(Giảng ngày 6 tháng 10 năm 1999 tại Hương Cảng, file thứ 105, số hồ sơ: 19-012-0105)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời xem đoạn thứ 44 trong Cảm ứng thiên: “cương cường bất nhân, ngận lệ tự dụng” (cứng rắn chẳng có lòng nhân, làm điều tàn nhẫn tự cho là đúng). Trong phần chú giải nói: “Điều mà Khổng tử chọn lấy là cương nghị, chú trọng phần lý. Điều mà Thái Thượng răn nhắc là cứng rắn mà bất nhân, động ở phần tánh khí.”
Điều này chúng ta trước hết phải phân biệt rõ, nhất định không thể hiểu sai ý nghĩa ở đây. Phần thân thể con người có khi do bị bệnh mà tê dại, không còn cảm giác, gọi là “bất nhân” (不仁 - không cảm giác). Trong lúc tê dại thì không còn biết đau đớn, ngứa ngáy, giống như lúc bị dùng thuốc gây tê. Đây là cách giải thích đơn giản thế nào gọi là “cương cường bất nhân”.
Nói đến hạng người cứng rắn mà “bất nhân” thì cũng có nghĩa là hoàn toàn làm theo tính khí, cảm xúc của mình, không nói đến đạo nghĩa, lý lẽ. Tùy ý buông thả theo những cảm xúc buồn vui ghét giận của mình mà đối đãi với người khác, tiếp xúc với muôn vật. Việc gì không hợp ý mình thì không chỉ bác bỏ, phản đối, mà còn thường nghĩ cách muốn hãm hại đối phương.
Chỗ này [trong chú giải] viết rất hay: “Người tánh khí ưa cứng rắn, mỗi khi đối đãi với người, tiếp xúc với vật, không còn biết cảm động gì nữa, chỉ toàn cơ hội giết hại.” Chúng ta bình tĩnh suy xét lại, tự mình có phạm vào thói xấu này hay không? Không phải là không nghĩ việc hại người, chỉ là không có cơ hội để hại người, không có quyền bính để hại người mà thôi. Nếu như tự mình nắm giữ quyền lực, tự mình có cơ hội, thật không biết sẽ hãm hại bao nhiêu người tốt, không biết sẽ gây chướng ngại bao nhiêu việc tốt đẹp.
Vì sao chúng ta biết là tự mình có [thói xấu này]? Vì phiền não tập khí không dứt trừ, khởi tâm động niệm đều vì lợi ích riêng tư, toàn là nghĩ việc hại người lợi mình. Chỉ cần có ý niệm như thế thì bảy điều “bội nghịch đại ác” mà Thái Thượng nêu ra nhất định đều có đủ. Cho dù chúng ta không có quyền bính trong tay, không có cơ hội hãm hại người khác, nhưng chỉ cần khởi lên ý niệm như thế cũng đã là cực kỳ nguy hiểm.
Những điều thiện ác trong ý niệm, thường thì cho dù tự thân mình không nhận biết được nhưng quỷ thần trong trời đất đều thấy biết hết sức rõ ràng, chư Phật, Bồ Tát lại càng không cần phải nói. Cho nên, một niệm hiền thiện vừa sinh khởi, thiên thần liền ủng hộ quý vị. Một niệm xấu ác vừa sinh khởi, yêu ma quỷ quái liền tụ hội đến vây quanh quý vị, giúp thêm điều kiện thuận lợi để quý vị thực hiện thành công việc ác. Sự thật như vậy xảy ra quá nhiều, chỉ cần lưu ý quan sát một chút thì thấy ngay chung quanh chúng ta.
Trong xã hội hiện tại này, bậc thiện tri thức rất ít, những kẻ ác tri thức rất nhiều. Bậc thiện tri thức thành tựu điều tốt đẹp cho người khác, kẻ ác tri thức giúp người làm việc ác. Nhưng người xưa nói rằng, “cứng rắn không khỏi gãy đổ”, đó là nói về quả báo. Nếu như những người cứng rắn không có lòng nhân như thế này, phải chịu qua mấy lần tổn hại nặng nề, phải chịu đựng đủ cách giày vò hành hạ, thì lửa tánh khí của họ phải từ từ giảm xuống, dần dần sẽ biết quay đầu hướng thượng. Đó là trong chỗ không may có điều may mắn mắn lớn, có thể không phải đọa vào ba đường ác.
Phần này trong sách nêu lên một ví dụ. Triều Tống có Bao Công, mọi người đều biết. Bao Công là một người cứng rắn, nhưng ông rõ biết lý lẽ. Đây chính là người [cương nghị] như Khổng tử nói. Khi ông phán xử các vụ án kiện, nếu như có người đến giải bày, cầu xin ông xét nghĩ đến tình cảm, thường bị ông trách mắng, từ chối thẳng thừng. Thế nhưng nếu nói lý lẽ với ông, nói điều rất hữu lý thì ông vui vẻ lắng nghe, tiếp nhận. Ông không phải người không nói lý lẽ. Ông là người lý lẽ rõ ràng, không nói về cảm xúc tình cảm. Vì thế mọi người đều kính phục ông, tôn trọng ông. Đó là người [cương nghị,] cứng rắn có lý lẽ. Cho nên ông có đủ trí tuệ, có thể xử án. Đó là cái dũng của người có lòng nhân.
Thế nhưng ngày nay người thực sự hiểu rõ lý lẽ không nhiều. Lý lẽ họ hiểu được là kiểu lý lẽ tự cho mình là đúng, lấy đó cho là lý lẽ. Vì sao đến nỗi rơi vào tình trạng như thế? Vẫn là một câu đã nói: Vì lỗi không đọc sách thánh hiền.
Sách thánh hiền rất nhiều. Số ít của nhà Nho thì như là Ngũ kinh, Thập tam kinh, đến như Kinh điển Phật giáo thì lại càng mênh mông như biển lớn. Từ nhỏ không học, đến nay muốn học cũng không còn kịp nữa. Cho nên, hành xử trong chốn thế gian, phải làm sao để tự mình có được năng lực phân biệt rõ ràng đúng sai, phân biệt rõ ràng tà chánh, chân vọng, thiện ác, lợi hại. Chỉ cần quý vị có được năng lực phân biệt thì đó là trí tuệ chân thật, đó là học vấn chân thật. Thế nhưng nếu không đọc kinh điển, không đọc sử sách thì trí tuệ của quý vị từ đâu mà có?
Đại sư Ấn Quang thật từ bi, ngài hiểu biết rõ ràng rằng hiện nay khuyên người đời đọc kinh điển, sử sách đã là điều không thể được, họ không thể làm được. Cho nên ngài đề xuất một phương thức cứu vớt thế giới ngày nay. Ngài chọn ra ba bộ sách: Liễu Phàm tứ huấn, Cảm ứng thiên vị biên và An Sĩ toàn thư. Dùng ba bộ sách này có thể giúp chúng ta đạt được năng lực phân biệt tà chánh, đúng sai, lợi hại. Đại sư suốt đời hết sức đề cao, lưu hành với số lượng lớn ba bộ sách này, mục đích là cứu vãn toàn thế giới của chúng ta hôm nay thoát khỏi kiếp nạn. Liệu có bao người hiểu được dụng tâm khó nhọc của đại sư?
Hồi năm 1977, lần đầu tiên tôi nhận lời thỉnh cầu của các vị đồng tu tại Hương Cảng, đến đó giảng kinh Lăng Nghiêm. Lần ấy tôi lưu lại Hương Cảng bốn tháng. Hai tháng đầu tôi ở tại Thư viện Trung Hoa Phật Giáo, thấy trong thư viện lưu giữ nhiều kinh sách [trước đây] được Hoằng Hóa Xã của Đại sư Ấn Quang lưu hành. Tôi xem trong trang bản quyền thấy được rằng, Đại sư suốt đời đã in ấn lưu hành ba quyển sách này không dưới ba triệu bản. Khi ấy tôi cảm thấy hết sức kinh ngạc. Đại sư là một vị Tổ sư của Tịnh tông Phật giáo, đối với kinh luận của Phật giáo vì sao không hết sức đề cao, lại đem ba quyển sách này in ấn với số lượng cực kỳ lớn như vậy?
Tôi bình tĩnh suy ngẫm kỹ, càng nghĩ càng thấy là hữu lý. Kinh luận tuy hay nhưng [đối với chúng sinh đời nay] đã quá trễ [để học tập], không có cách gì để cứu vớt tức thời, đặc biệt là với những người không tin tưởng Phật giáo, tin tưởng vào các tôn giáo khác, đối với Phật giáo còn có sự hoài nghi, sự chống lại, không muốn tham gia. Ba quyển sách này không phải kinh sách Phật, nên có thể vượt qua được lằn ranh phân biệt tôn giáo, giúp cho tất cả chúng sinh đều có thể tiếp nhận làm theo. Đây là phương tiện khéo léo, mục đích là cứu vãn chúng sinh trong kiếp nạn, thiên tai, nhân họa ở ngay trước mắt lần này.
Làm sao có thể làm tốt việc này? Điểm then chốt là ở chỗ có hay không có phương pháp để giúp cho hết thảy chúng sinh tỉnh ngộ sửa lỗi, không rơi trở lại vào mê hoặc, không rơi trở lại vào điên đảo, chính là như tôi vừa nói đến là có năng lực phân biệt chân vọng, có năng lực phân biệt tà chánh, phân biệt đúng sai, phân biệt thiện ác, phân biệt lợi hại. Chỉ cần chúng sinh có được năng lực phân biệt như vậy thì kiếp nạn này tự nhiên cứu được.
Tổ sư Ấn Quang vào thời đại ấy, với kỹ thuật in ấn thời ấy mà lưu hành được một số lượng lớn đến mức như vậy. Thế nhưng, nhìn tự góc độ của người hiện nay thì số lượng ấy vẫn còn quá ít. Lấy như trường hợp Trung quốc mà nói, dân số hiện nay là 1,3 tỷ người, có khả năng sẽ tăng lên đến 1,4 tỷ, thì 3 triệu bản sách có đáng kể vào đâu! Nhất là những sách này đều đã lưu hành từ nửa thế kỷ trước, sau nửa thế kỷ rồi, theo tôi thấy thì số lượng còn lại nhiều lắm cũng chỉ khoảng một phần mười. Cho nên, chúng ta hiểu rõ ý nghĩa này thì chúng ta phải tiếp tục làm, phải [in ấn] lưu hành thêm số lượng lớn nữa.
Nửa thế kỷ trước, giới trí thức vẫn còn khả năng đọc hiểu tốt lối văn Hán cổ. Người hiện nay nhìn thấy những bản văn mà Tổ Ấn Quang đã lưu hành, về mặt [đọc hiểu] văn tự đã có khó khăn chướng ngại rồi. Đây là hiện tượng rất đáng buồn. Do vậy, chúng ta phải dùng lối văn nói để giảng giải. Hiện nay chúng ta lưu hành các băng ghi hình, băng ghi âm, đĩa CD-ROM, giúp mọi người có cơ hội lắng nghe. Trong Pháp hội Lăng Nghiêm, Bồ Tát Văn-thù nói rất hay: “Thử phương chân giáo thể, thanh tịnh tại âm văn.” (Phương thức dạy dỗ ở cõi này, thanh tịnh được nhờ nghe âm thanh.) Chúng sinh ở cõi Ta-bà này, khả năng nghe hiểu là nhạy bén nhất.
Chúng ta hôm nay muốn cứu lấy kiếp nạn này, phải từ nơi căn bản mà bắt tay làm. Căn bản là phải làm thế nào để khiến cho hết thảy chúng sinh tự suy ngẫm lại, thay đổi tâm ý, tự có được sự chuyển biến lớn lao trong tâm, thì kiếp nạn mới có thể được hóa giải, tiêu trừ. Ý nghĩa này trong Kinh điển đức Phật đã giảng giải hết sức thấu triệt. Kinh điển Đại thừa thường nói: “Hết thảy các pháp sinh từ tâm tưởng.” Câu này cũng đồng ý nghĩa như trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Do tâm biểu hiện, do thức biến hóa.” Hết thảy các pháp đều do tâm biểu hiện, đều do thức biến hóa. Tâm tưởng sinh, đó là tâm có khả năng biểu hiện ra; tưởng tức là thức, có khả năng biến hóa.
Chúng ta nhìn xem đại chúng trong xã hội hiện nay, họ tưởng những gì? Họ nhớ nghĩ những gì? Họ nói những gì? Họ làm những gì? Nếu như tất cả những điều ấy đều là bất thiện, thì cảm ứng [quả báo] chính là thiên tai, là nhân họa. Nếu như những điều họ tưởng, nghĩ, nói, làm đều là hiền thiện, thì đây chính là thế giới Cực Lạc, là thế giới Hoa Tạng.
Những điều này cần phải dạy bảo [chúng sinh], cho nên chư Phật, Bồ Tát thị hiện ở thế gian này, thảy đều trong hình tướng, vai trò của những bậc thầy. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, nếu theo cách nói hiện đại thì sự thị hiện của ngài chính là một nhà giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Đức Khổng tử tại Trung quốc cũng là thị hiện vai trò như vậy. Chỉ với vai trò [giáo dục] như thế mới có thể cứu được người đời, cứu được thế gian. Chúng ta phải hiểu rõ được điều đó.
Tâm thiện liền biểu hiện ra tướng tốt lành, ý thiện liền biến hóa ra cảnh giới tốt đẹp, việc làm thiện thì lợi mình lợi người. Người nào có đủ tâm thiện, ý thiện, việc làm thiện thì tương lai xán lạn huy hoàng. Ví như hiện tại người ấy có phải chịu đôi chút khổ nạn, chỉ là chuyện nhỏ. Đời người có là bao? Thời gian hết sức ngắn ngủi. Đức Phật dạy chúng ta phải tu nhẫn nhục ba-la-mật. Mấy mươi năm thăng trầm nóng lạnh trong cuộc đời này, mấy mươi năm giày vò chịu đựng, là ai giày vò chúng ta? Những chúng sinh ngu si, mê hoặc, điên đảo, không hiểu rõ lý lẽ, chư Phật, Bồ Tát dùng tâm hiền thiện, tâm thuần thiện,dùng hạnh lợi lạc đối với họ, thế mà họ còn hủy báng, khinh lờn chư Phật, Bồ Tát, còn muốn hãm hại chư Phật, Bồ Tát. Chư Phật, Bồ Tát vẫn không thối tâm, vẫn không lắc đầu bỏ đi. Đó là chư Phật, Bồ Tát vì chúng ta nêu gương tốt, vì chúng ta làm khuôn mẫu. Chư Phật, Bồ Tát còn [chịu đựng] như vậy thì chúng ta liệu có đáng gì? Chịu một chút giày vò, chịu một chút tổn hại chỉ là việc bình thường thôi. Mấy chục năm thoáng chốc qua đi, chúng ta có nơi tốt đẹp để đến.
Vì thế, không thể bỏ rơi chúng sinh khổ nạn, chúng sinh càng khổ não, càng ngu si, càng mê muội, chúng ta càng phải thương xót, càng phải giúp đỡ hỗ trợ họ. Không thể vì chúng sinh tâm hành bất thiện, không từ bất cứ việc ác nào, mà chúng ta bỏ rơi không thèm quan tâm đến. Như vậy không phải người có lòng nhân từ, như vậy cũng là người bất hiếu. Người bất hiếu, bất kính, bất nhân, bất nghĩa, sao có thể học Phật? Sao có thể thành Phật?
Cho nên chúng ta với người đời không thể cùng một tri kiến. Bất kể họ đối xử với ta bằng thái độ như thế nào, chúng ta nhất định vẫn phải giữ vững nguyên tắc, chúng ta phải đem tâm chân thành đối đãi với họ, đem tâm thanh tịnh, bình đẳng, trí tuệ, từ bi mà đối đãi với hết thảy chúng sinh. Đó là chúng ta thực hành Bồ Tát đạo. Phải tu tập nhẫn nhục ba-la-mật, phải tu tập lục độ vạn hạnh, dùng thời gian lâu dài cảm hóa những chúng sinh ấy. Họ đều sẵn có tánh Phật, rồi họ sẽ quay đầu hướng thiện, chỉ là nhất thời mê hoặc mà thôi. Cho nên tự mình cần phải phản tỉnh, tự mình phải tu hành theo đạo pháp. Chỉ khi nào tự mình không bị đọa lạc thì mới có thể cứu vớt được chúng sinh khổ nạn.
Ý nghĩa hai câu này vẫn chưa giảng xong. Hôm nay thời gian đã hết, ngày mai chúng ta sẽ giảng tiếp.