(Giảng ngày 13 tháng 2 năm 2000 tại Tịnh Tông Học Hội Australia, file thứ 159, số hồ sơ: 19-012-0159)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời mở sách Cảm ứng thiên, đoạn thứ 91. Phần sau của đoạn này có một câu: “Vọng trục bằng đảng.” (Ngu muội kết thành bè đảng bon chen.)
Chuyện này từ xưa đến nay, ở khắp mọi nơi đều không tránh khỏi. Nhưng cái hại của sự “kết thành bè đảng”, trong lịch sử vẫn thường thấy được. Trong xã hội hiện nay của chúng ta gọi là bang phái, đảng phái, hoặc kết thành bè đảng để mưu lợi riêng tư, người đời cũng gọi là xã hội đen, hết thảy đều thuộc vào loại này. Những hạng người này sở dĩ có thể dụ dỗ mê hoặc được người khác [đi theo họ], đó là vì dùng đến danh lợi hoặc quyền thế.
Người thời xưa từ thuở nhỏ đã được học qua nền giáo dục của thánh hiền, nhận biết rõ ràng thị phi, tà chánh, nhận biết rõ ràng thiện ác, chân vọng, cho nên trong việc xử sự, đối đãi với người, tiếp xúc muôn vật đều có thể vận dụng lý trí sáng suốt, không đến nỗi lạm dụng tình cảm. Đối với thanh thiếu niên trong xã hội hiện nay thì vấn đề nghiêm trọng là trong gia đình không có ai dạy dỗ, giáo dục, mà đến trường học cũng không ai dạy dỗ chúng. Còn như bước ra xã hội thì càng tệ hại hơn, không cần phải nói nữa. Cho nên, vấn đề này là cực kỳ nghiêm trọng.
Vì sao độ tuổi thiếu niên [ngày nay] phạm tội nhiều đến thế? Tỷ lệ mỗi năm mỗi cao hơn. Đây là điều hết sức kinh khủng, hết sức đáng sợ. Từ sự thật này chúng ta mới hiểu ra được, các bậc hiền thánh xưa vì sao hết sức xem trọng việc giáo dục nhi đồng đến thế, vì sao hết sức xem trọng việc ngăn ngừa từ trước, mới biết rằng xã hội an định, đất nước được yên ổn lâu dài, nền tảng vững chắc chính là nhờ ở sự giáo dục các em nhi đồng.
Cha mẹ, thầy cô giáo, mọi người trong xã hội đều có thể là những tấm gương tốt để các em noi theo. Do đó có thể biết rằng, giáo dục như vậy là một hệ thống hoàn chỉnh, không phải từng bộ phận riêng lẻ. Ngạn ngữ Trung quốc có câu: “Sống đến già học đến già, học mãi không thôi.” Ý nghĩa câu này là, đã làm người thì vĩnh viễn luôn trong quá trình tiếp thu học hỏi, không thể nói rằng thanh thiếu niên học đến tốt nghiệp trường lớp rồi là kết thúc sự học hỏi. Không phải vậy, phải học hỏi mãi mãi.
Trong xã hội Trung quốc hiện đại, nói về giáo dục thì phổ cập hơn rất nhiều lần, phát triển hơn rất nhiều lần so với trong quá khứ. Chúng ta nhìn thấy trường học rất nhiều ở mỗi địa phương, từ tiểu học, trung học cho đến đại học. Theo lý thuyết mà nói thì xã hội hiện nay của chúng ta so với thời xưa phải tiến bộ nhanh chóng vượt bậc, vì sao đời sống của chúng ta, môi trường của chúng ta, chú tâm quan sát kỹ đều không bằng người xưa?
Chúng ta đọc trong sách xưa đều thấy được, đời sống của người thời xưa có thể nói là đều nằm trong tình thơ ý họa, đích thực là có chân thiện mỹ và trí tuệ, đích thực là đời sống con người. Còn nói về đời sống của chúng ta hiện nay thì đích thực là một đời sống máy móc, giờ nào thức dậy, giờ nào ăn cơm, giờ nào làm việc, nhất nhất đều là khuôn thước một cách máy móc. Tình cảm thương yêu giữa người với người hết sức nhạt nhẽo, thậm chí có những lúc không còn thấy nữa.
Xã hội ngày nay, con người kết hợp với nhau chẳng qua chỉ trong quan hệ lợi hại. Có lợi ích thì tạm thời kết hợp, không có lợi ích thì lập tức chia tay, không hề có chút tình nghĩa gì. Không cần nói đến đạo nghĩa, ngay cả tình nghĩa cũng không có rồi. Trong đó, rõ ràng nhất là [tình nghĩa] vợ chồng. Thời xưa không hề nghe nói đến ly hôn. Chúng ta đọc sách xưa đâu có bao giờ nghe nói đến ly hôn? Ly hôn là chuyện sỉ nhục rất lớn, làm gì có chuyện như vậy! Thế nhưng trong xã hội ngày nay, chúng ta thấy tỷ lệ ly hôn rất cao. Điều đó cho thấy gì? Cho thấy là người ta kết hợp với nhau không có tình thương yêu. Vậy vì sao họ kết hợp với nhau? Chỉ vì hai chữ lợi hại. Trong lúc cả hai bên cùng được lợi ích thì kết hợp, đến lúc có sự phân chia lợi ích thì lập tức chia tay.
Cho nên, hiện tượng kết thành đảng phái hiện nay cũng hết sức phổ biến. Chúng ta hiện nay lo học Phật, việc tiếp xúc với xã hội rất ít, phạm vi đời sống rất giới hạn, nên những chuyện bên ngoài chúng ta rất ít biết đến, chỉ thỉnh thoảng nghe nói mà thôi. Đặc biệt chúng ta cũng rất ít đọc báo, cũng không xem truyền hình. Như vậy là rất tốt, về mặt tu học mà nói thì tâm địa thanh tịnh hơn, mỗi ngày đều sống trong cảnh thiên hạ thái bình, không có vấn đề bất ổn gì, thế giới này [đối với ta] hết sức thanh bình, hết sức an tĩnh. Thế nhưng nếu chúng ta đọc báo, xem truyền hình, [sẽ thấy] thế giới đang đại loạn, không phải thời thái bình.
Chuyện kết bè lập phái, thật hết sức không may là ngay cả trong cửa Phật cũng có, phái này với phái kia lập thành một đảng. Mỗi một đạo trường, nếu như là đạo trường lớn, quy tụ nhiều người, trong đó liền phân ra nhiều phái nhỏ. Có người kể với tôi, trong đạo trường của một ngôi chùa kia, chúng ta nhìn vào từ bên ngoài thấy rất hưng vượng, tăng chúng có đến mấy trăm người, đèn hương nghi ngút, nhưng có người cho biết trong đó có ít nhất là hàng chục đảng phái. Tôi nghe qua thở dài, tin là có thật, vì những đạo trường như vậy chính tôi cũng đã từng gặp rồi.
Đảng phái tụ tập đông đảo, trong hiện tại có thể tạm thời duy trì đều là vì mọi người trong đó có lợi ích chung. Nếu như lợi ích phân chia không đồng đều, đảng phái liền chia rẽ, phát sinh mâu thuẫn đấu tranh, liền biến thành tai họa. Trong Phật pháp gọi đó là “phá hòa hợp tăng”. Những kẻ này thật to gan lớn mật, đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã dạy rằng quả báo của việc này là đọa vào địa ngục A-tỳ!
Cho nên, việc kết bè kết đảng để mưu lợi riêng, ngày nay kể cả học sinh trong trường cũng có, trong xã hội hầu như hết thảy các ngành nghề đều có, cho đến trong phạm vi chính trị cũng không tránh khỏi. Hiện tại trong tôn giáo, không chỉ là Phật giáo mà mỗi tôn giáo khác cũng đều có, xã hội như vậy làm sao có thể ổn định? Thế giới làm sao có thể hòa bình?
Từ hiện tượng này, chúng ta chú ý quan sát kỹ lưỡng, đời nay có những người nói rằng thế giới đã đến ngày tận thế, chúng ta ngẫm nghĩ xem có khả năng như vậy hay không? Thật rất có khả năng.
Xã hội này cũng không thiếu những bậc chí sĩ nhân đức, tôi thường tham gia các hoạt động đa văn hóa, trong lúc có nhiều lãnh tụ tôn giáo cùng nhau hội họp cũng đều thẳng thắn thừa nhận: “Trong tôn giáo của chúng tôi, trong đạo trường tu tập của chúng tôi, mọi người cũng tồn tại không ít mâu thuẫn.”
Năm ngoái, tôi tham gia khai mạc hội nghị tại Paris, có một vị linh mục Thiên chúa giáo nói thật với tôi việc ông ấy hoài nghi việc các tôn giáo làm sao có thể đoàn kết được với nhau? Ông ấy bảo tôi, đó là vì vấn đề giáo dục. Thế nhưng giáo dục là chuyện lâu dài, không phải chuyện nhất thời ngắn ngủi. Giáo dục cần phải có được những con người chân chính giác ngộ. Chúng ta thử suy ngẫm xem, thời xưa các bậc đại đức như vậy, khi đức Phật Thích-ca Mâu-ni tại vườn Lộc Uyển bắt đầu giảng kinh thuyết pháp với năm vị tỳ-kheo, đức Khổng tử sau khi chu du khắp các nước, trở về quê hương mở trường dạy học, các vị đều là những bậc đại thánh đại hiền, nhưng phải trải qua biết bao nhiêu thời gian mới khởi sinh được ảnh hưởng đối với xã hội. Chúng ta phải thể hội được điều đó.
Hiện tượng xã hội trong thời đại chúng ta ngày nay, so với thời đại đức Phật, so với thời đại của Khổng tử, thật khác biệt quá nhiều. Vào thời ấy, con người tuy chưa nhận được sự giáo hóa của thánh hiền nhưng tâm địa hiền thiện tốt đẹp, dễ dàng giáo hóa. Xã hội hiện nay thì dạy ta những gì?
Vì thế, tiên sinh Phương Đông Mỹ khi còn tại thế, lúc nói đến truyền hình thì lắc đầu ngao ngán. Ông nói: “Những thứ này sẽ làm diệt vong cả một quốc gia, hủy diệt mất cả xã hội.” Vậy truyền hình thật ra là gì? Truyền hình chính là [một hệ thống] giáo dục. Hệ thống ấy dạy người ta những gì? Điều này chúng ta hiện nay đã thấy rất rõ. Phương tiên sinh nói rằng, nhân tố đầu tiên làm diệt vong nước Mỹ trong tương lai chính là [hệ thống] truyền hình. Quý vị quan sát một đứa bé, vừa mới sinh ra thì cặp mắt đã nhìn thấy màn ảnh truyền hình, mỗi ngày đều học theo truyền hình. Thế nhưng những gì trình chiếu, diễn ra trên truyền hình chính là giết hại, trộm cắp, dâm dục, dối trá. Cho nên, ngày nay ở nước Mỹ chúng ta nhìn thấy lứa tuổi thanh thiếu niên thường chết vì súng đạn. Nguyên nhân vì sao? Vì học theo các phim hành động, phim chiến tranh trên truyền hình. Chính phủ Mỹ cho đến nay vẫn không hề cảnh giác với điều này.
Phương tiên sinh nói rất rõ, những thứ như vậy chỉ là công cụ. Công cụ không có lỗi gì, chỉ hoàn toàn do người sử dụng công cụ. Vào thời ấy, Phương tiên sinh đã cảnh cáo các quan chức, chính phủ Đài Loan phải chú ý đến vấn đề này. Nếu đi theo con đường của nước Mỹ thì tương lai Đài Loan thật không dám nghĩ đến. Tuy rằng tiên sinh rất nhiều lần nói như vậy, nhưng có ai chịu nghe? Có ai xem trọng những lời của tiên sinh? Cho nên, xã hội ngày nay hỗn loạn, chúng ta phải biết được điều đó phát sinh từ đâu.
Vì sao trong xã hội có những kẻ kết bè kết đảng mưu lợi riêng? Đều là vì mưu cầu lợi ích trước mắt, không biết đến hậu quả về sau lợi hại thế nào. Cho nên, trong Phật pháp nói rằng, người thời nay “thật đáng thương xót”. Đó là ngu si, đích thật là ngu si. Chúng ta nghe nói như vậy thì không chấp nhận, không chịu tin, nhưng không chỉ là không có khả năng phân biệt chân thật với hư vọng, không có khả năng phân biệt tà chánh, thiện ác, cho đến lợi hại cũng không thể phân biệt, như vậy chẳng phải hết mức ngu si đó sao?
Chúng ta hết sức may mắn có được thân người, được nghe Phật pháp, được gặp bậc thiện tri thức. Cho dù việc phân biệt chân thật với hư vọng hay phân biệt thị phi quả là rất khó khăn, ta không có khả năng, nhưng đối với sự phân biệt thiện ác, phân biệt lợi hại, chúng ta cũng rõ biết được một phần, đó mới là biết né tránh tai nạn tìm đến an lành.
Chúng ta sinh ra nhằm thời hỗn loạn, nếu có cơ duyên giúp đỡ được người khác, người xưa gọi đó là “kiêm thiện thiên hạ” (làm cho thiên hạ cùng tốt đẹp). Nếu không có cơ duyên thì phải biết “độc thiện kỳ thân” (tự hoàn thiện riêng mình). Cho nên người xưa có rất nhiều tấm gương tốt đẹp, sống ẩn dật trong chốn núi rừng, suốt một đời sống khổ hạnh tu hành, các ngài cũng đạt đến sự thành tựu trọn vẹn đầy đủ, chúng ta phải hiểu rõ được ý nghĩa đó.
Vì thế, những kẻ rơi vào chỗ “vọng trục bằng đảng” (ngu muội kết thành bè đảng bon chen) đều là bị che mờ bởi danh văn lợi dưỡng ngay trước mắt. Cho nên những bậc tu hành, mà không chỉ người tu hành, cho đến những kẻ có học thời xưa, hết thảy đều chấp nhận sống đời nghèo khó. Điều này chúng ta phải chú tâm quan sát nhận hiểu. Các vị vì sao như vậy? Không phải vì họ không có năng lực, không phải vì không có trí tuệ, vì sao chấp nhận sống đời nghèo khó? Trong việc này có ý nghĩa rất lớn lao.
Chúng ta xem như việc đức Khổng tử ngợi khen Nhan Hồi. Nhan Hồi là người ưu tú nhất trong số các đệ tử của đức Khổng tử, lại cũng là người nghèo khó nhất. Nhưng đời sống vật chất dù có nghèo khó, đời sống tinh thần lại hết sức sung túc dồi dào. Chúng ta ngày nay chỉ biết tìm cầu thú vui trong đời sống vật chất, hoàn toàn xao lãng, quên đi đời sống tinh thần. Đó chính là căn bệnh nặng của chúng ta.
Quý vị thấy là chúng ta có mang theo [đến Australia] băng video [nói về] vị nữ tu già tên Hứa Triết. Bà đã một trăm lẻ một tuổi, cuộc sống vật chất hết sức thanh bần nhưng đời sống tinh thần hết sức sung mãn, dồi dào.
Sáng sớm hôm nay tôi thấy cư sĩ Lâm mang đến một tờ báo, trong đó có tiêu đề rất lớn, “một người lái thuyền đã một trăm lẻ chín tuổi”. Đó là cầm sào chèo thuyền, một trăm lẻ chín tuổi mà hiện nay vẫn còn chèo thuyền, thể chất người này hoàn toàn không khác với lão bà Hứa Triết, vẫn còn chèo thuyền được. Suốt đời sống thanh bần, người như vậy thật đã biết sống nghèo vui đạo.
Mỗi tôn giáo khi nói đến chuyện tu trì đều phải buông xả hết danh văn lợi dưỡng, buông bỏ hết sự hưởng thụ năm món dục trong sáu trần cảnh. Cơ đốc giáo, Thiên chúa giáo đều tán thán “thánh thần nghèo”. Các bậc thần tiên nhất định không có sở hữu, như vậy các vị mới là thần tiên. Chư Phật, Bồ Tát cũng không có sở hữu, ba tấm y, một bình bát, thật là thánh thần nghèo. Quý vị thực sự có thể buông bỏ muôn duyên thì mới có thể sống một đời sống tinh thần cao thượng như vậy. Cũng giống như đức Khổng tử khen ngợi Nhan Hồi: “Một giỏ cơm, một bầu nước.” Đời sống như vậy đối với người khác ắt phải lo âu không chịu nổi, thế nhưng “Nhan Hồi không bỏ niềm vui ấy”.
Đời sống của Nhan Hồi thật hết sức vui thích, hết sức sung sướng. Vui sướng ở chỗ rõ biết lý lẽ, thấu hiểu được chân tướng vũ trụ nhân sinh, thấu triệt lẽ nhân quả báo ứng, tương lai thật sáng tỏ rỡ ràng, sao có thể không vui thích? Kẻ phàm phu mê đắm trong danh văn lợi dưỡng trước mắt, tương lai mù mịt tối tăm, họ không biết được.
Cho nên, cái hại của việc kết bè kết đảng chúng ta phải biết rõ, nhất định không thể làm như vậy, không chấp nhận những sự dụ dỗ mê hoặc ấy.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.