(Giảng ngày 3 tháng 11 năm 1999 tại Hương Cảng, file thứ 122, số hồ sơ: 19-012-0122)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Về câu “Tri quá bất cải. Tri thiện bất vi” (Biết lỗi không sửa. Biết thiện không làm), trong sách Vị biên trích dẫn một đoạn khai thị của thiền sư Thiên Như đời Nguyên. Đoạn văn khai thị này rất dài, ý nghĩa nói về một bài kệ của người xưa:
Ngã kiến tha nhân tử,Ngã tâm nhiệt như hỏa.Bất thị nhiệt tha nhân,Khán khán luân đáo ngã.(Ta thấy người khác chết,Lòng ta như lửa đốt.Không phải nóng vì người,Thấy phiên mình sẽ tới.)Bài kệ này cảnh giác cao độ người tu hành. Lời như vậy vẫn thường nghe nói, có ai lại không biết? Có ai không nói ra được? Nhưng thiền sư nói rất hay: “Những đức lớn trong hiện tại, đa phần đều nhờ việc hạ thủ công phu mà có.”
Như trước đây từng kể qua chuyện Tào Hàn đời Tống. Trong một kiếp trước, ông sinh vào đời Đường, một lần được nghe Pháp sư giảng kinh, vừa nghe xong hết sức hoan hỷ liền dọn cơm chay cúng dường chúng tăng. Chỉ nhờ một việc thiện ấy mà trải qua nhiều kiếp ông không bị mất thân người, đều có cuộc sống tốt đẹp, đến đời Tống thì ông làm một vị tướng quân.
Do đó có thể biết rằng, người đời hiện nay được giàu sang phú quý, nhất định là do trong quá khứ đã từng tu tích phước báo chân thật. Cơ duyên tu tích phước báo chân thật rất khó gặp. Khi gặp được cơ duyên mà không biết tu phúc thì thật đáng tiếc. Đặc biệt trong kinh điển Phật đã dạy, chúng ta tin tưởng lời Phật là chân thật, những người tu hành hết thảy đều là từ vô lượng kiếp đến nay đã nhiều đời nhiều kiếp tu tập bố thí cúng dường, nghe pháp tu hành. Nếu không có những căn lành phước đức nhân duyên như vậy, trong đời xấu ác có năm sự uế trược như hiện nay quý vị làm sao được thân người, được nghe Chánh pháp? Nhân duyên như vậy thật vô cùng hiếm có! Bậc cổ đức tán thán đó là “từ vô lượng kiếp đến nay, hiếm có khó gặp”. Lời này hoàn toàn không phải nói quá, đích thực là lời vô cùng chân thật. Thế nhưng chúng ta lại không hề quan tâm đến.
Vì sao chúng ta tu hành, công phu vẫn cứ như xưa không hiệu quả? Nguyên nhân là không buông bỏ triệt để. Cho dù mỗi ngày đều có công phu, mỗi ngày đều tu học, lỗi lầm là ở chỗ nào? Lỗi lầm ở chỗ là không tinh tấn, không dũng mãnh, không kiên định, không bền bỉ, không hề phát tâm dài lâu. Không thể nói là quý vị không phát tâm, thế nhưng sau khi phát tâm rồi thì hết sức dễ dàng thối thất. Khiếm khuyết của chúng ta chính là ở chỗ này. Lỗi lầm ta có biết hay không? Quả thật có biết, nhưng biết mà không thể sửa. Điều thiện ta có biết hay không? Quả thật có biết, nhưng biết mà không chịu làm.
Vì sao biết mà không chịu làm? Điều này tôi cũng thường nhắc đến, khi tôi mới học Phật, hơn hai mươi tuổi, từng đem vấn đề này thưa hỏi Đại sư Chương Gia. Đại sư bảo tôi: “Là do biết không triệt để.” Tôi suy ngẫm thấy quả là rất đúng. Thầy cũng dạy tôi, nền giáo dục của đạo Phật là “tri nan hành dị” (khó biết, dễ thực hành). Câu này khiến tôi có ấn tượng cực kỳ sâu sắc. “Tri”, quả thật là rất khó. Đức Thế Tôn thuyết pháp trong 49 năm, chính là hy vọng mọi người biết được chân tướng sự thật này, sáng tỏ được ý nghĩa này. “Hành”, nói thật ra là chỉ trong khoảng thời gian một niệm, một niệm ấy vừa chuyển đổi liền tự thân thành Phật. Đức Thế Tôn tự thân mình làm mẫu mực cho chúng ta, ta cũng thấy được Đồng tử Thiện Tài [trong kinh Hoa Nghiêm] thành tựu ngay trong một đời. Trong kinh Pháp Hoa, Long nữ tám tuổi thành Phật, chứng minh việc thực hành [đạo Phật] không khó.
Quý vị vì sao không chịu thực hành? Vì chỗ biết của quý vị không thấu triệt, quý vị biết nhưng chỉ hiểu được một phần. Nếu quả thật đã hiểu biết được thấu triệt, sáng tỏ, đâu có lý nào lại không buông xả! Người đã thực sự hiểu biết sáng tỏ thì triệt để buông xả, vĩnh viễn không thay đổi nữa. Trong kinh điển đức Phật ngợi khen tán thán người như vậy thực sự là bậc trượng phu, là đại trượng phu. Đích thực gọi là anh hùng hào kiệt.
Thế nhưng, chúng ta lưu tâm quan sát kỹ, người tu hành trong thế gian này, được mấy người có thể giữ lòng trước sau không thay đổi? Thiền sư Thiên Như nói rất hay, trong mười người thì đã hết chục người thối thất tâm đạo!
Theo ngài thì việc thối thất tâm đạo là do nhân duyên gì? Là do có nhân duyên thối thất. “Nhân” là như vừa nói trước, người tu hành đối với chân tướng sự thật, ý nghĩa của nhân sinh vũ trụ không thực sự hiểu biết sáng tỏ. Đó là nhân. “Duyên” là trong tự tâm thì chất chứa phiền não tham sân si, tự tư tự lợi, hoàn cảnh bên ngoài thì năm món dục trong sáu trần cảnh dẫn dụ mê hoặc. Đó là duyên. Duyên ở nội tâm, duyên nơi ngoại cảnh đều là bất thiện, người tu làm sao không thối chuyển? Thiền sư ở chỗ này giảng giải với chúng ta về các duyên. Ngài nói, có ba loại duyên, thảy đều là những sự tướng chân thật.
Duyên thứ nhất là “trói buộc vì thân, miệng”. Vì muốn được ăn ngon, muốn sống an nhàn sung sướng, như chúng ta ngày nay nói là chạy theo sự hưởng thụ vật chất, danh văn lợi dưỡng, tham cầu năm món dục trong sáu trần cảnh, vì tất cả những điều ấy trói buộc, dù người xuất gia hay tại gia cũng đều rơi vào chỗ này.
Duyên thứ hai nói về người tại gia, có quyến thuộc người thân nên “trói buộc vì quyến thuộc”, phải nuôi dưỡng gia đình nên “trói buộc vì sinh kế gia đình”. Sau khi xuất gia lẽ ra phải buông bỏ hết tất cả, nhưng chỉ tiếc là [nhiều người] thân xuất gia nhưng tâm không xuất gia, vẫn giữ nguyên vẹn không hề buông xả danh văn lợi dưỡng, suốt ngày đắm chìm trong danh lợi làm nguồn sống, do đó mà thối thất tâm đạo.
[Theo thiền sư thì] những tập khí phiền não như vậy “trói buộc, giết chết người trong thiên hạ”, khiến cho họ “bận rộn suốt một đời, rối ren suốt một đời, khổ não suốt một đời”, để rồi cuối cùng “uổng phí cả một đời”. Huống chi là trong một đời này lại còn “sinh khởi vô lượng tham sân si, tạo tác vô số nghiệp ác lớn nhỏ”. Nghiệp ác đều có quả báo, quả báo đó ở trong ba đường ác. Trong biển khổ ba đường ác, tám nan xứ, luân hồi sinh tử, chịu khổ não vô lượng vô biên, không được giải thoát.
Đức Phật vì chúng ta giảng kinh thuyết pháp, các vị tổ sư đại đức từ bi khó nhọc răn dạy, thế mà trước sau vẫn chưa từng tỉnh ngộ. Đó là do nguyên nhân gì? Nếu chúng ta lưu tâm suy xét, tìm kiếm thì sẽ thấy nguyên nhân đó chính là do không vận dụng những chỗ học được vào thực tế. Nếu như có vận dụng được một phần vào thực tế, liền sẽ có một phần lợi lạc, có vài phần vận dụng thực tế sẽ được vài phần lợi lạc. Cho nên, đức Thế Tôn trong kinh luận đã không biết bao nhiêu lần cảnh tỉnh, nhắc nhở chúng ta phải “thọ trì, tụng đọc, vì người diễn nói”. Câu này chính là nói phải vận dụng vào thực tế.
Quý vị nghe pháp rồi, có hiểu được rõ ràng hay không? Không hoàn toàn hiểu được tất cả, chỉ hiểu được một vài câu, như vậy là tốt rồi. Quý vị đem một vài câu đã hiểu được đó vận dụng vào thực tế, quý vị liền được lợi lạc. Cho nên, không nhất thiết phải hoàn toàn hiểu rõ tất cả. Hoàn toàn hiểu rõ tất cả là chuyện không thể, nhưng hiểu được một vài câu thì ai ai cũng có thể làm được.
Nói cách khác, quý vị phải làm sao mang những điều đã hiểu ra thực hành, đó gọi là thật học, đó là công phu, đó là chân thật lợi ích. Thường xuyên nghe kinh, nghe pháp, mỗi ngày có thể hiểu rõ được một vài câu, cứ như vậy tích lũy trong năm ba năm thì người ấy có thể khai ngộ.
Nhưng chúng ta cũng thường thường nghe kinh, không chỉ năm ba năm [mà còn nhiều hơn thế], chúng ta cũng có phần hiểu được, vì sao không khai ngộ? Vì cửa ngõ giác ngộ bị phiền não che bít mất rồi, cửa ngõ giác ngộ bị những ý niệm tự tư tự lợi phủ kín, lại không có sự vận dụng vào thực tế.
Chúng ta mỗi ngày nếu nghe hiểu được một câu, liền mang câu ấy vận dụng ngay vào thực tế, ngày mai lại hiểu thêm được một câu khác, lại cũng mang câu ấy ra vận dụng vào thực tế. Người như vậy mới có thể khai ngộ.
Nghe hiểu rõ ràng nhưng không vận dụng được vào thực tế, không làm được, so ra cũng không khác gì những người nghe không hiểu, không khác gì với những người không tin Phật.
Ví như quý vị giảng nói được, quý vị giảng nói được thì có ích gì? Chỉ là cái học ghi nhớ, nghe lại từ người khác. Cái học ghi nhớ không thể vận dụng vào thực tế. Nếu có thể vận dụng vào thực tế thì cái học ghi nhớ đó mới thành thật học. Trong chuyện này có sự khác biệt, chúng ta nhất định phải phân biệt rõ ràng.
Trong kinh đức Phật dạy rất rõ ràng, nhưng lời dạy này không dễ dàng hiểu được. Phật dạy rằng thân thể này của ta cho đến quyến thuộc, gia đình, mở rộng ra là cả thế giới, thảy đều không phải tự thân ta. Cho nên Phật dạy chúng ta từ thân tâm cho đến thế giới hết thảy đều buông xả. Vì sao vậy? Vì những thứ đó đều là hư vọng. Ý nghĩa này hết sức thâm sâu.
Đức Phật vì muốn nói rõ việc này, muốn làm sáng tỏ việc này, đã dùng đến thời gian 22 năm để giảng kinh Bát-nhã. Cương lĩnh tổng quát của 22 năm giảng kinh Bát-nhã là gì? Đó là mấy câu đã được nói trong kinh Kim Cang: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” (Hết thảy những gì có hình tướng đều là hư vọng) và “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng ảo bào ảnh, Như lộ diệc như điển, ưng tác như thị quán.” (Hết thảy pháp hữu vi, như mộng huyễn, bọt nước, như sương sa, điện chớp, nên quán chiếu như vậy.)
Nếu quý vị thực sự hiểu rõ, thực sự sáng tỏ [những ý nghĩa này], quý vị sẽ tự nhiên buông xả hết, buông xả đến triệt để, buông xả đến rốt ráo, không còn tìm thấy tự kỷ nữa. Tự kỷ [thực ra] là gì? Chính là chân như tự tính, trong Thiền tông gọi là tâm ý sáng tỏ thấy được tự tính, thấy tính thành Phật. Nếu quý vị không thể một lần buông xả hết cả thân tâm thế giới, thì quý vị vĩnh viễn không thấy được tự tính. Tự tính sẽ bị những thứ chướng ngại này khác lấp đầy, bị những thứ mông muội tối tăm che lấp.
Kinh Kim Cang nói “hết thảy các pháp hữu vi”, trong pháp hữu vi bao hàm bốn [nhóm] pháp đầu tiên của một trăm pháp [là tâm pháp, tâm sở pháp, sắc pháp và tâm bất tương ưng hành pháp]. Đầu tiên hết là tâm pháp, cho nên tâm phải buông xả. Tâm [ở đây] là gì? Là vọng tưởng, phân biệt, bám chấp. Vọng tưởng là a-lại-da thức, phân biệt là thức thứ sáu hay ý thức, bám chấp là mạt-na thức. Cho nên, vọng tưởng, phân biệt, bám chấp chính là a-lại-da thức, mạt-na thức và ý thức. Đó là tâm pháp. Thân và thế giới là sắc pháp, rồi còn có tâm sở pháp và bất tương ưng hành pháp. Cả bốn nhóm pháp này gọi chung là pháp hữu vi, toàn là hư giả, không chân thật. Chúng sinh trong sáu đường [luân hồi] đều mê lấp giữa các pháp [hư giả] này, cho đó là chân thật, [đối với pháp] chân thật thì hoàn toàn không nhận thức được.
Chư Phật, Bồ Tát vì chúng ta giảng giải, nói rõ, nhưng chúng ta nghe qua không chịu tin nhận hoàn toàn, không chịu y theo lời dạy của chư Phật, Bồ Tát mà làm, cho nên những gì chân thật vĩnh viễn không thể hiển hiện, những gì hư giả thì vĩnh viễn không thể xa lìa. Tu hành theo cách trì trệ chậm lụt như thế, đời này sang đời khác từ vô lượng kiếp đến nay không thể chứng quả, không thể đạt được lợi ích chân thật từ Phật pháp. Quý vị nói xem, thật quá đáng tiếc, thật quá oan uổng.
Đến bao giờ thì chúng ta mới có thể tỉnh ngộ? Chỉ có duy nhất một biện pháp, là phải mang những điều quý vị đã học được ra thực hành, vận dụng vào thực tế. Như vậy thì quý vị mới tỉnh ngộ. Quý vị thực hành được một phần sẽ giác ngộ một phần, thực hành đôi phần thì giác ngộ đôi phần. Thực sự giác ngộ rồi thì không còn mê luyến thân tâm, thế giới. Nói cách khác, phân biệt, bám chấp sẽ dần dần, dần dần giảm nhẹ đi, trí tuệ mỗi ngày, mỗi ngày dần tăng trưởng, trí tuệ khai mở.
Đến khi nào phân biệt, bám chấp hoàn toàn không còn nữa, khi ấy chúc mừng quý vị, quý vị đã thấy được tự tính, tâm ý đã sáng tỏ thấy được tự tính. Đối với chân tướng của vũ trụ nhân sinh, quý vị đã chứng đắc được. Thực sự đã sáng tỏ rõ ràng, đó gọi là “thấy tánh thành Phật”, thành tựu trí tuệ chân thật viên mãn, thành tựu đức hạnh chân thật viên mãn. Người như vậy gọi là tự cứu độ mình, cứu độ người khác. Người như vậy được tôn xưng là Phật, là Bồ Tát.
Cho nên, xét tận cội nguồn chính là từ nơi “biết lỗi phải sửa, biết thiện phải làm”.