(Giảng ngày 6 tháng 11 năm 1999 tại Hương Cảng, file thứ 124, số hồ sơ: 19-012-0124)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Lần trước, trong Cảm ứng thiên đã giảng đến câu: “Tự tội dẫn tha. Ủng tắc phương thuật.” (Tự mình phạm tội làm liên lụy người khác. Che giấu, cản trở người khác sử dụng phương thuật.) Mỗi câu mỗi chữ này đều hàm nghĩa hết sức sâu rộng. Trong phần chú giải của sách Vị biên trích dẫn kinh điển cùng với rất nhiều lời răn dạy của các bậc hiền thánh xưa, nội dung vô cùng phong phú. Nhưng vì thời gian hạn chế nên tôi không thể giới thiệu từng điểm một với mọi người. Đây là một bộ sách hay, chính Đại sư Ấn Quang đã giám định, chúng ta nên thường tụng đọc.
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. Nếu như không thể làm người tốt thì Phật pháp nhất định cũng chỉ là “hữu danh vô thực” (có tên gọi mà không có thực chất). Đại sư Thiên Thai nói về “Danh tự vị” [trong Lục vị] chính là có ý nói “hữu danh vô thực”, không đạt được lợi ích chân thật từ Phật pháp. Cho nên, nhất định trước hết phải làm người tốt.
Đại sư Ấn Quang không chỉ là một bậc Tổ sư đại đức, mà theo truyền thuyết thì ngài chính là Bồ Tát Đại Thế Chí từ thế giới Tây phương Cực Lạc hóa thân đến. Việc này cũng có thể tin được. Vì sao ngài dùng ba quyển sách Cảm ứng thiên, Liễu Phàm tứ huấn, An Sĩ toàn thư để giáo hóa hết thảy mọi người mà không dùng kinh điển trong nhà Phật? Việc này chúng ta cần để tâm suy ngẫm kỹ lưỡng, xem dụng ý của Đại sư là ở chỗ nào?
Cách đây hơn hai mươi năm, vào năm 1977, tôi giảng kinh tại Hương Cảng, ngụ nơi Thư viện Phật giáo Trung Hoa. Trong thư viện nhỏ này thu thập và lưu giữ rất nhiều những sách do Hoằng Hóa Xã của Đại sư Ấn Quang đã in ấn lưu hành. Những quyển sách này in rất đẹp, hiệu đính kỹ lưỡng, chữ bị sai lệch rất ít, có thể nói là những quyển sách rất tốt trong thời cận đại. Trong thư viện ấy, tôi phát hiện được rằng ba quyển sách vừa kể trên được Đại sư cho in ấn với số lượng nhiều nhất. Tôi chỉ tính sơ qua đã thấy có hơn ba triệu bản. Tất cả những kinh điển Phật giáo khác số lượng đều rất ít, đem so với ba quyển này dường như chưa đến một phần mười.
Từ chỗ đó, tôi suy ngẫm đến việc vì sao Đại sư làm như vậy? Sự thật hiện nay đã chứng minh, thế gian này có kiếp nạn rất lớn. Kiếp nạn là do đâu tạo thành? Trong kinh điển, Phật dạy rất rõ ràng, rất sáng tỏ. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến.” (Chỉ do tâm hiển hiện, chỉ do thức biến hóa.) Qua hai câu này, đức Phật đã vì chúng ta nói rõ nguồn gốc của hết thảy chúng sinh trong các pháp giới cùng khắp hư không, đó là do “tâm hiển hiện, thức biến hóa”. Là tâm của ai? Chính là tự tâm của mỗi chúng ta. Tâm là nói chân tâm, thức là nói vọng tâm. Chân tâm của chúng ta hiển hiện, vọng tâm biến hóa mà thành. Một câu này nói lên được nguồn gốc của nhân sinh vũ trụ. Chỉ một câu thấu suốt được hết thảy vấn đề.
Trong kinh luận Đại thừa, đức Phật thường nói: “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sinh.” (Hết thảy các pháp sinh từ tâm tưởng.) Tâm là nói do tâm hiển hiện, tưởng là nói do thức biến hóa. Nói cách khác, cái tưởng của chúng ta, của chúng sinh trên thế giới này là gì? Môi trường sống của chúng ta đều tùy theo tư tưởng của ta mà biến hóa.
Người thế gian hiện nay đã không còn tiếp nhận lại những lời răn dạy của thánh hiền. Tại Trung quốc, xét thật kỹ đến chỗ rốt ráo thì từ thời Hán Vũ Đế dựng nghiệp cho đến những năm cuối triều Thanh, trải qua hơn hai ngàn năm, cũng có sự cải cách thay đổi ở mỗi triều đại, nhưng chính sách giáo dục thì trước sau vẫn không hề thay đổi. Không chỉ là những triều đại ấy, cho đến triều Nguyên của người Mông Cổ đến làm chủ Trung quốc, triều Thanh của người Mãn Châu đến làm chủ Trung quốc, chính sách giáo dục vẫn không thay đổi, vẫn một mạch truyền nối như xưa. Hệ thống giáo dục chính thức của đất nước luôn tuân thủ theo [hệ tư tưởng] Khổng Mạnh. Điều này được chế định từ Hán Vũ Đến, trong hai ngàn năm sau vẫn tuân thủ như vậy.
Giáo dục xã hội được chọn lọc tiếp thu từ Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Cho nên tại Trung quốc gồm xưng cả ba đạo này là Tam giáo. Đó là giáo dục của thánh hiền. Nhờ vậy mà đất nước trong hai ngàn năm được ổn định lâu dài, đạo lý của Tam giáo vẫn còn tồn tại.
Kể từ sau khi thành lập Dân quốc, đạp đổ học thuyết đạo đức Nho giáo, xem Phật giáo và Đạo giáo đều là mê tín. Do vậy, chính sách giáo dục truyền thống bị phế bỏ, mê muội tin theo nền văn minh vật chất của phương Tây, mê muội tin theo chủ nghĩa vị lợi của phương Tây, không quan tâm đến những điều nhân nghĩa đạo đức từ xưa đến nay của chúng ta, tạo thành hoàn cảnh khốn khổ hôm nay của đất nước, xã hội động loạn bất an.
Tổ sư Ấn Quang đối với việc này hiểu biết rất rõ ràng, rất sáng tỏ. Nếu dùng phương pháp của Nho gia để giáo dục thì chính sách bây giờ không cho phép. Phương thức giáo dục của Phật giáo tuy là tốt đẹp, nhưng đại chúng hiện nay rất khó tiếp nhận. Cho nên, trước hết chỉ dạy quý vị làm người, phải làm người tốt.
Tông chỉ chủ yếu trong sách Liễu Phàm tứ huấn là dạy chúng ta tin nhận nhân quả. Việc thiện có quả báo lành, việc ác có quả báo ác, gieo nhân lành nhất định sẽ được quả lành. Nhưng những gì là thiện? Những gì là ác? Nhân đó Đại sư mới đề xuất Cảm ứng thiên.
Cảm ứng thiên không phải từ nước ngoài du nhập, trong khi kinh Phật là từ nước ngoài mang đến rồi phiên dịch thành. Cảm ứng thiên là do người Trung quốc tự viết ra, câu chữ không nhiều, chỉ hơn một ngàn ba trăm chữ, trong đó đều là tiêu chuẩn phân biệt thiện ác. Nếu như thực sự nỗ lực tụng đọc, mỗi ngày đều y theo những lời dạy này mà tu sửa cải chính hành vi sai trái của chúng ta, dứt ác tu thiện, thì trước hết đã làm được người tốt. Làm người tốt được rồi, sau đó mới có thể học Phật. Phật là người tốt mà thành. Người xấu ác sau khi hiểu rõ có thể quay đầu, quay đầu là bờ, một khi quay đầu là trở thành người tốt.
Chư Phật, Bồ Tát lấy những điều này làm căn bản, cho nên chúng ta phải hiểu thật rõ ràng. Cảm ứng thiên, Liễu Phàm tứ huấn, đích thực là có thể giúp cứu vãn kiếp nạn hiện nay.
Trong kinh điển đức Phật có dạy chúng ta, kinh Lăng Nghiêm nói đến rất nhiều, như nạn hồng thủy, lũ lụt. Lũ lụt từ đâu mà có? Là do tâm tham lam chiêu cảm. Ngày nay con người trên toàn thế giới, hầu như mỗi một quốc gia, mỗi một vùng miền, có người nào mà không tham lam đâu? Việc này khởi sinh vô vàn bất ổn. Hiện nay mực nước biển đã tăng cao dần. Các khoa học gia tính toán rằng sau năm mươi năm thì lớp băng ở hai cực nam, bắc của địa cầu sẽ hoàn toàn tan chảy, mực nước biển sẽ dâng cao ít nhất là năm mươi mét. Nói cách khác, hết thảy các vùng ven biển trên thế giới đều sẽ bị nhấn chìm trong nước biển. Nếu y chiếu theo dự báo như trên của người nước ngoài thì không bao lâu nữa, theo các khoa học gia là năm mươi năm, theo các nhà tiên tri nước ngoài là mười năm, trong mười năm nữa nước biển sẽ dâng cao lên đến năm mươi mét. Nói cách khác, từ mực nước biển đã dâng cao trở xuống năm mươi mét đều bị nhấn chìm.
Đó là do tâm tham lam. Con người nếu có thể đem những sự mưu lợi riêng tư, có thể đem tâm tham lam vất bỏ đi, thì tai nạn này có thể được chuyển đổi, những lớp băng ở hai cực nam, bắc của địa cầu có thể không tan chảy.
Ngày nay nếu chúng ta đem những việc như vậy nói ra, người khác đều cho rằng đầu óc chúng ta có vấn đề, rằng chúng ta mê tín. Họ nhất định không chịu thừa nhận rằng những tai họa trong thiên nhiên và tư tưởng con người có quan hệ với nhau. Họ không chấp nhận điều này. Người hiểu sâu Phật pháp thì có thể tin nhận, không hoài nghi. Người như vậy có thể được cứu vớt. Những người không tin nhận, ắt phải lãnh chịu tai nạn.
Hỏa hoạn là do tâm sân hận chiêu cảm. Mọi người trong thế gian này đều có tâm sân hận, hơn nữa tâm sân hận còn rất nặng nề. Cho nên, chúng ta cư trú nơi quả địa cầu này, trong tâm địa cầu là lửa nóng với nhiệt độ rất cao. Chúng ta đọc trong kinh Phật thấy nói về thế giới Tây phương Cực Lạc, ở thế giới đó trong tâm đất bằng lưu ly, hết sức trong sạch mát mẻ. Vì sao trong tâm địa cầu của chúng ta là lửa nóng, trong tâm của thế giới [Cực Lạc] kia là trong sạch mát mẻ? Vì người ở thế giới ấy tâm địa thanh tịnh, không hề có tham lam, sân hận, si mê, cho nên môi trường cư trú của họ hoàn toàn khác với chúng ta. Chúng sinh ở thế gian này của chúng ta thì tràn ngập tham lam, sân hận, si mê.
Ngu si chiêu cảm nạn gió bão. Cho nên, tham, sân, si chiêu cảm ba loại tai họa từ nước, lửa và gió. Trong tâm kiêu ngạo, tự cao, không bình đẳng nên chiêu cảm động đất. Tâm bình khí hòa thì không có động đất. Chỉ có trong Phật pháp mới nói được rõ ràng, sáng tỏ với chúng ta những điều này.
Cho nên, Phật dạy rằng cảnh tùy tâm chuyển, hình tướng tùy tâm chuyển, thể chất tùy tâm chuyển, môi trường cư trú cũng tùy tâm chuyển. Chư Phật, Bồ Tát ở thế giới Cực Lạc, ở thế giới Hoa Tạng, do tâm tốt đẹp. Cho nên môi trường mà các ngài cư trú mới biến thành thế giới Cực Lạc, biến thành thế giới Hoa Tạng. Nếu chúng ta từ nơi tâm địa chuyển biến thay đổi được thì từ sự tốt đẹp của hình tướng sắc thân cho đến môi trường cư trú cũng đều sẽ chuyển biến thay đổi.
Sự thù thắng của Phật pháp không phải ở chỗ mọi điều Phật nói ra đều xem là đúng. Phật dạy chúng ta phải tự chứng nghiệm, làm rõ. Sau khi chứng minh được thì quý vị mới hiểu rõ được đó là chân tướng sự thật. Cho nên, đức Phật không miễn cưỡng chúng ta, không hề nói: “Điều ta nói là đúng thật, điều các vị nói là hư dối.” Đức Phật không hề nói như vậy. Đức Phật nói rằng: “Ta nói ra điều này, các vị có thể tự chứng nghiệm để biết.”
Trong lòng quý vị nghĩ điều xấu ác, nói điều xấu ác, làm việc xấu ác, những gì quý vị chiêu cảm là khổ báo trong ba đường ác, trong địa ngục. Đức Phật cũng bảo quý vị tự chứng nghiệm lấy điều đó. Quý vị tạo mười nghiệp ác, quý vị liền thấy cảnh giới địa ngục ở ngay trước mắt. Cho nên, đức Phật vì ta nói ra lời nào cũng là lời chân thật.
Những lời răn dạy của Phật-đà, nói thật ra đều gồm trong ba điều. Điều quan trọng thứ nhất là dạy chúng ta hiểu rõ về chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Đây là căn bản quan trọng trong nền giáo dục Phật giáo. Vũ trụ từ đâu mà có? Hư không từ đâu mà có? Sự sống từ đâu mà có? Quý vị đem những chân tướng này tìm hiểu nhận thức rõ ràng, sáng tỏ, đó gọi là đại triệt đại ngộ, là thành Phật, thành Bồ Tát.
Làm thế nào có thể sáng tỏ được chân tướng sự thật này? Phải từ trong thiền định mà tìm hiểu. Trong kinh Lăng Nghiêm nói: “Thanh tịnh hết mức thì sáng suốt thông đạt.” Tâm quý vị thanh tịnh đến mức cùng cực thì trí tuệ hiện tiền, hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian quý vị đều có thể thông đạt.Các khoa học gia hiện nay cho chúng ta biết rằng không gian có nhiều chiều kích, có không gian ba chiều, không gian bốn chiều, không gian năm chiều... Các khoa học gia đã chứng thực là có tồn tại không gian mười một chiều, nhưng họ không có phương cách gì đột phá [thâm nhập vào đó].
Về mặt lý luận mà nói, không gian đa chiều là vô hạn. Trong kinh Phật không nói là không gian đa chiều, nhưng kinh Phật nói về các pháp giới. Pháp giới chính là điều mà hiện nay các khoa học gia gọi là không gian đa chiều. Pháp giới cũng là vô lượng vô biên. Đức Phật khi thuyết pháp, từ cái nhìn phương tiện đem tất cả quy thành mười nhóm lớn, cho nên gọi là mười pháp giới. Số mười đó là biểu trưng cho vô hạn.
Pháp giới hình thành như thế nào? Đức Phật vì chúng ta dạy rằng, đó là do vọng tưởng, phân biệt, bám chấp của hết thảy chúng sinh biến hiện mà thành. Các khoa học gia biết được về sự tồn tại của những hiện tượng này, nhưng không biết được sự hình thành như thế nào. Vì thế, họ không có phương cách gì để đột phá thâm nhập. Phật dạy chúng ta đó là do vọng tưởng, phân biệt, bám chấp tạo thành. Quý vị đã hiểu được về sự hình thành thì quý vị liền có phương pháp đột phá. Dùng phương pháp gì để đột phá? Buông xả hết thảy vọng tưởng, phân biệt, bám chấp, như vậy chẳng phải đã phá được rồi sao?
Buông xả vọng tưởng, phân biệt, bám chấp, trong nhà Phật gọi là công phu thiền định. Cho nên, công phu thiền định càng sâu thì các tầng lớp, phạm vi đột phá càng rộng, quý vị liền hiểu rõ được hết thảy chân tướng của pháp giới hư không.
Mọi việc đức Phật đều dạy chúng ta phải tự thân mình chứng đắc, không hề dối gạt, quý vị có thể tự mình chứng minh.
Con người nhất định phải giữ gìn tâm thanh tịnh, đó là cái học căn bản trong Phật pháp. Phật pháp ở nơi thế gian này, dạy chúng ta phải sống ra sao, phải sống như thế nào để một đời này của quý vị, cũng không chỉ một đời, mà đời sau, đời sau nữa, cho đến đời đời kiếp kiếp thì cuộc sống của quý vị vẫn luôn thực sự được hạnh phúc mỹ mãn, tự tại khoái lạc.
Nền giáo dục Phật giáo trước tiên là giúp quý vị hiểu rõ mối quan hệ giữa người với người. Con người trong thế giới này của chúng ta có rất nhiều chủng tộc khác nhau, trong mỗi một chủng tộc lại có rất nhiều quần tộc nhỏ, chúng ta ngày nay gọi là bất đồng về quốc gia, bất đồng về chủng tộc, bất đồng về dân tộc. Chúng ta làm sao để có thể sống chung hòa hợp vui vẻ cùng nhau? Nếu quý vị sống chung với nhau không tốt thì khởi sinh xung đột, liền có chiến tranh, có đổ máu.
Thứ hai là dạy cho quý vị làm sao sống chung với môi trường tự nhiên. Trong môi trường tự nhiên có động vật, có thực vật, có khoáng vật, quý vị nếu không hiểu rõ được ý nghĩa này, tùy tiện theo ý riêng của mình, xem nhẹ môi trường thiên nhiên, phá hoại thiên nhiên, như vậy là tự nhiên phát sinh tai họa.
Người đời hiện nay không hiểu được ý nghĩa này, nên môi trường tự nhiên bị họ phá hoại, quả địa cầu sinh bệnh, môi trường cư trú của chúng ta trở thành không tốt. Người Trung quốc gọi đó là phong thủy bị phá hoại. Ngày nay, cả địa cầu này phong thủy bị phá hoại, làm sao còn có thể có những ngày sống tốt đẹp?
Thứ ba là dạy chúng ta làm sao ứng xử tốt trong mối quan hệ với quỷ thần trong trời đất. Quỷ thần trong trời đất, theo chỗ gần gũi mà nói là các vị thần khác nhau được các tôn giáo khác thờ phụng. Chúng ta phải làm sao hòa hợp được với các vị thần minh của các tôn giáo khác, sống chung hòa hợp với tín đồ các tôn giáo khác.
Ba mối quan hệ này được thực hiện tốt thì xã hội an định, thế giới hòa bình. Ba mối quan hệ này không thực hiện tốt thì xã hội động loạn, thế giới mãi mãi không có được một ngày an ổn.
Những lời răn dạy của chư Phật, Bồ Tát, chúng ta phải hiểu thật rõ ràng, sáng tỏ, phải học tập, phải vận dụng vào thực tiễn đời sống.
Khi tôi ở Singapore, Australia, Malaysia, tôi tiếp xúc với những người thuộc các chủng tộc khác, tiếp xúc với những người bất đồng tôn giáo, tôi với họ luôn chung sống hòa hợp, vui vẻ. Có rất nhiều người hỏi tôi: “Pháp sư, thầy làm sao có được những ý niệm như vậy? Làm sao có thể làm được như vậy?” Tôi học Phật, điều này là vận dụng Phật pháp trong thực tiễn đời sống. Phật dạy tôi nên làm như thế nào thì tôi làm theo theo đúng như thế ấy.
Tâm lượng phải lớn, phải rộng mở tâm hồn, quyết định không thể hẹp hòi mưu lợi riêng. Đồng bào ở Đài Loan này, tôi đã ở Đài Loan đến năm mươi năm, sao có thể không quan tâm? Tâm lượng nhỏ hẹp thì dẫn đến vô vàn tai nạn. Tâm lượng cần phải rộng mở hơn.
Chúng ta sống tốt, người khác cùng với ta cũng được sống tốt, thiên hạ liền được thái bình. Ta có đời sống tốt, người khác sống không được tốt, như vậy liền có người trộm của ta, có người cướp của ta. Ngạn ngữ Trung quốc xưa có câu: “Một nhà no ấm ngàn nhà oán hận.” Những người lãnh đạo chính phủ ở Singapore hiểu rõ việc này. Singapore phát triển tốt, cũng cần đến Malaysia, Indonesia chung quanh đều phát triển tốt, như vậy thì người Singapore mới có thể sống tốt đẹp. Hoàn cảnh chung quanh không tốt, mỗi người [chung quanh] đều phùng mang trợn mắt nhìn quý vị, đều muốn ăn tươi nuốt sống quý vị, quý vị làm sao có được những ngày sống tốt? Mọi người đều có đời sống tốt thì mới được. Mỗi một quốc gia, mỗi một vùng miền, mỗi một dân tộc, hết thảy đều phát triển tốt đẹp, như vậy mới được. Phải có tâm lượng [rộng mở] như vậy.
Khi giảng kinh tôi thường nói, chúng ta yêu thương quả địa cầu này, mỗi nhà trên thế giới, cho đến toàn thế giới đều tốt đẹp, nhưng các hành tinh khác không được tốt đẹp thì cũng vẫn phát sinh phiền toái, vẫn có chiến tranh giữa các hành tinh. Thương yêu địa cầu của chúng ta, phải thương yêu hết thảy mọi hành tinh, phải có tình thương rộng lớn bao quát khắp các pháp giới cùng tận hư không, như vậy mới có thể giải quyết được vấn đề.
Cho nên, chúng ta đọc kinh Đại thừa thấy đức Phật thường dạy: “Tâm bao thái hư, lượng chu sa giới.” (Tâm lớn như hư không, bao trùm hết thảy các thế giới.) Đó mới là biện pháp căn bản để giải quyết vấn đề. Nếu như không có được tâm lượng rộng mở như vậy, quý vị muốn thoát ly ra khỏi sáu đường luân hồi thật rất khó.
Tổ sư Ấn Quang dạy chúng ta đọc Cảm ứng thiên, y theo Cảm ứng thiên học tập, đó là trí tuệ chân thật. Xét từ thực trạng hiện nay chúng sinh đang tạo vô lượng vô biên tội nghiệp mà nói, rất cần phải suy ngẫm thật kỹ, phải thực sự nỗ lực học tập.