(Giảng ngày 9 tháng 10 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 107, số hồ sơ: 19-012-0107)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời xem Cảm ứng thiên vị biên, đoạn thứ 45: “Thị phi bất đương, hướng bội quai nghi.” (Đúng sai không thích đáng, chánh tà đều trái lẽ.) Đoạn này chỉ có hai câu. Từ đây cho đến đoạn thứ 56 là giảng về “sĩ hoạn chi ác” (những điều ác của quan chức). Hai chữ “sĩ hoạn”, nói theo thời nay là chỉ chung các nhân viên hành chánh, quan chức chính quyền.
Đức Phật dạy, hết thảy chúng sinh, bất kể là sinh sống bằng nghề nghiệp gì, làm những công việc gì, đều không tránh khỏi tạo tác ác nghiệp. Như trong kinh Địa Tạng nói: “Chúng sinh cõi Diêm-phù-đề, khởi tâm động niệm đều là tội lỗi.” Câu nói này không một chút quá đáng. Ngay như những người xuất gia tu hành ngày nay cũng không tránh khỏi việc tạo tác tội nghiệp. Chúng ta đọc kinh Di-lặc Bồ Tát sở vấn, thấy trọn bộ kinh này đều là nói về những tội lỗi mà người xuất gia tạo ra trong thời mạt pháp. Bồ Tát đặc biệt từ bi, vì chúng ta nêu rõ, nghiệp báo của mỗi điều trong số đó đều phải vào địa ngục A-tỳ. Cho nên, ngạn ngữ có câu: “Trước cửa địa ngục nhiều thầy tăng.” Đó là nói lên sự thật.
Chúng ta xuất gia, đều là trong lúc mờ mịt mơ hồ mà xuất gia, không hiểu rõ được rằng cương vị của người xuất gia là dễ tạo tội nghiệp nhất. Hơn nữa việc nhận lấy quả báo cũng nghiêm trọng hơn so với bất kỳ công việc nào khác. Trước tiên chưa hề làm rõ, chưa hề suy xét rõ ràng. Sau khi đã xuất gia rồi, nếu không gặp nhân duyên thù thắng, không thể hiểu biết Phật pháp một cách chính xác, đúng đắn, không biết được Phật là thế nào, đệ tử Phật là thế nào, rốt cùng phải tu học như thế nào mới đúng pháp...
Tu tập đúng pháp thì được vô lượng công đức, quả báo cũng thù thắng không gì sánh được. Nhưng nếu không đúng lý, không đúng pháp thì tội lỗi cũng rất nặng nề. Người xuất gia tu hành mà còn như vậy, huống chi là người đời? Huống chi là những người làm đủ mọi nghề nghiệp trong thế gian?
Trong tất cả nghề nghiệp ở thế gian, dễ dàng làm thiện mà cũng dễ dàng làm ác, không gì hơn là các quan chức, nhân viên hành chính. Cho nên, trong các điều ác thì Thái Thượng trước hết nêu ra những điều “bội nghịch đại ác”. Đó là nguyên nhân cội gốc của muôn việc ác. Tiếp đó nói rõ rằng hết thảy chúng sinh rất dễ dàng tạo ra đủ mọi điều ác. Đoạn trước tiên giảng về “sĩ hoạn”, tức là các quan chức, nhân viên hành chính. Chúng ta tuy không tham gia công việc hành chính, nhưng điều này rất đáng cho chúng ta tham khảo, rất đáng cho chúng ta học tập.
Vì thế, phần đầu tiên nói: “Thị phi bất đương, hướng bội quai nghi.” (Đúng sai không thích đáng, chánh tà đều trái lẽ.) Tám chữ này chúng ta cũng phải thường ghi nhớ trong lòng, chính là nói phải có năng lực phân biệt đúng sai, phải có năng lực phân biệt tà chính. Các bậc hiền thánh xưa, bất luận là giáo dục Phật pháp hay thế pháp, trước hết cũng đều dạy chúng ta phải có năng lực phân biệt những gì là chân, những gì là giả, những gì là tà, những gì là chính, những gì là đúng, những gì là sai, những gì là thiện, những gì là ác, cho đến những gì là lợi, những gì là hại. Nếu như đối với những điều này không có khả năng phân biệt, đó là hết mức ngu si. Người xưa thường nói, khác biệt giữa con người so với cầm thú, súc sinh chính là ở chỗ con người có trí tuệ, có thể phân biệt những điều nói trên. Súc sinh không có khả năng phân biệt như vậy.
Trong phần chú giải có đoạn nói rất hay, tuy không dài nhưng hết sức trọng yếu: “Quân tử phong nhân nghĩa chi cán, cố lễ nghĩa chi phòng, tắc khả dĩ thẩm hảo ác chi công, định thị phi chi đương.” (Người quân tử, việc giàu nhân nghĩa thì làm, phòng giữ không phạm lễ nghĩa, ắt có thể xét việc tốt xấu công bằng, định chuyện đúng sai thích đáng.) Câu này là đặc biệt trọng yếu.
Trong thế gian, những người trí thức thời xưa không cầu được công danh, chỉ lập chí noi theo thánh hiền. Người đi học là vì điều gì? Chính là vì muốn làm thánh nhân, muốn làm người hiền, muốn làm quân tử. Đó là mục đích của hàng trí thức [ngày xưa]. Thánh, hiền, quân tử là ý nghĩa gì? Định nghĩa chữ “thánh” là đối với chân tướng của vũ trụ nhân sinh đều triệt để sáng tỏ, đã giác ngộ. Người như vậy gọi là thánh nhân. Cũng là hiểu biết nhưng chưa thấu triệt, không được triệt để, đó là các bậc hiền nhân, quân tử.
Nói cách khác, người đi học là vì muốn hiểu rõ lý lẽ. Hiểu rõ lý lẽ thì có khả năng phân biệt đúng sai, tà chính, không nhất thiết phải ra làm quan. Người thực sự hiểu biết rõ ràng, người thấy biết sáng tỏ việc đúng sai, bất luận là cuộc sống như thế nào, cho dù làm một kẻ hành khất cũng vẫn là thánh nhân. Người ấy vẫn đạt được sự hưởng thụ cao nhất của đời người. Đó là chân thật, không phải giả dối.
Hình tướng thị hiện của đức Phật Thích-ca Mâu-ni chính là hành khất. Mỗi ngày đều ôm bát đi đến từng nhà, mỗi ngày đều xin cơm ăn, nhưng ngài là bậc đại thánh. Đời sống của ngài thực sự là hạnh phúc mỹ mãn, người thế gian chúng ta sao có thể hiểu được? Người thế gian ngu si, không có trí tuệ, không có khả năng phân biệt đúng sai, tà chánh. Cho nên, người thế gian mê hoặc, mê trong danh lợi, mê trong năm món dục, sáu trần cảnh. Những điều mà họ thọ nhận, như trong kinh Phật nói không sai, chính là “khổ, vui, lo, mừng”. Thân có khổ có vui, tâm có lo có mừng, nhưng khổ nhiều vui ít, lo nhiều mừng ít. Đó là đời sống của chúng sinh.
Đời sống của bậc thánh hiền quân tử thì thân không chịu khổ, vui, tâm không cảm xúc lo, mừng. Đó gọi là niềm vui lớn lao, đó gọi là niềm vui chân thật. Trong kinh Phật gọi là cực lạc, ai là người có thể nhận hiểu được? Những bậc thánh hiền quân tử như vậy ở trong thế gian giáo hóa chúng sinh, thân phận của họ, phương thức của họ thật là ngàn sai muôn khác.
Tại Trung quốc, trong quá khứ chúng ta đọc sách có chuyện ông Vũ Huấn. Ông là một người hành khất, nhưng là một bậc thánh nhân. Ông hiện thân hành khất để giáo hóa chúng sinh, dạy người đời dứt ác tu thiện, dạy người đời tiếp nhận những lời răn dạy của thánh hiền.
Trong câu: “Quân tử phong nhân nghĩa chi cán”, phong là phong phú, có nhiều. Xã hội có thể được bình an ổn định, có thể được phồn vinh, chúng sinh có thể cùng sống vui hòa thuận, tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, hợp tác cùng nhau, trong việc này thì mấu chốt quan trọng chính là nhân nghĩa, đạo đức. Ai dạy dỗ, ai làm khuôn mẫu [cho những điều này]? Chính là các bậc thánh hiền dạy dỗ, các bậc quân tử làm khuôn mẫu, làm gương tốt [cho mọi người noi theo]. Nói cách khác, phải đề cao nhân nghĩa.
Trong câu “Cố lễ nghĩa chi phòng”, phòng là phòng phạm. Chỉ sợ có sai sót phạm vào lễ nghĩa. Cho nên cần phải thực hành nhân nghĩa, giữ lễ. Nhà Phật gọi là trì giới. Trì giới là giữ lễ. Nói theo [người đời] hiện nay là tuân thủ luật pháp. Trong kinh luận, đức Phật rất nhiều lần dạy bảo đệ tử phải luôn thủ pháp. Không chỉ là giữ theo lời răn dạy của Phật, theo giới luật của Phật, mà chúng ta sống ở địa phương nào, quốc gia nào, có những quy chế, pháp luật của quốc gia đó, những phong tục tập quán của địa phương đó, nhất định đều phải tuân thủ. Nếu vi phạm vào, tất cả đều xem như phạm giới, phá giới.
Vì thế, [phải hiểu được] Phật là gì? Bồ Tát là gì? Phật, Bồ Tát chính là những khuôn mẫu tốt nhất của đại chúng trong xã hội, trong kinh điển thường gọi là “sư phạm” của hàng trời người, là mẫu mực của hai cõi trời, người. Chữ sư là mẫu mực, chữ phạm là mô phạm, là khuôn mẫu [để noi theo]. Chúng ta học Phật, làm đệ tử của Phật, tự mình lặng lẽ suy xét kỹ xem những tư tưởng, kiến giải, hành vi của mình đã có thể làm khuôn mẫu cho đại chúng trong xã hội noi theo hay chưa? Nếu đại chúng trong xã hội tất cả đều học tập theo giống như ta thì có được hay chăng? Chúng ta phải thường xuyên tự kiểm điểm như thế mới đáng được xem là người học Phật, đích thực là đệ tử của Phật. Nếu như cách suy nghĩ, nhận thức, cách nói, cách làm của ta đối với đại chúng trong xã hội có sự nguy hại thì phải gấp rút sửa đổi, điều chỉnh cho chính đáng. Nếu như tư tưởng, hành vi của ta đối với đại chúng trong xã hội có lợi ích, cần phải nỗ lực làm.
Đức Phật dạy chúng ta một quan điểm căn bản là, nhất định không được vì riêng bản thân mình. Phật dạy, lợi ích riêng tư cho bản thân là nguyên nhân căn bản của mọi điều xấu ác. Nếu chỉ nghĩ vì bản thân mình, đó gọi là phàm phu. Hết thảy mọi việc đều không nghĩ đến vì bản thân mình, chỉ nghĩ đến vì hết thảy chúng sinh, nghĩ đến vì xã hội, người như thế chính là Phật, Bồ Tát.
Lợi ích cho xã hội chính là lợi ích cho gia đình mình. Lợi ích cho đại chúng chính là lợi ích cho tự thân mình. Hết thảy đều vì chúng sinh, hết thảy đều vì xã hội, đó chính là Phật, là Bồ Tát. Chư Phật, Bồ Tát khác biệt với phàm phu chính là ở chỗ này.
Hàng đệ tử Bồ Tát ở ngay trong cuộc sống, ngay trong công việc, trong xử sự, đối đãi với người, tiếp xúc muôn vật, phải nêu ra được một [chuẩn mực] “đúng sai thích đáng” cho mọi người nhìn vào. Đặc biệt là trong xã hội hiện đại này, nền giáo dục của các bậc hiền thánh xưa đã bị mọi người vất bỏ, quên lãng, người người đều chạy theo danh lợi, tranh danh đoạt lợi, đúng sai điên đảo. [Chuẩn mực] không thích đáng là điên đảo, lấy sai làm đúng, lấy đúng làm sai.
Chúng ta ngày nay học Phật, nếu như có người nghe nói “không vì tự thân mình, chỉ vì người khác”, họ liền nói: “Ông sai rồi, ông điên đảo mê hoặc rồi.” Họ cho rằng chúng ta điên đảo mê hoặc. Thế nào họ mới cho là đúng? Là phải giành lợi ích cho riêng mình.
Người nước ngoài, cho đến pháp luật cũng chế định về “quyền riêng tư”. Quyền riêng tư chính là lợi ích riêng tư của bản thân mình, lấy điều này mà cho là đúng, đó là điên đảo, là [phân định] đúng sai không thích đáng.
[Trong “hướng bội quai nghi” thì] hướng là hướng về, là khuynh hướng, bội là theo hướng trái ngược với chánh đạo, nên “hướng bội” là sai trái, thế nhưng người đời hiện nay không biết được. Chúng ta học Phật, Phật dạy ta phải hướng về đâu? Phải hướng về Phật đạo, là con đường thành Phật. Phải hướng về Bồ Tát đạo, như vậy là chính xác, là đúng đắn. Vĩnh viễn thoát ra khỏi sáu đường luân hồi, thoát ra khỏi mười pháp giới. Chúng ta phải hướng theo con đường ấy, như vậy mới được.
Thế nhưng người đời đang hướng về đâu? Chỗ hướng về của người đời hiện nay không phải là sáu đường luân hồi, mà là ba đường ác. Cho nên, người đời trái nghịch với Phật đạo, với Bồ Tát đạo, họ hướng về ba đường ác, cho đến hai đường trời, người họ cũng đều trái nghịch.
[Những gì] Thái Thượng Cảm ứng thiên dạy chúng ta chính là con đường sinh về hai cõi trời, người. Chúng ta mỗi ngày đều tụng đọc, suy ngẫm kỹ, thường tự xét tâm hành của mình so với những điều Thái Thượng đã giảng có tương ưng, phù hợp hay không? Nếu là phù hợp thì chỗ ta đi đến chính là cõi người, cõi trời. Nếu như trái nghịch, không phù hợp, thì chỗ ta đi đến chính là súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục.
Trong giai đoạn hiện nay, Đại sư Ấn Quang đặc biệt vì chúng ta đề cao các sách Liễu Phàm tứ huấn, Cảm ứng thiên, An Sĩ toàn thư, quả thật là đại từ đại bi. Ngài là một bậc Tổ sư đại đức trong cửa Phật, vì sao không đề cao Phật pháp? Ba quyển sách nói trên đều không phải sách của nhà Phật. Đó là vì Phật pháp quá thâm sâu, quá rộng lớn, thời gian ngắn ngủi không dễ dàng lý giải được, không dễ dàng khế nhập được. Cho nên ngài mới dùng đến ba quyển sách này. Ba quyển sách này so ra ý nghĩa cạn cợt dễ hiểu hơn, có thể dùng để gấp rút cứu nguy. Hy vọng mọi người làm theo được ba quyển sách này thì có thể vững vàng đặt chân vào hai cõi trời, người, không đến nỗi sa đọa [vào ba đường ác], sau đó sẽ tiếp tục học Phật.
Do vậy, chúng ta hiểu rõ được rằng, ba quyển sách này là nền tảng học Phật. Không có nền tảng này, quý vị đến với Phật pháp cho dù có dụng công nỗ lực như thế nào, cuối cùng cũng đều không thể thành tựu. Ba thừa của Phật pháp đều được xây dựng trên nền tảng nhân thừa. Làm người còn chưa làm tốt thì nói gì đến chuyện khác?
Cho nên, trong một câu này, trước tiên nêu rõ với ta chuyện đúng sai, chánh tà, chúng ta phải lưu ý, nhất định không được xem thường.
Tốt rồi, thời gian đã hết, hôm nay chúng ta giảng đến đây thôi.