(Giảng ngày 22 tháng 11 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 134, số hồ sơ: 19-012-0134)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời xem đoạn thứ 67 trong Cảm ứng thiên: “Hao nhân hóa tài.” (Làm tốn hao tài vật người khác.) Và đoạn thứ 68: “Ly nhân cốt nhục, xâm nhân sở ái, trợ nhân vi phi.” (Chia lìa tình thân cốt nhục của người khác, xâm phạm những điều người khác yêu thích, giúp người khác làm việc sai trái.)
Chúng ta ngày nay xem đến bốn câu này, thấy việc phạm vào các lỗi này thật hết sức phổ biến trong xã hội hiện đại, ngay như trong cửa Phật cũng thường nhìn thấy.
“Hao nhân hóa tài.” (Làm tốn hao tài vật người khác.) Trong phần chú giải có giải thích rất nhiều, quý vị có thể tự mình tham khảo. Nói chung [phạm lỗi này đều] là vì không biết quý tiếc những giá trị vật chất, công sức, đặc biệt là những người đã mở mang phát triển xã hội được sung túc, vì không trải qua những ngày khổ nhọc, không biết đến những khó khăn vất vả của việc làm ra của cải vật chất, lại cũng không có người dạy dỗ cho biết. Điều này làm tổn hao phước báo nhiều nhất.
Người học Phật ít nhiều đều biết qua khái niệm: “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định.” (Mỗi một miếng cơm ngụm nước đều đã định trước.) Những gì chúng ta nhận được, sử dụng trong đời này, thảy đều do phước báo tu tích từ trong quá khứ. Phước báo ấy rốt cùng cũng có giới hạn, nếu như không biết tiếc phước, cứ buông thả hủy hoại, cứ tùy ý lạm dụng thì sẽ sớm hao tổn đến cạn kiệt. Cho nên, trong xã hội chúng ta thường thấy rất nhiều người, có thể nói là ở đâu cũng có, đến lúc về già phải chịu nghèo túng khốn khổ. Nói thật ra, tuổi già của họ đáng được hưởng phước, không đáng phải chịu khổ báo như vậy. Nhưng vì sao phải chịu khổ báo? Đó là vì lúc tuổi trẻ không biết chuyện, làm cho hao tổn cạn kiệt phước báo, cho nên đến lúc tuổi già phải nhờ cậy người khác cứu giúp.
Hiện tại trên thế giới có nhiều quốc gia quan tâm đến phúc lợi cho người già, có nhiều địa phương làm rất tốt. Nhưng nói thật ra, đó là giải quyết ở phần ngọn, chưa phải giải quyết tận gốc. Phải làm sao để quan tâm giải quyết tận gốc vấn đề phúc lợi cho người già? Đó là từ thuở nhỏ phải dạy cho họ biết tiếc phước, dạy cho họ biết tiết kiệm. Ý nghĩa này hầu như trong tôn giáo nào cũng đều nói đến.
Phải biết tiết kiệm, biết tiếc phước, biết tạo phước, thì tuổi già của quý vị mới có phước báo, những thứ cần dùng của quý vị mới không bị thiếu thốn, quý vị cũng sẽ được rất nhiều người trẻ tuổi quan tâm chăm sóc. Lẽ nhân quả trong chuyện này chúng ta phải hiểu rõ. Khi bản thân ta còn trẻ khỏe, có năng lực, nếu ta không biết quan tâm chăm sóc những người già thì đến lúc già yếu cũng sẽ không có ai quan tâm chăm sóc. Đây là nhân duyên quả báo. Chúng ta chịu bỏ công sức, tiền bạc ra giúp đỡ người khác thì đến khi bản thân ta già yếu cũng sẽ có người bỏ công sức, tiền bạc ra giúp đỡ ta. Đó là sự hồi báo. Nhân duyên quả báo mảy may không sai lệch.
Đặc biệt là những vật dụng thuộc về đạo trường, thuộc về thường trụ Tam bảo. Trong kinh luận, đức Phật rất nhiều lần nói đến việc này. Không biết quý tiếc tài vật của thường trụ Tam bảo thì tổn hao phước báo gấp nhiều lần so với những tài vật thông thường. Cho nên, trong kinh luận thường dạy, dù phạm vào bất cứ tội nặng nào, đức Phật cũng đều có phương cách cứu giúp quý vị, nhưng nếu là trộm cắp tài vật của thường trụ Tam bảo thì hết thảy chư Phật mười phương đều không có cách gì cứu giúp, không có biện pháp gì để hỗ trợ, giúp đỡ quý vị. Vì sao vậy? Trộm cắp những vật có chủ, đó là quý vị trộm cắp của một người. Trong tương lai quý vị hoàn trả lại cho một người ấy, việc hoàn trả như vậy cũng dễ dàng, không khó. Nếu gặp người khoan dung độ lượng, tha thứ cho quý vị thì xem như không có việc gì. Nhưng nếu là tài vật của một tập thể thì đó là sở hữu chung của cả tập thể. Quý vị trộm cắp tài vật ấy thì món nợ quý vị gây ra rất là phiền phức. Trong tập thể ấy có bao nhiêu người thì tất cả đều là chủ nợ của quý vị. Cho nên chúng ta hiểu rõ ý nghĩa này thì đối với những tài vật của cộng đồng phải đóng góp thêm vào, phải bảo vệ, như vậy được công đức lớn nhất. Đối với phương tiện, tài vật của cộng đồng trong một thành phố, nếu quý vị trộm lấy thì kết quả tội lỗi ấy là tất cả cư dân trong thành phố đều là chủ nợ của quý vị.
Nếu là tài vật của quốc gia thì càng phiền toái hơn nữa. Khi quý vị trộm lấy thì quốc gia ấy có bao nhiêu người dân, tất cả đều là chủ nợ của quý vị. Thí như Trung quốc là một quốc gia lớn với hơn một tỷ dân, nếu quý vị trộm cắp tài sản quốc gia thì chủ nợ của quý vị là hơn một tỷ người, không tính chính xác được. Thế nhưng hơn một tỷ người đó cũng là có số lượng, chư Phật, Bồ Tát vẫn còn có thể giúp được, vẫn có thể cứu độ quý vị. [Nếu là trộm cắp] tài vật của thường trụ Tam bảo thì Phật cũng không thể cứu giúp quý vị. Vì sao vậy? Vì tài vật của thường trụ Tam Bảo là tương thông khắp mười phương, ba đời, cho nên sự phiền toái rất lớn. Tội lỗi này kết quả là vô lượng vô biên, cho nên quả báo là địa ngục.
Tôi thấy ở đạo tràng Cư Sĩ Lâm và Tịnh Tông Học Hội đều có treo bảng ghi một câu trích từ kinh Địa Tạng, cảnh báo mọi người rằng, muôn ngàn lần cũng không được xâm phạm đến tài vật của thường trụ Tam bảo. Sự cảnh báo đó rất tốt, vì có nhiều người xao lãng xem thường.
Nếu tiết kiệm, giữ gìn tài vật cho thường trụ, phước báo ấy không thể nghĩ bàn. Nếu lãng phí của thường trụ, sự tổn hao phước báo cũng không thể nghĩ bàn. Điều này chúng ta phải hiểu rõ. Nuôi dưỡng tập thành thói quen tiết kiệm, cũng tập thành thói quen yêu tiếc sức người, sức của, người như vậy là đã được phước báo rồi.
Câu tiếp theo bên dưới: “Ly nhân cốt nhục.” (Chia lìa tình thân cốt nhục của người khác.) Đó là tạo nghiệp. Trong xã hội hiện tại, tỷ lệ ly hôn rất cao, nên có những luật sư chuyên làm công việc hỗ trợ, giúp cho người khác ly hôn. Đó là phạm vào tội này. Quả báo tội này không tốt. Quả báo tương lai là vợ con chia lìa, vì người làm việc như thế nào nhất định phải nhận chịu quả báo như thế ấy.
Khuấy động chuyện thị phi, phá hoại gia đình người khác, phá hoại một đoàn thể, trong Phật pháp có [một trong năm] tội nghịch là “phá hòa hợp tăng”. Ba câu [trong đoạn 68] này đều có quan hệ hết sức mật thiết với những điều đó. Những điều mà người khác yêu thích, chúng ta đứng ngoài nhìn thấy sinh lòng ganh ghét đố kỵ, không từ bất kỳ thủ đoạn nào để gây chia lìa, để phá hoại, lại hỗ trợ người khác làm những chuyện xấu xa đồi bại. Bậc cổ đức dạy chúng ta thành tựu việc tốt đẹp cho người khác, không giúp thành tựu những chuyện xấu ác. “Trợ nhân vi phi” (giúp người làm việc xấu) chính là thành tựu chuyện xấu ác cho họ. Điều này thuộc về tội ác lớn lao, quả báo hết thảy đều vào địa ngục. Cảnh giới địa ngục cũng rất phức tạp, có nhiều loại khổ não phải nhận lãnh khác nhau, thời gian dài ngắn cũng khác nhau, tùy thuộc vào tội nghiệp đã tạo ra là nặng hay nhẹ.
Đối với sự phá hoại của một người, không kể là phá hoại một gia đình, hay một đoàn thể, còn phải xem ảnh hưởng của việc ấy. Nếu là ảnh hưởng lớn lao, thời gian gây ảnh hưởng lâu dài thì tội nghiệp ấy cũng hết sức nặng nề. Còn phải xem người bị phá hoại đó là người nào, cá nhân họ đối với xã hội, đối với chúng sinh có ảnh hưởng lớn hay nhỏ, có ảnh hưởng lâu dài đến mức nào.
Trong kinh Phát khởi Bồ Tát thù thắng chí lạc, đức Thế Tôn vì chúng ta nêu ra một trường hợp điển hình. Có hai vị tỳ-kheo cùng thuyết pháp làm lợi ích chúng sinh, đều bị người khác ganh ghét đố kỵ. Trong pháp thế gian cũng như xuất thế gian, chuyện như thế này chúng ta vẫn thường nhìn thấy. Quý vị có chuyện tốt đẹp, như người xuất gia giảng kinh thuyết pháp, nếu như pháp duyên được hết sức thù thắng, người đến nghe pháp rất đông, lại quy y theo vị ấy cũng rất nhiều, được cúng dường nhiều, thì vị ấy phải chịu sự ganh ghét đố kỵ càng nhiều hơn, [phải bị người khác] tìm đủ mọi cách để phá hoại, làm cho những người nghe pháp đối với vị pháp sư ấy phải đánh mất tín tâm, phá hoại đạo trường ấy. Làm như thế là dứt mất tuệ mạng của hết thảy chúng sinh, quả báo phải vào địa ngục A-tỳ. Trong địa ngục ấy phải chịu tội thời gian dài hay ngắn so với thời gian của chúng ta ở cõi người không giống nhau, người hiện nay gọi là sai biệt về thời gian.
Đức Phật dạy rằng, nếu dùng thời gian của chúng ta ở cõi người mà tính toán thì kẻ đọa vào địa ngục thời gian 18 triệu năm, trong thực tế ở trong địa ngục cảm nhận thời gian ấy là vô lượng kiếp. Chúng ta thường nói đó là “độ nhật như niên” (mỗi ngày dài như một năm). Cho nên, việc tạo tội thật hết sức dễ dàng, thời gian hết sức ngắn ngủi. [Dùng lời nói] khuấy động chuyện thị phi chỉ trong mấy phút đồng hồ, chỉ trong một vài giờ, lại có thể phá hoại mối quan hệ hết sức tốt đẹp của người khác, tạo thành khẩu nghiệp. Trong ba nghiệp thì khẩu nghiệp là dễ phạm vào nhất, đâu biết được tội lỗi tạo ra nặng nhẹ thế nào.
Cho nên, đức Thế Tôn trong kinh Vô Lượng Thọ dạy chúng ta phải khéo giữ gìn ba nghiệp, trong đó khẩu nghiệp được xếp ở hàng đầu. Câu đầu tiên là: “Thiện hộ khẩu nghiệp, bất ky tha quá.” (Khéo giữ gìn khẩu nghiệp, không chê bai lỗi lầm người khác.) Người khác không có lỗi lầm, chúng ta đặt điều dựng chuyện, phá hoại người khác, tội lỗi ấy là nặng nề nhất. Ví như người khác thật có lỗi lầm, quý vị có thật biết được lỗi lầm ấy chăng? Họ có quả thật phạm lỗi hay chăng? Các vị Bồ Tát, thiện tri thức khi tiếp dẫn chúng sinh vẫn thường dùng nhiều phương tiện khác biệt, nhưng vẫn hướng về một mục đích cuối cùng. Trong kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy có Cam Lộ Hỏa Vương, một người nhìn qua có nhiều sai trái, tâm sân hận rất lớn, dùng hình phạt nghiêm trọng đối với chúng sinh. Vị này là Bồ Tát, ngài dùng phương thức như vậy để cứu độ một hạng chúng sinh, chúng ta là phàm phu sao có thể hiểu được? Chỉ thấy như vậy là sai trái. Bà-la-môn Thắng Nhiệt ngu si, cô Phạt-ta-mật-đa tham ái, đó là trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta nhìn thấy được, các vị Bồ Tát dùng đến tham sân si, các ngài dùng phương thức như vậy để hóa độ chúng sinh.
Chúng ta không có trí tuệ, không có pháp nhãn, không thấy ra được dụng ý của Bồ Tát, lại tùy tiện [nói bậy] tạo thành khẩu nghiệp, tùy tiện chê bai chỉ trích với ý xấu, gây chia lìa thương tổn, tạo vô lượng vô biên tội nghiệp. Cho nên, trong kinh đức Phật thường khuyên bảo, nhắc nhở cảnh tỉnh chúng ta, khi còn chưa chứng đắc quả vị A-la-hán, “kiến tư phiền não” (phiền não do thấy biết và nghĩ tưởng sai lầm) còn chưa dứt trừ, nhất định không được tin vào suy nghĩ của riêng mình, không được tin vào cách nhìn của mình, không được tin vào sự phán đoán của riêng mình. Đích thực đó là phải hay quấy, thiện hay ác, chúng ta không có cách gì rõ biết. Chúng ta nhìn nơi hình tượng bên ngoài, không thể biết được dụng ý của người khác.
Người học Phật phải dùng phương cách gì để ứng xử, đối đãi với người khác, tiếp xúc với sự vật? Chưa có được năng lực [phân biệt chính xác] như vậy, khi nhìn thấy người khác làm chuyện xấu ác, chúng ta chỉ chắp tay niệm “A-di-đà Phật”, [không bình phẩm,] như vậy là đúng đắn. Cho nên, Bồ Tát Phổ Hiền dạy chúng ta một nguyên tắc, chúng ta phải luôn ghi nhớ: “Lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai.” (Cung kính lễ bái chư Phật, ngợi khen xưng tán Như Lai.) Các ngài làm những pháp lành, có ảnh hưởng tích cực đến xã hội, đến chúng sinh, chúng ta không ngại ngợi khen xưng tán. Các ngài làm những việc xấu ác, dường như đối với xã hội, đối với chúng sinh có ảnh hưởng xấu, nhưng chúng ta không thể biết được dụng ý của các ngài, vậy thì không ngợi khen xưng tán. Chúng ta vẫn cung kính lễ bái các ngài, nhưng không ngợi khen xưng tán.
Đức Phật dạy chúng ta cung cách, thái độ như vậy, chúng ta phải học biết. Cho nên, Đồng tử Thiện Tài khi tham học các bậc thiện tri thức, đối với Bà-la-môn Thắng Nhiệt, Cam Lộ Hỏa Vương... những người có việc làm dường như là xấu ác, nhưng ngài vẫn cung kính lễ bái, chỉ không ngợi khen xưng tán. Đó là dạy bảo chúng ta, thị hiện nêu gương cho chúng ta nhìn vào.
Mọi việc làm của các vị Bồ Tát đều được chư Phật Như Lai ngợi khen xưng tán, phương thức sáng suốt cao vời, chính là “đồng sự nhiếp” (cùng chung công việc để thu nhiếp giáo hóa) trong bốn pháp nhiếp hóa, phàm phu chúng ta không làm nổi. Phương thức mà các ngài vận dụng rất giống như trái với giáo pháp, nhưng dụng ý hết sức tốt đẹp, hiệu quả cũng hết sức tốt đẹp. Các ngài có thể giáo hóa cho những kẻ đang trong cảnh khổ nạn được giác ngộ, quay đầu hướng thiện, giúp đỡ họ trong lúc nhận chịu khổ đau. Điều đó phàm phu chúng ta không làm được. Chẳng những là chúng ta không làm được mà dù chỉ nghĩ thôi cũng không nghĩ đến.
Căn tánh chúng sinh không giống nhau, tập khí khác biệt nhau. Cho nên, phương tiện, cách thức mà Bồ Tát sử dụng để tiếp dẫn chúng sinh cũng không giống nhau. Các ngài có thể làm như vậy, chúng ta không làm được.
Trong đạo Cơ Đốc nói rằng chúa Giê-su bị đóng đinh trên cây thập giá, chúng ta trong Phật pháp có thể thấy được rất rõ ràng, đó là thay chúng sinh bố thí bằng cách chịu khổ, thay chúng sinh cúng dường bằng cách chịu khổ. Những người làm hại chúa Giê-su, những người kết tội ngài, những người hành hình ngài, chúng ta thấy đó là người xấu ác, chư Phật Bồ Tát thấy họ là người hiền thiện, chúng ta làm sao hiểu được? Không một người nào là người xấu ác cả.
Cũng giống như chúng ta đọc trong kinh điển thấy vua Ca-lợi cắt xẻo da thịt trên thân thể vị tiên nhẫn nhục, so ra còn tàn khốc hơn chúa Giê-su bị đóng đinh trên cây thập giá. Chúa Giê-su bị đóng đinh trên cây thập giá cũng không có gì ghê gớm lắm, chỉ là bốn cây đinh đóng vào thập giá mà thôi. Tiên nhân nhẫn nhục bị vua Ca-lợi dùng dao cắt xẻo từng miếng, từng miếng da thịt, cắt xẻo cho đến chết, đó là xử tử lăng trì, tàn khốc hơn nhiều so với chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập giá. Tiên nhân nhẫn nhục thành Phật, ngài phát nguyện trong tương lai khi thành Phật thì trước tiên là hóa độ [người hại mình]. Ngài là ai vậy? Chính là tiền thân của đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Còn vua Ca-lợi là ai vậy? Chính là người đệ tử đầu tiên được đức Phật Thích-ca Mâu-ni hóa độ, Tôn giả Kiều-trần-như.
Bồ Tát thị hiện, chúng ta làm sao biết được? Không có nhân duyên là vua Ca-lợi, pháp ba-la-mật của Bồ Tát không thể thành tựu viên mãn. Vua Ca-lợi chính là giúp đỡ, hỗ trợ cho Bồ Tát thành tựu viên mãn pháp ba-la-mật. Đó là công đức lớn lao, phàm phu chúng ta làm sao biết được?
Các pháp thế gian và xuất thế gian đều có vô lượng nhân duyên, lý rất sâu xa, sự tình rất phức tạp, không phải trí tuệ của phàm phu chúng ta có thể lý giải được. Cho nên, chúng ta kính tin theo những lời răn dạy của đức Phật, chơn chất thật thà y theo lời dạy vâng làm, quyết định xa lìa hết thảy các nghiệp xấu ác, tích lũy công đức, thành tựu pháp thân tuệ mạng của chính mình. Những việc người khác làm, chúng ta không thể biết được họ có phải là chư Phật, Bồ Tát thị hiện hay không, có phải là các ngài đến để hóa độ chúng sinh hay không? Chúng ta tự mình là phàm phu, quyết định không thể làm như họ. Chúng ta nếu tạo nghiệp ắt phải đọa vào địa ngục. Điều này muốn ngàn lần phải ghi nhớ kỹ.
Trong phần này, nội dung các chú giải hết sức phong phú, quý vị có thể tự mình đọc qua. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.