(Giảng ngày 10 tháng 3 năm 2000 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 170, số hồ sơ: 19-012-0170)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Hôm nay chúng ta xem lại Cảm ứng thiên, đoạn thứ 101. Đoạn trước đó là đoạn thứ 100, chúng ta đã giảng qua: “Tâm độc mạo từ. Uế thực ủy nhân.” (Trong lòng ác độc, bên ngoài ra vẻ hiền từ. Cho người khác ăn thức ăn dơ.) Phạm vi hai câu này hết sức rộng, hết sức sâu xa. Chúng ta cần phải chú tâm suy ngẫm thể hội. Nói chung, dùng tâm nhiễm ô đối đãi với người khác, lừa dối người khác, giành lấy cho riêng mình lợi ích, ham muốn, những điều thụ dụng, hết thảy đều thuộc phạm vi này, tội lỗi rất sâu nặng.
Câu cuối cùng là “Tả đạo hoặc chúng.” (Dùng tà đạo sai trái mê hoặc mọi người.) Trong xã hội hiện đại, những trường hợp này quá nhiều, quá nhiều, cũng chính là như trong kinh Phật nói: “Tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng.” Nếu chúng ta dễ dàng tin nghe theo những lời gièm pha, những lời đồn đại thì hết sức đáng tiếc là nhân duyên trong đời này của chúng ta gặp được Phật pháp thù thắng sẽ bị đoạn trừ, dứt mất. Quý vị không thể trách người khác, chỉ trách tự thân quý vị niềm tin không kiên định. Quý vị vì sao không tin Phật? Vì sao không tin các bậc tổ sư, đại đức? Vào đời Đường, Đại sư Thiện Đạo chú giải kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Bản chú giải của ngài gọi tên là Quán kinh tứ thiếp sớ, tôi đã từng giảng qua mấy lần. Trong đó, riêng chương Thượng phẩm thượng sinh còn đặc biệt mang ra giảng giải riêng. Tôi cũng có in thành một tập sách nhỏ đang lưu hành. Đại sư Thiện Đạo khuyên chúng ta phải tin nghe lời Phật. Lời Phật dạy ở đâu? Chính là trong kinh điển. Bất kể là ai đến giảng giải với chúng ta, nếu không tương ưng với những lời Phật dạy, chúng ta quyết định không tin nghe. Ngài nói, người đã chứng quả A-la-hán, người có đại thần thông đến giảng giải với quý vị, không tương ưng với lời Phật dạy, vậy phải làm sao? Không nghe theo. Bồ Tát đến giảng với quý vị, Bồ Tát Địa Thượng đến giảng, Bồ Tát Đẳng Giác đến giảng, nếu giảng giải không tương ưng với kinh Phật cũng đều không thể nghe theo. Chắc chắn đó là tà đạo, không phải chánh pháp. Nói đến mức cuối cùng, nếu như Phật đến giảng giải. Phật với Phật đạo pháp đồng như nhau, những điều Phật giảng so với kinh điển nhất định phải giống nhau. Nếu như không giống nhau thì đó là Phật giả, không phải Phật thật. Là Phật thật thì nhất định Phật với Phật tương đồng, Phật không giảng pháp hai cách khác nhau.
Đại sư Thiện Đạo giảng giải hết sức khẩn thiết, bản văn rất dài, đó là vì sao? Vì chính là thời kỳ mạt pháp, “tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”, các pháp thấy tưởng như đúng mà thật ra sai lầm đầy dẫy trong thế gian, chúng ta phàm phu kém cỏi làm sao có khả năng phân biệt? Người thực sự có phước đức, người có căn lành là nương dựa theo thầy, thầy không lừa dối chúng ta. Tôi được thân cận với Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam trong mười năm, thầy hết sức khiêm hư, không dám tự nhận mình là thầy. Tôi tôn kính thầy là bậc thầy dạy, thầy đối đãi với tôi như bạn đồng học, dạy tôi nên tôn Đại sư Ấn Quang làm thầy. Đại sư Ấn Quang là thầy của thầy Lý, nên chúng tôi làm bạn đồng học. Người khiêm hư đến mức độ như thế, quả là bậc đại thiện tri thức của những người muốn tu theo Tịnh Tông chúng ta trong thời cận đại.
Chúng ta đều biết Đại sư Ấn Quang là Bồ Tát Đại Thế Chí từ thế giới Tây phương Cực Lạc thị hiện đến. Trong xã hội hiện đại này, chúng ta thấy có rất nhiều người tự xưng mình là Phật, là Bồ Tát này nọ thị hiện. Hôm qua tôi nhận được một lá thư, từ vùng đông bắc Trung quốc gửi đến, tôi cũng không biết là ở nơi đâu [trong vùng ấy], người gửi nói rằng ông ta là Bồ Tát Đại Thế Chí. Vào thời xưa có trường hợp tự nói ra thân phận như vậy, nhưng sau đó ngay lập tức liền nhập Niết-bàn, đó thực sự là Bồ Tát Đại Thế Chí. Người nói ra rồi lại không qua đời, còn muốn cùng tôi gặp mặt, người này không phải Bồ Tát Đại Thế Chí, là giả mạo, không phải chân thật.
Quý vị xem trong lịch sử Trung quốc, [các vị Phật, Bồ Tát thị hiện], một khi thân phận đã bộc lộ liền lập tức nhập Niết-bàn, tuyệt đối không dùng lời quái lạ mê hoặc đại chúng. Đó mới là chân thật. Nói ra rồi không qua đời, còn đi khắp nơi tuyên truyền, còn cầu danh văn lợi dưỡng, người như vậy nhất định không thật, chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng. Không nên [tin theo] vì người ấy phô bày một chút thần thông. Yêu ma quỷ quái cũng hiện thần thông, cho nên Phật không dùng thần thông để làm Phật sự. Tiếp dẫn chúng sinh nhất định phải tránh dùng thần thông cảm ứng. Thần thông cảm ứng nhất định là có, nhưng trong Phật pháp quyết định không dùng đến. Nếu như dùng đến thần thông cảm ứng thì Phật với ma hết sức khó phân biệt. Cho nên Phật quyết không dùng đến thần thông cảm ứng, Phật dùng sự giáo dục chính quy, dùng giáo dục ba nghiệp thân khẩu ý. Như vậy chúng ta mới có thể phân biệt, không bị người khác lừa dối.
Chúng ta học Phật, vừa bước vào cửa Phật liền tiếp nhận Tam quy y: “Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng-già”. Nếu như tin nghe những lời truyền bá bên ngoài, Tam quy của chúng ta liền lập tức bị phá hỏng. Nếu nghe theo những lời đồn đại lan truyền, đó là quý vị quy y theo người truyền bá những lời đồn ấy, quý vị với Tam bảo liền lập tức xa lìa, quý vị không còn là đệ tử Tam bảo nữa. Quý vị là đệ tử của yêu ma quỷ quái. Sự việc cạn cợt dễ thấy như vậy, có thể nói là không hiểu được sao?
Tam quy y là hết sức quan trọng thiết yếu. Sau khi Phật diệt độ, trung tâm của Tam quy chính là Pháp bảo, chúng ta phải quy y Pháp. Hiện tại có người phá hoại Phật pháp. Chuyện phá hoại Phật pháp thì đời nào cũng xảy ra, không có gì lạ, chỉ là một hiện tượng hết sức bình thường. Những người nào phá hoại Phật pháp? Chính là quân ma phá hoại Phật pháp. [Có người nói:] “Bạch thầy, ông ấy tu hành rất nhiều.” Không sai, pháp sư tu hành rất nhiều đó chính là ma, không phải Phật, việc này có y cứ trong kinh Phật. Vào thời đức Phật Thích-ca Mâu-ni còn tại thế, Ma vương Ba-tuần từng nói với Phật, khi Phật pháp đến thời kỳ mạt pháp, con người không có trí tuệ, không có phước báo, căn tánh vô cùng kém cỏi, Ma vương sẽ cho bọn ma con, ma cháu hết thảy cùng nhau xuất gia, mặc áo cà-sa, cũng tu hành rất nhiều, để phản đối Phật pháp. Điều này mọi người đều đã nghe biết. Đức Phật nghe Ma vương nói vậy thì rơi nước mắt, không nói một lời nào. Người xưa ví chuyện này là “con trùng trong thân sư tử ăn thịt sư tử”. Theo cách nói hiện nay thì đó là ma đã xâm nhập vào trong cửa Phật.
Cho nên, không thể chỉ nhìn vào hình tượng của người xuất gia, như vậy có thực sự là hình tượng tiêu biểu của Phật hay chăng? Còn phải xem tâm niệm và hành vi của người ấy, phải quan sát thật kỹ người ấy dùng tâm niệm như thế nào, nói ra những điều gì, làm những việc gì, sau đó đối chiếu qua một lần với kinh điển xem có tương ưng phù hợp hay không? Nếu thật tương ưng, đó là đệ tử Phật. Nếu không tương ưng, đó là đệ tử của ma. Chúng ta phải thấu hiểu rõ ràng điều này thì mới không đến nỗi đem cơ duyên hết sức thù thắng của một đời này làm sai lệch mất đi.
Phần này trong chú giải nói rất rõ ràng, tôi sẽ đọc qua một lần để mọi người cùng nghe: “Phật giáo Tam quy.” Mấy chữ này hiểu là “Tam quy của Phật giáo” cũng được, mà hiểu là “Phật dạy chúng ta Tam quy” cũng được.
“Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, trong đó khẩn thiết quan trọng nhất là Phật pháp. Khi Phật còn tại thế, dùng pháp này để giáo hóa cứu độ chúng sinh. Sau khi Phật diệt độ, truyền lại pháp này để cứu độ chúng sinh. Phật thuyết pháp, chư tăng truyền pháp.
“Nếu không quy y tăng thì biết từ đâu nghe được pháp? Nếu không nghe được pháp, dựa vào đâu để tu hành? Cho nên, người nào y theo Phật pháp tự mình tu hành, y theo Phật pháp dạy người lấy việc thấu triệt sinh tử, chứng quả Bồ-đề làm tâm nguyện, đó là tăng.”
Điều này chúng ta phải ghi nhớ. Nói cách khác, khuyên bảo quý vị, dạy quý vị dứt ác tu thiện, người như vậy có phải là tăng hay không? Cũng chưa chắc. Những người tốt ở đời cũng khuyên người dứt ác tu thiện. Thậm chí yêu ma quỷ quái cũng có thể khuyên người dứt ác tu thiện. Vậy người khuyên quý vị phá mê khai ngộ, có phải Phật hay không? Cũng chưa hẳn. Vì sao vậy? Yêu ma quỷ quái cũng có tu hành, đạo pháp của chúng cũng rất cao, trí tuệ của chúng so với ta cũng lớn hơn, chúng cũng giảng pháp phá mê khai ngộ. Nhưng yêu ma quỷ quái có một mức độ giới hạn, chúng không phải rốt ráo, không phải trọn vẹn đầy đủ. Cho nên vẫn không phải Phật. Thế nào là Phật? Phật quyết định là thấu triệt sinh tử, thoát ngoài ba cõi, vượt phàm lên thánh. Như vậy mới là Phật, [tu tập theo hướng đó] mới thực sự là Tăng.
Nói như vậy thì chúng ta ngày nay tu hành được mấy người có khả năng vượt phàm lên thánh? Vượt phàm lên thánh phải dứt trừ phiền não, phải phá sạch trần sa vô minh, nói ra dễ dàng vậy sao? Cho nên, trong chín ngàn năm đời mạt pháp, người quyết tâm cầu sinh Tịnh độ, buông bỏ muôn duyên, đó mới thật là tăng. Đại sư Ấn Quang vì chúng ta thị hiện như vậy để ta noi gương theo, hết thảy mọi thứ đều buông bỏ. Cho nên, dạy người dứt ác tu thiện, phá mê khai ngộ, phát tâm Bồ-đề, một lòng chuyên niệm [Phật], đó chính là tăng trong cửa Phật.
Nếu như có mảy may tâm niệm mong cầu danh văn lợi dưỡng, đó là giả dối, chẳng phải chân thật. Có mảy may tâm tham cầu hưởng thụ thì bộ mặt thật liền bày ra, là giả dối, chẳng phải chân thật. Trong lòng có mảy may không tôn kính người khác, đó là giả dối, chẳng phải chân thật.
Là vị tăng chân thật, quyết định phải lễ kính chư Phật. Còn khinh chê xem thường người khác, đó không phải tăng chân thật.
Là vị tăng chân thật, không chỉ nhìn thấy người xuất gia hay bốn chúng đồng tu trong nhà Phật chúng ta thì trong lòng không một mảy may khinh chê xem thường, mà thậm chí nhìn thấy ngoại đạo, nhìn thấy hết thảy chúng sinh cũng đều không có lòng khinh chê xem thường. Đó chính là tăng, là người vâng làm y theo giáo pháp.
Đồng học Tịnh Tông chúng ta y theo năm khoa mục tu hành, tương ưng phù hợp với năm khoa mục ấy là tăng, là Tăng bảo trong [Tam bảo] Phật, Pháp, Tăng. [Năm khoa mục đó là] Tam phúc, Lục hòa, Tam học, Lục độ và Phổ Hiền thập nguyện.
Quý vị đồng học xuất gia chúng ta, không được xa lìa “Tịnh Tông thủ tắc”, mỗi ngày đều phải mở ra xem, giống như một tấm gương, chiếu qua một lần xem [bản thân mình] có giống tăng hay không? Nếu như không giống, đó là ta đang mua bán Như Lai cầu lợi. Người xuất gia như vậy chính thật là con cháu của ma. Đúng như người xưa nói: “Trước cửa địa ngục nhiều thầy tăng,” ta là một trong số đó.
Cho nên, những đoạn kinh văn [trong Tịnh Tông thủ tắc] là tôi trích xuất từ những lời răn dạy quan trọng thiết yếu nhất trong kinh điển. Những đoạn kinh này không dài lắm, rất ít chữ nghĩa, mọi người chúng ta đều có thể học thật thuộc lòng.
Hai thời khóa tụng sớm tối, thử hỏi có thu được hiệu quả gì hay không? Nếu như tâm niệm, hành vi của chúng ta tương ưng phù hợp với năm khoa mục, việc tụng niệm sớm tối là công đức. Nếu không tương ưng phù hợp với năm khoa mục, công phu sớm tối chỉ là tạo nghiệp. Sáng sớm lừa dối Phật một lần, chiều tối lại lừa dối thêm lần nữa. Một năm hơn ba trăm sáu mươi ngày lừa dối [Phật] hơn sáu trăm lần, tội lỗi của quý vị sâu nặng biết bao, quý vị không vào địa ngục thì còn ai vào địa ngục?
Lão cư sĩ Hạ Liên Cư dạy chúng ta “phải thực sự làm”. Chúng ta trong một đời này nhất định phải thấu triệt sinh tử, thoát ra ngoài ba cõi. Không thể đem Phật pháp ra lừa dối người khác, không thể ở trong Phật pháp mưu lợi, quả báo không gánh nổi!
Tôi nghĩ rằng, người đời từ độ tuổi trung niên trở lên đều có cùng cảm xúc rất rõ rệt: “Thế gian này là giả, không có gì là chân thật.” Tự mình suy ngẫm, trong một đời này của ta, mấy chục năm qua gầy dựng sản nghiệp, nhà cửa này là của mình, qua mấy năm dời nhà, lại bán cho người khác, dời sang một nơi ở mới, rồi không bao lâu lại dời đi nữa... Quý vị nghĩ xem, chúng ta trong một đời, dời nhà biết mấy lần? Có nhà nào là của mình đâu? Dời nhà đến lần cuối cùng, thân thể này rồi phải chết, không một thứ gì mang theo được, hết thảy đều là giả.
Đức Phật dạy: “Muôn pháp đều không, nhân quả thật có.” Có thể mang theo được [sau khi chết] chính là những nghiệp quý vị đã tạo, có thể mang theo được. Quý vị tạo nghiệp lành thì được quả báo tốt đẹp, tạo nghiệp xấu ác phải chịu quả báo xấu ác. Nghiệp thanh tịnh niệm Phật thì được vãng sinh Tịnh độ. Những [nghiệp] như thế là có thể mang theo được. Trừ những nghiệp này ra, không một thứ gì có thể mang theo được, kể cả thân thể này cũng không mang theo được, đều là giả. Hết thảy đều là giả, vì sao phải tạo nghiệp? Vì sao phải tự tư tự lợi như thế?
Chư Phật, Bồ Tát so với chúng sinh khác biệt. Chư Phật, Bồ Tát khởi tâm động niệm đều vì chúng sinh, vì chánh pháp trụ thế lâu dài, vì lợi ích chúng sinh, không vì tự thân mình. Cho nên, quý vị phải hiểu rõ ràng rằng, chư Phật Bồ Tát thị hiện trong mười pháp giới đều là khách, không phải là chủ. Là khách trọ, không trụ ở nhà, đi hóa độ khắp mười phương. Nào có trụ ở đâu? Chúng ta xem kinh Phật, trong mỗi bộ kinh đều thấy nói “Phật tại” nơi nào đó, không hề nói “Phật trụ” ở nơi nào. Nói “tại” là cho quý vị biết chỉ tạm thời thôi, “trụ” là lâu dài, “tại” là tạm thời. Chỉ là khách trọ, ở tạm nơi này, quý vị xem cách dùng chữ ý tứ rất sâu xa, rất đáng suy ngẫm, đều là để giúp chúng ta giác ngộ.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.