(Giảng ngày 29 tháng 11 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 137, số hồ sơ: 19-012-0137)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Trong Cảm ứng thiên, từ đoạn thứ 69: “Sính chí tác uy, nhục nhân cầu thắng.” (Thích ý ra oai. Làm nhục người để giành phần thắng.) cho đến đoạn thứ 75: “Thừa uy bức hiếp. Túng bạo sát thương.” (Dựa oai bức hiếp, tùy tiện hung bạo giết hại người.) là một đoạn lớn nói về những chuyện xấu ác cứng rắn, hung bạo.
Trong phần đầu tiên tôi đã từng nói qua với quý vị, đoạn mở đầu trong phần chú giải nêu lên với chúng ta bốn chữ “chính trực hòa huệ” (chính trực, ôn hòa, làm lợi ích cho người khác). Bốn chữ này đích thực là căn bản của chúng ta trong việc làm người, gầy dựng sự nghiệp và ứng xử ở đời.
Nho gia và đạo Phật đều nói về phát tâm Bồ-đề. Trong Quán kinh, đức Thế Tôn giảng rằng tâm Bồ-đề là “tâm chí thành, tâm sâu vững, tâm phát nguyện, hồi hướng”. Trong luận [Đại thừa] Khởi tín thì nói là “tâm ngay thẳng, tâm sâu vững, tâm đại bi”. Chúng ta hợp cả kinh luận mà xem xét thì trong thực tế chính là như Nho gia nói “thành ý, chính tâm” (ý chân thành, tâm chân chánh).
“Chính trực, nghiêm khắc với chính mình”, đó là tâm chân chánh, tâm chân chánh là tâm ngay thẳng. “Đối xử ôn hòa, làm lợi lạc cho người khác”, đó là tâm đại bi, là tâm phát nguyện, hồi hướng. Cho nên, chúng ta tụng đọc thật kỹ, thể hội được rằng các bậc đại thánh đại hiền trong thế gian cũng như xuất thế gian, tuy nói ra bằng những ngôn từ khác biệt nhau nhưng ý nghĩa hoàn toàn giống nhau.
Vì thế, pháp thế gian với Phật pháp rất dễ dàng tương thông, mà giữa pháp gian với nhau cũng không có chướng ngại, như trong kinh Hoa Nghiêm nói “lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”.
Chân lý đích thực chỉ có một, trong Phật pháp tôn xưng đó là Phật, là tâm tánh. Trong các tôn giáo khác gọi là thần, gọi là chúa. Chân lý như thế khởi lên tác dụng rộng lớn không bờ mé, cho nên mới có thể rộng độ hết thảy chúng sinh. Độ là ý nghĩa trợ giúp, là ý nghĩa dạy dỗ dẫn dắt, là ý nghĩa giúp đỡ, là ý nghĩa phục vụ. Chúng ta nhìn từ chỗ này, tu học từ chỗ này, chính là như các bậc tổ sư đại đức trong Đại thừa Giáo tông thường khuyên bảo khuyến khích người tu hành phải bắt đầu từ căn bản.
Chúng ta hiện nay hiểu rõ, căn bản là gì? Căn bản là một khái niệm, khái niệm này các triết gia gọi là vũ trụ quan, nhân sinh quan. Cách nhìn của chúng ta đối với nhân sinh, đối với vũ trụ, nếu tương ưng phù hợp với sự thật, trong Phật pháp có lúc gọi đó là tương ưng với đức của tự tánh, thì đó là chánh pháp. Nếu trái nghịch với đức của tự tánh thì đó là tà pháp.
Tuy nhiên phải biết rằng, tà pháp với chánh pháp đều không lìa ngoài tự tánh. Cho nên nói tà, chánh chẳng phải hai. Điều này trong các tôn giáo khác không hề có. Đây thực sự là một tầng bậc [nhận thức] cao. Tà với chánh trong tâm tính mà nói là không hai, theo hiện tướng mà nói cũng là không hai. Do ý niệm có sai biệt nên cảm thụ liền có sai biệt.
Thế nhưng sự sai biệt này chỉ có nơi phàm phu, chỉ có nơi người mê hoặc, còn ở người giác ngộ không hề có. Ý nghĩa này chúng ta phải hiểu rõ. Hiểu rõ ý nghĩa này, y theo ý nghĩa này thì chúng ta mới có sự nhận biết chân chánh, tư tưởng của quý vị mới thuần chánh, sự thấy biết nhận hiểu mới chính xác, hành vi của quý vị hoàn toàn tự nhiên không còn khác biệt gì so với chư Phật, Bồ Tát.
Chúng ta tổng kết lại cương lĩnh mà chư Phật, Bồ Tát dạy dỗ dẫn dắt chúng ta, cương lĩnh then chốt trọng yếu nhất là “nhìn thấu, buông bỏ, tùy duyên, niệm Phật”. Hoàn toàn tự nhiên tương ưng [với những điều ấy], sao có thể còn có ý niệm xấu ác? Sao còn có hành vi xấu ác?
Thích dùng sức mạnh, háo thắng, độc đoán chuyên quyền, thưởng phạt tùy ý, đều là vì tự thấy mình ở trên người khác, đều là vì cho rằng người khác không bằng mình. Ý niệm đó là sai lầm, biểu hiện ra trong đời sống hằng ngày thành những hành vi cũng sai lầm.
Trong đoạn này nói về những điều xấu ác cứng rắn hung bạo. Hai câu [đầu tiên] này là nói tổng quát. Phần bên dưới nêu ra nhiều trường hợp điển hình. Chúng ta từ những trường hợp điển hình này suy diễn rộng ra, có thể hiểu được trong đời sống hằng ngày bản thân ta có mắc phải những sai lầm này hay không.
“Bại nhân miêu giá.” (Phá hoại mùa màng của người.) Điều này chúng ta không làm, đây là nói phá hoại đồng áng, ruộng lúa của nông dân. Thế nhưng từ chỗ này suy rộng ra, nói chung những việc phá hoại các phương diện trong đời sống của người khác, các phương diện vật chất thọ dụng của người khác, thảy đều thuộc về ý nghĩa này. Cho nên, quý vị phải hiểu được ý nghĩa suy rộng này.
Đời sống trong chốn đô thị có rất nhiều phương thức làm việc, từ kẻ làm việc trong các bộ ngành cơ quan chính phủ cho đến người gánh củi, gánh nước, sống nhờ vào đó. Ngoài ra còn có những kẻ buôn bán, những người làm công, mỗi người đều có phương thức mưu sinh của riêng họ. Nếu quý vị gây chướng ngại họ, phá hoại [chuyện làm ăn của] họ, khiến họ mất đi chén cơm manh áo, mất đi công việc, hoặc khiến cho họ bị hạ thấp trong công việc, hết thảy đều là thuộc về tội lỗi này.
Câu thứ hai là “Phá nhân hôn nhân.” (Phá hoại chuyện hôn nhân của người.) Trong câu này bao hàm cả việc phá hoại sự ấm êm hòa thuận trong gia đình người khác. Chư Phật, Bồ Tát nhất định là thúc đẩy thành tựu các gia đình, giúp họ thương yêu thân thiết với nhau, hỗ trợ hợp tác với nhau. Đó là thành tựu điều tốt đẹp cho người mà không giúp vào những điều xấu ác. Bất kể là trong tôn giáo nào, đối với gia đình cũng đều hết sức xem trọng.
Phật pháp dạy chúng ta phần cơ bản của sự tu hành là “hiếu thảo cha mẹ, tôn trọng thầy”, dường như các bậc thánh hiền trong tất cả các tôn giáo cũng đều dạy người như vậy, không có ngoại lệ, hết thảy đều khởi đầu từ sự hiếu kính. Nhà Phật nói “hiếu thảo cha mẹ, tôn trọng thầy”, đó là đem việc hiếu thảo với cha mẹ đặt lên hàng đầu, tôn trọng thầy xếp ở hàng thứ hai. Các tôn giáo khác đều xếp việc tôn kính thần minh lên hàng đầu, hiếu thảo cha mẹ ở hàng thứ hai, nhưng không tôn giáo nào không xem trọng. Đây là chỗ khác biệt giữa Phật giáo với các tôn giáo khác.
Phật pháp là đạo kính thầy, sự tôn kính thầy nhất định phải xây dựng trên nền tảng đạo hiếu. Không có sự hiếu kính cha mẹ thì không thể có sự tôn kính các bậc sư trưởng. Điều này là phù hợp theo lý luận, người Trung quốc nói là hợp với lẽ trời, tình người.
Nhưng mỗi tôn giáo khác đều tôn kính thờ phụng một vị thần, họ khẳng định vị thần đó là chúa tể tạo ra muôn vật, là chúa tể của tất cả. Cho nên họ xếp việc thờ kính thần lên trước nhất, mọi thứ đều kính ngưỡng dựa vào vị thần của họ. Trong Phật pháp gọi đây là pháp môn dựa vào tha lực. Việc tu hành chứng quả trong Phật pháp là dựa vào tự lực, không dựa vào tha lực. Chỉ riêng Tịnh độ tông và Mật tông được gọi là pháp môn nhị lực, [có cả tự lực và tha lực]. Tuy là nhị lực, tức là dựa vào bản thân và cũng dựa vào tha lực, nhưng trong nhị lực đó vẫn xem tự lực là trước hết. Điều này so với quan niệm của các tôn giáo khác không tương đồng.
Tự thân quý vị nhất định phải thực sự nỗ lực, tu hành như lý như pháp, như vậy mới có được sự gia trì từ oai thần của chư Phật, Bồ Tát. Quý vị tự mình không nỗ lực công phu, nếu muốn có được sự gia trì từ oai thần của chư Phật, Bồ Tát là điều không thể được. Điều này chúng ta hiện nay suy ngẫm kỹ thấy thật hợp tình hợp lý. Tự thân chúng ta có được một phần công phu, chư Phật gia trì cho ta một phần. Ta có hai phần công phu, chư Phật gia trì cho ta hai phần. Ta có được mười phần công phu thì chư Phật gia trì mười phần. Như vậy là hợp tình hợp lý, hợp chánh pháp, không phải hoàn toàn trông mong dựa dẫm vào thần linh.
Ân huệ lớn nhất của chư Phật, Bồ Tát đối với chúng ta chính là sự răn dạy, dẫn dắt chúng ta. Chẳng hạn như người đời muốn cầu giàu có, Phật dạy chúng ta phương cách để được giàu có. Đó chính là quý vị muốn được giàu có, đức Phật liền vì quý vị giảng giải ý nghĩa thế nào thì đạt được, cùng với ý nghĩa thế nào thì không đạt được. Hết thảy đều giảng rõ cho quý vị nghe. Quý vị thông đạt, hiểu rõ được những ý nghĩa đó rồi, trong cuộc sống hằng ngày liền chịu nỗ lực học tập, tu phúc, được quả báo hiện tiền. Đó gọi là “trồng dưa được dưa, trồng đậu hái đậu”. Quý vị muốn được thu hoạch dồi dào, Phật dạy quý vị cách gieo trồng như thế nào để được thu hoạch dồi dào. Đức Phật dạy dỗ chúng ta như vậy.
Lời dạy trong các tôn giáo khác đều hoàn toàn dựa vào sự ban cho của thần linh, đó là họ hiểu sai ý nghĩa của thần. Thật ra, sự ban cho từ thần linh của họ, ý nghĩa thực sự so với Phật pháp không có khác biệt. Nhưng vì hiểu sai ý nghĩa nên họ cho rằng tự thân mình có thể không cần phải nỗ lực, chỉ hoàn toàn dựa vào sự ban cho của thần linh. Mọi thứ đều trông mong dựa dẫm vào thần linh, cuộc sống sẽ như thế nào? Sẽ giống như dựa vào sự cứu tế để sống qua ngày, đời sống của ta mỗi ngày đều phải dựa vào sự cứu tế của người khác. Đức Phật dạy dỗ, dắt dẫn chúng ta là dạy ta làm thế nào để tự mình sinh sống được.
Ý nghĩa [truyền dạy] của các bậc hiền thánh xưa không sai lệch, chỉ sợ bản thân ta hiểu sai đi những ý nghĩa ấy. Chúng ta thấy rất nhiều tín đồ các tôn giáo đều hiểu sai ý tứ của thần linh. Quay nhìn lại chính mình, trong cửa Phật cũng có rất nhiều Phật tử hiểu sai ý tứ của chư Phật, Bồ Tát. Nguyên nhân việc này nằm ở đâu? Trong kinh luận Đại thừa đều nói: “Phật pháp vô nhân thuyết, tuy trí mạc năng giải.” (Phật pháp không có người giảng giải, dù có trí tuệ cũng không hiểu được.) Vấn đề xuất phát từ chỗ không có người dạy bảo, dắt dẫn. Chúng ta đọc kinh bằng tri kiến của phàm phu, bằng cách suy nghĩ của riêng mình, thường là hiểu sai đi ý nghĩa trong kinh điển, lý giải sai lệch. Cho nên đức Phật mới nói: “Phật pháp không có người giảng giải, dù có trí tuệ cũng không hiểu được.” Ý nghĩa là ở chỗ này.
Những giáo huấn về đời sống hằng ngày, đặc biệt là phương diện chi tiết nhỏ nhặt trong đời sống, quả thật là có một số tôn giáo giảng giải rất hay, chỉ dẫn hết sức tường tận, chẳng hạn như trong Hồi giáo. Trong Phật giáo cũng có, nhưng trong Phật giáo đức Thế Tôn phần nhiều là chỉ dạy [những điều này] cho người xuất gia. Trong giới luật, oai nghi của người xuất gia cũng giảng giải rất tường tận, chi tiết. Nhưng đối với phần giới luật này, hiện nay mọi người đều xao nhãng, bỏ qua, không có ai học tập. Không cần nói đến những giới luật quá phức tạp, chỉ đơn giản nhất là phần “Sa-di luật nghi”, mười điều giới luật, hai mươi bốn oai nghi, ngày nay cũng đã không nhiều người xem đến, không có ai học tập.
Cho nên, Phật giáo ngày nay về phương diện thực hành mà nói thật không bằng các tôn giáo khác. Chúng ta so ra không bằng Thiên chúa giáo, không bằng Hồi giáo, những tiểu tiết tinh tế trong đời sống của họ vẫn giữ được như xưa, vẫn vâng làm [theo kinh điển] như xưa. Kinh điển của chúng ta thì ngược lại hóa thành những lời bàn luận ý nghĩa trong kinh luận, không hề thiết thực với thực tế.
Cảm ứng thiên là kinh điển thực hành, cũng là trong đời sống thường ngày của chúng ta, trong đó phần nhiều nói về những nguyên lý, nguyên tắc [chung], không giống như những quy tắc, khuôn mẫu đời sống trong “Sa-di luật nghi”, trong Hồi giáo, trong Thiên chúa giáo, giảng nói hết sức tường tận, chi tiết. Nhưng nếu ta nắm chắc được những nguyên lý, nguyên tắc [chung] thì khi đọc qua những quy tắc, khuôn mẫu đời sống liền thấy hết sức vui mừng thích thú. Quý vị sẽ hoàn toàn tự nhiên thấy ưa thích ngưỡng mộ, tự nhiên muốn làm theo. Không phải do người khác ép buộc miễn cưỡng quý vị phải làm, không phải do người khác khuyên bảo quý vị làm, mà chính là tự thân quý vị rất muốn làm theo. Cho nên, ý nghĩa này không thể không hiểu rõ.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.