩa”. Nếu thực sự có thể nhận hiểu sâu xa, trí tuệ khai mở, quý vị liền có năng lực nhìn thấu được những mánh khóe của yêu ma quỷ quái, quý vị không bị chúng tác động. Thế lực của bọn chúng rất lớn, đồ chúng rất đông, nhưng chúng ta sống giữa chung quanh toàn là cảnh giới của ma cũng có thể thành tựu được. Như vậy mới không uổng phụ một đời này đã được thân người, được nghe Phật pháp.
Nhưng tự mình phải giữ vững theo lời răn dạy của chư Phật, Bồ Tát, của các bậc tổ sư đại đức. Lời răn dạy của các ngài là trí tuệ chân thật, là từ bi vô tận. Kinh điển phải thường xuyên đọc, mỗi ngày đều phải đọc, không một ngày nào không đọc. Trong lúc đọc kinh phải hiểu được nghĩa kinh, phải y theo lời dạy vâng làm. Không cần phải tụng đọc nhiều, quý ở chỗ tinh túy, không phải ở số lượng nhiều. Mỗi ngày có thể học một câu, thực hành một câu, như vậy cũng được vô lượng công đức. Tụng niệm được rất nhiều, nhưng một câu cũng không làm theo được, như vậy cũng đồng như người không niệm. Người xưa gọi đó là “hoàn toàn không công đức”.
Nhất định phải làm được, phải thực sự nỗ lực mà làm. Chúng ta tự mình làm được, đó là khuyến khích, giáo hóa người khác. Chúng ta tự mình nêu gương tốt cho người khác noi theo, những người quanh ta dù nhìn thấy không giác ngộ, vẫn còn có quỷ thần. Quỷ thần cũng nhìn thấy được.
Cách đây ba ngày, có một vị đồng tu nằm mộng, gọi điện thoại nói với tôi, nói về những bài vị thờ trong điện Phật của Phật-đà Giáo Dục Cơ Kim Hội ở Đài Bắc. Trong Phật-đà Giáo Dục Cơ Kim Hội đặt các bài vị thờ cúng không thu tiền, thờ cúng số lượng rất nhiều. Có một vị trong đó báo mộng nói rằng, muốn được đến đạo tràng Cư Sĩ Lâm ở Singapore để nghe kinh, niệm Phật. [Người nằm mộng] điện thoại báo với tôi như vậy. Cho nên, tôi nghe như vậy rồi, ở Niệm Phật đường, Giảng đường bên này có nói với mọi người: “Quý vị tu tập có thể xem là không tệ, có quỷ thần muốn đến tham học.” Cho nên, chúng ta thờ cúng một số bài vị “Đài Bắc Phật-đà Giáo Dục Cơ Kim Hội Vãng Sinh Đường Thượng Chúng Linh Vị”, là vì họ mà làm một bài vị chung. Tôi cũng nghĩ đến ở Đài Bắc chúng ta còn có Đồ Thư Quán. Khi tôi còn ở Đồ Thư Quán thờ cúng các bài vị vãng sinh không ít, tôi cũng thỉnh các vị này đến. Cho nên cũng có bài vị “Đài Bắc Hoa Tạng Đồ Thư Quán Vãng Sinh Đường Thượng Chúng Linh”. Còn có các vị oán thân trái chủ của bốn chúng đồng học ở hai đạo trường, chúng ta cũng thờ chung một bài vị siêu độ.
Chúng ta phàm phu mắt thịt không nhìn thấy được, cũng có người có thể thấy được kể lại với chúng ta, oán thân trái chủ của mỗi một người xếp thành hàng đi theo sau [người ấy] kéo dài đến mấy dặm đường, ta nhìn không thể thấy được. Quý vị nói xem có đáng sợ hay không? Tôi tin lời nói này là thật, vì oán thân trái chủ ấy là từ vô lượng kiếp đến nay. Cho nên, chúng ta trên con đường tu đạo Bồ-đề, vì sao tiến bước khó khăn gian khổ đến thế này? Vì oán thân trái chủ quá nhiều. Quý vị muốn thành tựu, quý vị muốn giải thoát, những kẻ ấy không cam tâm. Họ cần phải báo thù, trả oán, đòi nợ, trả nợ. Những ân ân oán oán như vậy còn chưa dứt được thì sự phiền toái quấy nhiễu hãy còn rất nhiều. Người học Phật chúng ta tin vào điều này, quyết định đây không phải là mê tín.
Vậy chúng ta phải làm sao? Hạt nhân đã được gieo xuống rồi, nên biện pháp duy nhất là tùy theo duyên đến mà giải quyết. Chúng ta từ nay về sau không trở lại làm việc ác, hết sức răn ngừa những lời nói ác, hành vi ác, quan trọng thiết yếu hơn nữa là dứt trừ hết những ý niệm xấu ác. Thực sự làm được đến chỗ tâm ý hiền thiện, lời nói hiền thiện, việc làm hiền thiện, ba nghiệp đều thiện, đem công đức ấy hồi hướng cho oán thân trái chủ, ta xem như trả nợ, đền nợ. Tôi tin là tuyệt đại đa số oán thân trái chủ đều vui lòng tiếp nhận, như vậy mới hóa giải được, con đường tu đạo Bồ-đề mới có thể được xuôi buồm thuận gió.
Cho nên chúng ta thường niệm bài kệ hồi hướng: “Nguyện dĩ thử công đức, trang nghiêm Phật Tịnh độ, thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ.” (Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Tịnh độ Phật, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường.) Đó là cởi mở hóa giải oán cừu.
Thế nhưng quý vị phải suy ngẫm, chúng ta lấy công đức gì [để hồi hướng]? Tụng niệm một thời kinh, không có công đức. Lễ Phật một lạy có công đức hay không? Không có công đức. Vì tâm ý với hành động không tương ưng, khởi tâm động niệm vẫn là tự tư tự lợi, lời nói việc làm vẫn là hại người lợi mình, công đức ở chỗ nào?
Lạy Phật, phải lạy như thế nào mới có công đức? Đem tâm cung kính lạy Phật đó mà cung kính hết thảy chúng sinh. Lạy Phật như vậy có công đức. Ta đối với Phật cung kính như thế nào, đối với hết thảy chúng sinh cũng đều cung kính như vậy, đó mới là công đức. Đối với Phật hết sức cung kính, đối với người khác không cung kính, như vậy không có công đức.
Đọc kinh, hiểu nghĩa, vâng làm theo đều có công đức. Chỉ tụng đọc thôi, không hiểu được nghĩa kinh, cũng không biết thực hành theo, như vậy đọc kinh không có công đức. Không có công đức mà hồi hướng như trên là nói dối. Nói dối là có tội, quỷ thần chê cười quý vị, quỷ thần không dung thứ cho quý vị.
Cho nên, chúng ta phải thực sự tu tập, từ trong tâm ý, từ nơi lời nói, từ nơi hành vi đều phải sửa lỗi, tự làm trong sạch chính mình.
Về tiêu chuẩn thiện ác, sách Cảm ứng thiên này là một giáo trình hết sức tốt. Đại sư Ấn Quang vì chúng ta giới thiệu, vì chúng ta đề xuất, để chúng ta đọc qua sách này. Sách này chính là các tiêu chuẩn [phân biệt] thiện ác. Những điều thiện nói trong sách, chúng ta có làm được không? Những điều xấu ác nói trong sách, chúng ta kiểm điểm lại bản thân mình, có phạm vào những lỗi lầm như vậy hay không? Dứt trừ hết thảy việc ác, tu tập hết thảy việc lành, đó là công đức.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.