(Giảng ngày 19 tháng 4 năm 2000 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 194, số hồ sơ: 19-012-0194)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời mở sách Cảm ứng thiên, đoạn cuối cùng, thứ 124. Theo sự phân chia của tôi thì đây là đoạn lớn thứ bảy với nội dung tổng kết và khuyến khích. Đoạn này tổng kết và khuyến khích chúng ta, là đoạn lớn thứ bảy [trong toàn văn]: “Cố cát nhân, ngữ thiện, thị thiện, hành thiện, nhất nhật hữu tam thiện, tam niên thiên tất giáng chi phúc. Hung nhân, ngữ ác, thị ác, hành ác, nhất nhật hữu tam ác, tam niên thiên tất giáng chi họa. Hồ bất miễn nhi hành chi.” (Cho nên, người hiền lành, nói lời hiền thiện, nhìn việc hiền thiện, làm việc hiền thiện, mỗi ngày có đủ ba yếu tố hiền thiện này, trong ba năm ắt được trời ban phúc lành. Người hung dữ, nói lời hung ác, nhìn việc hung ác, làm việc hung ác, mỗi ngày có đủ ba yếu tố hung ác này, trong ba năm ắt bị trời giáng tai họa. Vậy sao không cố gắng mà làm [việc thiện]?)
Đoạn trước vừa nói việc “sửa lỗi, hướng thiện”, là một đoạn hết sức thiết yếu, cần kíp. Trong phần chú giải nói rất nhiều, rất quan trọng thiết yếu, cũng trích dẫn một phương pháp sám hối tội lỗi từ sách Liễu Phàm tứ huấn và lời dạy của các bậc đại đức xưa, rất đáng để chúng ta tham khảo, rất đáng để chúng ta học tập.
Hôm nay chúng ta giảng đến phần tổng kết. Chữ “cố” là nêu ý nghĩa tổng kết toàn văn. “Cát nhân”, [chữ cát là trong] “cát hung họa phúc” (lành, dữ, họa, phúc), chúng ta cũng thường gọi là người hiền thiện. Nhưng nói “người hiền thiện” cũng chưa hoàn toàn đủ nghĩa, phải nói là người có phước, người có nhiều phước báo. Chữ “cát” và “phước báo” là hết sức phù hợp với nhau. [“Cát nhân” là] người có rất nhiều phước báo.
Người có phước báo, nhất định phải hội đủ ba điều kiện. [Một trong] ba điều kiện đó là nói năng hiền thiện, lời ăn tiếng nói hiền thiện. Tiêu chuẩn về hiền thiện thì Phật đã dạy chúng ta trong mười nghiệp lành. Chỗ này, phần chú giải rất hay, giảng rộng về nói năng hiền thiện là: “Lời không hợp lễ thì không nói, ưa thích nói điều thiện của người, khơi mở tâm thiện của người khác.” Ba câu này giảng rất hay. Nói cách khác, những lời không nên nói thì quyết định không nói ra, không hợp lễ thì không nói, ưa thích ngợi khen xưng tán người khác, ưa thích nói điều thiện của người khác, quyết định không có sự ganh ghét đố kỵ, không có gì giấu giếm gian dối. Mừng vui ưa thích nói điều hiền thiện của người khác, ưa thích khơi mở tâm thiện của người khác, đó là thường có thể răn dạy hết thảy chúng sinh, giúp đỡ hỗ trợ chúng sinh dứt ác tu thiện, khuyên bảo dẫn dắt hết thảy chúng sinh nhận biết rõ ràng thế nào là thiện, thế nào là ác. Điều này là hết sức quan trọng thiết yếu. Đó là “nói năng hiền thiện”.
Phần trước, đức Thái Thượng đã nhiều lần dạy bảo chúng ta tích lũy công đức. Trong việc tích lũy công đức, quan trọng thiết yếu nhất chính là nói năng hiền thiện. Nói thật ra, có rất nhiều người tâm địa cũng không tệ, cũng là người rất tốt, thế nhưng nói năng lời lẽ không cẩn thận, có được bao nhiêu công đức đều do nơi lời ăn tiếng nói mà mất sạch. Quý vị nói xem, thật đáng tiếc biết bao.
Cho nên, trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật dạy chúng ta “khéo giữ gìn ba nghiệp”, đem khẩu nghiệp đặt lên hàng đầu. Điều này không thể nói là không có ý nghĩa. Chúng ta xem đức Thái Thượng cũng đem “nói năng hiền thiện” đặt lên hàng đầu, so với kinh Vô Lượng Thọ thật là không có sự tính trước mà tự nhiên phù hợp.
Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật dạy chúng ta “khéo giữ gìn khẩu nghiệp, không chê trách lỗi người khác”. Phần trước chúng ta đã có đề cập đến, chẳng những không thể nói ra, mà cho đến trong lòng cũng không được ghi nhớ những điều xấu ác của người khác. Ghi nhớ trong lòng những điều xấu ác của người khác, tâm ta hóa thành xấu xa hư hoại, đó là chuyện hết sức oan uổng.
Cội nguồn tâm ta vốn là hiền thiện, so với chư Phật Như Lai không phân chia, không khác biệt. Hiện tại vì sao tâm ta biến thành như thế này? Hoàn toàn không thể trách cứ người khác. Oán trời trách người là tội lỗi rất lớn. Chỉ trách tự bản thân mình không tốt, vì sao lại đem những điều bất thiện của người khác ghi nhớ trong tâm mình? Không ai bảo quý vị phải ghi nhớ, quý vị tự mình ghi nhớ [những điều bất thiện], khiến cho tâm thuần thiện của mình biến thành bất thiện. Tâm bất thiện, lời nói là sao được hiền thiện?
Cho nên, nguồn gốc căn bản ở nơi tâm. Các bậc đại thánh đại hiền trong thế gian cũng như xuất thế gian đều dạy chúng ta tu hành phải từ nơi căn bản mà khởi tu. Căn bản là gì? Căn bản là tâm. Tâm người với tâm Phật cũng đồng là một tâm. Chúng ta đọc thấy trong kinh điển, tâm Phật “không dung chứa mảy may bất thiện xen tạp”, đó là tâm Phật.
Tâm kẻ phàm phu chứa nhiều điều xấu ác, ít điều thiện, cho nên biến thành sáu đường luân hồi, cho nên biến thành ba đường ác. Ba đường ác, sáu đường luân hồi đều từ đây mà có.
Chúng ta từ hôm nay đã hiểu rõ được ý nghĩa này, từ trong tâm mình có điều bất thiện phải nhanh chóng xả bỏ hết đi, tiêu trừ hết đi, buông bỏ hết. Chúng ta phải noi theo giống như Phật, dung nạp hết thảy pháp lành trong các pháp giới cùng khắp hư không. Người làm được như vậy là thành Phật, là chuyển phàm thành thánh.
Về tiêu chuẩn thiện hay bất thiện, đức Phật vì chúng ta nêu ra mười điều, đó là mười nghiệp lành. Tôi và quý vị ở đây cùng nhau học tập sách Cảm ứng thiên, sau khi hoàn tất trọn vẹn, sẽ tiếp tục học đến kinh Thập thiện nghiệp đạo.
Đức Phật vì chúng ta nêu các tiêu chuẩn, thế nhưng các tiêu chuẩn này cũng có căn bản. Nếu quý vị không biết căn bản này thì mười nghiệp lành dù có tu như thế nào đi chăng nữa cũng chỉ đạt được phước báo trong hai cõi trời người mà thôi, tu không thể trọn vẹn đầy đủ. Căn bản đây là ý niệm. Ý niệm của phàm phu là tự tư tự lợi, dùng [ý niệm] tự tư tự lợi để dứt mười điều ác, tu mười điều thiện thì quyết định không thể trọn vẹn đầy đủ. Tuy cũng được quả báo, quả báo chỉ là phước báo trong hai cõi trời người, điều này phải rõ biết.
Phước báo lớn nhất trong lịch sử Trung quốc, phước báo lớn nhất trong mấy ngàn năm qua là Hoàng đế Càn Long. Trong lịch sử Trung quốc, nói về phước báo thì không có ai vượt hơn ông. Ông làm Hoàng đế sáu mươi năm, lại làm Thái thượng hoàng bốn năm, thực sự là bậc thiên tử cao quý, giàu sang bao trùm bốn biển. Trong lịch sử Trung quốc không tìm ra được người thứ hai như ông, lại thêm được sống lâu. Cho nên ông tự xưng mình là “Thập toàn Lão nhân”, quả đúng vậy, thập toàn thập mỹ, [con cháu] năm đời sống chung một nhà, nào có ai được phước báo lớn đến như thế?
Quý vị nên biết, phước báo như vậy là tự tư tự lợi không buông bỏ, tu mười nghiệp lành, có thể đạt được phước báo lớn đến như vậy. Thế nhưng cần hiểu rằng, như vậy không thoát được ra ngoài ba cõi, không thể thoát ra khỏi luân hồi. Phước báo đó của quý vị sau khi hưởng hết rồi, một đời quý vị vẫn tạo tác nghiệp tội, những tội báo đó cũng hiện tiền, từ đó sáu đường luân hồi hình thành như vậy.
Sau khi học Phật, hiểu rõ được ý nghĩa chân tướng sự thật này rồi, chúng ta không tái phạm những điều ngu xuẩn như thế nữa, chuyển hóa được ý niệm tự tư tự lợi, hết thảy mọi việc đều vì sự trụ thế lâu dài của Chánh pháp. Vì sao vậy? Vì chỉ có Chánh pháp mới có thể giác ngộ được tâm chúng sinh, có thể khiến cho hết thảy chúng sinh được phá mê khai ngộ, chuyển phàm thành thánh. Công đức đó là không thể nghĩ bàn.
Chư Phật và các vị Đại Bồ Tát có thể làm Hoàng đế [như] Càn Long hay không? Không thể làm. Vì sao vậy? Vì đó là hưởng phước báo, không thể thành tựu được công đức thù thắng. Những gì là công đức thù thắng? Giáo hóa chúng sinh. Cho nên, chư Phật, Bồ Tát nhất định thị hiện ở thế gian trong vai trò thầy dạy. Chúng ta tôn xưng đức Phật Thích-ca Mâu-ni là “Bổn sư”, là bậc thầy căn bản của chúng ta. Các ngài tuyệt đối không làm chính trị, không làm công thương nghiệp, không làm những việc như thế, chỉ dốc hết lòng hết sức cứu độ hết thảy chúng sinh khổ nạn.
Phần trước đã có nói với quý vị, chúng sinh trong mười pháp giới đều là chúng sinh đang chịu khổ nạn. Vì sao vậy? Vì không thấy được tự tánh, trí tuệ không viên mãn, không tránh được việc tạo tác các nghiệp ác. Bốn thánh pháp giới cũng xem là không tệ, tương tự quả vị Phật, nhưng vẫn còn thối chuyển, mức độ thối chuyển lớn, cho nên các vị Pháp thân Bồ Tát nhìn các vị này là “thật đáng thương”.
Cho nên, hết thảy chúng sinh khổ nạn là chỉ mười pháp giới. Chỉ cần trí tuệ của quý vị chưa khai mở, trí tuệ này nhà Phật gọi là đại triệt đại ngộ, sáng rõ tâm ý, thấy được tự tánh, là trí tuệ chân thật. Còn chưa sáng rõ tâm ý, chưa thấy được tự tánh thì trí tuệ đó là không chân thật. Trong sáu đường luân hồi, Phật pháp nói rất rõ ràng, gọi loại trí tuệ [không chân thật] này là “thế trí biện thông”, căn bản vốn không thừa nhận đây là trí tuệ.
Bốn thánh pháp giới có trí tuệ nhưng không viên mãn, vì các ngài chưa phá sạch vô minh, chưa dứt hết phân biệt, chỉ mới trừ được hết bám chấp. Do đó có thể biết rằng, nếu không trừ được bám chấp, làm gì có trí tuệ? Bám chấp điều gì? [Bám chấp vào] tự ngã. Không có lòng riêng tư, không tự ngã, trí tuệ của quý vị mới khai mở. Chỉ cần có riêng tư, có tự ngã, trí tuệ không thể khai mở.
Cho nên, trí tuệ khai mở hay không, cũng không phải chuyện của người khác, mà đối với thầy dạy cũng không liên quan. Quý vị dù gặp được đức Phật Thích-ca Mâu-ni, dù gặp được đức Phật A-di-đà, nhưng tâm niệm tự tư tự lợi không buông bỏ thì quý vị cũng không khai mở được trí tuệ. Không thể nói rằng gặp được Phật là sẽ khai mở trí tuệ. Không phải vậy. Nếu như buông bỏ được hết tự tư tự lợi, hoàn toàn không còn nữa, quý vị dù gặp một người căn cơ thấp kém thuyết pháp cho nghe, quý vị cũng có thể khai ngộ. Những trường hợp như thế này từ xưa đến nay, ở khắp mọi nơi, đã có rất nhiều, [cho nên] học trò thành tựu vượt xa thầy dạy. Nhờ đâu mà vượt xa thầy dạy? Nhờ vào sự buông xả được. Chỗ buông xả của thầy không nhiều hơn học trò, học trò so với thầy buông xả được nhiều hơn, như vậy thì học trò vượt hơn thầy. Người triệt để buông xả được hết, rốt ráo buông xả, như vậy là thành Phật.
Chúng ta thấy người đời rất nhiều người sinh bệnh. Hôm nay, lúc sáng sớm có người bên Thượng Hải điện thoại cho tôi, có vị đồng tu cũng bị sinh bệnh, thân tâm đều không an ổn, hỏi tôi phải làm sao? Vì sao không buông xả bệnh đi? Buông xả rồi thì không còn nữa. Quý vị nếu ôm giữ bệnh trong tâm thì quý vị phải chịu bệnh. Người này mắc bệnh ung thư. Tôi nói với ông ta, mười năm trước cư sĩ Lý Mộc Nguyên cũng mắc chứng ung thư. Quý vị cứ đến hỏi, ông ấy đưa các ảnh chụp X-quang cho xem, hơn ba mươi tấm, tế bào ung thư đã khuyếch tán ra toàn thân, đến từng bộ phận cơ thể. Thầy thuốc nói với ông ấy là chỉ còn sống được ba tháng nữa. Ông cũng không trị liệu, không uống thuốc, niệm Phật chờ chết. Ông đến đạo trường Cư Sĩ Lâm làm công quả, còn sống một ngày làm một ngày, thực sự nỗ lực. Làm được nửa năm, không thấy chuyện gì xảy ra, liền đi kiểm tra lại không thấy gì nữa, thật là kỳ tích trong lịch sử y học Singapore. Hiện tại ông vẫn sống đã qua mười mấy năm, tinh thần cũng như thể lực không người nào sánh được với ông. Tôi gọi ông ấy là Bồ Tát Bất Hưu Tức (vị Bồ Tát không ngừng nghỉ). Quý vị xem, hôm trước vừa từ Trung quốc quay về, ngay sau khi quay về đã lập tức khai hội, không một chút thời gian nghỉ ngơi. Ông ấy cho tôi biết, thời gian ngủ ban đêm đại khái chỉ khoảng vài giờ, hết lòng hết sức vì Phật pháp, vì chúng sinh, không vì tự thân mình, quên bỏ tự thân mình, cho nên bệnh không còn nữa.
Có tự ngã thì quý vị liền có nghiệp chướng, quý vị có nghiệp báo. Không có ngã thì không có nghiệp báo, nghiệp cũng không có, báo cũng không có. Con người nếu đạt đến vô ngã thì chuyện gì cũng giải quyết được cả. Thân này còn sống ở thế gian là vì chúng sinh tạo phúc, vì chúng sinh phục vụ. Nếu sự việc thực hiện thành công, đó là chúng sinh có phước báo, tự mình không nhận công. Sự việc không thành công, đó là chúng sinh không có phước báo, tự mình cũng không có lỗi lầm. Tự thân mình vĩnh viễn không có chuyện được mất. Không có được mất, thật khoái lạc biết bao!
Nếu sự việc thực hiện thành công, thấy công lao của mình rất lớn, nào có gì tốt. Như vậy là quý vị có ngã, có ngã thì có nghiệp báo. Vô ngã thì không nhận chịu nghiệp báo, nghiệp báo cũng không hề có. Đó là lời Phật dạy chúng ta.
“Nhìn việc hiền thiện.” Trong kinh Thập thiện nghiệp đạo đức Phật dạy chúng ta phương pháp của Bồ Tát chuyển ác làm thiện, hết sức mạnh mẽ, “ngày đêm thường nhớ nghĩ, suy xét, quan sát”. “Nhìn việc hiền thiện” ở đây cũng là quan sát, quan sát hết thảy các pháp lành, không được quan sát các pháp xấu ác. Đại sư Lục tổ Huệ Năng của Thiền tông trong Đàn Kinh dạy chúng ta: “Nếu người chân chánh tu hành, không nhìn thấy lỗi của thế gian.” Không nhìn thấy lỗi của thế gian, đó là thấy những việc hiền thiện. Người đời có lỗi lầm hay không? Không có. Trong hết thảy mọi người, mọi sự vật, sự việc đều không có lỗi lầm. Câu này là chân thật, không phải giả dối. Đại sư Ngẫu Ích trong Linh Phong Tông Luận cũng nói rất nhiều. Ngài nói: “Cảnh duyên không tốt xấu.” Cảnh là nói hoàn cảnh vật chất, duyên là nói hoàn cảnh nhân vật, sự việc. Chúng ta gọi chung là hết thảy mọi người, mọi sự vật, sự việc. Hai chữ “cảnh duyên” là bao quát hết, trong đó không có thiện ác, không có tốt xấu, đích thực là thanh tịnh, là bình đẳng. “Tốt xấu khởi từ tâm.” Những thứ tốt xấu, thiện ác từ đâu mà có? Là tự tâm chúng ta vọng động, chúng ta cho đó là tốt, cho đó là xấu, nhưng trong thực tế không phải như vậy. Cho nên tự mình phải buông bỏ hết vọng tưởng, phân biệt, bám chấp thì thế giới này là tốt đẹp hoàn hảo, thế giới này là pháp giới nhất chân, thế giới này là thế giới Cực Lạc.
Nguyên vốn là pháp giới nhất chân, nguyên vốn là thế giới Cực Lạc, biến thành như thế này đều là do vọng tưởng, phân biệt bám chấp của tự thân chúng ta tạo thành. Thân thể này của chúng ta nguyên vốn là thân kim cương không hư hoại, vì sao trở thành như thế này? Đó là vì trong tâm chất chứa đầy tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn, năm món dục trong sáu trần cảnh, thị phi, nhân ngã, cho nên mới thành như thế này.
Trong quá khứ không có người dạy bảo, sự tình có thể tha thứ được, vì tự mình không biết. Hiện tại đức Phật vì chúng ta giảng giải đã quá rõ ràng, quá sáng tỏ, chúng ta nghe hiểu rồi, tin nhận rồi, phải buông xả muôn duyên, buông xả vọng tưởng, phân biệt, bám chấp, khôi phục nếp sống pháp giới nhất chân. Quý vị nói xem, thật mỹ mãn biết bao! Tự tại biết bao! Hạnh phúc biết bao!
Chỗ này nói “nhìn việc hiền thiện” cũng chính là như Phật dạy chúng ta quan sát hết thảy các pháp lành, tuyệt đối không quan sát hết thảy các pháp xấu ác, từ chỗ căn bản mà quay đầu hướng thiện.
“Hành thiện” là nói hành vi, chúng ta trong cuộc sống thường ngày, trong công việc, xử sự, đối đãi với người, tiếp xúc muôn vật, hết thảy đều nằm trong trong một chữ “hành” này. Một ngày quý vị có thể làm được ba pháp thiện, [“ngữ thiện, thị thiện, hành thiện”], “ba năm” là nói sự tích lũy công đức. “Ắt được trời ban phúc lành”, cho nên hết thảy tai họa đều tiêu trừ. Nhà Phật thường nói “tiêu trừ nghiệp chướng”, nghiệp chướng thực sự tiêu trừ, phước đức hiện tiền, trí tuệ hiện tiền, chúng ta cần phải học tập.