Để thấy rõ tính cách chân thật và giải thoát của thiền, chúng ta hãy thử
tìm hiểu thêm một số tổ chức tôn giáo cùng so sánh với một số sinh hoạt
giả danh là tu thiền.
Tại Hoa Kỳ, có nhiều nhóm sinh hoạt tôn giáo mà người Mỹ gọi là tà phái
(cultism). Những người chủ trương các nhóm đó thường có khuynh hướng
kiểm soát toàn diện đời sống tín đồ và giải thích mọi việc đang xảy ra
theo quan điểm sai lệch của họ. Những nhóm này có thể có ở khắp mọi tôn
giáo, và những người gia nhập thường bị đòi hỏi phải phục tùng tối đa và
hy sinh cuộc đời của họ để được sự che chở.
Chúng ta có thể lấy một trường hợp điển hình là nhóm Đền Thờ Nhân Dân
(Temple’s People) của mục sư Jim Jones. Vị mục sư này có khoảng 3.000
tín đồ. Sau khi bị chính phủ Mỹ điều tra về các hoạt động bất hợp pháp
của giáo phái này, mục sư Jim Jones di chuyển trụ sở từ California sang
Guyana. Nơi đây ông ta đã ra lệnh cho hơn 900 người phải uống chất thạch
tín để tự tử tập thể, sau khi ra lịnh hạ sát một vị dân biểu quốc hội
Hoa Kỳ sang điều tra. Đó là một thảm kịch của tà phái, làm dân chúng Hoa
Kỳ khiếp hãi. Thảm kịch này lại vừa tái diễn khi mục sư David Koresh ra
lệnh cho tín hữu bắn các nhân viên chính quyền liên bang Hoa Kỳ khi họ
đến tịch thu súng ống tại khu vực nhà thờ của ông ở vùng Waco, Texas.
Riêng trong các nhóm tu thiền hay tự cho mình là Thiền Phật giáo, trong
cộng đồng Hoa Kỳ cũng như ở Việt Nam, chúng ta chưa thấy có một bảng
liệt kê những nhóm thuộc tà phái như các chuyên viên đã làm đối với các
nhóm tà phái trong Thiên Chúa giáo để giúp giáo dân nhận ra đâu là những
tổ chức đạo chân chính và đâu là những nhóm lợi dụng hay mê hoặc tín đồ.
Tuy nhiên, nếu căn cứ vào những nguyên tắc do các chuyên viên tâm lý đề
ra để nhận biết những nhóm tà phái đang hoạt động, và nhất là lời dạy
của các bậc chân tu như thiền sư Thích Thanh Từ, đức Đạt-lai Lạt-ma,
thiền sư Hư Vân.v.v... cùng các kinh điển Phật giáo, nhất là kinh Kim
Cang và kinh Pháp Bảo Đàn của Lục Tổ Huệ Năng, người ta có thể dễ dàng
phân biệt rõ.
Một cách rất giản dị, nếu người nào “dạy đạo” mà lại muốn thực hành sự
kiểm soát toàn diện đời sống người tín đồ và dạy cho họ thực hành những
phương thức “thiền” để duy trì và phát triển sự lệ thuộc đó, thì đó
chính là tà phái. Họ có thể sử dụng các danh từ Phật giáo, nhưng thật ra
họ chẳng dính dáng gì đến đạo Phật cả. Hậu quả nguy hại của những người
thực hành “thiền” sai lầm là họ bị “tẩu hỏa nhập ma”, như có các ảo giác
(hallucination), tưởng tượng mình bay đến nhiều chỗ, gặp Tiên, Phật,
Thánh, Trời hay các loài ma quỷ. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, đức Phật
dạy phải tránh lối tu này, vì đó là cách thực hành sai lầm tạo ra những
tai hại cho đời sống.
Chúng ta nhận biết dễ dàng những người này vì họ mất đi khả năng phân
biệt những gì vốn có thật, thực tại, và những gì là ảo giác, do tưởng
tượng mà có. Có những người lại bị ràng buộc, lại bị nô lệ vào những
hình ảnh không thật hay hình ảnh người hướng dẫn. Hậu quả trên là do sự
thực hành thiền sai lầm, như thay vì buông xả họ lại chấp dính vào một
hình ảnh, thay vì trực tiếp nhận biết mọi ý tưởng đến và đi họ lại cố đè
nén những ý tưởng, những cảm giác, những tâm tư mà họ e ngại hay sợ hãi,
hoặc là cố giải thích mọi điều theo sự tránh né ấy. Có người ngồi Thiền
mà cứ bị hình ảnh của “thầy” mình ám ảnh, không khác gì tâm trạng của
một em bé luôn muốn có cha hay mẹ ở kế bên. Để gia tăng sự lệ thuộc này,
họ được khuyên là nên chấm dứt việc thờ Phật mà chỉ thờ hình ảnh người
dạy họ. Một số người không hiểu dụng ý của họ, đã đem hình Phật xuống và
để hình người dạy họ lên bàn thờ. Nhiều người Phật tử cùng tín đồ tôn
giáo khác đã làm như trên.
Điều ấy lại tạo ra những bất an nội tâm, những xung khắc trong gia đình
vì nhiều người dùng sự “thiêng liêng” làm phương tiện để thách thức,
chống đối, đàn áp hay trốn chạy những người khác trong gia đình. Hình
ảnh của “vị thầy” cùng những lời “dạy đạo” được họ dùng làm vũ khí khích
bác hay áp chế những người trong gia đình hay bà con thân thuộc. Hậu quả
là các vấn đề khó khăn trong gia đình gia tăng và đưa đến sự đổ vỡ: nhẹ
là xung đột, nặng là ly dị. Con cái của họ là những kẻ phải gánh nhiều
hậu quả tai hại hơn ai hết.
Sự kiện trên rất dễ nhận biết và nếu biết sớm thì rất hữu ích cho người
bị mê mờ. Những hành vi họ biểu lộ như thế giúp cho những người khác
trong gia đình hiểu được các triệu chứng của căn bệnh tâm trí ở trong
vùng vô thức của vợ, chồng hay con cái của mình và tìm cách đưa họ đến
các chuyên viên tâm thần để chữa trị. Nhiều bác sĩ tâm thần đã nghiên
cứu cái gọi là cách “tẩy não” và nhận thấy những nhóm tà phái ngày nay
đã bắt chước cách ấy để tẩy não tín đồ theo họ. Đó là sự nguy hại mới
trong xã hội hiện nay, vì khi thực hành những điều sai lầm đó thì người
tín đồ đè nén những hiểu biết chân thật của họ dưới áp lực của nhóm.
Người trong nhóm đề cao họ nhưng lại chê bai vợ con họ nếu những người
này không tin theo, hoặc đe dọa sẽ trừng trị qua sự trù ếm nếu họ rút
lui khỏi tổ chức, cùng nhiều cách thức khác.
Sự đè nén gia tăng, sự lệ thuộc gia tăng, sự tránh né giải quyết các vấn
đề trong đời sống thực tế gia tăng khi càng cố thực hành kiểu “thiền đè
nén” hay “thiền nô lệ” ấy. Sự thực hành “thiền” sai lạc nói trên đưa đến
hậu quả là họ không còn phân biệt thực tế và ảo giác, những gì đang thực
sự xảy ra và những gì họ tưởng tượng là đang xảy ra. Họ có thể có những
quyết định phi lý hay sai lầm làm tổn thương bản thân hay gia đình.
Những người chung quanh đều thấy rõ như thế, nhưng những nạn nhân của tà
phái lại không nhận biết điều ấy, vì họ sử dụng, một cánh vô thức, cơ
chế tự vệ: phủ nhận những gì đang thực sự xảy ra chung quanh.
Trên thực tế, những ai thực hành như trên thì không phải “tu thiền” mà
chỉ là thực hành sự chạy trốn vào những ảo ảnh. Hậu quả là đời sống gia
đình càng lúc càng mất hạnh phúc, công việc làm càng giảm sút hiệu quả,
việc làm ăn thua lỗ hay thất bại do những quyết định không dính dáng đến
thực tế.
Những điều nói về cách tu tập sai lầm và các ảo giác xuất hiện đã được
đức Phật chỉ rõ trong Kinh Lăng Nghiêm.