(Giảng ngày 8 tháng 3 năm 2000 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 169, số hồ sơ: 19-012-0169)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Mời xem Thái Thượng Cảm ứng thiên, đoạn thứ 99 và đoạn thứ 100. Đoạn thứ 99 có một câu: “Dâm dục quá độ.” (Dâm dục quá mức độ.) Phần chú giải câu này rất dài nên có thể thấy được điều xấu ác này là rất nghiêm trọng. Đoạn thứ 100 có ba câu: “Tâm độc mạo từ. Uế thực ủy nhân. Tả đạo hoặc chúng.” (Trong lòng ác độc, bên ngoài ra vẻ hiền từ. Cho người khác ăn thức ăn dơ. Dùng tà đạo sai trái mê hoặc mọi người.)
Hãy xem câu thứ 99: “Dâm dục quá mức độ.” Trong phần chú giải nói: “Quan hệ [tình dục] sai trái với người ngoài, đánh mất đạo đức, táng tận lương tâm, cho nên đức Thái Thượng rủ lòng răn cấm trước hết.” Điều này phần trước đã nói đến rất nhiều. Sau đó nói: “Đến như vợ chồng chính thức, lại càng phải có sự tiết chế. Nếu nói vợ chồng [quan hệ với nhau] không phải dâm dục, làm sao tránh được tai họa chết người là buông thả ái dục.” Phần sau chú giải nói rất nhiều, quý vị đồng tu nên tự mình xem qua.
Trong Phật pháp thường nói, ái dục là căn bản của sáu đường luân hồi. “Ái bất trọng bất sinh Ta-bà.” (Ái dục không nặng nề ắt không sinh vào thế giới Ta-bà.) Chữ ái đó là chỉ ái dục. “Niệm bất nhất bất sinh Tịnh độ.” (Niệm Phật không chuyên nhất không thể sinh về Tịnh độ.) Hai câu này thật quan trọng thiết yếu.
Trong pháp môn Tịnh độ, hai chữ “hân yếm” (ưa và chán) là bao quát trọn vẹn đầy đủ tất cả. Chán là chán những gì? Chán lìa cõi Ta-bà, chán lìa sáu đường, trước tiên hết phải dứt trừ ái dục. Quý vị còn có những thứ này, dù không hình thành sự việc, chỉ có trong ý niệm thôi cũng là không được rồi. Quý vị có ý niệm [ái dục], quý vị không thể ra khỏi sáu đường luân hồi.
Quý vị nếu muốn vãng sinh thế giới Cực Lạc phải chuyên niệm A-di-đà Phật. Kinh Vô Lượng Thọ dạy chúng ta: “Phát tâm Bồ-đề, một lòng chuyên niệm.” Cho nên, niệm không chuyên nhất là không hiệu quả. Thế nào là chuyên nhất? Trong suốt ngày đêm sáu thời chỉ duy nhất có một niệm này. Trừ niệm này ra, tuyệt không có niệm thứ hai. Như vậy niệm mới chuyên nhất. Người như vậy chắc chắn được sinh về Tịnh độ, thực sự gọi là buông bỏ hết thảy thân tâm, thế giới. Chúng ta phải hiểu rõ được ý nghĩa này.
Nếu có đủ nhân duyên, nhất định phải rộng độ chúng sinh. Vì sao vậy? Vì tương ưng với tâm Bồ-đề, phát tâm Bồ-đề. Không có duyên phần rộng độ chúng sinh, vẫn giữ thệ nguyện kiên cố. Chỉ không có nhân duyên, không có cơ hội, nhưng vẫn sẵn có thệ nguyện kiên cố. Hoàn toàn không phải là không có nguyện độ chúng sinh. Không có nguyện độ chúng sinh, dù niệm Phật đạt đến “nhất tâm bất loạn” cũng không thể vãng sinh. Cho nên, điều kiện để vãng sinh là “phát tâm Bồ-đề, một lòng chuyên niệm”. Quý vị phát tâm Bồ-đề nhưng không một lòng chuyên niệm, quý vị không thể vãng sinh. Chuyên niệm nhưng không phát tâm Bồ-đề cũng không thể vãng sinh. Chúng ta phải ghi nhớ điều này.
Cho nên, ái dục nhất định phải dứt trừ, phải từ trong tâm mà dứt trừ, biết rằng họa hoạn của nó là vô cùng. Từ vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp tu hành không ra khỏi được sáu đường, cũng là do ái dục làm hại. Nếu như trong đời này vẫn không buông bỏ, vậy thì không khác gì so với quá khứ, với thế giới Tây phương Cực Lạc chỉ kết duyên thôi. Quý vị có thể hỏi vậy đến ngày nào có thể vãng sinh? Một đời này có thể vãng sinh chăng? Hỏi rất hay. Khi nào quý vị dứt trừ được ái dục, đó là lúc quý vị được vãng sinh thế giới Cực Lạc. Điều này chúng ta nhất định phải hiểu rõ. Phần chú giải rất dài, nói cách khác, điều đó lên tính quan trọng thiết yếu của câu này.
Bây giờ xem đến ba câu tiếp theo: “Trong lòng ác độc, bên ngoài ra vẻ hiền từ. Cho người khác ăn thức ăn dơ. Dùng tà đạo sai trái mê hoặc mọi người.” Những việc này trong xã hội hiện đại vẫn thường nhìn thấy. Chúng ta phải tự mình phản tỉnh suy xét kỹ, chúng ta có phạm vào những lỗi lầm xấu ác này hay không? Dáng vẻ bên ngoài giả như hiền hòa, lời nói dễ nghe, cách thế giả dối ấy nói thật ra có thể lừa gạt được người đời nhưng đối với những người thực sự có đạo hạnh, có học vấn thì không thể lừa dối được. Ở đời có rất nhiều người ngu si dễ dàng bị lừa. Thời kỳ mạt pháp, đức Phật dạy: “Tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng.” Ma vương ngoại đạo ngụy trang rất nhiều, rất dễ dàng dụ dỗ mê hoặc người đời. Cho nên, chúng ta thường thấy đồ chúng của ma rất đông đảo, tài lực, vật lực phi thường hùng hậu, bốn chúng đệ tử Phật chúng ta hoằng dương Chánh pháp so ra [thế lực] còn kém chúng rất xa. Chúng ma ngụy trang giả dối, ta không giả dối. Ma dùng thủ đoạn, ta không dùng thủ đoạn. Chúng ta vâng theo lời răn dạy của Phật, tùy duyên nhưng không chạy theo duyên; ma chạy theo duyên, hoàn toàn không phải tùy duyên.
“Cho người khác ăn thức ăn dơ.” Câu này suy ra ý tứ rất rộng. Nói chung, những thứ không thể dùng được, mình không dùng được, lại đem ra bố thí cúng dường chỗ này chỗ khác, đều là thuộc về lỗi này.
“Dùng tà đạo sai trái mê hoặc mọi người.” [Phạm vi] điều này càng rộng hơn nữa. Đặc biệt là trong cửa Phật, chúng ta làm sao phân biệt? Đức Phật dạy chúng ta một phương pháp, một nguyên tắc cơ bản là: Tương ưng với giới định tuệ là Chánh pháp, trái nghịch với giới định tuệ là tà đạo. Phạm vi của giới định tuệ cũng rất rộng. Những kinh luận mà đồng học Tịnh độ tông chúng ta y cứ là năm bộ kinh, một bộ luận. Từ những kinh luận đó, tôi trích xuất ra năm khoa mục. Với năm khoa mục này, nếu quý vị có thể khéo vận dụng thì tự nhiên có thể phân biệt được mọi điều tà chánh, thị phi, thiện ác, lợi hại. Cho nên, quý vị sử dụng [năm khoa mục là] Tam phúc, Lục hòa, Tam học, Lục độ và Phổ Hiền thập nguyện làm tiêu chuẩn. Tương ưng với các tiêu chuẩn này là Chánh pháp, trái nghịch với các tiêu chuẩn này là tà đạo, là bàng môn tả đạo.
Trong quá khứ, Lão sư Lý Bỉnh Nam thường dạy tôi phải đề cao cảnh giác, ngoại đạo trong nhà thật không dễ dàng phân biệt. Ngoại đạo ở bên ngoài cửa Phật, quý vị rất dễ nhận biết. Ngoại đạo ở ngay bên trong cửa Phật, cho nên các bậc cổ đức gọi là “ngoại đạo trong nhà”. Những người càng thân cận với chúng ta, nếu có những tư tưởng không thuần chánh, đó đều là “ngoại đạo trong nhà”. Thậm chí cùng ở trong Tịnh độ tông, cùng ở trong Tịnh Tông Học Hội, cũng vẫn có những “ngoại đạo trong nhà”.
Vì sao biến thành ngoại đạo? Vì những người ấy ở đây tu theo Tịnh độ tông, cùng sống chung với chúng ta, nhưng trong lòng muốn làm lãnh tụ, muốn nắm quyền hành. Tâm ý đó là hư hoại, là tâm độc. Những gì là độc? Tham lam, sân hận, si mê là ba độc. Không thể buông bỏ được danh văn lợi dưỡng, ở ngay trong đạo trường này mà tranh quyền đoạt lợi, kéo bè kết đảng, hủy nhục, tự mình đối lập, đều là phạm vào tội lỗi này.
Nếu như chúng ta đem năm khoa mục [nói trên] ra đối chiếu, ngay lúc đó liền phát hiện được [những sai trái]. Quý vị phải có các tiêu chuẩn [chính đáng], thì quý vị mới có thể phân biệt tà chánh, phân biệt thiện ác, phân biệt thị phi. Chúng ta tự thân là một người tâm lành thuần nhất, tự nhiên có chư Phật hộ niệm, các vị trời, rồng, thiện thần theo bảo vệ, giúp đỡ. Ví như có bị tổn hại cũng không oán trời, không trách người, tự mình quay lại phản tỉnh [xét lỗi] bản thân, [nhờ đó] quả báo nặng cũng thành gánh chịu nhẹ. Nếu chúng ta không thực sự tu trì, tu hành thì quả báo ấy so ra phải nhận chịu nặng nề hơn không biết đến bao nhiêu lần. Đó là thuộc về trường hợp tội nặng mà quả báo nhẹ.
Cho nên, trong lòng tự nhiên có thể làm được đến mức nghịch cảnh đến liền chấp nhận, oán kết của ta liền được hóa giải, tai nạn có thể được tiêu trừ. Dù không thể tiêu trừ thì cũng được giảm nhẹ. Cho nên, tâm thiện, lời nói hiền thiện, hành vi hiền thiện, nhất định có lợi ích.
Trong pháp thế gian cũng như xuất thế gian, quyết định không tranh quyền, quyết định không đoạt lợi. Không tranh giành quyền lợi với người khác, không tranh giành địa vị với người khác, chúng ta phải luôn nhớ đến đạo nghĩa. Bất kể mình đang giữ vai trò gì, bất kể tự thân đang có địa vị gì, cũng đều có thể đem hết tâm lực ra cống hiến, vì hết thảy chúng sinh phục vụ. Khi giữ chức vụ, địa vị cao, phải nhận lấy sứ mạng nhọc nhằn khó khăn. Không ở chức vụ cao thì hợp lực, góp sức trợ giúp. Ví như trong đạo trường của chúng ta, chúng ta hết lòng hết sức cùng hỗ trợ cho Lý Hội trưởng. Ông ấy giữ vai trò lãnh đạo, chúng ta đem toàn tâm toàn lực giúp đỡ hỗ trợ. Ông ấy được công đức lớn lao, chúng ta cũng được công đức lớn lao như ông ấy, không hề khác biệt. Quý vị hiểu rõ được chân tướng sự thật này thì tranh giành có gì là tốt?
Phật dạy chúng ta nhẫn nhịn nhún nhường, thế nhưng trong xã hội ngày nay, trẻ con vừa mới sinh ra nói chung đã được dạy dỗ phải cạnh tranh. Quý vị nói xem, như vậy sao có thể được? Vì giỏi việc cạnh tranh, không từ bất cứ thủ đoạn nào để tranh giành, lại được mọi người trong xã hội ngợi khen xưng tán. Xã hội như vậy, con đường tương lai thật rất đáng thương. Ngày xưa, Mạnh Phu tử từng nói với Lương Huệ Vương: “Người trên kẻ dưới tranh nhau điều lợi, đất nước nguy rồi.” Đó là nói một đất nước nhỏ. Người trên là bậc đế vương, kẻ dưới là thường dân bách tính. Mọi người đều tranh nhau điều lợi, cạnh tranh danh lợi, đất nước đó nguy rồi.
Hiện nay chúng ta xem thấy trên toàn thế giới, người trên kẻ dưới đều tranh nhau điều lợi. Cho nên, các tiên tri nước ngoài nói rằng ngày tận thế đã tới, thế giới này nguy rồi. Chúng ta sinh vào thời đại này, phải làm gì đây? Chỉ sinh đến nơi này để chịu khổ nạn sao? Đó là quý vị do kiếp nạn của mình mà sinh đến đây. Nếu không phải do kiếp nạn của mình mà sinh đến đây, thì quý vị sống trong hoàn cảnh này hoàn toàn không bị ảnh hưởng của tai nạn, có thể khuyên bảo dẫn dắt mọi người quay đầu hướng thiện.
Khuyên người khác quay đầu hướng thiện thì trước tiên bản thân mình phải quay đầu, phải nêu gương cho mọi người noi theo. Tự bản thân mình không quay đầu hướng thiện, làm sao có thể khuyên bảo, cảnh tỉnh người khác quay đầu hướng thiện? Cho nên, tự mình phải quay đầu hướng thiện, phải biểu hiện ra là một người “không tranh giành gì với người, không mong cầu gì ở đời”.
Chúng ta làm được hai câu “Phát tâm Bồ-đề, một lòng chuyên niệm” thì đối với chúng sinh mà nói, chúng ta thực sự đã có sự cống hiến. Sự hành trì đó chính là cống hiến. Quý vị không nên cho rằng quý vị làm như vậy không có ai biết. Không ai biết, nhưng quỷ thần đều biết. Ngày nay số lượng quỷ thần học Phật, nghe kinh, niệm Phật, so với những chúng sinh mà ta nhìn thấy được, thật không biết nhiều hơn đến bao nhiêu lần, sao lại không có ai biết? Phước đức tu tập không hề hư dối.
Chúng ta đọc đến câu “Dùng tà đạo sai trái mê hoặc mọi người” liền nghĩ đến những người phê phán bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ [của cư sĩ Hạ Liên Cư]. Đó là trong số những chuyện “dùng tà đạo sai trái mê hoặc mọi người” gần gũi chúng ta nhất, quan hệ sát sao với chúng ta nhất. Cho nên, quý vị suy ngẫm thật kỹ, Chánh pháp ra đời thì nhất định có ma đến gây nhiễu loạn.
Vì sao ma đến gây nhiễu loạn? Vào thời đức Thế Tôn còn tại thế, Ma vương Ba-tuần đã nói rất rõ ràng. Ma không muốn chúng sinh cõi này vượt thoát ba cõi. Chúng vui mừng mong cho ma con ma cháu càng đông càng tốt, càng đông chúng càng vui. Sống lâu nhiều phước đông con cháu, đó là quan niệm của ma, không phải quan niệm của Phật. Nếu Phật hóa độ một chúng sinh thoát ra ba cõi, cũng giống như một người di dân rời đi, lìa khỏi đất nước. Điều đó làm cho người làm vua trong nước phải đau lòng, dân trong nước vì sao phải giảm mất đi một người? Cho nên Ma [vương] hết sức bám chấp.
Ma cũng hộ trì Phật pháp, ma cũng lễ thỉnh pháp sư, đại đức, Phật, Bồ Tát giảng kinh thuyết pháp, nhưng không mong cho người ta được thoát khỏi ba cõi. Quý vị làm việc thiện, tu tích phước đức, ma cũng hoan hỷ, nhưng quý vị muốn thấu triệt lẽ sinh tử, thoát ra khỏi luân hồi thì ma không hoan hỷ, luôn tạo đủ mọi chướng ngại. Chúng ta biết Lão cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập bản kinh [Vô Lượng Thọ], nhưng không biết [bản kinh này] cứu độ được bao nhiêu chúng sinh. Ma thấy bản kinh này thì cố chống phá, luôn nghĩ ra đủ mọi phương pháp, khiến cho mọi người đối với bản kinh này mất đi niềm tin, quay sang đọc tụng bản kinh khác.
Những bản kinh khác, nếu thực sự tụng đọc cũng có thể thành tựu. Thế nhưng chúng ta có thể suy ngẫm thấy, thật không dễ dàng được vãng sinh, bởi vì người như vậy không có định công, không có trí tuệ, không có đức tin sâu. Hôm nay có người nói kinh này hay, liền tin theo, bỏ đi niềm tin trước đó. Ngày mai lại có người khác nói bản kinh khác hay hơn, so với bản này hay hơn nhiều, thế là lại từ bỏ bản kinh hiện tại. Người như vậy tâm luôn dao động, không có chủ đích, rất dễ dàng bị ma lừa gạt. Ngày nay gặp ma, bảo quý vị bản kinh này không hay, quý vị phải học bản kinh khác. Học được một, hai năm, lại có ma khác đến nói với quý vị rằng bản kinh đó cũng không tốt, còn có bản kinh khác hay hơn, khiến cho quý vị trong một đời cứ thường thường thay đổi pháp môn. Vậy thì quý vị không có một thành tựu nào, không có chuyện gì thành công.
Không kể là pháp môn gì, chỉ cần “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu” thì người tu quyết định có sự thành tựu. Nguyên lý, nguyên tắc này chúng ta nhất định phải sáng tỏ. Cho nên, quý vị tùy theo trình độ của mình, tùy theo hoàn cảnh cuộc sống của mình, quý vị vui thích với pháp môn nào thì chọn lựa theo một pháp môn, suốt đời không thay đổi, quý vị nhất định có thành tựu. Người nào thường thay đổi pháp môn, nhất định không có thành tựu. Chư Phật Như Lai cũng không hóa độ được họ, không giúp được họ.