(Giảng ngày 4 tháng 3 năm 2000 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 168, số hồ sơ: 19-012-0168)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Mời xem Thái Thượng Cảm ứng thiên, đoạn thứ 98: “Phận ngoại doanh cầu. Lực thượng thi thiết.” (Mong cầu vượt quá phận mình. Đem dùng cạn kiệt năng lực.) Hai câu này là thuộc về “những việc ác do không có lòng nhân hậu khoan dung”.
“Phận ngoại” là vượt ngoài phần của mình, cũng là vượt quá phận mình mà mong cầu. “Lực lượng thi thiết”, lực là nói phạm vi năng lực của quý vị, không còn chút nào giữ lại, đó là nói không còn chút nào lưu giữ, điều này cũng là sai lầm. Nói cách khác, như vậy là không biết khiêm nhường. Đó là hàm ý tổng quát.
Trong phần chú giải nói rất rõ, quý vị xem qua có thể hiểu được rõ ràng. Với tâm thái như vậy, dù làm việc gì cũng đều là suy tổn phước báo. Chúng ta sau khi hiểu được ý nghĩa này rồi thì nhất định phải giác ngộ. Con người sống ở đời thời gian rất ngắn ngủi tạm bợ, trăm năm chỉ như cái búng móng tay. Trong cuộc đời ngắn ngủi này, cần gì phải [khó khăn] không khoan dung tha thứ cho người khác mà tạo thành hết thảy nghiệp tội? Điều này trong kinh Phật thường nói là hết sức ngu si “thật đáng thương thay”.
Bậc quân tử có lòng nhân, việc gì cũng nhẫn nhịn nhún nhường, việc gì cũng lùi lại phía sau [người khác], chỗ phước đức có được thật không cùng tận. Nói chung, những người không biết nhường nhịn người khác thì đó là tướng phước đức mỏng manh. Người như vậy thì không cần thiết phải so đo tính toán với họ.
Trong xã hội hiện đại, nếu bình tĩnh quan sát quý vị sẽ thấy được mối nguy cơ rất lớn đang tiềm ẩn. Hơn nữa, ngay trong khi chúng ta đang quan sát thì cũng chưa biết chừng không bao lâu nữa mối nguy cơ ấy sẽ bộc phát. Cách đây mấy tháng, tôi xem qua bản tạp chí Mộ Tây ở Los Angeles, trong đó có chương “Thống kê thanh thiếu niên phạm tội tại Hoa Kỳ”. Tôi xem qua rồi hết sức kinh sợ. Nếu như sự việc này không được cải thiện thì tại Hoa Kỳ trong khoảng hai mươi đến ba mươi năm nữa thật không dám tưởng tượng. Không chỉ Hoa Kỳ sẽ hủy diệt, cả thế giới này cũng đều hủy diệt. Vấn đề thật đã nghiêm trọng hết mức. Tôi cũng vì sự việc này mà đã đặc biệt đến California một chuyến, cùng với các vị lãnh tụ tôn giáo, lãnh tụ xã hội ở địa phương tổ chức hai lần tọa đàm trên đài truyền hình, chủ yếu là thảo luận vấn đề này. Hiện tại mọi người đối với vấn đề này vẫn hết sức lo âu, chưa có biện pháp giải quyết.
Vậy đây là vấn đề gì? Chính là vấn đề giáo dục, bao hàm cả giáo dục trong gia đình, giáo dục ở nhà trường, giáo dục ngoài xã hội và cũng bao quát cả giáo dục trong tôn giáo. Bốn phương diện giáo dục này phải kết hợp thực hiện thật tốt thì mới có thể cứu vãn được. Thế nhưng muốn kết hợp bốn phương diện giáo dục này thật khó khăn vô cùng. Cho nên, tôi thỉnh cầu Đài truyền hình cho phát nội dung chính diện này nhiều lần, dẫn dắt lòng người, công đức vô lượng. Các vị Đổng Sự Trưởng, Tổng Giám Đốc của Đài truyền hình đều rất khó thuyết phục. Khi họ đồng ý rồi, tôi mới cung cấp các băng ghi hình giảng kinh cho họ. Nói thật ra, cách làm này cũng chỉ như muối bỏ bể, chỉ là cố cho hết sức người mà thôi. Hy vọng đại chúng trong xã hội đều có thể giác ngộ, đều có thể phản tỉnh, đều có thể quay đầu thì thế giới này mới cứu vãn được.
Hồi tuần trước, cư sĩ Tam Trọng Liêu ở Đài Bắc đến đây gặp tôi, tôi có đem việc này nói với ông ấy. Ông ấy bảo tôi, số lượng thanh thiếu niên ở Đài Loan phạm tội như vậy đem so với ở Hoa Kỳ chỉ có nhiều hơn chứ không thể ngang bằng. Cha mẹ dạy dỗ con cái, cha mẹ nói ra một câu thì con cái trả treo lại đến mười câu. Tôi nghe nói như vậy thì vấn đề của Đài Loan đã nghiêm trọng, nhất định phải có tai nạn lớn.
Người đời hiện nay không chịu đọc sách. Các bậc hiền thánh xưa của Trung quốc dạy bảo chúng ta không phải là tiên tri, không phải là mê tín. Hiền thánh xưa dạy ta quan sát những điều tốt xấu, lành dữ trong xã hội là quan sát từ đâu? Chính là từ nơi lòng người. Quý vị quan sát thật kỹ, con người [thời nay] nghĩ tưởng những gì, họ nói ra những gì, họ làm những gì. Nếu như ba nghiệp [thân, khẩu, ý] đều hiền thiện thì xã hội tốt đẹp. Ba nghiệp bất thiện thì xã hội đó chắc chắn phải có tai họa giáng xuống. Đó không phải là mê tín.
Lời dạy của người xưa, chúng ta lại đem kinh luận của Phật ra đối chiếu qua một lượt, càng kiên định lòng tin, tin sâu không nghi ngại. Trong kinh điển, Phật dạy: “Y báo tùy trước chánh báo chuyển.” (Y báo tùy theo chánh báo mà thay đổi.) Y báo là hoàn cảnh sống của chúng ta, là gia đình, xã hội, quốc gia, thế giới của chúng ta, đều là hoàn cảnh sống của ta. Hoàn cảnh tùy theo lòng người mà chuyển biến, tùy theo ý niệm của người mà chuyển biến. Tâm niệm hiền thiện, hoàn cảnh tốt lành, hoàn cảnh là phước báo. Tâm niệm bất thiện, đó là tai ương, đó là hung hiểm, là họa hại.
Cho nên, các bậc thánh hiền thế gian và xuất thế gian, các ngài xuất hiện ở thế gian để làm những gì? Từ xưa đến nay, ở khắp mọi nơi, hầu như các ngài đều cùng làm một việc giống nhau là giáo dục, truyền đạo. Nguồn gốc của họa hại là ở đâu? Trong Phật pháp nói rất rõ ràng, nguồn gốc ở nơi “ngã kiến”. Nhưng số người thực sự thể hội được danh từ này không nhiều. Tác dụng của “ngã kiến” là gì? Tạo thành tác dụng gì? Đó là tự tư tự lợi, mọi người đều thấy rõ. Chúng ta ngày nay nhìn xem, con người trên toàn thế giới này, có người nào là không tự tư tự lợi? Có người nào không liều mạng truy cầu danh văn lợi dưỡng, năm món dục trong sáu trần cảnh?
Hai câu này cũng là từ chỗ đó mà nói: “Mong cầu vượt quá phận mình. Đem dùng cạn kiệt năng lực.” Không từ bất cứ thủ đoạn nào, dối lừa ngang ngược cướp đoạt, tranh danh trục lợi.
Tối hôm qua có cư sĩ Hà Vân từ Bắc Kinh sang Singapore đến thăm tôi, buổi tối chúng tôi cùng dùng cơm ở Kim Sơn Các. Kim Sơn Các là một nhà hàng chay, trong đó đặt rất nhiều tivi. Tôi nhìn qua màn ảnh tivi thấy có nữ ca sĩ đang hát. Tôi nhìn cô ca sĩ ấy, thật là ma quỷ chứ không phải người. Nghe nói cô ca sĩ này khi đi hát bên ngoài thì vé vào cửa được bán đến một ngàn đồng mỗi vé, như vậy sao được? Chúng ta giảng kinh thuyết pháp không thu tiền mà người ta còn không chịu đến nghe, đằng này mỗi vé một ngàn đồng mà họ cũng liều mạng chui đầu vào. Chúng ta nghĩ xem con người hiện đại trong đầu suy tưởng những gì? Thật không thể được, toàn ma quỷ hỗn loạn.
Trong kinh Lăng Nghiêm có nói: “Tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng.” Đâu là tà sư? Hết thảy đó đều toàn là tà sư. Bọn họ dẫn dắt xã hội như vậy, xã hội làm sao không hỗn loạn? Tai nạn dồn dập, lần sau nghiêm trọng hơn lần trước, chúng ta liền hiểu được tai nạn từ đâu đến. Đạo đức, nhân nghĩa, lễ giáo đều bị vất bỏ hết rồi, dứt sạch rồi. Tương lai của hết thảy những chúng sinh này sẽ đi về đâu? Nếu quý vị thấu hiểu được đôi chút Phật pháp, [có thể thấy được là họ] đều vào trong ba đường ác. Hiện tượng địa ngục, chúng sinh địa ngục, hiện tượng đó đã biểu lộ ra rồi, đó là hình tướng địa ngục, tướng địa ngục hiện tiền, chúng ta còn chưa giác ngộ sao?
Bằng cách nào cứu vãn được Phật pháp? Bằng cách nào cứu được chúng sinh? Chúng ta thực sự không rõ biết, bằng cách nào để cứu chính mình cũng không biết được, quý vị nói xem có đáng thương xót hay không? Từ chỗ nào bắt đầu cứu vãn? Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, Phật dạy chúng ta ba điều “tịnh nghiệp tam phúc”. Tính chất quan trọng thiết yếu của ba điều này, có mấy người biết được? Đức Phật dạy rất rõ ràng, “đây là chính nhân tịnh nghiệp của ba đời chư Phật”. Câu này chẳng phải đã quá rõ rồi sao? Ba đời là chư Phật quá khứ, chư Phật hiện tại, chư Phật tương lai. Hết thảy những người tu hành thành Phật đều dựa trên nền tảng này. Bất kể quý vị tu theo pháp môn nào, thuộc tông phái nào, Hiển giáo hay Mật giáo, Thiền tông hay Giáo tông, hết thảy đều lấy những điều này làm nền tảng. Không có nền tảng này, quý vị chắc chắn không thể thành tựu. Sự tu hành của chúng ta trước tiên phải đặt căn bản từ chỗ này. Từ đó về sau, quý vị mới có thành tựu, sự dụng công của quý vị mới có hiệu quả. Nói thật ra, quý vị mới được chư Phật hộ niệm, được các vị trời, rồng, thiện thần ủng hộ. Nếu quý vị bỏ qua đi nền tảng này, cho dù quý vị có tu học tinh tấn, chư Phật cũng không hộ niệm quý vị, các vị trời, rồng, thiện thần cũng không bảo vệ, giúp đỡ quý vị. Vì sao vậy? Vì con đường quý vị đi là tà đạo, vì những điều [quý vị bỏ qua đó] là căn bản của chánh pháp.
Căn bản của những nền tảng này là gì? Là “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng”, chính là tám chữ ấy. Ba đời mười phương chư Phật giáo hóa vô lượng vô biên chúng sinh trong các pháp giới là dạy những gì? Chính là dạy tám chữ này. Từ tám chữ này, nếu chúng ta giản lược đi có thể còn lại bốn chữ là “hiếu thân tôn sư” (hiếu với cha mẹ, tôn kính thầy). Lại giản lược thêm một lần nữa thì còn hai chữ “hiếu kính”. Giáo hóa của các bậc thánh hiền thế gian cũng như xuất thế gian chính là hai chữ “hiếu kính” này. Thực hành hai chữ này được trọn vẹn đầy đủ là thành Phật. Nếu chúng ta vất bỏ đi hai chữ này là bất hiếu với cha mẹ. Quả thật, có hiếu với cha mẹ thì quý vị không dám khởi sinh vọng tưởng, không dám làm chuyện sai trái. Vì sao vậy? Làm chuyện sai trái, khởi sinh vọng tưởng là có lỗi với cha mẹ. Không y theo lời dạy vâng làm là có lỗi với thầy.
Hôm nay tôi nói ra những lời này thật hết sức đau lòng, vô cùng cảm khái. Bởi vì ngày nay hiếu đạo, sư đạo không còn nữa. Ngày nay có ai nghe ai? Cho dù ai cũng không nghe ai, vẫn hy vọng người khác chịu nghe tôi. Bồ Tát Phổ Hiền dạy chúng ta “hằng thuận chúng sinh”, hiện tại thì hoàn toàn ngược lại, chỉ hy vọng chúng sinh hằng thuận ta, ta không thể hằng thuận chúng sinh. Đó là thiên hạ đại loạn, cho nên tai nạn, họa hại đều giáng xuống.
Phương thức bổ cứu là cứ theo hướng ngược lại mà làm. Người đời bất hiếu, ta phải tận hiếu, nêu gương cho mọi người noi theo. Người đời bất kính, ta phải cung kính, nêu gương cho mọi người noi theo. Đó là chư Phật Bồ Tát tái sinh, hiện thân thuyết pháp. Phải là bậc tái sinh mới có thể làm được, không phải bậc tái sinh không thể làm nổi, vì không có trí tuệ, cũng không có phước đức. Phải là bậc đại trí tuệ, đại phước đức mới có thể làm được. Duyên lành của chúng sinh thuần thục mới có bậc đại thiện tri thức, bậc tái sinh xuất hiện. Chúng sinh không có phước đức, đã tạo nghiệp đến lúc phải chịu tai nạn, những bậc tái sinh như vậy sẽ lui về ở ẩn, yêu ma quỷ quái xuất hiện.
Cho nên, mọi người phải ghi nhớ trong kinh Lăng Nghiêm có nói, thế gian hiện nay của chúng ta, yêu ma quỷ quái nhiều như cát sông Hằng. Chúng ta nghe câu này phải tự mình tỉnh táo phản tỉnh, xét xem tự thân mình có phải yêu ma quỷ quái hay không? Điều này rất quan trọng thiết yếu. Nếu như thấy mình là yêu ma quỷ quái thì phải nhanh chóng quay đầu hướng thiện. Quay đầu là bờ. Phật với ma chỉ khác biệt nhau trong một niệm. Một niệm giác ngộ thì ma thành Phật, một niệm mê hoặc thì Phật đọa thành ma. Cho nên, các bậc đại đức trong tông môn thường nói: “Không có Phật cũng không có ma.” Chỉ khác biệt ở một niệm, phải nỗ lực học tập.
Chúng tôi vì quý vị đồng học trong Tịnh độ tông mà biên soạn sách Tịnh Tông đồng học tu hành thủ tắc, thật hết sức cấp bách. Đó là đã giản lược đến mức không còn có thể ít hơn, đã đến mức ít nhất rồi. Chúng ta có thể làm được [theo trong sách] thì trong một đời này nhất định được sinh về Tịnh độ, nhất định được chư Phật hộ niệm, được các vị trời, rồng, thiện thần theo bảo vệ, giúp đỡ. Chúng ta ở trong thời đại này như đang cơn sóng dữ, không thể để bị nhấn chìm, phải có khả năng giữ gìn vững chắc. Nếu không thể y theo lời dạy vâng làm, nhất định sẽ bị con sóng dữ của thời đại này nuốt mất, con đường tương lai của quý vị nhất định là tối tăm u ám.
Tôi năm nay tuổi đã cao, tùy thời có thể ra đi, tôi tự biết mình sẽ đi về đâu. Con đường tương lai của tôi thật sáng tỏ rỡ ràng. Khi thân thể này còn lưu lại chốn thế gian vẫn hết lòng hết sức vì mọi người, giúp đỡ hỗ trợ mọi người nhận hiểu rõ ràng được chân tướng sự thật.
Trước mắt là đủ mọi sự nguy nan, có tác động hay không là do quý vị đồng tu có sự cảnh giác hay không. Nếu có thể cảnh giác là quý vị có phước đức. Nếu vẫn như xưa vô cảm không thay đổi, tôi đối với quý vị cũng đã hết trách nhiệm. Tương lai quý vị có đọa vào ba đường ác cũng không thể trách tôi, tôi đã sớm báo trước rồi. Khởi tâm động niệm, nói năng hành động, tôi thường nói là phải buông bỏ đi thành kiến của bản thân, kiến giải của riêng mình, tư tưởng của riêng mình. Đó đều là tội lỗi, xấu ác. Kinh Địa Tạng nói: “Chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề, mọi cử chỉ, hành vi, nói năng đều là tội lỗi.” Đó là lời Phật dạy, không phải do tôi nói ra. Chúng ta suy ngẫm, thấy không sai!
Cần phải buông bỏ, hết thảy đều thuận theo lời răn dạy của chư Phật, Bồ Tát, y theo lời dạy vâng làm, chúng ta mới được cứu vớt. Cho nên, nhất định phải buông bỏ tự tư tự lợi, buông bỏ danh văn lợi dưỡng, buông bỏ tham sân si mạn, hết thảy vì chúng sinh, vì Phật pháp, quyết định không vì tự thân mình, chúng ta chỉ một đường này là thoát ra, được giải thoát. Giải trừ được những quan niệm sai lầm của chúng ta, cách nghĩ sai lầm, cách nhìn sai lầm, thoát khỏi tự tư tự lợi, thoát khỏi danh văn lợi dưỡng, thoát khỏi năm món dục trong sáu trần cảnh, liền thoát ly được sáu đường luân hồi.